Southbank Melbourne, 15-5- 2016
for Q.
Cây xáo động và chim gỡ rối
những lát đá đường đằm tĩnh chảy xuôi
nắng chưa lên, người chưa hiện
tay trần mùa hè, tượng tạc mùa thu
ngày xa khuất đó mây dường kín dày hơn, áo dạ kéo cao hơn
chiếc cổ ở khung cửa hải cảng cực Nam
một cột khói hải dương tìm tới
một tiếng dội cột buồm
những thủy thủ đốt lửa
nước réo cà phê trên bếp xanh lì lầm
ngày xa khuất đó Á Châu là một viền cong
sự trôi dạt và đắm, kéo dài hơn một cự ly
không nằm ngoài một đuôi mắt
nhưng chỉ có kẻ tín thành nhất may mắn thấu đạt
Ngôn ngữ mà những kẻ đứng trên boong tàu dò dẫm nghe ngóng
sẽ hiện trên hoa văn chiếc khăn
một sườn núi trải ra, một đôi tay mang tới
triêu dương để lại độ cháy nồng trên vòm trăng khuyết
tĩnh tịch dưới một đáy hồ
sóng đã thôi reo sau đêm gió chướng
tiết trời keo lại trên ngọn dương tùng
một mỏ chim cắn miếng trong trẻo
kêu rân vang ức ngực, sắc diệp lục
nguyên tố khởi sinh, kẻ đứng thù tiếp hương sương sớm
một đọt cau, một nương trà
Tôi từng đứng đó và em từng bay lượn ở buổi sáng ấy
khi gió vẽ những hình thù trên thềm cát
những hạt cát di động trong ánh sáng
Có gì trần trụi hơn cát, áo lá nào linh động hơn ngày thu, ánh sáng
chúng ta thả mặc phần trống của tương lai
căn phòng ngày đó, và chúng ta tới đây
chiếc cửa vòm những mẫu tự la tinh, những họa tiết mới
một ngày hỏa hoàng, ký ức cháy lên cùng đầu lưỡi hiện tại
sự thả mặc hẳn đã tìm được bầu trời lạ lẫm từ ái
những bạch dương, ngô đồng, bạch đàn, những hiền triết du sĩ
những thính phòng, chiếc bảng đen ký hiệu của phương hướng
Đó là một đêm đi về hướng Nam khi sao chớm hiên vườn học xá
thế giới không chỉ nằm trong ôm sách mới
đó là một chiều bày biện tiểu luận khai minh
không có gì ngoài tình yêu và không khí mà sống
đó là một tiếng gõ tay vào cửa, một đôi mắt sáng bất ngờ
đó là những mở tung mùa hè, không biết ai sẽ trở lại
với ai, ai sẽ nói gì, ai sẽ chọn
buổi sáng và đêm tối, để bắt đầu bước
cuộc bước đi trong âm tiết những câu thơ những đầu lá khởi thảo
trên gạch cũ, đá xanh, những kẽ nứt vôi và hắc ín
những con đường bên này sông và bên kia
chỗ mà tôi đang ngồi đây, trí nhớ
Treo bên kia, tháp nhà ga, những buổi sáng trước sáu giờ
tôi đã tới, bước xuống từ một khoang tàu
ngoại ô đại học, đi vào cửa ngỏ thành phố
những cửa sổ còn đóng, những ô lầu vàng đèn
sự kỳ bí của những mái lầu Collins Street, Queens Street
yên trong sương mù tháng sáu, tháng bảy
yên vị, như em những ngày mới quen
đã giúp gõ của thức sớm tôi, đúng hẹn
khuôn mặt sáng, trước bình minh, trước hiện tại, tương lai
con tàu mà, xem nào, chỉ có thơ ghi đúng tốc độ
đó là vòng quay trong studio, trước bản tin sớm
Strauss, Mendelssohn, Tschaikowsky
tây ban cầm Narcisco Yepes, những ca khúc tinh sương
của Schubert, của những ai hai mươi
mây mù cửa sổ lạc vào từ biển
Tôi thả nổi nhạc cho làn sóng ngắn, ngồi hình dung
em đang sửa soạn một ngày ở căn phòng học xá
những ai đang sắp sửa một chuyến vượt thoát
bên kia biển, sóng dấp và giữa khơi ngấp ngấp ngoại tầm
không ai biết định mệnh của mình giữa những lưu vực tăm tối
giữa sự sống và sự biến mất là một thoáng tĩnh lặng
riêng tư, kín mật, chỗ của đôi tay cầm lấy vô hình
trao gởi cho lòng từ mà tim máy động hình dung
một triêu khúc, một chuỗi chuông reo, trên cao vầng trán
ngày đầu mà con người đứng dậy, tư duy, bao lâu xa, chốn mít mùng bếp lửa
Trí nhớ đánh nốt, viết trên trang ngày, bất ngờ
Dư âm ở cánh cửa đi vòng, sau thời gian, là nghe được
ca khúc, sầu khúc, tẩu khúc
Âm thanh trên đá khi chân đã đi qua
tri kỷ với thời tiết để dấu trên gân lá
đã rụng, hay còn bay, trời thu, dung nhiếp
linh hồn mình.
