Đào Dục Tú
Quả là “trong cái rủi có cái may” như câu cổ ngữ Việt đúc kết, như chuyện “Tái ông thất mã” của nước láng giềng khổng lồ mà ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm thức dân tộc ta là trường kỳ lịch sử cũng là trường kỳ “họ” mai phục, chờ thời cơ xâm lược, đô hộ đất nước Việt. Sự kiện giàn khoan “khủng long tiền sử” liều lĩnh lù lù thẳng tiến vào lãnh hải Việt Nam như chỗ không người, như biển vô chủ, quả là một tác nhân khách quan ngoài ý muốn của cả… “hai phía”, làm dấy lên làn sóng “thoát Trung”, “thoát Hán” tự phát ngoài luồng chính thống, nhiễu động và lan tỏa, tác động mạnh đến tâm tư tình cảm cũng như chính kiến “đối ngoại” của đông đảo các tầng lớp người Việt trong và ngoài nước.
Nhiều người đặt vấn đề “thoát Trung”, cụ thể là thoát cái gì? Người Việt thời hội nhập toàn cầu thế kỷ 21 có muốn thoát Trung thật sự hay không và có… khả năng “thoát” được không? Tôi không dám lạm bàn cả ba vấn đề quá sức ấy. Chỉ xin đưa ra một vài suy ngẫm tản mạn, góp thêm ý cho câu trả lời “thoát Trung trước hết, cụ thể là thoát cái gì?”.
Tôi nghĩ nôm na, thoát Trung không phải là thoát cái bóng ma mờ ảo lớn vởn chân mây nào trong tâm thức, lại càng không thể thoát Trung… chung chung trừu tượng mà cụ thể, dứt khoát là thoát mô hình tư tưởng Trung Quốc. Tư tưởng ấy cổ lai xuyên suốt trường kỳ lịch sử dựng nước của dân tộc, tính hàng nghìn năm Bắc thuộc và hàng nghìn năm “hậu Bắc thuộc” tiếp theo.
Không phải là tôi “nhai lại linh ngữ”, thuộc lòng chân lý “tư tưởng chính trị là thống soái” của “mặt trời chân lý” đỏ đen nào. Tôi chỉ tự cắt nghĩa giản dị: Xưa nay suy nghĩ, tư tưởng quyết định hành động của con người. Hành động dẫn tới kết quả mọi đại sự tiểu sự ở đời. Một con người, một gia đình, mở rộng là cả một quốc gia, một dân tộc, cũng vậy. Kết quả xấu tốt của mọi hành động tùy thuộc đúng sai, hay dở, tiên tiến hay lạc hậu với thời đại của hệ tư tưởng, có vậy thôi! Nhân tư tưởng nào, quả hành động ấy.
Mấy ai không biết kỷ nguyên độc lập tự chủ của người Việt khởi nguyên từ sự kiện chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Năm 939, Ngô Vương Quyền định đô Cổ Loa chân thành Ốc cách chân tre làng Dục Tú quê tôi chỉ một cánh đồng, chính thức chấm dứt nghìn năm đô hộ của các triều Tần, Hán phong kiến phương Bắc.
Tiếp đó, các triều đại “Đinh Lê (tiền), Lý Trần xây nền độc lập – cùng Hán Đường Tống Nguyên hùng cứ một phương” (Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi). Bốn triều đình phong kiến “hậu Bắc thuộc” này, như mọi người đều biết, tôn Phật Giáo du nhập đã được Việt hóa lâu đời là quốc giáo, quốc đạo. Trong triều đình, người ta thấy có không ít các vị cao tăng uyên bác kiến thức tề gia trị quốc giúp việc “quân sư cố vấn” cho vua. Ngoài xã hội, đạo Phật thịnh hành; chốn dân gian đâu đâu cũng dựng chùa, đúc chuông tô tượng, tạo nên một thời phong khí xã hội thịnh trị an bình, đậm màu thuần phong mỹ tục Việt.
Thời bấy giờ sử sách còn ghi vua Đinh Tiên Hoàng xuất thân trẻ chăn trâu “cờ lau tập trận” nhiều khi “quên cả mình là bậc quân vương”, vẫn gác chân “úp thìa” “ngủ chung giường tập thể trên nhà sàn” với người tâm phúc, khiến sứ giả phương Bắc lấy làm lạ! Đại tướng quân võ công hiển hách như Tiết chế Quốc công Trần Hưng Đạo mà coi lính như… con cái trong nhà “trên dưới một lòng phụ tử – hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Hịch tướng sĩ).
