(Nhân đọc một bài thơ được đưa lên mạng của Lê Vĩnh Tài)
Dương Thắng
Nguyên văn bài thơ của Lê Vĩnh Tài đưa lên mạng như sau:
“Nhà thơ
Dẫn các chữ cái vào sâu trong giấc mơ. Hoang vu. Thăm thẳm. Tối tăm.
Các chữ cái nói: "Chúng cháu sợ lắm, sợ lắm…" Và bắt đầu khóc.
Nhà thơ mếu máo: "Các bé sợ à? Ta còn sợ hơn các bé nữa cơ, vì lát nữa ta quay về chỉ có một mình.”
1. Bài thơ này đầy ắp hình ảnh, với tôi mỗi hình ảnh này đều mang sức mạnh tâm lý vượt xa các suy nghĩ và trải nghiệm sống thông thường. Nhưng nếu những hình ảnh ấy được tạo ra chỉ có mục đích bộc lộ cho được cảm xúc (ban đầu) của tác giả thì nó sẽ không tạo ra tưởng tượng (nơi bạn đọc), nếu có thì tưởng tượng ấy không thể có bước nhảy vọt, vượt qua được cảm xúc của tác giả, nó chỉ dừng lại ở những comment dạng như của một bạn nào đấy: “Nhà thơ rất mong manh nhé! Dùng con chữ để che đậy sự mong manh thôi” (chắc bị ấn tượng bởi hình ảnh mếu máo của nhà thơ”).
2. Bước cao hơn của trí tưởng tượng mà những hình ảnh trong bài thơ có thể mang đến nơi người đọc đó là việc kiến tạo ra các cảm xúc mới, nối tiếp vào, làm sâu thêm, làm rộng ra cái âm hưởng của cảm xúc mà bài thơ mang đến, nhưng vẫn luôn là những cảm xúc “cùng chiều”, ví dụ: những đứa trẻ đáng thương bị bỏ rơi trong rừng, đói lạnh… nhà thơ thì tinh tế/ trưởng thành trong các giấc mơ (kẻ mộng mơ) nhưng khi trở lại với đời cũng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, bơ vơ lạc lõng, v.v. đại loại thế.
3. Nhưng sức mạnh lớn nhất của bài thơ nằm ở chỗ nó giúp cho người đọc liên tưởng tới/tưởng tượng ra những hình ảnh hoàn toàn “biến dạng” so với những hình ảnh được cung cấp bởi bài thơ, giải phóng người đọc hoàn toàn khỏi những hình ảnh ban đầu đang “cầm tù người đọc”, làm nảy sinh ở họ những cảm xúc độc đáo và khác lạ, đôi khi rất xa với ý tưởng ban đầu của bài thơ như đã thể hiện trong những comment sau của hai bạn đọc khác:
– "Nhà thơ khóc và nói với các con chữ "các con hãy ở lại chốn hoang vu này và sống một cuộc đời trinh trắng ngây thơ, đừng quay lại với loài người, ở đó các con sẽ bị bức hại, bị bắt làm điếm (chữ), làm đồ tể (chữ), sẽ có nhiều kẻ dùng các con để đâm chém và làm đớn đau những người khác".
– "Đúng rồi, và sau đó nhà thơ ra về ở với lũ man rợ mông muội vì đã bỏ chữ".