­­Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột[1] cho đến vật âm mình! (phần 13)

Nguyễn Cung Thông[2]

Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt như lòng, bụng, dạ, ruột thời các LM Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica sang An Nam truyền đạo. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách dùng hiện đại. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là SSS (Sách Sổ Sang Chép Các Việc), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh), MACC (Mùa Ăn Chay Cả/LM Maiorica), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), CTTr (Các Thánh Truyện), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGHTK (Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kỉnh/Maiorica), LM (Linh Mục), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh). Trang hay cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Dấu hoa thị * là dạng âm cổ phục nguyên (reconstructed sound). Không nên lầm số phụ chú và số chỉ thanh điệu đứng sau một âm tiết. Có lẽ một trong những câu nói kí âm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên và rất ấn tượng là “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam?” (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng[3]? LM Cristoforo Borri 1631). Cách dùng vào trong lòng[4] là cách nói ẩn dụ thường gặp vào thời VBL (cụ thể —> trừu tượng) hàm ý nhập tâm hay gia nhập: “Hễ là lời cười chê rủa con đến tai Mẹ, thì vào trong lòng Đức Mẹ với” TCTM quyển thượng trang 91. Có khi chỉ dùng vào lòng như “Chớ gì lửa trọng này vào lòng người ta mà làm cho nóng” KNMLPS trang 55, v.v. Bài viết này chú trọng vào cách dùng chữ lòng vào thời LM de Rhodes, cũng như một số từ liên hệ như dạ, bụng, ruột – cho đến tên các bộ phận sinh dục ở ngay dưới bụng.

1. Vị trí cụ của các cơ quan liên hệ đến tình cảm và tư duy trong tiếng Việt

Hình chụp sau từ “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” cho thấy vị trí cụ thể của các cơ quan liên hệ đến tình cảm và tư duy. Đương nhiên đầu/não là bộ phận ở trên cùng (không có trong hình chụp), sau đó là tim[5], dạ dày, lòng/bụng và thấp nhất là dạ. Tiếng Việt đặc biệt dùng cơ quan thấp nhất là dạ (và bụng) để chỉ trung tâm của suy nghĩ: VBL trang 822 ghi “tối dạ”ingenio carere/L nghĩa là không có trí khôn[6] (~ thiếu thông minh, ngu đần…) phản ánh phần nào tín ngưỡng phồn thực qua truyền thống nông nghiệp cũng như khả năng sinh tồn của dân tộc qua bao nhiêu giai đoạn thử thách để giữ nước cho đến ngày nay: “có thực (ăn) mới vực được đạo” – có ăn thì mới sống sót được! Phần sau sẽ đi vào thêm chi tiết các cách dùng ẩn dụ và tổng hợp có vẻ tiêu cực như tối dạ, mất lòng, mọi rợ, v.v.

clip_image002

Học giả Trương Vĩnh Ký (1884) ghi ‘bụng dưới’ là dạ dưới[7] (bas-ventre/P).

Đã có nhiều bài viết về tim, lòng như những nơi chứa tình cảm, lí trí/tinh thần so với đầu hay não bộ qua ngôn ngữ, nhất là từ góc độ Ngôn Ngữ Tri Nhận (Cognitive Linguistics, một ngành ngôn ngữ mới phát triển). Tuy nhiên, ít người biết đến kết quả của các nghiên cứu mới nhất về ruột với khả năng là trung tâm tư duy cũng như não – xem bài viết về não bộ thứ nhì (the second brain – hàm ý lòng/ruột so với não bộ trên đầu là não bộ thứ nhất) https://www.livescience.com/62683-colon-brain-neuron-firing-pattern-detected.html – hình chụp bên dưới là “bộ não thứ nhì” (the second brain) từ bài viết đã trích (6/2018 – credit Shutterstock) – các đường ruột chứa hàng triệu neuron (nơ-ron) cũng như não bộ thứ nhất (trung tâm CNS, Central Nervous System) ở trên đầu, hệ thống dây thần kinh ở đường ruột gọi là ENS (Enteric Nervous System hay não bộ thứ nhì). Vấn đề trở nên rất thú vị khi khoa học nhân văn có thể đã gặp khoa học thực nghiệm (chính xác) khi các thí nghiệm đang tìm ra bộ não thứ nhì ở trong đường ruột. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm của bài này.

clip_image004

Bộ não thứ nhì (ENS) có thể đã tiến hoá trước bộ não thứ nhất (CNS)!

2. Phạm trù nghĩa của ‘lòng’

2.1 Các nét nghĩa của ‘lòng’ vào thời LM de Rhodes

Lòng có các nét nghĩa sau đây vào thời VBL từ cụ thể đến trừu tượng (a) ruột gan nói chung cho thú vật – intestina animalis/L – VBL còn đưa thí dụ như lòng bò, lòng cừu (b) lòng đỏ trứng, lòng trắng trứng (c) lòng trắng cau (d) ý muốn, tâm tính… Các nghĩa cụ thể (a)(b)(c) còn dẫn đến cách dùng lòng bàn tay, lòng sông, lòng[8] mẹ (~ bụng mẹ – “khi ra bởi lòng Đức Mẹ” PGTN trang 161, VBL không thấy ghi nét nghĩa này, ngoại trừ gián tiếp trong (b) và (c)), lòng mẹ (thêm một nét nghĩa là tất cả phần giữa nhà[9] – theo Béhaine/Taberd), lòng con (thêm một nét nghĩa là phần bên hông nhà – theo Béhaine/Taberd). Lòng có một dạng chữ Nôm là lộng HV 弄 (cũng là dạng chữ Nôm chính trong các tác phẩm của LM Maiorica), hay có khi thêm bộ tâm biểu ý ở dưới (hay bên cạnh) chữ lộng (thanh phù) , , “Thân lòng đề buồn bực… Nay cốc hay trái, lòng gan đều nát… Ắt lấy dao sắc cắt hết gan lòng” Phật thuyết đại báo ân trọng kinh 13a, 23a, 25b; “Cùng lòng ruột mẹ cha sinh ra” Hồng Đức quốc âm thi tập 23b; MACC trang 42-43 “(nói về ĐCGS đã chết trên Thánh giá/NCT)… thương Đức Mẹ như phải dao sắc thâu qua lòng vậy”, v.v.

Danh từ lòng[10] vào thời các LM de Rhodes và Maiorica dùng trong nhiều cấu trúc ghép như

(1) vào lòng – không thấy xuất hiện trong VBL/PGTN so với KNLMPS trang 19, 46, 55, 67 hay trang 30 “mà chịu lót mình ĐCGS vào lòng tôi”, v.v.

(2) ra lòng – PGTN trang 65, 66, 219, 281, 55 hay trang 54 “Một bên thì ta ra lòng khiêm nhường”; MACC trang 43 “(nói về dân Do Thái/NCT)… thì nó ra lòng khác, lá xanh nó cầm nên gai đóng trên đầu, lá dừa nên Câu-Rút”

(3) mất lòng – VBL ghi “mất lòng ai”, nhưng có riêng một mục “Đẹp lòng người”, trong đó còn cho thêm cách dùng “Của này chẳng đẹp lòng tôi” (trang 218). Để ý hai cách dùng tiêu cực là chẳng đẹp lòng và mất lòng trong VBL, phần sau sẽ đi sâu hơn về các cách dùng này.