Triều chính giản dị, quan với vua, quan với dân không “nhất tự cách trùng”. Tinh thần thân dân ấy của triều chính phong kiến Việt dần dần phai nhạt bắt đầu từ triều (hậu) Lê; nhất là sau thời điểm khai quốc công thần – danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi mắc họa “tru di tam tộc” trong vụ án oan lịch sử Lệ Chi Viên, triều Lê bị “loạn thần tặc tử” lũng đoạn “mất đối trọng can gián”. Nho giáo trở thành quốc giáo, quốc đạo chính thống với những tư tưởng và thiết chế, kỷ cương hà khắc, xem đạo trung quân trên cả đạo hiếu đễ với cha mẹ (tam cương: Quân sư phụ); coi vua là “trời” (thiên tử) chúa tể thiên hạ.
Vua toàn quyền sinh sát với thần dân kiến cỏ dưới gầm trời, triều đình chỉ còn là đấu trường tranh đoạt quyền lực, vinh thân phì gia; quần thần chỉ là công cụ trong tay hoàng đế. Thời điểm lịch sử “hoàn thiện” mô hình phong kiến quân chủ tập quyền; cấu trúc bộ máy cai trị trên dưới y hệt thiên triều phương Bắc. Nho giáo chỉ còn trơ cốt xương khô là tư tưởng trung quân tuyệt đối “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua ban chết thần không chịu chết là không… trung thành, là tội đại nghịch khi quân phạm thượng).
Hệ tư tưởng Nho giáo bao trùm thiên hạ như một cái cũi, cái lồng nhốt chặt con người. Hỏi thời phong kiến trung cổ dằng dặc nghìn năm tưởng vô tận vô cùng như thế mấy ai dám nói ra công khai khí phách “phá cũi sổ lồng” như danh nhân Cao Bá Quát, coi trời “bằng vung”?! (Nhất lung thiên địa tàng thân thiểu. Diễn dịch: Một cái lồng trời đất cũng là nhỏ, không nhốt đủ, nhốt được cái thân… đại trượng phu này).
Cho mãi tới triều Nguyễn thế kỷ 19, nước Nhật dưới triều Minh Trị đã mở cửa canh tân, học hỏi công kỹ nghệ phương Tây, phục hưng dân trí qua con đường học vấn giáo dục văn minh; biến nước Nhật quân chủ thành một thế lực hùng cường ở phương Đông châu Á thì vua quan nhà Nguyễn “ta” vẫn lúng túng như gà mắc tóc, giống hệt triều đình nhà Thanh “bên kia biên giới” thời “chiến tranh nha phiến”, trước áp lực xâm chiếm thuộc địa của thực dân phương Tây.
Mô hình phong kiến tập quyền bảo thủ trì trệ, lạc hậu và phản động hiểu theo nghĩa chống lại đà lịch sử nhân loại tiến hóa, chốt chặt cửa, bế quan tỏa cảng trước mọi yêu cầu canh tân của lịch sử dân tộc. Đấy là chuyện từ ngày xửa ngày xưa…thời ngai vàng tàn lọng ông cống cụ nghè….
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong vòng vây thù trong giặc ngoài. Ai cũng biết tình thế lúc bấy giờ một đầu phía Bắc giặc Tàu (Tưởng), một đầu phía Nam giặc Tây (liên quân Anh Pháp), nước Việt Nam mới ra đời, cáo chung lịch sử phong kiến hàng nghìn năm, là một kỳ tích.
Và sự tồn tại vững vàng của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ ấy trên cơ tầng xã hội mà giặc đói giặc dốt cộng lực với giặc ngoại xâm hoành hành, lại càng là một kỳ tích!
Cho đến khi cương lĩnh chính trị của Đảng Lao Động Việt Nam tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, từ năm 1951 ghi rõ giấy trắng mực đen “tư tưởng Mao Trạch Đông, đạo đức tác phong Hồ Chủ tịch”, người ta mới “ngộ” ra một điều: hình như “mô hình tư tưởng quân chủ phong kiến tập quyền Trung Quốc ngày xưa được “chuyển giao lịch sử” cho mô hình tư tưởng cách mạng vô sản Trung Quốc hiện đại có tên tư tưởng Mao Trạch Đông. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do tình thế lịch sử bắt buộc chăng?
