Phạm Phú Phong
Tên đầy đủ là Hoàng Thị Ý Nhi. Sinh ngày 18/9/1944 tại Hội An, Quảng Nam, trong một gia đình danh tiếng (cháu gọi giáo sư Huỳnh Lý bằng ông nội chú, con gái của giáo sư Hoàng Châu Ký, vợ của giáo sư Nguyễn Lộc). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1968. Về công tác ở Viện Văn học một thời gian, sau đó nhiều năm là biên tập viên Thơ của Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn). Hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình.
Các tác phẩm đã xuất bản: Nỗi nhớ con đường (thơ, in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ, 1974), Đến với dòng sông (thơ, 1978), Cây trong phố – Chờ trăng (thơ, in chung với Xuân Quỳnh, 1981), Người đàn bà ngồi đan (thơ, 1985), Ngày thường (thơ, 1987), Mưa tuyết (thơ, 1991), Gương mặt (thơ, 1991), Vườn (thơ, 1998), Thơ tuyển (thơ, 2000), Những gương mặt -những câu thơ (chân dung, 2008), Ý Nhi tuyển tập (2010), Có gió chuông sẽ reo (truyện ngắn, 2014), Kỷ niệm không có mưa (chân dung văn học, 2018), Ngọn gió qua vườn (tuyển tập thơ, truyện ngắn, 2019)
Tác phẩm đã được dịch ra các ngôn ngữ khác: Tiếng Pháp: thơ in trên tạp chí Europe, tháng 4/2002 (cùng Dương Tường, Hoàng Hưng, Vi Thùy Linh). Tiếng Anh: Thơ in trên tạp chí Poetry Internationnal (cùng 9 nhà thơ Việt Nam khác), 6 Vietnamese Poets (Published by Curbstone Press, 2002), Black Dog, Black Night (Contemporary Vietnamese poetry/ Milkweed Editions), Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present: a Bilingual Anthology (The Feminist Press at the City University of New York and The Women’ Publishing House, Ha Noi, Viet Nam, 2007). Tiếng Nga: Thơ in trên tạp chí Lotus, số 57, 1986, Thơ in trong Tuyển tập các nhà thơ Á-Phi, 1983. Tiếng Nhật: Thơ in trong Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh (A Collection of Poems for Independence, Freedom and Requiem of Vietnam by 175 Poets /Coal Sack Publishing Company, 2013 – đây là thi tuyển gồm ba thứ tiếng Việt, Nhật và Anh). Tiếng Thụy Điển: Till: igår : Tolv vietnamesiska poeter (Cho ngày hôm qua – 12 nhà thơ Việt Nam, Nxb Tranan). Tiếng Trung Quốc: Việt thi Hán dịch (Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
– Giải khuyến khích cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969
– Tác phẩm Người đàn bà ngồi đan đạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1985.
– Giải thưởng Cikada của Thụy Điển năm 2015.
Ý Nhi là nhà thơ nổi tiếng, xuất hiện vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, là tác giả của 9 tập thơ (trong đó có hai tập in chung), đã từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Người đàn bà ngồi đan (1985) và giải thưởng Cikada của Thụy Điển (2015). Thơ chị cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Nga, Thụy Điển, Trung Quốc. Gần đây, chị còn xuất hiện với tư cách là người viết truyện ngắn và chân dung văn học, là tác giả của hai tập chân dung văn học đặc sắc, một tập truyện ngắn và nhiều truyện ngắn khác in rải rác trên báo chí. Một người cầm bút, có thể sáng tạo được nhiều thể văn khác nhau, trong đó người ta thường gọi tên tác giả đó gắn liền với thể văn thành danh xuất sắc nhất. Nhưng cũng có không ít người đa tài, thành danh bởi nhiều loại hình, loại thể khác nhau. Theo tôi, Ý Nhi là một trong những tài năng như vậy. Bởi, không chỉ có thơ, mà cả truyện ngắn và chân dung văn học của chị, không chỉ là những ướm thử nghệ thuật, mà đều là những sinh thể nghệ thuật đặc sắc, chứa đựng một hàm lượng nội dung mỹ cảm và phong cách diễn ngôn hiện đại. Điều quan trọng hơn, phẩm chất làm nên diện mạo văn chương Ý Nhi là dù ở bất cứ thể văn nào, chị cũng đều biểu hiện cái nhìn sâu thăm thẳm và ấm áp đối với thân phận con người.
