Minh triết phương Tây (kỳ 19)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

TRƯỜNG PHÁI DUY NGHIỆM (TIẾP THEO)

Những nứt vỡ trong Triết học Âu Châu, bắt đầu lộ diện sau Locke, từ trước đến nay đều là những kiến trúc trên mặt rộng. Luận cứ của chúng thường dựa trên những tiên nghiệm (a priori) rồi khai triển mà không chú trọng đến những chi tiết. Triết học Anh, mặt khác, theo sát phương pháp thực nghiệm trong khoa học, quan tâm đến cả những vấn đề nhỏ nhặt rải rác, và khi đạt đến những phát biểu tổng quát thì thường mang chúng ra đối chứng với những sự kiện quan sát trực tiếp. Như hệ quả, hệ thống dựa trên tiên nghiệm có thể nhất quán và xuyên suốt chặt chẽ, nhưng nó lại có khả năng sụp đổ khi những đề xuất nền tảng bị lung lay. Triết học Duy nghiệm, dựa trên quan sát, không hoàn toàn đổ vỡ nêu như có một mảng nào đó trong kiến trúc có sai lệch. Khác biệt có thể ví như kim tự tháp hình chóp. Kiến trúc Duy nghiệm là cái mà nền ở trên mặt đất trong khi kiến trúc dựa trên tiên nghiệm thì ngược lại, đỉnh lộn đầu xuống dưới.

Một lý thuyết dựa trên tiên nghiệm về sự Thiện có thể bị tàn phá bởi một bạo chúa ngu muội. Những kết quả thực dụng của phương pháp Duy nghiệm trong Đạo đức học cho phép ta có gì ổn định hơn thế. Hiển nhiên, có những người xem thường đạo đức Duy lợi (utilitarian ethics) bởi nó đơn giản phát xuất từ lòng ước muốn hạnh phúc. Nhưng chắc chắn kẻ theo thuyết này có khả năng đóng góp cho đồng loại nhiều hơn những người đeo đuổi những lý tưởng cao xa bất chấp phương tiện đạt đến nó. Hai cách nhìn nói trên cũng vậy trên bình diện chính trị. Người theo truyền thống của Locke không thích những thay đổi đến từ những nguyên tắc trừu tượng. Mọi vấn đề đặt ra đều nên thảo luận một cách tự do. Cách thế phân tán này, phản-hệ thống chứ không phải phi-hệ thống, là cách thế những chính sách ở Anh có thể khiến những người trên lục địa Âu lắm khi bực mình đến phát điên lên được.

Phái Duy Lợi, như truyền thừa của Locke, ủng hộ đạo đức dựa trên quyền lợi tư riêng. Quan niệm này không cần đến những tình cảm cao đẹp của con người. Nhưng mặt khác, nó tránh được những tàn phá gây ra bởi chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa lạm danh một hệ thống đòi hỏi những động cơ xứng giá mà quên đi sự kiện con người không chỉ là những tồn thể trừu tượng.

Một điểm yếu kếm trong lý thuyết của Locke là khi ông biện bác về những ý niệm trừu tượng. Đây là thế cách nhằm giải quyết vấn đề phổ quát còn bỏ xót trong lý thuyết của ông về tri thức. Khó khăn nằm ở chỗ nếu chúng ta bỏ qua những thí dụ cá biệt, cuối cùng chúng ta chẳng còn gì để nói. Locke cho thí dụ để bác bỏ ý niệm trừu tượng với một tam giác, buộc nó phải “không cong, không thẳng, không đều cạnh…”, và chẳng bao giờ ta có thể có một hình thể như vậy. Phê phán của lý thuyết về ý niệm trừu tượng là khởi điểm của Triết lý của Berkeley.

clip_image002

George Berkeley

George Berkeley ( 1685-1753), gốc Anh-Ái nhĩ Lan, sinh ở Ái nhĩ Lan. Vào tuổi 15, ông học ở Trinity College tại Dublin. Ngoài những môn cổ điển, ông giảng dạy Vật lý Newton và Triết học Locke. Năm 1707, ông được bầu thành ủy viên nghiên cứu nơi ông học. Sáu năm sau, ông phát hành những công trình về Triết học. Trước tuổi 30, ông thành danh và sau dồn sức cho những việc khác. Từ 1713 đến 1721, ông sống và du lịch ở Anh quốc và lục địa Âu. Trở về Ái Nhĩ Lan, ông thành Giám đốc ở Trinity College, và năm 1724, nhận làm Khoa trưởng cho Derry. Thời này, ông bắt tay vào thành lập một trường dòng ở Bermuda[1]. Với sự ủng hộ của chính quyền, ông sang Mỹ và chiêu mộ những người tình nguyện năm 1728, nhưng hứa hẹn từ Westminster (thủ phủ chính quyền Anh) không được thực hiện khiến Berkeley phải bỏ cuộc. Năm 1732, ông quay lại Luân Đôn. Hai năm sau ông được đề bạt làm Giám mục ở Cloyne, chức vị ông giữ cho đến hết đời. Năm 1752, ông thăm Oxford rồi mất ở đó vào đầu năm sau.

