CẦN ĐỔI MỚI CẢM THỨC CỦA NHÀ THƠ
Từ Quốc Hoài
Thơ, trong bản chất là sự sáng tạo. Mỗi bài thơ là một kiến trúc ngôn ngữ hoàn hảo, lung linh vẻ đẹp của cảm xúc và trải nghiệm.
Đời sống hôm nay đang thay đổi với nhịp độ chóng mặt. Thành tựu về công nghệ trong đó có mạng internet, đã làm mới gương mặt của thế giới mỗi ngày. Nhưng các nhà thơ không thể làm mới con tim mình mỗi ngày. Một nghìn năm trước hay một nghìn năm sau các nhà thơ vẫn mang con tim với nhịp đập sinh học, nó không thể tăng tốc vô giới hạn theo tốc độ chóng mặt của thế giới hôm nay. Cảm xúc của nhà thơ là thứ duy nhất có thể mang được màu sắc tươi mới của đời sống. Nhà thơ không chỉ nhận mặt một lượng vô cùng lớn những thông điệp do thế giới mang lại, mà còn phải “ tiêu hóa” để nó thành cảm xúc, tạo ra sức nóng, vẻ đẹp của những câu thơ. Cảm xúc cùng với sự nhận thức mới mẻ sẽ quyết định sự mới mẻ của thơ dù nó được làm ra hôm nay hay từ hàng trăm năm trước.
Đại thi hào Nguyễn Du hơn hai trăm năm trước đã viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bát cổ truyền. Với tài năng và cảm thức mới mẻ về nghệ thuật, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác văn chương, với những câu thơ cho tới hôm nay vẫn lạ lùng, không dễ có nhà thơ hiện đại nào vượt qua. Tả nàng Kiều hớp hồn Thúc Sinh, thi hào đã hạ hai câu thơ:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
Thông thường người ta chỉ dùng chữ tòa để chỉ tòa nhà, tòa tháp… là những thực thể có hình khối cứng và tĩnh tọa. Nhưng tòa thiên nhiên của thi hào Nguyễn Du lại để khắc họa một mỹ nhân. Tòa thiên nhiên đó toát ra vẻ đẹp trong ngọc trắng ngà, vừa có bản tính trong ngần của ngọc lại có sắc trắng mịn màng quí phái của ngà. Tòa thiên nhiên vóc dáng dày dày ấy vượt ra ngoài mọi khuôn khổ thường tình để tôn tạo hình ảnh một nàng Thúy Kiều mơ hồ, bí ẩn lại vừa lồ lộ đầy quyến rũ. Thi hào đã để cho độc giả với sự từng trải, mỗi người sẽ tự tạo ra nàng Kiều của riêng mình.
Thúy Kiều vốn là nhân vật có thật vào thời Gia Tĩnh, nhà Minh. Liên quan tới cuộc đời nàng là các nhân vật lịch sử Từ Hải, Hồ Tôn Hiến… Qua hàng chục cuốn sách, cuộc đời nàng Thúy Kiều được tiểu thuyết hóa, cho đến Thanh Tâm Tài Nhân thì việc tiểu thuyết hóa đạt tới sự định hình cốt truyện. Nhưng phải tới Nguyễn Du, câu chuyện về cuộc đời chìm nổi, oan nghiệt và cảm động của nàng Thúy Kiều mới đạt tới đỉnh siêu tuyệt. Cảm thức mới mẻ, hiện đại đã làm cho câu thơ: rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên trở thành viên ngọc sáng, quí hiếm.
Hơn một thế kỷ sau, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã mang lại cho người đọc biết bao kinh ngạc với câu thơ: Trăng nằm sóng soải trên cành liễu. Trăng ở đây là một cô
gái với bản tính tự do của thiên nhiên, khao khát chuyện ái ân không cần ý tứ theo
khuôn phép người đời. Người đọc còn kinh ngạc hơn với câu thơ như một thứ ánh sáng lạ bùng phát tiếp sau đó: Ô kìa! bóng Nguyệt trần truồng tắm/ lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. Với người phụ nữ ở đầu thế kỷ trước, hai chữ trần truồng gần như bị cấm kỵ. Nhưng đây là trăng. Và trăng là cô gái được gọi là Nguyệt. Chữ trần truồng ở đây gây chấn động thú vị trong người đọc, tuyệt nhiên không một chút dung tục. Cái khuôn vàng lộ dưới đáy khe tỏa thứ ánh sáng thẩm mỹ làm cho cái khe tăm tối trở nên đẹp đẽ gần gũi. Bài thơ ẩn chứa thông điệp khích lệ khát vọng về tự do, về quyền được yêu vẫn hiện diện dưới nhiều cung bậc, màu sắc trong đời sống.
