Niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ

Trang The Hy - tranhVăn Việt: Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924, quê quán ở Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm, về hưu năm 1992, rồi ẩn cư tại quê hương Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy còn có các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm. Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Tác phẩm đã xuất bản:

Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn, 1964)
, Mưa ấm (tập truyện ngắn, 1981)
, Người yêu và mùa thu (truyện ngắn, 1981)
, Vết thương thứ mười ba (tập truyện, 1989)
, Tiếng khóc và tiếng hát (truyện ngắn, 1993)
, Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn, 2000)…

– Đắng và ngọt (tập thơ, 2009)

(theo tư liệu của Hội Nhà Văn TPHCM)

Nhân dịp nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi, Văn Việt xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà thơ Ý Nhi: Niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ.

Ý Nhi

Người giải thích thời tiết là một ông già ngoài sáu mươi tuổi, cao, ốm, mặc quần nâu, áo sơ mi trắng, bên ngoài khoác bành tô bằng tơ thiên nhiên màu vàng tối, thoạt nhìn có vẻ như bẩn nhưng thực ra là vì quá cũ. Mái tóc thưa để dài bạc gần hết được che mưa bụi bằng cái nón nỉ hẹp vành màu xám tro. Trên gương mặt xương vuông, đôi mắt còn khá sáng và linh động so với tuổi, phảng phất chút u buồn dễ nhận thấy ở những con người phải sống tuổi già trong hiu quạnh”. Đó là một đoạn văn trong truyện ngắn Con cá không biệt tăm. Tôi nghĩ, chỉ cần thêm một vầng trán cao, một nụ cười lặng lẽ nữa thì nhân vật giống hệt bề ngoài của Trang Thế Hy  người viết nên thiên truyện ngắn xuất sắc ấy.

Tôi gặp Trang Thế Hy vào cuối năm 1987 khi nhà thơ Hoài Vũ, giám đốc chi nhánh nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đưa ông và tôi về Mỹ Tho, tìm gặp một người làm sách, bàn chuyện xuất bản tập truyện Vết thương thứ 13 của ông. Nhìn vẻ khắc khổ, đăm chiêu của ông, tôi hơi ngại, không dám bắt chuyện. Ông thì ngồi im lặng hút thuốc. Thành ra, nhà thơ Hoài Vũ độc diễn suốt mấy chục phút đầu của chuyến đi. Vậy rồi, chính Hemingway đã cứu vãn tình thế. Tôi không nhớ rõ vì nguyên cớ nào mà tôi nhắc đến sự bất hòa giữa Hemingway và Erenburg về chuyện văn phong. Thế là Trang Thế Hy như chợt tỉnh. Từ lúc đó cho đến khi tới Mỹ Tho, rồi suốt chuyến quay về, ông chỉ nói về Hemingway và Lỗ Tấn, vẻ như ông đã quên khuấy chúng tôi, quên khuấy việc in ấn tác phẩm của chính ông. Tôi không sao quên giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ, khi ông gọi Lỗ Tấn là “ông già”: “Ông già lạ lắm, cô còn nhớ câu nói trong Cố hương không: “Tôi nhớ đến những niềm hy vọng, tự nhiên hoảng sợ”. Đó, ông già là người đầu tiên đặt chữ hoảng sợ bên chữ hy vọng”. Tôi đáp, cũng một câu trong Cố hương: “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực đâu là hư”. Ông cười nấc lên một tiếng, quay sang tôi: “Hóa ra cô cũng thuộc Lỗ Tấn. Bữa nào rảnh ghé 190 nói chuyện tiếp về ông già”.

***

Thế nhưng, vài năm sau tôi mới tìm đến căn phòng của ông ở 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi cư trú của rất đông văn nghệ sĩ (giống như nhà 96 phố Huế Hà Nội), lại là để nhờ ông tư vấn về tủ sách Văn học Pháp hiện đại.

Mặc dù đã hẹn trước, tôi vẫn nhận thấy một thoáng bối rối trên khuôn mặt ông khi mở cửa cho khách. Bấy giờ tôi nghĩ, chắc vì căn phòng chật chội và có phần bừa bộn của ông. Sau này, khi ông về Bến Tre, thỉnh thoảng tôi lại đi với vài người bạn, vài nhà nghiên cứu văn học, vài nhà báo… đến thăm ông. Lần nào, tôi cũng nhận thấy thoáng bối rối ấy trên khuôn mặt ông khi đón khách. Hình như, mỗi lần có khách, ông lại một lần phải vượt qua sự trầm ẩn của mình để hòa nhập với người.