Luận đề cơ bản trong Triết học Berkeley tóm tắt là: cái tồn tại chính là những gì đang được nhận thức qua cảm quan. Công án này mang tự tính hiển nhiên đến mức ông không thể giảng nghĩa cho những đồng sự ông làm gì. Ở bề mặt, công án dĩ nhiên là quá kỳ quặc với cách hiểu thông thường. Không một ai nghĩ rằng vật thể một người nhìn thấy lại ở trong trí tuệ hắn. Tuy nhiên, điều Berkeley đề xuất là cách nhìn dựa trên chứng nghiệm không được xuyên suốt nhất quán, và có gì đó sai lạc với ý niệm vật thể mà Locke có đề cập. Phản đối Berkeley bằng cách lơ đi, hay xét xem ông có hoàn chỉnh được quan điểm của Locke là vấn đề khác. Xin nhớ không phải Berkeley nhằm huyền ảo hóa bằng một công án bí hiểm. Ông chỉ muốn vạch rõ một số điểm bất nhất trong triết lý của Locke, và ở điểm này ông thành công. Trong nhận thức luận của Locke, sự phân biệt giữa thế giới bên trong (inner) và thế giới ngoại tại (outer) không có, và chính vì thế mà lý thuyết ý niệm của ông không thể là một lý thuyết về tri thức. Sau này, Kant cũng gặp những khó khăn tương tự.

Trước tác đầu của Berkeley phê phán lý thuyết ý niệm là “Luận án Lý thuyết mới về Thị ảnh” (Essay toward a New Theory of Vision). Ông thảo luận về sự lẫn lộn của tri giác, đặc biệt, ông bàn về làm sao tái cấu những hình ảnh lộn ngược trong võng mạc của mắt. Đây là một câu đố nhiều người hỏi thời đó, tất cả vì một ảo tưởng đơn giản, theo Berkley. Chúng ta nhìn sự vật đằng trước với mắt, chứ không nhìn chúng từ đằng sau trên một màn ảnh. Chuyển từ thị giác đến ngôn ngữ của hình ảnh ta nhận biết sẽ tránh được sai lầm. Từ quan điểm này, Berkeley khai triển lý thuyết về nhận thức qua tri giác trong đó ông phân biệt rạch ròi giữa cái tri giác nhận biết và điều ta có thể phát biểu trên đối tượng vật thể.

Thị giác, với Berkeley, không ngoại tại mà chính là những ý niệm trong trí não. Xúc giác, trong trí não cũng là ý niệm về ngoại vật nhưng sau Berkeley không làm phân biệt này, và mọi cảm nhận đều phát động những ý niệm trong trí não. Lý do tại sao cảm nhận qua giác quan khác nhau là bởi vì những phát động nói trên đều khu biệt, đặc thù. Và đây cũng là quan điểm khiến ông bác bỏ cái ông gọi là “duy vật”, bởi lẽ mọi vật thể đều có những phẩm chất siêu hình được thể hiện như những kinh nghiệm qua hoạt động của trí não. Áp dụng điều này trên những ý niệm trừu tượng trong triết học của Locke mang đến những hệ quả tương tự. Lấy thí dụ, nếu ta tước bỏ khỏi cái tam giác của Locke mọi thuộc tính đặc biệt, cuối cùng ta chẳng còn gì, và cũng chẳng có gì là kinh nghiệm trên một cái không là gì cả.

Trong “Nguyên tắc của Tri thức con người” (Principle of Human Knowledge), in năm 1770 , một năm sau “Luận án…”, Berkeley đề trình công án của mình một cách không khoan nhượng: Hiện tồn là cái được cảm nhận (to be is to be perceived). Đây có lẽ là cách thế cực đoan nhất của phép Duy nghiệm. Có thể phát biểu là ta có kinh nghiệm cảm nhận và suy tưởng khi ta thực sự có chúng lúc này, không phải trong những lúc khác. Như vậy, ta ghi nhận trong trí não những kinh nghiệm ngay khi cảm nhận, và chỉ khi đó mà thôi. Nói cái gì đó hiện tồn chỉ có ý nghĩa ở nội tại của, và kinh qua kinh nghiệm nên hiện tồn và cảm nhận trở thành hệt nhau, là một. Không có ý nghĩa gì khi ta nói về một kinh nghiệm không chứng thực, hay một ý niệm chưa được cảm nhận, thế cách vẫn còn được chấp nhận bởi những triết gia đương thời bênh vực lý thuyết ý niệm theo hiện tượng luận. Với lý thuyết này, ý niệm trừu tượng, nếu khả hữu, phải được chống lưng bằng thể loại thực tại không thể kiểm chứng, và đây là một phản đề mâu thuẫn với Duy nghiệm theo Locke, cho là thực tại phải bao quát những gì có thể kiểm nghiệm được.

