Thơ Như Quỳnh de Prelle

Vùng trời trắng của anh

 

đơn độc như những chiếc máy bay

giữa bầu trời lúc nào cũng chỉ là một

hoặc đôi chiếc thì khoảng cách không bao giờ gần nhau

 

chiếc máy bay trên biển càng đơn lẻ

cái chết dưới bầu trời và trên mặt nước

lặng lẽ như nhau

giống nhau

chả thể nào tìm thấy xác

 

những chiếc máy bay hình xương cá khẳng khiu, gầy yếu

 

một nốt nhạc buồn hay cả giàn hợp ca đầy nước mắt

biển chưa bao giờ cạn

mà đã chết từ lâu

đen ngầu

tăm tối

tận cùng là biển

tận cùng là cái chết

tận cùng là mất nước

mất tất cả

trắng tay

trắng biển

trắng trời

trắng sa mạc

 

người với người cào xới

những vệt thương không bao giờ khâu lại được

không bao giờ

 

 

Những ngày đáng sống của mùa hè năm nay

 

đầy máu

đầy những xác chết không đủ chỗ để chôn

đầy biển khơi mặn mòi gào hét trong im bặt

đầy cả tình yêu và những hẹn hò

 

Em nhận ra anh trong những ngày đáng sống

từ những trang giấy của anh

những ấp ủ của thời gian giữa quá khứ và hiện tại

những hoang mang hàn gắn vết thương sâu trong lòng cả dân tộc này

em nhận ra anh trong trái tim em

đằm sâu rạo rực

 

Em nhận ra sự thật

dám chôn bỏ những người tình cũ

dứoi lòng đất sâu như trái tim hồi sinh nhận thức

em đã chôn đi những thời gian không còn mới

để sống tiếp những ngày này

của mùa hè có anh

 

Em nhận ra tình yêu xa xôi

của bạn bè

của lý trí và bình đẳng

sự công bằng tha thiết

vượt trên những phản trắc bội tàn

chúng mình bên nhau là một

 

Những ngày đáng sống giản dị đời thường

như nụ cười con trẻ

như hy vọng mai sau

chúng lớn thành người già

trong niềm vui hân hoan và những nỗi buồn

 

 

Lũ này

 

Chúng tôi thế hệ đi sau như măng đang nhú mầm mọc lên giữa rừng

toàn cổ thụ và cả những cây hoang cây bụi

 

một cơn mưa làm cho măng cao hơn dài hơn

một sợi nắng làm cho măng xanh hơn lớn hơn

một con lợn rừng đi ngang qua gặm măng như thức ăn

một con người đi qua bẻ măng cho vào túi

một con sóc chạy ngang qua

một con cáo lùng sục khắp nơi những chú lợn nhỏ hiền lành

 

cây cổ thụ che bóng mát và có thể bị sâu từ trong thân cây và từ rễ cây

con người đến cưa đi và nó nằm xuống ngang đường ngang cả những thân măng

những cây hoang cây bụi lộn xộn quấn lên nhau chả ai nào gỡ ra được

thế rồi

măng chả thể trong rừng thành tre thành trúc

lụi dần lụi dần

tre trúc làm hàng rào thì thành hàng thành lối

 

tha thứ cho chúng tôi ư

bao dung cho chúng tôi ư

hay trả nợ cho chúng tôi bằng ân oán hận thù

hay vùi xéo chúng tôi bằng oan nghiệt

 

chúng tôi phải tự đi tự vệ chính mình

tự vệ làm người tử tế

dù một mình cô độc

dù không bè cánh rẽ chia ai

 

lũ chúng tôi không thể khóc như một cơn mưa buồn

càng không thể tự vùi mình trong cát

chúng tôi hóa thành thuỷ tinh

hay thành những con sóng nhởn nhơ

chạy trốn kiếm tìm

trên những cánh đồng đầy gai kẽm

máu bung ra không đau đớn bằng

niềm tin tắt ngúm

không hy vọng

không tương lai

hiện tại thì không nương náu

 

lũ chúng tôi như thế qua bão giông của thời thanh xuân

thành những người khác trong đôi mắt cũ kỹ tị hiềm

 

vì chúng tôi hiểu chúng tôi hơn dành cho sự thấu hiểu của kẻ khác mong chờ vào kẻ khác

 

măng cứ mọc rồi gãy

thành tre trúc thẳng hàng

do chính chúng tôi tự định đoạt

 

Đọc thư Hội An

 

tôi đã từng ở đó trong những ngày bình an một mình

trong những căn phòng nhỏ xa lạ mà thân thuộc

trên những con phố, những mái nhà cũ, những dấu chân buồn vắng lặng

 

tôi đã đến đó để chạy trốn vài lần gục ngã

của thế giới thanh xuân buồn bã vô chừng

tôi ngồi lại trên chiếc ghế nhỏ ở quán ăn của một người đàn bà quen thuộc với nhiều người

bằng món ăn cơm gà

mì quảng

cháo vịt đêm khuya

 

tôi đã từng mặc chiếc váy lụa màu tím

tôi đã từng thức dậy giữa đêm khuya cùng đoàn phim

tôi đã từng mơ một người đàn ông sống bằng đôi mắt qua ống kính

bằng nhịp thở của không gian thời gian cùng nhau mà hỗn độn không thể chia ra hay chạm vào

 

tôi đọc thư Hội An

và nhớ nơi này

nơi tôi tìm đến thiền lòng mình

ở mỗi quán cafe và chiếc bàn cô độc

 

tôi nhớ những bức hình có tôi trong đó

tôi ghi lại hình ảnh ở nơi phố thị cổ xưa

và một lần bất ngờ tôi gặp Vincent Ngô

nhà biên kịch là thầy dạy kịch bản của tôi

trong những hàng người đông đúc của mùa hè năm đó

trên chiếc cầu qua sông của thành phố

 

nhớ Hội An, nơi thuộc về Việt Nam của tôi

lòng tôi chùng xuống như một buổi chiều buồn bã

khi tôi ngồi đâu đó không quen biết ai

thành phố trôi qua đôi mắt vô hồn

không biết tìm kiếm cái gì ở đâu

 

 

Comments are closed.