1. Xuất hiện từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng đạt giải thưởng thơ của báo Văn nghệ (1969), nhưng Ý Nhi chủ yếu khẳng định giọng điệu tâm hồn mình vào thời hậu chiến và đổi mới. Con đường sáng tạo nghệ thuật của chị thể hiện rất rõ sự vận động của tâm thức sáng tạo, thông qua cảm quan hiện thực và sự đổi mới lý tưởng thẩm mỹ. Những thử bút đầu tiên in trong các tập Nỗi nhớ con đường (in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ, 1974), Đến với dòng sông (1978), Cây trong phố chờ trăng (in chung với Xuân Quỳnh, 1981), mà sau này chị chỉ chọn có mươi bài đưa vào tuyển tập Ngọn gió qua vườn [1] với cái tựa chung là Nỗi nhớ con đường và Đến với dòng sông. Chỉ đọc tựa các tập thơ trên, rồi tựa các bài thơ cũng có thể nhận ra những cảm xúc ngoại cảnh, từ cảnh vật, không gian, thời gian tác động vào tâm hồn nhạy cảm, trong sáng, dễ xúc động, với sự quan sát tinh tế và mong muốn giãi bày trong những lúc Đưa con ra ngoại ô, Viết cho con trên đường công tác, Từ phố biển em về hoặc Tháng Ba, Mặt trời tháng Tư, Mưa dạo tháng Mười… Hồn thơ như khởi nguyên từ những dự cảm của cõi tinh mật sáng trong, đầy ắp nhiên giới với cỏ cây, hoa lá, nhưng vẫn ẩn chứa những bất chợt, đổi thay, âu lo đan xen ít nhiều hy vọng trong tâm cảm: “Mùa thu vừa đi rồi / đông hãy còn chưa tới / mua trổ lưng chừng đồi / cỏ may dày lối hẹn […] Những lối mòn màu đỏ / mưa êm trên mặt đường / mưa tháng Mười dạo đó / là mùa mưa yêu thương” (Mưa dạo tháng Mười, 1972). Điều khiến cho Ý Nhi khác với các nhà thơ cùng thế hệ là, cũng chỉ là những câu thơ tả cảnh, những chuyện mưa nắng bốn mùa, nhưng ngay từ đầu, người thơ không hoàn toàn đơn phương hướng ra ngoại cảnh, giữa người và cảnh không dừng ở phép ngoại xạ, mà từ trong tâm thức sáng tạo đã xóa dần khoảng cách, không dừng lại ở vật ngã đồng nhất mà đã đạt đến vật ngã tương giao:
Bỗng một ngày cánh cửa mở trước nhau
em bắt gặp
mắt anh nhìn bổi hổi
như có cả nhiều mùa thu chờ đợi
mùa thu
nắng vàng màu da cam
Dòng sông trôi về đâu dòng sông
lá khô chạy trên mặt đường đổi gió
mưa đột ngột giữa khu vườn thắm đỏ
những chân trời mây trắng những màu hoa
(Cánh cửa)
Những bức phá nhằm đổi mới về quan niệm nghệ thuật và thi pháp sáng tạo ở Người đàn bà ngồi đan (1985) và tiếp tục khẳng định tài năng ở những tập thơ như Ngày thường (1987), Mưa tuyết (1991), Gương mặt (1991), Vườn (1998), đã đưa thơ Ý Nhi đạt đến độ chín, khẳng định một giọng điệu riêng, trở thành một trong những người tiên phong mở đường và góp phần đổi mới nghệ thuật. Khi nhìn lại tiến trình của công cuộc đổi mới trong văn học, người ta dễ nhận ra những bước đi tiên phong trong nhận thức lý luận như Đề dẫn ở hội nghị đảng viên nhà văn (ngày 11.12.13 tháng 6.1979) của Nguyên Ngọc, Về một đặc điểm của nền văn học ta trong giai đoạn vừa qua (báo Văn nghệ số 23, tháng 6.1979) của Hoàng Ngọc Hiến, Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa (báo Văn nghệ số 49,50 ngày 5.12.1987) của Nguyễn Minh Châu,… hoặc ở những tác giả văn xuôi, như truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn và tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, tiểu thuyết của Bảo Ninh,… nhưng ít ai nhận ra những bước tiên phong đổi mới trong thơ của Lê Đạt, Dương Tường, Thanh Thảo… trong đó có cả Ý Nhi, thể hiện rõ nhất ở tập Người đàn bà ngồi đan. “Đêm trước của đổi mới bao trùm bầu không khí oi ngột. Vào thời điểm đó, Người đàn bà ngồi đan có thể xem là một bước tiến đi tìm tiếng nói cho “tâm trạng cá nhân” trước trang viết, thay vì phải giấu kín bao năm trước đó, vì thời cuộc có, vì quan niệm văn chương có, vì tầm mức “trí khôn” của chúng ta có…” [2, tr. 743]. Chính Ý Nhi cũng đã từng thừa nhận rằng, bài Một buổi chiều ở Praha (sáng tác vào tháng 8.1981, in trong tập Người đàn bà ngồi đan) “là bài thơ mở đầu cho một giai đoạn khác của thơ tôi” [3, tr. 64]. Dường như bản thân thơ ca đã là đổi mới, luôn đòi hỏi một cái nhìn và giọng điệu mới mẽ, hơn nữa, nó tỏ ra tương đối ổn định, khó nhận ra ranh giới của sự đổi thay. Bởi lẽ, ngay từ đầu Ý Nhi đã đem đến cho đời sống thơ ca một cái nhìn “bất tường về đời sống với những dự cảm bất an” [4, tr. 31] thông qua một giọng điệu tâm hồn mới lạ, tinh tế và nặng nỗi suy tư. Nhưng sự vận động thay đổi rõ nhất ở thơ chị chính là ở cảm quan hiện thực. Cũng vẫn tiếp tục viết về bốn mùa, cũng cái mùa thu đó thôi, nhưng không còn là “mùa thu / nắng vàng màu da cam” nữa, mà là “mùa thu ngủ yên giữa tầng lá thắm” (Mùa thu chưa tới); cũng tiếp tục những trăn trở về thời gian trong Thư mùa đông, Thơ tháng Chạp, Ngày thường, Chiều, Biển chiều, Bay đêm… và cũng tiếp tục miêu tả cảnh vật nhưng bên trong dường như có sự rạn vỡ, hụt hẫng không gì có thể bù đắp nỗi, cuộc sống những Ngày thường nhàm chán đến mức đôi khi “lòng chợt ước ao / một tiếng gõ bất thường / sau cánh cửa”. Một sự chờ đợi mong manh trong vô vọng:
