Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ 1920-1930: Tranh luận về hai sách Phật học của nhà sư Thiện Chiếu

Nguyễn Đức Hiệp
Trưởng nhóm nghiên cứu Môi trường và biến đổi khí hậu,
Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Sư Thiện Chiếu là một trong những người nổi bật trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ trong các thập niên 1920 và 1930. Ông là người đầu tiên nhận thấy muốn chấn hưng lại Phật giáo khỏi sự lụn bại, mê tín thì phải phổ biến trong xã hội các sách Phật pháp đại cương bằng chữ quốc ngữ đến nhiều tầng lớp người dân một cách dễ hiểu. Hai quyển “Phật học tổng yếu” (1929) và “Phật giáo vấn đáp” của nhà sư Thiện Chiếu ra đời trong bối cảnh này và đã có nhiều tranh biện trên báo chí (Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Trung Lập, Công Luận) và các sách xuất bản về đề tài mê tín, hữu thần và vô thần mà sư Thiện Chiếu nêu ra. Bài này chủ yếu phân tích về sự đóng góp của nhà sư Thiện Chiếu và quá trình tranh luận để đóng góp thêm vào công tác nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ vào nửa đầu thế kỷ 20.

Tứ khóa: Chấn hưng Phật giáo, Nam Kỳ, Sư Thiện Chiếu, tranh luận

Giới thiệu

Lý do gì mà có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ nói riêng và trên toàn Việt Nam nói chung vào cuối thập niên 1920 và trong thập niên 1930? Một trong những lý do mà nhà báo Hoàng Tâm của tờ Đuốc Nhà Nam cho biết trong bài tranh luận với nhà sư Thiện Chiếu vào năm 1931 là Phật giáo từ trước chỉ thấy ngả về phương diện tiêu cực (như mê tín) thì chưa có ai nghiên cứu thông suốt Phật giáo và quảng bá trong quần chúng cho hiểu cốt yếu tư tưởng Phật học, cho nên trong thời điểm lúc đó khi người Việt Nam tiếp xúc được trào lưu học vấn và tư tưởng của thế giới, các học giả ở Việt Nam mới để tâm đến Phật giáo và xướng lên phong trào Chấn hưng Phật giáo. Năm 1927, trên tờ Đông Pháp Thời Báo có đăng bài của ông Nguyễn Mục Tiên “Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà”, lời lẽ thống thiết và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp vào việc trùng hưng Phật pháp. Sự kêu goi này tuy chưa có kết quả, nhưng báo hiệu cho ta thấy bắt đầu có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ[*].

Chính vì vậy ở Nam Kỳ vào thời điểm này, đầu năm 1930, có Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (Association pour l’Étdude et la Conservation du Boudhisme en Cochinchine) do Hòa thượng Lê Khánh Hòa thành lập vào năm 1930, trụ sở đặt ở chùa Linh Sơn. Chùa Linh Sơn (149 rue Douaumont Saigon, nay là đường Cô Giang, quận 1) trước đó năm 1929 đã có thư viện Pháp Bảo Phương (Bibliothèque bouddhiste) mà Hòa thượng Lê Khánh Hòa, sư Từ Nhân, sư Quảng Trí, sư Thiện Chiếu và những người khác cất công thành lập. Thư viện là nơi có các khóa giảng học đạo Phật. Có thể nói thư viện Pháp Bảo Phương và chùa Linh Sơn được coi là trung tâm phổ biến Phật học trong thời gian Phật học được chấn chỉnh và phục hưng ở Nam Kỳ.

Hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877-1947) là linh hồn của hoạt động chùa và Pháp Bảo Phương viện đã xuất bản nhiều sách quốc ngữ trong đó có nhiều sách dịch từ Hán tự, ngoài ra còn có tu sĩ tại gia Đoàn Trung Còn (1908-1988) cũng viết các sách và tự xuất bản về Phật học như “Truyện Phật Thích ca” (1929), “Đạo lý nhà Phật” (1930), “Triết lý nhà Phật” (1931), “Tam thừa yếu luận” (1931), “Lịch sử nhà Phật” (1932), “Phật giáo nhà Phật” (1933). Trong các sách xuất bản tạị chùa Linh Sơn có “Tịnh độ tông. Kỉnh trung kỉnh hựu kỉnh” (2 bộ) của Hòa thượng Lê Khánh Hòa và quyển “Phật học tổng yếu” (1929) của sư Thiện Chiếu.

Sư Thiện Chiếu (1898-1974), tên thế tục là Nguyễn Văn Giảng (còn có tên khác là Nguyễn Văn Tài) sinh trưởng và xuất gia ở Gò Công, trước khi lên chùa Linh Sơn, Sài Gòn, trụ trì vào năm 1923. Sư Thiện Chiếu là nhà sư dấn thân, tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị. Năm 1928, sư Thiện Chiếu có gia nhập vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Vì lý do đó nhà cầm quyền Pháp đã gây áp lực lên Ban trị sự chùa và sư Thiện Chiếu phải rời chùa vào cuối năm 1929. Lúc này sư Thiện Chiếu đã có tên tuổi trong xã hội và giới trí thức qua quyển sách “Phật học tổng yếu” được biết đến và tranh luận trên báo chí và sách.

image 

Hình 1 – “Phật học Tổng yếu” và “Phật giáo vấn đáp”, tác giả sư Thiện Chiếu (nguồn: Thư viện quốc gia Pháp, http://gallica.bnf.fr)

Trang đầu của “Phật học tổng yếu” nêu rõ cốt ý quyển sách của tác giả, nhà sư Thiện Chiếu:

Những kẻ giàu cái tánh-chất nô-lệ, không biết trông cậy ở sức mình, mà cứ ỷ lại vào sức người, không biết họa phước đều do tự lòng tạo, mà cứ tưởng thưởng phạt bởi thần-quyền thì chẳng những, không bao giờ hiểu thấu được Phật-lý, mà lại chính là một giống độc-trùng sẽ phá hoại Phật giáo có ngày phải tiêu diệt.

