Kể cả bị đuổi việc, anh vẫn muốn in bằng được cuốn sách này. (Tạ Duy Anh)

Bùi Mai Hạnh

(Lục tìm tài liệu về anh Phước báo Tuổi trẻ, thấy đoạn này, từ hơn 10 năm trước. Tôi đưa lên đây như lời tri ân nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập sách Lê Vân Yêu và Sống, nhân dịp anh tuyên bố về hưu “làm người Tự Do”)

……….

Sau khi bị hai nhà xuất bản từ chối, bản thảo Lê Vân Yêu và Sống đến tay nhà văn Tạ Duy Anh, biên tập viên nhà xuất bản Hội Nhà văn. Người chuyển tập bản thảo đến tay anh Duy Anh nói với tôi: “Duy Anh bảo sẽ có giấy phép ngay”. Tôi giãy nảy lên: “Ơ, để em in bản đã sửa lại rồi hãy đưa cho anh ấy đọc”. Câu trả lời tôi nhận được là: “Đừng lo. Người ta chẳng đọc đâu”.

Ở trường Viết văn Nguyễn Du, nơi tôi theo học 4 năm, nhà văn Tạ Duy Anh được sinh viên chúng tôi quí mến như một người anh. Tôi vui vì bản thảo đến tay anh. Tôi chờ đợi được nghe những lời nhận xét chân tình. Từ Sài Gòn, ngay lập tức, tôi gọi điện cho Duy Anh: “Em biết bản thảo của em đã ở chỗ anh rồi. Nhưng đó không phải là bản em muốn anh đọc. Em sẽ nhờ người chuyển cho anh tập bản thảo cuối cùng”. Đầu dây bên kia trả lời: “Được rồi, được rồi. Để xin giấy phép xong, anh sẽ đọc”. Tôi choáng váng, hốt hoảng: “Họ nói anh sẽ không đọc đâu. Hóa ra là thật ư?”. Tim tôi đập loạn nhịp. Rụng rời. Tôi nói gấp gáp, hoàn toàn không chủ đích: “Anh ạ. Chuyện này chỉ là giữa em và anh thôi. Em sẽ gửi cho anh một bản khác, chính thức nhờ anh đọc hộ, như một người đi trước. Như một người thầy, một người anh. Nếu anh thấy được thì cấp giấy phép, nếu không được thì anh bảo thẳng với em, vứt nó đi, đừng có mà viết lách gì nữa”. Đầu dây bên kia ậm ừ. “Được rồi, được rồi. Sẽ đọc, sẽ đọc”. Như không thể yên tâm, tôi cố nói thêm: “Anh ạ, nếu chỉ là cuốn sách khai thác đời tư của diễn viên thì em không bao giờ mất công viết đâu. Em muốn viết một cuốn sách có tác động xã hội. Em mong anh hãy bớt chút thời gian đọc giúp…”

Có lẽ, lời đề nghị của tôi thiết tha quá, anh Duy Anh không nỡ từ chối. Hôm sau, tôi nhờ V.H., cô em hàng xóm ở Hà Nội thỉnh thoảng rủ tôi uống rượu đêm, in ra và đưa cho H.B., bạn học cùng trường với tôi, mang đến nhà xuất bản. Tôi nhắc H.B. phải mang đến trước 12 giờ trưa như đã hẹn với Duy Anh. Xong việc, H.B. gọi điện ngay cho tôi, giọng rất nhẹ nhàng: “Chị đừng gọi cho anh ấy nhiều quá. Anh ấy bận lắm. Em cũng có nói thêm cho chị rằng đây là cuốn sách tốt đấy”. Giọng cô đầy thương cảm ái ngại. Tim tôi bỗng chùng xuống. Người lạnh toát, nóng bừng. Tôi mới gọi có một lần thôi mà. Ôi, sao tôi muốn khóc quá! Vang vang trong đầu tôi giọng nói của chính mình. Phải rồi. Trong con mắt các bậc tên tuổi như Tạ Duy Anh, kẻ thơ thẩn tập tành viết văn xuôi như tôi chẳng bõ để họ phải mất thời gian. Cái tên Lê Vân chẳng gây được ấn tượng gì. Chúng tôi thì văn chương chữ nghĩa cái gì, một lũ đàn bà phù phiếm ấy mà cũng đòi viết lách ư? Nhưng thôi, mình đang cầu thị mà. Tôi ngạc nhiên thấy mình năn nỉ xin anh ấy đọc giúp. Có lẽ vì tôi không còn nơi nào bấu víu. Có lẽ vì tôi có một niềm tin, dù bản thảo tôi chỉ hài lòng đến 70%, nhưng chắc chắn nó không thể nào là một thứ vô giá trị. Điều tôi thấy kinh khủng nhất, có thể, Duy Anh không thèm đọc chữ nào của tôi. Tôi có nghe nhầm không? “Cứ để xin giấy phép xong rồi anh đọc”. Tại sao lại có một thứ nhà xuất bản cấp phép xong rồi đọc. Đọc cái gì và cấp phép cái gì? Lẽ nào chuyện họ chỉ cần bán cái giấy phép thôi, là thực?

