Thơ Rainer Maria Rilke

Phạm Kỳ Đăng dịch

rainer_maria_rilke

 

Rainer Maria Rilke (tên đầy đủ: René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke; 1875 – 1926) là một nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ 20.

 

Tiểu sử: Rainer Maria Rilke sinh ở Praha, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là Cộng hoà Séc) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Praha, sau đó ở München), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học Văn học, Lịch sử nghệ thuật, Triết học ở Đại học Praha, Đại học München, Đại học Berlin.  Những tập thơ đầu tiên, Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt (Đăng quang trong mơ, 1897)…, thể hiện những đề tài theo khuynh hướng suy đồi cuối thế kỉ 19. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Lew Nikolajewitsch Tolstoi và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Nga.  Năm 1901 kết hôn với nữ điêu khắc gia, họa sĩ Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến thứ nhất xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở München, năm 1919 sang Thụy Sĩ . Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Bi ca Duino) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Genève. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại dưỡng viện Val-Mont. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ yêu thích khắc trên bia mộ: Rose, oh reiner Widerspruch, Lust, Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern. (Dịch: Bông hồng, ôi mâu thuẫn tinh khiết, thích thú là giấc ngủ không của riêng ai dưới bao hàng mi).

 

Trong một bài trò chuyện với độc giả, Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013) – nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức, người được tôn vinh là Giáo hoàng văn học – nói về con người và thơ Rainer Maria Rilke:

 

„ Ông là người hùng, là thánh nhân của nhiều thế hệ Đức, hơn thế nữa, của cả độc giả châu Âu. Đối với họ, ông là hiện thân của thi ca, cái tên âm vang tiết tấu Rainer Maria Rilke trở thành biểu niệm của thơ. Tuy nhiên khác với những nhà thơ lớn khác của thế kỷ qua, mặc dầu không phải trước tiên, Rilke cũng còn được cảm nhận như nhà tiên đoán và nhà tiên tri nữa. Người ta đón nhận lời ông như đấng cứu thế và như một thứ thay thế tôn giáo.

 

Có thể hôm nay khó mà chịu đựng bộ dạng của nhà bói thuật, và đòi hỏi sự tiên tri ở một nhà chính trị hay một nhà thơ thường cũng bị coi là lỗi thời. Nhưng ngay cả ngày hôm nay, người ta rất khó cưỡng lại tiết tấu của những câu thơ này, trước sau chúng làm ta say mê, với âm vận ngọt ngào, thanh âm cao khiết, sự viên mãn ảnh hình đến mức phung phí.

 

Rilke biết cách xử dụng vần điệu như rất ít nhà thơ trong lịch sử của nền văn học (Đức) chúng ta. Thơ của ông là kỳ tích chinh phục điều không sao nói được. Như vậy Rilke đã thành công trong việc khai mở cho thi ca Đức những địa hạt hầu như không một ai biết đến sự tồn tại của chúng.

 

Ở ông không thiếu vắng tiếng thầm thì và khoảng tối. Nhưng chính vì lẽ đó trong những vần thơ ông, nhiều biểu đạt hàm súc có được sức thuyết phục, sức tác động nhờ một sự trong sáng tuyệt vời, một sự dung dị đáng ngạc nhiên. Không ít những biểu đạt này có thể dễ dàng đem trích dẫn, như những lời có cánh của Schiller (3) hay những câu dân dã trong thơ của Heine. Chúng ta yêu mở đầu bài thơ trang trọng: „ Kính Cha, thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn“. Thường xuyên và thích thú, chúng ta trích lời chỉ dẫn đầy gợi cảm mang chất bi ca: „Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa“.

 

Người ta trích dẫn thơ đầu tay của Rilke, không thuộc về những tác phẩm hay nhất của ông, nhưng, trong hàng triệu ấn bản được phổ biến và làm nổi danh như không dòng thơ đầu tay nào sánh nổi, thậm chí đã khiến ông có thể trở thành một nhà thơ dân gian. Ý tôi nói về „Khúc ca Tình yêu và Cái chết của Cornet Christoph Rilke“. Tôi chưa bao giờ quên lời giáo đầu: “ Phi, phi, phi qua ngày và đêm… Và ngày mệt rồi nỗi nhớ nhung rồi lớn“.

