Thơ Roberto Juarroz

Thơ Roberto Juarroz

Diễm Châu dịch

081226R-JuarrozVăn Việt: Roberto Juarroz – nhà thơ nổi tiếng người Argentina là một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất của châu Mỹ la tinh hiện đại. Ông là tác giả của nhiều tập thơ có chung một tựa đề, chỉ khác các số thứ tự; Poesia vertical 1, 2, 3…Thơ thẳng đứng. Tất cả các bài trong các tập đều không mang tên. Theo ông:”Không có tựa, tập thơ trực tiếp mở ra trước những bài thơ, gần như những tấm tranh mà sự thiếu vắng tựa miễn cho ta những cái quanh co của việc giải thích…”

Khi được hỏi về ý nghĩa của tạp chí Poesia= Poesia do ông chủ trương, ông đã trả lời:” Cùng với cái tựa báo-tuyên ngôn đó, chúng tôi đã muốn bênh vực cái ý niệm rằng Thi ca chỉ ngang bằng với chính Thi ca, Thi ca không thể thuộc về chính trị, xã hội học hay triết học”.

Nhà thơ Diễm Châu đã chuyển ngữ toàn bộ tập Thơ thẳng đứng thứ 12 của Roberto Juarroz. Văn Việt xin giới thiệu một số bài trích từ tập thơ này.

 

1.Lâu lâu có định kỳ

 

cũng cần phải điểm danh các sự vật

xác nghiệm lại một lần nữa sự có mặt của chúng

cần phải biết

cây cối có còn ở đó

chim chóc và hoa

có tiếp tục cuộc đấu giao hữu thật khó tin của chúng

những làn ánh sáng lẩn khuất

có còn theo đuổi việc cung cấp gốc rễ của ánh sáng

những kẻ láng giềng của con người

có còn nhớ tới con người

thần linh có nhường

không gian của mình cho một kẻ thay thế

tên em có còn là tên em

hay đã là tên tôi

con người đã hoàn tất hay chưa, việc tập sự

nhìn thấy bản than từ bên ngoài

 

Và khi kiểm điểm

cần phải tránh nhầm lẫn :

không một vật nào lại có thể lấy đặt tên cho một vật khác

không có gì được thay thế cho những gì vắng mặt.

 

 

 

 

 

2.Hắn vẽ cửa sổ ở khắp nơi

 

trên những bức tường quá cao

trên những bức tường quá thấp

trên những vách ngăn nhẵn nhụi, trong những xó xỉnh

trên không khí và cả nơi trần nhà

 

Hắn vẽ cửa sổ như thể vẽ chim

trên mặt đất, trên đêm tối

trên những ánh mắt rõ ràng là mờ đục

trên những vùng lân cận cái chết

trên những nấm mộ, trên cây cối

 

Hắn vẽ cửa sổ cả trên những cánh cửa ra vào

nhưng không bao giờ vẽ một cánh cửa

hắn không muốn bước vào cũng chẳng muốn bước ra

hắn biết rằng điều ấy không thể được

hắn chỉ muốn nhìn: nhìn thấy

 

Hắn vẽ cửa sổ

ở khắp nơi.

 

 

 

3. Nín thinh một vài bài thơ

 

không phiên dịch chúng ra từ im lặng

không phủ che những hình thù của chúng

không cả đến tạo hình chúng:

để chúng đọng lại như những cánh chim bất động

trên cành cây bị vùi lấp

 

Chỉ như thế mới vọt ra những bài thơ khác

chỉ như thế máu mới vạch một lối đi

chỉ như thế viễn ảnh đang thiêu đốt chúng ta

mới nhân ra vô số như những ổ bánh

 

Những bài thơ nín thinh

chứng tỏ với chúng ta rằng phép màu luôn luôn trẻ

và cuối cùng, khi tất cả đều lặng thinh

có lẽ những bài thơ ấy

cũng làm bật ra một bài thơ khác

 

 

4.Có lẽ tôi có thể quên đi điều mình đã viết

 

và viết lại điều đó cùng một cách ấy

 

Có lẽ tôi có thể quên đi cuộc đời mình đã sống

và sống lại cuộc đời đó cùng một cách ấy

 

Có lẽ tôi có thể quên đi cái chết mà tôi sẽ chết ngày mai

và chết lại cái chết đó cùng một cách ấy

 

Nhưng luôn luôn có một hạt bụi ánh sáng

bẻ gãy guồng máy của những điều lặp lại

 

Có lẽ tôi có thể quên đi điều mình đã yêu

nhưng không thể yêu lại điều đó cùng một cách ấy.

 

 

 

5.Đôi khi dường như

 

ta đang ở giữa một hội lễ

thế tuy nhiên

ở giữa hội lễ không có một ai

ở giữa hội lễ là cái trống-không

 

Nhưng ở giữa cái trống-không có một hội lễ khác.

 

 

6.Có một tiếng gọi âm ỉ ở khắp nơi

 

đôi khi nó trờ tới

như một nhịp không có trong phân bè

như một cánh hoa dôi ra

một luồng hơi thoát khỏi không khí

một cái tên xa lạ kêu tên chúng ta

hay một biến giọng vời gọi chúng ta

từ bên trong chính giấc mộng của chúng ta

 

Nếu chúng ta đi tới phía nó, nó biến mất

nếu chúng ta không đi tới

chúng ta cảm thấy như khoảng trống gia tăng

mỗi ngày chúng ta ghi nhận cùng với sự thiết tha hơn

cái tiếng gọi ở bên dưới của hết mọi từ ngữ ấy

 

Nhưng bí quyết không phải là đi tìm kiếm nó

chẳng phải là theo đuổi dấu vết nó như những kẻ đuôi mù

cũng chẳng phải là tìm cách đáp lại nó

 

Đó là tiếng gọi duy nhất

không buộc phải đáp lại:

nó chỉ đòi hỏi một tiếng gọi khác.

 

Có lẽ đấy là ý nghĩa của hết mọi sự: một cuộc gặp gỡ của những tiếng gọi.

 

 

7.những khoảng để trắng

 

Trong bài thơ

trong cuộc đời

có lẽ cả trong cái chết

 

Chúng trĩu nặng hơn những thứ khác

 

Phải chăng màu trắng nặng hơn

là những màu khác?

 

Hay những khoảng để trắng

cũng không phải là để trắng?

 

 

8. Những lớp thủy triều của ngôn ngữ

không phải bao giờ cũng có cùng một nhịp

những con nước ròng không có giờ cố định

và đôi khi bỏ lại chúng ta bơ vơ trên bãi biển

ẩm ướt thê lương

với nỗi sợ ngấm ngầm một con nước rút

không bảo đảm trở lại

 

Và mặc dù chúng ta đã quen

với sự hạ xuống thật may rủi

của mực nước các sự vật

thường bỏ lại chúng ta dở sống

ở một ngã tư thơ dại nào đó

những con nước rút của ngôn ngữ

vẫn không làm chúng ta quen

với tình cảnh thật lạ thường

của những kẻ không đắm tàu mà chìm đắm

 

Khi những con nước lại dâng lên

khi ngôn ngữ trở lại cư ngụ nơi chúng ta

chúng ta bỗng dưng cảm thấy

rằng trong con nước ròng chung cục của cuộc đời

có lẽ nỗi muộn phiền lớn nhất

sẽ là sự vĩnh viễn bỏ mất ngôn ngữ.

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.