(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Gã trở lại ngôi nhà mà ông Võ Văn Kiệt sống cùng cô con gái xinh đẹp có cái tên như ước nguyện cuộc đời ông: Hiếu Dân.
Lần đầu gã đến đây không hề để gặp ông vì thực sự mà nói gã không hề là người trong nhóm thân hữu của ông, mà theo hẹn với vợ chồng giáo sư toán học ở Paris Nguyễn Ngọc Giao, gã đến đón vợ chồng giáo sư Nguyễn Ngọc Giao tới nhà Phạm Văn Hạng vui xuân.
Nguyễn Ngọc Giao, thời trai trẻ là người tích cực chống chiến tranh, từng được tin cẩn làm phiên dịch tại hòa đàm Paris cho Kitxinhgơ và Lê Đức Thọ, sau này ông chủ xướng tờ Diễn đàn rất có uy tín trong cộng đồng trí thức ở hải ngoại, nhưng vì tham gia trong nhóm kiến nghị đòi đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam nên có thời gian bị cấm về nước.
Có thể do chính sự can thiệp của ông Kiệt mà rồi cuối cùng ông đã trở lại quê hương đón tết. Gã thấy ông Kiệt và vợ chồng Giao – Thiện bàn đủ các thứ chuyện thế giới, quốc gia, kinh tế, chính trị như những người thân thiết từ lâu.
Lần này, không còn nữa cái tay bắt rất chặt của ông, không còn nữa tiếng cười sảng khoái của ông.
Cuộc gặp gỡ kỷ niệm 20 năm ông viết bức thư gửi Bộ Chính trị, một văn kiện có tính lịch sử, bắt đầu.
Gã xin chỉ là người ghi chép chắt lọc diễn biến cuộc gặp gỡ này. Người dự có Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Đào Công Tiến, Nguyễn Công Khế, Nguyễn Duy, Thế Thanh, Võ Văn Thôn, Kha Lương Ngãi, Hiếu Dân cùng một số thành viên của nhóm Thứ Sáu, một số trí thức Việt kiều và gã.
Gs.Tương Lai: Thưa các anh chị, giá như lúc này có ông Sáu Dân, với bối cảnh, tình hình nhậy cảm như ngày hôm nay, nhiều biến động dữ dội, chúng ta cần biết bao tiếng nói của ông, cần biết bao trí tuệ, bản lĩnh của ông. Đó là nhu cầu của thời đại, là nhu cầu của lịch sử. Chúng ta cần phải nhìn lại bối cảnh 1995, trước Đại hội Tám của Đảng để hiểu hơn vì sao ông Sáu viết bức thư lịch sử này.
Lúc đó tình hình rất căng thẳng, ông Kiệt cùng đường lối thật sự đổi mới của ông có nguy cơ bị loại bỏ. Gần như 90 phần trăm vấn đề nhân sự mới và báo cáo chính trị của Đại hội đã… xong. Ông Kiệt có thể thôi chức thủ tướng, người lên thay sẽ là Nguyễn Hà Phan. Còn Báo cáo Chính trị có xu hướng kéo chậm lại công cuộc đổi mới Đất nước. Với tinh thần chiến đấu quyết liệt và còn nước còn tát đến cùng, ông Kiệt cho ra đời Bức thư gửi Bộ Chính trị mà Tuần Việt Nam của Vietnamnet vừa qua đã đăng lại và gây một chấn động lớn trong xã hội.
Đây là diễn đàn tự do, xin các anh chị phát biểu.
Tiến sĩ S. (vì lí do tế nhị gã xin được giấu tên) một thành viên của Nhóm Thứ sáu (nhóm chuyên gia kinh tế gồm các trí thức có tâm huyết với đất nước được đào tạo và trưởng thành từ các nước tư bản và kinh tế thị trường cứ mỗi thứ sáu hàng tuần tự họp nhau trao đổi về những vấn đề kinh tế của đất nước rồi kiến nghị lên Nhà nước, được ông Kiệt mời làm nhóm cố vấn kinh tế cho mình. Rất nhiều những quyết định đột phá nền kinh tế, phá bỏ kinh tế bao cấp chuyển qua kinh tế thị trường được ông Kiệt và Đảng thay đổi là từ các kiến nghị của nhóm này):
Thưa anh chị, khi biết tin có cuộc gặp gỡ này, giáo sư Trần Văn Thọ ở Tokyo không về nước dự được, anh có gửi một bức thư, tôi xin đọc.