Làm sao vấn đề phồ quát được tiếp cận? Berkeley chỉ ra rằng ý niệm trừu tượng của Locle chỉ là một định danh tổng quát. Không chỉ định một sự vật nào đặc biệt, định danh này có thể là bất cứ sự vật nào ở trong một tập hợp chung. Chẳng hạn, tam giác trong thí dụ của Locke là chữ dùng để chỉ định bất cứ tam giác nào, chứ không liên hệ đến một ý niệm trừu tượng. Nan đề trong lý thuyết về ý niệm trừu tượng là bởi nó dính đến khó khăn khi ta thảo luận về Ý thể của Socrates. Ý thể cũng hoàn toàn không đặc trưng gì, và chỉ có trong một thế giới khác, nhưng ta vẫn nghĩ rằng biết được chúng là chuyện có thể có được.

Berkeley chẳng những bác bỏ ý niệm trừu tượng mà còn cả sự phân biệt ý niệm với vật thể và cả lý thuyết về tri thức của Locke. Theo nguyên tắc Duy nghiệm một cách nhất quán, làm sao có thể cho rằng mọi kinh nghiệm là ý niệm về cảm quan và suy tưởng mà lại đồng thời xác nhận rằng ý niệm có thể tương quan với những vật thể ta không biết, thậm chí không thể biết? Trong trước tác của Locke, cũng như sau này với Kant, ta đã thấy sự phân biệt giữa tự thân một vật thể và diện mạo bên ngoài của nó. Berkeley không chấp nhận thể loại đầu, bác bỏ chúng vì bất tương hợp với thuyết Duy nghiệm của Locke. Đây là khởi điểm của lý thuyết Lý tưởng theo ông. Tất cả những gì ta biết tới, và nói đến, đều là những nội dung trí tuệ (tinh thần). Trong lý thuyết về tri thức, Locke cho rằng từ ngữ là chỉ định của ý niệm. Mỗi chữ tương ứng với một ý niệm, và ngược lại. Và chính quan niệm sai lầm này đã sinh ra lý thuyết ý niệm trừu tượng. Cũng vì vậy mà Locke buộc phải cho rằng sự biểu tỏ rõ ràng của một từ trong diễn ngôn là ý niệm, và qua nó thông tin được truyền đi từ người này sang người kia. Berkeley dễ dàng chỉ ra điều vừa nói là không đúng. Khi ta nghe ai nói, ta tìm nội dung chung của diễn từ chứ không cắt nó thành những mảng có ý nghĩa rồi xâu chúng lại thành chuỗi. Vậy thì làm sao định danh cho ý niệm? Điều này đòi hỏi ta có thể chuyển tải không qua ngôn ngữ một ý niệm nằm trong đầu và rồi sau cho nó một cái tên. Nhưng ngay cả như thế, ta cũng không thể làm sao thấy được thế cách tương ứng của nhiều từ được phối hợp. Nhưng lý thuyết ý niệm tự thân không phải là lý thuyết về ngôn ngữ, vì thế phải nói quan niệm của Locke trong phạm trù này đầy những điều bất cập.

Quan điểm lý tưởng theo Berkeley có thể ít gây ngạc nhiên hơn ta tưởng. Một vài hệ quả ông chỉ ra không mấy thuyết phục. Ông cho rằng khi có hành động cảm nhận thì ắt phải có trí tuệ, tức trí não, tham gia. Trí não thu hoạch ý niệm không là đối tượng của kinh nghiệm, vì thế sự hiện tồn của nó chỉ khả hữu không như cái được cảm nhận mà là cái đang làm tác động cảm nhận. Nhưng điều này không nhất quán với quan điểm của Berkeley. Trí não được nhận thức như vậy thì là một hình thể của ý niệm trừu tượng mà Berkeley phê phán Locke, cái ở hành trạng cảm nhận trong trừu tượng chứ không phải cảm nhận cái này hay cái kia. Về câu hỏi điều gì xảy ra khi trí não ở trạng thái nghỉ, một giải đáp khác được nêu ra. Dĩ nhiên, nếu hiện tồn có nghĩa là hành trạng cảm nhận của trí não, hoặc là cái được cảm nhận – tức một ý niệm – thì trí não ở trạng thái nghỉ phải là một ý niệm trong trí não luôn luôn xung động của Thượng Đế. Vai trò của vị Thượng Đế trong triết học ở đây là bảo đảm thế nào sự hiện tồn của trí não, và từ đó sự hiện tồn của thế giới vật thể. Phần này ít giá trị nhất, và chẳng hấp dẫn gì trong tư duy triết lý của Berkeley.

Công án “Hiện tồn là cái cảm nhận được” của Berkeley không bảo rằng kinh nghiệm quyết định tất cả. Ông cho rằng ta chỉ cần cẩn thận xem cách ông xử dụng từ ngữ để thấy công án nói trên là hiển nhiên. Như vậy, điều ông phát biểu không có gì siêu hình mà chỉ là cách sắp xếp ngữ ngôn. Nếu ta gán cho “hiện tồn” và “được cảm nhận” như từ đồng nghĩa, hẳn không còn gì để nghi ngờ. Nhưng không phải chỉ thế, Berkeley nghĩ ta phải dùng những chữ này như vậy bởi trong quá khứ ta đã từng làm thế trong nhiều diễn ngôn. Chứng minh điều vừa nói là hoàn toàn bất khả có thể làm được, nhưng không phải không khó khăn.