Đã đóng kín rồi cửa sổ những ngôi nhà
đã xao xác bao vòm đại thụ
ánh sáng cô đơn ngọn đèn ngoài phố
bao con đường vắng bóng người qua
thuyền đã về nép dưới chân đê
lá đã rụng trong vườn cây ngoài cửa
[…]
Có thể nào lại mất trong ta
đóm lửa ấy cơn mưa rào buổi ấy
miền cát nóng
bờ cây khô như cháy
hoa quỳ vàng trên nền cũ nhà ai
nước lá sim đắng chát đường dài
căn lều nhỏ mưa lùa qua cửa liếp
(Thư mùa đông)
Cũng có lúc tâm tưởng quay về với sự hoài vọng, nuối tiếc cái “thuở đi hết con đường về đến biển / gấp một con thuyền / có cánh buồn đỏ thắm / rồi thả trôi vào chốn khôn cùng” (Ký ức), với cảm thức hiện sinh, muốn “đi tìm thời gian đã mất” trên chính những vần thơ xưa:
Ngày đứng trưa, trời có lẽ xanh rồi
bài thơ cũ
bây giờ em đọc lại
những câu thơ dịu dàng, đằm thắm mãi
tự khi nào
ai đã nói tình yêu
[…]
Em một mình
trước những trang thơ
em trò chuyện cùng anh
trong xa cách
bao nhiêu gian truân, bao nhiêu cực nhọc
ngày dịu dàng đằm thắm của tình yêu
(Thư)
Cảm thức về không gian, cảnh vật và môi trường, như những Quê hương, Phố nắng, Vườn, Chuyện ở vườn, Quán cũ, Thành phố tràn đầy hoa cúc, hoặc hàng loạt các địa danh, tên sông tên núi như Nha Trang, Sông Trà, Về Thái Nguyên, Nhớ Hải Phòng, Hải Phòng tháng 11.1979, Một Hà Nội, Hà Nội tháng 5.1987,… cũng có những đổi thay, nghe những phôi pha. Cảnh cũ đã không còn bởi người xưa cũng chừng như không còn như ngày xưa nữa:
Lời ca của ngày xưa tôi đã quên rồi
giữa bao bài hát mới
bao màu hoa đã che khuất một màu hoa dại
ngọn sóng trắng buổi nào vùi lấp giữa ngàn khơi
tiếng còi tàu vang suốt tuổi thơ tôi
đã chìm lẫn giữa ồn ào náo động
tôi đi giữa cuộc đời
giữa muôn ngàn mất còn chết sống
nào nhớ gì ngày tháng đã xa xôi
(Nhớ Hải Phòng)
Sự bừng thức sau giấc mơ dài của thi nhân đặt vào đối tượng trữ tình là những con người. Đó là những người thân như người mẹ, người con, người bạn, hoặc những tác giả tài danh, hầu hết đều là những bài thơ hay: Kính gửi mẹ, Con, Gửi chị Nga, Nguyễn Du 1813, Viếng mộ Hàn Mặc Tử, Nhà văn Nguyên Hồng, Dương Bích Liên mùa đông 1988, Tưởng niệm Nguyễn Sáng, Nhà văn Nguyễn Minh Châu, Chiêm bao gặp Xuân Quỳnh, Bên thềm nhà Boris Pasternak…. Trong đó có sự vụt sáng lấp lánh có tính chất nhập vai trong Người đàn bà ngồi đan, với sự giao thoa một cách mơ hồ, lấp lửng, bất định giữa các đối cực: “nhẫn nại – vội vã”, “đau thương – hạnh phúc”, “niềm tin – ngờ vực”, “gặp mặt – chia ly”, “hân hoan – âu lo”, “chán chường – hy vọng”, là một sinh thể nghệ thuật đẹp và buồn, một sự chứng nghiệm và lưu lại dấu vết tâm trạng con người và cuộc sống một thời khó nguôi quên:
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
nhẫn nại
như thể đó việc phải làm suốt đời
vội vã
như thể đó là lần sau chót
[…]
dưới chân chị
cuộn len
như quả cầu xanh
đang lăn
những vòng chậm rãi
Nhằm chỉ ra đặc điểm giọng điệu trữ tình của Ý Nhi, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương đã so sánh chị với Xuân Quỳnh và tinh tế phát hiện ra rằng: “Nói theo thuật ngữ của B. Eikhenbaum, thơ Xuân Quỳnh là thơ điệu ngâm, thơ Ý Nhi là thơ điệu nói. Điều đó giải thích vì sao thơ Xuân Quỳnh được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc rất hay (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu); còn thơ Ý Nhi thì kén phổ nhạc: bài Trong ánh chớp của phận số không thuộc những ca khúc hay nhất của Phú Quang” [5, tr. 34]. Thế giới hình tượng trong thơ Ý Nhi đặc sắc nhất vẫn là hình tượng tác giả – cái tôi trữ tình đầy ám ảnh của tác giả, là con người sớm nhận ra lẽ tồn sinh của phận người mong manh, lo âu trong cuộc sống đầy bất trắc, lắm trái ngang. Đó là cái nhìn tâm cảm sâu thăm thẳm, đẹp và buồn, lúc nào cũng như người vừa tỉnh lại sau một cơn mê. Thanh Thảo có lý khi cho rằng: “Thơ Ý Nhi tỉnh táo bên ngoài, và si mê, khờ dại bên trong […]. Thơ Ý Nhi là thơ của người đi đường dài, của người chạy marathon, của một chân dài đi biển. Những xảo thuật, xảo ngôn hoàn toàn vắng bóng trong thơ chị. Những cơn khát danh vọng cũng hoàn toàn bặt tiếng trong thơ chị. Chỉ còn nỗi buồn, niềm nhớ tiếc, sự đồng cảm, và canh canh cánh thêm những nỗi gì nữa khó gọi tên. Thơ Ý Nhi là như vậy” [6, tr. 736].
