La Di, La Gi hay La Ghi?

Thiếu Khanh

Tôi vừa xem trên TV một video giới thiệu thị xã La Gi ở Bình Thuận mà người giới thiệu từ đầu đến cuối gọi tên thị xã ở phía Nam tỉnh Bình Thuận này là La Ghi.

Hồi nhỏ ở quê, khoảng 70 năm trước, tôi thường nghe người trong làng nói đến những từ Cù Mi – La Gi. Tôi không hiểu, nhưng là con nít, tôi không thắc mắc. Lớn lên tôi biết đó là những địa danh ở đâu đó phía cực Nam của tỉnh Bình Thuận mà quê tôi ở phía Bắc của tỉnh. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao người làng tôi có vẻ quen thuộc với hai nơi đó, ít nhất là với hai cái tên làng hoặc xã này.

Về sau, tôi biết thêm đó là hai xã thuộc huyện Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận. Vào khoảng năm 1956 nhà nước Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa tách một phần phía Đông tỉnh Bình Thuận và một phần của tỉnh Đồng Nai Thượng để lập nên tỉnh Bình Tuy. Các làng Cù Mi và La Gi nằm trong tỉnh mới lập. Sau năm 1975, tỉnh Bình Tuy được giải thể và nhập trở lại vào Bình Thuận. Năm 2005 La Gi trở thành một thị xã, cảng cá quan trọng của Bình Thuận, trong khi Cù Mi vẫn là một xứ đạo thuộc huyện Hàm Tân.

Khi đọc sách Đại Nam nhất thống chí, tôi nhận thấy sách chỉ chép tên của hai con sông là La Di giang, và Phù Mi giang, và hai Tấn (cửa sông) của hai con sông này, là “Tấn La Di” và “Tấn Phù Mi.” Vậy La Di và Phù Mi chỉ là tên hai con sông, chớ chưa phải tên các đơn vị hành chính. Có lẽ khi vua Tự Đức sai làm bộ sách này vào năm 1841, vùng này chưa có dân cư, hoặc dân cư còn thưa thớt chưa lập thành làng/xã. Về sau, khi trở thành các đơn vị dân cư, các tên sông ở đây trở thành tên làng/xã, nhưng là các làng/xã La Gi – không phải La Di, và làng/xã Cù Mi – không phải Phù Mi.

Bộ sách Đại Nam nhất thống chí của Viện Sử học (Hà Nội) tổng hợp tư liệu từ bộ Đại Nam nhất thống chí (cũ) triều vua Tự Đức, và bộ Đại Nam nhất thống chí dưới triều vua Đồng Khánh vào đầu thế kỷ 20 (1909). Suy ra, có lẽ các làng/xã La Gi và Cù Mi thành hình sớm nhất từ khoảng nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đây thôi. Và tên của hai con sông chính ở đây hiện nay là Sông Dinh và sông Phan, chớ không còn tên Cù Mi và La Gi như trong sách vào giữa thế kỷ 19. Hai tên mới này đã có từ lâu lắm, nhưng có lẽ không ai nhớ hay biết sự thay đổi đã xảy ra từ bao giờ.

Tháng trước, trên đường từ Kê Gà ra Phan Thiết, vợ chồng con gái tôi trò chuyện với nhau có đề cập đến La Ghi. Tôi biết con đang nói về La Gi, tôi bảo con:

“Địa danh đó là La Gi con à. Không phải La Ghi.”

Nhưng con gái nói: “Con nghe mọi người nói La Ghi nên con nói theo họ. Con chưa hề nghe ai nói La Gi cả.”

Thực ra, bản thân tôi có lần cà phê trò chuyện với một người bạn nhà báo. Anh ấy kể cái thú về La Ghi thưởng thức hải sản tươi. Tôi nhắc anh địa danh đó là La Gi. Anh lắc đầu khẳng định: “Trước giờ mọi người đều gọi nơi đó là La Ghi, không ai gọi là La Gi đâu!”. Tôi im lặng, vì chính tôi thỉnh thoảng cũng nghe thấy một số nhân vật hoặc người dẫn chương trình trên TV nói La Ghi. Tôi nghĩ họ nói sai vì chỉ nghe qua người khác mà không nhìn thấy chữ viết. Nếu nhìn thấy chữ viết trong sách báo, hoặc cái bảng căng dài trước HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THỊ XÃ LA GI chắc chắn là họ phải đọc tên thị xã đó là La Gi. Không thể khác được.

Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Bình Thuận

Tôi nói ý đó với con, nhưng con gái đáp: “Tuy chữ viết như vậy, và sách báo cũng viết thế, nhưng dù cầm giấy nhìn chữ, họ vẫn đọc La Ghi, chớ không đọc La Gi như ba. Có lẽ đây là cách đọc mới, hoặc cách đọc đã biến đổi!”.

Con rể, đang lái xe, góp ý: “Có thể do người nào đầu tiên nói sai, những người sau nói sai theo, rồi tụi con nói theo họ. Đến một lúc tất cả mọi người đều nói sai, cái sai thành ra đúng. Bây giớ có vẻ nó đã chính thức là La Ghi rồi, ba!”

Thành phố Sài Gòn có ít nhất hai trường hợp các địa danh bị nói sai lâu ngày đã trở thành tên chính thức. Đó là đường Hàng Sanh ở quận Bình Thạnh, vốn ngày xưa dọc hai bên đường có trồng hai hàng cây Sanh, vì thế người ta gọi là đường Hàng Sanh. Loại cây này có tên khoa học là Ficus benjamina, cũng được gọi là cây Si, thường có “thế” đẹp nên được người chơi cây cảnh “hãm” vào chậu làm cây bonsai. Khi chỉnh trang đô thị và đường được mở rộng, hai hàng cây Sanh bị đốn bỏ. Lâu về sau, người ta quên mất hàng cây Sanh, và nhận thấy từ “Hàng Sanh” là không có nghĩa, người ta nghĩ từ Hàng Xanh có lẽ có ý nghĩa hơn.

Trường hợp thứ hai là Gò Vắp, là cách nói tắt của “Gò có nhiều cây Vắp,” là một Gò đất trên đó người ta trồng, hoặc mọc tự nhiên nhiều cây Vắp (sách Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ có ghi Gò Vắp, và “Vắp là tên loại danh mộc”). Cây có danh pháp khoa học là Calophyllaceae, thuộc họ mù u). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khu vực này đã đông đúc dân cư nhưng vẫn còn vẻ nông thôn ở ngoài rìa thành phố với nhiều đường đất quanh co trong xóm. Các cây Vắp đã biến mất từ rất lâu trước đó, nhường chỗ cho nhà cửa dân cư từ khắp nơi đổ vào thành phố. Cũng từ lâu người ta đã quên mất cây Vắp, và thấy từ Vắp tưởng là vô nghĩa, mới đổi thành Vấp. Gò Vấp. (Dù Vấp ngã đi nữa cũng có nghĩa hơn!)

Nhưng từ La Gi biến thành La Ghi không thuộc cách biến đổi này.

Trở lại với địa danh La Gi, sách Đại Nam nhất thống chí, tập III (dịch giả Phạm Trọng Điềm, học giả Đào Duy Anh hiệu đính, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1971), trong đó, Quyển XII phần về tỉnh Bình Thuận ghi tên La Di bằng chữ Hán (羅夷).Hai chữ Hán này không có nghĩa, tác giả sách Đại Nam nhất thống chí chỉ mượn hai chữ Hán đó để phiên âm một từ tên gọi có lẽ là từ cổ của người Chân Lạp (vùng đất này xưa thuộc Chân Lạp, quốc gia tiền thân của Campuchea).

Giải thích tại sao tên La Di trong sách bị đổi thành La Gi (để sau đó biến thành La Ghi), hiện đang có người cho rằng trong thời Pháp thuộc người dân bản xứ đã đổi ra như thế để người Pháp đọc đúng âm La Gi, nếu không, người Pháp sẽ đọc thành La Đi theo âm tiếng Pháp. Lời giải thích này gượng ép hoặc giả tạo, và không hợp lý.

Tuy chữ Quốc ngữ đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 17, và tờ báo in chữ Quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định Báo, ra đời vào năm 1864, nhưng cho đến đó chữ Quốc ngữ còn giới hạn trong giới tín đồ Công giáo, chưa phổ biến nhiều trong các tầng lớp dân chúng, và nhất là còn phải chịu đựng sự chống đối của giới sĩ phu. Năm 1869, Thống đốc Nam Kỳ, là Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier, mới ra nghị định bắt buộc dùng chữ Guốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn của chính quyền ở Nam Kỳ, tức là chính thức công nhận chữ Quốc ngữ. Tuy vậy đa số dân chúng vẫn không hưởng ứng, nhất là giới sĩ phu trong nước tiếp tục chống đối quyết liệt. Chín năm sau đó, năm 1878, “Thống đốc Nam Kỳ, lần này là Chuẩn đô đốc Louis Charles Georges Jules Lafont, ký Nghị định 82 ấn định “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ.”