Lý thuyết siêu hình về Trí tuệ và Thượng Đế không tương hợp với phần triết lý còn lại cũa Berkeley. Không nhấn mạnh điều này nhưng ta thấy ngôn ngữ ông dùng khác với ngôn ngữ thông tục một cách không cần thiết, mặc dù chẳng vì thế mà ta đủ lý lẽ để bác bỏ nó. Nhưng ngoài ra, triết lý của Berkeley có những điểm yếu cần nêu ra. Sai lầm của ông, thật lạ, là điều ông đã trình bày về thị giác. Ông nhấn mạnh một người nhìn bằng mắt nhưng không thể nhìn vào chính mắt mình. Tương tự, một người cảm nhận với trí não của mình, nhưng khi đang cảm nhận, anh ta không thể lượn trên trí não để thấy nó từ ngoài. Hệt như ta không thể quan sát mắt ta, trí não ta, và ta có thể bảo ta chỉ nhìn được những gì trên võng mạc, ta có thể nói ta cảm nhận đượcnhững gì có trong trí não. Cụm từ này cần khảo sát kỹ, nhưng Berkeley lại chẳng làm.

Những phê phán trên chỉ ra lý do ta có thể dùng một thuật ngữ khác với Berkeley để thảo luận. Ở đây, nhấn mạnh rằng ít nhất công án của ông có thể bị hiểu một cách sai lạc. Có thể ta không công bằng lắm với ông, nhưng ta hành xử đúng như ông tuyên bố, công việc của triết gia là phân tích rạch ròi những diễn ngôn về Triết học. Trong trước tác “Nguyên tắc”, ông viết: “nhìn toàn diện, tôi có ý nghĩ rằng phần lớn, nếu không muốn nói tất cả, những khó khăn trước nay cho những triết gia và cản đường tri thức là đều tại chính họ. Ta tung rác bụi mù trời, rồi than, ta chẳng nhìn thấy gì cả”.

Công trình Triết học khác của Berkeley là cuốn “Đối thoại giữa Hylas và Philonous”, lập lại những luận điểm trước trong một ngôn ngữ dễ tiếp cận hơn. Quan điểm về ý niệm của Locke được mổ xẻ và phê phán, và nếu trí não chỉ nhận biết cảm quan, Berkeley chỉ ra không thể nào phân biệt được phẩm chất bậc nhất với những phẩm chất thứ hạng. Đẩy xa hơn, Hume khai triển Duy nghiệm của Locke ở mức lôgíc, và cuối cùng là đi đến thế cách hoài nghi phát xuất từ nhiều thiếu xót của những giả định tiên khởi.

David Hume (1711-1776) sinh ở Edinburgh, Tô cách Lan, vào Đại học năm 12 tuổi. Sau khi học về Nghệ thuật, ông rời Đại học năm 16 tuổi, và bỏ một thời gian học Luật. Nhưng quan tâm của ông là Triết học, ngành cuối cùng ông đeo đuổi. Ông phiêu lưu một thời gian ngắn trong kinh doanh, bỏ rồi sang Pháp ở 3 năm, khả năng kinh tế thấp nên sống với rất ít tiện nghi. Tuy thế, ông chẳng nề hà gì, bỏ hết thởi gian vào học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo.

Trong khi ở Pháp, Hume viết “Luận thuyết về bản chất con người”, công trình đặc sắc của ông. Lúc đó ông 26 tuổi, và đã hoàn thành trước tác trong đó triết lý ông đề xuất được vinh danh. Luận thuyết xuất bản tại Luân Đôn không lâu sau khi Hume về nước. Nó là một thất bại lừng tiếng, mang dấu vết ấu trĩ chẳng phải ở nội dung mà là giọng điệu thẳng thừng có chút hỗn xược. Tuy thế, sự chối bỏ không che đậy của ông về những nguyên tắc tôn giáo khiến quần chúng thích thú, nhưng cũng cùng lý do, năm 1744, ông hụt được bổ nhiệm chức Giáo Sư Triết học ở Đại Học Edinburgh. Năm 1776, ông đầu quân dưới trướng Đại tướng St. Clair, năm sau ông đi làm công vụ ngoại giao ở Áo và Ý. Công việc này cho ông một thu nhập đủ để ông về hưu năm 1748 và bỏ hết thời gian vào nghiên cứu. Trong vòng 15 năm, ông công bố công trình về Nhận thức luận, Đạo đức học và Chính trị học, và như kim miện, cuốn Lịch Sử Anh quốc khiến ông vừa có tiền vừa có vinh quang. Năm 1763, ông lại sang Pháp, lần này như Thư ký Sứ quán, và khi Đại Sứ về Anh, ông trở thành Đại biện trước khi có Đại sứ mới cuối năm đó. Ông hồi hương năm 1766, trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao, địa vị ông giữ cho đến lúc về hưu năm 1769, và sống đến cuối đời ở Edinburgh.