(4) được lòng (PGTN trang 11)

(5) đẹp lòng[11] – xem thêm chi tiết phần sau về “đẹp lòng” và “mất lòng” – ĐNQATV còn ghi bốn cách dùng tương đương là đẹp lòng, đẹp ý, đẹp bụng và đẹp dạ; Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) chỉ ghi ba cách dùng tương đương là đẹp lòng, đẹp ý, đẹp dạ.

(6) phải lòng (“có nhiều kẻ phải lòng yêu người quá lẽ” CTTr tháng 11 trang 72)

(7) khó lòng – PGTN trang 11, CTTr tháng tư trang 52 hay 147 “Người phải chịu luỵ, song le khó lòng lắm, của ăn chịu chẳng được liền mửa ra hết”

(8) cực lòng – VBL, PGTN trang 155 “Mà coi thấy mọi sự ấy, làm cực lòng rất nhân đức Chúa Iesu”

(9) mặc lòng (VBL): “mặc lòng, mặc í” (VBL trang 444): đây là dữ kiện cho thấy lòng dùng như 意 ý (í) HV vào thời LM de Rhodes (và Maiorica). Ngoài ra, mục tâm cũng ghi lòng cho thấy nghĩa mở rộng của lòng hay là 心 tâm HV chỉ trái tim –> tính tình, tâm trạng

clip_image006 VBL trang 444

(10) thấy lòng (CTTr tháng tám trang 52…)

(11) mở lòng (CTTr tháng 10 trang 8, 92, 128, 22 và PGTN trang 120, 219…)

(12) giục lòng (dĕouc làõ – VBL; PGTN trang 157, 195)

(13) xiêu lòng (VBL, CTTr tháng hai trang 41…)

(14) phỉ lòng – “Một đức Chúa Trời phỉ lòng” VBL trang 600 – Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) còn ghi bốn cách dùng tương đương là phỉ chí, phỉ ý, phỉ lòng, phỉ dạ.

(15) nớp lòng (hàm ý lo sợ phập phồng, VBL trang 571). Nớp có một dạng chữ Nôm là nạp HV 納: Nguyễn Trãi trong Ức Trai Thi tập 47a “Có của bo bo hằng chực của. Oán người nớp nớp những âu người”. Từ láy toàn phần (toàn bộ, hoàn toàn) nớp nớp – do khuynh hướng đồng hoá âm thanh – sau này trở thành nơm nớp[12] trong tiếng Việt hiện đại.

(16) blở (trở) lòng (VBL còn ghi thêm trong mục nguỵ là trở lòng cũng giặc ~ làm nguỵ cùng Chúa). VBL cũng ghi rủn dạ[13] là trở lòng (không kiên trì).

(17) cả lòng (VBL) – cả lòng thời VBL là cả gan (dám làm điều gì) ~ to gan, lớn gan[14] theo tiếng Việt bây giờ, khác với cả gan là quảng đại (~ rộng lòng, rộng dạ/VBL), cả bụng là bụng bự – xem chi tiết hình chụp trang 78 VBL bên dưới. Bụng có một dạng chữ Nôm là 䏾 (bộ nhục hợp với chữ phụng hài thanh), còn có thể đọc là bọng – VBLtrang 25 và 78 còn ghi là bõ. Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa[15] có câu “Cá nóc cả bụng di hầu độc gan” (trang 181).

clip_image008VBL trang 163

clip_image010 VBL trang 78

(18) lòng tin (VBL)

(19) lòng kính (VBL ghi riêng một mục)

(20) lòng độc (VBL) – so với cách dùng “ý độc” CTTr tháng 12 trang 149. VBL còn ghi thêm cách dùng tương đương dạ độc (ghi hai lần: ở mục dạ và mục độc) ~ lòng độc (hai lần) ~ sâu dạ (1 lần) và có í (ý) tứ[16] (1 lần) – xem hình chụp trang/cột 841 VBL bên dưới

clip_image012 VBL trang 841

(21) lòng dữ (TCTGHTK trang

17b) ~ ác tâm VBL trang 2: đây là dữ kiện cho thấy lòng dùng như là tâm HV, cũng như cách ghi mục tâm (VBL ghi lòng ngay kế chữ tâm – xem hình chụp trang 717[17]). PGTN dùng lòng dữ hai lần và không thấy dùng lòng độc!

clip_image014 VBL trang 717

(22) lòng lành – VBL không ghi lòng lành, nhưng ghi dạ lành (mục dạ) so với PGTN lại dùng lòng lành 21 lần!

(23) hết lòng (VBL ghi thêm hết sức[18], PGTN dùng 21 lần)

(24) lòng dộng (~ lòng động – tương quan d-đ – VBL ghi thêm lòng lo)

(25) động (dộng) lòng – CTTr tháng giêng trang 231 “chẳng còn trở mặt lại xem con mà động lòng”, có lúc dùng thứ tự đảo như trang 226 “Song le dái có lòng động chăng”.

(26) ép lòng – CTTr tháng mười trang 9 hay 112 “Có kẻ muốn đi, có kẻ ép lòng vậy mà đi”. CTTr tháng bảy trang 66 “Thiên hạ thấy phép lạ làm vậy thì kính trọng người, mà ép lòng người làm vít vồ coi sóc các bổn đạo đất ấy”, v.v.

(27) vui lòng (TCTGHTK trang 8b) – so với cách dùng dài hơn “vui trong lòng” CTTr tháng năm trang 15 hay “vui vẻ lòng” trong PGTN (“làm cho đức Mẹ vui vẻ lòng” trang 245).

(28) thật lòng (không có trong VBL, xuất hiện 5 lần trong PGTN: trang 145, 315, hai lần trong trang 317, TCTM quyển trung trang 131…)

(29) bền lòng – VBL ghi thêm “bền lòng quỉ quái” hàm ý ngoan cố quỉ quái (tiêu cực)

(30) cấm lòng: PGTN trang 304 “người ta bởi muốn của người hay là vợ người, thì lần mê ăn trộm hay tà dâm, vì vậy thì phải cấm lòng muốn hai sự lỗi ấy”

(31) cầm lòng – TCTM quyển trung trang 166 “Có kẻ nhiều của, song le chẳng mến chẳng yêu, một cầm lòng cho được làm phúc làm phận”

(32) một lòng: CTTr tháng ba trang 137, PGTN trang 67… Có lúc dùng cấu trúc láy nghĩa (khẩu ngữ, nhấn mạnh) ‘một lòng một ý’ như CTTr tháng giêng trang 27 “Hai vợ chồng thì giữ đạo ĐCT lắm, cùng một lòng một ý cùng nhau làm phúc làm phận liên” (một lòng dùng riêng hai lần, một lần dùng chung với một ý trong trang 27). So với cách dùng HV nhất tâm[19] 一心 (một trái tim, nghĩa đen ~ “một lòng“) và mở rộng cách dùng HV như nhị tâm 二心 (nghĩa đen là hai trái tim, chỉ lòng dạ không thật ~ không/chẳng thật lòng) so với tiếng Việt “hai lòng” (“chớ có hai lòng theo ĐCT” CTTr tháng ba trang 122). Không có cách dùng tương đương trong tiếng Pháp/Anh, nhưng khi so sánh với cách dùng double-faced hay là two-faced (hai mặt, nghĩa bóng) của tiếng Anh: rõ ràng trung tâm tư duy/tình cảm tiếng Việt nằm trong lòng dạ, còn tiếng TQ thường dùng tim (ở trên) và tiếng Anh thì ở trên mặt (đầu, não) – xem thêm mục 2.2 bên dưới.