Lần ấy ông im lặng rửa ấm chén, pha trà, kéo ghế mời khách, đi vào đi ra tìm một cuốn sách trên kệ, lật xem vài trang rồi để lại chỗ cũ. Khi tôi bắt đầu lo ngại vì sự im lặng kéo dài thì ông bật nói, như vẫn đang tiếp tục câu chuyện về Lỗ Tấn: “Nhưng không ai qua được ông già. Hồi nào chết xuống âm phủ, Diêm Vương gia ân cho gặp một nhà văn, tôi sẽ xin gặp ông cho thỏa”.

Và, vẫn giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ, ông ngồi bắt chéo chân, hai tay đặt trên đầu gối, đầu hơi cúi xuống, như lặng nhìn một cõi xa nào, nơi có Albert Camus, André Malraux, Andre Breton, Jean Cocteau, Colette, Alain Grillet… Nhờ ông, tôi đã có được một danh mục sách văn học Pháp hiện đại tương đối hoàn chỉnh. Với sự giúp đỡ của tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bấy giờ, ông Sylvain Fourcassie và các tùy viên sách như Robert Lacombe, Vincent Leandri… một số đầu sách trong danh mục này đã ra mắt bạn đọc như: Kín cửa của Jean-Paul Sartre, Khung cửa hẹp của André Gide, Người vợ cô đơn của Francois Mauriac, Cỏ của Claude Simon, Chừa yêu của Colette, Đồ vật của Georges Perec, Phố những cửa hiệu u tối của Patrick Modiano, Nadia của Andre Breton, Sa mạc của J. M. G Le Clezio, tuyển thơ Paul Eluard, tuyển thơ Apollinaire…

***

Vì không biết đi xe gắn máy, tôi thường phải nhờ Phong, con trai lớn của tôi, đưa đến nhà ông. Phong mời ông hút Pallmall. Ông có vẻ thú vị vì gặp được người cùng gout. Sau này, mỗi lần gặp tôi, ông lại gửi cho Phong một điếu Pallmall. Có khi ông đang hút một loại thuốc thường nhưng lại dành cho cháu điếu thuốc ngon. Tôi nhớ những ngón tay gầy guộc của ông vuốt vuốt điếu thuốc cuối cùng trong chiếc vỏ bao nhàu cũ, trước khi trao cho tôi.

Lần gần đây về Bến Tre, tôi hơi ngạc nhiên thấy ông vẫn còn dành một điếu Pallmall cho Phong. Thấy tôi nhìn mấy trái ổi bọc nylon để tránh dơi, ông còn bảo, để gởi cho thằng Phong một trái. Ông không nghĩ Phong đã có vợ và hai con. Với ông, nó vẫn là cậu trai nhỏ thường chở mẹ đi đây đi đó. Dạo dạo quanh mảnh vườn, nhìn ngắm mấy cây mãng cầu, cây chanh, mấy luống rau cải, rau dền, tôi hỏi ông: “Sao anh chị không nuôi mấy con gà con vịt cho vui”. Ông trợn mắt, vẻ nghiêm trọng: “Chăn nuôi và trồng trọt là mâu thuẫn đối kháng đó cô”. Rồi cười không thành tiếng, mắt ánh lên vẻ thích thú. Câu nói, tiếng cười, ánh mắt ấy gợi cho tôi nhớ tới chất u-mua thâm trầm ẩn sau những trang viết “đa mang thế sự” của ông.

***

Trước khi về hẳn Bến Tre, ông ghé thăm tôi với lời chào: “Tôi đi chỗ khác chơi đây cô”. Đó chính là câu nói của ông Tư Chơi, nhân vật chính trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn của Trang Thế Hy. Ông Tư Chơi là một nghệ sĩ nghèo, đã hết thời nhưng còn giữ được trọn vẹn lòng tự trọng của một nghệ sĩ. Ông dặn dò nhà văn trẻ: “Nếu như mày nổi tiếng  biết đâu chừng mậy, cuộc đời khắc nghiệt này lâu lâu cũng chơi cái trò tặng phẩm bất ngờ  nếu như con nổi tiếng, con phải nghe lời chú Tư nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở nơi trường văn trận bút…”

