Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (18): MỘT GÓC NHÌN VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ VÀ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

Nguyễn Thanh Văn

NHẬT BẢN VÀ TINH THẦN QUỐC GIA CHỦ NGHĨA MẠNH MẼ VÀ CỰC ĐOAN

Đọc phần trước về các đặc điểm của xã hội và con người Nhật Bản, nếu các bạn thấy còn thiếu đặc điểm gì thì điều đó là tất nhiên. Phần nhiều các tác giả trong các tác phẩm liên quan tới Nhật Bản, dù bất cứ đề tài gì, đều có bàn qua các đặc trưng của xã hội Nhật và tính cách dân tộc Nhật Bản. Nó phức tạp và có nhiều góc độ để tiếp cận, chủ yếu như tôi đã ghi nhận các khái niệm tính cách Nhật, văn hoá Nhật, Zen, Phật giáo và Phật giáo Nhật Bản… đan quyện lẫn nhau.

Không thiếu các dân tộc – Việt Nam và Trung Quốc chẳng hạn – chia nhau những huyền thoại giải thích nguồn gốc, sự hình thành của dân tộc mình và ý thức gìn giữ nó như một biểu tượng thiêng liêng qua năm tháng. Nhật Bản đâu phải là ngoại lệ. Cái có phần độc đáo của đất nước này là ở chỗ có dân tộc có say sưa chi cũng có người tỉnh táo, bình thường xem chỉ là chút thi vị màu mè hay thuần tuý tình cảm, thuần tuý biểu tượng, nhưng dường như câu chuyện về vị Thuỷ Tổ của đất nước là Nữ Thần Mặt Trời liên quan tới Hoàng Gia và cả các họ tộc lớn – từ thời thị tộc – khác, rải rác khắp các đảo cũng “ăn theo” lý lịch thiên giới này, in sâu hơn trong ý thức và tiềm thức đại bộ phận người dân Nhật Bản, từng trở thành niềm tự tôn tự hào bất trị, ít nhất qua rất nhiều thế kỷ. Tình cảm này ắt được cổ vũ bởi sự hiện hữu nhãn tiền của một Hoàng Tộc có bề dày hơn hai ngàn năm – gồm cả vài thế kỷ có người cho là huyền thoại – mà cả thế giới có lòng kinh ngạc và không một hoàng gia nước nào trên hành tinh này có thể so sánh.

Cá nhân tôi có một trải nghiệm về lòng tự hào cao vòi vọi của người Nhật Bản. Khi còn trẻ, qua giới thiệu của hai người bạn thân, tôi có thời kì ngắn làm trưởng nhóm giáo viên dạy Anh ngữ cho thuỷ thủ viễn dương (công ty có tên là LOD). Một lần công ty giao việc thông dịch cho hai khách quý từ công ty hàng hải Marshall của Mỹ đang đi khảo sát tiềm năng cung ứng đội ngũ thuỷ thủ. Hai địa điểm đến là một trường hàng hải ở Văn Thánh và trường Giao thông Vận tải ở Phú Lâm. Đi cùng Tổng giám đốc Ogivie, gốc Scotland, quốc tịch Mỹ (tôi ghi chi tiết vì ông còn là một thuyền trưởng nổi tiếng thế giới và không rõ sao báo Văn Nghệ Trung ương lại từng có một bài viết trân trọng dành cho nhân vật này – cũng xin lỗi không rõ tôi ghi tên ông có chính xác không!) là một người Nhật tên Suzuki, được Ogivie giới thiệu là director của công ty. Trên taxi, Tổng giám đốc – ngồi giữa ở băng ghế sau, ba chỗ ngồi (!) – tỏ ra là một gentleman lịch thiệp và có óc hài hước. Góc bên kia, ngài Suzuki thấp người lại đóng vai Samurai, thẳng lưng, đăm đăm nhìn phía trước, mặt lạnh lùng như trong phim Nhật. Câu chuyện rôm rả không dính chi “công việc” mà do tôi cũng thích hài hước như ông Ogivie. Cảm thấy có chút nặng nề và mang máng nhớ chuyện lịch sự với khách quý của công ty, tôi nghiêng người nói: “Mr Suzuki, in 1905 when the Japanese Army won the war between Japan and Russia, our forefathers considered it their victory!”. Ngỡ nói qua quýt cho có chuyện nói, thật không ngờ là bác Suzuki bỗng ưỡn ngực, nghễnh đầu “thank you” liên tục (Oh, well… You do know that event? A nice surprise!), vui vẻ như mới nhận quà và biến ngay thành một người thân thiện, bặt thiệp, hỏi thăm gia đình, cả thú tiêu khiển và ngành học của tôi ở đại học. Chi tiết cũng khá hài là Ogivie chêm vào “Don’t worry about your future. After Mr Suzuki opens his company here, you’ll surely be offered a managerial position!”. Một kinh nghiệm về ý thức tự hào dân tộc quả là vòi vọi của dân Phù Tang.

Có người giải thích do sự xinh đẹp khác thường của thiên nhiên Nhật Bản, nhưng e có tí bất ổn bởi trên trái đất thiếu chi quốc độ có cảnh sắc quyến rũ mê hồn, mà cư dân có tự hào, yêu mến, nhưng không nhất thiết phải tự kỷ, tự tôn. Hay kết hợp thêm yếu tố đất nước vừa đẹp vừa cách ly phần còn lại của thế giới, dân chúng quanh năm suốt tháng sống trên đảo quốc của mình nên mang cái tình cảm Narcist đặc trưng này chăng! Tưởng cần nhắc rằng tình yêu với dân tộc và đất nước luôn là ưu điểm cả thôi. Sự thực một vùng đất chỉ có cát, động đồi nối nhau nhạt nhoà, vô tận người ta còn gắn bó nữa là. Chưa nói tình cảm với quê hương kết với chí học hỏi, tôn trọng văn minh xứ người thì còn chi bằng. Trường hợp sau này chính là trường hợp của Nhật Bản. Chỉ khi vì quyền lợi quốc gia nhà mình, quá tính toán cho quyền lợi Phù Tang ta mà giở trò “gắp lửa bỏ tay người” thì quả không xứng đáng, bất chấp sự bào chữa với nhiều thuật ngữ và ngoa ngữ. Tiếc thay vụ việc kiểu này quả có liên quan lịch sử quốc gia cuối vùng Viễn Đông này. Điều mà các sử gia gọi đúng tên là chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Vậy ta thử điểm qua xem cái tinh thần quốc gia có phần đặc biệt của đất nước có nền kinh tế hiện đại nằm trong tốp 3, 4 của thế giới có cái hay, cái chưa hay gì.

1. CHỦ NGHĨA QUỐC GIA VỚI TINH THẦN “ĐẠI HOÀ HỒN” XUẤT HIỆN RẤT SỚM

Dù đại khái qua khảo cổ, ký ức dân tộc dưới dạng truyền khẩu và phân tích, so sánh những bước lịch sử của các quốc gia khác – riêng Trung Quốc cung cấp những dữ liệu ít ỏi nhưng cực kỳ quý báu – mà biết Nhật Bản có một thời cổ sơ là tập hợp những thị tộc – có thể gọi là bộ lạc (hẳn trụ trên các đảo biệt lập) – với hai bước: các thị tộc biệt lập và quá trình thôn tính nhau để tạm gọi là hình thành liên minh bộ lạc, dạng nhà nước thời kỳ đầu. Dựa vào ít tư liệu còn mùi huyền sử và phán đoán thêm của giới nghiên cứu cho thấy ngay thời kỳ khá lù mù này (từ ít thế kỷ trước và sau TC giáng sinh) đã có sự giao lưu có lẽ vừa tự phát vừa ở quy mô bộ tộc với Triều Tiên và qua nước láng giềng này mà biết sự có mặt và nhận ảnh hưởng gián tiếp của một vương quốc ở lục địa có đại danh là Trung Quốc (ảnh hưởng này chắc liên quan các yếu tố ban sơ về tập quán, văn hoá, có lẽ dạng tín ngưỡng nào đó, nhất là Phật giáo và trao đổi hiện vật ở quy mô nhỏ). Dòng họ nối nhau ở địa vị sớm được gọi – bước đầu hẳn do tự xưng – là Thiên hoàng cho tới ngày nay chính là một vị cầm đầu đại bộ lạc đủ hùng mạnh chinh phục hầu hết các bộ lạc còn lại. Chắc chắn việc tin tưởng dòng họ Thiên hoàng là con cháu trực hệ của Nữ Thần Thái Dương có đóng góp không nhỏ của bộ phận “tuyên huấn” của họ tộc chiến thắng, tích cực tự chế tác ra. Dĩ nhiên chiến thắng không tuyệt đối nên phải thoả hiệp, một trong những dạng thoả hiệp là sáng tác thêm các “chi” thần thánh anh em chia chác cho các hào tộc địa phương khác, mỗi người mỗi tí huyết thống thần linh cho sang cả, “lấy le” với bá tánh – tiện xin nhắc người Nhật dùng từ bá tánh để chỉ lớp bần dân, hạ lưu, không phải chỉ chung nhân dân trăm họ như người Trung Hoa và người Việt ta.

Thời kỳ huyền sử còn tranh cãi, nhưng các sử gia trong và ngoài nước thống nhất sự tin cậy với tư liệu lịch sử Nhật ít ra với một số tên tuổi Thiên hoàng như Kimmei (Khâm Minh), Bidatsu (Mẫn Đạt), Yomei (Dụng Minh), Sùng Tuấn (Sushun). Rồi nhân vật Shotoku (con đầu của Thiên hoàng Dụng Minh) xuất hiện vào thời nữ hoàng Suiko (Suy Cồ), 592-628, với hào quang lịch sử rực rỡ chưa hề phai mờ trong tâm thức Nhật Bản, dù chỉ ở địa vị Nhiếp chính cho Nữ Vương này. Đấy là người tượng trưng cho thời kỳ Nhật Bản từ nền tảng sơ khởi từng bước của vài vị Thiên hoàng có uy thế trước đó, bước ra khỏi một chính quyền còn âm hưởng liên minh bộ lạc, tự tổ chức và phát triển thành một quốc gia có chiến lược chính trị văn hoá, có kỷ cương đạo đức, danh phận rỡ ràng với hai định hướng lớn: theo mô hình Trung Quốc và nâng Phật giáo lên địa vị (gần như là) quốc giáo. Thập thất điều hiến pháp – thực tế là dạng sơ thảo, có âm hưởng đạo đức kết hợp Phật – Nho hơn là thực tiễn – có men cấp tiến và hương vị khai phóng đối với thời đại, gắn với cái tên Shotoku đã đem lại cho vị Nhiếp chính tài đức, gương mẫu một uy tín bền vững trong lòng dân chúng Nhật – uy tín của một anh hùng dân tộc – và khi tìm hiểu tầm nhìn và ý chí siêu vượt của một đại quý tộc ở tận đầu thế kỷ thứ 7, chúng ta không thể ngăn được cảm hứng ngưỡng mộ.

Vâng, chỉ dừng ở đây với Nhật Bản của thế kỷ thứ 7 chúng ta đã có lắm gợi ý cho mục nhỏ này của bài viết.

Trang sử “chính thức” rõ ràng gắn với uy tín Thiên hoàng, với một dòng họ. Trên cao vời có Nữ Thần thiêng liêng, dưới thế có có dòng họ Nữ Thần khai sinh ra quốc gia và dưới nữa là các thành viên dân tộc kính mộ nguồn gốc thần thánh và tôn xưng đức vua với lòng tự hào, tự tôn. Cho dù qua năm tháng thái độ kính ngưỡng của nhiều công dân dần dà ắt có tính tượng trưng và trong lịch sử có những thành viên dân tộc đặc biệt – các phe phái quý tộc, đám Shogun, thậm chí một số mang tiếng cao tăng với bọn tăng binh hiếu chiến của mình… – thiếu chi dịp làm cho quý Thiên hoàng điêu đứng. Dù thế nào đi nữa và nói chung, tinh thần dân tộc Nhật Bản quả rất mạnh mẽ, có phân biệt tầng lớp trên dưới, sang hèn thật nhưng ý thức đoàn kết quốc gia, trách nhiệm với Thiên hoàng vốn là biểu tượng, được đồng hoá với quyền lợi tối cao của cả dân tộc cả thế giới đều biết. Và đặc biệt – như ít chi tiết lịch sử nhắc qua trên – truyền thống yêu mến và sẵn lòng hy sinh cho đất nước Đại Hoà (Yamato), Oa Quốc (Wa – tên người Tàu gọi, có nghĩa là man quốc, có người nói là nước của người lùn!) và tên gọi Nhật Bản (Nippon) – mà người Nhật tự gọi vương quốc mình về sau này – hình thành rất sớm.

Chính những yếu tố này vừa tạo sự bền vững và uy quyền của chính quyền, vừa giải thích sự phát triển cả nét cực đoan cho chủ nghĩa quốc gia Nhật Bản. Một vị nhiếp chính như ta vừa điểm qua (dĩ nhiên còn yếu tố xu thế thời đại, việc vận động tốt ở hậu trường và tập thể đại thần, chuyên viên, đồng chí) có quyết định lớn lao ảnh hưởng và lôi kéo cả một dân tộc, làm chuyển hướng cả dòng lịch sử – cần lưu ý có cả quyết định chọn Phật giáo không hẳn là quốc giáo hay tôn giáo duy nhất. Còn Shinto – Thần đạo – một tôn giáo được cổ suý trên quy mô quốc gia – là một ví dụ về quyền lực chính trị và cả sự thu hút của một chính trị gia (trong trường hợp này là vị Nhiếp chính quyền uy Shotoku) nắm đúng thời cơ thực hiện một cuộc cách mạng từ trên xuống. Hình thức chính trị và yếu tố “từ trên xuống” này chi phối chủ yếu và suốt lịch sử Nhật Bản – dĩ nhiên với cả mặt tích cực và tiêu cực của nó.

2. THIÊN HOÀNG NHƯ MỘT BIỂU TƯỢNG BỀN VỮNG VÀ CẢM HỨNG CỦA QUYỀN LỰC QUỐC GIA

Việc lý giải niềm tự hào về gốc gác thần thánh của dân tộc thông qua Thiên hoàng và Hoàng gia đã được đề cập. Đặc tính kỷ luật, trọng trật tự, nề nếp truyền thống của người Nhật trước khi được củng cố bởi giáo lý và triết học của Nho giáo ta đều rõ. Nhưng còn những hiện tượng khác chắc phải bàn thêm.

Đọc qua lịch sử Nhật, tôi tin rằng một yếu tố rất quan trọng giúp cho dòng họ Thiên hoàng xứ Phù Tang bền vững và lập Guinness về thời gian ngự trị vị trí cao cả đời đời là chỗ họ trị vì (reign) đất nước mà không trực tiếp cai trị (rule). Quyền lực thực tế trong tay các đại thần (hoặc hội đồng) nhiếp chính, các dòng họ đại quý tộc và các tướng quân (Shogun) hùng mạnh. Thực tình người viết không tin các Thiên hoàng không có ham muốn nắm quyền lực cai trị trực tiếp mà đơn giản họ không đủ thực lực để làm được điều này. Trong lịch sử từng có Thiên hoàng muốn lật lại thế chính trị này (Go Daigo Tenno – Hậu Đề Hồ Thiên hoàng là một ví dụ) vào thế kỷ 13. Các sử gia khách quan có lẽ cũng không nên cho phép bàn quá sâu, lại càng tránh việc đặt mình dưới lập trường tán thán hay chỉ trích một sứ quân nhất định hay thể chế sứ quân hoặc đứng trên lập trường bảo hoàng theo lối phù suy chủ nghĩa e mang tính cảm xúc. So với thanh vọng và hình ảnh nói chung là trong sạch, tiết kiệm, hiền hoà mà uy nghi của Thiên hoàng thì các sứ quân là con nhà võ, dựng nghiệp từ lưỡi kiếm nên hùng hổ, thô tháp hơn cũng không lạ. Nhưng chỉ nói thế thì không công bằng. Các Shogun – chưa tính trong nhiều thời kỳ là các dòng tộc quý tộc, đại thần – thời Kamakura (Liêm Xương/Thương), Ashikaga (Túc Lợi), Muromachi (Thất Đinh), Tokugawa (Đức Xuyên), chiếm một thời kỳ gần 450 năm của lịch sử Nhật Bản, đã có những đóng góp to lớn và có ý nghĩa, dù thời mạt kì kém so với sơ kì và trung kì. Hay dòng đại thần Furigawa của Liêm Túc dần dà lấn quyền Thiên hoàng thì cũng là rường cột quốc gia vài thế kỷ, công bù được tội, hay công nhỉnh hơn tội là đàng khác.

Các Thiên hoàng lúc ban sơ – thật ra như đã phân tích, danh xưng “Thiên hoàng” có rất trễ do người đời sau tôn xưng, vị trí lúc đầu chắc là một dạng thủ lỉnh liên minh bộ lạc hay thị tộc (đại khái như các vua Hùng nhà mềnh và cũng nhắc rằng danh xưng “Hùng Vương” – từ Hán Việt rành rành – là tên sử gia đời sau xưng tụng) – chắc có cơ hội sử dụng vũ khí hơn các đời sau để giành địa vị độc tôn. Có bằng chứng thế lực chính trị – quân sự này đã biết kết hợp cả chiến tranh tâm lý, mà việc nhận dòng họ mình là trực hệ của Nữ Thần Thái Dương là một ví dụ. Họ linh động tới độ chấp nhận cách lý giải của một số bộ tộc đồng minh hùng mạnh khác về nguồn gốc tổ tiên cũng từ thân nhân do Nữ Thần Mặt Trời phái xuống, đại khái chịu phận em út so với dòng họ chính mỗi khi giỗ chạp.

