MATSUO BASHÔ Bậc Đại Sư Haiku

Giới thiệu vài đoạn tiêu biểu của
Đường mòn miền Bắc

(phần dịch bổ túc do NNT
để minh họa chính văn của Ueda)

Mào đầu du ký (Jobun )

Ngày, tháng75, muôn đời vẫn là khách qua đường76. Năm cũ ra đi, năm mới đến nhưng phận chúng có khác gì cái thân lữ khách. Đối với kẻ lái đò trên sông nước hoặc người mã phu dắt hàm thiếc ngựa đưa đón khách đến già, mỗi ngày đã là một chuyến đi, họ lấy cuộc đời vô định làm nơi thường trú đấy thôi. Xưa nay, những người chọn cuộc đời phong lưu tao nhã (như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Saigyô (Tây Hành), Sôgi (Tông Kỳ)77…) phần nhiều đều bỏ mình trên bước đường du lữ.

Chẳng biết từ dạo nào, khi ta nhìn đám mây trôi giạt theo làn gió mời mọc, bỗng chạnh lòng viễn phương, nên bước chân đã quanh quẩn trên những bãi biển xa xôi nơi cuối đất78. Mùa thu qua, ta về nghỉ thư giãn ít lâu, quét màng nhện trong túp lều tróc mái79 bên dòng sông Sumida. Khi năm mới bắt đầu và lúc nhìn lên trời thấy sương lam đã chuyển mùa vào tiết sơ xuân, lần này ta muốn vượt cửa quan Shirakawa (Bạch Hà)80 nối dài bước chân đến vùng Michinoku (Lục Áo)81. Theo tiếng gọi của ông Thần Cám Dỗ (Sozorogami) để được nghe thấy thêm những điều mới mẻ, lòng ta tưởng như điên loạn. Tưởng rằng cả vị Thần Đi Đường (Dôsojin) cũng chèo kéo mình, ta càng không giữ nổi bình tĩnh. Ta mới vá chiếc xà cạp bó đùi đi đường đã rách, thay quai nón lá cũ, châm cứu huyệt Tam Lý 82 vv… Trong khi sửa soạn mọi thứ cho chuyến hành trình thì hình ảnh mảnh trăng trên chùm đảo Matsushima đã bám chặt tâm trí mất rồi. Ta bèn nhường Am Bashô cho người khác và về trú tạm trong gia trang của Sampuu. Lúc ấy ta có làm được câu thơ sau :

Kusa no to mo
Sumi kawasu yo zo
Hina no ie

Dù là liếp nhà cỏ,
Cũng thay chủ đổi đời83,
Nay chim non84 đến ở

Để kỷ niệm, ta dùng nó như một câu hokku (câu mở đầu) làm thành tám câu thơ tựa đề cho chùm renku (thơ nối vận) rồi dán nó lên cột cái am cũ85.

Cánh đồng Nasu (Nasuno, )

Cánh đồng thu

Vì có người quen sống ở một nơi tên Kurobane trên cánh đồng Nasu86 nên ta mới từ Nikko băng qua đồng, theo lối tắt để tìm đến nơi. Trong khi nhắm một làng thôn xa xa phía trước để tiến bước thì trời chợt đổ mưa và ngày cũng đã xế bóng. Ta bèn ngủ đỗ ở ngôi nhà một người nông phu, rồi khi vừa rựng sáng lại bắt đầu tiếp tục đi bộ giữa cánh đồng. Ở đấy lúc đó có một con ngựa đang được thả ăn. Ta bèn kể khổ với người đàn ông đang cắt cỏ và muốn xin mượn ngựa để đỡ mỏi chân. Tuy là kẻ làm ăn nơi ruộng rẫy, anh ta thực có tình người vì mới nghe nhờ xong, anh đã bảo : « Ối, có chi nào ! Bây giờ tôi không thể bỏ việc mà đi chỉ đường, còn để bác là người lần đầu tới xứ này phải lạc lối tôi cũng mang tội, thôi thì bác cứ lấy ngựa mà cưỡi, đến chỗ ngừng được lại trả nó về đây ». Thế rồi anh cho ta mượn ngựa.