Trang Thế Hy – Tư Sâm rời xa “trường văn trận bút” và “chỗ khác” ấy là quê nhà Bến Tre của ông, nơi ông có một người vợ hiền hậu, một căn nhà đơn sơ, một vườn dừa vắng lặng. Ấy vậy mà, cái chốn xa xôi, nghèo khó, phải qua sông rộng, đường xa ấy vẫn mời gọi mọi người. Nào bạn bè cũ, nào các nhà báo, nào các nhà văn, các nhà nghiên cứu từ Hà Nội vào, nào đoàn làm phim của VTV3, của HTV7… Tất cả họ đều muốn nhìn tận mắt, nghe tận tai nhà văn mà họ từng đọc với biết bao quý trọng, yêu mến. Nhưng có vẻ như, những tiếp xúc đông vui, ồn ào với những người chưa quen thân, luôn khiến ông ngượng ngùng, thậm chí đôi khi khó chịu. Tôi còn nhớ nhà thơ Chim Trắng đã mất bao công sức đi về để thuyết phục ông chịu cho VTV3 làm phim về mình. Trang Thế Hy chỉ có thể trò chuyện với những ai “hợp tạng”, mà số này không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Có lẽ, trong nhiều năm tháng nổi trôi trong cõi đời này, ông phải nói một mình rất nhiều, nhiều đến nỗi đã thành một thói quen khó thay đổi. Vì vậy chăng mà những lời ông nói ra như có sức nặng nào đó đọng lại trong lòng ta. Tôi từng được nghe ông chơi đàn kìm và cảm thấy dường như có mối liên hệ cật ruột giữa lời nói của ông và những âm thanh bật lên trong buổi chiều ắng lặng miệt vườn, giữa cơn mưa rả rích. Tôi nghĩ, không phải tự nhiên mà Trang Thế Hy chọn đàn kìm và chỉ chơi trong những khoảnh khắc nhất định, cho những thính giả nhất định. Ông đã hơn một lần nhắc tới âm thanh của cây Quân tử cầm  cây đàn mà chỉ “về âm sắc thôi tự nó đã buồn rồi”  trong các thiên truyện của mình. Đó là tiếng đàn của soạn giả cải lương Thanh Nha trong truyện ngắn Một nghệ sĩ buồn thích đùa: “Còn sợi dây trầm của anh, khi anh khảy nó ở thế buông, không có bấm, thì nó phát ra không phải một tiếng đờn trầm mà là tiếng rền của một nỗi thê lương không có tên từ một cõi mịt mù nào vang vọng đến”. Đó là tiếng đàn của người xưng tôi (một người làm thơ) trong truyện ngắn Một nghệ sĩ: “Tiếng đàn của tôi là tiếng nói đớt đát, ngọng nghịu của một con người bị biệt giam dài hạn, bị tước đoạt luôn cả cái quyền độc thoại. Ghi nó vào băng từ để nghe lại, nó sẽ không được nghe như là những tiếng đờn đối với bất cứ người nghe vô tư nào. Nhưng tôi biết, nó đi lọt vào tâm hồn chị Hai Nhạn và anh Năm qua sự phiên dịch của niềm cảm thông nghệ sĩ”. Đó là lời giải thích ý nhị của Thanh Nha: “Cái đẹp của tiếng đàn kìm là cái đẹp của một dòng nước đục. Những âm sắc đục hễ càng trầm nó càng đục và càng đục càng gợi buồn”. Tôi không có đủ sự hiểu biết về đời sống, cũng không am hiểu về âm nhạc để có thể thấu hiểu tiếng đàn kìm như ông, như các nhân vật của ông, chỉ cảm thấy có điều gì đó thật buồn, thật xót xa được nén lại trong mỗi âm thanh.