2. Với Ý Nhi, “nỗi buồn, niềm nhớ tiếc, sự đồng cảm” sẻ chia không chỉ có trong thơ, mà cả trong văn xuôi – ở cả hai thể văn truyện ngắn và ký sự chân dung. Nếu thơ là những bước thăm dò trước và khẳng định trong thời kỳ đổi mới thì truyện ngắn của Ý Nhi hoàn toàn ra đời trong không khí đổi mới. Cho dù, đổi mới cho đến nay, sau hơn một phần ba thể kỷ vẫn không thoát khỏi những rào cản, những định kiến khó đổi thay từ trong bản chất có tính chất toàn trị của hệ tư tưởng, nhưng những thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng /đời sống kinh tế là không thể đảo ngược, đã ít nhiều thổi luồng sinh khí mới vào sáng tạo nghệ thuật. Không khí ấy phù hợp với cảm thức sáng tạo vốn có của Ý Nhi, nhất là khi chị cảm thấy thế giới nghệ thuật thơ có lúc không truyền tải được hết những điều mình muốn bày tỏ với cuộc đời,chị tìm đến với truyện ngắn, một thể văn chủ lực của các nền văn chương hiện đại. `
Hầu hết các truyện ngắn của Ý Nhi đều được viết sau khi chị chuyển vào công tác và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh (1988). Tập truyện ngắn Có gió chuông sẽ reo của chị được nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013, nhưng ba mươi truyện được tuyển vào Ngọn gió qua vườn (2019) lần này, truyện nào cũng được tác giả ghi thời gian sáng tác ở cuối truyện, cho thấy một vài truyện ngắn của chị được viết vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX (Một giờ sáng, 1996; Có gió chuông sẽ reo, 1998; Phòng chờ, 1999), còn lại đều được ra đời vào thiên niên kỷ mới.
Quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật truyện ngắn là hình tượng nhân vật / con người. Đọc truyện ngắn của Ý Nhi, cũng là cái nhìn tâm cảm về con người – những người phụ nữ “đi không yên ổn ngồi không vững vàng” ấy, bây giờ không chỉ ở phụ nữ mà đã chuyển sang cả những người đàn ông, với cuộc sống không hoàn toàn cô đơn mà là cô độc/đơn độc một mình, hoặc sống cùng/với mọi người nhưng tâm trạng vẫn quạnh hiu,không ai hiểu được mình; sống trong trạng thái chờ đợi một cái gì mơ hồ, xa xôi không rõ đích đến, đôi khi đến vô nghĩa. Sống trong một thực tại bất toàn, hướng về một tương lai bất định. Hầu hết, họ không phải là người vô cảm nhưng cuộc sống chung quanh đầy mạch nguồn vô cảm, khiến họ đôi khi cũng trở thành vô cảm. Cũng như trong thơ, chị đem toàn bộ tâm trạng của mình phổ vào đời sống nội tâm của từng nhân vật. Thế giới nhân vật của chị hầu hết đều là những người có học, những trí thức có nhân cách nhưng cuộc sống bấp bênh, chao đảo, thầm lặng, tự thu mình nhỏ lại, như chính chị đã từng thừa nhận thông qua cảm nhận của một nhân vật, cũng như sự đồng cảm khách quan của người đọc về văn chương của chị: “Người ta gọi những nhân vật của ông là loại nhân vật nhỏ bé, loại nhân vật không tên tuổi, không tiếng tăm, không biến cố. Họ là bất cứ ai trong đám đông ngoài kia. Những mơ ước, những lo âu, những chờ đợi của họ thật bình thường, thậm chí tầm thường. Người ta bảo văn của ông dẫn dụ người đọc như tiếng rì rầm của những cơn mưa nhỏ về đêm. Người ta bảo không thể kể lại câu chuyện của ông nhưng cũng khó rời bỏ cuốn sách khi đã cầm nó trên tay” (tr. 538). Nhân vật của chị thường là phiếm danh (anh, chị, ông, hắn) hoặc tên chỉ là một mẫu tự (là những N, K, V, P…). Tên nhân vật chỉ là thi pháp hình thức, nhưng là hình thức mang tính quan niệm. Do vậy, cho dù phiếm danh hay viết tắt thành một mẫu tự cũng thể hiện rõ quan niệm của tác giả là, không cần quan tâm đến tên tuổi nhân vật, điều quan trọng là tính cách của nhân vật đó là gì, là điều mà nhà văn muốn gửi thông điệp đến cho người đọc. Trong nhiều truyện ngắn Phạm Thị Hoài điều này cũng đã từng diễn ra, nhưng chủ đề và diễn ngôn của cây bút nữ này lạnh lùng và đốp chát, ngược với sự dịu dàng, nồng ấm tình người và đầy tâm trạng xen lẫn những mâu thuẫn khó giãi bày của Ý Nhi. Đó là quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Không dưới vài ba lần, chị thác lời cho nhân vật ứng ngôn cho quan niệm của mình về văn chương: “Ông ấy có chung quan niệm văn chương với ông. Cái thứ chữ nghĩa ấm ớ này nhiều khi gây ra bao nhiêu tai họa cho con người. Ông ấy vẫn bảo với ông như vậy. Sau này, ông mới nghiệm ra đó là lời tiên tri cho số phận của mình” (tr. 384). Nơi khác, nhà văn nhận ra sự bất lực của ngôn từ, của ngành khoa học lấy con người làm đối tượng trung tâm: “Tôi không biết các nhà ngôn ngữ, các nhà xã hội học đang làm gì. Các ngành khoa học xã hội của ta yếu kém quá. Nó gần như không có vai trò gì, thậm chí có thể nói, nó im hơi lặng tiếng trước những vấn đề quan trọng, những vấn đề cấp thiết trong xã hội hôm nay” (tr. 388). Đối với thế giới nghệ thuật