Về Kinh Bắc ngày tròn trăm Hoàng Cầm

Phùng Thị Hạ Nguyên

Hôm nay là ngày tròn trăm năm của nhà thơ Hoàng Cầm (22/02/1922 – 22/02/2022). Không hiểu sao tôi luôn cảm thấy sự thiêng liêng của những ngày tưởng niệm: ngày sinh, ngày tạ từ của một nhà thơ, nhà văn. Tôi không cho rằng những hội hè tưởng nhớ, những hội thảo tọa đàm chỉ là hình thức (dẫu ít nhiều chúng hình thức thật), vì dẫu cho thi sĩ cả đời tìm kiếm những tri âm lặng lẽ “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?”; nhưng những nước mắt phù phiếm của đám đông hậu thế có lẽ vẫn rất vỗ về hồn thiêng.

Năm trước, tôi đã định viết gì đó cho ngày trăm tuổi của nhà thơ xứ Đoài mây trắng Quang Dũng, nhưng rồi những mỏi mòn của đời sống cứ làm mình chảy đi, đến khi ngoái lại thì đã qua rồi. Năm nay, có một mối duyên lành xui tôi phải viết đôi điều về Hoàng Cầm và tập thơ Về Kinh Bắc nhân ngày tròn trăm của ông. Dẫu vụng về, nhưng có lẽ những lời ngọng nghịu của tôi, cũng sẽ đồng vọng vỗ về hồn ông chăng.

Tôi không nhớ rõ mình đọc thơ Hoàng Cầm từ năm nào, nhưng đâu đó rơi vào quãng mười lăm, mười sáu tuổi, trước khi học Bên kia sông Đuống trong chương trình Văn học 12. Những Cây tam cúc, Lá diêu bông… mà tôi đã chép vào sổ tay đầy nâng niu, dẫu cho cái thế giới Kinh Bắc “đồng chiều cuống rạ” ấy trong tôi – nhập nhòe như chạng vạng. Tôi mê bài Lá diêu bông, thỉnh thoảng vài câu thơ vẫn bật ra vô thức trong những lúc nói thầm với chính mình trên một quãng đường xa xe máy độc hành. Bởi, thơ Hoàng Cầm, đã rót vào hồn tôi tuổi mười sáu trước hết bởi nhạc tính long lanh, mỗi buổi sáng sớm đạp xe năm bảy cây số đi học, những ngắt nhịp gấp khúc, những hài thanh bằng trắc đã ru tôi qua những cô độc tuổi dại: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị ngẩn ngơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ”; “Chị gọi đôi cây!/ Trầu cay má đỏ/ Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”. Dẫu cho lúc đó, tôi chẳng biết Đình Bảng ở đâu, chiếc váy buông chùng cửa võng hình dung như thế nào, và cũng hoàn toàn lơ mơ về luật chơi tam cúc với những “đi đêm”, “tướng điều sĩ đỏ”, “gọi đôi cây”, “kết xe hồng”, về chiếc tịnh vàng của quan đốc đồng… Nhưng âm nhạc của thơ vẫn hằn trong trí nhớ. Rồi những thi ảnh rải rác tự kết hình dung về cánh đồng Kinh Bắc sau mùa gặt, trơ cuống rạ trong gió chiều ngăn ngắt, mùi thiếu nữ thơm ấm đọng vũng rơm, cậu bé trai ngây ngốc mãi mãi đi theo chân váy chị, cả hai đều đuổi theo những hư ảo của kiếp phù sinh…

Tôi vẫn đọc Hoàng Cầm rải rác từ tuổi nhỏ, cho đến thuở sinh viên trong trắng nhiều xót xa trước những oan khuất của Nhân văn – Giai phẩm, rồi tuổi ba mươi hối hả lưng chừng. Đi trong thơ ông thường trực cảm giác mênh mang, “rộng rinh không bờ bến” như Hoài Thanh nói về vườn thơ Hàn Mặc Tử. Chỉ khác là vườn thơ Hàn Mặc Tử rờn rợn những hồn ma trinh nữ, những thây mây trắng lạnh, những xác rượt hồn, những vũng huyết khiến người ta ớn lạnh; còn cõi thơ Hoàng Cầm miên man những huyền sử Kinh Bắc, bãi bể nương dâu những phận người đi qua chính biến, chinh chiến thời cuộc; những hội hè miên man phồn thực; những đứa Em lạc Chị, trẻ lạc mẹ ngơ ngẩn khóc ướt cả giấc mơ… Đi mãi trong triền miên Kinh Bắc xưa, dễ loay hoay không tìm thấy lối về với thực tại. Có lẽ Hoàng Cầm cũng bị kẹt lại mãi mãi ở tuổi thơ, ở Kinh Bắc, rồi ủ hồn quê thành men rượu, tự chuốc mình và người, chếnh choáng say.