Các nhà thơ lớn trên thế giới, với cảm thức mới mẻ, sâu sắc về nghệ thuật và đời sống đã để lại dấu ấn cách tân quan trọng trong thơ hiện đại. Lên án tính phi nghĩa, vô nhân đạo của những cuộc chiến tranh xâm lược, nhà thơ Đức Becton Bret viết : Chúng nó muốn chiến tranh/ nhưng những người viết nên dòng chữ ấy/ đã ngã dưới chân thành. Chiến tranh, với những lãnh thổ rộng lớn, khốc liệt, đầy chết chóc, đã được Becton Bret bố cục lại. Ấy là bức tường thành mang tính tượng trưng. Nhưng những người lính là thật, họ không hề muốn chiến tranh, bị buộc dùng máu mình, đánh đổi cả mạng sống để viết hai chữ chiến tranh lên bức tường thành ấy. Chúng nó – những kẻ chủ mưu – không hề dây dính máu, lạnh lùng tính toán cách kiếm lợi trên máu của hàng triệu mạng người. Quasimodo, nhà thơ Italia cảm nhận sự hửu hạn, mong manh của kiếp người qua ba câu thơ sâu sắc, độc đáo: Mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất/ lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời/ và chưa chi chiều đã tắt. Ma lực hầu như bất khả kháng của đồng tiền, được Otavio Paz, nhà thơ Mêhicô cô đặc chỉ trong một câu thơ: Đồng tiền liếm khô máu thế gian. Qua cảm thức của nhà thơ, đồng tiền như một đấng siêu nhiên, có quyền năng hủy diệt và tạo tác vô biên. Dường như thần Siva và Visnu đều hiện diện trong quyền năng của đồng tiền. Sự kiện khủng bố 11/9 tại nước Mỹ gây chấn động toàn thế giới. Hàng trăm người đã liều mạng nhảy ra khỏi những cánh cửa từ các tầng cao hàng trăm mét để tránh ngọn lửa hủy diệt kinh hoàng, hung hãn thiêu đốt Tòa tháp đôi. Wislava Szymborska, nữ thi sĩ Ba lan đã viết về sự kiện khủng khiếp này trong bài thơ: Tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 9. Bà miêu tả chuyến bay định mệnh, hy hữu, từ sự truy đuổi của cái chết này tìm tới một cái kết cục khác bi thảm không kém của các nạn nhân. Cái kết của bài thơ thật đột ngột, làm thay đổi diện mạo bài thơ. Nữ thi sĩ viết: Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ/ miêu tả chuyến bay/ và không đặt tay/ ghi câu kết cục. Nghĩa là trong bài thơ của Szymborska, các nạn nhân vẫn sống trong chuyến bay hãi hùng. Họ sẽ còn sống qua nhiều thế kỷ, khẩn thiết kêu gọi loài người ra tay loại bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi đời sống.
Thơ Việt đương đại đang ở trên nhiều ngã rẽ cách tân. Thành tựu thực sự hãy còn hiếm. Không ít người bị cuốn theo chủ nghĩa hình thức, làm lạ bằng cách ngắt câu, xuống dòng vô vạ, hoặc tùy tiện chồng lấn các mệnh đề làm câu thơ rối rắm, thậm chí tối nghĩa, người đọc có cảm giác đang tham gia cuộc chơi… đi tìm mật mã. Một số ít có những tìm tòi thể hiện một cách nhìn mới mẻ những vấn đề mang hơi thở ấm nóng của đời sống. Ly Hoàng Ly thể hiện khát vọng tự do trong bài thơ Mở nút áo. Chiếc áo của Ly Hoàng Ly như một biểu tượng của sự trói buộc, chỉ có năm chiếc cúc, không hơn, trở thành lực cản đối với khát vọng tự do không cùng của con người. Trần Quang Quý muốn con người hãy luôn là chính
mình, không nói bằng cái lưỡi của người khác. Đứng bên tượng đá Linga Hoàng Vũ Thuật thốt lên: Ôi Linga/ Ngạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời. Máu tạo nên sức sống vĩ đại của Linga, được tôn thờ như một vị thần. Nhà thơ nhìn thấy ở Linga sự ngạo nghễ của một đấng siêu nhiên, không những là một linh vật tượng trưng cho sự trường tồn của loài người, mà cùng với trường tồn là sự tạo dựng các nền văn minh, xác lập vị thế người chủ hùng mạnh chế ngự thế giới. Có thể nối dài thêm thậm chí hàng chục những dẫn chứng, song cần khách quan nhìn nhận tiến trình cách tân chưa thật sự làm lột xác thơ Việt đương đại, hãy còn là những bước thử nghiệm, chưa có nhiều tác giả, tác phẩm đỉnh cao tiêu biểu, mang thông điệp về tính nhân văn và mỹ học có sức chinh phục dư luận rộng rãi.
Nhà thơ Lê Đạt từng nói: Con chữ bầu nên nhà thơ! Đó là chân lý, là một trong những phương hướng đổi mới thơ. Nhưng nó là kết quả cuối cùng, phụ thuộc bản lĩnh, tài năng của mỗi nhà thơ. Nếu hiểu câu nói trên theo hướng thơ là trò chơi chữ nghĩa thì sẽ sa vào chủ nghĩa hình thức, phản thơ. Ngôn ngữ là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Nó là thứ tài sản đặt biệt, không giống vàng bạc hay các thứ tài sản khác. Càng được sử dụng nó không những không cạn kiệt mà trái lại trở nên phong phú, giàu có hơn. Cùng sử dụng một thứ ngôn ngữ nhưng chỉ có một số người trở thành nhà thơ, một số rất ít người trở thành nhà thơ nổi tiếng, càng hiếm người trở thành nhà thơ lớn.
Cuộc sống, số phận Con Người, cụ thể là Con Người và đất nước Việt Nam là điểm đến, tạo ra bản sắc mới mẻ thơ Việt, trước khi nó vươn ra thế giới.