VĂN XUÔI CỦA MỘT NHÀ THƠ

 

Văn Việt – Chiều 16 tháng 4 năm 2015, tại Heritage Space – một địa chỉ văn hóa mới và rất năng động tại thủ đô – bè bạn của nhà thơ Ý Nhi đã tổ chức cuộc trao đổi về tập truyện ngắn “Có gió chuông sẽ reo” của chị. Sau lời khai mạc của nhà thơ Giáng Vân, “nữ chủ nhân” Heritage Space, nhà phê bình Văn Giá và nhà thơ Lê Anh Hoài đã chủ trì cuộc trao đổi. Phạm Toàn, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, cặp vợ chồng Trần Đồng Minh, Lê Hoài Nguyên, Nguyễn Thanh Giang … và một số bạn trẻ đã tới dự. Mọi ý kiến trao đổi đều nói lên tình cảm đẹp đẽ với Ý Nhi và phân tích những vẻ đẹp của văn xuôi của “nhà văn trẻ”... Văn Việt xin giới thiệu hai bài phát biểu trong buổi tọa đàm (tác giả không có mặt, đã gửi bài viết tới).

Vài lời thưa của tác giả

Ý Nhi

img001Thưa quý anh chị, thưa các bạn,

Vì không thể thu xếp công việc để có thể ra Hà Nội dự buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin viết thư này, như lời chào đến quý anh chị và các bạn.

Thực lòng, tôi có phần bất ngờ về việc Trung tâm Heritage Space dành cho tôi hôm nay. Tôi viết đã lâu và đã in nhiều sách nhưng chưa khi nào tổ chức ra mắt sách. Một phần do tôi không có điều kiện, phần khác, lớn hơn, do bản tính rụt rè, không hoạt ngôn nên tôi ngại đối diện trực tiếp với người đọc. Nếu hôm nay tôi có mặt tại đây chắc chắn quý anh chị và các bạn sẽ thấy rõ điều này, sẽ thấy một người nói năng lúng túng, diễn đạt vụng về và…thở không ra hơi. Biết nhược điểm của mình, khi tốt nghiệp đại học, tôi đã không dám nhận công việc dạy học mà xin về Viện nghiên cứu Văn học. Nhưng ở nơi ấy hình như cũng quá “ náo nhiệt” với những vấn đề của nó. Thế là tôi chuyển sang làm biên tập Thơ tại NXB. Tiếp xúc với các nhà thơ không phải lúc nào cũng yên ổn, dễ chịu nhưng nói chung là khá thoải mái, và nhất là, chỉ với từng người một mà thôi. Quý anh chị và các bạn có thể coi đây là tóm tắt “ cuộc đời hoạt động” của tôi.

Tôi nghĩ, có lẽ câu hỏi được đặt ra nhiều nhất sẽ là: tại sao tôi chuyển từ Thơ sang Văn xuôi. Sự chuyển này diễn ra như thế nào…Thực ra, mọi việc cũng đơn giản thôi, thuận buồm xuôi gió thôi. Tôi nhớ, trong cuốn sách Daghextan của tôi, nhà văn Raun Gamzatov đã có một ghi chép trong sổ tay rất thú vị: ở trường đại học văn học của ông đã diễn ra một thay đổi như sau: Năm thứ nhất có 20 nhà thơ, 4 nhà văn xuôi và một nhà viết kịch, năm thứ 2 có 15 nhà thơ, 8 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 1 nhà phê bình, năm thứ 3 có 8 nhà thơ, 10 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 6 nhà phê bình, đến cuối năm thứ 5, chỉ có 1 nhà thơ, 1 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch, còn lại tất cả đều là nhà phê bình.

( xin anh Văn Giá kiểm chứng điều này). Tất nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhiều nhà phê bình văn học xuất sắc không hề làm thơ, viết văn hay viết kịch. Nhiều người đặt bút xuống là viết văn hay viết kịch, không có giai đoạn đầu và cuối va có những người viết văn rất hay rồi mới làm thơ (cũng rất hay) như Đỗ Chu hay Phan Thị Vàng Anh…Tôi trích dẫn Raun Gamzatov chỉ để nói rằng, việc một người làm thơ chuyển sang viết văn xuôi là một việc tự nhiên, thuận chiều. Dù vậy, không dễ dàng. Người viết đứng trước một vấn đề khó khăn, đó là đặc thù thể loại.