Trong cuốn “Luận thuyết…”, Hume cho rằng mọi nghiên cứu tìm tòi đến nay đều ít nhiều là khoa học nhân văn. Khác Locke và Berkeley, ông chẳng những phát quang cho sạch cỏ mà còn khai phá phương thức hệ thống hóa sau này, cái mà ông định danh là khoa học về con người. Cố gắng hệ thống hóa là ảnh hưởng của Duy Lý đến từ đại lục Âu qua liên hệ của Hume với những triết gia Pháp còn nặng ảnh hưởng của nguyên lý Descartes. Nhưng ít hay nhiều, viễn ảnh xây dựng một khoa học về con người khiến ông bắt đầu bằng nghiên cứu về bản chất, và xét nghiệm tầm xa cũng như định giới hạn của trí tuệ con người.

clip_image004

David Hume

Hume chấp nhận những nguyên tắc cơ bản trong lý thuyết của Locke về cảm quan, và từ cách thế đó ông dễ dàng phê phán lý thuyết của Berkeley về trí tuệ và bản chất. Tất cả cái ta nhận biết với kinh nghiệm qua cảm quan là những cảm tưởng, và trong đó chẳng có chi lại có khả năng cho một ý niệm gì về bản sắc cá nhân. Chính Berkeley cũng đã ngờ rằng cách ông tiếp cận linh hồn như một thực thể có vẻ giả tạo gượng ép. Vì không thể cho phép có một ý niệm, ông đề nghị ta có một ‘ý niệm’ (‘notion’) về linh hồn, nhưng chẳng ai biết được ông gọi là khái niệm là cái gì. Nhưng dù có nói chi chăng nữa, đây là yếu kém khiến lý thuyết về ý niệm của ông không được chấp nhận.

Luận cứ của Hume dựa trên những giả định tổng quát đã được xử dụng xuyên suốt trong lý thuyết của ông về tri thức. Ông đồng ý, trên nguyên tắc, với lý thuyết ý niệm của Locke, nhưng dùng một thuật ngữ khác. Hume dùng cảm tưởng (impression) và ý tưởng (idea) như nội hàm của cảm quan, khác với sự phân biệt của Locke giữa ý niệm cảm nhận và ý niệm suy tư, nhưng hẳn có những điểm chung với cách thức này.

Cảm tưởng theo Hume đến từ kinh nghiệm (experience) qua cảm quan và những hoạt tính như trí nhớ. Cảm tưởng tạo tác ý niệm, và ý niệm khác với kinh nghiệm qua cảm quan ở chỗ chúng không có cùng tính sinh động.Ý tưởng là phó bản mờ nhạt của cảm tưởng. Khi trí não suy tư, nó chú trọng đến những ý tưởng có trong nó, với ý tưởng được hiểu theo ngữ nghĩa Hy Lạp. Suy tư, đối với Hume, là suy tư theo hình ảnh, hay tưởng tượng, dùng theo ngữ nghĩa Latinh. Nói chung, mọi kinh nghiệm qua cảm quan hay tưởng tượng đều được gọi là nhận thức.

Nhiều luận điểm quan trọng cần ghi nhận. Theo Locke, Hume cho rằng cảm tưởng trong một ý nghĩa nào đó là tách biệt, và ta có thể phân chia một kinh nghiệm phức hợp ra thành từng phần cấu thành. Những phần đó là những cảm tưởng giản đơn, có thể được tưởng tượng ra riêng rẽ. Vì ý niệm là phó bản của cảm tưởng, cái gì ta có thể đặt ra cho mình trong suy tưởng đều có khả năng là đối tượng một kinh nghiệm. Thậm chí, trên cơ sở đó, cái gì ta không thể tưởng tượng ra sẽ là cái không thể chứng nghiệm được. Phạm trù của tưởng tượng là sự nối tiếp với phạm trù của kinh nghiệm, và đây là điều thiết yếu khi ta muốn hiểu luận cứ của Hume. Ông luôn mời chúng ta tưởng tượng điều này điều nọ, và khi bất khả, ông sẽ cho rằng như thế thì những điều đó không thể là đối tượng của kinh nghiệm. Nói cách khác, kinh nghiệm là một chuỗi những nhận thức. Ngoài nó, không có một kết nối (connections) nào khác giữa những nhận thức đã có. Đây là khác biệt cơ bản giữa Duy lý Descartes và Duy nghiệm theo Locke. Phái Duy Lý đề đạt rằng có những liên hợp thiết thân giữa những sự vật và tin rằng ta có thể tìm biết chúng. Hume ngược lại không tin rằng những kết nối này có, và cứ giả thử rằng chúng có thì ta cũng chẳng thể nào tiếp cận được chúng. Cái ta có thể biết là một chuỗi những cảm tưởng và ý tưởng, và hoàn toàn không ích lợi gì khi ta đặt vấn đề chuỗi này có, hay không, những kết nối nào đó ẩn tàng.