truyện ngắn, chị ưu ái quan tâm đến giọng điệu và hình tượng nhân vật: “Cuốn sách chị cầm trên tay là tuyển truyện ngắn của một nữ tác giả đang được chú ý. Chị đã đọc được mươi truyện ở phần đầu. Giọng văn tỉnh táo, lối dẫn truyện khéo léo và những đối thoại thông minh của các nhân vật là ưu thế của nhà văn này” (tr. 279). Hoặc một truyện khác, “Câu chuyện được kể mạch lạc, lời văn giản dị. Không còn những câu dài lê thê, những chữ viết hoa giữa câu, không còn những liên tưởng kỳ quặc, những từ ngữ hóc hiểm. Câu chuyện khiến Duyên cảm động. Chị ngậm ngùi nhớ đến giọng nói mệt mỏi của Tuấn mỗi khi vấp váp, buồn bực, nhớ đến nụ cười rạng rỡ của Tuấn mỗi khi trông thấy chị, nhớ đến vẻ cam chịu của Tuấn khi chị đột ngột kết thúc câu chuyện hồi chặp tối” (tr. 324). Nhân vật của Ý Nhi là những con người đã trưởng thành, đã đứng tuổi, đã từng trải qua những mối tình không trọn vẹn, sống trong nỗi suy tư, giằn vặt và sự chờ đợi mà không biết đợi chờ gì, sống thừa ra và đôi khi thất thần nhận ra: “Mình bây giờ như kẻ đi lạc, chẳng làm sao mà hiểu nổi mọi thứ ở đây, làm cái gì cũng không đúng, nghĩ cái gì cũng không đúng, nói như bọn trẻ là chẳng giống ai” (tr. 387); hoặc dù cho có lúc họ chủ động hơn,cố “đoán định mọi sự mà không biết rằng phần lớn những đoán định đó đều sai lạc” (tr. 266).
Hẳn nhiên, truyện ngắn của Ý Nhi ra đời trong thời bình. Không nhiều những biến cố, những sự kiện dữ dội được bày ra, nhưng tâm thức hiện đại đôi khi diễn ra trong cuộc sống trở nên vô nghĩa lý, trước những bất ổn, lo âu mang ý nghĩa hiện sinh tràn ngập trong tâm tưởng con người, nên cảm thức về thời gian luôn trĩu nặng, có khi đến quay quắt trong đời sống tinh thần con người. Nhân vật của chị luôn bị chi phối bởi thời gian vật chất, thường gắn với chiếc đồng hồ, hay xem giờ, hay lắng nghe tiếng vọng của chuông đồng hồ, hay ý thức về thời gian,… thậm chí, có người phụ nữ sau khi ly hôn, thường hay mất ngủ, đêm “nhìn đâu cũng thấy đồng hồ, nhìn đâu cũng thấy thời gian với những kim giờ, kim phút, kim giây. Đôi khi, chị cũng bật cười một mình, không hiểu mình tính đếm thời gian để làm gì” (tr. 276). Không dưới vài chục lần nhà văn miêu tả chân dung thời gian qua chiếc đồng hồ. Ngay cả nhiều tựa đề của truyện cũng hiện hình nỗi cảm thức thời gian rất rõ: Một giờ sáng, Phòng chờ, Đợi tàu ngược, Có người gõ cửa, Ba sẫm tối, Năm cuộc điện thoại… Không biến cố, không sự kiện nóng hổi, cũng không có nhân vật xấu. Có nhân vật lâm vào biến cố lớn nhất trong cuộc đời do thời cuộc đổi thay,mất cả vợ con, nhà cửa, đến mức “Nếu có thể chết được chắc chắn ông đã chết. Nhưng, sống không dễ mà chết cũng chẳng dễ hơn. Ông ấy phải sống cho hết phần số của mình” (tr. 384), và cam chịu với phận số, trở thành người bơm xe đầu phố, bán báo vỉa hè mà không biết phải oán trách ai. Mỗi nhân vật là một nhân cách, một tính cách không thay đổi trước thử thách của những hoàn cảnh khắc nghiệt, chỉ biết chấp nhận số phận: “Cuộc đời anh, anh nghĩ, không có chỗ cho thơ, không có chỗ cho ly cà phê bên đường, không có chỗ cho nhiều thứ khác nữa. Anh đã không thể rẽ ngang, không thể dừng lại, ngay cả khi tai họa ập đến. Vợ anh đã không chịu đựng mãi sự xa cách, sự bất ổn. Cuộc chia tay của họ êm thấm đến nỗi nhiều bạn bè gặp anh vẫn hỏi tin cô. Có người còn gửi quà cho cô” (tr. 294). Hình như trong thế giới nghệ thuật của chị, chỉ có những chông chênh, bất an, nhầm lẫn, sai lệch… dẫn đến những đau khổ, mà đều là những nỗi khổ triền miên, nỗi cô đơn không thể giãi bày, không thể cứu vãn, chứ không hề có con người / nhân vật xấu. Có lẽ, trong thầm lặng, từ tấm lòng của mình, nhà văn chưa từng nghĩ xấu về ai, hay nói như các nhà lý thuyết văn chương, rằng chị không có sở trường miêu tả nhân vật phản diện. Đó chính là chỗ khác nhau giữa chị và các cây bút văn xuôi – tuy có ít nhiều so le, nhưng có thể coi là cùng thời – nổi đình nổi đám, được người đọc quan tâm như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…
Không gian nghệ thuật của Ý Nhi là không gian vừa tĩnh, vừa động. Con người khi thì mỏi mòn trong một không gian cố định, một phòng chờ, một ga tàu, một quán cà phê; khi thì luôn chuyển động, xê dịch, như là hệ quả của một bản năng vô thức nhằm chống lại sự nhàm chán của đời sống. Hầu hết nhân vật trung tâm của mỗi truyện đều cố chống chọi, quẫy đạp nhằm thoát khỏi cái không gian tù túng, chật chội bằng những chuyến đi về, thay đổi môi trường, trật tự, hàng lối nhưng dường như cuộc sống vẫn không có gì thay đổi, vẫn tuân thủ theo một trật tự đã trở thành qui luật, một qui luật của đời sống không dễ đổi thay, bởi “nếu không trở về, người ta không thể thanh thản ra đi” (tr. 327).