(33) thuộc lòng – VBL không có ghi nhận cách dùng này (chỉ ghi đã thuộc), nhưng PGTN dùng thuộc lòng trong trang 133; TCTGKM trang 94; CTTr tháng mười trang 74 “Khỏi một năm, nghe các phô bà ấy đọc kinh Rất Thánh Đức Bà dài lắm, chia ra làm bảy phần thì thuộc lòng hết”.

(34) dầu lòng (VBL)

(35) đau lòng (CTTr tháng 12 trang 133)

(36) thử lòng (CTTr tháng 5 trang 89)

(37) soi lòng (CTTr tháng 5 trang 107, MACC trang 85)

(38) phó lòng (CTTr tháng 5 trang 104)

(39) xui lòng (CTTr tháng 10 trang 92…)

(40) rủ (dủ) lòng (CTTr tháng bảy trang 15)

(41) gởi lòng – CTTr tháng bảy trang 18: “Tối ngày thâu đêm những nói cùng thánh thiên thần trên trời vì đã gởi lòng trên ấy”, v.v.

(42) cứng lòng (KNLMPS trang 54)

(43) yên lòng (TCTGHTK trang 29b, 33b; CTTr tháng 10 trang 90…)

(44) bằng lòng (CTTr tháng 5 trang 72, 102, 114, 109; CTTr tháng 10 trang 76, 82, 100, 119, 122, 128 – VBL/PGTN không thấy dùng)

(45) sửa lòng (TCTGHTK trang 29a)

(46) giữ lòng (“giữ lòng sạch” TCTGHTK trang 7a, 27b)

(47) (được) sáng lòng (PGTN trang 26)

(48) lòng khác (CTTr tháng 12 trang 78)

(49) có lòng (“chẳng có lòng nào” PGTN trang 66, “có lòng rất lành” KNLMPS trang 24 – so với cách dùng “có ý” KNLMPS trang 30/31)

(50) lòng rộng rãi (CTTr tháng 7 trang 92) so với “lòng rộng[20]” (TCTGHTK trang 51a)

(51) lòng mọn (CTTr tháng 12 trang 130)

(52) phiền dạ, phiền lòng (VBL trang 601): đây là dữ kiện cho thấy dạ được dùng như lòng vào thời LM de Rhodes. Ngoài ra, VBL còn ghi lót dạ (~ ăn điểm tâm) nhưng không thấy ghi lót lòng (sau đó Béhaine/Taberd lại chỉ ghi lót lòng chứ không thấy ghi lót dạ; có thể đây là ảnh hưởng của phương ngữ Đàng Trong so với Đàng Ngoài. Lót dạ (không thấy VBL ghi lót lòng) là ăn bữa sáng. Sau này Béhaine/Taberd ghi lót lòng (Đàng Trong) chứ không thấy ghi lót dạ (Đàng Ngoài), cũng như Vallot ghi déjeuner là ăn bữa sáng, ăn cơm sáng, lót dạ so với Génibrel thì ghi lót lòng (déjeuner).

(53) cậy lòng (TCTM quyển trung trang 24, 127)

(54) nguôi lòng (VBL ghi nguội lòng)

(55) đóng lòng (so với mở lòng) – CTTr tháng hai trang 69 “Song le, sự ĐCT phạt kẻ đóng lòng lại cùng anh em mình làm vậy thì chẳng thiếu”, v.v.

(56) rắp lòng (VBL, hàm ý quyết tâm)

(57) không có rắp lòng (~ tình cờ, VBL mục tình trang 800)

(58) dốc lòng là statuo/L (VBL) cũng như rắp lòng – CTTr tháng mười một trang 129 “chúng tôi tin thật cùng dốc lòng chịu chết vì ĐCGS” (dốc lòng xuất hiện 6 lần trong cuốn này: trang 36, 52, 73, 92, 112, 129)

(59) bỏ lòng (không có trong VBL, xuất hiện 1 lần trong PGTN: “Vậy thì ma quỷ dám bỏ lòng ghen ghét cho ĐCT” trang 84)

(60) mừng lòng (VBL không ghi, xuất hiện một lần trong PGTN trang 270, TCTM quyển trung trang 122) – so với cách dùng dài hơn “mừng trong lòng” CTTr tháng năm trang 9…

(61) thuận lòng (hiện diện trong mục thuận VBL nhưng không thấy dùng trong PGTN)

(62) phai lòng (VBL trang 590 ghi “đã phai lòng”).

(63) mếch lòng (VBL trang 463 còn ghi thêm cách dùng tương đương “mếch lòng một chút“) hàm ý mất lòng ít (một chút). Nét nghĩa này còn hiện diện vào thời Béhaine/Taberd, nhưng đến thời ĐNQATV thì mất lòngmếch lòng đều có cùng một nghĩa (Génibrel ghi mếch = mất).

(64) chếch lòng (buồn lòng, đau lòng – VBL ghi thêm dạng chếic làõ) – Béhaine/Taberd còn ghi thêm các cách dùng tương đương là chếch ý, chếch mác (rất buồn bực)…

(65) bền lòng – VBL còn ghi thêm quỉ quái (ngoan cố và dữ dằn) hàm ý tiêu cực; đến thời Béhaine/Taberd thì lại hàm ý tích cực là kiên trì.

(66) giả lòng – tương phản với thật lòng (xem số 28) – CTTr tháng tám trang 174 “dốc lòng tin thật chẳng còn sống giả lòng nữa”

(67) sáng lòng (PGTN trang 26)

(68) blòŭ lòng (trộng lòng?) hàm ý tự cao, ngạo mạn (cái tôi/lòng lớn – NCT) – VBL trang 46

(69) rối lòng (có lúc dùng “rối trong lòng”)

(70) lòng hay – lòng biết, có ý thức (có học, trí thức: hay chữ/VBL ~ biết chữ).

(71) đầy lòng (KNLMPS trang 53)

(72) che lòng (KNLMPS trang 18, 51)

(73) sạch lòng: “ai chẳng có sạch lòng, trông lên nơi cao cùng ĐCT” CTTr tháng ba trang 23, xem thêm mục ‘giữ lòng sạch’ (45)

(74) đổi lòng: “mà chẳng biết chước nào cho được đổi lòng kẻ vững tin làm vậy” CTTr tháng giêng trang 149

(75) dọn lòng: “đầu hết có dọn lòng người ta chịu lời ĐCT” PGTN trang 176

(76) dính lòng – CTTr tháng tám trang 31 “Sự thế gian càng yêu càng dính lòng”

(77) chữa lòng – CTTr tháng tám trang 173 “vốn lòng người ta hay một theo ý mình, cãi ý ĐCT, nhưng phép chữa lòng người ta thì trọng hơn cả”

(78) lòng sốt (sốt ~ nóng/VBL, td. ngày sốt ~ ngày nóng) – TCTM quyển thượng trang 118-119 “là kẻ nguội lạnh, chẳng hay mến ĐCT bằng Đức Bà là Sê-Ra-Phim thật, có lòng sốt như lửa hay mến ĐCT hết sức”

v.v.