Than ôi!!

T.C

Những tiết mục trong sách rất có tính thời sự, gây tranh cãi trong nhận thức về tôn giáo ở xã hội thời bấy giờ. Mục đầu tiên gây sự chú ý của người đọc với tựa đề “Những người không học Phật đều là ký sinh trùng”. Một bài giảng có ý nghĩa:

“…

Hoặc giả rằng: Vậy thời [thì] các bà cầu Phật xuống phước, vái Phật cứu tai, và bọn thầy làm nghë tụng kinh bái sám cüng thuộc về hạng Ký-sanh trùng sao?

— Phải! đều là Ký-sanh trùng cả.

— Thế thì người học Phật như các ông, cũng thuộc về hạng Ký-sanh trùng, mà nay các ông trở lại nói rằng những người không học Phật đều là Ký-sanh trùng là cớ làm sao?

— Ấy không lạ gì, vì những người không học Phật đều là không sức tự-tại, chỉ cứ trông nhờ dưới hoàn-cảnh mà sống, con người có học Phật lại không phải như thế.

Chúng ta sanh ra làm người, không có huệ-nhản, đối với không-gian thăm-thẳm, thời-gian giặt-giặt mà sự biết chỉ bó-buộc trong một góc mà thôi. Đã không thông cài then-máy vị-lai, quá-khứ sở-dỉ biếu-hóa như thế kia; cũng không biết cái chân-tế hiện-cảnh sở dĩ biến hóa như thế nọ; lờ-mờ mù-hoán không hiểu rõ được những lẽ nhiệm mầu. Vì thế nên trong lòng không tự chủ được; mắt thì đổi dời theo sắc-tướng, tay thì day trở theo thính-âm; mủi, lưỡi, thân, ý thì xây-lăng theo hương, vị, xúc, pháp. Thân, tâm đã không sức tự-tại như thế, tất phải theo hoàn cảnh, và gởi gắm sự sống chết ở dưới hoàn-cảnh vậy.

… Xem đó mà coi, chúng ta đã không sức tự-tại mà bị hoàn-cảnh xô đẩy, áp-bách, khu-trục, phải dớn-dác, lo sợ, trông nhờ ở dưới hoàn cảnh mà cầu cho sống được thân-mạng, thế hà chẳng phải là “Ký sanh trùng” sao?

(“Phật học tổng yếu”, trang 2)

Các bài trong “Phật học tổng yếu” có khi đi sâu vào triết học như tiền định hay quả báo (bài thứ hai “Nhân quả và thần quyền”) nhưng tựu trung sách đọc dễ hiểu. Cách trình bày và giảng của sư Thiện Chiếu có hơi trực diện và gây cho người đọc “sốc” (shock) và suy tâm lại vấn đề đặt ra. Sau quyển “Phật học tổng yếu”, sư Thiện Chiếu ra cuốn sách kế tiếp “Phật giáo vấn đáp” do chùa Hưng Long ở Chợ Lớn xuất bản vào năm 1932. Chùa Hưng Long là nơi sư Thiện Chiếu trụ trì một thời gian sau khi rời chùa Linh Sơn. Trong “Phật giáo vấn đáp”, sư Thiện Chiếu không những chỉ trích vào sự mê tín u minh của nhiều tín đồ và người dân mà còn cả các giới tăng lữ và giáo hội chưa thông hiểu thấu đáo:

“… Phải nghiên cứu Phật học của Tàu, của Nhựt, của Ấn-độ, Xiêm-la, Tây-tạng và các sách Phật của người Âu-Mỹ đã khảo cứu, phiên dịch. Nói rằng nghiên-cứu, là phải lấy phương pháp thiệt-nghiệm của khoa học làm căn bổn [bản], lấy sự thiệt trên lịch-sử làm chứng cứ, thì mới có thể phát huy được nghĩa mầu trong sách Phật, và mới tránh khỏi những sự hoang-đường vô lý của người sau thêm vào; chớ không phải cứ theo sách mà dịch càn rồi cũng xưng là Nghiên-cứu Phật-học! Và phải làm thế nào cho tín-đồ có sự hiểu biết thông-thường về Phật-giáo, thì người ta mới biết cái bổn-phận của người tại-gia, mới biết chổ sai lầm của Giáo-hội

(“Phật giáo vấn đáp”, trang II trong phần Tựa)

Quyển “Phật giáo vấn đáp”, như tác giả cho biết cũng dựa vào tư liệu trong sách “Catechisme Bouddhique” của Henry S. Olcott thuộc loại như trong quyển “Phật giáo vấn đáp” và được cả hai phái Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông chấp nhận là đúng kết lõi của Phật truyền dạy. Và một sách tương tự của nhà sư Ấn Độ là Soubhadra Bhikshou. Nội dung sách gồm có: Sự tích Phật, Phật pháp, Tăng già, sự truyền bá Phật giáo, Phật giáo với khoa học. Ba phần đầu liên quan đến căn bản của tam bảo gồm đức Phật, Phật pháp và Tăng già (Buddha, Dhamma và Sangha). Phần Phật giáo với khoa học là phần quan trọng mà sư Thiện Chiếu thường đề cập đến khi nói về mê tín và thần quyền.

Sách viết theo thể loại vấn (đặt câu hỏi) và đáp (trả lời) như trong phần Sự tích Phật

4. Hỏi: Thế nào mới phải là người đạo Phật?

Đáp: Không phải chỉ có kinh Phật (có thờ Phật tại nhà, hoặc đi chùa lễ Phật), có tin Pháp (có tụng kinh, hoặc rước người tụng) và có trọng Tăng (có theo Giáo-hội, hoặc có qui-y với một người trong hội làm thầy mình) mà được gọi là một người có đạo Phật. Người có đạo Phật là một người ăn ở hằng ngày phải đúng theo mấy điều Phật dạy”

(“Phật giáo vấn đáp”, trang 1)

Về Phật giáo và khoa học, có vài câu hỏi và trả lời cơ bản về sự hòa hợp triết lý Phật giáo và nguyên lý cơ bản của khoa học:

“306. Hỏi: Nhà khoa học ngày nay họ tin cái thuyết gì lại hợp với cái thuyết “Karma” (hay là nghiệp báo) của Ấn-độ-giáo (tức là đạo Bờ-ra-măn) và Phật-giáo?

