Gửi các bạn đã có ý kiến qua bài viết của anh Văn Giá

Phan Nguyễn

Tác giả gửi Văn Việt

bigstock-businessman-standing-alone-at-15473195_19230Cảm ơn các bạn đã có ý kiến ủng hộ anh Văn Giá.

Cảm ơn các bạn đã ủng hộ anh Văn Giá.

Trước hết cần phải khẳng định rằng, về cơ bản các nội dung trong bài viết “Luận văn, phê bình luận văn và…” của PGS. TS. Ngô Văn Giá là tích cực, theo nghĩa nó tiếp cận lẽ phải mà bất cứ ai có lương tri cũng dễ đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tôi không thấy những điều này là đáng phải “ngả mũ bái phục” như có người đã lên tiếng. Còn nếu như, quả thực những điều này cũng trở nên đáng bái phục thì sẽ có thêm rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ…

Thậm chí có những ý kiến còn đi xa hơn khi cho rằng: “Bài của thầy Ngô Văn Giá nghe phảng phất như bài phi lộ nổi tiếng của Nhượng Tống cho bản dịch Nam Hoa Kinh (Trang Tử) của ông. Mừng cho Việt Nam khi những người như thầy Giá còn nắm giữ những cương vị có ảnh hưởng đến nền hàn lâm, học thuật và lương tri, đạo đức của nước nhà.”. Hoặc có những ý kiến thể hiện một nhiệt tình ủng hộ hơi đặc biệt: “Đạo đức là đây! nhân cách là đây! Sư phạm mẫu mực là đây! Hỡi những kẻ đốn mạt về học thuật, về nhân cách nên… tìm đến thầy Ngô Văn Giá để được… ban cho những liều thuốc để chữa trị!!!”… (dẫn một số comment qua bài “Luận văn, phê bình luận văn và…” của PGS. TS. Ngô Văn Giá trên trang Tễu blog, ở địa chỉ http://xuandienhannom.blogspot.com/). Đọc những comment này, tôi chợt nhớ lại cảm giác rùng mình tương tự khi nghe phát thanh viên VTV điểm sự kiện với một giọng hào sảng hiếm thấy: “Tổ quốc là đây, nhân dân là đây…” để nói về việc đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam giành chức vô địch ở giải đấu khu vực. Đó là vào cuối năm 2008, việc đội tuyển bóng đá nam giành chức vô địch trên đấu trường Đông Nam Á có vẻ như đã làm cho phần lớn người Việt Nam được ở trong một trạng thái lâng lâng bồng bột. Điều này được cộng hưởng khi giới truyền thông chính thống nước nhà cũng tung hô hết cỡ, khiến cho không khí cứ như một cơn say ma tuý tập thể.

Trở lại câu chuyện về bài viết của Văn Giá, liên quan đến vụ việc luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan bị thẩm định lại để hủy bỏ kết quả bảo vệ xuất sắc cách đây 3 năm, tác giả bị tước văn bằng thạc sĩ.

Việc anh Văn Giá lên tiếng ở đây, theo chúng tôi cũng là việc cực chẳng đã, bởi vì anh may/hay không may thay lại chính là người nằm trong cái “Hội đồng” cũ. Nhắc đến nền giáo dục nước nhà đã có đủ chuyện bi hài, nhưng cái việc Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan lại không phải chỉ đơn giản là cái việc trong phạm vi nền giáo dục. Về thực chất, nó nằm trong cái phần tối tăm, thô bạo của một chế độ… chứ đâu phải chuyện đúng sai của Hội đồng này, Hội đồng kia??? Người Việt thật lạ kỳ và hèn kém… ở chỗ, nếu chẳng may một ngày nào đó chế độ này không còn đứng vững thì những kẻ a dua sẽ có những giọng lưỡi bất chấp mọi lẽ phải thông thường mà chà đạp lên tất cả những gì của chế độ này, bất kể đúng sai.

Anh Văn Giá, theo chỗ tôi biết từng làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền và từng tuyên bố rằng: Dù công tác trong Học viện Báo chí, nhưng trong tất cả các bài viết của Văn Giá không hề tồn tại một chữ ĐẢNG.

Trong tuyên bố này anh phạm hai sai lầm cơ bản:

Thứ nhất về khoa học. Không phải anh kiêng chữ ĐẢNG kia thì các bài viết hay công trình của anh là tiến bộ và khoa học. Người ta có thể vi phạm mọi “húy kỵ” về câu chữ nhưng tâm thế và tư thế lại hoàn toàn khác nhau, thưa anh Văn Giá và quí vị.

Thứ hai về luân lý. Anh “ăn lộc” của chế độ, hấp thụ sự hay dở của nó, anh thành Phó giáo sư, Tiến sĩ của chế độ đó, vậy mà anh tuyên bố xưng xưng như vậy thì người ta chỉ có thể hiểu rằng anh bất mãn vì không được chia chác những gì mà anh cho rằng anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn. Thế đấy thưa anh Văn Giá, anh không bao giờ trở thành anh hùng được đâu. Tự bản thân anh phải biết rõ những điều chúng tôi nói có đích thực sâu xa trong tâm khảm của anh hay không.

Còn việc chế độ này đang bộc lộ nhiều tật bệnh, không cần phải có quá nhiều bất mãn, ồn ào cũng đã rõ. Nhưng thử hỏi, trong chúng ta có ai đã từng một lần tự hỏi rằng: đó phải chăng chính là sản phẩm tất yếu của một dân tộc, với số đông (trong đó có bản thân ta) còn mang nặng di sản hàng ngàn năm nông nghiệp cổ truyền, chưa thể trưởng thành và chưa từng sẵn sàng để xứng đáng được hưởng hạnh phúc như nhiều dân tộc khác…

Tôi chỉ thấy lạ lùng: Cả một dân tộc với một chế độ đang tồn tại mặt nạ ngộ nhận và giả tạo trong mọi cảnh huống, vậy mà nó chưa hề có dấu hiệu thay đổi hay chuẩn bị để thay đổi!

 

Comments are closed.