Hai ngày sau, tôi gọi điện cho Duy Anh. Sợ hãi còn hơn cả lần đầu mạo muội gọi điện cho Lê Vân đề nghị được viết sách về chị. Tôi quyết tâm “mặt trơ trán bóng” giục anh đọc. Không ngờ, nghe giọng anh reo lên trong máy: “Anh đọc sắp hết rồi, đọc suốt đêm qua. Mệt quá, phải đi ngủ, đọc lôi cuốn lắm em ạ. Mà viết rất văn chương. Nó như một cuốn tiểu thuyết ấy. Còn khoảng ba chục trang nữa thôi. Lát nữa em gọi lại nhé”.

Viết lôi cuốn. Rất văn chương. Như một cuốn tiểu thuyết. Tôi còn mong muốn lời nhận xét nào hơn thế nữa? Tôi thấy mắt mình nhòe mờ. Thân thể nhẹ bỗng muốn bay lên. Lâng lâng say say giống như khi biết tin trúng tuyển lớp học sinh giỏi văn của quận Đống Đa. Tôi đứng ngồi không yên, mong đến lúc gọi lại. Duy Anh đã đọc xong, giọng vang vang hào hứng. “Rất đáng in ra em ạ. Anh chúc mừng em. Cuốn sách rất hay. Em viết văn rất cẩn thận, chỉ cẩn thận sau Duy Anh thôi. Ha ha ha. Cần phải in cuốn sách này ra càng nhanh càng tốt. Nếu em muốn in nó thì bay ra Hà Nội ngay, sửa chữa một chút rồi anh bày cách xin giấy phép cho. Phải in cuốn này ra để cho bọn nào định viết hồi ký tự truyện học tập. À, anh hỏi thật này. Em viết hay là Lê Vân nói đấy?”. Ngơ ngác mất vài giây, tôi cười phá ra: “Ơ hay, sao anh lại hỏi thế. Câu trả lời của em là, Lê Vân nói và em viết. Thế được chưa?”

………..

Hôm sau. Ngày 17.9.2006. Như đã hẹn, tôi bay ra Hà Nội. Hai giờ chiều tôi có mặt tại nhà riêng của nhà văn Tạ Duy Anh, một nơi xa lắc xa lơ. Sau khi hỏi thăm vài câu, anh vào việc ngay: “Em về bàn lại với chị Vân xem phần ông bố thế nào. Cứ như trong sách này, anh hình dung ông ấy là con quỉ chứ không phải là con người. Anh cũng có một ông bố kinh khủng nhưng không thể nói về bố như thế đâu. Bảo chị Vân phải sửa lại chương này đi. Anh sợ sau này sách in ra, ông ấy sẽ không chịu nổi. Ông ấy sẽ uất đến phát điên hoặc nói dại, ông ấy xấu hổ quá đến phải tự sát thì sao. Chị Vân sẽ ân hận cả đời đấy…”.

Phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên quá đỗi. Ngạc nhiên bởi những từ ngữ anh Duy Anh dùng để tưởng tượng về ông bố Lê Vân và hậu quả có thể của cuốn sách. “Con quỉ”, “uất đến phát điên”, và “tự sát”… ư? Nếu đã là quỉ thì chẳng có trí óc để uất hận phát điên hay là có trái tim để xấu hổ đến muốn tự sát. Tôi từng nghe nói, từng quen biết, từng gian díu, từng sống cùng với khá nhiều “con quỉ” giống y thế, nên tôi thấy chân dung ông bố là rất nhan nhản trong giới văn nghệ sĩ. Bọn quỉ mà biết xấu hổ tự sát thì thiên hạ đại phúc!

Nghĩ đến đó, máu nóng bừng lên mặt, tôi bật dậy khỏi chiếc ghế mây. Tôi thấy mình đi đi lại lại như con thú bị trúng thương. Trong phòng khách nhà Duy Anh. Cố kiềm chế cơn xúc động. Từ miệng tôi thổ ra một tràng âm thanh lạ lùng: “Chẳng việc gì phải sửa cả. Ông ấy là người như thế đấy. Ông ấy điển hình cho loại nghệ sĩ vô trách nhiệm với vợ con gia đình, chỉ biết ăn chơi vui thú cho mình, cho sự nghiệp của mình. Nếu đó là sự thật thì tại sao phải sửa chữa? Em nghĩ khá nhiều về cái gọi là nghĩa vụ và trách nhiệm của con cái. Con cái có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chứ không có nghĩa vụ phải thương yêu và kính trọng, nếu đó là những người cha người mẹ không xứng đáng. Thương yêu và kính trọng là thứ không thể bắt buộc mà có được. Thực ra, phần ông bố đã bỏ đi khá nhiều rồi. Chị Lê Vân rất cân nhắc điều đó chứ không phải là không nghĩ trước nghĩ sau. Nhưng anh thấy đấy, chị Vân tuyên bố rõ ràng, không yêu thì không thể nào cứ phải nói là yêu!!! Và cố để làm gì thì được chứ không thể cố để yêu thương. Nói thật sao khó thế. Sao lại cứ phải làm mềm đi, phải làm nhẹ đi tội lỗi của một con quỉ chứ!”

Nói xong một hơi, tôi về lại ghế ngồi. Duy Anh nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ. “Thôi, tùy hai chị em. Nhưng em nhớ nói với chị Vân ý kiến của anh nhé. Bây giờ em về đi, đảo lộn bản thảo lên, in ra, rồi mai mang đến cơ quan cho anh để anh đưa lão Đỉnh vậy, lão Trường vẫn đang ở Đà Lạt chưa về”.

……….

Buổi tối, dù rã rời mệt mỏi bởi di chuyển tôi vẫn phải làm cái việc “cắt dán” lại bản thảo. Tôi đảo chương Người ấy lên đầu cho ra mùi ái tình, bỏ những lời đề từ trước mỗi chương đi, xóa một số tên riêng… Tôi nhớ đến lời một ông Phó Giám đốc một nhà xuất bản lớn, người có thể đọc một ngày một cuốn sách, bằng cách chỉ tìm đọc những từ ngữ cần tìm. Tôi bèn cố gắng tìm lại một số câu, từ nhạy cảm để xóa đi. Đó chẳng phải là công việc dễ dàng vui thú gì. Thật là khốn nạn cái thân mình. Sao tôi lại phải làm cái việc này? Đúng hay sai? Tốt hay xấu? Để làm gì chứ? Một nỗi gì như là tủi thân dâng lên khiến tôi nghẹt thở. Bất động. Mắt nhìn vào hư vô. Chục phút trôi qua… Rồi tôi vẫn phải trở về thực tại. Chẳng có cách nào khác. Phải làm thế, làm thế, nghĩa là cứ thế mà làm, theo lời Duy Anh thôi. Anh ấy đã nói, “Tội vạ đâu anh chịu. Kể cả bị đuổi việc, anh vẫn muốn in bằng được cuốn sách này”. Anh ấy chỉ biên tập cho cuốn sách, mà còn dám xả thân đến thế, hà cớ gì tôi còn đắn đo?