1

***

Cảm giác này rất gần với cảm giác khi tôi đọc các trang văn của ông. Tôi nhớ, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của một nhà báo vì sao ông không viết tiểu thuyết, Trang Thế Hy đã nói rất giản dị: “Cái tạng của tôi nó vậy”. Vâng, cái tạng của ông là viết truyện ngắn nhưng những truyện ngắn của Trang Thế Hy lại thật dài. Dài, không phải vì số chữ, số trang (có truyện lên đến bốn mươi, năm mươi trang sách) mà chính là, bởi những gì mà mỗi truyện ngắn của ông mang chứa trong nó. Những truyện ngắn này không phải là một lát cắt của đời sống (theo quan niệm thông thường) mà chúng có dung lượng của một cuốn tiểu thuyết được nén chặt lại trong khuôn khổ truyện ngắn. Chính Trang Thế Hy, khi nói đến cuộc đời của nghệ sĩ Hai Nhạn trong Một nghệ sĩ đã phải nói: “Nó là một quyển sách, không phải một đoạn văn”. Và không phải chỉ có Hai Nhạn. Thu, một nhân vật nữ rất đẹp trong truyện ngắn Mưa ấm, khi tranh luận với người bạn trai đã nói: “Mỗi con người có lịch sử của mình”. Các nhân vật của Trang Thế Hy đều có một lịch sử dày dặn, dài dặc, đan xen hạnh phúc, đau khổ, may mắn, bất hạnh, vui sướng, tủi cực… đủ để thành những nhân vật của tiểu thuyết. Ba Hường (Nợ nước mắt), Tư Chơi (Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn), Diên (Về nhà trước cơn mưa), Khôi (Sách và chim), Hai Nhạn (Một nghệ sĩ), Thu và Diệp (Mưa ấm), Châu và Hữu (Vết thương thứ 13) … và một nhân vật rất đặc biệt, nhân vật xưng Tôi (lúc là nhà thơ, lúc là họa sĩ, lúc lại là soạn giả cải lương)… đều là những nhân vật của “một quyển sách”. Bằng vào lối kể chuyện điềm đạm, chậm rãi, nhờ vào giọng văn đầy kìm chế, nhờ những chỗ “rẽ ngang” tài tình sang những nhánh khác của số phận, nhờ những chỗ dừng lại khéo léo cho các nhận xét, các bình luận xác đáng của người kể… mà các nhân vật của ông vẫn đi lại, trò chuyện, vui buồn, yêu thương, hờn giận, vẫn sống thực sự trong khuôn khổ của một truyện ngắn. Và, chính sự nén chặt này đã đem lại cho các thiên truyện hiệu quả nghệ thuật khôn lường. Nó tạo nên một vị thế đặc biệt cho các truyện ngắn Trang Thế Hy.

***

Trong một lần trò chuyện lan man, Lê Minh Khuê và tôi nhắc đến các tác phẩm của nhà văn đang được chú ý. Khi tôi tỏ ra băn khoăn, cảm thấy các truyện ngắn, truyện dài của vị này hình như còn thiếu một điều gì đó, Lê Minh Khuê cho rằng, các trang viết ấy thiếu sự ám ảnh, hết truyện là hết. Đó quả là nhận xét xác đáng của một nhà văn, một người làm biên tập văn xuôi kỳ cựu. Tôi đọc Trang Thế Hy nhiều lần và cũng nhiều lần nghĩ đến sự ám ảnh mà các sáng tác của ông đem lại cho mình. Thế nhưng, rất khó để có thể nói cho rạch ròi những điều gì, những yếu tố nào tạo nên sự ám ảnh, tạo nên dư vị, dư cảm trong các truyện ngắn của ông. Phải chăng đó là những quán nghèo ế khách, những vỉa hè của người vô gia cư, những chiều chuyển mưa, những vòm trời đầy mây, những dòng sông mênh mông, những cánh rừng thâm u, những đêm hát bội ở miền quê… Phải chăng đó là những người phụ nữ “đẹp mà buồn”, thường có nước da trắng mét, có “nét buồn bạc mệnh trên khuôn mặt độc đáo mang dấu ấn định mệnh”. Những Loan, Châu, Thu, Ba Hường, Hai Nhạn… cách nào đó đều là những nàng “tiên mắc đọa” (chữ của Trang Thế Hy) giữa cuộc đời cực nhọc, cơ khổ này. Phải chăng đó là những số phận “sự đời không tròn trịa, trơn tru”, dù trong cuộc chiến hay giữa đời thường. Những Hữu, Diên, Diệp, Thảo Khôi, Tư Chơi… đều đã trải qua những thử thách đau đớn và không mấy ai hạnh phúc. Có người cho đến khi cận kề cái chết vẫn còn dằn vặt, còn tự vấn lương tâm (Diên trong Về nhà trước cơn mưa). Phải chăng đó là những ngẫm ngợi, những đúc kết sâu sắc, chân xác và cũng… buồn, kiểu như “mỗi người trong đời mình chỉ được ngủ ngon trong một số lần nào đó được quy định rất chặt” hay: “Muốn biết chiến tranh là cái gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa chính xác nhất không phải là các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống chế tổng tư lịnh không bị bom đạn làm mất miếng da nào… Hỏi vợ anh, chị anh, em gái anh, cô anh, dì anh… nói chung là hỏi những người phụ nữ đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng…” hoặc: “… Chính vì nỗi khát khao niềm vui của người đời mà hai chữ “mua vui’ của thi hào Nguyễn Du để kết thúc truyện Kiều, theo tôi là tuyệt diệu… Vì sao cái nhu cầu mua vui nó bức thiết đến như vậy. Vì cuộc đời này vốn buồn. Tất cả mọi sản phẩm tưởng tượng từ trần Minh khố chuối, cậu Hai Miêng bị lãng quên trong khoảnh khắc cho đến Ulysses, Antigone, Don Quichotte được lưu hành muôn thuở, suy cho cùng cũng là để mua vui tuốt luốt hết… Anh thấy chưa, những tay trứ danh trong thiên hạ (dù thật hay bịa) thường là những con người buồn”… Và, sau cùng, phải chăng là “cái giọng trầm xa xôi của người độc thoại” (thường là người già, người đã đi gần hết đoạn đường đời của mình) đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với ta, qua từng thân phận, từng cảnh huống, cái quan niệm: “… người nào nói cuộc đời này buồn, người đó nói một sự thật, không lạc quan, bi quan gì cả” (Một nghệ sĩ buồn thích đùa).