Chỉ biết thực tế: thế là diễn ra “chỉnh phong” đấu tranh tư tưởng, đấu tố tư tưởng kiểu…Tàu, đến độ nghe nói cụ Hoài Thanh xin không nhận Thi Nhân Việt Nam là “đứa con tinh thần” yêu quý nữa (!); thế là lặp lại ba giai đoạn kháng chiến cầm cự, phòng ngự, phản công… kiểu chiến tranh du kích Lâm Bưu – Tàu. Thế là Cải Cách Ruộng Đất “kinh thiên động địa” kiểu… phim Bạch Mao Nữ – Tàu với “chỉ tiêu cứng” bất di bất dịch 5% địa chủ cường hào phản động ở tất cả các làng quê. Thế là “cố vấn” chỉ đạo “trận địa chiến biển người” kiểu Tàu ở Điện Biên vân vân và vân vân…
Qua các thời kỳ công xã đại nhảy vọt, đặc biệt thời kỳ đại cách mạng văn hóa “đất bằng nổi sóng”, người ta không khó hình dung mô hình phong kiến tập quyền ngày xưa được tân trang cách mạng vô sản như thế nào; “hoàng đế đỏ” của nước láng giềng phương Bắc thao túng chính trường, làm đại náo thiên hạ, đại loạn thiên hạ ra sao. Rất đặc trưng tham vọng bá quyền thế giới khi “thiên tử đỏ” đứng đầu Trung Nam Hải thời “môi hở răng lạnh” nói với các vị lãnh đạo Việt Nam rằng ông ta muốn “các đồng chí Việt Nam biết điều này” là tôi mong được cầm ngọn cờ lãnh đạo đại quân ba trăm triệu bần nông Trung Quốc… di dân di thực xuống Đông Nam Á!
Điều đáng nói, như một sự trớ trêu của lịch sử; ngay ở thời điểm “hữu hảo” họ cũng chỉ coi Việt Nam là bạn tạm thời trước mắt, có tính chiến thuật, là kẻ thù lâu dài, có tính chiến lược. Chỉ thị tuyệt mật của “mặt trời đỏ” giấy trắng mực đen ghi rõ “bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta” (trích Văn kiện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua, công bố tháng 10-1979).
Người viết “đồng niên” với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tự xét thấy không đủ sức lạm bàn về hoàn cảnh lịch sử cụ thể thời kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ song hành với diễn trình “tự Hán hóa” và “Hán hóa cưỡng bức” trong quá trình bang giao hai nước một thời tiền tuyến hậu phương, một thời “bên kia biên giới là mình”, một thời…
Không hiểu sao đụng đến chuyện thoát Hán, trong đầu tôi lại chỉ nhớ mang máng một chuyện hi hữu: được cấp dưới trình bày “tình hình nhiệm vụ mới”, câu hỏi của một vị có trách nhiệm “cao ngất nghểu” bật ra tức khắc: “Các đồng chí Trung Quốc đã làm chưa?” (nhà báo lão thành Trần Đĩnh kể lại trong cuốn Đèn Cù). Hóa ra những mô hình kinh tế xã hội “duy ý chí là chính” sau khúc quanh lịch sử trọng đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, bấy lâu nay ngỡ tưởng chỉ là “sáng tạo Việt” nguyên bản, độc bản, độc quyền Việt! Hóa ra hình như không phải thế!
Hình như, chẳng hạn, mô hình hợp tác xã nông nghiệp cấp cao toàn xã hướng tới chủ trương biến cấp huyện thành pháo đài xã hội chủ nghĩa, đặt quyền quản lý vào tay những người nông dân vừa thoát khỏi vị trí quản lý “kinh tế gia đình” rồi “kinh tế xóm”, cũng na ná như Đại công xã ở… bên kia biên giới. Mọi người chưa quên để khuếch đại mô hình sản xuất lớn duy ý chí theo đuổi đến cùng mục tiêu “thắng đế quốc” ví như “diệt chim sẻ” hoặc dùng lò thủ công luyện gang thép rất phản khoa học, phi thực tiễn, “thiên tử đỏ” đã đưa một ông chủ nhiệm đại công xã Chu Vĩnh Quý “bay trực thăng vào Bộ Chính trị” như người Trung Quốc thời xưa mai mỉa.
Ai cũng biết rằng mô hình tư tưởng là cái gốc “đẻ” ra mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, mô hình kinh tế xã hội, “vẽ” ra chính sách đối nội đối ngoại, v.v. Vậy tóm lại nôm na thoát Trung trước hết là thoát mô hình tư tưởng, cái gốc của mọi mô hình thực tiễn, thời xưa lẽ ra đã phải… ý thức thế và thời nay càng phải thế!
Nghĩ miên man từ quá khứ đến hiện tại không khỏi thấy bâng khuâng lo lắng. Thoát Trung quả là một thách đố lịch sử nặng nề! Nhưng người Việt dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một sự thật chua chát đáng buồn rằng: Không thoát cũng không xong, không… muốn thoát cũng buộc phải thoát!./.
Nguồn: http://kimdunghn.wordpress.com/2014/08/28/thoat-trung-mot-thach-do-lich-su/