Ối làng nước ôi! Muốn“Nối vòng tay lớn”thì phải xin phép![i]

FB Văn Công Hùng

Ối làng nước ơi, ối bộ trưởng Thiện ơi, sự lạ, quá lạ, hết sức lạ, vô cùng lạ, lạ lùng lạ kỳ lạ lẫm lạ như chưa từng lạ, bốn bài hát của Trịnh Công Sơn là Nối vòng tay lớn, Huế – Sài Gòn – Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ đều chưa được quý Cục (to hơn giời) cấp phép biểu diễn, nên trường Đại học Y Huế tổ chức một đêm nhạc nội bộ “Nối vòng tay lớn” có mấy bài hát này phải vời sở VHTTDL Thừa Thiên Huế sang gỡ rối, và cách gỡ rối thêm… rắc rối nhất là sở hướng dẫn trường này làm công văn xin phép quý Cục.

Mà người tổ chức là Trường ĐH Y và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Mà chắc gì chỉ 4 bài này chưa được cấp phép biểu diễn, vì nghe nói Trịnh mới chỉ có 54 bài được phép biểu diễn.

Mách nhỏ Cục, trong USB trên ô tô của tôi có đến mấy trăm bài Trịnh Công Sơn kìa, đến đấy mà phạt nhé.

Thật, các bố Cục này lập kỷ lục về khả năng làm những điều ấm ớ và khả năng nghe chửi. Mà sao những con người kỳ lạ ấy vẫn ngồi được đấy nhỉ?

(Bổ sung thêm đoạn nhà cháu trả lời Vũ Viết Tuân báo Tuổi Trẻ trong bài hôm qua mà báo không đăng: “Tôi thấy đây là việc làm hết sức… ầu ơ ví dầu (dùng từ bà con hay dùng để chỉ việc tào lao). Anh có thể cấm về nội dung không phù hợp, về gì gì đấy miễn phải có lý, nhưng cái lý do lời ca khúc không đúng bản gốc là tào lao, bởi ngay sau đó, vợ nhạc sĩ và trung tâm bản quyền đã chứng minh là bản gốc chính là bản mà quý Cục bảo là không phải bản gốc.
Vả nếu cấm vì không đúng bản gốc thì chả việc gì phải cấm mà chỉ cần đưa bản gốc ra bảo mọi người hát theo là được, việc gì phải cấm vô lý thế.
Và ngay cái sự làm việc của cục cũng đầy… cửa quyền, ấy là phải có người đứng tên xin thì mới cho, còn nếu không ai xin thì đương nhiên là bị cấm. Tôi biết việc này khi mấy lần định xuất bản công khai bài hát “còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định và Phạm Duy.
Định công bố thì mới biết là muốn công bố thì phải xin, trong khi dân hát từ đời nào

Lần đầu tiên bài hát “Còn chút gì để nhớ” được xuất bản là ở quyển sách của Ủy Ban nhân dân TP Pleiku làm mà tôi có tham gia, đắn đo mãi chúng tôi quyết định đưa vào sách và… không thấy ai phản ứng gì.

Hòa hợp là xu hướng không thể đảo ngược, bởi một thế hệ đã sinh ra, lớn lên và đang làm chủ đất nước hôm nay. Rất nhiều gia đình người Việt chúng ta có chung hoàn cảnh là có người của cả 2 phía. Các bà mẹ đã làm việc này rất tốt là ôm tất cả những đứa con vào lòng, rất nhiều bàn thờ có 2 sắc áo trên khung ảnh. Văn học nghệ thuật cũng không nên đứng ngoài xu hướng ấy.

Và thực ra, nếu bài hát không hay, chưa nói nhạc, ca từ nhệch nhạc, không hợp, thì cũng chả ai hát, còn có người hát thì tất nhiên là nó phải có lý.

Tôi thấy các bài hát trong diện cấm còn tử tế hơn nhiều ca khúc nhạc trẻ bây giờ. Nếu cấm thì đừng chia giai đoạn, mà nói thẳng, cấm nó vì nó tuyên truyền bạo lực, tuyên truyền cổ xúy cái xấu, cái ác… chẳng hạn.

Chắc chắn việc cấm vô lý này sẽ phải bỏ, bởi cái lý do cấm nó không khớp với thực tế nữa, và nó bị phản đối rất nhiều mấy hôm nay, tức là nó phi lý, phi thực tế.

Và, tôi lấy làm lạ là cái việc vô lý, bị phản đối như thế mà sao Bộ trưởng Bộ VHTTDL không lên tiếng. Theo tôi cách làm giờ cũng phải thay đổi, ấy là không cấm thì tức là được hát chứ không phải xin.

Mà cấm thì phải có tiêu chí rõ ràng chứ không ất ơ như vừa rồi.
Tất nhiên khi hát thì phải làm thủ tục như mọi ca khúc khác
ví dụ bản quyền…

Nguồn: https://www.facebook.com/van.conghung.9/posts/1270642186382402


[i] Tựa đề của V.V.

Comments are closed.