Thời tiết đô thị

 

Thời tiết đô thị là tên một cuốn sách do Alpha Books xuất bản. Hiện đã nối bản thêm một lần (có sửa bìa một chút). Được coi là bán chạy (so với các sách phi văn học hoặc tản văn khác).

Sách ra đời do Megabooks (Phan An) lựa chọn từ các entry của Blog 5xu, biên tập và phân loại. Alpha Books đầu tư in thành sách và phát hành. Lời giới thiệu sách cũng do Phan An nhờ Giáo Sư Châu và Tiến sĩ Quốc Anh viết. Ở thời điểm đó tác giả (5xu – Phương Cẩm Sa) mới chỉ quen Quốc Anh. Nhờ GS Châu mà cuốn sách bán chạy (do anh được giải Fields chỉ một tháng sau khi sách được phát hành).

Sách có thể đặt mua ở đây. Còn bản ebook mua ở đây.

Lời giới thiệu của Đỗ Quốc Anh

Tôi nhận viết lời giới thiệu cho tập sách “Thời tiết đô thị” của tác giả Phương Cẩm Sa mà tự nhủ sẽ vô cùng khó có thể giới thiệu tóm gọn những câu chuyện rất ngắn trong cuốn sách này, khi mà bạn đọc còn chưa lật ra xem. Thay cho công việc tóm gọn ấy, tôi xin ghi lại những ấn tượng rất cá nhân của mình về tác giả, mà nhiều bạn bè và người thân vẫn gọi là anh Văn.

Tôi được biết anh Văn từ nhiều năm, biết qua một vài người bạn, qua những câu chuyện xuyên qua ly cà phê, và qua những gì anh viết. Anh viết tản mạn, thực sự tản mạn theo những gì xảy ra xung quanh không gian sống và không gian xã hội của mình, lơ đãng trên dòng chảy thời gian lúc lượn lờ lỏng lẻo lúc gấp khúc cứng ngắc. Văn của anh là sự cô đọng những câu chuyện có thể kể đi kể lại hàng giờ, là sự cởi mở những khoảng trống suy nghĩ riêng tư thảng hoặc mới tìm được người đồng điệu, là bức tranh của góc nhìn, là giải phẫu con mắt, là bản in cố định của những dòng ngôn ngữ và lập luận không ngừng của anh.

Góc nhìn càng rộng thì tầm nhìn càng bao quát. Con mắt càng tinh tường thì sự thông hiểu càng chi tiết và sắc xảo. Ngôn ngữ càng uyển chuyển, lập luận càng linh hoạt, thì câu chuyện kể ra càng dễ đi vào những bước rẽ đột ngột không lường trước được, con đường khám phá của người đọc càng độc đáo và lạ lẫm. Đọc những bài viết của anh Văn, điểm đến, kết luận của mỗi bài chỉ là phần thứ yếu, mà điểm chính yếu là trải nghiệm của người đọc trên mạch dẫn của từng câu chuyện.

Anh viết tự do, nhưng văn của anh không kén người đọc; có chăng, văn kén cách hiểu, cách nhìn thông suốt qua mọi câu chuyện. Anh viết, hẳn là chỉ để cho riêng mình, nhưng không vì thế mà văn của anh cô độc. Đọc những gì anh viết, cũng giống như được ngồi đàm luận tản mạn với anh, cũng có cảm giác được học hỏi và được trao đổi, cũng có thể mải mê quên bữa cơm chiều. Những gì anh viết thường làm tôi nhớ rất kỹ lời nhà văn Argentina Jorge Luis Borges về tập truyện “Cuốn sách cát” của mình:

“Tôi viết không phải để cho một nhóm “Tinh hoa” nhỏ mà tôi không màng quan tâm, cũng không phải cho cái thực thể được thần tượng trong tiềm thức mà người ta gọi tên là “Đại chúng”. Tôi không tin vào cả hai khái niệm trừu tượng này, vốn dĩ nhà mỵ dân vẫn lấy làm thân thuộc.

