Nguyễn Xuân Thọ
Đêm Hà Nội mưa, lạnh lẽo, khó ngủ. Ngồi dậy lên mạng đọc bài của nhà văn Nguyên Ngọc. Đau buồn và phẫn nộ.
Thao thức mãi, tôi nhắn tin cho Phấn (Nguyen Van Phan): Đi Đồng Tâm không? Rủ cả ông Chiến đi nhé.
Anh Chiến Lưu (75 tuổi) cựu đại tá phòng không, không quân, đi bộ đội từ 1965. Phấn học với tôi từ lớp 8 ở Bình Đà. Năm 1970, đang học dở đại học tổng hợp Toán, Phấn lên đường nhập ngũ rồi vào Nam, vớ được ông Chiến là chính trị viên đại đội. Hai anh em Chiến & Phấn gắn bó với nhau trong khói lửa và cùng thoát chết trở về sau 1975. Mỗi người một sự nghiệp, họ đều có cuộc sống ổn định, có ô-tô, có nhà, có đất, con cái thành đạt.
Nhưng chỉ có loài cầm thú mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình.
Dân tộc này đã trải qua biết bao đau khổ. Đồng bào Đồng Tâm đang đau khổ, chúng tôi không thể ngủ yên.
Thế là cả bọn quyết định ngày hôm sau sẽ về Đồng Tâm để thắp nén nhang cho cụ Kình và chia sẻ nỗi đau của bà Thành. Anh Dân, luật gia, bạn của Phấn cũng đi cùng. Anh Chiến quen một anh cựu chiến binh ở thôn Hoành, chúng tôi muốn gặp anh để nghe ý kiến của người dân trong thôn.
Con đường từ Hà Nội đến thôn Hoành được dẫn dắt bằng Google, một sản phẩm của người Mỹ mà các anh bộ đội năm xưa đã tốn bao xương máu đánh đuổi. Những làng quê cũ mà thời thanh niên chúng tôi từng đi qua như Ba La-Bông Đỏ, Bình Đà, Kim Bài, Ba Thá đổi thay quá nhiều. Đường ô tô về đến tận từng thôn.
Thao thức suốt cả đêm, vậy mà đến lúc đi anh Chiến quên mất một số thứ. Thế là đến chợ Ba-Thá, chúng tôi dừng lại mua thêm ít quà. Cô bán hàng hỏi ngay: Có phải các bác mua đồ đi thăm ông cụ mới bị chết?
Anh Dân bảo: Vâng, cụ Kình ở Đồng Tâm.
Thế là cô bảo: Để cháu gói cho các bác những thứ ngon đem cúng cụ.
Đến đầu thôn Hoành, chúng tôi hỏi một bà nông dân đường đến nhà anh cựu chiến binh. Bà ta có thái độ rất cảnh giác khi chưa biết chúng tôi là loại người nào. Nhưng khi biết chúng tôi đến thăm bà Thành, thái độ của bà lại vui vẻ. Bà chỉ đường cho chúng tôi đến nhà anh cựu binh: Đi qua nhà văn hóa thôn, nơi mà hồi trước dân làng chúng tôi giữ các anh công an trong ấy!
Nhà anh cựu binh ở cuối làng. Một khuôn mặt sạm nắng, điển hình của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Anh chị mong chúng tôi về từ hôm qua nay. Chị, một đảng viên lâu năm, đã giết gà để làm cơm đãi chúng tôi. Sau biến cố 9.1 họ đã thành những người khác hẳn. Cả hai vợ chồng đều khuyên chúng tôi không nên tin vào những gì báo đài nói.
– Họ láo toét hết các anh ạ – Chị nói và chỉ vào cái Smart-TV trên tường- Chúng tôi không biết vào mạng bằng điện thoại nên bảo cháu kết nối internet lên TV để hai vợ chồng tìm thông tin bên ngoài.
– Chỉ riêng việc hơn ba ngàn cái băng tang hết sạch trong ngày tang lễ, rồi đoàn người đi dài hơn 1 cây số đưa ông Kình thì đã nói lên lòng dân các bác ạ – Anh nói
Vì không quen sử dụng điện thoại di động nên anh lúng túng khi liên lạc với anh Chiến, khiến chúng tôi phải hỏi đường vào nhà anh.
Người nông dân „mù điện thoại di động“ này đã làm chúng tôi ngạc nhiên bởi nhận thức của anh. Ngoài các lập luận chặt chẽ của anh về lý do vụ tấn công, về cái chết đầy ngờ vực của 3 chiến sỹ mà trên mạng đã nói nhiều. Anh hỏi: Nếu cứ nói là cụ Kình và dân chúng tôi kích động bạo lực, chuẩn bị khủng bố thì nhà nước có đủ khả năng để xử chúng tôi bằng những phiên tòa công khai, tại sao phải tàn sát?
– Chỉ vì tham một tý mà chúng mất tất – Anh nói – Cái „tất“ của anh ở đây là lòng dân.
Chúng tôi phải xin lỗi chị vì bận nhiều việc, hẹn lần sau về ăn cơm gà thôn Hoành với gia đình, chị mới để chúng tôi đi. Anh lên ô-tô dẫn chúng tôi ra nhà cụ Kình.
Gia đình cụ Kình không hề ngạc nhiên khi bốn người khách lạ xuất hiện. Chắc chắn đã có rất nhiều người từ khắp nơi về đây chia sẻ nỗi đau với họ. Bà Thành và các cô con dâu đón chúng tôi như những người thân. Chúng tôi lặng người nghe bà nghẹn ngào kể lại sự việc đêm đó và những ngày sau, mặc dù đã được xem, nghe nhiều lần qua mạng.
Anh Chiến nói: Chúng tôi tin bà và bà con đã nói đúng sự thật và lòng mình. Chúng tôi phải đến đây thắp nén hương viếng cụ, mới tạm thanh thản cõi lòng.
– Ngày mai là rằm tháng giêng, đúng một tháng ông nhà tôi ra đi – Bà Thành nói khẽ trong tiếng nấc.
Lên xe, tất cả chúng tôi im lặng khá lâu vì bị ám ảnh bởi những gì đã chứng kiến.
Lúc nào đó ngôi nhà ông Kình sẽ thành một địa danh trên Google.
Nguồn: FB Nguyễn Thọ