Số lần xuất hiện của chữ lòng trong VBL là 24 so với dạ (14 lần), ruột (8 lần) và bụng (1) so với số lần xuất hiện của lòng trong PGTN là 160 lần[21]:

lòng >> dạ > ruột > bụng

2.2 Để ý là VBL ghi các cách dùng HV tương đương với lòng là ý 意, tâm 心 (xem hình chụp) và các động từ liên hệ như tưởng 想, lo (< lữ, lư, lỗ 慮)… Các từ HV liên hệ đến hoạt động tinh thần, tình cảm thường dùng bộ tâm hay có khuynh hướng dùng tim là trung tâm[22] (quy tâm ~ cardiocentrism/A) so với khuynh hướng dùng bụng/lòng/dạ là trung tâm cho các hoạt động tinh thần (“nghĩ trong bụng/nghĩ bụng”, quy phúc ~ abdominocentrism/A) của người Việt. Các tiếng Anh/Pháp thuộc ngữ hệ Ấn Âu cho thấy rõ trung tâm tinh thần quy về não bộ ở trên đầu (quy não ~ cerebrocentrism/A) và trung tâm tình cảm thường quy về tim. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu sâu xa hơn vì ngôn ngữ con người rất phong phú và đa dạng. Trở lại với cụm từ “có í (ý) tứ” trang 841 VBL như hình chụp bên trên – xem lại quá trình hình thành chữ hay tứ (suy nghĩ, suy tư, tư duy) 思: viết bằng bộ tâm 心 bên dưới hợp với chữ tín 囟 (mỏ ác, nghĩa là đỉnh đầu trẻ sơ sinh) chứ không phải là chữ điền 田 như cách viết bây giờ (viết đơn giản đi nhưng lại viết sai nghĩa ban đầu!) – ta thấy rõ điều này khi xem các cách viết cổ hơn như tiểu triện trích từ trang http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E6%80%9D

  

image

so với khải thể clip_image056楷体

Cách viết vừa tượng hình vừa hội ý của chữ tư phản ánh lòng tin của người Hán cổ về khả năng tư duy của con người: từ trái tim đến đầu (óc) so với lòng/bụng/dạ của người Việt – theo Thuyết Văn Giải Tự (TVGT, biên hiệu 6666) thì tư là

容也。从心囟聲。凡思之屬皆从思。息兹切

dung dã – tòng tâm tín thanh – phàm tư chi thuộc giai tòng tư – tức tư thiết

Theo học giả Đoàn Ngọc Tài thì chữ tư không phải là loại chữ hình thanh (như TVGT đã ghi), và dung (hay dong) còn có thể là chữ duệ 睿 (hiểu biết, sáng suốt). Tín 囟 là chữ tượng hình cái đầu người

clip_image058甲骨文 Giáp Cốt vănclip_image060小篆 Tiểu triện clip_image062楷体 Khải thể

Thành ra ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều chữ Hán khi diễn tả quá trình suy nghĩ thường dùng bộ tâm như tư 思 tưởng 想 lư/lự (lo lắng) 慮 niệm 念 hoài 懷 duy 惟, v.v.

2.3 Đảm là lòng, can đảm là “mạnh lòng”

Trong vốn từ HV có chữ đảm 膽 rất đáng chú ý. Chữ đảm 膽 胆 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đàm 談 thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

都敢切 đô cảm thiết (TVGT, ĐV, QV, NT, TV, LT, TTTH)

丁覽反 đinh lãm phản (NKVT 五經文字)

丁咸翻 đinh giảm phiên (BH 佩觿)

TNAV ghi vận bộ 監咸 giam/giám hàm (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh vận bộ 覃 (đàm)

覩敢切,音黵 đỗ cảm thiết, âm đảm (CV)

都覽切, 擔上聲 đô lãm thiết, đam thượng thanh (TVi)

都咸切, 擔上聲 đô giảm thiết, đam thượng thanh (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là dǎn so với giọng Quảng Đông daam2 và các giọng Mân Nam 客家话: [陆丰腔] dam3 [台湾四县腔] dam3 [客英字典] dam3 [沙头角腔] dam3 [梅县腔] dam3 [海陆丰腔] dam3 [客语拼音字汇] dam3 [宝安腔] dam3, giọng Mân Nam/Đài Loan taN2, tiếng Nhật tan và tiếng Hàn tam.

Một nhận xét thêm là đảm còn có nghĩa là phía trong hay lòng, và một dạng âm cổ phục nguyên của đảm là *tlam? hay *klam? – so với kluôm (gan, tiếng Kháng), klơm (Bahna, Mnông, Biat), kloom (Laqven), khlơm (Boloven) và dạng tiền-Bắc Bahna *klàm; lườm/lôom (Chứt), lòm (Mường Bi, Nguồn) và dạng tiền-Việt-Mường *lom?, tiền-Katuic *luam và tiền-Palaunic *kơntom; tiếng Việt lõm có nghĩa là ruột, cốt và mắt lóm là mắt sâu (VBL) Tổ hợp phụ âm đầu kl- hay tl- khi nhập vào tiếng Hán có khuynh hướng mất phụ âm xát đầu lưỡi -l- để cho ra dạng *tam? hay đảm HV. Do đó, đảm có khả năng đến từ phương Nam[23], hay là một từ Nam Á (Austroasiatic) đã nhập vào vốn từ vựng Hán cổ, và làm số vốn từ Hán trở nên phong phú, tuy nghĩa của cơ quan phía trong đã lẫn lộn[24] (túi mật và ruột) vì giao lưu ngôn ngữ đã quá lâu đời (thời tiền Hán, khi Bách Việt vẫn còn mạnh). Để ý tâm đảm 心膽 (tâm lòng > tấm lòng) đã thu hẹp nghĩa để chỉ sự dũng cảm hay can đảm 肝膽.

2.4 Tư duy tổng hợp qua cách dùng chữ lòng

2.4.1 Vào thời VBL, lòng từ nghĩa cụ thể (bụng, ruột) đã mở rộng nghĩa trở thành một nhà hay kho chứa tình cảm mà con người có thể ra hay vào: vào lòng, ra lòng; hay mở nhà kho ra: mở lòng, hay còn có thể che lòng lại… Bộ phận của cơ thể “lòng” đã mở rộng liên hệ từ ruột (trong bụng, không thấy bằng mắt trần được[25]) cho đến bụng (ngoài ruột), và đi xa hơn từ cơ thể đến môi trường chung quanh như nhiệt độ, không gian và thời gian cũng như xã hội (bạn lòng). Đây là kết quả của một tư duy tổng hợp cũng như cách dùng đại từ nhân xưng (tôi, anh, em… ông bà chú bác…) trong tiếng Việt, phản ánh một cách nhìn nối dài (ẩn dụ, hoán dụ) từ cá nhân cho đến tập thể rộng lớn hơn và đa chiều.

2.4.2 Lòng còn có thể là một hộp chứa nhiều hay ít, nặng hay nhẹ: đầy lòng, no lòng, nặng lòng: “Lưỡi là chìa khoá người ta mở hòm lòng” MACC trang 30.

2.4.3 Từ lăng kính không gian, lòng chỉ phía (bên) trong như lòng mẹ (nghĩa đen), lòng sông, lòng súng, lòng gỗ (thành ngữ: thẳng mực tàu, đau lòng gỗ), lòng bàn tay, lòng trắng/đỏ trứng, lòng chảo, ‘ở trong lòng địch’…

2.4.4 Từ lăng kính thời gian: con sinh ra trước nhất (con trưởng, cả) là con đầu lòng[26]. Sau này, lòng còn dùng để chỉ khoảng thời gian ở giữa như “Đêm cũng đã khuya, tôi mở cửa bước ra ngoài. Một mảnh trăng nhỏ trên cao, nằm yên trong lòng đêm” tác giả Nguyễn Duy Nhiên trong “Lời kinh xưa buổi sáng này” (NXB Hải Phòng, 2008).