Vào khoảng năm 2000, tôi nhận thấy mình không thể làm thơ, đúng ra là, không thể viết hơn những gì đã viết. Tôi quyết định làm Tuyển thơ và dừng hẳn lại. Tôi quyết định gác bút, chỉ đọc của người khác thôi. Thế nhưng, không làm gì, không viết gì trong khi mình vẫn nghĩ, vẫn cảm, vẫn muốn nói thì thật buồn. Mặt khác, những gì mình đọc cũng góp phần thúc đẩy cho sự viết. Tôi bắt đầu dò dẫm với truyện ngắn. Truyện ngắn Cỏ, sau đó là Có gió chuông sẽ reo được nhà thơ Hoàng Hưng đưa in trên báo Lao động. Hoàng Hưng nói vui, đại ý: Đã làm được thơ thì cái gì cũng làm được tất. Có thể coi đó là một sự khích lệ cần thiết cho tôi bấy giờ. Dù vậy, tôi vừa viết vừa không ngừng tự hỏi, mình đã thực sự viết truyện hay chưa, còn những yêu cầu nào nữa mà mình không biết…Cho đến khi các nhà văn xuôi đích thực như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Ngô Thị Kim Cúc thừa nhận, tôi mới tạm yên lòng. Tôi cũng hiểu rằng, kỹ thuật chỉ là một phần của việc viết văn, bất kể ở thể loại nào.

Thưa các anh chị, thưa các bạn,

Một người viết không bao giờ có quyền an tâm với những gì mình đã viết ra. Tôi cũng vậy. Chính vì thế, tôi mong mỏi nhận được phản hồi từ các anh chị, các bạn.

Tôi xin dừng lại ở đây. Cho tôi được gửi lời cám ơn đặc biết đến các nhà văn cao niên Phạm Toàn, Vũ Ngọc Tiến, Trần Đồng Minh, Anh Chi…Xin cám ơn các anh chị, các bạn, xin cám ơn nhà văn Lê Anh Hoài, nhà văn Văn Giá, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã bớt chút thì giờ quý báu cho buổi gặp gỡ hôm nay. Cuối cùng, xin cám ơn nhà thơ Giáng Vân và Trung tâm văn hóa Heritage Space.

Một Ý Nhi văn xuôi

Phạm Toàn

Trước khi Ý Nhi nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi, thế giới đã từng gặp nhiều trường hợp tương tự. Nhà thơ Nga Pushkin từng viết “Con gái viên đại úy”, “Gái quê”, “Con đầm Pích” v…v…Thế hệ tôi từng tiếp xúc no nê mê mệt với văn xuôi của V. Hugo, bỗng khi đọc tin “nhà thơ V, Hugo được vinh danh bởi Hội đồng Hòa Bình thế giới” thì mới đầu hình như có chút hẫng … và cũng cần có thời gian học thêm thơ V. Hugo để thấy đó chính là nhà thơ viết “Những người cùng khổ”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Chín mươi ba” v…v…

Cho nên, vấn đề đặt ra trước sự kiện Ý Nhi viết văn xuôi, câu hỏi hợp lý hơn có lẽ sẽ là: tại sao nhà thơ Ý Nhi lại viết ra những thiên truyện ngắn làm lay động nỗi lòng bạn đọc?

Nhớ lại, khi còn sống, Phùng Quán từng kể chuyện lên nông trường Bắc Sơn làm công việc chăn bò. Anh chăm sóc bò rát khéo. Đến độ ông giám đốc nông trường phải khen anh. Và Phùng Quán đã nói với ông giám đốc chắc là bằng cái giọng Mệ vừa ngang ngạnh lại vừa duyên dáng khiến người nghe nuốt trôi cái ngang tàng của anh: “đã làm thơ được thì gì mà chẳng làm được?”

Tại sao năng lực làm thơ lại cứ như thể cái nghề xây dựng cơ bản trong hoạt động nghệ thuật vậy? Đó là vì con người ta ai ai cũng có cái phẩm tính thơ trong người. Phẩm tính thơ có lẽ bắt nguồn từ sự mơ mộng hồn nhiên của mỗi con người. Trưởng thành lên, có người chuyển cái phẩm tính mơ mộng đó vào hoạt động khoa học, khiến họ có được những câu hỏi (cũng mơ mộng) giúp họ đi xuyên vào thế giới của những quy luật tự nhiên, khách quan. Cũng có người trở thành những tông đồ của tôn giáo, của những dằn vặt triết học khiến cách biểu đạt thơ không đủ cho một lối thoát tinh thần. Các nhà thơ chuyên nghiệp – những người sống chết vì thơ chứ không phải những người làm thơ “trong biên chế” – là những người nhận rõ hơn cả cái điều mang tính quy luật tâm lý phổ quát đó. Vì thế, các nhà thơ chân chính bao giờ cũng rất biết rằng thơ của họ sống được trên đời, lưu hành được năm châu bốn biển, ấy là nhờ cái phẩm tính thơ nằm chờ tiềm ẩn trong lòng mỗi con người. Và thế là, “toàn dân toàn quân”, nào các nhà thơ chuyên nghiệp, rồi những người thích làm thơ, rồi những người không làm thơ mà chỉ biết yêu thơ thôi… tất cả làm thành một đạo quân độc giả vây quanh những bài thơ hay.

Ý Nhi đã có được một cảnh đời như thế với tư cách nhà thơ chuyên nghiệp. Bạn đọc đã có thể đặt tên riêng cho Ý Nhi nhờ những bài thơ Ý Nhi đã gửi cho họ. “Người đàn bà ngồi đan”. “Người ám ảnh tự do”. “Bếp núc thơ”.

