Nhận xét về một số thủ pháp sử dụng trong bài thơ “The Hill We Climb” của Amanda Gorman

Trần Ngọc Cư

   

Trả lời phỏng vấn của Anderson Cooper trên đài CNN, nhà thơ da đen 22 tuổi Amanda Gorman cho biết thuở nhỏ cô gặp trở ngại phát âm (Speech Sound Disorders) đặc biệt với chữ r. “Đồng bệnh tương lân,” nếu ta nghĩ đến sự kiện Tổng thống Joe Biden có tật nói lắp khá nặng thời nhỏ và ông có xu hướng tự nhiên là đồng cảm và động viên các trẻ em bị khuyết tật phát âm.

Một trong những cách trị liệu phát âm (phonetic therapy), tôi suy đoán, có thể là sử dụng thủ pháp luyến láy phụ âm (alliteration), đặt các từ có cùng một phụ âm tương đối gần nhau. Các nguyên âm đứng gần nhau cũng có hiệu ứng luyến láy này. Đây là một thủ pháp thường được dùng trong thơ, trong các bài thuyết giáo, hoặc trong các diễn văn.

Nhà thơ không những quí từng “con chữ”, mà còn cẩn trọng đến từng “con âm”, như thi sĩ Dương Tường có lần phát biểu. Và người nghe đã say sưa theo dõi cách phát âm kết hợp cùng dáng điệu của cô Gorman trong lễ đăng quang của liên danh Biden-Harris ngày 20 tháng Giêng vừa qua.

Các luyến láy như: “We’ve braved the belly of the beast… weathered and witnessed… far from polished, far from pristine… compose a country committed to all cultures, colors, characters and conditions of man… We seek harm to none and harmony for all… that even as we grieved, we grew; that even as we hurt, we hoped; that even as we tired, we tried; that will forever be tied together …”

Rồi đồng âm dị nghĩa (homonym), cùng âm nhưng khác nghĩa, với “just is” và “justice” trong câu: “And the norms and notions of what just is isn’t always justice” (Và những chuẩn mực và những khái niệm về những gì chỉ việc tồn tại không phải lúc nào cũng là công lý.) (Xin thưa từ BE trong “what just is…” diễn tả sự hiện hữu, chứ không phải là một kết từ – linking verb.)

Đây là một bài thơ rất phong phú về tính biểu tượng vừa lịch sử vừa văn hoá. Ta thử bàn về hình ảnh “ngọn đồi chúng ta leo lên,” như tựa đề của bài thơ đã vẽ ra.

Người đọc thơ không thể đem biểu tượng của nền văn hoá này để hiểu biểu tượng của một nền văn hoá khác. Ngọn đồi trong bài thơ không phải là biểu tượng của một trở ngại địa lý theo nghĩa “ngăn sông cách núi”, như cách nhiều người Việt thường hiểu ẩn dụ này – leo một ngọn đồi là khắc phục khó khăn hay thể hiện một tham vọng.

Không phải như thế! Ngọn đồi trong văn hoá Tây Phương là biểu tượng một nơi tôn quí, nơi thờ các vị thần linh. Chẳng hạn, Capitolium là tên một ngọn đồi của Roma mà đền thờ của thần Jupiter được xây trên đó. Đối với người Roma cổ đại, Capitolium được coi là không ai có thể phá huỷ được và là biểu tượng của sự vĩnh cửu.

Từ Capitolium đã hoá thân trong tiếng Anh để sống mãi với từ capitol. Nhiều người cho rằng Capitol Hill tại Washington, D.C., được đặt tên theo từ Capitolium. Vì trụ sở Quốc hội Mỹ nằm trên Đồi Capitol bị quân khủng bố nội địa (domestic terrorists) tấn công ngày 6-1-2021, nên hình ảnh ngọn đồi trong bài thơ càng thiết tha kêu gọi một sự bình yên: “That is the promise to glade, the hill we climb if only we dare it…” (Đó là lời hứa về một chốn bình yên, ngọn đồi chúng ta đang leo lên nếu chúng ta dám thực hiện điều đó…) – Danh từ “glade” có nghĩa là khoảng không gian thoáng đạt trong một khu rừng rậm rạp, tạo cảm giác bình yên cho người mạo hiểm.