2.4.5 Từ lăng kính nhiệt độ: lòng có thể nóng, nguội: nóng lòng, lòng sốt, nguội lòng sau này còn có “mát lòng”, “ấm lòng”…

2.4.6 Lòng còn có thể cứng rắn hay mềm dẻo, mạnh mẽ hay yếu đuối: cứng lòng, mềm lòng, mạnh lòng, yếu lòng…

2.4.7 Lòng còn có thể chia thành nhiều phần: một lòng, hai lòng, chia lòng…

2.4.8 Lòng là chỗ chứa, có thể thay đổi hình dạng như một quả bóng như có thể bị ép lại: ép lòng, nén lòng, buộc lòng…

2.4.9 Tư duy tổng hợp của người Việt dẫn đến sự tôn trọng liên hệ gia đình và xã hội[27] so với lí trí, phản ánh qua câu nói được LM de Rhodes ghi lại trong VBL “Lấy lòng mình mà liệu lòng người”, và “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Trong liên hệ trai gái nghiêng nhiều về xác thịt[28], khi đã yêu thương thì “phải lòng” nhau.

2.4.10 Lòng còn có thể rung động như một sinh vật với một đời sống riêng hay có lúc yên tĩnh: động lòng, yên/an lòng; cũng có lúc phiêu bạt: “xiêu lòng”. “Sinh vật” này có lúc thuận theo lòng người: chìu lòng, chịu lòng, vừa lòng, thuận lòng so với có lúc bằng lòng, có lúc ngược lại hay trở lòng, v.v.

2.4.11 Ta còn có thể đánh mất lòng, được lòng, lấy lòng, bỏ lòng, cho hay gởi lòng, thay lòng (thay lòng đổi dạ), che lòng, chôn lòng – lòng như một sản phẩm vật chất có thể tách rời khỏi thân thể (xác thịt) tuỳ theo ý muốn cá nhân.

Do đó, lòng là một nhà kho (chứa) có bên trong và bên ngoài, hay một sinh vật có sức sống riêng chứ không chỉ còn là một bộ phận nhỏ trong cơ thể con người: phép ẩn dụ này là một trong những khái niệm cơ bản của Ngôn Ngữ Tri Nhận, từng được các học giả George Lakoff và Mark Johnson bàn đến từ năm 1980 trong cuốn “Metaphors We Live By”.

Danh từ lòng thường đứng trước danh từ dạ: lòng dạ ngay thẳng ~ lòng ngay dạ thẳng, lòng một dạ hai (~ chia lòng), thay lòng đổi dạ, lòng không dạ đói, lòng lang dạ thú, lòng chim dạ cá, lòng son dạ sắt, an lòng mát dạ, phỉ lòng phỉ dạ… Tương tự như danh từ bụng thường đứng trước danh từ dạ: bụng dạ, bụng làm dạ chịu, v.v. Một điều cũng đáng chú ý là cách dùng ‘phủ định’ mất lòngđẹp lòng trong các tác phẩm của LM de Rhodes như VBL và PGTN, so với một số tác phẩm của LM Maiorica. VBL có ghi “mất lòng” nhưng không ghi bằng lòng, vui lòng, được lòng, mừng lòng (trong các tác phẩm Nôm của LM Maiorica) so với “đẹp lòng” và “chẳng đẹp lòng”. Vì số lượng dùng ít ỏi của các cụm từ trên nên phần sau chỉ chú trọng đến số lần dùng của “mất lòng” (không kể các cách dùng liên hệ nhưng hiếm như phiền lòng, khó lòng…) và “đẹp lòng”,

3. So sánh các cách dùng “đẹp lòng” và “mất lòng”

So sánh[29] số lần dùng “đẹp lòng” (cột 1 hay +) và “mất lòng” (cột 2 hay -)

+       –
6       8       PGTN
2       1       VBL
8       4       TCTGKM
7       0       TCTGHTK
13     3       ĐCGS quyển chi cửu/chi thập
7       2       MACC
13     3       TCTM quyển thượng
23     3       TCTM quyển trung
14     2       KNLMPS quyển tam
14     0       CTTr tháng 1
8       0       CTTr tháng 2
7       1       CTTr tháng 3
10     2       CTTr tháng 4
5       1       CTTr tháng 5
13     4       CTTr tháng 7
13     5       CTTr tháng 8
13     3       CTTr tháng 10
10     7       CTTr tháng 11
15     0       CTTr tháng 12

v.v.

Nhìn bảng thống kê trên, ta dễ nhận ra rằng LM de Rhodes và cộng tác viên, soạn giả của Phép Giảng Tám Ngày (PGTN), có khuynh hướng bi quan (tiêu cực) qua cách dùng “mất lòng” nhiều hơn “đẹp lòng”. Điều này còn phù hợp với những cách dùng khác hơn trong PGTN và VBL[30] như “dù trong lòng thì chê đạo bụt, mà gọi là đạo rợ mọi” (PGTN trang 110) so với cách dùng “Phật bổn di địch, Bụt là rợ mọi” (VBL trang 220), hay “Vì vậy An Nam thì vô phép, mất lòng cha mẹ lắm” (PGTN trang 121, bàn về tục cúng giỗ cha mẹ/NCT) và “sự thói ăn uống thì vô lễ, vì chẳng có dùng đĩa bát nào… mà đẩy tay ăn bốc vậy” (PGTN trang 109, bàn về phong tục ăn uống ở Thiên Trúc/Ấn Độ bây giờ/NCT), “lấy là tứ chi cốt tiết, dầu đàn ông dầu đàn bà, cũng là vật âm mình[31] lấy làm bụt vậy” (PGTN trang 106), “Lộn lạo tiếng nói đoạn thì mới ra nước đại minh, mà Annam thì chịu đạo bởi nước ấy” (PGTN trang 104), “Lại người Annam càng vô phép, mà như thể cười nhạo cha mẹ, khi đã sinh thì, mà dùng những giấy làm nhà , cùng áo, tiền, vàng, bạc, và các kì sự vẽ, mà cúng cha mẹ” (PGTN trang 121), “Vì chưng có luận phép học thì thiên trúc chẳng hay mấy” (PGTN trang 108), v.v. Khuynh hướng tiêu cực này không khó giải thích vì các LM dòng Tên được huấn luyện rất chu đáo trước khi đi truyền đạo, và luôn luôn coi giáo dục (qua sách vở CG và kinh Thánh) là nền tảng trong mọi hoạt động: ăn nói chỉnh tề ‘nghiêm trang’ (tránh nói tục) và tránh nói láo, tà dâm (mười điều răn), v.v. Ngoài ra, LM de Rhodes đã có những trải nghiệm[32] không được ‘hài lòng’ ở An Nam cho nên ta dễ tìm thấy vết tích tiêu cực trong các tác phẩm của ông. Một điểm đáng ghi nhận ở đây là PG ở Bhutan vẫn còn thờ “vật âm mình[33]” (cơ quan sinh dục gọi một cách thanh nhã/VBL) – xem hình chụp một tu viện PG ở Bhutan, trích từ trang https://www.messynessychic.com/2018/03/14/a-pilgrimage-to-the-ancient-penis-monastery/. LM de Rhodes đặc biệt chú ý đến những từ thô tục (bộ phận sinh dục) và phê bình thêm là nên tránh dùng chúng như dộc, bẹn, đòi, lồn, ke (chỉ âm và dương vật), bòi, cặc, so với “vật âm mình”. Ngoài ra, VBL còn ghi nhận cách dùng “quan âm” là tượng thần đàn bà[34] dùng cho bùa yêu xấu xa của phù thuỷ (hàm ý thương yêu, td. tình mẹ thương con xuất phát từ lòng từ bi của đức Phật Quan Âm luôn gần gũi, an ủi và bảo vệ khi người ta trì niệm danh hiệu của Ngài – NCT): lời phê bình trong VBL rõ ràng là kết quả của sự quan sát ‘bề ngoài’ của các buổi lễ thờ Quán Thế Âm Bồ Tát trong PG. Tuy đã được huấn luyện kỹ về giáo điều CG và phần nào các ngôn ngữ và văn hoá ở Đông Á trước khi rời Âu Châu, ta vẫn thấy các nhận xét ‘sốc’ của LM de Rhodes về tư duy của người Việt (và Á Châu nói chung, không theo CG) như dùng các bộ phận tiêu hoá cho đến đa thần (thần đất, thần sông, thần núi, thần cây…), cúng giỗ những người thân đã qua đời và tôn thờ bộ phận sinh dục – trải nghiệm của LM de Rhodes khi ở Goa – Ấn Độ.Tư tưởng về cái bụng, lòng dạ và bộ phận sinh dục con người ở Đông Á hầu như hoàn toàn trái ngược với những điều cốt lõi trong nền giáo dục Tây phương và CG thời trung cổ, kết quả là những nhận xét được ghi nhận trong VBL và PGTN. Chính những quan sát ban đầu này đã làm cho Tây phương bắt đầu chú ý và tìm hiểu sâu xa hơn về tín ngưỡng như PG và các nền văn hoá lâu đời ở Á Đông. Các giáo sĩ Tây phương sau này thừa hưởng nhiều tài liệu phong phú và chính xác hơn về văn hoá, tôn giáo và ngôn ngữ Á Đông và truyền đạo hữu hiệu hơn so với thời các giáo sĩ tiên phong như de Rhodes và Maiorica.