Một khía cạnh khác, Nhật Bản là đất nước của nghi lễ và phụng thờ, mà trên hết là tập quán thờ Thần (Kami) – từ thần bảo trợ mùa màng nông nghiệp, ban cho thời tiết thuận hoà qua các dạng kính ngưỡng thiên nhiên, thờ các thần cây, thần núi, thần sông, thần đá… dẫn tới tín ngưỡng gọi chung là Thần đạo. Chính dạng Shinto sơ khai này liên kết mọi người dân bản xứ dù theo tín ngưỡng nào khác thành một khối, nếu không nói chính mặc cảm quá thiên về học tập văn minh văn hoá xứ lạ – từ Trung Quốc, Triều Tiên, tôn giáo gốc Ấn Độ tới văn minh kỹ thuật Âu Mỹ sau này – càng làm tâm thức Nhật Bản quay về trân trọng, nâng niu giá trị bản xứ (native) dù có khi hương vị cổ sơ có phần chất phác nếu không nói là xen yếu tố mê tín. Do các học giả phát hiện một đặc điểm thú vị là thái độ của người Nhật đối với thánh thần (Kami) không mang ám ảnh sợ hãi, viễn chi như người Hoa, người Việt hay người Triều Tiên mà có sắc thái thân thiện và “nhân hoá” gần gũi, nên lạm bàn rằng trong màu sắc duy linh, đa thần không xa lạ với các cộng đồng thời thị tộc khắp thế giới, có khi tập quán “thần hoá” vạn vật kiểu Nhật có lẫn hương vị tự hào và tri ân của một dân tộc có gu thẩm mỹ cao đối với thiên nhiên đa dạng, đa sắc tuyệt vời của một quần đảo nối nhau như một chuỗi ngọc giữa biển trời lộng lẫy bao la của mình. Có thể nói thêm mỹ tục thơm thảo tinh thần“uống nước nhớ nguồn”, trân trọng quá khứ này hẳn cũng là một liệu pháp tâm lý cân bằng tinh thần, tâm linh hiệu quả của một dân tộc bên trong sôi sục nhiều thiên hướng cực đoan chăng!

Điểm phân tích ở đây là nghi lễ được quốc dân xem trọng chính là đặc quyền của họ tộc Thiên hoàng. Điều này rất hệ trọng vì chính “đặc quyền” liên quan huyền thoại ra đời quốc gia này là trung tâm hướng đến của toàn cư dân Nhật Bản phần nào theo xu hướng càng ly tâm càng hướng tâm, càng rải rác trên hàng trăm đảo lớn nhỏ tách biệt lại càng cần có một trung tâm để hướng vọng – trong trường hợp này gọi Hoàng Cung cổ kính của các đời Thiên hoàng là trái tim của vương quốc Phù Tang tưởng không hề quá đáng, bất chấp một số “chúa đảo” từng làm cho trái tim thiêng liêng này phải rỉ máu không ít lần.

Việc chí thú, chăm nom nghi lễ tầm quốc gia đại sự của Hoàng gia trong tư thế “tộc trưởng” ắt góp phần thêm an toàn cho họ tộc mình và thêm uy tín không ai tranh tụng nổi trước mắt người dân Nhật tưởng đã quá rõ. Tâm thức Nhật Bản chấp nhận sự thay đổi quyền lực ở và từ trung ương dễ dàng hơn người Pháp hay người Mỹ, nhưng kèm điều kiện tránh đụng chạm tới Thiên hoàng và Hoàng gia như biểu tượng quốc gia và có thể nói như một biểu tượng tâm linh. Điều mà người viết, vốn không chuyên chi về lịch sử và chưa hề mơ trở thành một sử gia dù là sử gia tài tử, muốn “tản mạn” thêm là hẳn cái nhiệm vụ và trọng trách mang hương vị tâm linh và ái quốc này góp phần dẫn tới hai hệ quả: một là vị trí Thiên hoàng trở nên thiêng liêng, vững chắc đến độ ngay các đại tướng quân hùng mạnh nhất cũng chưa hề dám thách thức, và hai là chắc chắn có sự hạn chế và kiềm chế thế lực quân sự và tài chính đối phó với tham vọng chính trị tiềm tàng của các Thiên hoàng từ phía các sứ quân. Đây cũng có thể là một phần lý do mà các sử gia nhận xét người Nhật đánh đấm, lật nhau khi có thời cơ, nhưng không sính làm cách mạng như người Pháp.

Nếu tôi không nhầm, tiểu sử các Thiên hoàng thiên về phẩm hạnh, tư chất mà không thấy nhấn mạnh phần uy vũ, tài quân sự, tập trung lực lượng hay rèn luyện võ thuật, vũ khí chi – điều có khi chỉ gây nghi ngại cho các Shogun vốn xem chuyện binh đao, vũ khí là chuyện riêng tư của họ tộc nhà mình, là đặc quyền của Shogun Phù Tang.

Nói thêm ý cuối, như thế về thực tế cơ cấu chính thể gần như suốt lịch sử Nhật Bản là một dạng vua làm vì (gợi hình ảnh và cơ chế “vua Lê, chúa Trịnh” ở Thăng Long thuở xưa); nói khác đi, Nhật Bản có hai dạng “trung ương”: một là thế lực có thực quyền tha hồ làm mưa làm gió của quý tộc, đại thần và các đại Shogun hùng mạnh, và một là biểu tượng tình cảm, nếu không nói là biểu tượng tâm linh, của vương quốc mà đại diện là Thiên hoàng. Và có vẻ hệ quả không tránh khỏi, dù công lao không phải không có – một số được lịch sử Nhật tri ân, đánh giá cao – các sứ quân hầu như nhận tình cảm dạng “kính nhi viễn chi” của đồng bào mình và ngược lại với vai trò biểu tượng, ít khi có uy lực và biện pháp can thiệp quốc sự kịp thời, ngôi vị Thiên hoàng căn bản được dân chúng kính ngưỡng, yêu mến hơn. Nếu mượn chuyện hiện đại mà bàn thì trừ vài ngoại lệ không đáng kể, vị trí “nhân vật quyền lực nhất trong năm” ắt về tay các Shogun và “nhân vật được dân Phù Tang yêu mến nhất trong năm” hẳn rơi đều đều vào tay các Thiên hoàng cả thôi! Không phải là chuyên gia sử Nhật Bản, lại không phải là công dân Nhật Bản để hiểu và quan trọng không kém để “feel” được cảm xúc thật sự của người dân Nhật, nhưng tôi mạnh dạn nêu ý kiến rằng là một quốc gia châu Á thiên về cảm tính và chữ tình, dân chúng Nhật qua lịch sử biến thiên gồm bao trang sử tiến bộ huy hoàng đáng tự hào kèm biết bao tháng năm chinh chiến, bi thương tất mang cái thiên hướng gọi là “phù suy”, “đồng cảm” và “duy tình”. Khi gặp nguy khốn tầm quốc gia – kể cả lúc tuyệt vọng về một thế lực quân phiệt, tăng phiệt, đại quý tộc hay liên kết các thế lực này – cả Đức Vua và thiên hạ thành nạn nhân là lúc nhân dân một lòng hướng về Thiên hoàng, tưởng tới gốc gác chung gắn với huyền thoại Thần Mặt Trời. Chính cái “sở đoản” lại thành thuận lợi, người dân biết rõ các chủ trương không thuận lòng dân không phải do bản ý các Thiên hoàng vốn chỉ giữ hư vị nên không oán hận. Có thể có tí cá biệt nhưng những câu chuyện Hoàng gia liên quan mạt kỳ Thất Đinh Mạc Phủ có khi không nhận phụ cấp đầy đủ, có năm nghe tin Hoàng cung không đủ tài chính thực hiện lễ lạc, cúng tế. Bi thảm nhất là chuyện một Thiên hoàng (Hậu Thổ – Ngự Môn) băng hà vào năm 1500, mà tang lễ không đủ tài chính cũng phải tạm gác lại cả 40 ngày mới tìm ra một mối sứ quân địa phương bảo trợ để làm được lễ tống táng. Con của vị Thiên hoàng này (Go Kasiwabara – Hậu Bách Nguyên, 1500-1226) kế vị, thiếu tài chánh lo lễ đăng quang, phải dời lại đến 20 năm, rất may sau lễ chính thức vị này còn tại vị thêm 6 năm nữa. Đến lượt Thiên hoàng Hậu Nại Lương – Go Nara (1526-1557) là cháu và con trai của hai vị trên được cho là phải kiêm nghề thư pháp để có thêm tài chính. Người chép sử nhắc cảnh dậu đổ bìm leo, Hoàng cung cũng bị đốt phá thời Chiến Quốc và kết luận so với cảnh bi đát này, mạt kì Thất Đinh Mạc Phủ quả có khá hơn! Tất cả – dù không rõ thực hư, có yếu tố “tâm lý chiến” hay không – hẳn góp phần giải thích lòng thương cảm, yêu mến và cả kính mộ lẫn tâm lý “phù suy” của người dân dành cho một dòng họ đại quý tộc không thiếu tự trọng và sang cả, thiết lập được kỷ lục giữ vương triều trên cả nghìn rưởi năm, thế gian chưa ai làm được. Còn sự thực tới đâu – mà chắc chắn có nhiều phần là sự thực – còn phải tìm hiểu thêm.

3. THỬ TẢN MẠN VỀ CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ TRIẾT HỌC CỦA TRUYỀN THỐNG CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN

Nói đến khái niệm chính trị học hay cơ sở triết học của một cơ cấu chính quyền thời sơ khai của một xã hội e là chuyện đời sau nhìn lại với các khái niệm, thuật ngữ của thời đại của mình, nghe dễ to tát nếu không nói có khi có cảnh “đoán mò”. Chỉ biết dạng xa nhất của nó ắt là một dạng quần cư có tính tự nhiên và tự phát. Nhật Bản thời tiền sử đi vào dần một hình thức cộng đồng nguyên thuỷ với các dạng bộ lạc và hào tộc lớn dần, phát triển các hình thức luật lệ bất thành văn e không quá khác các cộng đồng khác trên thế giới trong giai đoạn tương tự. Nhưng giới nghiên cứu có thể chỉ ra vài đặc trưng địa phương. Khía cạnh tồn sinh trên từng đảo, nhóm đảo có tính biệt lập quy định các nghề nghiệp căn bản như đánh cá, làm muối, đan lưới,… là chuyện dễ đoán. Dù kết hợp thêm với các ngành khác (trồng lúa, trồng cây dệt vải, làm nông cụ, trao đổi hàng… ), điều chắc chắn là từ dạng phường hội đơn giản tiến lên các liên minh giữa các họ tộc, các đảo phải có người có kỹ năng chỉ huy. Dân Nhật có khí chất mạnh mẽ, háo chiến và do nhu cầu phát triển, liên minh tự nhiên mà phải tranh đấu, điều này là nguồn tôi luyện các kỹ năng chiến đấu và tổ chức. Vai trò hào tộc (kozoku) xuất hiện sớm, được nhắc nhiều lần trong lịch sử Nhật không chỉ là nhân sự chung chung, mà chắc chắn gắn với nghiệp vụ quân sự không kém gì công việc tổ chức lao động trong cộng đồng. Óc chinh phục và khát khao chiến thắng người phương xa trong cốt cách Nhật Bản hẳn đã được tôi luyện và áp dụng ngay giữa đồng bào với nhau; điều này được lịch sử chứng nhận. Phần lớn các sử gia cho rằng họ tộc Yamato sử dụng phương sách khôn khéo, hoà bình để thu phục các họ tộc khác. Cho giữ nguyên địa vị ở quê nhà, ban tước vị, vời về triều đình cùng sẻ chia quyền lực. Có thể đoán có gia giảm thuế từ địa phương nộp lên “trung ương” sao cho đúng mực. Thực tế – xin phép lặp lại – bên cạnh việc tuyên truyền địa vị dòng dõi Nữ Thần Mặt Trời của dòng Yamato, có thể tin chuyện các Thiên hoàng đầu tiên “lờ” cho các đồng minh thuộc cấp cũng quảng bá dòng mình cũng xuất phát từ một vị thần cấp thấp hơn, nhưng có liên hệ bà con với tổ tiên hoàng gia là cái chắc. Người Nhật có lòng thành kính với đủ dạng thần mà các thần có máu mủ thế nào với nhau là chuyện của bề trên, của thần (Kami), bất khả tư nghị! Nó là tín ngưỡng và cũng là… nghệ thuật tuyên giáo cả thôi. Nhưng cứ nhìn qua lịch sử Nhật Bản và tham khảo lịch sử thế giới chút ít có thể đoán ngay tình hình thời cổ đại đất Phù Tang cũng làm chi có “diễn biến hoà bình” nổi. Nhắm mắt cũng biết con đường thống nhất là con đường tuyên truyền lý tưởng và sức mạnh họ tộc Yamato, hiệu triệu đoàn kết dân tộc dứt khoát có kèm… vũ lực và trừng phạt. Cây cung và lưỡi kiếm được dân Nhật đánh giá rất cao, chắc chắn có trước thời có lịch sử thành văn, không phải để trang điểm. Chi tiết này – tinh thần coi trọng sức mạnh và chiến thắng, được thế giới biết đến về sau dưới cái tên Bushido, góp phần làm nên cốt cách Phù Tang có gốc từ thời bình minh của lịch sử Nhật Bản là điều chắc chắn – các bạn dễ hiểu vì sao có dịp là tôi “chì chiết” lối giải thích tinh thần võ sĩ đạo là từ nguồn Zen mà ra – điều mà cả thế giới gần như đồng thanh phụ hoạ!

Như thế cái đặc trưng và cốt cách con nhà võ, vừa hiếu động vừa biết tổ chức thể hiện từ ban sơ như thế, nên chính người Nhật – trước khi tiếp cận văn minh, tri thức mọi nguồn – là người đẻ ra mọi phẩm chất, phẩm hạnh của chính dân tộc mình. Tất cả nguồn còn lại là tập hợp những yếu tố, mà không nên khẳng định là yếu tố chính. Bảo giáo lý Khổng giáo quyết định, sao Trung Hoa, quê hương gốc của nó, không thiếu vũ sĩ lại không nổi tiếng về võ sĩ đạo! Kiếm người ta mài và múa và giết nhau từ thời cổ đại sao lại đợi tới Zen thế kỷ 11, 12 phả mùi thiền vào mới thành kiếm đạo (kendo)! Mà đạo chi mà ác như rứa hè, trời cao đất rộng thiếu chi chỗ mà thiền sư phải chơi với dân đao kiếm, cung tên! Một thứ Đạo hay tông phái được quảng cáo tạo cảm hứng cho cung thủ và kiếm thủ hễ ra tay ai đó đừng mong toàn mạng thì còn là Đạo Phật nữa không! Câu trả lời của tôi là KHÔNG, dù đó là những lời cao đàm, mỹ lệ của một nhân vật nổi tiếng thế giới mang tên Suzuki đi nữa. Tác giả The Essence of Buddhism (bản dịch tiếng Việt của Trúc Thiên: Cốt tuỷ của Đạo Phật. Sài Gòn: An Tiêm, 1968) và Zen and Japanese Culture có thể tự cho phép mình nói về kiếm đạo kết hợp với tư tưởng Thiền. Nhưng tôi dám chắc 100% Đức Phật sẽ không nói như thế, sẽ không liên tưởng như thế và thực tế Ngài chưa bao giờ nói và liên tưởng như thế.

Bây giờ xin xét một khiá cạnh khác, ngoài trải nghiệm chiến đấu, quản lý theo tinh thần hào tộc thì liệu quan niệm thần bí về gốc gác dòng tộc Yamato và tạm gọi là chủ nghĩa duy tình (xin đừng nhầm với khái niệm “duy linh”) – các học giả Nhật Bản tự nhận xét về dân tộc mình như thế – kiểu Nhật (trước hết với dân tộc mình và Thiên hoàng) có trọng lượng gì. Có vài lưu ý của các nhà nghiên cứu nên ghi nhận trước ở đây. Rằng người Nhật có tinh thần tự kỉ rất cao, nên khi bàn về tôn chỉ tôn giáo – Thần đạo hay Phật giáo cũng thế thôi – liên quan chuyện hộ quốc, trấn quốc thì phải hiểu họ đang nói tới Đại Hoà Quốc của họ, không phải giáo lý nhà Phật về các vương quốc, quốc độ nói chung. Cái gọi là thiếu khái quát triết học của người Nhật mà không ít người nhận xét có thể tìm thấy ở đây một ví dụ.

Vua chúa Trung Hoa xưng là thiên tử – người Âu Châu thật ra cũng có khái niệm God-son –, nhưng người Nhật tôn xưng hoàng đế là Thiên hoàng, nghĩa là Đức Vua nhà mình chính là Thần, là Trời, không dừng ở khái niệm Trời con, hay chính xác là con Trời hay Thiên tử. Có vua là trung tâm nên không thể có bổn phận nào cao hơn dành cho ai khác. Tất cả các dạng Kami (thần) đều dưới bậc Thiên hoàng và hệ quả dù các Thiên hoàng khi lễ Phật, lễ Thần có quỳ lạy cung kính thì Phật hay Thánh cũng đến (hay được thỉnh đến) đất Phù Tang là để chăm lo dịch vụ hộ quốc, hộ quốc chủ. Nói dại miệng – mong các bạn khó tính tha lỗi cho – điều đó có nghĩa là Phật và Thánh nào không cam kết làm bổn phận hộ quốc và hộ… quốc vương chắc chắn không được nhập cảnh và xin lỗi lần nữa, nếu đã nhập lỡ rồi khả năng bị “trục xuất” trở lại rất lớn. Điều này không xảy ra ở Trung Quốc và với Phật giáo Trung Quốc. Dù gốc gác, phẩm lượng Phật giáo Trung Quốc được nhìn nhận thế nào, thái độ tiếp nhận của người bản địa là mở cửa – tôi đề cập thái độ tu sĩ và giới hâm mộ Phật giáo và Phật pháp Trung Quốc, không bàn những khó khăn từ sự phản đối “bên ngoài”, như thái độ thời kỳ đầu của giới nhà nho và quan lại.