Lối viết giản đơn theo dòng tự sự, ngôn từ giàu hình tượng, lời kể, lời tả, lời thoại theo dòng chảy của một chuỗi dài miên man, hết sự kiện này đến sự kiện khác, những chuyện không có truyện, bố cục được thả lỏng, đôi khi không kể lại được, nhưng nặng đầy chất liệu đời sống, với không ít những va vấp và bao phủ trong vòng sinh quyển của tâm trạng. Con người sống trong thế giới thực nhưng tâm trạng cứ lấp lững, lừng khừng: “Anh bực với em, ra về sớm, đi loanh quanh ngoài phố tới khuya, lại thấy mình vô lý. Anh gọi điện thoại cho Linh. Linh vẫn buồn. Anh định nói lời xin lỗi, rồi lại thôi. Anh không muốn Linh có cơ hội trở lại câu chuyện cũ” (tr. 288). Trong những truyện ngắn chị viết gần đây, có sự thay đổi ít nhiều về thi pháp, vẫn là sự đan xen giữa cuộc sống đời thường và tâm trạng, nhưng từ những chứng ngộ bằng trực giác/cảm, đã dẫn đến những ảo giác mơ hồ,hoang tưởng (Người đứng bên kia đường, Có người gõ cửa, Con ngựa trên bãi biển) hoặc sử dụng nhiều đến những giấc mơ (Không dấu vết, Nước, Mất sóng…), tất nhiên, chỉ như một thủ pháp nghệ thuật chứ không biến giấc mơ trở thành yếu tố trung tâm của chỉnh thể nghệ thuật như chủ nghĩa hiện thực ảo mộng trong văn chương phương Tây. Đặc sắc của truyện ngắn Ý Nhi không chỉ ở nghệ thuật dựng truyện điêu luyện, sự phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc mà còn là sự tinh tế trong việc phát hiện các chi tiết đậm đặc chất liệu đời sống đương đại, sự âm thầm chua xót và nỗi buồn sâu thăm thẳm trong tâm tưởng con người. Hầu như kết thúc truyện nào của chị cũng là nỗi buồn, khi thì thầm lặng, man mác, cũng có lúc cay đắng trào dâng, khó nguôi quên.
3. Ý Nhi sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn hóa, nghệ thuật, lại có nhiều năm làm công việc biên tập ở nhà xuất bản, nên chị có điều kiện giao tiếp với nhiều tác giả tài danh, những người đã trở thành nhân vật trung tâm trong những trang ký chân dung giàu cảm xúc và nhiều sự kiện thú vị của chị. Những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ như Khương Hữu Dụng, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Thái Tuấn, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Hoàng Trung Thông, Tô Thùy Yên, và cả những người trẻ hơn như Xuân Quỳnh, Trần Vũ Mai, Đỗ Hồng Ngọc, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Minh Khuê, Ngô Thị Kim Cúc… sừng sửng đi vào trang văn của chị với nỗi đồng cảm sâu sắc về số phận cuộc đời, sự sẻ chia về đời sống tinh thần và tác phẩm của họ. Không phải ai nổi tiếng cũng đi vào trang văn của chị. Chị chỉ viết về những người mình quen biết lâu năm, mà chị có thể cảm thông và thấu hiểu được con người và tác phẩm của họ.