Đáp: Các nhà bác-học ngày nay họ tuyên-bố rằng mỗi đời (génération) của người ta có những tánh tốt lòng nhơn và nết hư tật xấu đều do ở đời trước di-truyền lại, không phải của xã-hội di truyền, mà là của cá-nhơn vậy. Còn như theo đạo Phật, thì, đời nay ta ở cảnh vui hay khổ là do nguyên-nhân kiếp trước mà ra. Ấy cũng là cái quan niệm về Nghiệp-báo cả.

307. Hỏi: Kinh Hoa-sơ-la (Vâsetha Sutta) nói về nguyên-nhân trong vũ trụ thế nào?

Đáp: Nói rằng: “Thế giới có ra là bởi có nguyên nhân; muôn loài, muôn vật cũng bởi nguyên-nhân mà ra cả”

308. Hỏi: Phật có dạy rằng cái hiện tượng của vỏ-trụ [vũ trụ] như: mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, trái đất, các loài kim thạch, động vật, thực vật và loài người hẳng còn mãi mãi không?

Đáp: Không. Phật dạy rằng vạn vật đều phải biến đổi, phải tiêu diệt, không có vật nào được hằng còn, hằng sống đời-đời.

(“Phật giáo vấn đáp”, trang 102)

Ở đây ta thấy sư Thiện Chiếu thông thạo hiểu biết những gì người phương Tây hiểu biết về Phật giáo một cách thực tiễn. Quyển “Phật giáo vấn đáp” lấy thông tin tư liệu dịch ra từ sách “Le Bouddhisme” tiếng Pháp (nguyên tác tiếng Anh “Buddhist catechism”) của Henry Olcott, người Mỹ, nghiên cứu Phật giáo và trở thành Phật tử, Chủ tịch Hội Thông thiên học và có công trong sự gây dựng Phật giáo ở Tích Lan (Sri Lanka). Ông được người dân Tích Lan quí trọng cho đến ngày nay. Trước đó sư Thiện Chiếu đã có liên lạc với bác sĩ Tomomatsu, người Nhật chuyên nghiên cứu về Phật học, lúc từ Pháp trở về Nhật sau khi nghiên cứu tình hình Phật học ở các nước phương Tây. Bác sĩ Tomohatsu đã có ghé Sài Gòn gặp sư Thiện Chiếu và các bạn của sư để trao đổi tình hình Phật học ở Nam Kỳ và ở các nước Phương Tây.

1. Nội dung của phê bình và tranh luận

Sau khi hai quyển “Phật học tổng yếu” (1929) và “Phật giáo vấn đáp” được xuất bản, đã có sự đối đáp, cho là nhà sư Thiện Chiếu cổ võ thuyết vô thần khi nhà sư chống lại sự mê tín, tin quàng của phần nhiều nam nữ An Nam bấy giờ. Vì trong sách cung cấp những thông tin và cho các ý kiến một cách trực diện của sư Thiện Chiếu tựu trung chỉ trích thói u mê, mê tín của tín đồ Phật giáo nói riêng và của người Việt nói chung, chỉ tin vào thần linh hộ mình mà không tự chủ nên đã có những bài viết trên báo phản biện và sau đó một số nhân sĩ ra quyển sách “Một cái hiểm tượng” (1933) phản biện và chỉ trích sư Thiện Chiếu, cho là nhà sư lộng ngôn khi kiêu ngạo bác bỏ sự hiện diện của Trời đất đã thấm sâu vào tư tưởng của người Việt từ bao năm.

Đại diện cho nhóm hữu thần này là ông Dỉ Thiện [Dĩ Thiện], đã có ra cuốn sách “Một cái hiểm tượng” (1933) trong đó có lời tựa và thơ gởi tác giả của các ông Huy Đăng (Thông thiên học), Nguyễn Kim Muôn (sư Quảng Hưng chùa Tây-thiên), Lê Quang Vân (chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn), Hoàng Tâm (trợ bút tờ Đuốc Nhà Nam), Huệ Quang Châu Hoằng Minh (trợ bút Nhựt Tân Báo, theo đạo Hồi), Mathieu Nguyễn Phước Đầy (Thiên Chúa giáo) chỉ trích sư Thiện Chiếu như trong sách “Phật giáo vấn đáp”:

Vả lại tôi từ biết sư Thiện Chiếu đến nay, sư đối đải với tôi thật là đúng đắng, sư là ân nhân của tôi; sư bác ái đến đổi trọng nghĩa khinh tài. Tôi kính phục sư về mấy cớ đã kể trên đây. Tôi tiếc cho sư vì cuốn sách mà ông chỉ trích đó, trong cuốn P.G.V.Đ trương [trang] 58, sư quên khiêm nhường và chê người thờ đấng Tạo Hóa là ngu dại, vì không thấy bản thể của Vỏ-trụ [vũ trụ], nói vậy thì có một hạng người bội Thiên nghịch địa mới là khôn ngoan, mới là thấu bản-thể của vỏ-trụ sao?

(Huy Đăng, Đường Mekong số bốn, Saigon, trích trong “Một cái hiểm tượng”, trang VI).

Ở đây ông Huy Đăng cho rằng sư Thiện Chiếu cao ngạo khi cho rằng những người không tin vào linh hồn là không biết bản thể của vũ trụ. Ông Huy Đăng hoàn toàn không đồng ý khi sư Thiện Chiếu cho là không có linh hồn vì điều này phủ nhận quan niệm hữu thần, có trời đất tối cao. Đây là các câu trong sách “Phật giáo vấn đáp” trang 58 mà ông Huy Đăng đề cập đến

“188. Hỏi: Phật-giáo có nói Linh-hồn là chẳng chết, là hằng sống đời đời không?