Sáng hôm sau, tôi mang mớ bản thảo lộn tùng phèo đến nhà xuất bản, đồng thời hẹn Lê Vân đến để giới thiệu chị với anh Duy Anh. “Chúc mừng chị. Viết tự truyện như thế mới gọi là viết”. Vừa ngồi xuống ghế cà phê, sau câu chào, Duy Anh nói ngay ý kiến của anh về chương ông bố. Chị Vân lắng nghe chăm chú, trả lời rất hồn nhiên: “Bố em là thế đấy anh ạ. Chẳng sao đâu, cụ chẳng phản ứng đến mức đó đâu”. Rồi chị quay sang tôi, nói rất nhỏ: “Cụ chẳng có bản lĩnh để làm cái gì mạnh mẽ đến thế đâu”.

Trò chuyện một lúc đến giờ ăn trưa, Duy Anh bấm máy gọi cho ông Trung Trung Đỉnh, Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn, mời đi ăn cơm trưa. “Nhân thể có cả chị Vân đây thì mời chị đi luôn”. Thế là chị Vân bị bắt cóc đi. Rất tự nhiên. Tôi chẳng hiểu ra làm sao. Sao lại mời chị Vân? Đang muốn giấu chị Vân đi nay lại mời chị đi ăn với ông Đỉnh là sao? Chả hiểu anh này muốn dẫn mình đi đâu nữa. Không biết là câu chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Liệu tôi có cần trình bày với ông Đỉnh như với Duy Anh không? Tôi phải nói gì về cái bản thảo lộn tùng phèo lên để lừa ông ấy đây? Như một con rối không hơn không kém, tôi chỉ biết làm theo sự giật dây của người điều khiển mà tôi hoàn toàn tin tưởng.

Duy Anh lái xe chở chúng tôi về phía Cầu Giấy. Anh bảo quán này xa trung tâm nhưng yên tĩnh và có phong cảnh để ngắm nghía. Ông Đỉnh hầu như chẳng thắc mắc gì việc có mặt của chị Vân, cứ như là tình cờ đi với nhau vậy thôi. Suốt bữa ăn, ba người kia toàn nói chuyện linh tinh về điện ảnh, về những bộ phim chị Vân đã đóng. Và về bố chị. Tuyệt không câu nào nhắc đến bản thảo. Trước khi lên xe, Duy Anh dặn tôi, gặp lão Đỉnh em phải à ơi một chút nhé. Tôi nói ngay, em không à ơi được đâu. Em không biết phải à ơi như thế nào. Bởi vậy mà tôi ngồi im. Câu chuyện họ đang nói sao mà nhạt nhẽo, không đầu không cuối. Có lẽ chỉ mình tôi thấy thế? Hồn phách bốn người trong cuộc dường như bay ra bốn hướng khác nhau. Có lẽ chỉ mình tôi thấy thế? Tôi thấy mình không có gì liên quan. Tôi ngồi câm như hến. Căng thẳng. Không thể mở miệng. Tôi mong cuộc ăn này kết thúc. Cuối cùng, đúng lúc tôi cảm giác không thể chịu đựng được nữa, thì nghe Duy Anh thủng thẳng bảo ông Đỉnh: “Cô này trước học Nguyễn Du, nay lấy chồng Úc, sắp về Úc, có cuốn sách đầu tay muốn xin giấy phép, nhờ anh đọc nhanh cho cô ấy in nhanh còn về nước. Em đã đọc rồi, văn chương đẹp”. Cuộc ăn trưa kết thúc. Tôi vẫn không thể à ơi được một câu nào.

Tiễn hai chị em ra về, Duy Anh nói nhỏ vào tai tôi: “Thế là ok đấy. Ngày mai em gọi điện giục lão ấy ký nhé”.