Hoa nữ lang (Nadeshiko)

Có hai đứa trẻ chạy theo đuôi. Một em là gái trông rất kháu khỉnh, tên bé là Kasane. Đó là một cái tên ít ai đem đặt nhưng nghe cũng dễ thương. Sora bèn có bài thơ vịnh rằng :

Kasane to wa
Yae nadeshiko87 no
Na narubeshi

Tên em là cô Kép,
Phải hiểu : nhiều tầng cánh,
Như loài hoa nữ lang.

Chẳng bao lâu, chúng tôi đã đặt chân đến chỗ có làng xóm, bèn giắt tiền mướn ngựa trên yên rồi trả ngựa lại.

Cây liễu nhà sư vân du (Yugyôyanagi, )

Dưới bóng cây liễu nhà sư vân du 88, pháp sư Saigyô đã vịnh bài thơ nổi tiếng sau đây:

Michi no be ni
Shimizu nagaruru
Yanagikage
Shiba to tote koso
Tachidomari tsure

Bên vệ đường đó,
Nước chảy trong sao.
Có bóng dương liễu,
Tưởng ghé một chút,
Nấn ná thành lâu!

Liễu

Cây liễu nằm ven làng Ashino, nay vẫn thấy ở bên bờ ruộng. Chức quan thuộc Bộ Hộ họ Mỗ quản lãnh khu vực 89 có lần cho biết ông mong ta thể nào cũng nên đến xem một lần khi có dịp. Ta thắc mắc không hiểu nó nằm ở nơi đâu và vẫn định bụng phải ngắm cho được thì ai ngờ hôm nay, lại đang đứng tựa dưới bóng râm của cây liễu ấy:

Ta ichimai
Uete tachisaru
Yanagi kana

Cấy vừa xong thửa mạ,
Đã phải chịu rời xa,
Cây liễu ấy chăng là?90

Cửa quan Shirakawa (Shirakawa no seki, )

Trong tâm trạng bất an của cuộc lữ hành không vì một cớ rõ rệt khiến lòng bồn chồn, ta đã tiến gần đến cửa quan Shirakawa. Lúc ấy, ta mới cảm thấy lúc này mới thực sự là du lịch. Ngày xưa, tướng Taira no Kanemori91 khi đến nơi ấy, đã vịnh một bài thơ bày tỏ lòng cảm khái và nhờ người nhắn tin về kinh đô. Ta nghĩ đó là một điều không có chi thích đáng hơn.

Cửa quan Shirakawa, một trong ba hùng quan của miền Đông, ai là tao nhân mặc khách đều quan tâm đến nó. Họ đã để lại biết bao nhiêu là thơ đề vịnh nói lên tâm tình của mình. Hồi tưởng lại bài thơ của tăng Nôin92 viết về tiếng gió thu, bài thơ của tướng Yorimasa93 vịnh lá đỏ, ta ngẩng đầu nhìn những ngọn cây xanh hiện ra trước mắt. Cũng mang màu trắng của hoa “u”94(hoa mão) trong cổ ca, những cánh hoa gai nở chen vào chúng làm ta cảm thấy mình như đang như bước đi giữa tuyết. Ngày xưa quan đại phu Takeda Yukimasa95 đến cửa quan này, vì muốn tỏ lòng thành kính với bài thơ của Nôin, đã thay đổi áo xống chỉnh tề rồi mới dám đi qua. Đó là sự tích đã được Fujiwara no Kiyosuke96 ghi lại trong tác phẩm Fukuro Sôshi. Sora bèn có thơ:

U no hana wo
Kazashi ni seki no
Haregi kana

Điểm một vùng hoa u,
Cửa quan như làm dáng,
Mặc áo hội toàn trắng.

Tiểu quốc Hiraizumi (Hiraizumi, )

Vinh hoa của ba đời dòng họ Fujiwara97 chỉ là một quãng thời gian ngắn như giấc mộng. Ngày nay khu vực Hiraizumi trở thành hoang phế, dấu tích của đại môn phủ thành ngày xưa chỉ còn cách ta mỗi một dặm. Phủ đệ nơi Fujiwara Hidehira từng ở nay trở thành ruộng nương, còn lưu lại chăng là Kinkeizan (Kim Kê Sơn) nghe là ngọn đồi ông cho đắp nên.