Và bây giờ, có thể bạn đọc cũng sẽ gọi Ý Nhi bằng nhiều tên mới xuất sinh từ văn xuôi, truyện ngắn của chị. “Gió cho chuông reo”. “Năm cuộc điện thoại”. “Đợi tàu ngược”. “Búp bê khóc” …

Tại sao Ý Nhi thành công ngay từ lần ra quân đầu tiên vào lĩnh vực văn xuôi? Đó là vì Ý Nhi đã chọn hạ tòa thành đầu tiên là truyện ngắn. Nếu thử sức vào tiểu thuyết, sự tình có thể khác đôi chút. Mỗi truyện ngắn đều có một cái “tứ thơ” riêng của nó – một cái “vụt hiện” của nó (nói theo Hoàng Hưng) – rất khác, khác lắm, so với tiểu thuyết là cả một công cuộc ký cóp để có một nồi cơm rượu đủ loại ngô khoai sắn chưng cất ra chỉ một tác phẩm, những vật liệu gom góp theo cung cách khó mà hợp được với cái nết buông quăng bỏ vãi của nhà thơ (cả nam lẫn nữ).

Chắc chắn đã có một vụt hiện khi Ý Nhi bắt gặp những người chờ tàu ở một nhà ga xép nào đó. Nếu như Saint-Ex tiếp tục làm thơ khi dừng lại ở những ngơ ngác “họ đi đâu vậy?” “có phải chính những người vừa đi ngược nay lại đi xuôi không?”… thì người viết văn xuôi Ý Nhi trình ra cho bạn đọc những mẫu “người dịch chuyển” của thời đại chúng ta đang sống – những người bị số mệnh đẩy tới cái nhà ga nhỏ bé đó. Nhân một “vụt hiện”, Ý Nhi trình ra cho bạn đọc những con người tuy thương cảm nhau đấy nhưng không bao giờ có thể hiểu được nhau, những con người bắt buộc phải sống bên nhau và bắt buộc phải chia lìa nhau ngay khi đang còn sống và đang còn đoàn tụ…

Những mẫu nhân vật của Ý Nhi được “đặc tả” theo một cách rất thoáng của người vẽ tranh, nhưng lại khiến cho bạn đọc bàng hoàng vì sự thô nháp gây đau nhói. Cách vẽ rất thoáng: Ý Nhi không kể lể dài dòng về thân phận nhân vật, nhưng bạn đọc thừa biết nhân vật sẽ đi về đâu. Chẳng cần được tác giả kể gì thêm,người đợi tàu ngược chắc khó mà đến được với người em hờ đang ốm nặng, mà nếu đến được thì có khi cũng chỉ kịp ôm lấy xác em hoặc nhận thêm những điều bí mật hoặc những điều mờ ám hoặc những chuyện chỉ càng thêm khó hiểu. Có điều là, dù “thoáng” đấy, song cuộc đời các nhân vật truyện ngắn của Ý Nhi cũng vẫn cho thấy một tinh thần trách nhiệm cao của công dân Ý Nhi. Hãy cùng nghe lại năm cuộc điện thoại, và ta sẽ thấy mức độ nhức nhối trong câu chuyện cái chết nhẹ nhàng bình thường của một nhà thơ.

Có những lý do để nói đến một chuyện khác nữa nhân vụ việc Ý Nhi viết truyện ngắn. Đó là ý thức về lý thuyết của người cầm bút. Vào những năm 1960, Nguyễn Công Hoan định nghĩa truyện ngắn thế này: “Truyện ngắn là gì? Gọi là truyện ngắn, là bởi vì nó … ngắn”. Nhận thức ấy dẫn đến những truyện ngắn chỉ dừng lại ở trình độ “chuyện thương cảm”. Thế hệ nhà văn hiện đại kiểu Ý Nhi rõ ràng đã đưa ra cách định nghĩa khác về truyện ngắn. Truyện ngắn thế hệ Ý Nhi đã có ý thức đổi mới và có thành tựu rõ rệt. Với truyện ngắn của một Ý Nhi nhà thơ, có lẽ chúng ta có thể định nghĩa lại truyện ngắn như là tấm ảnh chụp bằng loại phim hạt nhỏ, tinh tế, và chụp bằng loại máy ảnh đã nhiều triệu năm tuổi, nhưng giờ đây – hôm nay – cỗ máy đó mới trổ hết tài năng nhìn thấu sự tuyệt vọng của con người.

Hình như khi đã có tuổi, đã trải nhiều hoặc quá nhiều, nhà thơ Ý Nhi muốn vứt bỏ vũ khí thơ, vì thơ đã không đủ sức gõ vào những trái tim càng văn minh càng thiếu nhạy cảm, càng học nhiều càng chẳng học được điều gì, càng lắm triết thuyết lại càng tàn bạo hơn thời loài người còn mông muội.

Đành phải dùng văn xuôi để nói được kỹ hơn. Nhưng chẳng biết những thông điệp văn-xuôi-thơ kia có chút tác động gì chăng?

Hà Nội, 16 tháng 4 năm 2015

Comments are closed.