Khi đi từ Phố Nhà Thờ đến Phố Lãn Ông
Thứ nước mật lấy lên từ thùng vại ngâm tẩm cũ kỹ
một ngày giàu có kẻ bước ra đường
kẻ mát đen không biết đi hướng nào
hai hàng phố nhìn, chút nghiêm nghị
ở Tây Ban Nha nghiêm nghị lễ rước kiệu
Lorca dựng kịch quần chúng
Mặt Nạ Hài
Chim Giấy
Người Rối
ai té sấp (phút kinh giật) nhìn lên
vòm Sinh đầy vun.
Ngày mát giải tán đàn bò mộng
lải rải tan đám
những trai tráng như cờ
những con cuối cùng thả bộ
chẳng cắm được đầu sừng vào cạnh sườn
nắng đánh dấu phẩy
từ những đầu đinh khô
lên ngực đá. Trên tường đá
miểng chai, góc cạnh thủy tinh
rêu chữ thảo
những bọt bóng meo méo không khí.
Và nước mật
Sinh Từ, một người nới yếm
qua lan can rũ vẩy
một người hứng hết bằng mái tóc
hoàn tất bạc xóa
một người bằng tiếng cười phá chưa khỏi thơ thiếu:
Bí tích tháng Ba
nắng một tàu dầu
đen và nồng hăng
say sau trưa bây giờ buổi sớm.
Nửa thế kỷ chuông chưa rụng hết
hai phố một hồi
rở cửa hậu từ ngổn ngang buông bỏ
thi sĩ từ phố cổ tích đi lạc
vuốt ngược nước mật tràn trào sau cuộc
va chạm khe đập
thế giới hình thoan
3-1995
Hồ Cầm
(Requiem cho Khoảng Lặng)
trong hồi ức một buổi chiều tháng Ba
với hai anh Hoàng Cầm, Lê Đạt, chị Dương Thu Hương
& hai bạn Bruce Keller, Tạ Duy Bình
Hồ cầm đằng sau những bức tường
những căn phòng sàn gỗ xạm, chỉ những cánh tay
ai đang bơi qua mặt nước tối thiên nga
hay những cánh vịt trời sa chìm
Cây gậy tre khua một đàn âm
tưởng mất tuyệt lại quẩy đập sáng
ánh sáng thiếp mỏng, ra đi
từ chiếc cổ một người
bài truy điệu Requiem cho Khoảng Lặng
Gió bắt đầu thổi tốc lên. Lúc ngồi
ở sân quán lộ thiên sát Trần Hưng Đạo nhìn những khuôn mặt anh chị cũng gió
Người ta sửa soạn những cánh tay, những ngón tay, đường cổ
rêu chảy mưa phông hai mặt tường chiều
Mẹ để con ngồi trên chõng tre
quờ lưỡi hái trên mặt nước sấp
đừng đánh ngã bóng con u ạ
mưa đi rồi ai để lửa
Con về rửa tay đi thắp hương sao mọc
đứng dậy lại một người đen thẳm lại hát
những đường gân thanh quản nổi vồng
Trong căn nhà tối tiếng một người đàn ông gọi
ấm áp hơn tất cả các thử nghiệm
tôi đã cấy cầy trên giấy đã bôi xóa
Đi đi thôi! Bước xuống một tầng cấp
một nấc nữa, xuống đường, nước chảy
lòng cống rãnh bóp nghẽn hồ cầm
Coi chừng ngã đấy, cú úp sấp. Không sao,
lại đứng, phủi, đường viền sạch
dãy phố treo cờ phướn màu biển
Tháng ba ngày xám đất mẹ nằm ủ lửa
ngựa sững bờm trào bọt miệng chạy qua đồi
buổi chiều kháu thuôn cổ ngựa
Chiều bóng thủy trước giờ tự trầm narcissus
nước gột màu tía nước, mắt ngựa đen
đánh vòng đêm thẳm gió lau trán đá
Bứt vòng thừng: Vông vông bờm lau
chạy để dấu bùn, đường in nấc, nấc
gió đánh mạn sườn, tám phố chong đèn, cọch cạch phố lầu đen
Hồ cầm chưa ngủ, đi hết chỗ nước mất vào viền lạnh
lại cất lên ngọn gió quất bấc. Ồ hung bạo!