clip_image064

Tu viện PG Chimi Lhakhang[35] ở Bhutan – để ý các hình vẽ trên tường.

clip_image066

Source: John Allen Travel

Các tượng dương và âm vật ở tu viện Erdene Zuu (Mông Cổ).

Tóm lại, chữ lòng rất thông dụng vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang An Nam truyền đạo. Lòng còn được dùng tương đương với bụng, dạ và ruột – tuy các từ này xuất hiện ít hơn lòng rất nhiều. Từ nghĩa cụ thể (bụng, ruột) cho đến nghĩa mở rộng để thể hiện những phạm trù tinh thần, lý trí, nhận thức, tình cảm, thái độ, ý chí… Đây là một kết quả của Ngôn Ngữ Tri Nhận, dùng các bộ phận thân thể để chỉ hoạt động tinh thần thường gặp trong những nền văn hoá khác nhau. Một số cách dùng đã không còn tồn tại như cả lòng, cuối lòng, rốt lòng, dọn lòng, nớp lòng, cứng lòng, che lòng – cũng như một số cách dùng đã phái sinh sau thời VBL như hài lòng, nản lòng, toại lòng, quyết lòng, tủi lòng, nhủ lòng, dối lòng… Lòng còn dùng làm tính từ chỉ liên hệ rất gần gũi như “bạn lòng” trong tiếng Việt hiện đại[36]. Tuy nhiên, một khuynh hướng khá đặc biệt là dùng từ HV trong các từ ghép với lòng và có khi dùng từ HV thay cho các cách dùng lòng đã có từ thời VBL, td. thành tâm, lương tâm, thật tâm, thiện tâm, lòng nhân từ[37] so với lòng lành, khổ tâm so với khó lòng, yên tâm so với an/yên/êm lòng, đồng tín so với một lòng tin, phật[38] lòng so với mất lòng, v.v.

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

clip_image067 (1774/Quảng Đông – Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

clip_image068 (khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

clip_image069 (1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Nguyễn Hoàng (2009) “Người Việt tư duy bằng cái… bụng?!” có thể xem toàn bài trang này http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguoi_viet_tu_duy_bang_cai_bung.html

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

9) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

10) Giêrônimô/Jeronimo Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 – LM Nguyễn Hưng).

11) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image070 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image071 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image072 “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Trịnh Sâm (2014) “Một vài nhận xét về ý niệm tim” có thể đọc toàn bài trang này http://nnh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=99c5f724-a470-44a7-9d01-82f9c3e6a80c, v.v.

13) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

14) Nguyễn Cung Thông (2015) “Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim… óc? (phần 6.1)” có thể xem toàn bài trang này http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/tu-dien-tham-khao/12869-con-nguoi-suy-nghi-bang-bung-da-ruot-gan-hay-tim-oc.html

clip_image073 (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài… thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

clip_image074 (2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min… Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).


[1] Theo học giả P. G. Vallot (1898) trong “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” thì bốn danh từ lòng, bụng, dạ, ruột đều cùng một nghĩa (~ ventre/P). Tuy nhiên, trong hình vẽ vị trí của bụng/dạ ở trang 2 thì không thấy ghi lòng – nghĩa cụ thể đã không còn thông dụng nữa (hay mắt trần không nhìn thấy được?).

[2] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[3] Theo tiếng Việt hiện đại có nghĩa là “Con nhỏ muốn vào đạo CG chăng?”

[4] Thí dụ khác của cách dùng ‘vào trong lòng’ như “Bao giờ biển cả vào sông mọn, là ĐCT vào trong lòng người ta, thì mới no thật” MACC trang 36, v.v.

[5] Trong hình ghi là lái tim (~ trái tim). Bụng dưới là dạ dưới.

[6] Qua sự đối xứng của ngôn ngữ, cụm từ sáng dạ cũng hiện diện vào thời VBL (mục dạ) – xem thêm chi tiết trong hình chụp trang 163 của VBL bên dưới (trang 6 bài này).

[7] Học giả Huỳnh Tịnh Của giải thích rõ hơn: từ rún trở lên kêu là bụng, từ rún sấp xuống kêu là dạ… Bụng dướibụng nhỏ từ rún trở xuống, kêu là tiểu dạ (ĐNQATV trang 213).

[8] Td. ca dao: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon.”

[9] Học giả Huỳnh Tịnh Của ghi thêm cách dùng “cột lòng mẹ” là cột cái (ĐNQATV).

[10] Không kể cách dùng “trong lòng” thường gặp trong các tác phẩm của LM de Rhodes và Maiorica. Đến thời LM Béhaine (1772/1773) thì thêm các cách dùng 1) lòng không (ăn chay, bụng không có đồ ăn gì) 2) êm lòng 3) chìu lòng 4) dừa lòng (~vừa lòng) 5) rèn lòng 6) ngại lòng 7) chạnh lòng 8) lạt lòng (~nhạt lòng) 9) vững lòng 10) ưng lòng 11) chếch lòng 12) toại lòng 13) thoả lòng 14) nguôi lòng 15) cuông lòng (đông lòng) 16) non lòng (khờ dại) 17) tấc lòng 18) đành lòng 19) đồng lòng (~ đồng tâm) 20) nặng lòng 21) tấm lòng – cũng như tấc lòng 22) nỡ lòng nào 23) lòng nào nỡ 24) cạn lòng 25) tấm lòng 26) thìn lòng 27) quyết lòng (~ quyết chí) 28) nản lòng 29) sờn lòng 30) sửa lòng 31) lòng son (tâm hồn trong sáng) 32) dứt lòng 33) lót lòng (không thấy Béhaine/Taberd ghi lót dạ như VBL) 34) ngã lòng.