Trước tiên ta lên Takadachi ( phủ thành trên cao)98 nơi Yoshitsune99 từng cư ngụ, nhìn xuống thấy dòng Kitakami đang chảy. Sông này bắt nguồn từ vùng Nanpu và là một con sông lớn. Còn sông Koromogawa thì chảy quanh phủ thành Izumi, nơi xưa là nơi Izumi no Saburô Tadahira (em trai Yasuhira) đã sống. Dưới chân thành ấy, dòng Koromo hợp lưu với dòng Kitakami. Dấu phủ cũ của Yasuhira thì ở bên kia bờ Koromo, ngăn cách với Kita no seki (cửa quan phía Bắc), được dựng ra như muốn bảo vệ chặt chẽ lối ra phía nam của nó, phòng kẻ man di (Ezo) xâm nhập.

Dù vậy, Yoshitsune với những nghĩa binh kiêu dũng do ông tuyển mộ đã bị vây trong thành Takadachi này. Chiến đấu một cách anh hùng đấy nhưng rồi công danh của họ cũng tiêu tan như một giấc mơ ngắn ngủi. Bây giờ dấu tích đó đã bị vùi trong đám cỏ mùa hạ mọc tràn lan. “Quốc phá sơn hà tại. Thành xuân thảo mộc thâm”, Bồi hồi nhớ lại câu thơ Lão Đỗ, ta bèn cởi nón, ngồi xuống nghỉ chân, và cứ thế, nhỏ giọt lệ ngậm ngùi việc xưa.

Natsukusa ya
Tsuwamonodomo no ga
Yume no ato

Lớp cỏ dày mùa hạ,
Đã chôn vùi tất cả
Giấc mộng đoàn quân xưa.

Hồn ma của Tướng Yoshitsune
trong vở Nô nhan đề Yashima

Chùa Rikushaku (Rikushakuji, )

Trong vùng Yamagata có một ngôi chùa núi tên Rikushakuji (Lập Thạch Tự). Hình như do ngài Jikaku daishi (Từ Giác đại sư)100 khai sơn, là chốn thanh u không đâu sánh được. Theo lời khuyên của mọi người, ta không thăm đầm Obana nữa mà đi ngược về phía trên, nhắm hướng chùa Rikushaku.Đoạn đường dài độ bảy ri (lý). Vì hãy còn thời giờ trước khi mặt trời khuất bóng, giữ chỗ ở nhà trọ trong xóm dưới chân núi xong, ta leo lên thăm tăng đường trên đỉnh.

Địa hình nơi đó có những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau, qua nhiều năm tháng, cây cối mọc um tùm. Đất và đá đã bị rêu bao phủ, những ngôi chùa con xây trên nền đá đều đóng cửa im lìm. Đi vòng theo mặt ghềnh, nói đúng hơn là bò trên đá, ta tới được Phật điện để tham bái. Cảnh sắc chung quanh vô cùng đẹp đẽ và thanh tĩnh làm ta không khỏi ngạc nhiên. Lạ thay, mọi thứ vướng bận lòng ta đều như rũ sạch.

Shizukasa ya
Iwa ni shimiiru101
Semi no koe

Tịch mịch quạnh hiu sao,
Rền rĩ tiếng ve sầu.
Thấm mất vào thớ đá

Đầm Kisagata (Kisagata, )

Cho đến nay, ta từng được du ngoạn biết bao nhiêu nơi sơn thanh thủy tú nhưng bây giờ phong cảnh đầm Kisagata lại thôi thúc lòng mình muốn lên đường.Từ cảng Sakata tiến về phía bắc chỉ có 10 ri (lý), khi ta đến một nơi tên Shiogoshi102, ngày đã ngả bóng chiều, gió triều mặn bắn tung cát lên và mưa rơi mù mịt, che khuất cả ngọn núi Chôkaisan (Điểu Hải Sơn). Như cho tay mò mẫm trong bóng tối, ta thử hình dung cảnh sắc đẹp đẽ hiện đang vùi trong cơn mưa và phỏng đoán khi mưa tạnh nó sẽ ra thế nào. Vừa hồi tưởng đến những câu thơ trong bài Tây Hồ103 của Tô Đông Pha, ta lom khom chui vào căn lều thấp lè tè của một người đánh cá, chờ cho mưa tạnh.

Ngày hôm sau trời bất chợt hửng nắng, vầng dương lại ló dạng, ta mới lên thuyền ở Kisagata. Trước tiên neo thuyền ghé lên đảo Nôin, thăm vết tích chốn xưa pháp sư đã 3 năm sống đời ẩn dật, thế rồi qua bờ bên kia, leo lên đất liền, nơi có cây anh đào già mà pháp sư Saigyô cũng từng ngâm vịnh:

Kisagata no sakura wa
Nami ni uzumorete
Hana no ue
Kogu ama no tsuribune

Những đóa anh đào,
Kisagata
Vùi trong sóng nước,
Thuyền ai câu cá,
Chèo lướt trên hoa.