 

Không nên để cho âm nhạc mê hồn bằng lời của Rilke khiến chúng ta bỏ qua hoặc đánh giá thấp thực tế rằng Rilke đã nhận chân tinh thần thời đại và biểu cảm một cách chính xác. Ông là tác giả của câu thơ luôn được trích dẫn xác đáng viết từ năm 1908, câu thơ diễn đạt đau thương của cả một thế hệ và, trước câu thơ này Gottfried Benn đã nghiêng mình biết ơn: „ Ai nói về chiến thắng ư? Vượt qua là tất cả“.

 

Trong vở kịch „Don Carlos“, hầu tước Posa đã cầu xin hoàng hậu nói tới hoàng tử chính là người bạn của mình: „ Với những giấc mơ tuổi trẻ, cần cẩn trọng mới đáng mặt nam nhi “.Thuộc về giấc mơ của tuổi trẻ còn là những tác phẩm văn học, sẽ còn xâm chiếm lòng ta, bởi vì chúng luôn gặp gỡ chúng ta đúng lúc – và chính vì thế mãi mãi không thể nào quên.“

 

 

 

NGÀY THU

 

Kính Cha: thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn.
Hãy che bóng lên đồng hồ mặt trời
Và trên nội ngàn thả gió bay đi khắp.

 

Lệnh cho trái quả cuối mùa căng mọng!
Cho chúng thêm đôi ngày nắng phương nam!
Dồn thúc chúng đến kỳ hoàn tất,
và chắt vị ngọt cuối cùng
vào rượu vang nồng nã.

 

Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa
Ai đơn thân, sẽ bóng chiếc dài lâu
Sẽ thao thức, viết thư dài, đọc sách
Và đi đi lại lại trên những đường rợp bóng,
dạo bước bồn chồn, mỗi khi lá cuốn qua.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

 

TÔI SỐNG ĐỜI TÔI TRONG NHỮNG VÒNG LAN TỎA

 

Tôi sống đời tôi trong những vòng lan tỏa,
ở trên bề mọi sự vật cuộn dâng.
Có thể tôi sẽ chẳng hoàn tất vòng cuối cùng
nhưng mà tôi muốn mình gắng thử.

 

Tôi bay vòng quanh Chúa, quanh ngọn tháp tiền sử
và lượn bay tự bấy ngàn năm
và tôi còn chưa biết: tôi là một cơn giông
là chim ưng hay một khúc ca lớn.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

CÓ NHỮNG ĐÊM TRẮNG SAO HUYỀN DIỆU

 

Có những đêm trắng sao huyền diệu
Mọi vật như bằng bạc ánh lên
Kia một số ngôi sao mau lấp láy
Ngỡ mang theo những mục tử sùng tin
Tới Đức Chúa Giê su hài đồng mới.

 

Như rắc dầy bụi kim cương xa tới
Bỗng hiện ra sông lạch, đồng bằng
Vô bao trái tim khoan hòa mộng
Một đức tin không nhà nguyện vút dâng
Đang lặng lẽ mở khai điều huyền diệu.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

MÙA THU

 

Lá trút xuống, ngỡ từ xa xăm rụng
Tự những vườn xa vừa úa trong bao trời
Với cử chỉ rũ bỏ, chúng rơi.

 

Và trong nhiều đêm, trái đất trĩu nặng
Từ mọi vì sao rụng vào lòng cô quạnh.

 

Tất cả chúng ta rơi. Cánh tay đây hạ xuống
Bạn nhìn kỹ tay kia: thảy trong muôn một.

 

Ấy còn đấng Ngôi Nhất, Người đang giữ trong tay
sự rơi này, êm đềm vô tận.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

GIỜ HỆ TRỌNG

 

Ai bây giờ khóc trên thế giới, ở nơi nào đó
chẳng cơn cớ chi khóc ở trên đời
đang khóc về tôi.

 

Ai bây giờ nơi nào đó cười trong đêm tối
cười trong đêm chẳng duyên cớ gì
báng cười tôi đó.

 

Ai bây giờ trên thế giới đi về đâu đó
không nguyên cớ đi trên trần thế
đang bước tới tôi.

 

Ai bây giờ chết trên thế giới, ở nơi nào đó
không nguyên cớ chết trên trần thế,
đau đáu nhìn tôi.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

DÒNG SUỐI CÓ ĐIỆU NGÂN NHỎ NHẸ

 

Dòng suối có điệu ngân nhỏ nhẹ
Ở nơi xa bụi bặm và thị thành
Vẫy tới lui những tán cây xanh
Và làm cho tôi sao mòn mỏi.