Tôi viết là để cho tôi, cho bạn bè tôi, và để làm dịu dòng chảy thời gian.” – Jorge Luis Borges, “Cuốn sách cát”

Tôi có may mắn được đọc hầu hết những bài viết nhỏ trong tập sách này từ bản thảo đầu tiên, lúc tác giả mới đặt lên blog, khi trong đầu tác giả có lẽ không mảy may nghĩ đến chuyện một ngày những bài viết này sẽ được in ra thành sách. Đọc những bài viết mới ra lò còn nóng hổi giống như được ngồi hàn huyên chia sẻ cùng tác giả, bất kể có cách xa hàng ngàn cây số. Đến nay, những bài viết đã ít nhiều được “ủ” qua thời gian, được tuyển lựa kỹ hơn, mất bớt chất đắng chát mang tính thời sự chỉ có được vào thời điểm viết bài, mà lấy thêm nhiều vị sâu sắc từ việc nối kết liền mạch cảm xúc và lập luận của tác giả xuyên suốt cả cuốn sách.

Có người so sánh tản văn với rượu vang. Rượu vang cũng muôn mầu muôn vẻ, cũng tùy theo người thưởng thức mới biết hay dở, mùi và vị cũng tùy vào từng mùa, từng năm tháng, từng địa phương, tùy vào thành phần nho và cũng tùy vào người lựa chọn các loại nho để kết hợp nên hương vị chính. Rượu vang có loại nên uống ngay lúc mới làm xong, cũng có những loại càng để lâu càng thấm đậm mùi hương độc đáo và vị chát ngọt đọng sâu trong cuống lưỡi. Tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn cuốn sách “Thời tiết đô thị”, như giới thiệu một loại rượu lâu năm đặc biệt nồng đượm mà cá nhân mình rất tâm đắc.

Tết Canh Dần, 2010

Đỗ Quốc Anh

***

Lời giới thiệu của Ngô Bảo Châu

Có đôi lần tôi bị day dứt bởi câu hỏi này. Cuộc sống hiện đại ngày càng giống một dòng sông cuồn cuộn chảy. Chất liệu cho văn học là cái hỉ nộ ái ố của con người cứ ê hề ra như thế, tại sao văn học Việt Nam đương đại lại trung bình đến như vậy. Năm này qua năm khác, các nhà văn lão thành vẫn tiếp tục khai thác chủ đề người lính cao thượng cứ như thể báo Văn nghệ quân đội sẽ đóng vai trò chuẩn mực vĩnh viễn. Bao nhà văn trẻ hơn vẫn say sưa từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác mà không vượt khỏi mức độ hiện đại nghiệp dư. Ngay đến một con người xuất chúng như Nguyễn Huy Thiệp khi dũng cảm viết về chủ đề thành thị hiện đại cũng trở nên lơ ngơ như anh nhà quê ra tỉnh.

“Quả thật là cuộc sống không ngừng thay đổi. Sợ nhất là đời thay đổi mà mình cứ im im. Sợ nhất nhất là đời thay đổi một đằng, mình thay đổi đằng khác. “

Vậy ta hãy lắng nghe những con người trưởng thành trong cái dòng sông cuồn cuộn kia. Ở đó, hệ qui chiếu luân lý đã khác với các giá trị cổ điển. Ánh sáng đèn mầu, chuyến ra đi mê mải và cuộc chia tay tịnh không một giọt nước mắt không còn là những yếu tố phù du mà đã trở thành bộ phận cấu thành của tâm hồn.

Nhiều người cứ nghĩ văn viết trên blog hoàn toàn mang tính ngẫu hứng. Entry trước, entry sau không liên quan gì đến nhau. Người viết blog hay như 5xu chắc không hoàn toàn bị chi phối bởi cảm hứng ngẫu nhiên. Một quan sát mới, một liên tưởng lạ, có lẽ đã quanh quẩn trong đầu người viết từ lâu, chỉ chờ một yếu tố khách quan, để có thể tinh thể lại thành những con chữ. Văn viết trên blog được giải phóng khỏi tính tuần tự của văn chương cổ điển.

Trên blog của 5xu, cuộc sống hiện đại được những con chữ thể hiện mồn một. Giống một bộ sưu tầm tranh thủy mạc hơn một bộ phim tài liệu. Người viết ra những dòng này rất có thể còn bị chi phối bởi những giá trị cổ điển cho nên vẫn muốn đi tìm một bộ phim rõ nét về cuộc sống. Nếu ngộ ra cái tính bất định của cuộc sống, hắn đã cảm thấy hạnh phúc với những tấm tranh thủy mạc vẽ bởi một họa sĩ có tài.