Dưới sự soi rọi của Nhận thức luận, ta sẽ thảo luận những luận điểm cá biệt ông đã nêu lên trong vài nét chính của trong Triết học theo Hume. Xin bắt đầu bằng vấn đề bản sắc cá nhân trong phần cuối của tập 1 trong “Luận thuyết” với tựa đề là “Về sự thông hiểu”. Ông khởi đầu bằng phát biểu “có những triết gia tưởng tượng rằng chúng ta lúc nào cũng ý thức được điều chúng ta gọi là tự-thân (self): nghĩa là chúng ta cảm nhận sự tồn hữu và tính liên tục của nó, chắc chắn về sự đơn giản và bản sắc của nó bất cần những hiển nhiên minh xác”. Nhưng không có một cơ sở thực nghiệm nào mà tự-thân như một kinh nghiệm được xác lập. Ông viết “thật chẳng may tất cả những xác quyết về tự-thân đi ngược với những kinh nghiệm dùng để biện minh cho chúng, và không một ý niệm có thể nào về tự-thân được giải thích”. Vì vậy, không tìm ra cảm tưởng nào, và như hệ quả, chẳng thể có gì gọi là ý tưởng về tự-thân được.

Làm sao một cảm nhận đặc biệt nào đó liên quan đến tự-thân là một khó khăn khác. Hume lý giải theo cách của ông rằng mọi cảm nhận “đều khác nhau, có thể phân tích riêng rẽ, tồn tại cá biệt và không cần đến gì khác nó để hỗ trợ sự tồn tại đó. Vậy thì cách gì cảm nhận thuộc về tự-thân và liên quan đến nó? Phần tôi, tôi gần gũi với cái tôi gọi là tự-tôi (myself), tôi thường gặp những cảm nhận như nóng-lạnh, ánh sáng-bóng tối, yêu-ghét, đau đớn-khoái lạc. Tôi chưa hề nhận biết được cái tự-tôi mà không qua cảm nhận, và chẳng thể quan sát gì khác những cảm nhận”. Ông viết tiếp “Nếu ai đó, sau khi suy nghĩ nghiêm chỉnh và không bị thành kiến, mà tin rằng có được một khái niệm về cái tự-thân, thì thú thật tôi sẽ chẳng thể biện luận gì thêm. Anh ta có thể đúng, cũng như tôi, và chúng tôi khác biệt trên vấn đề này”. Nói vậy, nhưng Hume thật ra coi thế là lập dị và “đa phần nhân loại là một tập hợp những cảm nhận khác biệt, tiếp nối nhau với một vận tốc không tưởng tượng được, và vận hành chuyển động liên tục”.

“Trí não là một sân khấu kịch nghệ trên đó những cảm nhận tiếp nối xuất hiện…nhưng chớ để so sánh này làm ta lầm lạc. Chúng chỉ là những cảm nhận nhưng ta không biết nơi chốn kịch bản xẩy ra cũng như những cấu kết tạo thành vở kịch”. Lý do con người ngộ nhận bản sắc cá biệt của mình là vì sự lẫn lộn giữa một chuỗi nhiều ý niệm với ý niệm bản sắc ghi nhận trong cùng một thời gian phát xuất từ chuỗi ý niệm nói trên. Vì thế, chúng ta đi đến khái niệm ‘linh hồn’, ‘tự-thân’, ‘thực thể’ để ngụy trang những chuyển biến tồn tại qua lớp lang những kinh nghiệm.
“… Những phản bác tranh luận về bản sắc thành ra có tính thuần ngữ nghĩa. Khi ta gắn bản sắc cho một vật thể đang thay đổi và gián đoạn, sai lạc không phải chỉ ngữ nghĩa mà là vì ta giả tưởng rằng vật thể không thay đổi, không gián đoạn, hay một cái gì đó bí mật, không giải thích được trong thiên hướng (propensity) đưa đến giả tưởng vừa nói…”. Hume giải tường thiên hướng này qua quan điểm Tâm lý liên kết (associanist psychology), chỉ ra làm thế nào cái được cho là ý niệm về bản sắc cá nhân chỉ thực ra là một sự thay đổi gián đoạn. Trở về nguyên tắc liên kết, những trích dẫn khá dài ở trên có thể được thông cảm vì cách diễn giải khá thanh nhã của Hume, và chẳng có cách nào diễn giải trong sáng hơn thế. Trong lịch sử Triết học ở Anh quốc, cách diễn giải này đã thành truyền thống, nhưng làm được với độ hoàn hảo như Hume thật khó có gì so sánh được.