 

Rừng hoang dã và thế giới rộng rãi
Trái tim tôi lớn và sáng trong
Có một nỗi cô đơn bàng bạc
Ôm lấy mái đầu tôi vào lòng.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

ANH MUỐN GẶP EM NGOÀI TRỜI KIA

 

Anh muốn gặp em ngoài trời kia
nếu tháng Năm đơm bao điều kỳ diệu
nếu một sự ban phước lòng êm dịu
nhỏ giọt rơi từ mọi nhánh cành

 

Nếu hoa nhài vươn những cánh tay trắng
tới nẻo đường thập tự mảnh tơ
mau lẹ phủ ý đau thương vĩnh cửu
của vầng trán Đức Chúa Giê su.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

NÀNG ẤY TỪNG LÀ

 

Một đứa trẻ không mong, cũng bị đẩy
Khỏi kinh cầu mẹ nguyện đêm đêm
Và mãi mãi rời xa Khúc Kinh Lớn
Ban phát đi suốt những kỷ nguyên.

 

Nàng ít ước nguyện – và chỉ thư thoảng
Tràn qua nàng như một tiếng khóc rung
Ước một đất nước với lều hồng tím (1)
Ước một giai điệu nhạc lạ lùng,

 

Ước những con đường trắng, không vẩn bụi
Rồi kết hoa hồng vào mái tóc trần
Mà chưa bao giờ tin vào tình ái
Cả khi trời sâu trong tiết mùa xuân.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

NẾU NGHIÊM KHẮC ANH NHÌN VÀO MẮT

 

Nếu nghiêm khắc anh nhìn vào mắt
Thường lời em ngân tiếng não nùng
Như cây đàn luýt nhẹ rung
Người thợ cô quạnh xưa từng chế ra
Nhớ thương lòng cất lời ca.

 

Từ đó học khúc ca hời hợt
Ngày đàn ưa đệm nhảy ríu ran
Kẻ mộng mơ tóm lấy đàn
Đàn như bừng tỉnh lệ tràn lại ca
Nỗi niềm thương nhớ quê xa.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

BUỔI CHIỀU ĐẾN TỪ NƠI XA BƯỚC

 

Buổi chiều đến từ nơi xa bước
qua lùm thông tuyết phủ, nhẹ không
Rồi chiều áp đôi má mùa đông
lên mọi khung cửa sổ nghe ngóng.

 

Và mỗi ngôi nhà trở nên yên ắng
những cụ già trên ghế bố trầm ngâm,
những người mẹ như các bà hoàng hậu,
Trẻ con không muốn bắt đầu
trò chơi của chúng. Các cô hầu gái
không còn xe sợi nữa. Buổi chiều hướng nội im nghe
và bên trong người nghe lắng ngoài kia.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

ĐÔI KHI NÀNG CẢM THẤY CUỘC ĐỜI LỚN

 

Đôi khi nàng cảm thấy cuộc đời lớn
hoang dã hơn, như dòng sông sủi sóng
hoang dã hơn, như cơn bão trong cây
và lặng lẽ thả băng những phút giây
hiến tâm hồn cho những giấc mộng.

 

Sau nàng thức giấc. Kìa đó một ngôi sao
im lìm đứng trên miền êm ắng,
Ngôi nhà nàng có những tường vẹn trắng –
Nàng nghiệm ra: cuộc đời lạ và xa
và nàng chắp hai bàn tay về già.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

MỘT LẦN NỮA ANH LẠI MUỐN ĐƯỢC TRÔNG

 

Một lần anh lại muốn được trông
công viên với những đường bồ đề cũ,
với người êm tiếng nhất của muôn thiếu phụ
sánh bước đi tới hồ nước thánh thần

 

Điệu phô trương, những con thiên nga óng ngần
nhẹ lướt nước phẳng phiu lấp loáng
Từ đáy sâu những bông hồng ló dạng
như huyền thoại về một thành phố đắm chìm.

 

Và chỉ riêng chúng ta trong vườn ấy
trong đó hoa tựa những trẻ thơ
Ta mỉm cười, nghe lắng và đợi chờ
và không tự hỏi mình, ai đó…

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

TÔI ĐÃ ĐI QUA MỘT ĐẤT NƯỚC BUỒN

 

Tôi đã đi qua một đất nước, qua một đất nước buồn
Dòng sông nhợt nằm trên cát phẳng
Như giải băng ở trên nôi trống vắng
Ở bên trên từ màn sương ướt đầm
Cây liễu đờ ra bàn tay người chết.