Cái tự do vô cùng của văn viết trên blog đôi khi cũng là cái hạn chế của nó. Không có cấu trúc, mỗi entry tồn tại như một cá thể riêng biệt. Đọc lại một lượt Thời tiết đô thị, tôi chợt nhận thấy hóa ra là không phải như vậy. Mò theo sợi dây vô hình kết nối chúng lại, ta tình cờ được chiêm ngưỡng nhân sinh quan của tác giả : một nhân sinh quan thú vị và đáng ngạc nhiên hơn cả cái slogan “ lúc điên lúc loạn, lúc tối tăm, lúc sáng lòa …”.

Cái sợi dây vô hình kia là giọng văn trong trẻo của 5xu. Đọc nhiều đoạn văn mà thấy sung sướng như được ăn một bát cơm ngon. Gạo mới nấu khéo. Rất may là nhà sách Megabooks đã có sáng kiến mang bát cơm tinh thần này đến đông đảo bạn đọc.

Ngô Bảo Châu

***

Thời tiết đô thị và thời của sách-blog
Thu Hà – Báo Tuổi Trẻ

TT – Ðô thị có thời tiết riêng của mình không, nếu không kể đến mưa nắng của trời trên những con phố chật, đến bốn mùa xuân hạ thu đông lần lượt quay vòng qua các khung cửa kính ngột ngạt?

Có đấy, nếu đọc hết những entry trong blog của 5xu (tên blogger) mà anh đã trịnh trọng cho in thành một tập sách đẹp qua cái tên rất thời thượng: Thời tiết đô thị (*) với bút danh Phương Cẩm Sa.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà tập tạp bút này có tới hai lời tựa: một của GS toán học Ngô Bảo Châu, một của tiến sĩ toán học Ðỗ Quốc Anh. Nó mang một hàm ngôn nữa đằng sau lời giới thiệu: đây là cuộc dạo chơi của những trí thức trẻ, làm khoa học tự nhiên, vào một khu vườn vốn không được coi là lãnh địa của họ: chữ nghĩa và cảm xúc.

Sống, Truyện, Review (Ðiểm phim, sách và nhạc), Văn nghệ sĩ, Nghĩ khác – là những chủ đề khác nhau nhưng rất gắn kết về tư duy và ngôn ngữ trong Thời tiết đô thị.

Không bị mặc định viết sách để in, cũng không bị gò vào một chủ đề nhất định, đối tượng đọc nhất định, tính liên tưởng rộng đến mức phóng túng (và nhiều khi thậm chí lan man), giọng văn tung tẩy đủ cung bậc từ trang nghiêm điềm đạm chuyên môn, hài hước dịu dàng duyên dáng, chua ngoa đanh đá phố phường đến ngọt ngào “trên cả sến” đã khiến tập tản văn có sức hấp dẫn khó tả với cư dân đô thị, đặc biệt là trí thức văn phòng và văn nghệ sĩ cà phê trà chén vỉa hè.

Cái độc đáo nhất của 5xu là có thể bắt đầu một cách cà chớn bông lơn “nhân một ngày nắng không dám bước chân ra ngoài”, nhưng lại kết thúc bằng một vấn đề nghiêm túc: “Tham nhũng có hệ thống sẽ là gốc của vấn đề xã hội trầm trọng nhất: phân hóa xã hội” (A Quest). Hoặc từ truyện cười dân gian “đồng nào mua mắm đồng nào mua muối”, dẫn đến một khái quát về “dân tộc tính” là kém tư duy kinh tế dẫn đến bất chấp hiệu quả sử dụng đồng vốn vì để xảy ra hiện tượng đảo vốn (đồng mua muối dùng để mua mắm).

Và sau cùng, để bài viết của mình đạt được bất ngờ cao nhất, chàng triết gia trà chén vỉa hè 5xu đặt cho nó cái tên tưởng chẳng liên quan gì: “Nỗi nhớ Mỵ Châu”(!). Nghe đầy vô lý nhưng đọc thấy khá có lý.