Hai tập chân dung văn học ra đời cách nhau mười năm, Những gương mặt – những câu thơ (2008) và Kỷ niệm không có mưa (2018), cũng có thể đều được viết từ những năm đầu thiên niên kỷ mới, nhưng cũng có thể đã được tác giả ấp ủ, nung nấu từ khi mới bước chân vào con đường văn chương chữ nghĩa. Bởi vì, công việc đầu tiên khi vừa mới tốt nghiệp đại học là Ý Nhi về công tác ở Viện Văn học. Dấu vết nghề nghiệp đã hiện ra trên trang viết rất rõ: chân dung văn học của chị là phê bình chân dung, không chỉ nhằm khắc họa chân dung con người, mà còn bao hàm sự nhận định, đánh giá tác phẩm, nhằm khắc họa chân dung tinh thần tác giả. Nhiều bài viết, bên cạnh vài nét chấm phá về chân dung, là những luận bàn, phê bình ấn tượng về tác giả đặc sắc: Ngôi sao xa xôi. Và, bi kịch nhỏ (viết về Lê Minh Khuê), Đời tôi thực hay mộng đời tôi buồn hay vui (về Tế Hanh), Thức cho xong bài thơ (về Tô Thùy Yên), Một vị ngọt không thường (về Ngô Thị Kim Cúc), Thương ta từ bé như ma ám / Máu me si lụy nghiệp từ chương (về Trinh Đường) Thơ làm chết người như bỡn / Thơ làm sống người được chăng (về Việt Phương)… Những nhận xét chuẩn xác về văn phong Lê Minh Khuê của chị không thua kém, thậm chí còn có thể vượt xa hơn, nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp: “Ngay từ đầu, chị đã có cho mình một giọng văn riêng biệt. Một cách viết khác biệt. Đó là một may mắn. Bởi vì, ai cũng biết, viết như thế nào mới thực sự là điều quan trọng […]. Những câu văn ngắn, có câu chỉ gồm hai, ba từ, thậm chí có câu chỉ một từ, sắc gọn, rắn rỏi như một nhát cắt, một tiếng nổ, tạo nên bầu không khí căng thẳng, quyết liệt, gấp gáp đầy ám ảnh của cuộc chiến” (tr. 44). Đó đây, dễ bắt gặp lối diễn ngôn nhằm chỉ ra những nét đặc trưng có tính chất tương phản trong tính cách con người và phong cách nghệ thuật của các tác giả như, Phan Thị Thanh Nhàn “vừa duyên dáng vừa vụng về, vừa kín đáo vừa bộc trực, vừa sâu sắc vừa nông nổi, vừa chi chút vừa hào phóng. Tất cả những đức tính tưởng như trái ngược ấy đều có nơi Nhàn, tạo nên sức hấp dẫn của Nhàn, một sức hấp bẫn đầy nữ tính” (tr. 143); hoặc tranh của Dương Bích Liên là “một thế giới giản dị mà sang trọng, êm ả mà hừng sáng, dịu nhẹ mà huy hoàng. Ông đã lưu lại vẻ đẹp trong ngần từ một đời sống đầy cơ cực, dằn hắt, đau đớn” (tr. 136)… gợi nhớ đến cách gọi tên phong cách các nhà thơ mới trong Thi nhân Việt Nam của hai cây bút phê bình ấn tượng tài hoa Hoài Thanh – Hoài Chân.
Ký chân dung là thể văn xuôi phi hư cấu, hướng đến những đối tượng sống cùng thời với tác giả. Bởi vậy, dù muốn hay không, tự thân nó đã in dấu một bối cảnh lịch sử của thời đại cụ thể, ghi dấu gương mặt đất nước một thời, thông qua số phận của từng nhân vật, có ý nghĩa lịch sử. Đọc những trang miêu tả chân dung giáo sư Lê Đình Kỵ mặc chiếc quần ta màu nâu, cầm cái que nhỏ lùa mấy con vịt vào chuồng; Nguyên Hồng lúc nào cũng vội vã, tất bật với chiếc làn cói buộc trên chiếc xe đạp cũ; Xuân Diệu âm thầm đếm tiền sau một buổi nói chuyện thơ,… mà buồn đến nao lòng. Có lẽ, người ta thường khổ vì chính những điều mình nghĩ hơn là sự thật! Sâu sắc hơn, là cái nhìn của tác giả cắm sâu vào tâm tưởng của nhân vật, lột tả đời sống nội tâm, tìm ra bản chất, nhận ra bên trong một con người trải qua nhiều cương vị lãnh đạo văn nghệ quan trọng như Hoàng Trung Thông, nhưng ông chỉ thật sự là ông khi một mình đi dưới mưa: “Đó không chỉ là dáng vóc, không chỉ là tâm tính, nó là tất cả Hoàng Trung Thông, theo cách nhìn nhận của tôi. Cho đến giờ đây, khi viết những dòng này, tôi vẫn như thấy ông đầu trần, áo xống phong phanh, mắt nhìn đến tận nơi nào, bước đi nghiêng ngã dưới mưa xuân” (tr. 92). Còn đây là bước chân đơn độc, tâm trạng buồn bã đầy ương ngạnh của một nhân cách: “Đó là một chiều đông giá lạnh, gió thổi ào ào qua các rặng cây xà cừ, cây sấu nơi góc phố Bà Triệu – Hàm Long. Ông mặc một chiếc áo nhung màu vàng nhạt, đã cũ và khá mỏng, để đầu trần, tay cầm chiếc can nhựa lớn. Ông bảo với tôi ông đi mua rượu. Thấy tôi nhìn chiếc can, ông mỉm cười bảo, mua để uống trong nhiều ngày. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn rõ Dương Bích Liên, nhìn rõ ánh mắt buồn bã mà đầy uy lực trên gương mặt xanh xao của ông. Mỗi lần nhớ đến Dương Bích Liên, tôi lại nhớ đến buổi chiều đó… buổi chiều chỉ có một mình ông giữa phố phường Hà Nội giá buốt. Cô độc. Thách thức” (tr. 132). Với người làm khoa học, từ thẩm thấu tác phẩm để nhận ra con ngươi, còn với Ý Nhi, từ hiểu biết con người với tất cả những những nồng ấm về kỷ niệm thân quen, để nhận chân giá trị của tác phẩm. Chị dường như lúc nào cũng đọc được, cũng thấu cảm được nỗi cô độc bên trong tâm trạng từng nhân vật của mình. Cũng như nhiều nhân vật đầy ấn tượng trong truyện ngắn của chị, những con người ở đây dường như cũng đi lạc trong thời đại của mình. Khi quay lại với chính tâm trạng của mình, buồn bã biết bao nhiêu. Những con người tài hoa, những nhân cách lớn, nhưng đôi khi bị phủ kín trong cơn bão dữ dội, hoang tàn không chốn nương thân của thời đại lịch sử. Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Bùi Giáng, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Xuân Sách, Việt Phương, Chim Trắng, Tô Thùy Yên… đều là những con người như vậy. Viết về họ, không chỉ là một chọn lựa có ý thức, mà còn là nỗi đồng cảm sâu sắc của tác giả. Chị không phải là người xu thời, nên phần lớn các nhân vật mà chị quan tâm khắc họa đều là những số phận không may, hoặc có chút may mắn hanh thông trong đường đời, thì đều là những con người “có vấn đề” cần phải nói về họ. Điều này đòi hỏi phải có một bản lĩnh văn hóa trước không ít những thách thức nhưng lại phù hợp với cá tính của Ý Nhi. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát từng cho rằng: “Rất ít nhà thơ “dám” thẳng thắn khắc họa tính cách mình như nhà thơ Ý Nhi. Có thể họ cũng có những ý nghĩ giống chị nhưng lại được che phủ bởi những câu nói khéo hơn. Nhưng chị là vậy, thẳng thắn đến mức cực đoan, không cần biết người ta thích hay không thích chỉ biết rằng TÔI là như thế!” [7, tr. 89].