Ngọn roi bên ngoài, Ngọn roi bên trong
Ngựa đầu than chịu bom thở dốc dộc trắng dãi
khắp tuyến sơ tán tối giản làng mạc
tuýp dầu cuối cho toang
Một bờ ao một lòng hồ một biển cạn người có bạn cát
ngựa không ai chạy một đầu
trăng một nến trời một chưa lên, nhịp chỏi khấp khuất
Tháng Ba giữa các anh chị tôi đi phố cũ lên đèn
những tình nhân của đất thó mấy ai về kịp
kìa, mưa dại hụt bàn chân
19.3.1996
Ghi ở Nha Trang tháng mười một, 1991
Hải Đức
tôi ngồi chỗ của anh nhìn ra căn vườn
những đốm nắng
một lần
những khoảng hoa
một lần
khúc dạo dương cầm
cột bụi rực cháy
và gió
và tóc
của người tới
đứng đấy
một lần
( , như
đã quyết)
Chân chùa
nghiêng một lầu chuông
sương muối, thu bay
lòng để trắng, được hơn trang giấy muối
em đi xuống, hương chanh làm sáng biển
biển một giờ, thành phố bụi phủ dầy
Chợ Đầm, viếng nhà thi sĩ Quách Tấn
nắng đọng trũng mắt chiều đã đi xa
con mắt còn lại cười hiền từ bóng tối huy hoắc
tịch dương
ngôi sao chiều bên kia đang ửng trăng
những cánh quạ đen mùa thu trôi cùng những giọt nước
Nội thành Nguyễn Đình Toàn
Cõi nguyên khuất đi ngược ba trăm năm hỏi để làm gì (người nói
tự ngó xuống vùng ngực, nói lại, một lần nữa, nhỏ hơn, thực để làm gì chứ)
Trưa bóng ôm đủ một trung du thủ đức
Bầu trời tự ráo hoảnh
Sông nước đen thui thủi màu than
Sau trận cháy, đây là sự gặp gỡ tối giản thiểu
Trên nền đốm, tháng mười một của loài báo
Chiếc thân thu nín, tự giữ gìn
Sàn phẳng lặng, vách phẳng lặng, không treo bất cứ một thứ gì
Bụi váng để lại từ âm thanh
Tiếng nước rút xuống đáy, chưa chảy, ngần ngừ và lửa
đứng sau núi, nó chào, hụt mất một ngày
Một ngày nhiệt đới, em, một người đi ra cửa
quên không ngoái lại
Sự yên vị sờn rách
đường cổ áo
Bọn trẻ và cát
Buổi chiều tôi đặt thân mình xuống
để những đứa trẻ đắp cát
lên tất cả kẻ nằm
trừ hai hốc mũi
đêm xuống nhanh
những đứa trẻ đã trở về nhà
những đứa trẻ đã trở về
nhưng tôi không dậy nổi
tôi còn biết biển đang rút đi
Pasternak, tháng Năm, 1960
Một tốp tới, xầm xì rồi bỏ đi
một ai đó
một người nữa
cuộc ghé nhanh và lặng lẽ bỏ đi
nếu tín hiệu, hẳn đã lạc lệch, hãy để mộ khúc.