Gần như cùng một khoảng thời gian, các “sao” blogger thời Yahoo 360O cực thịnh, sau khi đã phải ngậm ngùi đóng cửa hoặc chuyển nhà vì “chủ sàn” chơi không đẹp, nay đồng loạt mang những trang nhật ký mạng ra sửa sang, tỉa gọt và trình làng với một gương mặt mới: sách. Và sách ấy đương nhiên là các tập tản văn: Nguyễn Trương Quý, Phạm Quang Vinh, Trần Ðình Dũng, Nguyễn Thị Hậu… và nay là 5xu Phương Cẩm Sa.

Sách của họ có một lợi thế là người đã đọc và comment (bàn luận) trên blog sẽ mua để đọc lại, một lợi thế nữa là tính linh hoạt, tự do, phóng khoáng và tính tương tác mạnh của blog đã khiến các vấn đề mà họ viết trải rộng trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến rất nhiều đối tượng khác nhau.

Nhưng đó cũng có lẽ lại là một rào cản vô hình mà không phải ai trong số các “sao” blogger có thể vượt qua: vì xuất phát điểm là viết cho mình, cho một nhóm bạn nên có nhiều entry mới ở dạng “bán thành phẩm”. Một chuỗi entry trên blog cá nhân có thể “viết cho sướng”, nhưng một tập hợp bài viết thành sách thì không chỉ như vậy.

Vì thế, cảm giác thập thững, trồi sụt khi đọc Thời tiết đô thị cũng như các tập sách – blog là phổ biến. Có lẽ, thời tiết đô thị hiện đại phải là sáng nắng – chiều mưa – trưa gió mùa như vậy chăng?

***

Nỗi buồn trong trẻo của Thời tiết đô thị
Lâm An – Báo Pháp Luật

Thời tiết đô thị (sách do Alphabooks phát hành) được thể hiện bởi một giọng văn tỉnh của một cái đầu lạnh và thâm trầm.

Nắm bắt được tâm lý người đọc, tác giả rất khéo léo trong việc thể hiện tư duy logic và cảm tính vừa phải trong những trang viết. Cuốn sách được biên tập tốt với năm phần: Sống – Truyện – Điểm phim, sách, nhạc – Văn nghệ sĩ – Nghĩ khác, bao quát khá nhiều vấn đề trong những năm gần đây. Có lẽ đây là ưu điểm của cuốn sách tổng hợp, nhất là khi nó xuất phát từ một blogger lang thang giang hồ mạng lâu năm. Người đọc khó tính đến đâu cũng sẽ tìm được một bài viết phù hợp với lĩnh vực mình quan tâm.

Tự nhận mình không có tham vọng theo đuổi nghiệp viết lách mà chỉ lên tiếng về dòng chảy của những con sông thời hiện đại, tác giả đã truyền tải được những thông điệp của mình một cách nhẹ nhàng nhưng thành công. Không ám ảnh bi lụy cũng không quá cực đoan, tác giả Phương Cẩm Sa đã đem lại một món ngon tinh thần cho độc giả.

Những thay đổi đương nhiên của con người và xã hội trong Thời tiết đô thị ta có thể chứng kiến hằng ngày ở bất cứ đâu. Nhiều đến mức người ta quên cả cảm giác nên buồn cho cái thời thế ấy, nên tiếc cho con người và cái cảm giác xưa cũ ấy. Và “khi người ta thôi trẻ”, người ta càng biết cách “hóa vàng” cảm xúc bằng chiếc áo ngôn từ khách quan. Dẫu vậy vẫn lẩn khuất đâu đó trong những trang viết là cảm giác về một niềm tin bị mất mát, sự chua xót và một nỗi buồn trong trẻo. Giống như tác giả vừa tan rã một giấc mơ dài của thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh, từng trải qua những biến động lớn lao của đất nước thời mở cửa và hội nhập.

“Mấy giây sau tôi băng qua ngã năm. Tôi như thấy mình là người duy nhất còn tồn tại trên cõi đời này. Cái khoảng không giữa ngã năm ấy giống như một khoảng không gian hoàn toàn trống rỗng giữa vũ trụ bao la và tăm tối.