Đáp: Không. Tiếng linh-hồn người ta thường dùng có hàm-súc một cái ý-nghĩa sai lầm. Những kẻ mê-muội không biết được cái Bản-thể của Vỏ-trụ [vũ trụ] và vạn-vật mới tin rằng có linh-hồn ở tạm trong xác-thịt là một cái Bản-chất duy nhứt (entité unique), hằng sống đời đời thôi.

189. Hỏi: – Vì sao mà không nhận có linh hồn?

Đáp: – Vì bao nhiêu sự-vật ở đời đều biến đổi, thì người và các bộ-phận của người cũng đều phải biến đổi, không ra ngoài được cái luật chung ấy. Mà vật gì đã biến đổi thì không có thể hằng sống đời-đời mãi được. Nếu nhận có linh hồn tức ta cho người là một cái bản-chất phân-cách với các bản chất khác và cũng phân-cách với vỏ-trụ [vũ trụ] nữa. Cái ý bản chất phân-cách ấy ngày nay nhà khoa-học cũng cho là sai.

Ông Nguyễn Kim Muôn, một doanh nhân quản lý khách sạn Đỗ Bính Lầu trên đường Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh ngày nay, cạnh chợ Bến Thành), đã chu du nhiều nước và sau này đã xuất thế đi tu trong một chùa. Ông Muôn có lẽ thấy sự tiếp cận mạnh mẽ của sư Thiện Chiếu làm nhiều người phản ứng, nên khác với sư Thiện Chiếu, một nhà sư dấn thân, ông Muôn viết một bài thơ khuyến tu:

“Khuyến tu

Giửa đời đồ-khổ dám xin khuyên,

Khuyên bá-tánh bớt sự đảo điên.

Kinh-tế tuy là đang mắc nạn,

Tu-hành có lẽ được bình-yên

Xây lòng đổi ý theo chưn [chân] Phật,

Dưỡng-tánh tu-tâm nối gót Tiên.

Trời đất nào quên trang Đạo-Đức,

Ai ai cũng có một nhơn-duyên

Nguyễn-kim-Muôn (Chef bonze diplômé de l’État)

Chủ yếu trong quyển “Một cái hiểm tượng” các tác giả cho rằng đồng ý với sư Thiện Chiếu đã chỉ rõ cái sai và chỉ trích mê tín trong xã hội là đúng, nhưng không đồng ý với sư khi cho rằng không có Trời Đất thần quyền. Như vậy, ở đây ta thấy ảnh hưởng của sư Thiện Chiếu trong phong trào chấn hưng Phật giáo lan đến các tôn giáo khác và gây ra một sự tranh luận tôn giáo sôi nổi mà trước kia chưa từng có.

image 

Hình 2 – Một cái hiểm tượng của Dỉ Thiện (trái) và Tranh biện “Phật học tổng yếu” và “Phật giáo vấn đáp” của sư Thiện Chiếu (phải) (nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp http://gallica.bnf.fr/). Trên bìa của sách có đề rõ “Bài cái thuyết Vô Thần trong hai quyển “Phật học tổng yếu” và “Phật giáo vấn đáp” của sư Thiện Chiếu”.

Nhưng trên văn đàn sôi nổi nhất là cuộc tranh luận có ý nghĩa giữa Phan Khôi và sư Thiện Chiếu trên báo Thần Chung. Kế đó là các ông Trương Duy Toản, Phan Văn Hùm, Khuê Lạc Tự, Hoàng Tâm, Dương Văn Xá, Hiển Huệ, Liên Tôn, Văn Hà Khách, Trúc Liên, Chương Lân, v.v. đi vào cuộc tranh luận trên các báo Thần Chung, Công Luận, Đuốc Nhà Nam, Trung Lập. Hầu hết họ đều cho ông Phan Khôi rất hòa nhã và phê bình đúng với mục đích cho cái tốt trong văn học, trong khi sư Thiện Chiếu văn phong rất kiêu ngạo và không phục thiện.

Có lẽ ông Phan Khôi, một nhà báo, nhà văn thông thạo Hán học và Tây học, là người khiêm tốt nhất phê bình về cách dịch chữ Hán của sư Thiện Chiếu trong quyển “Phật học tổng yếu”. Ông Phan Khôi sau khi được nhà sư Thiện Chiếu tặng sách “Phật học tổng yếu” đã có viết là ông ít khi viết phê bình vì trên văn đàn văn hóa phê bình chưa có hay tiết mục phê bình trong văn học chưa có chỗ đứng, do ông có kinh nghiệm là chỉ gây thù oán. Tuy vậy ông cũng bày tỏ đôi điều, mặc dầu như ông nói ông không hiểu nhiều về Phật học. Trong bài “Cùng sư Thiện-Chiếu bàn về lối dịch sách hay là phê bình lối dịch của sách Phật học tổng yếu” trên báo Thần Chung mà nhà sư Thiện Chiếu có đăng lại trong sách “Mấy bài tranh biện về hai quyển sách: Phật học tổng yếu và Phật giáo vấn đáp, 1929-1932” xuất bản ở Chợ Lớn năm 1934, ông nói rõ ông không phê bình về Phật học và lý thuyết Phật học trong sách “Phật học tổng yếu” của sư Thiện Chiếu mà chỉ là đôi điều về cách dịch thuật thôi. Ông cũng cho biết nhân dịp này ông cũng muốn dùng bài đăng báo, thay vì chỉ nói miệng với sư Thiện Chiếu vì ông đã có nghe sư thuyết pháp đôi lần, để truyền đạo phê bình trong văn giới:

… và cũng chẳng giấu gì độc giả, tôi muốn nhơn [nhân] dịp nầy, nhờ cái đức “không hay giận” của nhà Phật để đổ chén thuốc đắng phê-bình vào trong miệng người Annam