***

Vâng. Tôi đã không thể gọi điện cho ông Đỉnh như Duy Anh dặn. Vừa hôm trước đưa hôm sau đã giục thì không lịch sự chút nào. Với lại, tôi cố tưởng tượng mà không thể ra được cái hoạt cảnh à ơi nó như thế nào. Nhìn mặt ông ấy khó đăm đăm ai dám à ơi, đã đành. Cơ bản là tôi chưa từng có kinh nghiệm à ơi. Tôi băn khoăn, ông ấy cần thời gian để đọc. Rồi tôi lại nghĩ, chắc gì ông đã đọc. Nếu có thì đọc khi nào, đọc kiểu gì với cái mớ giấy lộn tùng phèo ấy. Nghĩ mà sợ. Không biết ông ấy có phát hiện ra không nhỉ. Tôi không hề quen ông ấy, làm sao có thể gọi điện để giục như gọi giục Duy Anh. Thôi kệ! Tôi hoàn toàn phó mặc.

Như có phép lạ. Ngay hôm sau, tôi nhận được điện thoại của Duy Anh. “Lão ấy ký rồi. Có đọc lướt qua, bảo là nên đổi tên Trần Tiến với Đặng Nhật Minh đi. Thế thôi. Ngày mai, anh mời hai chị em đi ăn phở sáng rồi bàn chuyện in ấn nhé.”

……………

Lúc ăn phở gà trên đường Yết Kiêu, Duy Anh cứ nhìn Lê Vân rồi lại tủm tỉm cười lẩm bẩm: “Làm sao mà mình dám nghĩ lại có lúc được ngồi ăn phở với Lê Vân nhỉ!”. Lúc ra cà phê bàn chuyện in ấn, Lê Vân ngơ ngác: “Ơ, thế bọn em tự bỏ tiền ra in sách được à, em cứ tưởng phải có cơ quan nào đứng ra in ấn cho mình chứ nhỉ. Cá nhân cũng tự in được à”. Lê Vân mù tịt chuyện in ấn đã đành, tôi cũng chẳng khá gì hơn. Tôi cứ nghĩ Hội Nhà văn cấp giấy phép nghĩa là họ sẽ in sách cho chúng tôi. Và chúng tôi sẽ được tặng vài cuốn sách và ít nhuận bút, có thể bằng sách. Khi Duy Anh bảo chúng tôi có thể bỏ tiền ra in, tự phát hành, hoặc nhờ ai đó phát hành. Tôi hơi hoảng, vì tôi đâu biết gì chuyện phát hành. Nhưng chị Lê Vân lại cười rất tươi. Thế thì tốt quá. Khỏi cần nhờ đến ai in ấn. Chị em mình mỗi đứa một nửa tiền in sách nhé. In xong, mỗi đứa mang về nhà 500 cuốn. Sau đó tính tiếp.

Câu hỏi của chị Lê Vân về chuyện ai bỏ tiền ra in cũng hệt như câu hỏi của tôi: “Thế ai xin giấy phép cho bọn em ra sách?”. Duy Anh ngạc nhiên: “Ơ hay, em là tác giả thì em đứng ra xin chứ còn ai!”. Thấy tôi vẫn ngơ ngơ, Duy Anh gắt lên: “Cấp phép cho em chứ cho ai”. Tôi vẫn chưa chịu, gặng hỏi lại: “Ơ thế à, em cứ tưởng phải có một cơ quan nào đó đứng ra xin phép cho mình chứ nhỉ. Em là cá nhân mà cũng xin được à?”. Duy Anh cười ha hả: “Anh không ngờ là em ngố thế nhỉ”. Tôi, và cả chị Lê Vân, đã cùng nhau ngơ ngơ đi một đoạn đường dài. Theo bản năng mách bảo. Phía trước là gì, tôi không thể hình dung được…

Để xin được giấy phép cho cuốn sách này, Duy Anh bảo phải để nó dưới dạng truyện dài. “Cứ nói đến tự truyện là người ta đọc kỹ lắm, vì nó liên quan đến rất nhiều người đang còn sống. Truyện dài thì dễ cho qua hơn. Tên nhân vật như thế đấy thì đã sao?” Nghe Duy Anh nói thế, tôi thật sự hoang mang. Trong đầu tôi, nó là một cuốn tự truyện của Lê Vân do tôi chấp bút. Lúc xin phép, viết là truyện dài, nhưng trên bìa sách, phải viết đúng thể loại của nó chứ. Tôi bèn gọi điện cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người đọc bản thảo đầu tiên. Anh Nguyên hốt hoảng: “Không được, cho anh nói chuyện với anh Duy Anh”. Tôi chuyển điện thoại sang cho Duy Anh, không hiểu họ nói chuyện với nhau những gì, chỉ nghe giọng Duy Anh: “Khổ lắm, đổi nó thành truyện dài có làm sao đâu, tất cả tên nhân vật vẫn giữ nguyên cơ mà, đọc nó, ai chẳng hiểu đấy là tự truyện của Lê Vân. Ngoài tôi ra, tôi đố ông xin nổi giấy phép cho cuốn này đấy!!!”.