Bây giờ nói rõ hơn. Thái độ thành nguyên tắc của “hệ” chính trị Nhật Bản xuyên suốt lịch sử là học tập tất cả, tò mò với hàng ngoại các nguồn, nhưng thực chất nguyên tắc lớn nhất, đặt trên tất cả là một chủ trương tự kỉ; trong trường hợp phải lẽ thì gọi là tinh thần quốc gia độc lập và trong các trường hợp còn lại là chủ nghĩa kết hợp tự tôn dân tộc qua biểu tượng Thiên hoàng với cái lõi là ý chí quyền lực và tuỳ thời mà đó là quyền lực và ý chí của vị Thiên hoàng hay vị đại sứ quân đương quyền. Còn chân lý hay giá trị thực của nó thì đong đưa qua lại, khá bất quyết. Phật nhập khẩu hay thần thánh bản địa quyết không vượt ngoài quy luật như như bất động này được. Thiên hoàng được vây bủa bởi không khí duy tình chủ nghĩa cũng không phải là một hiện hữu tự tại, ngoài vòng cương toả; điều mà chính các Thiên hoàng hiểu rõ hơn cả những người dám sống chết vì các ngài.

Không thể không xét tới triết lý Phật giáo trong triết lý chính trị làm nền tảng và vận động của lịch sử chính trị Nhật Bản. Một là do vị thế lừng lững của nhà Phật choán một phần bộ mặt của xã hội Phù Tang. Hai là không những tu sĩ, tín đồ mà chính các học giả thường thống nhất nhấn mạnh vị thế này. Ba là từ bình minh thời kỳ minh sử đã thấy dấu ấn độc đáo của giới tăng lữ và hoạt động Phật giáo, Phật sự và sự gần như đồng hoá hay nhập nhằng giữa tôn giáo và chính trị.

Sự thật, vấn đề đang bàn ít liên quan tới Phật pháp và Phật giáo nói chung – cụ thể ta đang bàn về một nền Phật pháp và lịch sử đặc thù mang tên Nhật Bản. Vì đạo Phật của Đức Thích Ca chưa bao giờ tự giới thiệu mình là một chủ trương hay hệ thống chính trị. Những chỗ Đức Phật có đề cập tới công nghiệp của các bậc Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavatti) có nội dung của truyền thống Ấn Độ, nghĩa là có trước Đức Phật đản sinh. Có thể hiểu Ngài tán thán những bài học căn bản dành cho người cai trị và Ngài không thể không đề cập khi giữa Ngài và các đại vương đương thời cỡ Bimbisara – Bình Sa (vua nước Magadha – Ma Kiệt Đà) và vua Pasenadi – Ba Tư Nặc (vua nước Kosala – Câu Tát La) – xin lưu ý các vị do không để tâm nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại nên không rõ tên tuổi của các nhân vật này đều xuất hiện trong Kinh A Hàm – Kinh Bộ; họ là những nhân vật lịch sử và đều có tiếp xúc với Đức Phật, đặc biệt vị vua Pasenadi mà Phật tử Việt Nam thường biết dưới cái tên Ba Tư Nặc. Sự nhắc nhở mang tính luân lý, đạo đức và ứng xử thích hợp của một bậc quân vương gương mẫu hơn là một chủ trương chính trị có hệ thống. Là một thái tử từ bỏ vai trò quân vương và là giáo chủ một tôn giáo – triết học xuất thế, xem cuộc sống thế đạo là cõi khổ, ta có thể hiểu được thông điệp của Ngài. Từ bỏ một cung điện với quyền lực của bậc quốc chủ (tương lai) mà thành đạo xong lại xướng quốc gia chủ nghĩa là sai hẳn về nguyên tắc lẫn cuộc đời lịch sử của Đức Phật. Nói rộng ra, không nghi ngờ gì nữa Đạo Lộ Đức Thích Ca vạch ra trước hết và hoàn toàn công khai là cho từng cá nhân có đủ căn duyên tự tri, tự tu và tự chứng – nếu đây là chỗ bị gọi một cách nhầm lẫn và tự thị là “tiểu thừa” thì hoá ra Đức Phật cũng có dạy pháp môn “tiểu thừa” và điều gì Đấng Giác Ngộ đã tận tâm, cẩn trọng dặn dò, chỉ dạy quyết là Chân Lý đối với đối tượng nhận mình là Phật tử; mặt khác, một tập thể có sinh hoạt chung, kỷ luật chung, chăm lo đời sống tâm linh cho nhau với một lý tưởng rốt ráo và cao thượng duy nhất: Giải Thoát – đúng trong Thánh Điển – thì đấy là tập thể tì kheo, thành phần quan trọng nhất trong Tăng Chúng (người viết không tán thành chủ nghĩa bình đẳng trong Sangha – Tăng Già dù theo cách biện giải cổ hay kim – đã bình đẳng thì việc chi phải nói chuyện thành phần này “cúng dường” thành phần kia; vả lại, sao lại tuỳ tiện quên sự xác minh và quy định của chính Đức Phật; vậy thà bàn công khai và có tính xây dựng một đại sự là phẩm hạnh và tiêu chí phẩm hạnh của tu sĩ mà chấn chỉnh và chấn hưng, hơn là tranh cãi và triết lý hoá các vụ “không giữ giới mà giữ giới”, “hoá ma cứu ma”, “(ăn, ngủ) mặn mà (lòng) chay” phi pháp và viển vông. Một đại tập thể gồm tất cả thành viên Cõi Ta Bà cùng minh thệ hẹn đưa nhau đồng loạt thành Phật là một sáng kiến đại thừa chủ nghĩa và người viết chịu trách nhiệm cá nhân về nhận xét sau đây: một đại ảo tưởng! Và quan trọng hơn Đức Phật chưa bao giờ có một “chủ trương” thơm mùi dân tuý đến như thế. Xin chớ nhắc chi những “bỏ đao thành Phật” hay “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” thực chất là những cách diễn văn chương rất đạt, nhưng trong ý nghĩa học thuật chặt chẽ người nghe có quyền yêu cầu ngưới nói trích dẫn nguồn. Ý bóng bẩy và ý thức bình đẳng, giải thiêng – có tính cách mạng là khác – đã rõ. Nhưng từ “bóng bẩy” đến yên tâm vung đao chém thêm vài nhát nữa rồi thành… Phật chưa muộn đã phiền toái – thực tế thì bỏ đao xong, nếu thoát phải đền mạng thì còn cật lực tu học cho ra người hiền lương đã khó! Đành người nói – tôi không nói “Đức Phật nói” – dùng cách nói thậm xưng để gây ấn tượng, nhưng quan điểm của tôi là phản đối lối nói “thành Phật”, “giác ngộ”, “giải thoát” theo kiểu lạm dụng, xuề xoà quá mức của các hành giả bốc đồng và sự phụ hoạ dễ dãi phong vị văn nghệ chủ nghĩa ở xứ Tàu và xứ ta. Tuy nhiên, cái đáng bàn thêm là ai xác định trong trang Thánh Điển – Kinh Mẹ của các Kinh – nào Đức Phật nói những lời trên? Nếu gật đầu bừa thì có nghĩa là chưa hề đọc hay kiểm tra đấy thôi. Cũng có thể nói ngay chuyện Đức Phật đưa bông hồng lên và chỉ có Ca Diếp mỉm cười là một sáng tác “thi vị” của (kinh kệ) đời sau. Từ một “sáng tác” mà dẫn tới chuyện có nguồn kinh kệ “giáo ngoại biệt truyền” truyền qua ngài Ca Diếp (Kassapa) thì e chuyện sau cũng là “sáng tác” mà thôi. Sẽ nguy hiểm hơn khi có người suy diễn do đó mà kinh sách mà Đức Phật đã giảng cho Thánh Chúng Thanh Văn là loại hai, kém giá trị không phải chân truyền (mà điều này thực tế đã xảy ra). Câu nói “49 năm qua ta không nói gì” gán cho Đức Thích Ca cũng không phải là ngoại lệ. Xin nói rõ rằng trong những câu thác lời Đức Phật nói vẫn có câu có ý vị, hoặc có câu diễn một ý kinh bằng lối nói khác, có thể vẫn ấn tượng. Tuy nhiên, người viết đang đề cập một chuyện lớn hơn, hệ trọng hơn nhiều: nghiên cứu tôn giáo, đặc biệt một tôn giáo có giáo pháp, có kinh điển thực tế và giáo chủ là một nhân vật lịch sử – trường hợp Phật giáo gọi là Đức Phật lịch sử tức Đức Phật Thích Ca – không cho phép trích dẫn nguồn không chính thức, không gốc gác, và do đó không thể nói là đáng yên tâm mà tin cậy. Trong học thuật, đây là trường hợp “miễn bàn tiếp”. Nói khác đi, phép thiện xảo giúp ta linh động sử dụng các cách nói cốt đúng tư tưởng của Đức Phật, nhưng khi sử dụng mà người hoằng pháp không rõ gốc gác, so sánh các nguồn – trước hết để bản thân nắm rõ – thì chưa phải là một nhà hoằng pháp đáng tin cậy hoàn toàn (mà đích thân Đức Phật từng căn dặn). Một ví dụ để bàn về tính chính xác nghiêm nhặt và rốt ráo trong trích dẫn. Chúng ta đều quen câu nói có thể xem là bất hủ “Ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay không phải là mặt trăng” trong kinh Kim Cương. Nhưng có thể bình tĩnh để bàn thêm được không! Không thể nói Kinh, theo nghĩa câu chữ, là do Đức Phật giảng từng lời một khi toàn bộ kinh Đại Thừa được các nhà nghiên cứu Phật học xác định ra đời quanh mốc đầu Thiên chúa giáng sinh và sau đó chừng một thế kỉ. Trên dưới 5 thế kỷ sau Phật nhập Niết Bàn. Tất nhiên, sự kiện này không liên quan chuyện giá trị kinh điển đại thừa hay giá trị kinh Kim Cương nói riêng. Hiểu vậy là chấp nê. Người viết biết rõ điều này – tránh chấp nê – trước, đang khi và sau khi viết các dòng này. Người biết kinh kệ nhà Phật tất rõ nội dung và lối nói “A La Hán mà không phải là A La Hán” hay ví von “ngón tay và mặt trăng” đúng là tinh thần Phật pháp. Dù vậy một Phật tử cũng nên hiểu thêm rằng Kinh Kim Cương đã “láy” lời Phật – và “láy” rất hay – nhưng không đúng lời Đức Phật thực sự thuyết giảng trong Thánh Điển A Hàm thì không hề thừa, nếu không nói là nghiêm túc hơn! Đây là ý Đức Phật được ghi chép trong Thánh Điển: Giáo pháp là chiếc bè để qua sông, khi đã tới bờ thì bỏ bè lại, không vác theo. Chính trong bài kinh này Ngài đã dạy một lời sâu xa nổi tiếng “Chánh Pháp còn phải bỏ, nói chi tà pháp”. Dựa vào chuyện “lên bờ bỏ bè” mà nói chuyện “ngón tay và mặt trăng” giúp người hiểu kinh, nhưng không rõ nội dung gốc, lời nào là lời Phật, lời nào “láy” lại Phật ngôn thì chẳng khác sự không phân biệt giữa thơ gốc Truyện Kiều và thơ “lẩy” Kiều – đâu có biện luận kiểu chớ câu nệ, miễn sao đúng ý và nghe bùi tai là xong! Dò gốc gác, biết cội nguồn còn biểu lộ lòng tôn kính Giáo Chủ và tránh trước hiện tượng trượt dài khỏi bản ý, bản ngôn của Ngài, phát xuất từ thói tục văn chương hoá Kinh Kệ và Triết Học (đặc biệt khi không thực sự cần thiết) và khinh lờn việc học tập, trích dẫn Chánh Kinh!

Tôi lại dài dòng, nhưng lần này không hề xa rời chủ ý. Chỗ vận dụng của một quốc gia khi tiếp nhận Phật pháp và chỗ tách ra để dựng tông phái riêng lẽ cần được phân biệt với những nguyên tắc lớn bất khả thay đổi trong Giáo Pháp của Đức Phật lịch sử. Trong trường hợp Nhật Bản, từ sự thờ phượng một loạt thành viên trong chư Phật ngay từ thuở ban sơ – tôi tránh dùng khái niệm “Phật hư cấu” vì tôn trọng tập quán tín ngưỡng của tín đồ, dù về mặt thực tế thần thánh cơ bản là sản phẩm của tưởng tượng của đại chúng, nên về mặt tín ngưỡng “phổ thông” nhận xét này không nhất thiết có nội dung chỉ trích – đến sử dụng kinh điển các pháp sư đời sau trước tác làm gốc (mà giữa các trước tác này có hiện tượng rất dễ kiểm tra: không cùng nội dung, chủ trương, và phương diện tông phái thì thay đổi xoành xoạch) và còn dẫn tới việc coi thường từ kinh gốc, giới luật cho tới vị thế của Đức Phật lịch sử mà giáo lý của Nichiren (Nhật Liên) là một ví dụ quái lạ; tất cả cho thấy dạng triết lý mọi sự, mọi điều phải phục tùng và phục vụ quyền lợi chính trị là một đặc trưng không thay đổi ở Nhật Bản, dù đó là Phật pháp.

Vì sao mà chỗ lệch lạc, phi nhất quán trong việc giải thích Phật pháp hiển lộ minh bạch, không thể chối cãi như thế lại được “thông qua” ngay trong một vương quốc mà từ giai cấp trên và giới tu sĩ phần lớn đều có trình độ trí thức cao? Do sự hưng phấn tôn giáo, truyền thống lẽo đẽo theo sau các tông phái Trung Hoa, dựa dẫm thị hiếu tín ngưỡng của người bảo trợ lẫn quần chúng tín đồ và trên hết – theo chiêm nghiệm của người viết – ngay từ đầu dù được dẫn đạo bởi một nhân vật tầm cỡ như ngài nhiếp chính Shotoku, một Phật tử thuần thành vĩ đại, Phật giáo Nhật Bản đã sớm rơi vào tình trạng chú trọng “ngọn hơn gốc”, cắt ngang dòng chảy Giáo Pháp ở thời kì Đại Thừa hưng phấn, từ đầu bỏ quên Thánh Điển nguyên thuỷ – cũng là ảnh hưởng xu hướng của Phật giáo Trung Quốc, nhưng tôi mạnh dạn cho là yếu kém hơn, ở chỗ tăng ni Trung Quốc căn bản không xem nhẹ Giới Luật (Vinaya) – tu sĩ Đại Thừa vẫn thừa nhận Giới Luật “Tiểu Thừa”, Đại Kinh A Hàm được Hán dịch rất sớm (thế kỷ thứ 4, 5) và dù phong trào tông phái Đại Thừa chiếm lĩnh thì việc in ấn kinh sách tạm gọi là nguyên thuỷ, riêng sự in ấn và tồn tại của Kinh A Hàm, không tới độ bị bỏ bê hoàn toàn hay cho là dị giáo.

Ảnh hưởng lâu dài về mặt đạo lý và mặt tâm linh của Phật giáo Nhật Bản đối với quốc dân là sâu sắc, vô lượng và công lao du nhập văn minh văn hoá vào Nhật Bản các thế kỷ minh sử đầu tiên là bất khả phủ nhận. Đó cũng là đóng góp “chính trị” xứng đáng của Phật giáo Nhật. Ngược lại người viết hồ nghi về một thái độ chính trị dấn thân theo quan điểm “tham chính” của giới tu sĩ mà đánh giá nhẹ nhàng lắm là “lợi bất cập hại” – cái hại cho chính trị thế đạo ít nghiêm trọng (bàn tiệc thế đạo có khối thế lực, thế gia được trang bị vũ khí tận răng bảo vệ) bằng cái hại cho Đạo Pháp – đạo mà Đức Phật tìm ra không phải để làm cẩm nang cho vài đại sư và tục tăng kiếm chác quyền lực. Đó nên là bài học cho các cuộc dấn thân lập “đảng tôn giáo” với lãnh tụ là các chức sắc tôn giáo. Cái gì của tu sĩ trả cho tu sĩ, cái gì của tín đồ – công dân xin trả cho công dân – tín đồ! Trong thế giới hiện đại có tôn giáo nào cấm tín đồ phi-tu-sĩ hoạt động và lập đảng chính trị đâu (riêng thực trạng chính trị Việt Nam hiện nay không thuộc phạm trù chính trị “hiện đại” nên tạm miễn bàn).

Vậy không cần thảo luận cơ sở chính trị học Phật giáo nào chi phối nền chính trị Nhật Bản – trừ khi đồng nhất các khái niệm chính trị, văn hoá, đạo đức tôn giáo thành một; điều hoàn toàn bất ổn. Nói rõ hơn trong truyền thống Nhật Bản, Phật giáo là một tổ chức tâm linh hoạt động như hoặc gần như một cơ quan tuyên uý dưới quyền chi phối của Nhà Nước; tức làm chính trị đi nữa mà không độc lập chính trị – mà tu sĩ ăn lương và ăn bổng của Thiên hoàng và sứ quân thì độc lập nổi gì – và làm sao nói chuyện tu sĩ lèo lái chính quyền được kia chứ.

Phật giáo Nhật có tác động sâu sắc về đạo lý, tập quán ứng xử cho toàn dân tộc. Nói riêng tác động tới chính trị thì chỉ ảnh hưởng gián tiếp bởi tăng lữ Phật giáo Nhật không có thời kỳ chia sẻ quyền lực hay nắm hẳn quyền lực như giới tăng lữ Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. Chỗ “chính trị” hay tinh thần chính trị này rõ nhất là trong Thất Thập Điều Hiến Pháp của thời Suiko – Shotoku khi có nhắc tới đạo lý nhà Phật như một nguyên tắc chính trị – xã hội tầm quốc gia. Nhưng các sử gia đã làm rõ nội dung của nó không mang tiêu chí “Hiến Pháp” như ta quan niệm ngày nay. Tên gọi là “Hiến Pháp” nhưng thực chất là một nội dung khuyến cáo có tính đạo đức, hiệu triệu tinh thần đoàn kết, chấm dứt chia rẽ – thực trạng chính trị đương thời. Tôn giáo – Thần đạo hay Phật giáo cũng thế – chưa bao thực tế là một quyền lực chính trị chính thức theo cách hiểu của chính trị thực tiễn và chính trị học và đó là điều may cho cả Phật giáo và vương quốc Phù Tang. Cho phép tôi có một nhận xét dựa trên cứ liệu lịch sử: nếu quả có một trường hợp nào mà các sư Nhật Bản nắm được “đại quyền” thế gian, thế đạo – xin phân biệt với uy tín, uy lực của một chân tăng do đạo đức và tuệ trí mà có – thì lại qua âm mưu cung đình và màn “trai gái” thiếu xứng đáng với phạm hạnh một bậc chân tăng mà hậu quả quý đạo hữu và tín đồ của họ cũng phải gánh chịu. Không cần đề cập thứ sức mạnh chính trị (và quân sự) mà các đại tự, đại tăng thể hiện tính bằng thế kỷ qua loạn thầy chùa, mà thực chất là bọn giả danh, thoái hoá, không có tư cách xưng là Phật tử nữa là; nói chi tư cách tăng lữ.