Phan Khôi cho là trình độ chữ Hán của sư Thiện Chiếu cao, vì mặc dầu ông không có nguyên văn để so sánh nhưng đọc xong ông cho là đại khái là đúng chứ không như một bài của một tác giả nào đó dịch “Dĩ Phật-pháp phê bình xã hội chủ nghĩa” của Thái Hư pháp sư mà ông không hiểu gì cả, cho đến khi có nguyên văn ông so sánh lại thì thấy tác giả kia dịch sai. Nhưng trong sách cách dịch của sư Thiện Chiếu, nguyên tắc dùng từ Việt hay Hán không thống nhất. Ông cho rằng trong Phật học, những từ Hán nào gọn và đã dùng nhiều và quen thì dùng như “tứ diệu đế”, “thập nhị nhân duyên” hay những từ khó dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra thì những chữ không phải là danh từ riêng thì nên dịch ra tiếng ta

Cái lẽ, một là vì, đã gọi là dịch nguyên văn chữ Hán, thì theo lẽ phải nói hết thảy bằng tiếng Annam, cực chẳng để tiếng nào Annam không có, mới phải để y chữ Hán, nếu chỗ nói tiếng Annam được mà không nói thì sao gọi là dịch? Hai là vì, dịch ra tiếng Annam là cốt muốn cho những người không thông chữ Hán đọc mà hiểu được, bằng để nguyên chữ Hán thì dịch làm gì?

Theo lẽ ấy, trong sách “Phật học tổng yếu” nơi trương 38, có câu “Chơn-tâm chẳng phải quả tim nhục-đoàn”, hai chữ “nhục-đoàn” đó nên dịch ra tiếng ta mà không nên để nguyên. Tôi tạm dịch là: “Chơn-tâm chẳng phải quả tim bằng khối thịt”, tưởng có lẽ người ta nghe dễ hiểu hơn vậy”.

Lại như câu ở trang 3, “ăn thì trân-tu, mặc thì hoa-lệ, ở thì trang nghiêm”, tưởng nên đổi lại mà nói: “ăn thì của ngon, mặc thì áo đẹp, ở thì nhà cao cửa rộng”, có lẽ dễ nghe hơn. Trong ba cập chữ Hán đó có chữ trân-tu lại càng làm cho người thường khó hiểu lắm; viết mà viết cho người ta không hiểu thì vô ích.

…”

(Phan Khôi, Thần Chung số 279, ngày 24/12/1929)

Ông Phan Khôi cho là quyển “Phật học tổng yếu” có quá nhiều chữ Hán. Ông cũng cho là không nên dùng tiếng Hán khi đã tra nguồn gốc là từ tiếng Phạn thì nên dùng thẳng từ tiếng Phạn, như “naraka” (không vui, đáng chán thay vì “na-lạc-ka”, không cần bắt cầu qua chữ Hán. Như ngày này dùng Napoleon thay vì Nã-phá-Luân hay Washington thay vì Hoa Thịnh Đốn. Và các thành ngữ chữ Hán không nên dùng mà dịch ra thành ngữ tiếng Việt. Trong các bài báo sau trên Thần Chung, Phan Khôi đã chỉ ra nhiều điểm và phương pháp dịch để không bị hiểu khác và không đúng với nguyên văn hay dịch sai, tổng cộng 7 điều hay nguyên tắc cần nắm khi dịch.

Trong bài trả lời Phan Khôi, sư Thiện Chiếu nói vì từ hồi có phong trào chấn hưng Phật giáo, chưa có ai viết môt quyển sách quốc ngữ cho đúng về Phật học nên sư viết ra đây quyển “Phật học tổng yếu”. Sư cũng cho rằng ở Nam Kỳ, chỉ có sư cụ Lê Khánh Hòa là người uyên thâm Phật học, có nghị lực, nhiệt thành, chủ nhiệm Linh Sơn Tự nhưng vì tuổi già và sức yếu rồi. “Phật học tổng yếu” ra đời sau khi trường Phật học (ở chùa Linh Sơn) được thành lập có mục đích giới thiệu Phật học với các nhà trí thức trong nước. Sư Thiện Chiếu cho rằng các nhà nghiên cứu học Phật học nên học của Tàu và phải học chữ Hán vì cho đến thời điểm đó chưa có thể dịch hết ra tiếng Việt được và cũng có nhiều câu không thể dịch được. Sư Thiện Chiếu cũng gởi báo Thần Chung trả lời và cám ơn Phan Khôi tiên sinh đã lưu tâm đến sách và những điều Phan Khôi đã chỉ ra khuyết điểm. Sư Thiện Chiếu cũng trả lời một số điểm mà sư cho là oan và giãi bày, trong đó sở dĩ dùng nhiều chữ Hán là vì sách có mục đích cho giới trí thức và họ cũng đã có cơ bản Hán tự một ít rồi và học Phật học thì phải biết chữ Hán.

Sau đó Phan Khôi trả lời lại về các điểm giải oan cũng trên báo Thần Chung và sư Thiện Chiếu tranh biện lại trên bức thư khác “Đôi lời cùng Phan Khôi tiên sanh” đăng sau đó trên Thần Chung (6/2/1930). Sự tranh biện giữa Phan Khôi và Thiện Chiếu trên báo đã gây chú ý của nhiều giới trí thức và vì thế có sự tham gia của ông Mạnh Tứ Trương Duy Toản viết bài trên báo với tựa đề “Chẳng lẻ làm ngơ với cuộc cải nhau về Phật học Tổng yếu”.

Ông Trương Duy Toản là nhà báo cho báo Trung Lập đã đăng trên báo Trung Lập vào tháng 2 năm 1930 tựa đề “Chẳng lẻ làm ngơ với cuộc cải nhau về Phật học tổng yếu”.