Trong một lần vui vẻ, kể lại những “mưu mẹo” có được giấy phép xuất bản, Duy Anh cười ha hả rất khoái trá. Để tránh cho cái tên Lê Vân không xuất hiện trên dòng chữ tên sách trong bản nhận xét xin giấy phép, Duy Anh đã viết tắt hai chữ Lê Vân thành LV. Chữ LV viết kiểu chữ in hoa, nằm ngả ngốn vào nhau, trông như chữ vê đúp W, có trời cũng chẳng luận nổi đó là hai chữ Lê Vân. Tiểu xảo này là để đề phòng nếu tiểu xảo thứ nhất không thành công. Đó là, kẹp cái biên bản nhận xét bản thảo vào trang cuối cùng của tập giấy xin phép, trình duyệt. Thường là các sếp tin tưởng biên tập viên, và cũng vì tiết kiệm thời gian, sẽ cầm cả tập, sẽ lật hé cái phần bỏ trống để thủ trưởng ký ở cuối trang giấy ra, và ký. Ký cả tập, đâu cần nhìn tên cái giấy vừa ký là ký cho sách nào, tác giả nào. Nếu thủ trưởng mở từng tờ giấy xin phép ra một, và đọc nội dung xem mình ký gì, thì cũng lướt qua chữ Yêu và Sống thôi. Không thể nhìn ra chữ Lê Vân. Tất cả những “chiến lược chiến thuật” này, hài hước hay ho thế, hoá ra lại không cần dùng đến.

Trước khi chia tay nhau, anh Duy Anh kéo tôi và chị Vân lại dặn dò: “Tuyệt đối không được cho ai biết là đã xin được giấy phép đấy nhé. Sẽ phiền phức ra. Anh không nói là họ sẽ làm gì, nhưng nếu Cục Xuất bản chỉ cần nhận được tin cuốn sách có vấn đề, người ta sẽ thu hồi lại giấy phép. Đây là một cuộc chiến đấu. Lộ ra là hỏng hết.”

Cuối cùng, cuốn sách đã được in ra với chữ tự truyện trên bìa sách. Và tên tác giả là Bùi Mai Hạnh – Lê Vân. Như nó phải là thế!

Sau này, có người trong nhà xuất bản Hội Nhà văn thắc mắc, vì trên dội xuống tại sao lại cấp phép cho một cuốn sách như thế. Anh Duy Anh cười sảng khoái, kể lại. “Anh đã đứng lên tranh luận rằng, một cuốn sách như thế, nhà xuất bản được lợi cả về danh tiếng là mạnh bạo thông thoáng, lại cũng được lợi cả về kinh tế, cấp phép hơn ba vạn bản, tiền mang về cho nhà xuất bản bao nhiêu, thế còn muốn gì nữa”.

(Trích SÁCH CẤM- của Bùi Mai Hạnh)

Warrnambool 2010

PS: 1. Tôi đã quên nhiều thứ, nhưng không bao giờ quên lời anh Duy Anh nói: “Sau cuốn sách Lê Vân Yêu và Sống, anh nhận ra rằng, không bao giờ được coi thường bất kỳ một bản thảo nào đến tay mình”.

2. Để tôn trọng chính cảm xúc của mình, tôi hầu như không sửa chữa bản viết từ hơn chục năm trước này. Nếu có gì sơ suất, mong được lượng thứ. Cám ơn anh Duy Anh. Cám ơn bạn đọc.

image

Từ trái qua: Lê Vân, Tạ Duy Anh và Bùi Mai Hạnh

Nguồn: FB Bùi Mai Hạnh

Comments are closed.