Dù có phần bị quên lãng, yếu tố Nho giáo trong khu vực chính trị quan trọng hơn nhiều. Lý do căn bản không phải là so sánh giữa Thần đạo (Shinto), Nho giáo và Phật giáo và cả Lão giáo. Mà do lĩnh vực ta đang bàn: chính trị.

Lão giáo ở Nhật hay xứ ta là dạng “giáo lý” rất khó phân tích và ảnh hưởng không lớn, không “minh bạch” cho lắm. Chuyện nghe hiếu kì là chính sư sãi Nhật du học Tàu đã đưa Lão giáo về và truyền giảng. Có lẽ y như ở nước ta, triết lý Lão Trang bàng bạc trong tư tưởng và thi ca của giới trí thức (quan lại, nhà nho và cả tăng sĩ Phật giáo) là chủ yếu. Cũng lấy sự kiện xứ ta mà bàn – sự tiếp nhận Lão Trang và ảnh hưởng của đạo này trong dân chúng Nhật Bản thì người viết mù tịt, không dám bàn mà chỉ đoán mò là không đậm nét lắm – các lễ lạc, hình thức tín ngưỡng vá víu, lai căng dù thác ẩu cho Lão Đam – vốn có nguồn từ quê hương bậc minh triết này – rồi gọi là Đạo giáo chỉ phổ biến trong giới các bà và cụ bà. Hình thức Tiên Thiên Thánh Giáo ở quê Thừa Thiên là một ví dụ.

Dễ thống nhất là dạng tín ngưỡng và tâm linh quen thuộc với người Phù Tang nhưng không có triết lý hay giáo lý gì sâu xa, cũng không giáo chủ, không thánh kinh, khó lòng gọi là một tôn giáo như ta vẫn hiểu. Có thể thấy khác với trường hợp đạo Phật, đạo Chúa, không nghe người Nhật rao giảng đạo Thần ra với thế giới – vậy nó là dạng tín ngưỡng đặc thù cho địa phương, đạo xứ mình, nước mình. Tập quán và nghi lễ Thần đạo tồn tại là do truyền thuyết dòng Thiên hoàng Đại Hoà gốc từ Nữ Thần Thái Dương, được thờ phượng quen rồi, tạm ví như lòng tôn trọng tổ tiên chung cả nước. Và mặc khác, người Nhật có ý niệm về sự hiện diện của Kami (cõi trên, người trên), tạm gọi là dạng thần linh, thần tính được đồng hoá với cả thiên nhiên, thế giới kì diệu, đẹp đẽ và bí ẩn chung quanh. Các học giả có một nhận xét tinh tế là người Nhật đối với “thần linh” của họ không có lòng khiếp sợ và càng không có ý cúng dường nhằm hối lộ, cầu xin thần ân, thiên ân gì. Thái độ với Kami – có thể là một cây cổ thụ, góc rừng, thậm chí một tảng đá trông là lạ – là một tình cảm có sắc thái tôn kính nhưng thân thiện. Có lẽ tình cảm tín ngưỡng ít cực đoan và mê tín này không ngăn cản họ chào đón các tôn giáo “ngoại lai” với các kami và đại kami không kém quyền uy và sức hấp dẫn.

Xin nhận xét chung về các nguồn tín ngưỡng vừa điểm qua. Tất cả – Shinto, Lão giáo và Phật giáo – không có nội dung chính trị học, không phải là một học thuyết chính trị và không phải được lập ra để chứng minh sự hiệu quả trong việc trực tiếp quản lý đất nước, quan trường hay chính sự. Xin để lại những suy luận và dư luận quá xa xôi, như Thần đạo thờ Tổ của Thiên hoàng cũng là Tổ cả nước nên phải cùng lo quốc sự – “quốc sự” cao nhất được giao phó là vụ chạp giỗ đó thôi. Hay lịch sử Tàu có món cai trị cao xa mà hiệu quả vô lượng, gọi là nghệ thuật cai trị của phái Đạo gia, Hoàng Lão theo phép “không cai trị mà cai trị được cả thiên hạ” – chẳng rõ Nhật Bản áp dụng chưa!

Liên quan Phật giáo phức tạp hơn, nhưng cho phép tôi bàn thẳng. Không nên quên sự thực lịch sử Đức Thích Ca từ bỏ quyền lực chính trị ra đi tầm Chân Lý, chứ không phải Ngài vào rừng nghiên cứu binh thư, nghệ thuật cai trị, thành thục rồi quay về Ca Tì La Vệ (Kapilavatthu) công bố quốc sách và nhận ngai vàng, cùng quần hùng tranh đoạt sự nghiệp thống nhất đế quốc Thiên Trúc. Hiểu sai tính tích cực “độ tha, cứu đời” của Phật pháp, quên “Chuyển Luân Thánh Vương” (Cakkavatti) là một quan niệm của truyền thống chính trị Ấn Độ có trước thời Đức Phật và nó chỉ là một gợi ý chung chung có tính đạo lý dành cho giới lãnh đạo và cai trị, không những không phải là một bộ luật các nguyên tắc và điều lệ cụ thể về chính trị dành cho Phật tử và tì kheo nghiên cứu để dấn thân vào chính sự như có người cổ vũ một cách sai lầm, mà căn cứ vào Thánh Điển ta còn thấy sự thực Đức Phật có phản ứng và nhận xét về các sự kiện bất chính của phía người cầm quyền mà Ngài không tán thành, ngay dù Ngài đã từng áp dụng cách phản ứng có thể gọi là hình thức “biểu tình” nói theo từ hiện đại, nhưng Ngài luôn nhắc cho Tăng Chúng nhớ tinh thần “professional” của tu sĩ là tu học; tầm giải thoát. Nếu không sao Ngài nhắc nhở thường xuyên chuyện “chớ bàn tán chuyện vua, quan, ăn cướp, ăn trộm… ”.

Về chuyện Giới Luật, ta thử nghe ông Nakamura, một học giả Nhật Bản, nhận xét “Ở Nhật Bản từ xưa cho tới thời đại Nara – 701-794 – những vị xuất gia tu hành thường nghiêm thủ giới luật theo với tinh thần bảo thủ của Tiểu Thừa Phật giáo; nhưng vào khoảng thời gian của thời đại Nara có vị danh tăng tên là Saicho – Tối Trừng đã xả bỏ Tiểu Thừa Giới và tu hành theo Đại Thừa Giới” (Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 1965, tr. 120). Và hoà thượng Thích Thiên Ân – có thể gọi hoà thượng là một trong những nhà Nhật Bản học đầu tiên và có tư cách học giả, từng ở Nhật nhiều năm – cũng có nhận xét: “Nhưng cũng nên nhớ thêm rằng Phật giáo ở đây được tồn tại và phát triển với những màu sắc khác biệt với Phật giáo ở các nước như Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam… Điểm chính làm cho sự khác biệt này thêm rõ rệt là vấn đề không trọng thị Giới Luật của Phật giáo Nhật Bản” (Thích Thiên Ân, sđd, tr. 120) – lưu ý không phải tu sĩ, tông phái nào cũng hưởng ứng và ngay khi “pháp môn” này được đề xướng, sư Tối Trừng (Saicho) nhận công kích là hạ giới luật của tì kheo ngang yêu cầu của ngưởi tại gia.

Không tiện trích dẫn thêm sau khi nghe các ý kiến khá thuyết phục vừa nêu, vì chỗ bình luận tiếp sau có phần gượng gạo và xuề xoà, đại khái “Đây là một bước tiến đưa Phật giáo tới chỗ thực tiễn, thích hợp với xã hội Nhật Bản, và cũng từ đó Phật giáo Nhật Bản hướng về điểm không trọng thị Giới Luật” (Nakamura) và một ý khác “Vấn đề không trọng thị Giới Luật của Phật giáo Nhật Bản lả một vấn đề do nhu cầu của xã hội và dân tộc tánh mà phát sinh” (Thích Thiên Ân, sđd, tr. 121). Có thể tưởng tượng ra Đạo của Giới – Định – Huệ mà cắt ngang Giới Luật hay không? Hay nói ngược lại, chủ trương ngược hẳn bản ý Đức Thích Ca thì gọi là gì? Tân Phật giáo? Phật giáo cải cách? Nói về thực chất là chuyện “phá giới” rành rành có gì sai không? Tuy nhiên sẽ thiếu sót khi chúng ta không chịu theo dõi và hiểu “logic Nhật Bản” hay chính xác là “logic của Phật giáo Nhật Bản”. Người Nhật Bản và tu sĩ Nhật Bản hoàn toàn sòng phẳng và chịu trách nhiệm các chủ trương của họ. Bất cứ cái gì nhập vào vương quốc Đại Hoà đều được sử dụng theo cách của họ và phục vụ chủ trương của họ, Nho giáo hay Phật giáo cũng thế thôi. Họ xác định đấy là Phật giáo như Nhật Bản muốn và đã đẽo gọt cho vừa ý chí của họ. Phật giáo Nhật Bản không nói họ tạo mẫu triết lý và tôn giáo cho vương quốc nào khác – theo truyền thống, Nhật Bản lo chuyện văn hoá nhà mình, không bán triết học cho láng giềng. Cái họ bán là thứ khác. Chuyện có người nhầm Phật giáo Phù Tang là Phật giáo kiểu mẫu, khen không tiếc lời nào, mê tới độ cái sự sư lấy vợ, ni lấy chồng – nói thẳng thắn trong chỗ đứng của sư ni nhà Phật là vụ chủ trương đại phá giới – mà cũng tôn lên là phát kiến kì diệu của Phật giáo Phù Tang thì hãi quá! Thưa rằng, có hâm mộ người anh em Phù Tang tới mô, thì đừng quên nguyên tắc minh bạch: của Phật giáo Nhật Bản trả lại cho Phật giáo Nhật Bản và (Giáo Pháp) của Đức Phật trả lại cho Đức Phật!

Chỉ một chuyện phê phán điều Ngài gọi là “giới cấm thủ”, Đức Phật không hề đề cao Giới như tiêu chí cao nhất của bậc tu hành theo Đạo Lộ của Ngài. Nên nghiền ngẫm câu nói không hề dễ hiểu “Ai kính ngưỡng ta vì phẩm hạnh giữ giới luật trọn vẹn là báng bổ ta”. Có người nhầm Định và Chánh Định là rốt ráo với một bậc Giác Ngộ – trong Bát Chánh Đạo, Chánh Định xếp là bước cuối – mà không rõ trong Đạo Tuệ và Đạo của Giác Ngộ tối thượng và viên mãn thì đấy phải là bước Chánh Tuệ và Chánh Giải Thoát. Định dù là Chánh Định là phương tiện dù là Chỉ (Samatha) hay Quán (Vipasana). Dừng trong Định là hoan hỉ với Định Lạc, là bước cao thượng nhưng dừng lại là “đoạ lạc”, phạm đúng đường đi của ngoại giáo kim cổ (nên “Dự Lưu mà không phải Dự Lưu… A La Hán mà không phải A La Hán). Bởi Đạo Lộ có mục đích, có đích đến nên chưa đến là chưa đến, không phải “xem như đã đến” hay “đại khái đã đến”. Nhưng đoạn văn này không mới lạ gì với các bạn – có khi phần ôn tập này dành cho chính người viết nhiều hơn. Cái ý sát với văn cảnh lại ngược lạị: không nhầm Giới và Định là mục đích nhưng Giáo Pháp của Đức Giáo Chủ là minh bạch và bất khả thay đổi, không Giới làm nền, không đạt Chánh Định, không Giới và Định khó nói việc đạt Chánh Tuệ mở Cửa Giải Thoát. Đấy không phải là nội dung để mặc cả, thương lượng hay cắt xén tùy tông phái, tuỳ Tổ, tuỳ “dân tộc tánh” hay nhằm phù hợp với chủ nghĩa dân tuý!

Đức Phật không khuyên đệ tử nhắm mắt trước bất công và quay mặt với các vấn nạn thực tế của đồng bào, đồng loại. Nhưng không có chỗ nào, trong kinh nào Ngài chủ trương hay gợi ý tì kheo làm chính trị chuyên nghiệp. Thái độ của ngài với quyền lực thế đạo là né tránh, không ghẻ lạnh, không khiêu khích nhưng cẩn trọng và giữ khoảng cách. Quan điểm bám vua chúa với tinh thần “hàng phục một con mèo, cứu được nghìn con chuột” là chủ trương của một vài tông phái Phật giáo Trung Hoa – dù không phải tất cả. Ngày nay, chủ trương cách ly cộng đồng tu sĩ như vào sâu trong rừng sâu, núi cao ai cũng thấy không ổn lắm. Mà cố làm cho được, lực lượng kiểm lâm không bắt mới lạ. Cứ nhận xét lối ứng xử “trung đạo” là rõ cách ứng xử của Đức Thích Ca. Khi tu ở rừng núi thì nhặt cả giẻ rách, giặt, khâu và bện thành áo mặc. Khi đối tượng chính là thị dân, tín đồ cúng dường vải vóc thì thầy trò cũng nhận, sinh hoạt cởi mở hơn. Đức Phật từng khuyên ngài Ca Diếp nhận vải cúng dường, nhưng khi ngài từ chối, Đức Phật đã yên ủi và tán thán phẩm hạnh đầu đà (khổ hạnh) của lão đệ tử. Có lẽ nên nhận xét rằng vải vóc không phải là thứ xa hoa ở thị trấn, mà chốn thị thành dân chúng có chu đáo, văn vẻ hơn nên thực tế có chuyện sự xuất hiện với áo vá chằng chịt của thầy trò Ca Diếp từng gây cái mà ta – mô Phật! – gọi là “phản cảm” với thị dân và cả với một số (ít) đạo hữu ngay trong tăng chúng. Cách Đức Phật ứng xử, nhắc nhở và uốn nắn đệ tử là mẫu mực của nguyên tắc sư phạm minh triết và sự khéo léo của nhà tổ chức. Nhưng cái lõi của phép tu trì giới, an trụ trong thiền định, quán tưởng và tinh tấn tu tập các pháp môn thâm diệu từ thấp tới cao là tiêu chí và nguyên tắc có tính sinh tử với người tu hành. Và phá bỏ Giới Luật hay xem nhẹ Thiền Định – không nghi ngờ gì nữa – là tạo chướng ngại cho Tuệ Trí, đồng nghĩa với cái chết nửa đường của một vị tị kheo. Nói bỏ Giới, xoá Luật là phù hợp với dân tộc tính của người Nhật Bản thiệt khó nghe vì ai nói tính cách người Nhật Bản không phù hợp với nếp kỷ luật và nguyên tắc bao giờ. Lại có chuyện không phân biệt các tiểu giới không quá hệ trọng mà tăng già (Sangha) có thể bàn nhau mà bỏ – như Đức Phật căn dặn – với đại giới là hòn đá tảng của phạm hạnh của một tì kheo thì lấy gì làm cơ sở để xác định mình đi đúng đạo lộ Phật Tổ, nói chi việc bắt người ta cúng dường và tôn trọng mình.

Có vẻ như các trích dẫn và bình luận có chỗ mâu thuẫn? Thưa không, phản ứng thương đời, vì đời thì có đặt tên là tôn giáo, văn hoá hay chính chị chính em, người mặc áo dòng hay áo cà sa theo duyên mà ứng xử không câu nệ – sư ni Miền Nam lên tiếng với hành động trấn áp Phật giáo năm 1963 hay thái độ phản kháng của các linh mục, giám mục Nghệ Tĩnh đối với vụ “cá chết” và thái độ lằng nhằng của nhà nước thì ai dám không cho là chính đáng và chính nghĩa? Chính nghĩa và cao thượng quá đi chứ! Nhưng ở bình diện tôn giáo là nhu cầu tâm linh to lớn, không kém cấp thiết của người dân và tín đồ lại là chuyện khác. Giới tăng lữ cần xác định phương diện chính và phụ, phần sự nào của công dân – tín đồ, của đồng bào và phần nào là trách nhiệm tu sĩ.

Là một Phật tử, lời bình này xin phép nói về tu sĩ Phật giáo có lẽ tiện hơn chăng: cái chết của một tôn giáo sẽ bắt đầu là khi có tiếng vo ve về đạo hạnh của giới tăng lữ, chứ không hẳn là chuyện thiếu dân chủ, dân quyền của đám cai trị. Vì sao? Vì đấu tranh dân chủ, dân quyền, nhân quyền trước hết là chuyện của dân chúng, toàn dân và cá nhân công dân. Tu sĩ san sẻ số phận với đồng bào và đạo hữu, tín đồ nhưng không ai lập luận giới tu sĩ phải chịu trách nhiệm đi đầu các phong trào chính trị. Ngược lại, tất nhiên không thể bàn xằng là tín đồ có trách nhiệm chủ yếu uốn nắn phạm hạnh cho một tăng chúng đang có khuynh hướng đi xuống được. Nếu cho người viết đang đánh giá cá mè một lứa tăng sĩ Phật giáo thì nhầm. Đạo Pháp vẫn tồn tại là nhờ đội ngũ tăng ni có công phu tu học và phẩm hạnh. Sự tồn vong, hưng thịnh và phát triển của Phật giáo là cậy nhờ vào các tăng sĩ là bậc chân nhân đang làm thiên chức hộ pháp. Những giọng điệu quyền lực hay miệt thị có tính chợ búa không phải là phép tiếp cận với nhà thờ và nhà chùa. Vấn đề là khắc phục các biến thái hiện nay và tương lai của không ít tăng ni. Chính số tu sĩ này kéo theo sự giảm uy tín của cả các sư ni chân chánh. Cần làm rõ thêm cốt cách của đa số tu sĩ là khiêm cung, ít lời, ham ẩn tu và tránh thị phi, điều này dẫn tới việc dân chúng, cư sĩ hiếm có dịp tiếp xúc thực sự với các bậc chân tu và dễ theo khuynh hướng bi quan và xa lánh nhau. Xin nhớ lời dặn dò của chính Đức Phật “Thế gian không bao giờ vắng các bậc A La Hán” (Ngài không nói “không bao giờ vắng Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác”). Chúng ta không thấy, không gặp có khi vì đó là “của hiếm”, vì không đủ duyên và vì có gặp cũng khó nhận ra với phàm nhãn.