“…Hỗm nay xem hết các lời tranh biện của ông Phan Khôi và sư Thiện Chiếu thì dẫu cho người trí-thức tầm thường thế mấy tất cũng thấy rất rõ ràng là ông Phan Khôi chỉ vì mặt văn chương mà nói, lại còn nói chơn-thành, giọng nghe thanh nhã; còn ông Thiện Chiếu tuy là người đã đem mình vào chốn rừng thiền, đã cậy nước Ma-ha rửa lòng trần tục, thế mà sao luống ỷ lanh ỷ xảo, cứ kiếm lời cải sướt luôn luôn, lại giọng nói rất là tự phụ, dùng toàn những lời tuy đúng lẽ mà cái hơi văn thật rất mục-hạ vô-nhơn.

Nội cái mục của mấy bài mà sư Thiện Chiếu đã đáp từ với ông Phan Khôi đó, thì chỉ đọc xoán [thoáng] qua cũng đủ thấy cái hơi tự-phụ rồi…

Ông Trương Duy Toản cho là sư Thiện Chiếu không phục thiện trong sự tranh biện giữa sư Thiện Chiếu và ông Phan Khôi. Như câu dịch từ bài kinh chữ Hán (về luật nhân quả) “Cha làm điều chẳng lành, con chẳng chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha chẳng chịu thế được” là sai nghĩa nguyên bản khi thêm vào chữ “được” trong câu trên mà Phan Khôi đã chỉ ra. Nguyên bản là “Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ươn”. Sư Thiện Chiếu trả lời là chữ “được” ông dùng trong câu dịch về luật nhân quả là không sai.

Ông Phan Văn Hùm đang ở Paris đã viết bài “Dịch sách Phật” để góp ý trong sự tranh luận gởi về Sài-Gòn để đăng báo Thần Chung nhưng do báo này đóng cửa nên phải một năm sau mới được ông Nguyễn Văn Bá chủ nhiệm tờ Công Luận đăng trên tờ Công Luận (12-13 Mars 1931). Ông Phan Văn Hùm cho rằng kinh Tàu dịch ra từ kinh Phạn cũng có nhiều lỗi lầm và vì thế nên dịch đúng nguyên văn không thêm bớt để khỏi sai thêm và viết thêm chú thích sau đoạn dịch:

Nếu kinh dịch ra chữ Tàu, mà có nhiều chỗ lầm như thế, thời ta càng nên dịch đúng nguyên văn, mà nên chua lời bình chú vào sau đoạn dịch. Mà hiện thời tôi tưởng rằng chưa có ai dám tin bản dịch của Tàu là đúng. Cho nên xin có mấy lời thưa lại ông Thiện Chiếu và ông tú Chương Dân và xin hai ông mựa chấp kẻ vãn-sanh hậu-học

Sư Thiện Chiếu, trong quyển “Mấy bài tranh biện về hai quyển sách: Phật học tổng yếu và Phật giáo vấn đáp” (1934) do ông biên soạn, đăng lại các bài tranh luận trong đó có bài của Phan Văn Hùm, trả lời sau bài ông Hùm là ông đồng ý với ông Hùm về việc dịch sách kinh nhưng các bài dịch của ông là từ Hải Triều Âm, tạp chí Phật học của Tàu lúc bấy giờ chứ không phải là từ kinh sách cổ của Tàu dịch từ tiếng Phạn.

Ngoài ra trong cùng quyển sách này, sư Thiện Chiếu cũng phê bình cuốn “Thượng đế luận” của ông Khuê Lạc Tử phê bình hai cuốn sách của ông và kêu gọi ông Khuê Lạc Tử “Ông Khuê-lạc-Tử muốn nói chuyện với tôi xin ra giữa công chúng” trước đã đăng trên tờ Đuốc Nhà Nam (16/1/1931). Ông Khuê Lạc Tử sau đó đã tranh biện trên báo Đuốc Nhà Nam với sư Thiện Chiếu về Thượng Đế có hay không. Sự tranh biện giữa sư Thiện Chiếu và ông Khuê Lạc Tử trên báo Đuốc Nhà Nam đã gây ra tiếp sự tham gia của ông Dương Văn Xá về đề tài Khoa học và đạo Phật. Trong bài “Khoa học không gì là nguy hiểm – Vài lời thỉnh giáo cùng sư Thiện Chiếu” trên báo Trung Lập (11-12/3/1931), ông Xá đồng tình với sư Thiện Chiếu là đạo Phật không phải là đạo hữu thần tin vào Trời đất, thượng đế và khoa học cũng vậy không có thần linh. Tuy vậy ông không đồng ý với sư Thiện Chiếu là khoa học nguy hiểm, không giải quyết được hạnh phúc con người so với đạo Phật. Ông Dương Văn Xá đã viết như sau:

“…

Khoa học cho rằng vật-thể vì diển-hóa mà đổi thay; Phật giáo thì bảo thế gian tùy nghiệp duyên mà biến chuyển v.v… Cứ xem chổ căn bản thì không thấy trái nhau mà dầu cho những nơi nhách-nhóc có sai biệt ít nhiều đi nữa cũng không đáng gọi là chẳng dung nhau được.

Vậy mà mới đây tôi nhân tình cờ được xem báo Đuốc Nhà Nam thấy bài của sư Thiện Chiếu viết, đề là “Thượng Đế Luận” để biện-chiết với ông Khuê-lạc-Tử nào đó về cái thuyết vô thần. Bài của sư chia ra làm ba đoạn, đăng ba kỳ báo. Hai đoạn sau tôi vẫn biểu đồng tình, duy có đoạn trước sư trút hết bao nhiêu tội ác trong đời nầy lên lưng khoa-học và cho khoa học là nguy hiểm. Bấy nhiêu đó làm cho tôi là kẻ bấy lâu nay vẫn yêu sư, vẫn kính sư, nay phải ngỏ ít lời, trước thỉnh giáo cùng sư, sau để chất chánh cùng hải-nội chư quân tử.