Bây giờ cây anh đào già ấy hãy còn đó như thể lưu lại kỷ niệm của pháp sư. Bên bờ nước có một ngôi lăng, người ta bảo đó là mộ Hoàng Hậu Jinguu (Thần Công)104. Lại biết thêm tên ngôi chùa ở đó là Kanmanchuji (Hàm Mãn Châu Tự)105.

Cuốn rèm lên và ngồi xuống bồ đoàn để ngắm, thì phong cảnh cả một vùng Kisagata đã ngập đầy đôi mắt. Phía nam, ngọn Chôkaisan như thể đứng chống trời, bóng của nó in xuống dòng nước nơi cửa sông, phía tây là một cửa quan hiểm trở chắn ngang tầm mắt, phía đông có xây một con đê nối với tuyến đường đi Akita, phiá bắc đối mặt với biển. Nơi sóng từ trùng khơi đánh vào cửa sông mang tên Shiogoshi. Cửa sông rộng độ một ri (lý), hao hao như ở Matsushima vậy. Khác chăng là ta cảm thấy cảnh vật Matsushima dường như sáng sủa tươi cười, trong khi Kisagata thì lại đắm chìm trong tư lự. Có thể nói thêm là cô quạnh bi ai. Không khỏi liên tưởng đến một trang mỹ nhân đang có nỗi thương tâm!

Kisagata ya
Ame ni Saishi ga
Nebu no hana106

Đầm Kisagata
Hoa hợp hoan mưa trĩu,
Nặng mặt sầu Tây Thi107.

Tượng cao tăng và nhà thơ lớn Saigyô

Đường về Echigo (Echigoji )

Chưa cạn hết tâm tình với những người bạn ở Sakata, ta hãy còn luyến tiếc, nhưng tháng ngày chồng chất, đành phải rời chân. Lại cất bước lữ hành, nhắm hướng bầu trời mây giăng của miền Hokuriku đi tới. Cứ nghĩ đến quãng đường trước mặt còn xa mà lòng nằng nặng. Nghe nói đến được thị trấn Kanazawa xứ Kaga phải 130 ri (lý) nữa cơ. Vượt cửa quan Nezu là đạp được chân lên đất Echigo, sau đó thì đến cửa quan Ichiburi trong xứ Etchuu. Trong suốt 9 hôm hành trình, vì nóng bức và mưa nhiều, sức lực ta không mấy khá nên ngã bệnh, không sao thong thả cầm lấy bút viết nhật ký đi đường.

Fumizuki ya
Muika mo tsune no
Yo ni wa nizu

Tháng bảy tháng mưa Ngâu,
Cái đêm hôm mùng sáu,
Sao cũng khác đêm thường108.

Araumi ya
ado ni yokotau
Amanogawa

Bên biển gầm sóng dữ,
Giải Ngân Hà bắc ngang,
Đến tận đảo Sado109

Bãi Iro no hama (Iro no hama, )

Ngày 16 tháng 8, trời quang đãng, cho nên ta định đi nhặt masuo, loại ốc con từng được pháp sư Saigyô nhắc đến trong một bài waka xưa, nên mới lấy thuyền ra bãi Iro. Bãi này cách Tsuruga độ 7 ri (lý) bằng đường biển, thuyền nhờ gió thuận, chẳng bao lâu đã đến nơi. Trên bãi Iro chỉ có mấy túp lều ọp ẹp của ngư phủ nằm bên cạnh một mái chùa Pháp Hoa Tông tịch mịch. Đến bên chùa đó, nhấp ngụm trà, hâm bầu rượu, nhưng phong cảnh cô liêu của cả một vùng thấm đậm vào người làm ta se sắt con tim.

Sabishisa ya
Suma ni kachitaru
Hama no aki

Ở đây buồn cô quạnh,
Còn hơn cả Suma110
Khi thu về bãi vắng.

Nami no ma ya
Kogai ni majiru
Hagi no hana

Giữa một vùng sóng biếc,
Chen vào cùng sò ốc,
Lả tả cánh hagi.

________________________

Comments are closed.