Cá tính mỗi người mỗi khác, nhưng với Ý Nhi, nhân cách là mẫu số chung không thay đổi. Cái tài của tác giả là đôi khi chỉ một câu, một vài câu ngắn gọn, có thể khái quát được cả một cuộc đời, một số phận, một nhân cách và sự nghiệp của người đó: “Theo tôi, Nguyễn Minh Châu là khuôn mặt đẹp nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại” (tr. 9); “ Sống, với Trinh Đường là đi và viết” (tr. 259); “Việt Phương vẫn đang đi tìm và chờ đợi, không ngừng đi tìm, không ngừng chờ đợi” (tr. 301); Bùi Giáng mất “nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị Phật tử khác thường” (tr. 234); “Chẳng phải chúng ta đã nhìn thấy Xuân Sách qua những trang viết đó sao. Mỗi nhà văn đều đã tự họa chân dung của mình qua tác phẩm” (tr. 222); “Xuân Diệu là người không có âm mưu, không có thủ đoạn. Có lẽ vì vậy mà ông không giữ bất cứ trọng trách nào ở Hội Nhà văn, ngoài cái chân Ủy viên Ban Chấp hành hết khóa này đến khóa khác” (tr. 281)… Chân dung là một tiểu loại ký sự nhân vật ít nhiều mang tính chất hoài cảm, kể lại những sự kiện đã qua gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật thông qua cảm thức hiện tại của tác giả, nên có sự xâm nhập của tiểu loại hồi ký. Nhiều phác thảo chân dung của Ý Nhi trĩu nặng nỗi hoài cảm, tạo nên những sinh thể nghệ thuật như những hồi ký: Nhớ Quỳnh, Bác Dụng, Ông Thông đầu trần đi dưới mưa, Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu (về Nguyên Hồng)…
Ở nước ta, người viết chân dung tác giả không nhiều. Có chăng, chủ yếu là của các nhà phê bình khắc họa chân dung bằng văn phong khoa học, hoặc phục dựng rải rác trong các hồi ký văn học của các nhà văn, nhà thơ. Trong sự hiếm hoi ấy, những tập chân dung tác giả của Ý Nhi, tràn ngập cảm xúc chân thật và đầy ắp các sự kiện, gắn liền với thời đại lịch sử của đất nước, là những đóng góp rất đáng quí, không chỉ về tư liệu mà cả về phương diện nghệ thuật.
Ngẫm lại, chỉ với thơ và hai thể văn thành công đầy ấn tượng,Ý Nhi đã có thể viết tên mình vào bên cạnh những nghệ sĩ đa tài. Hình dung về những đóng góp của Ý Nhi, Huỳnh Như Phương gọi đó là những bến bờ của sự sáng tạo [8], hoặc hình tượng hơn, Ngô Thị Kim Cúc gọi là một hình nhiều bóng [9, tr. 787], đều là cách hình dung chuẩn xác. Còn với tôi, dẫu biết rằng bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống cũng đều là “nhân học”, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng văn chương của chị đều vì con người, lấy con người làm đối tượng trung tâm và luôn đau đáu một nỗi miềm “vì nỗi đau khổ và niềm hy vọng của con người” [10, tr. 814], nên cả trong thơ, truyện ngắn và chân dung văn học của chị, đều hướng đến con người, dưới góc nhìn tâm cảm, sâu thăm thẳm, đẹp và buồn.
[1] Ý Nhi (2019), Ngọn gió qua vườn, Nxb Phụ nữ. Những trích dẫn thơ và truyện ngắn (chỉ ghi số trang) của Ý Nhi, là trích từ sách này.
[2] Lê Thành Nghị (2018), Bông cúc nhỏ nơi vườn khuya lặng lẽ, in trong Ngọn gió qua vườn, sđd.
[3] Ý Nhi (2018), Kỷ niệm không có mưa, Nxb Đà Nẵng. Những trích dẫn phần chân dung văn học, chỉ ghi số trang, là trích từ sách này.
[4,5,8] Huỳnh Như Phương (2020), “Ý Nhi và những bến bờ của sáng tạo” tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 1.2020.
[7] Nguyễn Thị Hồng Ngát (2018), Người đã biết tự chán mình, in trong Cá tính Quảng, Nxb Đà Nẵng.
[6] Thanh Thảo (2018), Thơ Ý Nhi, in trong Ngọn gió qua vườn, Sđd.
[8] Ngô Thị Kim Cúc (2019), Nhà văn-một hình nhiều bóng, in trong Ngọn gió qua vườn, sđd.
[9] Ý Nhi (2019), Lời phát biệu trong lễ nhận giải thưởng Cikada năm 2015, in trong Ngọn gió qua vườn, sđd.
*Phạm Phú Phong, Đất Quảng – 25 nhà văn thế kỷ 20, NXB Đà Nẵng, 2022.