Dịp cùng nhà thơ Chim Trắng đưa đoàn làm phim của VTV3 về Bến Tre làm chân dung Trang Thế Hy, chúng tôi ở lại khá lâu. Ông Tư (các bạn trong đoàn đều gọi ông như vậy) rất quý nhà thơ Bảo Chân và các bạn trẻ từ Hà Nội vào. Có hôm ông còn nhờ con gái làm mồi nhậu rồi đãi cả đoàn rượu ổi, do ông tự ngâm. Thấy ông vui, trò chuyện nhiều, tôi nói với ông các suy nghĩ của mình, đúng ra là, các câu hỏi của mình về sự “ám ảnh” lâu nay vẫn ám ảnh mình. Ông lặng im nhồi thuốc vào ống vố, cầm chặt nó trong những ngón tay gầy guộc, không châm lửa, mắt nhìn đến một nơi nào đó. Rồi bất ngờ quay lại: “Này cô, thỉnh thoảng cháu nội tôi lại hỏi, bà bạn mặc áo đỏ của ông nội sao lâu không thấy về”. (Ông muốn nhắc tới bức ảnh ông chụp chung với đoàn nhà báo từ Sài Gòn về thăm. Trong ảnh, tôi mặc chiếc áo màu đỏ). Rồi ông cười lớn, bỏ lỡ câu chuyện.

Những lúc cao hứng (tiếc là rất hiếm hoi), Trang Thế Hy nói nhiều và nói rất hay về văn chương, về Lỗ Tấn, về Hemingway, về Gorky, về Dostoievsky, về Tolstoy, về Stefan Zweig, về Nguyễn Du, về Nguyễn Gia Thiều, về Nguyễn Đình Chiểu… Ông đọc thơ tình yêu của Tagore, ông bắt mọi người cùng thưởng thức giọng hát của cô đào Pháp mà ông yêu mến qua chiếc máy hát đã cũ rè của ông. Thế nhưng Trang Thế Hy gần như không bao giờ nói về chuyện đời, chuyện văn của chính mình. Có ai gợi chuyện, ông im lặng hoặc bắt sang chuyện khác. Có lần, nhân lúc trò chuyện vui vẻ, thân mật, tôi hỏi ông, giọng nửa đùa nửa thật: “Trong truyện ngắn Vết thương thứ 13, nhân vật Hữu chịu vết đau trên thân thể một cách nhẹ nhàng nhưng đã không thể đứng vững trước vết thương thứ 13, vết thương tình cảm. Anh Tư đã có khi nào ngồi tính đếm, phân loại các vết thương của đời mình không”… Trang Thế Hy dụi điếu thuốc đang hút dở vào chiếc gạt tàn rồi giữ yên tay trên mẩu thuốc, im lặng khá lâu. Giữa lúc tôi chờ đợi một cú “ngoặt” bất ngờ của ông thì ông cất lời, giọng rất nhỏ: “Đâu có gì đáng nói đâu cô”. Vậy mà những trang viết của ông, số phận các nhân vật của ông, chất chứa biết bao cảnh ngộ, biết bao tâm trạng, đã hằn sâu biết bao vết thương – những vết thương khó có thể tính đếm, khó có thể gọi tên, khó có thể chữa lành.

Mặc dù vậy, Trang Thế Hy là một con người hạnh phúc, theo cái định nghĩa về hạnh phúc của chính ông, trong truyện ngắn Một nghệ sĩ: “Gặp hạnh phúc là người nào trong tuổi già vẫn còn giữ được nguyên vẹn tình yêu của mình đối với cái gì mình đã yêu thương từ thuở ấu thơ. Niềm hạnh phúc đó, đương nhiên là phải được trả giá bằng rất nhiều đau khổ”.

Comments are closed.