 

Quá buồn lòng. Tôi đứng và sững người
Tôi đã thấy em bên vệ đường ngồi co quắp
Xưa tôi từng biết em và hạnh phúc
Em khóc vùng và chẳng liên can
Và tôi hỏi em: có phải chăng là đất nước quê em?

 

Em gật đầu, em đã gật đầu như tỉnh mộng
Anh lại gọi tên em như thuở xưa kia
Mà thế đó hình ảnh em đã tản mát, đã biến đi
Những cây phong cháy trong hoàng hôn lửa
và thần chết đi qua đất nước quê hương em rực đỏ.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

BUỔI CHIỀU ĐÃ LÀM TÔI MỎI MỆT

 

Buổi chiều đã làm tôi mỏi mệt
và trong các giác quan của tôi râm ran
những ước vọng nhỏ cùng lũ dế đàn.

 

Nơi miền đất nhạt nhòa trải rộng,
những tòa biệt thự toàn màu trắng
nằm sau áng hoa hồng rực đỏ.

 

Nằm như trên điếm canh im ắng
những ngôi biệt thự trắng
bên mé bờ tĩnh lặng của đêm xuân.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

TÔI THƯỜNG NGHĨ TRÊN CHUYẾN ĐI THƯỜNG NHẬT

 

Tôi thường nghĩ trên chuyến đi thường nhật,
Một giấc mơ cứu giúp, trong đêm,
tới hôn lên vừng trán tôi bức bối
với đôi môi mát lạnh và êm.

 

Rồi sau nữa tôi khát khao nhìn thấy
sao lung linh. – Ngày nhỏ và trụi trơ,
Đêm xa tắp, có biên giới bằng bạc
Có thể như một huyền thoại đến giờ.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

MI, NỖI CÔ ĐƠN THIÊNG LIÊNG CỦA TA

 

Mi, nỗi cô đơn thiêng liêng của ta

Mi tinh khiết, giàu sang và vời xa nhường vậy

Như một ngôi vườn thức dậy

Nỗi cô đơn thiêng liêng của ta, nào mi

hãy giữ khép những cánh cửa vàng ròng đi

ở trước đó những ước mong chờ đợi.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

LÂU ĐÀI TRẮNG TRONG NỖI CÔ ĐƠN TRẮNG

 

Lâu đài trắng trong nỗi cô đơn trắng
Trong sảnh choáng bong len lỏi nỗi bàng hoàng
Ốm như sắp chết, dây leo bấu chặt lấy tường
Và mọi con đường xuống thế ngập chìm trong tuyết.

 

Bầu trời cô liêu và mở treo trên cao hết
Lâu đài chói sáng. Và dọc theo những bờ tường trắng mịt mùng
Nỗi nhớ vịn men đi với những bàn tay lạ lùng
Đồng hồ dừng trong lâu đài: thời gian đã chết.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

PHƯƠNG CHÂM

 

Đó là mong nhớ: sống trong ào ạt
và không có quê hương ở thời
Và đây ước nguyện: đối thoại nhẹ êm lời
với vĩnh cửu, hàng ngày trong từng giờ khắc

 

Và đó là cuộc đời. Cho tới lúc
từ một ngày hôm qua giờ cô quạnh nhất dâng lên,
mỉm cười khác những người chị em (2)
đang trực diện làm thinh với vĩnh cửu.

 

Nguyên tác tiếng Đức

 

 

DỰ CẢM

 

Tôi như một lá cờ bị những miền xa vây bủa
linh cảm những ngọn gió đang tới và phải trải qua
trong khi vạn vật còn chưa chuyển lay bên dưới
cửa còn nhẹ đóng, tĩnh lặng trong bếp lò
cửa sổ chưa run rẩy, và bụi còn nặng hạt.

 

Đó đây tôi đã biết những cơn bão và tôi rung như biển cả
tôi trải người và rơi thẳng vào trong tôi
và quăng mình đi, tôi hoàn toàn đơn côi
trong cơn bão lớn.

 Phạm Kỳ Đăng

 

 

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

 

Chú thích của người dịch:

(1) Purpurzelt: Hình ảnh quen thuộc ám chỉ cảnh rạng đông.

(2) Những giờ khắc khác, danh từ giờ trong tiếng Đức thuộc giống cái.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.