Ông Dương Văn Xá cho là đạo Phật đã qua ba ngàn năm qua mà vẫn chưa hàng phục được những mê tín dị đoan hữu thần là bao nhiêu trong khi khoa học chỉ vài ba thế kỷ lấy thực nghiệm làm phương pháp, lấy nhân quả làm định luật đã lấp bao nhiêu ngờ vực cho thế gian và rọi sáng cho nhân loại, làm cho tôn giáo hữu thần và huyền bí học dần thu hẹp địa bàn lại. Trong khi sư Thiện Chiếu cho là khoa học chỉ có lợi ích giới hạn về mặt vật chất, duy vật trong khi chân tâm mới là cái “tâm” vô hạn so với cái hữu hạn của duy vật khoa học, ông Xá cho rằng sư Thiện Chiếu ban đầu dùng khoa học trong cuộc tranh biện để thắng phục cái thuyết hữu thần của phái linh học, nay ông Xá ngạc nhiên sao sư Thiện Chiếu lại đang thắng thế mà lại mắng chê viện binh (khoa học) của mình. Sư Thiện Chiếu tiếp theo đã trả lời ông Xá trên báo Trung Lập (11/3/1931) là sư không đả phá khoa học mà chỉ đả phá cái hại của khoa học duy vật chỉ nghĩ về vật chất xác thịt, tham dục thôi mà không nghĩ đến tâm, như duy vật của Helvetius. Phái duy vật (Vật tập) này cho là con người là do vật chất hợp tạo, khi vật chất tan thì người mất, chứ không có nghiệp báo chi cả. Sư không có ý kiến gì về kinh tế duy vật của Mã khắc Tư (Marx).

Còn về quyển “Phật giáo vấn đáp”, ông Hoàng Tâm phụ trách tờ phụ trương văn chương của báo Đuốc Nhà Nam đã viết bài “Phê bình sách Phật giáo vấn đáp” đăng trên tờ phụ trương Văn chương Đuốc Nhà Nam (18-25 tháng 6 1932). Bài này cho rằng sư Thiện Chiếu sau khi dịch tiếng Hán trong “Phật học tổng yếu” thì quyển “Phật học vấn đáp” dịch từ tiếng Tây [dịch từ sách “La bouddhisme” của Henry Olcott và Soubhadra] và trong đó có nhiều từ dịch sư Thiện Chiếu dùng từ phiên âm thay vì một số từ đã có sẵn như Sa-ki-da thay vì Thích già (Sakyas), Bê-na-rét thay vì Ba-nại-la (Bénarès), Lâm-bi-ni thay vì Lâm-tì-ni (Lambini), Bờ-ra-măn thay vì Bà-la-môn (Brahmane)… Trong hai bài trả lời trên báo Đuốc Nhà Nam, rồi sau đó 6 bài sau trên báo Công Luận (8-9, 13-15, 18 tháng 7 1932) do ông Hoàng Tâm không chịu đăng thêm sau khi sư Thiện Chiếu trả lời hai bài trên Đuốc Nhà Nam, sư Thiện Chiếu cho rằng ông Hoàng Tâm chưa đủ tư cách làm một nhà phê bình, nhất là nhà phê bình sách Phật. Các bài sau trên báo Công Luận có bài “Phải bỏ đi cái bướng đi ông Hoàng-Tâm!”, sau đó bài “Ông Thiện Chiếu vọng ngữ – Trước khi nói người ta bướng mình phải nhớ lại mấy cái bướng của mình đã” (Đuốc Nhà Nam 13/8/1932). Ở đây ta thấy cả hai, sư Thiện Chiếu và ông Hoàng Tâm, trong các bài đăng trên Đuốc Nhà Nam (23/7/1932, 30/7/1932) và Công Luận báo (6/8/1932) dần đi vào công kích cá nhân nhiều hơn là thực sự tranh biện học thuật.

2. Những đóng góp của nhà sư Thiện Chiếu

Bây giờ ta có thể so sánh những nhân vật và các tác phẩm đã có đóng góp trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ trong giai đoạn cuối thập niên 1920 và thập niên 1930. Ở đây ta thấy có ba người đóng góp lớn trong sự chấn hưng Phật giáo trong thời kỳ này, đó là Hòa thượng Lê Khánh Hòa, cư sĩ Đoàn Trung Còn và sư Thiện Chiếu. Cả ba vị đều có liên hệ ít nhiều đến chùa Linh Sơn, được coi là trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ. Xét về sự củng cố nền tảng và tiếng tăm trong giới tăng (sangha) thì Hòa thượng Lê Khánh Hòa được kính trọng về sự uyên thâm Phật học và tổ chức thu hút các tín đồ Phật giáo và những nhà hảo tâm ở lục tỉnh xây dựng chùa chiền và giảng đạo. Ngài là vị lãnh đạo tinh thần thu phục được nhân tâm gầy dựng và phát triển Phật học trở lại.

Đối với quần chúng rộng hơn trong xã hội chưa tiếp thu về triết lý và kiến thức Phật giáo thì cư sĩ Đoàn Trung Còn và nhà sư Thiện Chiếu được biết nhiều hơn hết. Riêng cư sĩ Đoàn Trung Còn, đa phần là tu tại gia cũng uyên thâm Hán học và Tây học, đã dày công nghiên cứu và tự phát hành các sách về Phật học được biết nhiều đến khi cư sĩ cư ngụ ở đường Soubarain (nay là Lưu Văn Lang) gần khu chợ Bến Thành và các nhà in gần đó. Các sách của cư sĩ được đặt mua khắp nơi, không những từ Nam Kỳ lục tỉnh mà còn từ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Cuốn “Tự điển Phật học” của cư sĩ Đoàn Trung Còn cho đến ngày nay vẫn còn được dùng và chưa thay thế được. Quyển “Triết lý nhà Phật” (1931) của cư sĩ Đoàn Trung Còn viết rất dễ hiểu, dùng các câu chuyện liên quan về Đức Phật để giải thích triết lý Phật giáo. Còn hai quyển “Phật học tổng yếu” và “Phật giáo vấn đáp” của sư Thiện Chiếu tập trung vào những đề tài mà tín đồ, tăng lữ thường ngày hoạt động như lễ nghi hoặc có liên hệ đến đời sống xã hội và đặc biệt là chống mê tín dựa vào thần linh thay vì con đường giải thoát là tự lực không dựa vào ai.