Vậy mà đến năm 1945, vẫn có hơn 90% dân số trong nước mù chữ.

Nóí như thế để thấy rõ rằng thời kỳ đầu thuộc Pháp, nhiều người Việt trong nước còn đang chống Pháp, chống lại chữ Quốc ngữ, gọi đó là “chữ Tây Quốc ngữ” vì cho là sản phẩm của kẻ thù; trong dân chúng ở một vùng đất mới xa xôi như thế chẳng có được mấy người biết chữ Quốc ngữ để lo sợ người Pháp đọc không đúng hai chữ LA GI.

Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Quận Nhứt Sài Gòn bây giờ (và một phần Khánh Hội bên kia sông) là thuộc làng cổ Láng Thọ. Tên Láng Thọ được người Pháp đọc theo lối Pháp (với chữ H muet – H câm); lâu ngày Láng Thọ biến thành Lăng Tô. Sách Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển[1] và một truyện ngắn (tôi có dịch sang tiếng Anh nhưng lâu ngày quên tên) của nhà văn Nguyễn Văn Sâm, có nhắc đến danh từ Lăng Tô này[2]. Thời đó chiều chiều nam thanh nữ tú Sài Gòn đi dạo Lăng Tô như một cái mốt thời thượng như ngày nay người ta đi dạo phố Lê Lợi. Ngày nay không ai còn nhớ cả tên Láng ThọLăng Tô.

Rồi một số địa danh ở ngoài Bắc như Hồng Hải biến thành Hòn Gai; làng Hương Bì thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh biến thành Uông Bí (nay là một thành phố đô thị cấp II); làng Côn Thiên ở xã Gio Sơn tỉnh Quảng Trị biến thành Cồn Tiên, và cái mảnh đất mũi Khe Gà có ngọn hải đăng của tỉnh Bình Thuận này biến thành Mũi Kê Gà (nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam), v.v. đều do cách đọc không phát âm chữ H của người Pháp. Sao người Việt ở những nơi làng xóm đông đúc và lâu đời đó không bảo vệ tên của chúng mà lại lo giữ cái tên cửa sông La Di nhỏ nhoi vô danh ở nơi héo lánh chưa có bao nhiêu dân cư, lo người Pháp đến đó đọc không đúng?

Tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có bãi biển du lịch có tên Đề Gi. Không biết người địa phương và du khách đến đó có ai gọi nơi đó là Đề Ghi không?

Để giải thích sự dị biệt giữa chữ La Di trong sách Đại Nam nhất thống chí và chữ La Gi ngoài thực tế trên tấm bảng “Hội Đồng Nhân Dân Thị Xã LA GI” và trong các văn kiện hành chánh của thị xã này, có lẽ nên thấy nguyên nhân là do ngữ âm của người dân địa phương nói riêng, và ngữ âm của dân xứ Đàng Trong nói chung, đã được thể hiện ngay từ ngày đầu tiên người dân ở đây viết tên làng xã mình bằng chữ Quốc ngữ.

Khi các nhà truyền giáo cùng linh mục Francesco de Pina đến xứ Đàng Trong, họ lập trú sở tại làng Thanh Chiêm, tỉnh Quảng Nam. Do tiếng Việt được vị linh mục này ghi âm tại đây nên chữ Quốc ngữ thời đó phản ảnh nét giọng người Quảng, và nói chung là âm giọng người xứ Đàng Trong.

Xứ Đàng Trong của chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) là bắt đầu từ sông Gianh tận ngoài Quảng Bình, nhưng ngữ âm của người miền Nam xứ Đàng Trong thể hiện rõ ngay từ phía Nam đèo Hải Vân. Từ Đà Nẵng trở vô hết miền Nam người ta phát âm từ GIAO DU hay GIAO DỊCH như nhau – cùng là một âm hữu thanh /j/ cho cả Gi và D. Vì thế, người dân ở đây đã viết tên làng mình là La GI, thay vì La Di theo giọng người Đàng Ngoài. (Trong sách Syllabaire Quâc Ngử (sic), của ông Thế Tải Trương Minh Ký, phân biệt từ Gi là giọng của Đàng Ngoài là không hợp lý.)