Biểu tượng ngọn đồi bàng bạc khắp nơi trong lịch sử và văn hoá Thiên Chúa giáo – Do Thái giáo của Mỹ.

Từ đầu thời thuộc địa, Thống đốc John Winthrope bắt đầu mơ đến “một đô thị trên một ngọn đồi” (a city on a hill) khi ông thuyết giáo cho các tín đồ Thanh giáo (Puritans) vào năm 1630 tại vùng New England. Và ông hi vọng tấm gương đạo đức của cộng đồng định cư do ông lãnh đạo sẽ là “một ngọn đèn trên đỉnh đồi” (a beacon on the hill) để phần còn lại của nhân loại ngưỡng vọng. Winthrop mượn các cụm từ này từ Kinh Thánh – Chúa Giêsu nói, "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được" (Mát-thêu 5:14).

Một loạt các nhà lãnh đạo Mỹ từ bấy đến nay, kể cả Abraham Lincoln, John F. Kennedy, Ronald Reagan, … đều mượn hai cụm từ này để chỉ tính ưu việt (exceptionalism) của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, đặc biệt trong lãnh vực tự do, dân chủ và công bình. “Ngọn đồi chúng ta leo lên” trong văn cảnh chính trị hiện nay nhanh chóng trở biểu tượng của một cuộc chiến đấu hay một nỗ lực bảo vệ các lý tưởng của Mỹ.

Nhìn vào quá trình lập quốc và phát triển của Hoa Kỳ, những người Tin Lành thấy quá nhiều điểm tương đồng giữa Mỹ và Israel đến nổi có người gọi Hoa Kỳ là “nước Israel mới“. Hơn một nửa số tiểu bang của Mỹ có thành phố hay thị xã mang tên Jerusalem hay Salem. Từ bờ Đông sang bờ Tây, nước Mỹ lốm đốm các thành phố lấy tên từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những địa danh như Canaans, Zions, Jordans, Jerichos, Pisgahs, Mitzpahs và Gileads. Vì thế các ngọn đồi trong Cựu Ước cũng được gợi lên khá tự nhiên trong tâm thức người Mỹ.

Trong một cung cách nào đó, Gorman còn gởi một thông điệp đến những người “da trắng thượng đẳng” gây bạo loạn tại Quốc hội Hoa Kỳ gần đây— “chúng ta hạ vũ khí xuống để chúng ta dang rộng vòng tay của chúng ta với nhau.” Trong văn cảnh bạo loạn và chà đạp luật pháp đó “Ngọn đồi chúng ta leo” cũng ít nhiều gợi lên hình ảnh một Mô-sê đang leo lên núi Sinai để tiếp nhận Mười điều răn của Chúa trong khi đồng bào của ông đang chống lại quyền lãnh đạo của ông, sống vô luân và thờ con bò vàng ở dưới chân núi.

Ngoài ra Kinh Thánh Cựu Ước cũng cung cấp nhà thơ một hình ảnh về hòa bình trong đó “mọi người sẽ ngồi dưới gốc nho và cây vả của mình và không ai làm cho họ sợ hãi;” các thanh gươm không nhất thiết phải biến thành những lưỡi cày mà có thể dùng làm vật liệu xây dựng những nhịp cầu kết nối giữa các cộng đồng sắc tộc tại Hoa Kỳ. Một trích dẫn rất thích hợp và có sức trấn an trong bối cảnh lòng người tràn ngập hận thù, đố kỵ và chia rẽ như hiện nay.

  

Xin đọc nguyên văn và bản dịch bài “The Hill We Climb” ở đây.

Comments are closed.