Vậy “kiến nghị” của tôi đã rõ. Xin chư tăng ni lắng nghe tiếng xì xào ngoài dân chúng nói chung và trong giới tín đồ nói riêng. Có thể họ nói nhỏ quá hay khi tới gần sư phụ hay bất cứ ai vận cà sa thì vặn volume xuống. Cả cái thói tục cứ uyển ngữ mà trao đổi giữa đạo hữu, thầy trò cũng nên “cải cách” lại. Chăm lo uy tín sư ni, thuyết phục được tín hữu và quần chúng về mặt đạo hạnh mới là đại sự của bậc tì kheo. Nó hệ trọng hơn chùa to, tháp lớn. Dù Đạo Phật là Đạo của Tuệ Trí, tôi tin chính đạo đức và giới luật chứ không phải đa văn và tri thức đang là cái tối thiết cho uy tín chư tăng ni của Việt Nam ta hiện nay. Kinh kệ? Một bộ bất kỳ trong Kinh Bộ hay A Hàm – người viết mạn phép thuỷ chung và kiên định nhắc tới Thánh Điển Pali và Sanskrit trước khi bàn chuyện cân nhắc và phân tích giá tri mọi Kinh Luận khác – xin thưa đủ cho một trí thức óc não vào loại sáng láng hay một tu sĩ công phu rốt ráo một đời nghiên cứu vẫn chưa trọn, cẩn thận vẫn là amateur, tài tử đấy thôi. Tôi cực lực hoan nghênh chương trình nội dung ở các trường Phật Học Cao Cấp, nhưng xin thưa thiệt – và cũng là một cách nói, cách nhấn mạnh – Phật giáo Việt Nam cần khoảng một chục vị đa văn thực sự như hoà thượng Thích Thiện Siêu,Thích Minh Châu, Thích Tuệ Sĩ và nhà Phật học Lê Mạnh Thát là đại phúc, đại hạnh rồi – có khi con số một chục có thừa đi chăng! Còn lại học cứ học, tụng cứ tụng, có điều thỉnh ra vài bài kinh ngắn thấm thía tâm can mình mà gối đầu giường, chiêm nghiệm một đời, cho sáng ra, tỉnh ra, ngộ cái cần ngộ, viên mãn phạm hạnh cũng đáng là sự nghiệp tu học rồi, chỉ e hiếm thấy, hiếm gặp – nói chi các vị to gan, trong ngoài nước, chưa có dấu ấn của Chánh Pháp đã vội vàng có giọng Phật Thánh, theo tôi hiểu, dễ tổn đức lắm! Có một chỗ không ít vị còn lờ mờ là Đạo Phật là một Đạo mà Chân Lý Tối Thượng đã được Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni phát hiện hơn hai thiên kỉ rưởi nay rồi. Không phải chờ một sư ông, sư bà nào phát hiện cho nhân loại và tín đồ. Tín đồ căn cơ mỏng tất líu ríu theo thầy – chuyện bình thường trong mọi tôn giáo – nhưng chớ quên người căn cơ mỏng lại thường đánh giá đạo đức các thầy rất nghiêm khắc và người căn cơ tri thức khá hơn có thể do bị trì trệ khâu gìn giữ phẩm hạnh, luật giới nên một mặt họ vừa quan sát được phạm hạnh giới tu sĩ, mặt khác, tuỳ trình độ đa văn mà họ quan tâm cả nội dung thuyết pháp đúng sai. Thật sai lầm, chính xác gọi là lạc hậu, nếu giữ một hính ảnh Phật tử thời hiện đại cứ thế mà dâng hiến toàn tâm cho một vị trụ trì thuyết pháp như hạ bút trên trang giấy trắng hay đăm đăm nghe lời thuyết sư như uống từng giọt mật. Việc một tu sĩ nào đó không chắc đọc hay đọc kỹ Ma Ha Tăng Kì, Tứ Phần Luật hay Ngũ Phần Luật – chuyện chỉ có các sư ông vào tàng kinh các may ra tiếp cận Luật Tạng nay đã xưa rồi – bằng một người ngoại giáo hiếu kì vẫn có thể xảy ra (xin lưu ý lời bình không hề dám chạm thanh danh các chân sư, các bậc thầy đã giảng, dịch kinh sách cho lớp chúng ta đây học tập với lòng tri ân vô lượng).

Lại mạn phép nói thêm, cũng như chuyện thế gian hiện nay, học hành hay tu học có con đường bằng cấp, chứng nhận là sự thường, nhưng không phải văn bằng, học vị là tất nhiên dẫn tới tri thức chân chính và đóng góp có giá trị cho xã hội; riêng với giới tu sĩ còn cần mười phần tinh tấn và cẩn trọng bởi văn bằng tiến sĩ Phật học hay tiến sĩ Triết học, hay cả hai, chưa hề bảo đảm cho một tri thức vững chãi trong ngành, nói chi chuyện đương nhiên đồng nghĩa với phạm hạnh của một vị chân tu như kì vọng chân chính của quý thiện hữu và đạo hữu (ý của một vị chân sư mà do lý do tế nhị người viết không trích danh tính!).

Phật giáo Nhật Bản – do vậy – có các đặc điểm dị biệt với các nền Phật giáo khác, và cần chú ý đặc biệt nhiều chỗ phát triển tuỳ tiện khi chiếu trên Giáo Pháp Đức Phật từng dạy. Đạo đã có vô lượng ảnh hưởng tới đời sống tư tưởng, văn hoá và nếp sống tâm linh của dân tộc Phù Tang. Chưa nói tới khía cạnh cả thế giới tán thán: di sản kiến trúc, am đền, điêu khắc vĩ đại. Đấy là chỗ đóng góp “chính trị” của Phật giáo. Nhưng luận theo hướng đóng góp chính trị kiểu thế sự – chính trị học hay ngón nghề hay kinh nghiệm chính trị thực tiễn – cho tôi xin lỗi – có phần gượng lẫn áp đặt. Tất nhiên có nhà nghiên cứu đi theo những kết luận khác nhau, vậy tôi chỉ bổ sung: khen thì phải chứng minh, khen thì phải chê các mặt trái. Mà loạt chiến tranh do các tu sĩ đại tự cầm đầu và đấu đá dài ngót 220 năm, tan tác cả Nhật Bản vì quyền lợi riêng của giới tăng lữ xin đừng né tránh. Theo thiển ý ít nhất cũng có được một kết luận: khi xã hội dành quá nhiều đặc quyền – nói riêng và nhấn mạnh đặc quyền vật chất – cho tầng lớp tu sĩ (bất cứ tôn giáo nào!) thì sự sa đoạ và cả tội ác đang lởn vởn ở chung với chư vị và hậu quả vô lường đang nằm chờ ngay cổng chùa và nhà thờ! – điều mà lịch sử Phật giáo Nhật Bản đã không chỉ có một trang để chứng minh.

Quay trở lại với phần cuối của tiểu mục: Vậy trong lịch sử Nhật Bản, Nho giáo đóng vai trò gì?

Thật ra những cộng đồng từ thời cổ đại muốn tồn tại phải có một dạng trật tự, kỷ cương, tập trung quyền lực để đương đầu với thiên tai, địch hoạ vô chừng. Một dân tộc có khuynh hướng tôn ti trật tự và chủ nghĩa tập thể như Nhật Bản càng là một ví dụ minh hoạ. Và ta hiểu ngay khi tiếp nhận Nho giáo (tôi cố ý dung từ “Nho giáo” thay “Khổng giáo”, như một số nhà nghiên cứu vì Khổng Mạnh là phái có chủ trương thiên về “Đức Trị”, trong khi còn phái Pháp Gia chủ trương “Pháp Trị” – cả hai phái đều từ nguồn Nho giáo – mà thực tế không có một hệ thống cai trị nào mà thuần đức trị cả; chưa nói Nho giáo tất nhiên có trước Khổng giáo hay nói khác đi con người lỗi lạc mà tên tuổi được đặt thay cho cả một truyền thống tôn giáo – triết học là Nho giáo – xuất thân là một “nho sĩ”!) thì những khái niệm và nội dung “tôn ti trật tự”, “tôn quân”, “cương thường”, “kỉ cương”… đã quen thuộc và phù hợp với ý chí xây dựng một cấu trúc quyền lực tập trung, quân chủ. Mô hình quân chủ Trung Hoa với ngọn cờ Nho giáo mà thực chất là Nho Gia – Pháp Gia được mô phỏng và hoan nghênh ở Triều Tiên, Việt Nam hay Nhật Bản không có chi lạ, nếu không xác định là đúng xu thế tiến bộ của một thời. Tiếp nữa, học thuyết của nho sĩ thực chất không phải là một tôn giáo như nhiều người thường nghĩ. Nó là một học thuyết thế đạo, chuyên về phép trị nước an dân. Khái niệm Trời hay Trời Đất của Nho gia có tính phiếm thần, là biểu tượng có tính nhân cách hoá – hay nói ngược lại, lấy quyền lực thế đạo buộc phải có mà “thần hoá” nên – và thái độ với cõi giới ngoài tri thức loài người (the unknown) là “kính nhi viễn chi”. Nói chi tiết hơn, các xu hướng “Tâm Học” đời sau của các đời nho sĩ thêm thắt các màn cao đàm về Lý, Tính, Sự, Thần Tính… là để bằng chị bằng em với Phật giáo và Lão giáo, cũng để chiều lòng đạo hữu gần xa. Một điểm nữa là họ sử dụng thuật ngữ Phật học và Lão học mà Khổng Tử và Mạnh Tử chưa hề dùng hay chia sẻ cùng khái niệm. Nỗ lực tôn giáo hoá hay chính xác hơn thần bí hoá đạo Nho của của các thế hệ nho gia đời sau chưa bao giờ biến Nho giáo thành một tôn giáo được, nếu họ thực sự có ý định này – và chúng ta chỉ có thể góp vào là vậy là công bằng.

Tư tưởng nhà Phật và nhà nho đến Nhật Bản khá lâu trước khi Nhiếp Chính Shotoku chính thức bảo trợ Phật giáo và và bước đầu đối xử như một quốc giáo. Một chứng cớ rõ ràng là việc nhắc tới một số nguyên tắc đạo lý của Phật giáo nhằm răn đe các hiện tượng gây rối, xung đột và bất hoà trong nội tình nhân dân và trước hết trong nội bộ phe phái, hào tộc ở triều đình trong Thập thất điều hiến pháp nổi tiếng. Nhưng xin nhớ chính trong “Hiến Pháp” này các nguyên tắc đạo đức và chính trị của Nho giáo được nhắc nhở nhiều và không kém tôn trọng. Vai trò “tâm linh” của Phật giáo trong thời kỳ này tưởng không cần nhấn mạnh, nhưng cầm chắc kinh nghiệm chính trị và cai trị là mặt mạnh của Nho gia hay của nền hành chánh Trung Hoa vốn là mẫu mực của triều đình Phù Tang trong nhiều, rất nhiều thế kỷ. Suốt thời kì Đức Xuyên – Tokukaga (1603-1868), Nho giáo (Tống Nho), không phải là Phật giáo, chiếm địa vị thống soái triết lý – tư tưởng của chế độ.

Thật dễ hiểu khi ảnh hưởng Nho giáo cũng là kinh nghiệm chính trị, chính trường ngàn năm của Trung Quốc gần gũi sự nghiệp cai trị của chính giới Nhật Bản còn non kém kinh nghiệm và cần cho họ hơn những bài học đạo đức của Phật giáo. Về quy mô thế giới, Phật giáo không có một tổ chức như Vatican để dựa dẫm (quan điểm về quan hệ giáo quyền và thế quyền của Phật giáo khác với Công giáo và Hồi giáo). Trong nội địa thì vẻ huy hoàng của một số thời kì dựa vào sự hỗ trợ của các Thiên hoàng, sứ quân cụ thể, dứt khỏi sự bảo trợ là chông chênh ngay. Ảnh hưởng như thế dù lý giải thế nào là một dạng cầu cạnh và “chính trị” như thế là có màu sắc quyền lợi bản vị của thế đạo. Khi một số đại sư và đại tự vươn lên độc lập kinh tế, thậm chí tự lập và gây dựng sức mạnh bằng cách tổ chức các đội quân hàng chục ngàn người vũ trang chuyên nghiệp (tăng binh – shohei), họ được các sử gia mô tả như những đại điền chủ, đại tư bản, thậm chí là dạng tăng sĩ có thế lực của sứ quân, lãnh chúa (gọi là Tự Lĩnh). Không nghi ngờ gì nữa đấy là một trang sử không vinh dự của Phật giáo Nhật Bản và căn bản đó là một bước đi sai lệch từ Đạo Lộ và Giáo Pháp, Giáo Luật của Phật Tổ.

Người viết sẵn sàng đồng ý đoạn văn trên có thể nằm sai bố cục – sự lôi thôi này có lời xin thứ lỗi từ đầu – nhưng vẫn hy vọng không ai hiểu nhầm là có sự so sánh Phật và Nho với giọng thiên về Nho giáo. Thưa không, chỗ phân tích nằm trong văn cảnh chỉ để nhấn mạnh yếu tố Nho giáo là rất quan trọng trong khu vực chính trị trong lịch sử Nhật Bản (vốn đúng là mục đích mà vì nó mà Nho giáo ra đời; nó minh bạch như vì Dukkha và Boddhi mà Đức Thích Ca có mặt trên thế gian – nhưng nhiều nhà nghiên cứu quá nhấn mạnh cho Phật giáo trong vai trò và hiệu quả chính trị và cai trị là đáng tranh luận (mà thử hỏi có Phật giáo nào lại ham loay hoay gần gụi với chính trị và giới chính trị gia kia chứ, và cẩn thận gần gụi quá dễ ham làm chính trị gia chuyên nghiệp; mà kinh nghiệm Nhật Bản hễ sư sãi mà đam mê chính trị chuyên nghiệp thì chỉ có hỏng!). Tất nhiên không liên quan chuyện thiên vị phía nào – mà xin lỗi một chuyện lớn đến thế sao người viết lại dại dột nhảy vào mà “thiên vị” cơ chứ!

Xin kết ý này bằng nhận xét các bậc vua chúa đa phần chơi trò ngoại giao với Phật giáo. Làm sao họ dám kiếm chuyện với một tôn giáo đông tín đồ, chủ trương không bạo động, mà một khi một cộng đồng như thế lên tiếng sẽ lôi thôi to. Chưa nghiên cứu kỹ lịch sử tôn giáo khác, tôi chỉ chú ý trong lịch sử các nước không ông vua, bà vua nào tồn tại lâu khi dở trò đàn áp Phật giáo. Phật giáo của một thời kỳ có mặt nhược và sư sãi một thời gian có sa sút đạo hạnh, nhưng Phật giáo có nội lực để trường tồn (nói bất diệt e mâu thuẫn với thuyết Mạt Pháp của nhà Phật). Nhưng thú thật tôi không hứng khởi với chuyện các sư ra làm chính sự – quá khứ cũng như hiện tại, tương lai. Chỉ một nền chính trị hỏng hóc nặng hay dân chúng và tín đồ cũng dạng bất tài, bất lực tập thể mới mơ màng chuyện thiền sư ra làm thủ tướng hay một hoà thượng nhậm chức bộ trưởng nội vụ. Xin lỗi, toàn hoang đường. Vừa phi thực tế vừa sai nguyên tắc tách giáo quyền và thế quyền mà nhân loại đã đổ cả nước mắt và máu để nói “không” từ vài thế kỷ trước.

Đối với thực trạng Việt Nam hiện thời, xin nói thực với các chính trị gia tiềm năng là tu sĩ, các vị ra tuyên cáo chống một chính quyền xâm phạm nhân quyền, dân quyền và tự do tôn giáo – các vị có dám bảo đảm các tạp chí Phật giáo không có cán bộ nhà nước cử qua và bài vở đăng “không cần sự lãnh đạo của Đảng” hay không? – rất nhiều người sẽ hoan nghênh, còn vụ (có người) đề nghị trong số các tài đức tu sĩ có vị có thể tham chính làm bộ trưởng, thủ tướng, thì đó lại là một sự hoang đường khác mà thôi!

Sao lại có chuyện nhận thức thơ ngây đến thế. Chính quyền cộng sản là độc đảng với não trạng toàn trị “lãnh đạo toàn diện” mà lại nhờ một người “ngoại đạo” lãnh đạo và cai trị ư? Một cuộc “đảo chánh” cỡ đó chỉ có khi hoặc đảng đương quyền tự giải tán về bản chất – chứ không phải giả vờ từ chức như từng có trong lịch sử – và hai là nếu có thật sự kiện viễn tưởng này thì là Phật giáo trở thành thành viên liên minh trong một chính phủ cộng sản – Phật giáo chăng! Một đại hoang tưởng! Người viết có lời cáo lỗi, trước hết với chư tăng ni kính mến và quý thiện hữu Phật tử, về chuyện thật ra là hoàn toàn tào lao này. Tôi tin rằng rất có thể có ai đó nói giọng hí luận, bỡn cợt để nói lên sự tuyệt vọng với thế sự. Chứ thiệt tình một thứ “kiến nghị” loại này không nên có trong đầu một người biết lý luận và biết chỗ đứng của tôn giáo là ở đâu, đặc biệt mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Và thêm nữa đừng mơ màng chuyện một hồng y là tể tướng như thời Trung Cổ bên trời Tây hay một thiền sư thông minh lanh trí, biết Hán văn đọc kinh kệ và nhân tiện nghiên cứu cả Nho và Lão vào thời Đinh – Tiền Lê được vời ra giải quyết hậu quả vụ “giá-lương-tiền” do đức vua và em trai hoàng hậu lỡ ban hành. Nhân tiện lưu ý, riêng với tu sĩ Thiên Chúa giáo thời Trung Cổ bên trời Tây theo học chương trình “thế đạo”, không phải chính trị học như ta hiểu bây giờ, nhưng vẫn được đào tạo và cung cấp tri thức thế gian và cả kinh nghiệm hành chánh cho một thời kỳ giáo quyền kết hợp thế quyền. Tuy nhiên chúng ta biết mô hình kiểu này đã bị xoá tiệt, mà bài học nhân loại tiến bộ từng rút ra là tách hẳn thế quyền từ giáo quyền và ngược lại. Khi một tu sĩ Phật giáo được xem là “ngộ” hay “đạt đạo”, có nghĩa là tâm thức ngài được tin là đã giải thoát và tuệ trí đã thành tựu theo tiêu chí Phật pháp xác định. Ngài xứng đáng được cúng dường và sẵn sàng cho sự nghiệp lớn, “lên đường” rao giảng Chánh Pháp cho dân chúng, chứ không phải lên đường về kinh đô xin một chức tổng giám đốc hay xin yết kiến để (quỳ) dâng đức vua “Bình Quốc Sách” bí mật thảo trong thời gian nhập thất.