Giả thuyết cho rằng cách đọc chữ GI đã biến đổi thành GHI – nếu có giả thuyết như thế – là không đúng. Ngoài một từ duy nhất được viết (ghi âm) không đúng âm đọc là từ Quốc (mà sự thay đổi cách viết có lẽ mới xảy ra sau năm 1945; trước đó, Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình Tịnh Của, và tựa sách Syllabaire Quâc Ngử (chữ Quâc không có dấu sắc và Ngử dấu hỏi trong nguyên bản) của ông Thế Tải Trương Minh Ký xuất bản tại Sài Gòn cùng năm 1895 vẫn ghi nhận chữ QUẤC), tiếng Việt không có thêm một từ nào có mặt chữ viết và âm đọc khác nhau – ngoại trừ giọng vùng miền. Không có một nguyên tắc biến đổi ngữ âm nào như vậy.

    image

 

Giáo sĩ Francesco de Pina dùng những chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt. Những chữ cái này tự nó đã có mang một số tính chất về biến đổi ngữ âm của các ngôn ngữ Ấn Âu tại châu Âu, đặc biệt rõ trong sự biến đổi âm của ký tự G khi kết hợp với một số nguyên âm nhất định. Tính chất này mặc nhiên được áp dụng khi ghi âm tiếng Việt. Cụ thể là, khi kết hợp với các nguyên âm A, O, và U, chữ cái G sẽ có âm /g/ (gờ).

Trong tiếng Việt, các nguyên âm trên có các “biến âm”: A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U và Ư. Tất cả những từ mà G kết hợp với các nguyên âm này đều có âm /g/. Ví dụ: Gà, Gánh, Gấp, Gặt… Gọi, Gốm, Gờm,…Gút, Gượm, Gương

Nhưng trong các thứ tiếng Anh và Pháp, khi kết hợp với các nguyên âm E, I và bán nguyên âm Y thì ký tự G không còn mang âm /g/ nữa, mà phải đổi thành âm /j/ (giờ). Trong chữ Quốc ngữ, ta phải dùng hai ký tự Gh mới ghi được âm /g/ trong trường hợp này. Vậy chữ GI trong La Gi phải được đọc là Gi /ji/, như trong chữ giữ gìn, theo âm miền Nam, hay như phát âm những chữ yet, your, yellow trong tiếng Anh. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy gọi âm Gi này là loại “âm suỵt,” “là do lưỡi uốn cong lên mà phát ra như khi người ta nói “suỵt.” (hoặc có chỗ khác ông gọi là âm “uốn.”). Tiếng Việt không có trường hợp viết GeGy.

Nói tóm lại, địa danh đó là LA GI, và phải được đọc/nói/phát âm là /la: ji/ chớ không phải /la: gi/ (La Ghi).

Dường như một số người trong giới truyền thông trong nước có khuynh hướng nói sai từ này nhiều nhất. Mà ảnh hưởng của truyền thông lan tỏa rất mạnh, không loại trừ khả năng có thể tác động tới cả lớp người trẻ ở địa phương này. Nếu điều này không sớm được chấn chỉnh, không bao lâu nữa cái tên La Gi lâu đời của thị xã cảng cá quan trọng của tỉnh Bình Thuận có thể bị biến đổi chỉ vì sự vô tình hay kém hiểu biết của vài cá nhân làm truyền thông.

TK.


[1] Trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển viết: “Thú phong lưu thuở ấy là chiều chiều ngồi xe song mã đánh một vòng "Lăng Tô" (Láng Thọ nói giọng Tây), hoặc ngồi xe kéo bánh cao su đặc, ra bến tàu hóng mát.” (Văn Việt)

[2] Đó là truyện “Câu hò Vân Tiên”. Trong truyện này, địa danh Lăng Tô được nhắc đến hai lần:

“Không khí căng thẳng như bữa dàn trận chém lộn hồi năm ngoái ở Lăng Tô giữa đám anh chị bên Khánh Hội với mấy tay tổ xóm Cầu Kiệu mà Tây Tà phải trầy vi tróc vẩy mới giải tán được…”

“Lăng Tô là chỗ của những cặp tình nhân, những người có gia đình.”

(Văn Việt)

Comments are closed.