Tôi đã băng qua khoảng trống ấy trong một thứ ánh sáng trong vắt và tuyệt đối yên lặng”. (Trích Thời tiết đô thị – Phương Cẩm Sa).

***

“Thời tiết đô thị” – có mây và có mưa…
Alpha Books

So với một cuốn ghi chép những tản mạn, có vẻ như quá dài. Nhưng nếu đó là ghi chép của cả một quãng đời từ thanh niên tới trung niên, từ lúc loạng quạng bước vào đời tới lúc trưởng thành, thì cũng không phải là quá nặng.

Đúng như nhiều người nhận xét, có vẻ như tác giả là một tín đồ của H.Murakami. Gọi là ‘tín đồ’ bởi vì có cảm giác như khi đọc H.Murakami, anh ta ngỡ ngàng vì nhận ra có quá nhiều hình bóng của mình trong đó. Thế là hối hả bình luận, hối hả trích dẫn. Không chỉ người điểm sách ngụp lặn trong văn chương mà khiến cho cả những người đọc cũng bơi trong đó. Thành ra, những bài điểm sách chưa thực sự chỉ ra nhiều điều, dù có những nhận xét tinh tế về tác phẩm, dù nặng về những ảnh hưởng của nó tới người đọc hơn. Như khi nhận xét: “Đọc xong Rừng Na-uy, thấy cuốn sách nó cứ đi theo mình. Theo lâu lắm. Đọc xong Biên niên ký chim vặn dây cót, thấy mình chui tọt vào cuốn sách. Cũng khá lâu, mãi mới lóp ngóp chui ra được…”

Điều này cũng giống như khi viết về các nghệ sỹ, rất nhiều nhận xét tinh tế, nhưng lại chưa nâng lên được một tầm nào đó cao hơn, như một cái nhìn chung cho tất cả hay là chỉ ra được một nhân sinh quan nào của họ. Có lẽ vì còn dè dặt, ngại động chạm chăng? Vả lại, thế là phải, bởi chúng ta đâu cần lý luận nữa! Sách vở đã đầy ắp lý luận rồi. Hài hước nhưng cũng chính xác nhất là nhận xét về Hồng Nhung và Lam Trường, “Hồng Nhung là âm bản của Lam Trường về phát âm. Hồng Nhung, hát từ nào ra từ ấy, còn Lam Trường thì từ nào cũng như từ nào, phều phào như nhau.”

Cũng chính vì là tín đồ của H.Murakami, nên các truyện đều phảng phất như thế. Nhưng tất nhiên là không bằng được rồi. Bằng H.Murakami thì rách việc lắm, vì lúc ấy người ta sẽ lao vào mổ xẻ, tác động từ đâu mà thành như thế. Vì gia đình (con dòng cháu giống, người ta sẽ dẫn ra cụ tổ đến mấy mươi đời), vì giáo dục (người ta sẽ bảo là vì học ở trường ấy trường nọ,…) vân vân và vân vân… Thành ra chỉ quẩn quanh, anh, em và ‘sợi xích’ ấy. Đọc để giải trí mà, cũng vui. Vì toàn thấy những gái đẹp, chân dài, trẻ măng, có khi còn có nguy cơ thành tội phạm vì đang ở tuổi vị thành niên ấy! Có điều hơi băn khoăn là không hiểu sao lại thích hóa thân thành nhân vật nữ thôi. Các nữ tác giả thường muốn thành nhân vật nam, vì họ bị đối xử bất công bằng bao đời nay, việc hóa thân trong tưởng tượng khiến họ có cảm giác mạnh mẽ hơn; còn hầu hết, ở cả đời thật lẫn trong tưởng tượng, đàn ông hiếm khi muốn trở thành phụ nữ. Không hiểu có ẩn ức gì không?