Nho sĩ chứ không phải tu sĩ Phật giáo tuyên thệ với chủ nghĩa bảo hoàng. Và chừng đó đủ lọt mắt xanh các đức vua. Công lao và ảnh hưởng của Phật giáo nhiều thời kỳ, trong các quốc độ kim cổ đương nhiên có thực, kiểm chứng được, nhưng tự trong giáo lý xuất thế, buộc phải “giữ kẽ” với quyền lực thế đạo, nên dù đóng vai trò tích cực gì đi nữa, Phật giáo lại quay về mái chùa xưa sau các cuộc dấn thân kiểu đoàn thể và phong trào khác mà thôi – cùng với dạng sinh viên, phụ nữ, văn nghệ sĩ chẳng hạn. Theo thiển ý đấy là bình thường, phù hợp với tu sĩ Phật giáo; nếu không nói đấy là điều hay cho tu sĩ. Kẻ ở lại vị trí và thường trực hơn nên là quần chúng công dân – Phật tử hay Phật tử – công dân, những người vẫn gắn bó mật thiết với giới tăng lữ. Có một điều nói thêm có khi phiền lòng một số sư sãi rằng bản lĩnh của giới tu sĩ phải thể hiện ở phép xuất xử cho dễ hiểu (tôi tạm dùng thuật ngữ Nho giáo, còn nhà Phật có các khái niệm phương tiện, thiện xảo… ), biết tiến, biết dừng khi thích hợp, biết thế sự, thời sự có thái độ linh hoạt với đời (ruộng nông dân bị kẻ xấu tước đoạt hay biển là nồi cơm của ngư dân bị cố ý làm cho ô nhiễm… là chuyện cần lên tiếng – nạn nhân là người dân và có tín đồ đi chùa trong đó kia mà), nhưng làm Phật sự và công phu tu học không là phần chủ yếu sinh hoạt của tu sĩ thì có gọi là tu hành được không?! Cuộc dấn thân vì Đạo Pháp và Dân Tộc năm 1963 là một trang xứng đáng của Phật giáo và nói riêng của tăng ni Miền Nam, nhưng nhiều người nhận xét một khía cạnh đáng tiếc, hình như từ đó uy tín tu sĩ và bộ mặt Phật giáo không còn nguyên vẹn như cũ. Có vẻ như một bộ phận không nhỏ tu sĩ đã quen được tung hô như các ngôi sao, ca sĩ và nhìn Phật tử như fan của mình, mà không phải là các thiện tri thức, đạo hữu. Thái độ với nếp tu học – Thiền phong, Phật phong – không được mặn mà như nếp xưa. Tôi tạm không bàn tới cú đòn sấm sét của người cộng sản sau 1975 và hiện tượng “quốc doanh hoá” tu sĩ. Những dạng lãnh đạo chính trị có tầm nhìn kém cỏi, lè tè chưa tiến hoá qua giai đoạn phát triển nhu cầu tâm linh, quên cả thái độ và phát biểu trân trọng của chính Hồ lãnh tụ “Công lao lớn nhất trong cuộc đấu tranh cho dân tộc ở Miền Nam thuộc về Giáo hội Phật giáo” (tôi trích dẫn theo ký ức – ông Hồ Chí Minh trả lời một phóng viên phương Tây). Tiền hậu bất nhất, trên dưới không nhất quán, qua cầu rút ván, thiếu chính danh (một trong những truyền thống làm ăn của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Sát lại ý liên quan vai trò của Nho giáo với chính trường Nhật Bản, xin nhấn mạnh về mặt hệ chính trị, vai trò của Nho giáo ở khu vực Đông Á chỉ được thay đổi bằng các dạng của chính thể dân chủ, không phải bởi một tôn giáo nào khác. Ở Trung Quốc, nó bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng tư sản Tân Hợi, trước khi có cuộc phản bội của Viên Thế Khải. Cách mạng Mùa Thu 1945 ở Việt Nam thực chất là cuộc đấu tranh đuổi thực dân Pháp và hạ bệ nền quân chủ của triều Nguyễn, mở ra một chế độ dân chủ đúng nguyện vọng và khát vọng của dân tộc. Khi nó thay đổi thành một chính quyền cộng sản thì đó là trò phù thuỷ đổi màu của Đảng Cộng sản, và cho tới nay không nghi ngờ gì nữa bất kể vai trò anh hùng và hiệu quả trong chương chống thực dân, Đảng và chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ có vị trí đường đường chính chính, như quan niệm hiện đại về dân chủ ở Việt Nam – thấy khó nghe thì cứ thử trưng cầu ý kiến là rõ. Mặt khác, khi Mao Trạch Đông tuyên bố thanh toán di sản phong kiến (và tư sản), khai sinh nhà nước xã hội chủ nghĩa thì thực tế ông ta khai sinh ra nhà nước phong kiến xã hội chủ nghĩa hay như các nhà phân tích phương Tây gọi “néo-feudalism” (tân phong kiến) đấy thôi.

Tán nhảm dài dòng tới độ người tán nhảm cũng phát ngán (chính mình) mà câu hỏi nêu thành nhan đề tiểu mục còn treo lơ lửng: Vậy nền chính trị Nhật Bản vận hành trên cơ sở nào hay qua các thời kỳ chính trị mà ai cũng thấy dị biệt, đa dạng và có lúc rối rắm, có chung đặc trưng gì không?

Cho phép tôi tránh một câu trả lời ra vẻ hệ thống, quá trí lực và sở học của mình. Thay vì vậy, đưa những nhận xét có khi rời rạc, thậm chí không sát trọng tâm, nhưng đúng tính cách “nghĩ gì nói nấy” của mình trong một lĩnh vực biết rõ là cần nhiều thận trọng.

Thật đáng ngạc nhiên khi một dân tộc có một ý chí hôi hổi – tôi còn muốn dùng từ “máu huyết” gợi tới chất lỏng – y như nồi nước đang tiến về điểm sôi 100 độ và suốt cả bề dày lịch sử ít ra trên 2.000 năm không ngơi nghỉ, không phân vân, không mệt mỏi. Đủ bằng chứng về một đất nước của tham vọng họ tộc và cá nhân, không ai nhường ai. Đâu thực sự là đích đến, là khát vọng của con người và tâm thức Nhật Bản? Từ mù mờ cổ đại, họ tộc Yamato đã tiến lên hoàn thành khát vọng tập quyền và thống nhất cho toàn dân tộc. Dù lây lan tình ý đồng cảm của nhiều đời dân Phù Tang dành cho Thiên hoàng mà thương cho vị thế vua Lê yếu đuối bị cả quần thần đời đời chịu hoàng ân ức hiếp, làm khó dễ và càng tội nghiệp hơn bên cái bóng sừng sững, không khả ái cho lắm của các đời đại sứ quân, chúng ta cũng phải nhận ra chính cái dòng máu tham vọng bất trị, cái ý chí mãnh liệt ma đưa lối quỷ đưa đường đang tiếp tục chảy trong huyết quản đám hào tộc, quý tộc, quyền thần “vô ơn” và càng sôi sục trong ý chí ngất trời của tinh thần Bushido với sự mở đầu có tính biểu tượng mang tên đại sứ quân Yoritomo – Nguyên Lại Triều bất tử.

Lật qua các trang sử của các bậc anh hùng cái thế đôi khi không khỏi giật mình. Ý chí chinh phục kèm lòng hiếu sát, tính dũng cảm đi với thói hiếu thắng và khí thế vá trời lấp biển lẫn với khí huyết tàn nhẫn. Chủ trương “thà giết nhầm hơn bỏ sót” là đối sách với cả kẻ địch lẫn người nhà. Không phải nói quá, đấy là hàng made in Japan, đừng tìm trong Luận Ngữ hay cẩm nang Thiền của ngài Huệ Năng vô ích, mà nên thử ADN và tìm trong gen Phù Tang. Không phải trong phim ảnh, mà trong đời thực là cảnh võ sĩ nằm gai nếm mật, theo chân chủ đến tận chân trời góc bể, và khi thất bại – mà thường khi là thất bại – rút kiếm chém vợ con trước khi mổ bụng tự sát, thực hiện nghi thức harakiri (nôm na thì gọi là seppuku). Đây chính là mùi chủ nghĩa Darwin, cái mà ngài Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín) cho là góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong lịch sử Nhật Bản và có lẽ là chỗ một sử gia Nga (Yevgeny Viktorovich Tarle, tác giả công trình Napoleon (bản dịch tiếng Việt: Napoleon Bonaparte. Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2006, bản dịch của Nguyễn Khắc Trung – Yến Nhi) cho “cái ác cũng thúc đẩy sự tiến bộ”. Dễ nghe hay khó nghe, tôi ngờ rằng đây là sự thực, một thứ cơ sở “chính trị” cho sự phát triển lịch sử Nhật Bản.

Cũng gần nội dung trên, tôi phát triển một hướng khác. Tinh thần đấu tranh của người Nhật qua lịch sử có giai đoạn dài (từ thời kỳ Asuka qua Heian) có tiếng là dạng quyền lực do các Thiên hoàng chủ trì, nhưng vị trí các hào tộc, quý tộc và đại thần cơ bản còn mạnh và có dịp là quấy quá. Xét cho cùng, tất cả họ đều có quan hệ chặt chẽ. Hào tộc thành quý tộc (vào thuở ban sơ, sự thực là hào tộc mạnh nhất trở thành Thiên hoàng), thân nhân Thiên hoàng thành quý tộc. Đại thần đều gốc gác hào tộc, quý tộc và nhiều người tài giỏi gốc thường dân cũng được ban tước hiệu quý tộc. Rồi thứ đến, tầng lớp võ sĩ dấy lên, chí khí và hận thù bốc lên tận trời xanh cùng tướng quân hay Shogun của họ lật đổ toàn bộ giai cấp quý tộc, biến quyền lực của Thiên hoàng và các chức sắc triều đình trở thành hư vị. Hình thức chính quyền Bakufu (Mạc Phủ) đơn giản mà hiệu quả ra đời, thực tế kéo dài từ cuối thế kỷ 13 tới cuối triều đại Tokugawa (1868), đúng nơi chứng minh slogan “Sống đấu tranh”.

Rồi sự lạ xuất hiện sau sự lạ mang tên Bushido và Bakufu. Dân chúng tầng lớp dưới (dưới cả khu vực ngành thủ công, tiểu thương đã chuyển biến thành tầng lớp trung lưu) – trừ chút thay đổi dưới thời kỳ đầu của triều Kamakura – sớm bị bần cùng hoá. Không những tầng lớp vũ gia bị (hay được) quý tộc hoá, mà một bộ phận tăng lữ cũng đã “đại gia hoá” quên béng cả sự nghiệp độ tha, Nhưng bẽ bàng nhất là sự phản phé của đám Samurai hạng ba – kiếm đã khá mòn, ngựa đã gầy còm, nhìn tranh vẽ người hao hao giống Don Quichotte – vốn cũng từ nông dân mà ra, do gần gũi lao động ruộng rẫy nên gắn bó với nông thôn lao khổ, cần cù. Tôi nói “phản phé” theo nghĩa sau khi phục vụ các tiểu lãnh chúa (Daimyo – Đại danh) vốn cũng là tầng lớp võ sĩ hạng hai và khấm khá đôi tí, thì giai cấp võ sĩ miền quê lâm cảnh túng đói do chiến tranh liên miên, cơ cấu kinh tế thay đổi, tầng lớp thương buôn và tư bản xuất hiện thống trị kinh tế xã hội thì cả chủ lẫn tớ tìm đường nương nhờ giai cấp trên. Chủ vay tiền giới tư bản đang lên, đám Samurai các hạng quay mặt với dân chúng, chăm thực hiện dịch vụ phục vụ chủ mới, khi có xung đột thì vì miếng ăn các anh hùng, kiếm sĩ một thời chọn đúng về phía chủ nhân.

Cuối cùng lớp dân chúng dưới đáy chọn làm “sự lạ”, tự vũ trang, lập đoàn thể và chống từ chủ phương xa tới đám Samurai phản phé. Chú ý không phải tất cả thành viên võ sĩ các cấp đều tệ hại – nhiều người là những nhà hoạt động cải cách và đặc biệt tự chủ vươn lên thành tầng lớp thương nhân kiểu mới và có kiếm sĩ chọn bảo vệ bần dân dưới đáy chống lại giai cấp mình – và ngược lại dân chúng đấu tranh bằng chính khí thế võ sĩ đạo đã biến thành dạng “dân tộc tính” từ bao thế kỷ.

Có thể vẽ ra một loạt cạnh tranh quyền lực qua quyền lợi giai cấp thực tế mà vào xen cuối, bộ phận xuất hiện chậm nhất trên sân khấu đã có tiếng nói của mình. Đoạn kết không có màu sắc vô sản nắm chính quyền dưới ngọn cờ của đảng giai cấp như kịch bản mác-xít dù chủ nghĩa cộng sản đã được giới thiệu, có hoạt động sôi nổi và bị tiêu diệt. Cái đáng khâm phục là sức sống và sức mạnh của những đời cần lao bị các thế lực lãng quên – hay chỉ nhắc tên khi đến kỳ thu thuế – đã đứng dậy hiên ngang và ngang ngạnh đối kháng với bất công xã hội. Và họ chọn thái độ đoàn kết và ủng hộ các sáng kiến cải cách của giới trí thức cấp tiến thay vì ngâm thơ “những nông dân (tự) biến thành trí thức”. Họ không đòi giết vua hay nghi ngại số sứ quân tiến bộ, thức tỉnh bảo trợ cho cuộc cải cách mang tên Minh Trị sau này vì lý do lý lịch “phong kiến”. Nhân dân lao động Nhật Bản với các phẩm chất ưu việt vừa điểm qua – quả cảm, tương trợ, dám thách đố, dám hy sinh, biết chọn “người hiền” từ mọi tầng lớp làm thủ lĩnh chứ không dựng một đại diện “bần cố nông” làm thần tượng – hoàn toàn xứng đáng là một động lực tiến bộ, đặc biệt trong đêm trước cuộc Duy Tân cực kì hệ trọng, tạo cơ sở và cơ đồ cho một Nhật Bản hiện đại. Và một dân tộc cao cả, linh hoạt và thông minh như thế không thể là tác giả một slogan đại ngu dốt, đại vô hậu và đại phản động “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ” như khẩu hiệu của Xô Viết Nghệ Tĩnh, lò đào tạo nhiều lãnh tụ cộng sản truyền thống của Việt Nam.

Dù đã đề cập không ít lần về ý chí học tập của dân tộc Nhật Bản, tôi muốn nhắc lại ở một góc độ khác: Sự học tập như một cơ sở sinh tử định hướng cho chính trị và phát triển xã hội. Trước khi chính thức chuyển bước, hướng về văn minh và văn hoá lục địa (Trung Hoa), người Nhật – trong thời kỳ này phải nhấn mạnh ý chí của các nhân vật lãnh đạo – đã có sự cân nhắc, tìm hiểu của những người có trách nhiệm cao nhất và chắc chắn có các “chuyên viên văn hoá” Triều Tiên và Nhật Bản cố vấn. Một lưu ý nhỏ là dù tất cả các nhà Nhật Bản học đều ghi nhận tài lãnh đạo siêu việt của Nhiếp chính Shotoku trong cuộc cải cách toàn diện đầu thế kỷ thứ 7, nhưng ít nhắc gốc gác học tập của ngài. Dù tài liệu thiếu, nhưng ít ra ta cũng rõ tính hiếu học là một phẩm chất của vị thái tử nhậm chức Nhiếp Chính khi mới tròn 20 tuổi này. Trước khi vua Bách Tế Song Wang (có sách gọi là Bá Tế) tặng tượng Phật cho cho Thiên hoàng Khâm Minh – Kimmei, sư sãi Triều Tiên đã hoằng pháp ở Nhật Bản một thời gian dài. Có tài liệu ghi rõ người thầy mà chàng thanh niên quý tộc – thái tử Shotoku – theo học giáo lý đạo Phật là sư Huệ Từ (người Triều Tiên). Nhà sư này đến Nhật Bản tất nhiên trước khi có vụ hạ bệ dòng tộc Mononobe lộng quyền và khởi đầu thời kỳ Phật giáo Nhật Bản hưng khởi. Nhiều tác giả nhận xét ngài Shotoku tự mình nghiên cứu kinh Phật, tôi hy vọng chi tiết này có làm rõ chút ít quá trình học tập của ngài, mà không ảnh hưởng uy tín độc đáo của vị thánh đất Phù Tang.

Không lạ vị thái tử ham học cũng là người đã cho tổ chức đoàn du học sinh đầu tiên qua Trung Quốc (đời nhà Tuỳ). Căn cứ vào ghi chép của người Nhật – bài viết có nhắc qua – số du học sinh có cả tăng lẫn tục, học các ngành thế đạo và Phật đạo. Không nghi ngờ gì chuyện ngài Nhiếp chính dặn dò quý thần dân tăng tục quan tâm nghiên cứu chính trị và tổ chức hành chánh của Trung Hoa. Rất có thể đó là mối quan tâm hàng đầu của vương triều. Đấy là cách học tập của người xứ Phù Tang. Vượt biển, đi thực địa, làm nghĩa vụ cho tổ quốc. Và trên hết, đáng khâm phục nhất là họ chủ trương nghiên cứu, tìm hiểu, “sờ mó” một con đường chính trị cho quốc dân trước khi bàn bạc, cân nhắc cách thực thi.