Thềm cửa xa, đứng yên những khối mây băng sơn, những khuấy động, suy nghĩ
những váng nước, những dấu nước, run rẩy tan vỡ
những buổi sáng băng ngang đường, dù nơi đâu.
Quay ngược, nghiêm nghị, chiếc màng tang, băng-rôn
đỏ lùng nhùng, bục khán đài
đội hiến binh bồng súng
đại lộ thẳng tắp ngày công nhân
chiếc đầu ngựa, anh, Mayakovski, chiếc đầu động từ đầu mỗi câu
trên hàng lưỡi lê thép – một bậc, hai bậc, ba bậc.
Sự tan trong lòng hồ, màu xanh ấm, xoa xoa tay, buồn buồn
những cộng hoà lá nõn bên mạng sườn.
và chẳng phải nước, sự co lại đã bôi xoá những vùng cận sát ngực bạn Akhmatova, Gumilev
cà phê hầm, chỗ trống từng vùi
ngôi cao, tháp chuông, đỉnh mái
gió, những đường đi vẹt gót tăm tắp trầy thân bạch dương
ốm, khảnh ăn, khăn quàng cố da trời ngày viện
thuốc, khói, độ xanh ngâm, ngấm
ôi ngực sườn! các bạn, sự thèm viết.
Ga phương Bắc nhìn nghiêng đường mũi, gò má, gien Mông Cổ
Khoảng cách, thời gian chiêm ngưỡng nội thành, cửa ngước, khô
Petersburg, khoán tin ngày cho mai động nhớ
Twaang!
Một ai
loạng choạng nhào vào chái bên. Suỵt.
Ai? Bạn nào?
Một xô đẩy đông khiếp
và bốt giày đạp
bấy nát một bất kể cả sáu dây
chiếc thùng cầm ghi-ta
tiếng rồ to, ‘Thì cho nó được như cậu ấy!’
Mũ hiến binh, cầu vai trang kim, khuôn mặt hồng chín
viên sĩ quan, hai tay sau lưng
chiếc vách chái nhà nông trại cuối đồng
như tranh Goya: lỡ rồi, chỗ màu tươi mới bắn.
Đúng là anh, Federico García Lorca, đất mới Andalusia
đất lập lại anh: sau cùng là im lặng.
Và anh, Titsian Tabidze,
đất vỡ ngực, những con se sẻ không bao giờ quay lại đầu chái nhà anh, kể từ
cuộc xử bắn
ngôi sao tự treo nó lên xanh, không dây
như một khúc dạo đầu
thú: một thân lẽo đẽo
trật trịa lưng đèo
đeo toòng teng gói gì
cái lưng ướt đầm đìa mồ hôi như đã vượt hết mấy ngày Tsibili hạ vực
R e e ng –
Bạn đứng chờ đó nhé
– Thưa ai kia? Tôi đây. Bạn có nhầm số?
– Không. Này!
[… một khoảng ngắt, bị tẩy trắng, không nhớ…]
– Chẳng sao. Hỏi sự này. Chuyện Thơ cả: Nghe rõ chứ? Về Osip Mandelstam
– Osip Mandelstam…
– Đúng. Nghe rõ không? tôi muốn nghe anh, Boris Pasternak, nhận định. Osip Mandelstam vẫn đầu bảng thơ chứ? Vẫn số một chứ?
– Thưa Đồng chí Joseph Vissarionovich Stalin: nhà thơ Osip Mandelstam là một người tốt
– Vậy thôi à!
– Vâng, thưa Osip Mandelstam là một con người tốt.
– Tốt. Chào nhé!
*
Bị hất ngược xuống ghế, nằm ngó trân rầm trần loang lổ
Osip Emilyevich, chết! Chết thực, mình có đã nói được cái gì đâu!
Tôi hỏi anh
anh có thấy tôi rách, rách, đáng tội tôi thế không?