Một vấn đề khác ta nay thảo luận là lý thuyết nhân quả của Hume. Theo cách thế Duy lý, tương quan nhân và quả là nằm trong bản chất sự vật. Chẳng hạn như với Spinoza, khi nhìn sự vật một cách rộng khắp, ta có thể chứng minh qua suy diễn rằng mọi hiện tượng bề mặt (appearances) phải là như chúng là, và ta chấp nhận chỉ Thượng Đế mới thủ đắc được cái thị kiến ấy. Với Hume, liên hệ nhân quả không thể nhận biết được, bởi lý do đã đưa ra trong phê phán ý tưởng về bản sắc cá nhân. Lầm lẫn về bản chất của liên hệ này có nguồn gốc ở chỗ ta quy tính cần thiết cho những liên kết những yếu tố nằm trong một chuỗi ý tưởng. Với Hume, thiết lập quan hệ giữa những ý tưởng có thể phát xuất từ sự liên kết ba thể loại, là sự giống nhau, sự kề cận trong thời gian và không gian, và tính nhân quả. Ông gọi chúng là những tương quan triết tính ở nghĩa chúng có vai trò trong sự so sánh những ý tưởng. Trong một nghĩa nào đó, chúng tương ứng với ý tưởng tư duy (ideas of reflection) theo Locke, ý niệm có được khi trí não so sánh một số nội dung. Sự giống nhau là một tương quan khá cần, vì không có nó thì không thể so sánh gì được. Tương quan này, theo Hume, chia thành 7 loại: bản sắc đồng nhất (identity), tương quan không và thời gian, liên hệ số học, phẩm chất, sự tương phản, đối lập, và quan hệ nhân quả. Trừ bản sắc đồng nhất, tương quan không-thời gian và liên hệ nhân quả, những tương quan khác phụ thuộc vào ý tưởng ta mang ra so sánh để thu hoạch hiểu biết và những điều chắc chắn (certainty). Còn lại, vì không thể dùng suy diễn trừu tượng, ta chỉ có một cách là học hỏi qua cảm quan và thực nghiệm. Quan hệ nhân quả là tương quan độc nhất có chức năng lý giải mà hai tương quan kia phụ thuộc. Cả tương quan không-thời gian và bản sắc đồng nhất một vật thể phải được thể nghiệm từ nguyên tắc nhân quả. Cũng nên lưu ý rằng lẽ ra phải nói đến những ý tưởng theo đúng triết lý ông đề xuất, nhưng Hume lại thường xử dụng từ ngữ thông tục nói về những vật thể, có thể gây hiểu lầm cho người đọc.

Hume đưa ra sau đó một kê khai có tính tâm lý làm sao liên hệ nhân quả có thể đến từ kinh nghiệm. Sự trùng hợp của hai vật thể cùng cảm nhận xác lập một loại thói quen của trí não mang kết hợp hai ý tưởng cấu thành từ một cảm tưởng. Khi thói quen này đủ mạnh, một sự xuất hiện ngoại tại của một vật thể có thể mời gọi trí não khơi ra sự liên hợp giữa hai ý tưởng. Không có gì bắt buộc là phải thế, nhưng nói cho cùng, nhân quả có thể cũng chỉ là một thứ thói quen của trí tuệ.

Luận cứ của Hume không phải hoàn toàn nhất quán, bởi từ đầu ông cho là mọi liên kết đến từ tương quan nhân quả, và tự đó, nhân quả được lý giải suy diễn. Về làm sao thói quen của trí não hình thành, nguyên tắc liên kết Tâm lý đã, và còn là, một giải thích có nhiều sức thuyết phục. Đối với Hume, thật ông không cho phép mình nói về thói quen của trí tuệ và nhất là sự hình thành của nó như một thiên hướng. Ta thấy Hume nhiều lần nhấn mạnh trí tuệ là một chuỗi những cảm nhận. Như thế, không có gì ở đấy là thói quen, hay tạo ra từ thói quen. Và cũng với chuỗi cảm nhận đó, không có gì khiến ta có thể cho rằng rồi sẽ hình thành một mẫu dạng (pattern). Bởi vì như thế có nghĩa rằng phát biểu vừa nói là một thứ khả năng huyền nhiệm đến từ tình cờ mà ta không lý giải suy đoán được.

Sự cần thiết liên kết giữa nhân và quả, như lý giải Duy lý đòi hỏi, không thể nào suy ra được từ Nhận thức luận của Hume. Nhưng con người thường gặp những trùng hợp có chu kỳ đều đặn nên một lúc nào đó tự hỏi có cái gì đó cần thiết đã xảy ra trong những chuỗi cảm tưởng. Đó không là ý tưởng về sự cần thiết. Nhưng vì muốn tìm một lý giải Duy lý, ta cho rằng thế thì ắt có một cơ chế tâm lý nào đó đưa đến sai lầm, và đây chính là chỗ đứng của thói quen của trí tuệ. Quen nhìn hậu quả đến từ nhiều nguyên nhân qua kinh nghiệm, cuối cùng ta nghĩ nó tất phải như vậy. Nhưng chặng cuối của cách suy luận này không thể biện minh được, nếu ta chấp nhận quan niệm Duy nghiệm của Hume.