So sánh chắc là thiếu tế nhị, nhưng tôi thành thật kể lần đầu tiên khi còn trai trẻ đọc chi tiết Nguyễn Tất Thành, tức cụ Hồ sau này, bỏ phiếu cho đệ tam quốc tế mà không bỏ cho đệ tứ quốc tế chỉ vì đệ tam quốc tế chống chủ nghiã thực dân và hỗ trợ cho nhân dân thuộc địa, ngoài ra Nguyễn Tất Thành không rõ chi thêm về chủ nghĩa cộng sản, tôi thực sự cảm động. Tưởng tượng một con người còn non dại về tuổi tác và kinh nghiệm chính trị, chăm tìm một đồng minh ủng hộ độc lập cho quê hương và sự nghiệp chống thực dân giữa trời Âu lạnh lẽo xa xôi! Đó là chuyện cảm tưởng nhiều chục năm trước. Và đây là suy nghĩ khi đã nghiền ngẫm sự đời: Chết thật, một thân một mình còn lù mù về chính trị sao dám chọn cả một chủ nghĩa – là con đường đi, mà đi về lâu, về dài cho một dân tộc – và hệ thống đảng trị tóm sạch mọi quyền lực của nhân dân mà Nguyễn Tất Thành rất yêu mến. Liệu một cá nhân hay một công dân có thể tự xác nhận mình là người chọn lựa đường đi, chủ nghĩa cho toàn bộ công dân khác hay không. Sẽ quá quắt khi không thấy rõ tình hình thế giới và hoàn cảnh thực tế của họ Nguyễn ngày đó mà phân tích thiếu cận tình. Cũng như nhiều người trong nước và ngoài nước, tôi cho chọn lựa của Hồ Chí Minh ngày đó không có yếu tố cá nhân chủ nghĩa. Ông thực sự tin vào chọn lựa của ông, mà bản thân sự chọn lựa này thực tế có thể là án tử của ông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa gì trong văn cảnh đang bàn. Chúng ta đang ở trong và cùng lịch sử hiện đại và ở giai đoạn mà tư liệu lịch sử chứng minh chủ nghĩa cộng sản đã và đang di hại cho dân tộc vô số mặt và trên quy mô lớn, không phải chỉ riêng công diệt được vi khuẩn Covid là xí xoá được như các lãnh tụ hồn nhiên nhất thế giới của chúng ta nghĩ và đang tự tán thán mình! (Tất nhiên chuyện nhân dân đánh giá rất cao cách chỉ đạo chống đại dịch và ghi công cho lực lượng bộ đội và đội ngũ y tế là hoàn toàn công bằng và chỉ có một lương tâm ít trong sáng mới phủ nhận vì… chính kiến đặt nhầm chỗ). Và chỗ bổ sung là có thể Bác Hồ của các cháu thiếu nhi, bằng việc tự chọn lựa chủ nghĩa cho toàn dân tộc, là người đầu tiên nhập khẩu tập quán “cá nhân quyết định, dân tộc thi hành và rán nhận hậu quả” vào Việt Nam.

Còn kịp để thêm một lời: so với cách người Nhật chọn học tập cẩn trọng, nắm thực tiễn, tư liệu, xem học tập, điều nghiên thực tế là cả một sự nghiệp – khi học tập phương Tây cũng không khác –, nhấn mạnh tìm hiểu nền chính tri, hành chánh, kinh tế, khoa học; vâng, nếu so với cách nghiên cứu, thẩm tra, tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản có phần lập cập (và không rốt ráo về lý luận) như chính cụ Hồ tự nhận thì quả tấm gương Nhật Bản còn lắm chỗ soi. Họ dạy rằng nhất nhất điều gì cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu, kiểm tra cẩn trọng, đặc biệt chuyện chọn lựa con đường đi – còn gọi là chủ nghĩa – cho đồng bào mình. Nếu mục tiêu và cả mục đích lớn đạt đượt – tôi muốn nói chiến thắng Điện Biên Phủ và người Pháp phải rút khỏi Đông Dương chẳng hạn – rồi rê dài với thứ não trạng đảng trị “con người An Nam sinh ra vốn bình đẳng trong việc tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Thiên Chúa đã định” thì đúng là công không bằng tội!

Đến đây xin bỏ ngỏ câu trả lời về triết lý chính trị Nhật Bản. Hy vọng các nhà Nhật Bản học sẽ có phân tích xác đáng cho chúng ta tham khảo. Chí khí đi tới cùng, tất cả cho quyền lợi và tham vọng của dân tộc, tích cực học hỏi các nguồn của nước ngoài, vừa xem trọng kinh nghiệm chính trị thực tiễn của chính lịch sử Nhật Bản – như đã bàn qua – tạo những động lực lớn, thúc đẩy tiến bộ lịch sử. Còn một kết luận tổng quát có tính chung nhất, thường gọi là bình diện triết học, thực sự còn nằm ngọai biên tri thức và chiêm nghiệm của người viết. Nên dù chỉ là “tản mạn thôi mà” cũng xin phép tạm gác lại.

4. CHỦ NGHĨA QUỐC GIA NHẬT BẢN CÓ TÍNH CỰC ĐOAN HAY KHÔNG?

Câu trả lời hoàn toàn khẳng định. Trong tất cả các công trình viết về lịch sử và nói riêng lịch sử văn hoá Nhật Bản, không kể trong hay ngoài Nhật Bản, đều xa gần có nhận xét về tính cách “fanatic” (cuồng tín) và “militaristic” (quân phiệt) của người Nhật. Chất quân phiệt đặc biệt được nuôi dưỡng từ thời kỳ Sứ quân, khi họ tộc của một đại tướng quân – thường dựng nghiệp sau một đại công (thường khi là thống nhất đất nước, dẹp loạn và thậm chí cứu cả Thiên hoàng cùng Hoàng gia) được chính Thiên hoàng vinh danh, thừa nhận – hoàn toàn tập trung quyền lực chính trị, quân sự vào một mối. Họ thậm chí biến lãnh địa của mình thành khu hành chánh trung ương mà không cần đóng ở kinh đô. Xem nhân lực – không chắc là nhân tâm – mười phương quy về lãnh địa, Mạc Phủ (Bakufu) của mình là chuyện tự nhiên. Những cái tên chỉ các triều đại sứ quân ta quen nghe như Kamakura (Liêm Xương hay Liêm Thương), nguyên là tên các vùng đất, vốn là quê gốc của các họ tộc các Shogun. Hoàng gia sớm trở thành một dòng đại quý tộc, đại thế gia đệ nhất về danh phận, có điều là danh giá bề mặt và Thiên hoàng với lý lịch có quan hệ với Thần Thánh thực chất cũng ngang địa vị một giáo chủ tôn giáo là cùng – nghĩa là ngồi yên trên bàn thờ nhận cúng dường, cứ mặc chuyện thế sự cho “kẻ dưới” lo. Hiện tượng nhắc những bạn sính văn chương nhớ chương “Đại Pháp Quan” trong Anh em nhà Karamazov của Dostoyevski và các bạn ghiền giai thoại xã hội chủ nghĩa nhớ câu nói của Lê Đức Thọ khi ông ta ngăn không cho ông Hồ Chí Minh phát biểu ở một Đại hội Đảng “Bác (có dịp) nói nhiều rồi. Thôi để thời gian cho các đồng chí ở xa phát biểu!” (Chính xác đây không phải là giai thoại, mà là trích lời kể của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm trong hồi ký của ông).

Để khỏi bị hiểu nhầm những chi tiết đã và đang được đề cập trên thuần tuý công kích tầng lớp đại quý tộc (một cách gọi khác là giới quân sự quý tộc) và giới tướng quân sẽ không công bằng với họ và không hoàn toàn phù hợp thực tế lịch sử, mà xin lưu ý vẫn có những sứ quân mà tên tuổi vẫn được dân chúng tôn xưng như những anh hùng dân tộc thực sự như Minamoto Yoritomo (Nguyên Lại Triều), nhân vật mở đầu thời đại Mạc Phủ hay ba nhân vật kiệt hiệt nối nhau chấm dứt chiến chinh, trong đó người cuối cùng đã có vinh dự đem lại thống nhất và thanh bình nội địa, hạp ý nguyện nhân dân sau những thế kỷ đẫm máu, đau thương: Nobunaga, Hideyoshi và Iayesu.

Đối với người Việt, chỉ cần nhớ những tướng lĩnh, quần thần dựng nghiệp như Lê Hoàn, Trần Thủ Độ… hoặc trực tiếp lên ngôi vua, hoặc phế bỏ cựu triều, giành ngai vàng cho con cháu nhà mềnh, mà còn “trực tiếp” lấy luôn vợ của cựu hoàng (về dzụ này thì cả hai danh nhân Việt ta cùng nhiệt tình và si tình hệt nhau) thì có khi các Shogun Nhật tiếp tục giao hư vị và kèm bổng lộc kéo dài cả hai nghìn năm cho Thiên hoàng gẫm kỹ cũng không tới nỗi tệ quá.

Cái tinh thần quốc gia chủ nghĩa từ thuở ban sơ (chí ít cũng từ thế kỷ thứ 2, thứ 3) thúc đẩy Đại Hoà Quốc dù đang là láng giềng và cậy vị trí trung gian của Triều Tiên mà học tập văn minh văn hoá Trung Quốc – thực tế những thế kỷ đầu sau Thiên Chúa giáng sinh (và trước đó) người Nhật có địa vị thấp thua một Triều Tiên đã tiếp thu văn minh văn hoá Trung Hoa và công khai nhận trí thức, chuyên gia Triều Tiên là thầy – không ngăn cản họ thôn tính một phần cực Nam của Triều Tiên. Phần lịch sử hiện đại với chiến tranh với Trung Quốc và Nga cuối thế kỷ 19 và ngay đầu thế kỷ 20 và tiếp tục hào khí dân tộc và quân phiệt dẫn Nhật Bản tới thảm bại trong chiến tranh thế giới thứ hai chúng ta đã rõ. Tất cả nói lên chủ nghĩa nhà binh kiểu Phù Tang đã gây hoạ cho chính nhân dân Nhật Bản như thế nào và sự việc dám quyết tử vì Thiên hoàng và Thiên Quốc của quân dân Nhật, đánh đổi bằng những thảm hoạ cho các nước láng giềng mà “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, rõ ràng có một phần nguồn gốc khá sâu xa từ trong văn hoá, nếp nghĩ mà quan niệm và tập quán trung quân tuyệt đối, gửi niềm tin chính trị tuyệt đối (và mù quáng) vào tay tầng lớp cực quyền là một trong những gốc gác khó phủ nhận. Một minh hoạ cho thấy niềm tin “chính quyền nằm trên đầu súng” (quan niệm của Mao Trạch Đông) gần với tinh thần của giới quân sự quý tộc và các tướng quân Nhật Bản là chính từ trong lịch sử nội bộ Nhật Bản. Trừ vài trường hợp có thể xem là chính nghĩa, một tập đoàn xuất hiện nhận vai trò lịch sử để cải cách xã hội và tất nhiên được dân chúng và lịch sử Nhật Bản tri ân, trong lịch sử cuộc chiến giữa các thế lực quân sự chính trị nổ ra bất cứ phương nào và thời điểm nào khi một thế lực đủ sức – hoặc tự cho là đủ sức – thách thức thế lực đương quyền.

Một chỗ mà ngay các sử gia Nhật Bản (không nghi ngờ gì phần lớn là Phật tử) cũng mỉa mai là “độc đáo” của Phật giáo Nhật là trang sử các tu sĩ các tu viện tự lập các đội tăng binh có quân phục (áo giáp) riêng cho tu sĩ và đám phục dịch ở chùa chiền nhằm chiến đấu chống bọn cướp của có vũ trang, giới quan lại và quý tộc đối kháng quyền lợi và đặc biệt chiến đấu chống các tu sĩ đạo hữu thuộc tông phái “đối địch”. Tôi sẽ luận thêm chỗ “độc đáo” này trong phần sau, liên hệ Phật giáo Nhật Bản, thực sự không phải nhằm chỉ ra một “đặc điểm” của Phật giáo Nhật mà chỉ ra yếu tố “quân phiệt” có thể nhiễm cả vào chốn am thiền chay tịnh như thế nào.

Không có dịp đi “điền dã” xứ người, chưa có đủ tài liệu để so sánh, nghiền ngẫm, người viết không dám “nỏ mồm” phán bậy làm trò cười cho bậc thức giả, chỉ thử nêu đôi “cảm tưởng” – nghĩa là thuần cảm tính – thì chính xác hơn. Từ nhận xét của một nhà nghiên cứu người Mỹ rất hâm mộ văn hoá Nhật và từng là Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản – ngài Reischauer – rằng trong dáng vẻ của đa số người Nhật vẫn có cái gì cứng nhắc, cấn cái làm tôi nhớ những lần xem phim lịch sử Hàn có giọng Hàn. Cái lạ là giọng xứ sở kim chi từ nam tới nữ – cả phụ nữ xinh như tiên nga – đều rất quyết liệt (aggressive), phải nói là họ gằn giọng chứ không phát âm bình thường. Tôi không rõ đó là đặc điểm ngôn ngữ, do minh hoạ cho phim lịch sử hay sắc giọng cá nhân (lưu ý là qua tiếng Hàn) của người lồng tiếng. Nếu là giọng của các võ tướng trên chiến địa khi quân thù sắp xuất hiện thì hiểu được, đến mẹ con nói với nhau cũng tựa vừa nghiến răng vừa nói. Rồi có hôm đọc lang bang mới rõ các bosses xứ kim chi nổi nóng đánh cả công nhân Hàn Quốc không hiếm, không chỉ uýnh bậy người làm thuê xứ ta. Ngay một trong những ưu điểm của họ (Nhật và Hàn) là những môn võ thái cực đạo, nhu đạo, kiếm đạo… cũng gợi truyền thống mạnh bạo về thể chất. Câu hỏi đặt ra – người viết không có câu trả lời – là ngỡ dân xứ lạnh, người và khí chất bớt nóng thì hoá ra hai nước Viễn Đông nhà ta khí huyết coi bộ rất “sung”. Vì sao? Có nguyên nhân lịch sử, xã hội học gì không? Vì sự hiện diện của người láng giềng Trung Hoa cần cảnh giác (đúng với trường hợp Triều Tiên hơn Nhật Bản?). Vì chủ nghĩa sinh tồn, đấu đá liên tục trong nội bộ, phải tay cung, tay kiếm? Tôi chưa nghiên cứu lịch sử Cao Ly kỹ, nhưng áp dụng cho sử Nhật e đúng. Đọc một nhận định nguyên nhân về sự hùng mạnh và quật cường của Nhật Bản của một nhân vật lớn trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, một trong những kiến trúc sư của công cuộc Duy Tân mang tên Minh Trị – ngài Okuma Shigenobu – Đại Ôi Trọng Tín – rằng “Chế độ phong kiến gây nên những cuộc chia đất tranh hùng, chống chọi ganh đua nhau luôn luôn, thành ra rùi mài un đúc được chí bền sức mạnh và nảy ra nhiều tài khéo tính khôn” (trích Đào Trinh Nhất, Nhật Bản Duy Tân 30 năm. Huế: Đắc Lập, 1936. Theo bản của Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2015, tr. 31) ta thấy thú vị dù nội dung hiển nhiên phảng phất mùi chủ nghĩa Darwin.

Dông dài rồi, mà phần vừa bàn vẫn còn loanh quanh. Nên xin nói rõ chỗ loanh quanh là tôi muốn nhìn chỗ hung hăng và chất quân phiệt từng gắn với các thế gia quân sự Nhật Bản liệu có xuất phát từ những đặc điểm xã hội chi khác không, để có chỗ cảm thông hơn? Và một khi những nguyên uỷ đã không còn, đã trị dứt là khác. Một khi căn nguyên chưa phân tích, cảnh giác kỹ thì – xin lỗi – tiếp tục phân tích và tiếp tục cảnh giác thôi. Hội chứng “theo” có tầm dân tộc trong truyền thống Việt trong lịch sử hiện đại gẫm đáng hổ thẹn – theo Tàu, theo Mỹ, theo Nga, theo Nhật… dứt bỏ và các tướng quân Hà Nội nên tập tành bài học chính trị và đạo đức kinh điển bỏ bê bao thập kỷ, bài học “THEO DÂN” (lấy dân làm gốc). Theo người mình chủ quan cho là đáng “theo”, “theo” người bảo trợ cho bang phái của mình, bỏ quên ý dân, chà đạp nguyện vọng dân chủ, dân quyền của dân để trước mang về vài xe tải đô la, tiền rúp hay đồng yen lấy làm tài khôn, tự hào – người đem về hẳn nhận đủ phần huê hồng tự phân rồi – chỉ là sự nghiệp của bọn lái buôn diễn vai lãnh tụ, đặt tư lợi cao hơn vận mệnh lâu dài của toàn dân tộc đấy thôi! Tóm lại trước tiên chơi với dân cho “fair play” mới tin, lấy dân làm gốc chớ lấy Tàu, Mỹ, Nga hay Nhật làm gốc! Và chơi với người nhớ học cái hay, nhớ học cái người hơn ta mà chớ quên thấy cái dở, cái ác của người mà tránh và đề phòng nếu không muốn gặp hoạ mất nước.

5. THẾ CHIẾN THỨ 2 – THƯỜNG DÂN NHẬT BẢN CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ KHÔNG?

Nếu câu hỏi là người dân Nhật chịu trách nhiệm đầu tiên với sự gây hấn đầy tính hiếu chiến trong Thế chiến thứ hai hay không, câu trả lời là không.