Sư Thiện Chiếu trụ trì ở chùa Hưng Long cũng không bao lâu rồi hoàn tục vào năm 1933. Ông sống một thời gian ở Sài Gòn – Chợ Lớn làm ghế bán guốc, rồi rời Sài Gòn xuống Rạch Giá ở chùa Tam Bảo. Ông ủng hộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1941 và bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và nghiên cứu triết học Phật giáo ở Viện Khoa học Xã hội cho đến khi mất vào năm 1974. Sư Thiện Chiếu mang Phật học ra thực nghiệm trong phương pháp thay vì chỉ nói không về lý thuyết. Đóng góp lớn của sư Thiện Chiếu trong sự chấn hưng Phật học là đã gây nên sự chú ý trong xã hội, nhất là trong giới trí thức khi đưa ra những vấn đề về triết học tôn giáo, sinh hoạt văn hóa xã hội, khoa học có liên quan không những đến Phật giáo mà còn các tôn giáo khác nữa. Cuộc tranh luận về triết lý tôn giáo, khoa học và phương pháp dịch thuật kinh cổ điển hay sách ngoại văn sôi nổi trên báo chí đã lôi cuốn nhiều nhà báo, nhà văn, học giả, tu sĩ, nhà tôn giáo,… là sự kiện văn học và văn hóa chưa từng xảy ra trước kia và cho đến nay.

Sự tranh luận liên quan đến triết học và văn học về hai cuốn sách của sư Thiện Chiếu kéo dài hơn hai năm trên báo chí (từ tháng 2 1930 trên báo Thần Chung cho đến tháng 8 1932 trên Công Luận báo). Chúng ta biết nhiều đến sự tranh luận về văn học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh trong lịch sử văn học Việt Nam xảy ra không lâu sau đó trên văn đàn, báo chí và diễn thuyết do cô Nguyễn Thị Manh Manh và ông Phan Khôi khởi xướng. Nhưng trước sự kiện này đã có cuộc tranh luận sôi nổi về triết học, phương pháp luận như đã nói trên làm tiền đề cho sự khởi sắc hoạt động văn học ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kết luận

Ngoài Hòa thượng Lê Khánh Hòa và cư sĩ Đoàn Trung Còn thì sư Thiện Chiếu đã có công phổ biến Phật học trong quần chúng trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo vào cuối thập niên 1920 cho đến hết thập niên 1930. Về sự thông thái trong lãnh vực Phật học, có thể sư Thiện Chiếu không bằng sự uyên thâm và được kính trọng nhiều như Hòa thượng Lê Khánh Hòa hay cư sĩ Đoàn Trung Còn, nhưng về ảnh hưởng trong xã hội, gây sự chú ý về sinh hoạt tôn giáo, giúp mọi người hiểu thêm thế nào là Phật giáo, tự nhìn lại sự tu tâm của mình và tránh dựa quá nhiều vào nghi lễ và thần linh cứu rỗi, sư Thiện Chiếu đã mang Phật giáo vào đời sống thường ngày, hiện đại hóa cách suy nghĩ. Phương pháp tiếp cận vấn đề do sự dấn thân và niềm tin chống mê tín của ông nên đã có những phản ứng không thuận lợi với cá nhân nhà sư. Ngày nay những vấn đề sư Thiện Chiếu đặt ra trong hai quyển “Phật học tổng yếu” và “Phật giáo vấn đáp” vẫn còn mang tính thời sự và cần được giới Phật học lưu tâm đến và học hỏi kinh nghiệm.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thiện Chiếu (1934), Mấy bài tranh biện về hai quyển sách: Phật học tổng yếu và Phật giáo vấn đáp, 1929-1932, Xích Liên xuất bản, Imprimerie my-khouanh, 229-231 rue des marins, Cholon.

2. Thiện Chiếu (1929), Phật học tổng yếu, Editeur Nguyễn Văn Tài, chùa Linh Sơn, Nhà in Imprimerie Đức Lưu Phương.

3. Thiện Chiếu (1932), Phật giáo vấn đáp, chùa Hưng Long xuất bản, Nhà in Xưa-Nay.

4. Đoàn Trung Còn (1931), Triết lý nhà Phật, Đoàn Trung Còn (2 rue Sabourain) xuất bản, Imprimerie Joseph Nguyễn Văn Viết.

5. Dỉ Thiện (1933), Một cái hiểm tượng, Thần học Tòng Thơ xuất bản, Imprimerie Bảo-Tồn, 175 Boulevard de la Somme, Saigon, in lần thứ 2.

6. Phan Khôi (1929), “Cùng sư Thiện-Chiếu bàn về lối dịch sách hay là phê bình lối dịch của sách Phật học tổng yếu”, Thần Chung số 279 (24/12/1929).

7. Dương Văn Xá (1931), “Khoa học không gì là nguy hiểm – Vài lời thỉnh giáo cùng sư Thiện Chiếu”, Trung Lập báo (11-12/3/1931).

8. Phan Văn Hùm (1931), “Dịch sách Phật”, Công Luận (12-13 Mars 1931).

9. Trương Duy Toản (1930), “Chẳng lẻ làm ngơ với cuộc cải nhau về Phật học tổng yếu”, Trung Lập báo (2/1930).


[*] Thiện Chiếu (1934), Mấy bài tranh biện về hai quyển sách: Phật học tổng yếu và Phật giáo vấn đáp, 1929-1932, Xích Liên xuất bản, Imprimerie my-khouanh, 229-231 rue des marins, Cholon.

Comments are closed.