Trên tương quan nhân quả, Hume đi đến “vài nguyên tắc để phán xét nguyên nhân và hậu quả”, và đã tiên liệu được cả trăm năm trước những nguyên tắc quy nạp của J.S. Mill. Trước khi đến nguyên tắc này, Hume đề xuất vài thuộc tính, trước hết là “mọi sự có thể gây ra mọi sự khác”, điều có nghĩa rằng không có gì ta có thể cho là một liên hợp cần thiết. Đầu tiên, Hume viết “nguyên nhân và hậu quả phải tiếp giáp nhau trong không gian và thời gian”; thứ nhì “nguyên nhân phải có trước hậu quả”; và thứ ba liên hợp nhân quả phải hằng hữu bất biến. Sau đó, Hume đưa ra một loạt những nguyên tắc mở đường cho J.S. Mill. Chẳng hạn thứ tư, cùng một nguyên nhân sẽ tạo ra cùng một hậu quả, một nguyên tắc trực tiếp đến từ kinh nghiệm. Từ đó, thuộc tính thứ năm là khi nhiều nguyên nhân có cùng một hậu quả thì chúng phải có cái gì chung. Thứ sáu, những hậu quả khác biệt ẩn tàng những nguyên nhân khác biệt… Còn 2 nguyên tắc nữa, nhưng ta không cần bàn tiếp ở đây.

Nhận thức luận của Hume dẫn đến thế cách hoài nghi. Chúng ta đã thấy kẻ hoài nghi trong thời cổ đại là những triết gia phản bác những hệ thống siêu hình học. Và hoài nghi không có nghĩa như sau này trong ngôn ngữ thông tục, ý nói một sự không phân giải được. Ngữ nghĩa Hy Lạp khác, và hoài nghi chỉ những kẻ nghiên cứu tìm hiểu một cách cẩn thận. Khi những người xây dựng hệ thống siêu hình tưởng đã tìm được lời giải đáp, triết gia hoài nghi không hẳn tin và tiếp tục tìm tòi. Với thời gian, không phải sự kiếm tìm mà là lòng thiếu tự tin đã phủ bóng lên hai từ hoài nghi. Về Hume, ông hoài nghi ở nghĩa cổ, cho rằng nhiều điều ta nhận biết trong đời sống thường nhật như là hiển nhiên nhưng thật sự lại không thể biện minh được. Kẻ hoài nghi ở đây không có nghĩa chỉ những người do dự và không quyết đoán những vấn đề của đời sống. Hume nêu rõ tính cách hoài nghi triết học, nói “ai đó hỏi tôi có thật tâm tin những luận cứ tôi đã mất nhiều công sức ghi nhận, hay tôi là một trong những người cho rằng chẳng có gì là chắc chắn, và phán đoán của chúng ta không thể đo được đúng sai, tôi xin trả lời: những câu hỏi này hoàn toàn thừa, và không một ai, kể cả tôi, thành khẩn và luôn tin là như vậy. Thiên nhiên, do một sự tối thiết không gì kiểm soát được, buộc chúng ta phải phán đoán cũng như phải thở, phải cảm nhận… Kẻ bỏ công ra để phản bác quan điểm hoài nghi vừa nói chỉ là cãi vặt, và cãi chốn không người …”

Về ý niệm mà Locke đề xuất, Hume bền bỉ khai triển lý thuyết này đến tận cùng, và không thể nào đi xa hơn thế được. Nếu có kẻ cho rằng khi ta nói về chung chung về nhân quả, ta không đề cập đến nhân quả theo Hume, thì ta lại cần một cuộc khởi phát trong việc đi tìm tòi nghiên cứu mới. Thật rõ cho cả người bình thường lẫn khoa học gia, không ai nghĩ rằng về nhân quả như những liên hợp hằng hữu bất biến. Nhưng Hume sẽ đáp, họ đều sai nếu họ nghĩ gì khác thế. Có lẽ ở đây nguyên tắc Duy lý bị bỏ qua một cách hời hợt. Những gì khoa học gia thực hiện được, như chúng ta thấy với Spinoza, đều có mô tả Duy lý rạch ròi. Mục tiêu của khoa học là trình bày tương quan nhân quả dưới dạng hệ thống diễn dịch trong đó hậu quả phát xuất từ nguyên nhân, giống như kết cấu một luận cứ từ những giả định tiên khởi cần thiết. Nhưng cũng cần thêm rằng phê phán của Hume chính là áp dụng vào những giả định này, và làm thế, chúng ta luôn phải tiếp tục truy lùng, cách thế của những người hoài nghi đúng nghĩa.

Xin nhắc quan tâm sơ khởi của Hume là khoa học về con người. Ở đây, cách thế hoài nghi tạo ra những đổi thay căn bản trong Tôn giáo và Đạo đức học. Đó là bởi một khi chúng ta không thể biết một tương quan nhân quả tất yếu, đòi hỏi của đạo đức giảm thiểu, và ít nhất chúng ta cũng mong muốn biện minh cho những nguyên tắc đạo lý qua luận cứ Duy lý. Nền tảng của Đạo đức học trở thành bức thiết hơn là tương quan nhân quả trong lý thuyết của Hume. Nhưng dĩ nhiên, như ông lập luận, điều này cho phép chúng ta tự do chọn lựa cách thế nhận định, ngay cả khi không có được một biện minh rõ rệt nào cho chúng.


[1] Đảo thuộc Anh, nằm bờ đông Mỹ quốc, gần tiểu bang Carolina.

Comments are closed.