Sự thống nhất đất nước Nhật từ hồi còn là Đại hoà quốc – theo quy luật chung của lịch sử thế giới – là sự thống nhất bằng vũ lực, mà những huyền thoại sang trọng rằng hoàng gia có gốc gác cõi trên hay niềm tin cảm động rằng trăm họ đều là con dân của Thiên hoàng cả thôi đồng thời đóng vai một vũ khí (tâm lý chiến). Người dân mà hình ảnh ban sơ trên sân khấu lịch sử nghìn đảo dù còn sương mù huyền thoại chắc chắn là dạng thổ dân thô phác mà vũ khí đầu tiên là cục đá, cung tên, ná, dao bằm cá. Có thể ý tưởng tiểu đảo và bộ lạc bán khai nhà mình có quan hệ với một đức vua hùng mạnh trị vì ngàn đảo và chỉ cần hua tay là bộ tộc nhà mình chìm xuống biển như nghe đã xảy đâu đó với một bộ tộc láng giềng, đã kích thích cuộc thần phục vừa miễn cưỡng, tất yếu và cả tự hào. Đối sách khéo léo của dòng họ sau trở thành nhiều đời Thiên hoàng, ví dụ nhẹ tay với các tộc trưởng, giữ nguyên thế lực, đặc quyền địa phương – quần đảo Nhật Bản nghèo tài nguyên, khoáng sản và cống vật cá tôm chắc không mấy hấp dẫn hoàng gia – thu phục được nhân tâm. Thay thế lực lượng quý tộc cầm quyền dù có sang trọng, đóng góp cho văn minh Đại Hoà thật, nhưng thực tế lại tồn tại bằng việc khai thác kiệt quệ sức lao động của bần dân, kèm chính sách đặc quyền đặc lợi cho giới bề trên lại là bàn tay sắt của giới Shogun.

Chỗ đóng góp to lớn cho lịch sử và văn hoá Nhật của các đời Shogun xuất sắc và truyền thống vũ sĩ đạo danh tiếng vốn đi từ phong trào bình dân đồng khởi mà ra (không cần nhắc một bộ phận Samurai đến từ giai cấp quý tộc nhiều đời sa sút) vốn là niềm tự hào lớn mang tính lịch sử, nhưng chính tầng lớp tướng quân khét tiếng hiếu thắng, ích kỉ, chuyên tâm tranh quyền đoạt lợi này đã nhấn chìm nhân dân vào bao thế kỷ khốn cùng và khốn nạn. Sân khấu chính trị xã hội Nhật diễn đúng những nét đại lược của bản tính nhân loại, tầng lớp vũ dũng, đầy đủ tư cách từ “trong lòng nhân dân” mà ra hôm nào – tôi muốn nói tầng lớp vũ sĩ với tinh thần Bushido bất hủ – lúc suy đồi, biến chất, ham hưởng thụ lại khống chế, cưởi đầu cưởi cổ dân đen. Một nhà viết kịch có tài khai thác tư liệu lịch sử thăng trầm và bi hài của Nhật Bản có thể trở thành một Shakespeare vĩ đại mà tác giả HamletThe Tempest ắt phải ganh tị.

Có thể thấy sự chịu đựng, phục vụ, chấp hành, trung thành, nếu không nói cả sùng mộ tầng lớp đại thế gia, đại quý tộc cực quyền là thái độ gần như xuyên suốt lịch sử của thần dân Nhật, nhưng phải công bằng và thực tế thấy tất cả những phẩm chất tử tế này vốn chứa đủ mặt trái tiêu cực mang quy mô dân tộc được tổ chức, huấn luyện và cổ vũ với hơi hướm tôn giáo hàng chục thế kỷ bởi chính hoàng gia và các tầng lớp thay nhau nắm cực quyền. Khó lòng có cửa cho một cá thể Nhật thoát ra hay có ý thức thoát ra một kỷ luật tập thể, đồng phục, nhất dạng với tinh thần tôn giáo khắc nghiệt tới độ người dân và trước hết binh sĩ – vũ sĩ bị kết tội được khuyến khích thực hành “seppuku” (mổ bụng) thay vì bị xử tội, mất thời gian của tập thể và chủ nhân (lưu ý một khía cạnh ít được nhắc là người vũ sĩ tự xử thì thân nhân vợ con khỏi liên luỵ và còn tư cách tự hào – yếu tố này chắc chắn chi phối sự chọn lựa của họ). Thế lực ức chế một thường dân cầm vũ khí giết người với tư tưởng (nếu) từ chối là phản quốc và trái đạo lý – và tất nhiên không biết và không được giáo dục quyền phán xét một quyết định mang tầm quốc gia là chánh hay phi nghĩa – vâng, chính thế lực này mới đủ tư cách pháp nhân nhận trách nhiệm châm ngòi chiến tranh.

Ở trên là những lý do tôi có ý kiến “KHÔNG” đối với việc quy trách nhiệm người dân thường Nhật Bản đối với Thế chiến thứ hai. Và cũng là lý do thế giới xem cái chết của đại bộ phận người Nhật ở Hiroshima và Nagasaki là nạn nhân chiến tranh.

Bây giờ tôi biện luận về vế “CÓ”. Người dân thường Nhật Bản không hoàn toàn vô tội, không chỉ trong cuộc chiến lớn ta đang bàn, mà cả trong hầu hết các trận chiến suốt lịch sử Nhật Bản.

Nguyên nhân về tính cách, tập khí háo hức thắng lợi, mong muốn chứng minh hiệu quả thanh kiếm mũi gươm khi đụng độ, thanh niên bình dân chỉ ao ước gia nhập vũ sĩ đoàn đã được nhiều người ghi nhận. Có một nguyên nhân cần nói rõ hơn là truyền thống trung thành, hoàn thành mọi bổn phận theo ý chủ nhân, sống chết vì Thiên hoàng và lãnh chúa của mình và họ tộc có mặt trái, tiêu cực của nó. Trung thành và phản bội là hai ý niệm xung khắc và cần phân minh trong tâm thức người Nhật. Cái bi kịch là mục đích dẫn dắt các chủ nhân là quyền lợi và đặc quyền mù quáng không nhân nhượng, không điểm dừng. Những ví dụ trong thực tế bình dân thành vũ sĩ, vũ sĩ thành vũ gia và Đại danh, tiến lên thành lãnh chúa và tướng quân (Shogun) và sau thắng lợi một thời gian ngắn, tất cả di dời về kinh và hoá thành quý tộc. Cá biệt có đại tướng quân quyền lực nghiêng trời, uy hiếp cả đức vua, ba đời hoàng hậu là con gái, cháu gái của mình. Chính những câu chuyện kết hợp cổ tích và thực tế lưu hành trong dân chúng kích thích thêm máu phiêu lưu của chủ lẫn tớ. (Hình ảnh thực tế không kém: kinh đô, lâu đài, quốc tự bị đốt rụi, có thời kì công tước bá tước hôm qua nay không có áo ấm mà mặc, kẻ chiến bại chết cùng vợ con, cháu chắt, cha mẹ, có khi cả gia tộc hơn ba trăm người cùng mổ bụng, thậm chí cha giết con, chồng giết vợ trước khi tự sát; vâng, tất cả được chính sử gia, tài liệu bản địa ghi lại hình như không được bọn vá trời lấp biển, bụng đầy lòng tham, óc đầy tà khí cân nhắc – nạn thương hải tang điền, quân thành tướng, chúa thành dân, thây người không chỗ chôn rơi vãi đầy đường được các nhà nghiên cứu thống nhất là phần nào nguyên nhân dẫn giới bình dân Nhật tới nhà chùa và giới quý tộc Nara và Heian rủ nhau lập chùa tư gia, chưa cần tới chuyện tham khảo kinh A Hàm, Giải Thâm Mật hay Câu Xá Luận mà cũng theo hầu hết các nhà nghiên cứu, hiếm có Phật tử Nhật nào ở các thế kỷ khi Phật giáo mới du nhập đọc và hiểu).

Ở bình diện và quy mô khác, các vụ quấy phá ở vùng biển Tây – thực chất là hải tặc – đều mang quốc tịch Nhật làm nhân dân, ngư dân và thương nhân Trung Hoa và Triều Tiên điêu đứng. Chính quyền Tàu phải gửi thư phản đối, yêu cầu nhà nước Nhật can thiệp. Hài hước hơn, vua quan Triều Tiên buộc phải đem quan tước dụ một số băng đảng hải tặc mạnh nhất, bổ làm quan tướng để trị lại đồng chí đồng đội cướp bể của mình. Nhắc để thấy khi bức bách, một bộ phận người dân Nhật cũng sẵn sàng rủ nhau làm điều tàn ác, khó bào chữa – điều cũng không quá khó khi lấy ví dụ ở những dân tộc khác.

Một yếu tố nữa giải thích sự a tòng của người bình dân Nhật trong chiến tranh, nói riêng những cuộc chiến tranh phi nghĩa, là sự gắn bó về kinh tế của họ và gia đình với giới chủ nhân quân phiệt có thu hoạch lớn từ việc chiếm đất đai, gây chiến, uy hiếp địch thủ và ngoại xâm. Đối với giới vũ sĩ thì quá rõ: việc mài gươm dưới ánh trăng Phù Tang không để đánh nhau và giành chiến lợi phẩm thì để làm gì và nói chung ngoài kỹ năng chiến đấu, thiếu hẳn kỹ năng dân sự, sản xuất và sáng tạo thời bình đại khái như chứng chỉ C Anh văn, văn bằng quản trị kinh doanh hay marketing thời nay, vậy về thực chất họ là sản phẩm kí sinh vào chiến tranh! Có một siêu giai cấp trên tót đỉnh cầm cây đũa thần điều khiển hô hào thần dân, nông dân hy sinh mồ hôi và xương máu cho đại sự, đại cục và có thế lực tôn giáo cơ bản đã được quốc gia “còm-măng” vẽ thêm trách nhiệm hộ quốc, hưng quốc của tín đồ cũng cùng nội dung điệu ca hộ pháp, bảo hộ hoàng thất của Thần Thánh và chư Phật. Đấy là một cách tuyên truyền chính trị – tôn giáo. Và cũng là một lối giáo dục đạo lý. Còn việc chư Phật bối rối vì chùa to, tượng lớn và các bài tụng ca mà chọn lựa phe này, ủng hộ phái kia thì người con Phật bé nhỏ và công phu tu học thấp thỏi như kẻ hèn này cũng quyết không tin và quyết phải hoài nghi. Sự kiện sau khi quân Mông Nguyên hai lần rút lui vì những cơn bão lớn (Thần Phong) bất ngờ thì do việc quy công lớn cho Thần và Phật của Thiên hoàng và cả đại sứ quân – mà người thay Thần và Phật nhận phần thưởng tất nhiên là giới tăng lữ – đã làm giới tướng lĩnh, vũ sĩ bất mãn, tạo ra bất ổn chính trị và hệ quả là sự suy giảm quyền lực không phanh của họ tộc Hojo – Bắc Điều. Chúng ta biết rõ qua tư liệu lịch sử, không có đụng độ nào có quy mô lớn giữa hai phe để giới Samurai kịp chứng minh sức mạnh quân sự của mình trước khi bão ập tới và tàn quân Nguyên Mông phải tháo chạy. Nhưng tưởng tượng ra các đạo quân dũng mãnh và hiếu sát của Hốt Tất Liệt tràn được lên đất liền, đuổi quân Nhật Bản chạy có cờ, thẳng tiến về Kyoto, bỗng nhiên khựng hẳn lại và vội vã quay đầu, chân vắt lên vai, quẳng cả cung kiếm vì kinh hãi khi nghe ngót vạn tiếng chuông của hàng nghìn đại tự, cổ tự, tiểu tự từ cố đô lẫn mọi ngóc ngách đất Phù Tang đồng loạt vang lên thì hậu thế khó lòng không mỉm cười, nếu không nói là… phì cười. Việc bất bằng của giới quân nhân – do đó – có thể hiểu được.

Với thường dân – như đã phân tích – thì về mặt thực tế cái gọi là thuỷ chung, trung thành trong truyền thống được nâng lên và vũ trang bằng giáo lý Nho giáo phần nào có cơ sở từ quan hệ ăn theo của tớ với chủ, từ chia chác huê lợi, chịu ơn bảo trợ, bảo kê và khi có chiến tranh huê lợi chính là chiến lợi phẩm. Cảm giác chính nghĩa không chỉ do tuyên truyền của ban tuyên huấn của các tướng quân, lãnh chúa mà còn do hấp lực của chiến lợi phẩm có khi còn dính máu của những người đồng chủng cùng san sẻ truyền thống sùng mộ Thiên hoàng và truyền thống trung thành với chủ nhân tới hơi thở cuối cùng.

Lịch sử Nhật chứng minh có tiến bộ chính trị và chuyển biến trong khu vực tạm gọi bằng một thuật ngữ hiện đại là chính trị học, trong đó có sự thúc đẩy của sự tỉnh giác và thức tỉnh từ cả các thành phần “dưới đáy”, không chỉ những cải cách “từ trên xuống”. Từ rất sớm, bắt đầu từ thế kỷ 7 đã có những sáng kiến chính trị có thiện ý của những Thiên hoàng và cộng sự mà các sắc chỉ, luật lệ như Thập thất điều hiến pháp và Chiếu Cải Tân là bằng chứng, cho dù hoặc nằm trên bàn giấy, hoặc cải cách chiếu lệ, hoặc bị bọn quan lại trung ương và chức sắc địa phương tận lực ngăn cản. Bản thân thế lực các đại tướng quân cũng có người không thiếu tầm nhìn hoặc vì nghĩ tới quyền lợi dòng họ mà lo canh cải. Nhưng quay lại ý chính của tiểu mục đang bàn, phải nói trong những đợt thay đổi to lớn của chính sự Nhật, từ việc xây dựng chính quyền Nara trên quá trình giải thể tàn tích thị tộc, thị thần tới việc di đô tới Kyoto (Heian) trong nỗ lực tách ảnh hưởng khuynh loát chính trị của đám tu sĩ quý tộc, đến sự ủng hộ các tướng quân có lý tưởng thân dân, rồi cuộc vận động của tầng lớp vũ sĩ trên quy mô quốc gia, sự xuất hiện tầng lớp Daimo (Đại danh) trên sân khấu chính trị đất Phù Tang… tất cả đều âm ỉ từ phản ứng đấu tranh đòi bình đẳng, quyền dân sinh của nhân dân Nhật Bản. Những đợt sóng ngầm và thảng hoặc trồi lên thành sóng thần đều xuất phát từ tâm bão là ước vọng ấm no, công bằng và sự căm phẫn của lê dân đối với tập đoàn quý tộc, quan lại biến chất, đánh mất lý tưởng, trong đó có vai trò phức tạp của tu sĩ Phật giáo – khi thuần lo Phật sự, cúng lễ, khi suy đồi chỉ chăm chia chác quyền lợi của các thế lực bảo trợ, khi mon men khuấy đảo chính sự, thậm chí tổ chức cả quân đội, kéo quân, dàn trận và có khi lại tạo được biểu tượng đạo đức, đoàn kết của xã hội. Chưa nói có những cuộc vận động mà người lãnh đạo không rõ là tăng sĩ vì dân đen mà dấn thân xã hội hay nhà chính trị lợi dụng ngọn cờ tôn giáo đạt đạt mục đích của mình. Cả hai khả năng này đều là chuyện thực tế, nhưng phải có hiệu quả xã hội, hữu ích cho quốc gia, quần chúng làm bằng chứng. Hiệu quả, hữu ích có thật và được các sử gia thừa nhận và một số được người Nhật xem là anh hùng dân tộc – tôn giáo (các nhà sư Honen – Pháp Nhiên, Shiran – Thân Loan và Nichiren – Nhật Liên – Nhật Liên là những ví dụ) là ở chỗ phức tạp này đây.

Tuy vậy, theo thiển ý của người viết, có một mặt hoàn toàn bất ổn liên quan các danh nhân tôn giáo này, đó là phương diện Phật pháp. Do không có không gian bàn kỹ ở đây, nên chỉ nói thẳng thắn ngay điều mà các nhà nghiên cứu không phân tích minh bạch và nói riêng các học giả phương Tây bỏ qua hẳn, là các đại sư thuộc trường phái dấn thân tôn giáo bình dân này tuyên truyền và chủ trương một số nội dung hoàn toàn phi logic và phi lịch sử, NHẤN MẠNH TỪ GÓC ĐỘ PHẬT PHÁP (tôi nhấn mạnh – NTV). Xem Pháp Hoa là kinh chân truyền duy nhất (chân truyền phải bàn lại, còn duy nhất thì trật chắc rồi), bỏ quy y đức Phật lịch sử Thích Ca (kể cũng quái đản!), tán thán chủ trương tu sĩ lập gia đình (chặt đứt chân giới luật, một trong những hòn đá tảng của Phật giáo), đòi chính quyền bỏ tù các tu sĩ tông phái khác (có thể xem là một hành động hạ liệt về cả mặt tôn giáo lẫn chính trị!) là vài ví dụ.

Tóm lại, dù thường xuyên là nạn nhân của chính trị phi nghĩa và là tác giả vô danh đàng sau bao cuộc vận động xã hội vĩ đại – chúng ta tránh dùng từ “cách mạng” vì các sử gia nhận xét người Nhật không làm cách mạng giết vua, đổi ý thức hệ kiểu Pháp, Nga – trong tính cách Nhật có đủ “yếu tố châu Á” kiềm chế tư duy độc lập và ý thức dân chủ, óc tôn quân và tôn ti phẩm trật đầy cực đoan, thần hoá tinh thần quốc gia tới mức hiếu chiến; ở góc độ cũng là thành viên của “văn hoá Đông Á”, không nói ra người ta cũng kết án rồi, cần thêm nhận định có cả tố chất nô lệ tự nguyện cho quyền lực và các giáo điều phi dân chủ của các thần vương, thiên tử tự xưng.

Chính trong kết luận trên mà tôi cho có vế trả lời “CÓ” trong trách nhiệm của thường dân Nhật gây chiến và gieo đau thương cho chính dân tộc mình và đất nước người trong quá khứ. Người dân Nhật đã có nhiều hành động sám hối tích cực đúng tinh thần của Phật pháp và Phật giáo và đúng bản chất thiện lương của hàng triệu người dân Nhật, chỉ mong tinh thần đấu tranh cho hoà bình của nhân loại và an ninh thế giới này chân thành và bền vững, không rơi vào trường hợp hoan hô hoà bình chỉ vì bị tước mất khí giới.

Comments are closed.