[11] Ngay cả trong “Tập lịch sử nước An Nam” theo LM Đỗ Quang Chính, khoảng năm 1659, do Bentô Thiện viết tay và gởi cho LM Philipe Marini cũng cho thấy cách dùng đẹp lòng:”Bằng phép lấy vợ, trước thì xem hai bên có đẹp lòng chăng, thì nhà trai đi hỏi lấy trầu cau, đến mà nói cùng nhau, nhà gái có gả, thì nhà trai liền xem tuổi cùng xem số có tốt chăng, mới đi hỏi lại, nhà giàu thì con lợn hay là bò, như của làm tin vậy, nhà khó thì cá hay là gà, trai thì đi làm về ở nhà cha vợ ba năm mà hai bên xem ý nhau, có đẹp lòng cùng hiền lành thì mới lấy, liền đi chịu lời là hẹn ngày, hoặc là bò lợn cho họ ăn, đoạn mới cưới hoặc là trọng hèn…”.

[12] Các trường hợp tương tự như phức phức 馥馥 > phưng phức, rọc rọc 淥淥 (VBL trang 641, “Lộc lô rọc rọc khéo làm” Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa/sđd trang 28b): rọc rọc > ròng rọc, v.v. Trường hợp từ láy bộ phận có gốc là từ láy toàn phần như trên rất thú vị, giúp ta hiểu phần nào quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại.

[13] Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi rủn chí, Huỳnh Tịnh Của ghi thêm cách dùng rủn lòng.

[14] Lớn gan còn có nghĩa là rộng lượng (Béhaine/Taberd). ĐNQATV còn ghi to bụng, lớn bụng đều có thể là “bụng dạ rộng rãi” so với nghĩa đen và cụ thể là bụng to (bụng bự).

[15] Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải – NXB Văn Học (Hà Nội, 2016).

[16] So với cách dùng HV hữu ý tứ 有意思 (hàm ý thú vị, có ý hướng riêng, có ý nghĩa…) thì VBL lại ghi “có í tứ” mang nghĩa tiêu cực (hàm ý sâu độc ~ lòng độc, sâu dạ). Cũng như một số cách dùng HV khác như tiểu tâm 小心 (hàm ý cẩn thận), nhưng tiếng Việt lại có nghĩa tiêu cực là lòng dạ nhỏ nhen hẹp hòi, v.v.

[17] VBL đánh dấu sắc và huyền lẫn lộn ở mục này! Ngoài ra, khuynh hướng dùng tâm HV so với lòng trở nên rõ nét hơn từ thế kỉ XIX (td. Sấm Truyền Ca Genesia của Lữ-y Đoan) như thiện tâm, hảo tâm, thành tâm, kiên tâm, khổ tâm, đồng tâm, v.v. So sánh với trường hợp tương tự: VBL ghi lót dạ (ăn sáng), sau đó vào Đàng Trong thì lót lòng phổ thông hơn so với điểm tâm HV.

[18] Khuynh hướng lặp lại nghĩa thường gặp trong khẩu ngữ hay khi nói chuyện hàng ngày/bình thường (vì không viết xuống nên lặp lại nghĩa cho chắc hơn? cũng có ý nhấn mạnh): hết lòng hết sức (VBL; PGTN; KNMLPS trang 22, 102…), PGTN trang 2286-287 còn ghi “Vì vậy ta phải bỏ hết mọi phép giả đạo dối, mà thờ phượng một ĐCT hết lòng hết linh hồn hết sức. Ấy là lời thứ nhất ĐCT răn”.

[19] Bây giờ thường gặp nhất trí 一致 so với một lòng, đồng lòng, đồng tâm 同心, chuyên tâm 專心, đồng ý 同意… Đồng chí 同志 lại mang thêm một nét nghĩa mới (chính trị) trong tiếng Việt hiện đại.

[20] Tính đối xứng trong ngôn ngữ cho ta khả năng “lòng hẹp” (không thấy dùng trong các tài liệu trích dẫn trong bài), tuy nhiên VBL mục dạ có ghi “hẹp hòi dạ” và “rộng dạ” so với “hẹp dạ” trong KNLMPS trang 77, TCTM quyển trung trang 60.

[21] Các tác phẩm Nôm của LM Maiorica (sđd) cũng dùng lòng (và các từ ghép với lòng như mặc lòng, lòng lành…) rất nhiều so với các từ dạ, bụng, ruột – tương tự như PGTN. Mục lòng trong tự điển của Béhaine ghi lòng 88 lần (không kể các mục khác như đẹp, mất…) so với mục dạ (10 lần), ruột (8 lần) và bụng (6 lần): thứ tự xuất hiện là lòng >> dạ > ruột > bụng cũng như VBL. Mục lòng trong ĐNQATV ghi lòng 133 lần (không kể các mục khác như đẹp, bền, cứng, dốc, dừa, chạnh…) so với mục bụng (58 lần), ruột (41 lần) và dạ (16 lần): thứ tự xuất hiện là lòng >> bụng > ruột > dạ… Vào ngày 11/1/2019 dùng google để xem cách số lần chữ lòng xuất hiện (237 triệu) so với bụng (46.6 triệu), dạ (41.5 triệu) và ruột (26.7 triệu): như vậy thứ tự xuất hiện là lòng >> bụng > dạ > ruột.

[22] Theo nghiên cứu của GS Susanne Niemeier, td. bài viết (2008) “What’s in a heart? Culture-specific concepts of emotionality and rationality” – bài đăng trong cuốn Culture, Body, and Language: Conceptualizations of Internal Body Organs across Cultures and Languages (xem phụ chú 8). Có thể đọc toàn bài trên trang http://www.cognitive-sciences.de/docs/all.abstracts/Niemeier.pdf hay

http://www.cognitivesciences.de/docs/presentations/Niemeier.pdf . Có thể xem thêm chi tiết về các nghiên cứu trên trang nhà GS Niemeier ở đây http://userpages.uni-koblenz.de/~niemeier/, v.v.

[23] Lòng tiếng Mường Bi còn có nghĩa là tròng như “lòng dầm” là tròng *tăm hay tròng đen (con mắt), “lòng tlẳng” là tròng trắng… Một dạng âm cổ phục nguyên còn có thể là *(k)luəŋ (bên trong, gốc tiền Môn-Khme).

[24] Để ý tiếng Việt dạng lõm với nghĩa là phần trong (lõm cây ~ ruột cây, lõm súng ~ nòng súng).

[25] Tuy nhiên ta vẫn có thể thấy lòng vui hay buồn… Các giác quan hầu như đều phải qua ‘cửa thị giác’ như nghe thấy, nếm thấy, ngửi thấy, nhìn thấy, cảm thấy, v.v.

[26] Dựa vào tính chất đối xứng với “đầu lòng“, đứa con sinh ra sau cùng (út) còn gọi là con “cuối lòng” như trong “Sấm Truyền Ca Genesia” của Lữ-Y Đoan: “Mã điền, Dực Bảo, Xuân Ân cuối lòng… Cuối lòng cũng một trẻ nam” trang 71, 120. VBL cũng ghi rốt là sau cùng, “rốt lòng” cũng đối với đầu lòng như truyện Kiều câu 13 “Một trai con thứ rốt lòng”; lòng xuất hiện 162 lần trong truyện Kiều so với bụng (1 lần), ruột (12 lần), dạ (6 lần) và tâm (8 lần): – thứ tự tần suất là lòng >> ruột > dạ > bụng.