Có đã đi vào câu chuyện đâu…
Tất nhiên tôi sẽ không hé môi về
sự ngưỡng mộ của những thành phố những góc tim kín thở cho anh.
Nhưng, một cái nói bình thường về phẩm chất tuyệt vời của anh
sao tôi đã không làm được, đã bị đốn ngang, chôn lửng, tệ đến vậy?
Cái dằng máy xuống hơi mạnh tay, phải không?
Quả quyết? Thoả mãn? Chứng cứ đã đủ, phải không?
Hãy nói, anh đã đi qua những đâu,
những vòng băng tuyết nào, Osip?
Tôi thù ghét tôi làm sao, hãy tha thứ.
*
Và em, một vùng ngực thấp hơn, một hành lang, một buổi qua trưa sắp sửa
chiếc cầu vai, khuôn mặt trong tối, không nhìn thấy
cái dáng đi nhanh, không ngoái đầu,
giữa họ
ánh nắng rọi đúng vào góc bẻ ngoặc
sau lưng, căn phòng những năm, những cuốn tự vị
những trang rời bỏ quên, trong dày kín đó, như vĩnh viễn
chiếc bàn máy đã trùm lên, tấm vải màn ngăn bụi
Em, sau các bạn, sau tất cả, em sẽ
bôi xoá tôi thế nào
những mái tàu đơn rây sớm đi tan tuyết chảy dọc.
Avenue d’Italie
gởi anh Nguyễn Xuân Thiệp
Gởi đâu sương đêm dài nói được
tình khuya đường cây đứng nghiêng đầu
trên cổ thành trên tường vách bích chương đá bạc
tin ngày in ấn
lịch sử vai em
trong cổ họng tàu hầm chuyến cuối
trong tiếng hát ê a
Constantinople áo chữ clochard
lá lục trăng cầm bìa gió chướng
Gởi đâu
sương đêm dài mưa vừa lóng cặn
ghi chú gót giày đêm
đuôi mắt cũ
chốt đèn
căn phòng cuối cùng còn để trên dãy phố
đêm đầu hàng cửa sổ
bán xuân xanh
1.5.2000
Thứ Năm 21 Tháng Tư. Canberra
Một thân quạ, nửa cụm bạch dương sau rượu tiễn
một người nhận được tin một người đi rồi
những tin đánh mã morse, những hồi xướng vong, rồi màu đen
tôi đứng trên vòng đất của những người bị đẩy ra khỏi nguyên quán,
lượn lưỡi liềm qua những tụm cỏ
chuông triêu dương – những chuỗi số toán học màu xám, và những độ chìm, đậm
sau cái chết.
Ngôi nhà nghị tộc cũ được tráng lên một màu vôi trắng nhã
những đường kiến trúc art deco và chỗ xoa xóa không-can-chi
một ngọn lửa, để qua đêm, cháy rụi tàn, những cọng khói
bầu trời thông manh treo thấp có vài dấu tích ngụy trang
một trong số ấy là hồn ma cha tôi
trong tâm trí của những người dân làng, thân tộc của ông.
Về phép thư họa, một chữ tự bức tách nó
ra khỏi chiếc phương trượng của vị tu sĩ trẻ
tự thảo vạch một chiếc cánh và đóng ấn một dấu chấm sau cùng
trên nền cát của ngôi mộ cát mới đào trắng tinh, mềm tựa da thịt
sự tốt lành trở về cùng tốt lành – sóng cỏ dại lục đậm chạy lượn triền sóng.
Dưới những đám mây nhạt màu, những hạt của thơ ấu tôi
tôi đang bước vào thánh đường Chính Thống Giáo Hy Lạp ở Kingston
bơi trong những giọng cất xướng
của những hải đảo, quần đảo, những biển đảo trào
tắm trong vùng hồ quang, mặt trời đi qua năm tháng, những bàn chân
giữ trong những đôi tay ân cần
rồi một hôm bị cắt, bị trói bằng dây thừng, bị kéo đi, treo lên, đóng đinh, trong, ngoài,
dưới, trên
cát – ấm, như bao giờ vẫn vậy, đang thở
Trích từ “Hải đảo, trở lại”, Ajar xuất bản