Theo như nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Hưng, Về Kinh Bắc là tập thơ quan trọng nhất của Hoàng Cầm, cả về nội dung lẫn thi pháp. Thật vậy. Tôi muốn gọi Về Kinh Bắc là một bảo tàng Kinh Bắc bằng thơ. Sau này, khi cơn lốc đô thị hóa đảo điên nuốt chửng hết làng quê Việt, những con sông, những cánh đồng, những làn ao, bãi bồi chỉ còn là di tích, người ta chỉ có thể mua vé tham quan quá vãng bằng thơ ca.

Về cấu trúc, Về Kinh Bắc là một tập thơ bề thế, với 8 nhịp “tuần du” của một đứa con xa “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc”, tác giả đã làm một cuộc “hành hương” về với mẹ, với Kinh Bắc xưa, về với nguồn cội mình. Nên trước hết, Về Kinh Bắc mang dáng dấp của “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường), của những trang diễm sử lấp lánh chiến công “Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim”. Có một đêm khuya, tôi ngồi đọc bài “Đèn nhang 1” trong “Nhịp 3 – Rũ bụi gia phả” của Về Kinh Bắc, nước mắt bỗng dưng rơi. Trong bài thơ, Hoàng Cầm kể chuyện một ông già rũ bụi gia phả, ôn lại từng “trang vàng diễm sử” của dòng họ mình, mỗi khổ thơ tái hiện một tượng đài bi tráng, những “ông tổ” mười đời, chín đời, năm đời đi qua bao dâu bể, đoạn trường của dân tộc, chưa bao giờ cúi đầu khuất phục. Từ cái thế chết chém hiên ngang của cụ tổ mười lăm đời: “Cùng ngửa mặt với Trần Bình Trọng/ nhận gươm phương bắc chém” đến cái thế ra đi bi hùng của người cha:

Cắn nhọn móng tay

Thơ cùm lim khắc máu

Chợt nghe tin giặc dữ

Lấp sông san núi ùa sang

Vùng chặt xích bẻ gông

Phá cửa

Cướp ngựa Hình Tham tri

Phóng lên ải bắc

Dù nghẹn ngào thuốc độc tam ban

Đã ngấm tủy xương từ chén rượu đêm qua

Gia phả một dòng tộc, mà cũng là sử thi bi tráng của một dân tộc. Những “nhát thơ” mạnh ngồn ngộn động từ như xoáy vào tâm can người đọc thời khắc vùng vẫy cuối cùng của người anh hùng mạt vận mà vẫn huy hoàng. Đọc thơ, nghĩ tới những oan khuất kéo dài mà Hoàng Cầm phải chịu, tự nhiên bao nỗi buồn Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Dần, Trần Vàng Sao bỗng lần lượt diễu hành qua, trào nước mắt!

Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm không chỉ là những trang sử kiêu hùng về một dân tộc không hề biết cúi đầu; mà còn là vùng đất mẹ, là cội nguồn của nền văn hóa phồn thực, thờ mẫu, tràn trề tính nữ. Kinh Bắc xưa là vùng đất khởi thủy của dân tộc Việt, cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nơi lưu giữ bao dấu tích sống động của tín ngưỡng phồn thực. Chính tín ngưỡng này, cùng với bao biểu hiện phong phú nơi lễ hội dân gian, kiến trúc đền đài, tâm thức dân tộc đã làm nên bản sắc văn hóa Việt trọng tình, âm tính; trái ngược với phương Bắc duy lí, dương tính. Vốn mong cầu sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, sự đơm hoa kết trái của cây trồng, vật nuôi, người dân nông nghiệp tôn thờ hình hài lụa là, phong nhiêu của người nữ – người mẹ – cội nguồn của sự sống. Bước vào thế giới thơ Hoàng Cầm, ta trượt trong sự êm ái lửng lơ của bao nhục thân lơi lả: “Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ”; “Ấp vú mình trần con dế trũi”; “Lại xót mắt Em mi trường khép bóng/ Lòng tay êm mát rừng tơ xa”; “Ngón tay trắng nuột/ Nâng bồng Thiên Thai”; “Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành”; “Đùi chảy búp dài thon nhún vội”; “Đêm khoanh tròn ngủ tay bưng đầu/ Ngón cụt thói quen rờ ngực yếm/ ghì mảnh sành thia lia”… Đối với Hoàng Cầm, thân thể người mẹ, hơi ấm của chị là những kén tằm bao bọc, vỗ về, để tâm hồn cút côi bé bỏng của ông trú ngụ. Ông không muốn xa chị, lìa mẹ: “Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”; “Mẹ ơi/ Mẹ ơi/ Con không mong giời mưa/ (Mưa không được thả diều)/ bây giờ mẹ ở đâu”. Bởi lìa mẹ, xa chị, cũng là lìa xa thiên tính nữ, để trưởng thành, bước vào thế giới của dương tính, của lí tính, buộc phải trở thành đàn ông. Tính khuynh nữ trong thơ Hoàng Cầm còn thể hiện qua việc ông chiêu tuyết, giải oan, thương xót cho những thân phận đàn bà oan khuất trong những diễn ngôn nam quyền ám đầy tư tưởng Nho giáo phương Bắc. Những Mị Châu, Chiêu Thánh, bị đem làm con tốt thí trên bàn cờ chính trị, như những nguyên nhân cho sự đổ nát cả vương triều. Chỉ có Hoàng Cầm hỏi Lý Chiêu Hoàng: “Hỡi ơi Chiêu Thánh sao không nói/ Người ta lo dựng nghiệp lâu dài/ Ai lo việc cưới chồng công chúa mồ côi”. Người ta kể chuyện Lưu Bình – Dương Lễ để tải đạo, để nêu gương trung trinh tiết liệt, nhưng Hoàng Cầm còn kể thêm nỗi lòng Châu Long, Lưu Bình những đêm mưa: “Ngơ ngẩn đường khâu áo lạnh Lưu Bình/ Ai luồn kim giải áo dở dang mơ/ Chàng Lưu ứa nước mắt/ Bước ra thềm hong mưa”.

Trong thời buổi hội nhập, khi người ta hô hào bài Tàu, thoát Trung một cách cực đoan, tôi lại nghĩ đến “bảo tàng Kinh Bắc bằng thơ” của Hoàng Cầm. Vì đó là “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Thơ Hoàng Cầm lưu giữ nữ tính thuần phác vẹn nguyên của dân tộc Việt, là tiếng nói phản Nho giáo mạnh mẽ được viết ra trên thân thể mẹ, thân thể quê hương Kinh Bắc phong nhũ phì đồn. Hồn Việt được giữ lại trọn vẹn trong thơ Việt, chứ tìm đâu xa.

Về Kinh Bắc cũng khiến tôi thêm xác quyết một điều, rằng thơ Hoàng Cầm đậm chất tự sự. Ông là người say mê kể chuyện. Văn xuôi thì lộ liễu, phơi bày, còn thơ lại nhiệm màu những khoảng trắng, những đứt gãy không lời khơi gợi sự tưởng tượng. Nên Hoàng Cầm tìm đến thơ như một lựa chọn tất yếu, vì những huyền sử ông kể, những chuyến hành hương qua lại giữa đôi bờ thực ảo chỉ có thể kể bằng huyền ảo thơ chứ không thể kể bằng trần trụi văn xuôi. Dẫu vậy, mỗi bài thơ của ông vẫn được cấu tứ như một câu chuyện mở, thân, kết lớp lang, trọn vẹn. Bộ tứ cây – lá – quả – cỏ: Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi là những tự-sự-dan-díu giúp người đọc hình dung trọn vẹn về mối tình chị – em nhiều ám ảnh của Hoàng Cầm. Đào sâu vào thế giới của những bài thơ này, ta còn thấy những tự sự ấy bắt nguồn từ những motif quen thuộc trong truyện kể dân gian: motif thách đố, motif đi tìm vật thiêng, motif ngăn cấm, motif trừng phạt… Có lẽ vì vậy mà những tự sự thơ của Hoàng Cầm mãi diễm ảo, mãi dẫn dụ người ta tìm hiểu, khám phá, như sự hấp dẫn của trái cấm trong vườn địa đàng – một cổ mẫu vĩ đại trong tâm thức nhân loại.

Tôi còn muốn bàn nữa, về vẻ đẹp huyền diệu của tiếng Việt trong thơ Hoàng Cầm, về tính nhạc long lanh trong thơ ông, nhưng có lẽ sẽ là dại dột nếu cứ miên man cắt nghĩa, chiếu sáng vào một cõi u huyền xa xăm. Cứ để cho Hoàng Cầm mãi mãi là cậu bé đi “đầu non cuối bể” trong thế giới Kinh Bắc lung linh, đuổi theo chiếc lá diêu bông diệu vợi đời mình…

Comments are closed.