Còn lại, có những phần tản mạn, suy tư về đời, về người, đọc thấy trống vắng, cô đơn vô cùng. Và những phần đặc sắc nhất chính là về đời sống ngổn ngang, được kể bởi một giọng triết lý của người dường như vô cùng từng trải, đã va đập với đủ những đắng cay ở đời, và giờ thì viết về những vết thương bằng đôi mắt của người ngoái đầu nhìn lại. Cũng giống giọng của một tay buôn chuyến đường dài, vừa ma mãnh, láu cá vừa trải đời. “Ăn chung mâm kiểu Việt Nam còn sinh ra cái tâm lý nhìn vào bát của nhau. Thằng này vào mâm là gắp miếng đùi, thế cổ cánh mày để cho ai? Thằng kia lại có tính nhường nhịn, nhường người cùng mâm gắp trước, hết nước mắm còn chạy đi lấy, quay lại nhìn bát của mình kém bát chúng nó. Một lần không sao, nhiều lần là nảy sinh xích mích.”

Nhiều người sẽ hỏi, tại sao lại là Thời tiết đô thị? Đô thị thì đương nhiên rồi, vì chủ yếu là cuộc sống ở đô thị, của đô thị, người đô thị. Còn thời tiết? À, thời tiết, là vì thời tiết thì có mây và có mưa…

***

Ném đá phi thời tiết
Lâm Vũ Thao

Chiều nay ngồi Coffee Bean ở Metropolitan thì nhận được Thời tiết đô thị của 5xu do bồ câu mang lại. Ghi nhận dạo này 5xu giao du với bồ câu hơi nhiều. Sách có ghi lời đề tặng rằng: “Tặng T., người đọc sách kỹ tính như luật sư và là luật sư yêu sách văn hơn văn bản luật.” Tuy chữ Xu xấu nhưng công nhận đề tặng thích. Gọi điện bảo Xu ra uống cà phê để được ném đá trực tiếp nhưng sợ bị mất việc nên Xu không dám ra. Thế đành ném đá thẳng lên blog vậy.

Vài nhận xét:

Bìa 1: Không thích hình bìa. Nếu tên cuốn sách là Thời tiết đô thị, thì thời tiết đô thị hẳn hơi ảm đạm. Sách Xu đâu ảm đạm như vậy. Cũng không thích chữ Phương Cẩm Sa màu tím. Xu tuy có lúc sến nhưng nhìn chung không đến nỗi tím. Không thích chữ blogger 5xu không viết hoa và nằm trong ngoặc đơn. Trông nó suồng sã quá.

Bìa 2: Đó là một đoạn văn hay của Xu, nhưng nó có hai lỗi, một lỗi về khoảng cách và một lỗi là không ghi trích trong bài nào.

Bìa 3: Tương tự bìa 2, có lỗi không ghi trích từ bài nào.

Bìa 4: Sai lỗi chính tả ngay dòng đầu tiên: “súc tích” chứ không phải “xúc tích”. Ngoài ra, nên bỏ học vị, học hàm sau tên của NBC và ĐQA.

Độ dày: 355 trang. Thích độ dày này. Dưới 200 trang thì in sách làm gì:)

Bố cục: Gồm 5 phần: Life, Stories, Review, Artists, Think Different. Thích bố cục này. Tuy nhiên, hơi dị ứng với hai chữ “Think Different”. “Think” được rồi, “different” hay không tính sau, vì ai cũng biết chắc Xu think, nhưng chưa chắc Xu đã think different.

Thích trang có hình em Giò đứng dưới chân cầu thang.

Lời đề tặng: Ấn tượng. Hình như viết lời đề tặng là nghề của Xu. “Tặng cho cả bầu trời có giông tố và có những ngày nắng đẹp” là một lời đề tặng hay hay, ngang với lời đề tặng trên một bài thơ của Tạ Thành Vinh “Tặng ngôi nhà và năm người con gái”. Hơi băn khoăn tặng “tất cả cyberworld” thì khác gì “tặng cyberworld”.

Nội dung: Có bài hay có bài dở – chuyện này bình thường. (Tham khảo nhận định về văn 5xu ở đây). Nhưng, nếu in sách, lẽ ra tác giả nên đích thân biên tập, chọn bài, sửa sang lại một tí. Blog là thứ đọc hàng ngày, còn sách là thứ đọc đi đọc lại, nên cần phải khó tính hơn trong biên tập.

Cuối cùng: Được tác giả tặng sách bao giờ cũng thích. Cảm ơn 5xu.

Nguồn: http://5xublog.org/ttdt/

Comments are closed.