[27] Sau này, lòng còn có thể dùng trong cấu trúc từ láy toàn phần để chỉ tất cả mọi người “Lòng lòng cũng giận người người chấp uy” câu 2308 truyện Kiều – so với cách dùng “ai là ai, ai nấy” vào thời VBL, sau này chỉ dùng “ai ai” (câu 2390, 2492, 3092 truyện Kiều – dùng 3 lần ai ai so với 1 lần dùng lòng lòng).

[28] Nét nghĩa yêu thương có tính chất xác thịt của “phải lòng” vẫn còn được Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi nhận, và các học giả này cũng ghi thêm “phải ý” ngay bên dưới với nét nghĩa vừa ý/ưng ý (nghĩa của phải lòng trong tiếng Việt hiện đại).

[29] Nhà văn Nga Maxim Gorky nhận xét là “văn học là nhân học”, cũng như ông cha ta thường nói “văn (tức) là người”. PG còn cho thấy liên hệ của lời nói và suy nghĩ qua tam nghiệp (thân khẩu ý) so với “Trong lòng bay thể nào thì lời nói cũng như làm vậy. Bay có lòng độc thì lời nói cũng độc nữa” MACC trang 30…

[30] Trong “Tường trình về Đàng Trong 1645”, LM de Rhodes kể lại các chuyện bắt bớ cấm đạo và các khó khăn khi giảng đạo, nhiều trường hợp thật bi quan như: “nhưng vì còn quá ham bổng lộc chùa chiền hay cửa Phật nơi ông trụ trì, nên chưa có can đảm rời bỏ. Bà vợ nhận ra sự hèn nhát này… Còn thủ cấp (của bổn đạo Anrê – một trong những người tử vì đạo CG đầu tiên – NCT) thì tôi vẫn dành riêng cho tôi, tôi vẫn luôn luôn từ thời đó đem theo tôi và hằng để áp tải tôi, yên ủi tôi trong hết mọi công việc tôi làm” (sđd trang 12, 74)… “đau khổ nhất của tôi là phải kìm hãm họ trong những ao ước lành thánh, trong những khát vọng chịu tử đạo… hầu hết các tai hoạ xẩy ra, như mất mùa năm nay thì họ đổ tội cho thầy giảng Đamasô đã tới đây” trang 10, 12…

[31] Pháp sư Drukpa Kunley vào thế kỉ 16 đã dùng hình tượng dương vật khi thuyết giảng PG cho đại chúng ở Bhutan. Hiện tại thì đa số dân Bhutan theo PG và dùng hình tượng dương vật để xua đuổi tà ma, cũng như ‘lấy hên’ và nêu cao biểu tượng cho khả năng sinh sản và kế thừa, v.v. Tượng dương vật (tiếng Phạn लिङ्गं liṅgaṃ) của thần Shiva trong Ấn Độ giáo, có hình khối trụ, được thờ rất linh thiêng cũng như Yoni là hình khối vuông. Hai tượng Linga và Yoni kết hợp như tính dương và âm, tạo ra chu kì hủy diệt và tái sinh của vũ trụ.

[32] Ngoài ra, vào thế kỉ XVI và XVII khi các nhà truyền giáo đi khắp nơi và đặc biệt khi đến ĐNA, tin tức và tài liệu về các tôn giáo bản địa (như PG, Ấn Độ giáo…) không có nhiều và rất mơ hồ. Chính các bản báo cáo và thông tin từ các giáo sĩ như LM de Rhodes, Maiorica đã là những viên gạch đầu tiên góp phần vào quá trình tìm hiểu PG, Ấn Độ giáo, Khổng giáo của phương Tây. Chỉ quan sát bề ngoài các tập tục như thờ cúng bộ phận sinh dục, thờ cúng ông bà (mà không hiểu sâu xa triết lí từ ngàn năm trước – khó cảm thông vì hoàn cảnh ngôn ngữ bất đồng) rất dễ đi đến nhận xét tiêu cực như vậy.

[33] “Vật âm mình (mềnh)” ghi lại hai lần trong VBL ở mục vật và mục âm với nghĩa là vật đáng ghê tởm, xấu hổ (verenda/L, pudenda/L – nghĩa mở rộng chỉ bộ phận sinh dục – hàm ý tục tĩu và tránh nói đến).

[34] Tên HV của đức Phật là Quán Thế âm Bồ Tát 觀世音菩薩 hay Quán Tự Tại (tên dịch đầu tiên bởi pháp sư Huyền Trang), Quan Âm (VBL), Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ; gốc từ tên Phạn Avalokiteśvara và khi truyền đến ĐNA thì trở thành Phật Bà (có lẽ hàm ý muốn nói lên tình mẹ thương con ~ lòng mẹ). Vì vậy đức Phật Quán Thế Âm là một vị giúp người ta tránh khỏi tai hoạ và hay được phụ nữ không con cầu tự (do đó LM de Rhodes lại ghi là bùa yêu/tình yêu, LM Béhaine/Taberd ghi là nữ thần sinh đẻ của TQ).

[35] Xây dựng từ năm 1499, tu viện (chùa) này cũng là nhà thờ các biểu tượng dương vật bằng gỗ của các vị Lạt Ma mang đến từ Tây Tạng từ hàng trăm năm trước. Hiện nay một số cặp vô sinh cũng tìm đến tu viện này để cúng bái/cầu khẩn với hi vọng tìm lại khả năng sinh con đẻ cái – xem bài viết chi tiết trên trang này chẳng hạn https://baomoi.com/tuc-tho-cua-quy-o-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi/c/18747814.epi, v.v. Ngay tại Việt Nam, huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ vẫn còn tổ chức lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” (khôi phục từ năm 1993): dân địa phương quan niệm nếu được nhìn thấy tận mắt bộ gỗ sơn son mô tả bộ phận sinh sản nam nữ và cảnh quan hệ tình dục trong lễ mật sẽ được may mắn cả năm – xem bài viết trang này http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-ca-nhan/2551-duong-tung-qchuyen-trai-gaiq-tai-le-hoi-tao-bao-nhat-vn.html, v.v.

[36] “Lòng” có một vị trí đặc biệt trong tiếng Việt: không những có “bạn lòng“, nhưng mình còn có thể nói chuyện với lòng (mình) nữa: “nhủ lòng“. Ngoài ra ta có các món cháo gà, cháo vịt, cháo trắng, cháo bò… nhưng không thấy ai gọi cháo heo/lợn mà là “cháo lòng” (dùng lòng lợn/heo).

[37] Thí dụ như trong Sấm Truyền Ca của Lữ-Y Đoan: lòng xuất hiện 62 lần (không thấy dùng dạ, bụng, ruột) và trong đó có 3 lần dùng “lòng lành” so với 1 lần dùng “lòng nhân từ”.

[38] Phất (phật) ý HV 拂意 là mất lòng, hiện diện trong các tác phẩm của học giả đời Thanh tên là Lí Đông Dương 李東陽 (1447-1516) – không thấy tài liệu nào dùng “phật lòng” từ thế kỉ XVII cho đến XIX.

Comments are closed.