“Nhận định của ông Võ Văn Kiệt 20 năm trước trong bức thư, tụt hậu là nguy cơ lớn nhất đối với đất nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.Ta đã bỏ lỡ cơ hội trong 20 năm qua . 20 năm là thời gian nước Nhật, Hàn Quốc vươn lên trở thành những nước phát triển hàng đầu thế giới.Trung Quốc trong 20 năm như thế đã đưa thu nhập đầu người của họ từ gấp hai lần người VN thành gấp bốn lần. Bây giờ đất nước lại đứng trước cơ hội mới để hòa nhập và phát triển, kế thừa tinh thần đổi mới của ông Kiệt chúng ta không có quyền bỏ lỡ cơ hội có thể nói là lịch sử này thêm một lần nữa”.
Giáo sư Đào Công Tiến nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM đứng dậy, tay liên tục rung vì chứng bệnh pakison, nhưng nói lại không chút run, vấp nào:
“Anh Sáu phải đối đầu quyết liệt, dữ dội, tư duy phát triển của mình với tư duy ý thức hệ bảo thủ đang thắng thế lúc đó. Anh Sáu luôn đứng vững trên nền tảng tư duy phát triển cố gắng phá rào tư duy ý thức hệ. Tuy vậy đây là cuộc đấu không cân sức.Vì vậy anh Sáu phá cái rào cản nguy hại cho đất nước này chỉ có mức độ.
Ngay cả bây giờ, phải quyết liệt hơn nữa mới hy vọng giải quyết được. Cũng vì nhiều lí do tình thế lúc đó năm 1995, chưa cho phép anh Sáu đề cập trong bức thư những vấn đề cốt lõi hơn, cơ bản hơn đó là sự lãnh đạo của Đảng như thế nào, đó là đường lối chủ nghĩa xã hội như thế nào. Có hay không một thứ siêu quyền lực trên cả quyền công dân và pháp quyền. Lúc đó nói những vấn đề như thế không dễ đâu”.
Gs.Tương Lai cười, tôi muốn cuộc trao đổi này hiền hòa hơn mà anh Tiến lại “nổ” ác liệt quá.
Ông T. một trí thức Việt kiều (vì lí do tế nhị, gã xin được giấu tên) chuyên gia nghiên cứu về quan hệ VN với Hoa Kì nói:
Năm 1995, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội để hòa nhập với thế giới, dẫn đến bị lệ thuộc khá nhiều vào một nước khác. Chúng ta có nhiều đối sách không còn mang tính độc lập. Thực tế hiện nay, chúng ta đang cố phá rào lệ thuộc nào đó, chuyến đi Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một minh chứng. Rõ ràng cánh cửa quan hệ với Mỹ đã mở rộng là một cơ hội rất lớn cho sự phát triển quốc gia. Cơ hội này có được có cả yếu tố con người chứ không chỉ yếu tố tình thế, thậm chí tôi cho rằng yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng.
Chúng ta đang vô cùng may mắn có một thế hệ các nhà hoạch định chính sách chiến lược của Hoa Kì có mối thiện cảm chân thành với VN. Những người như Kenry, Macken đã là những nhân tố tích cực thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kì có được những bước ngoặt như hôm nay. Nếu chúng ta không tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ này, thì có thể thế hệ Kenry, Macken về nghỉ, một thế hệ cận kề có mối quan hệ nghiêng về Trung Quốc lên thay, chúng ta sẽ mất thêm những cơ hội phát triển đất nước.
Và có thể nói rằng lúc này đang là cơ hội cuối cùng… Hiện Hoa Kì muốn đi nhanh hơn nữa trong quan hệ với nước ta, chính vì vậy họ đã bỏ qua những yếu tố chính trị khác biệt mà dọn cỗ TPP. Theo tôi cuối năm nay TPP sẽ kí thôi.
Vâng, có thể nói việc gia nhập TPP cùng Hoa Kì, Nhật Bản, Úc, Canada… là cơ hội lớn còn lại duy nhất, cuối cùng cho chúng ta, nếu không bằng mọi giá nắm lấy thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra với đất nước ta.
Gs.Tương Lai: Chúng ta từng lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chúng ta bị cô lập, ông Sáu đã tìm mọi cách thoát khỏi sự cô lập này. Chính ông là một tác nhân rất quan trọng cho Việt Nam vào ASEAN, vào WTO, mở những con đường ra thế giới bất chấp thế lực khác cố níu kéo chúng ta trong tầm ảnh hưởng của họ.
Tiến sĩ N. một chuyên gia kinh tế (cũng vì tế nhị gã xin được giấu tên): Trung Quốc vừa có động thái phá giá đồng tệ của họ. Đây là thời điểm rất nhậy cảm đối với thế giới mà nước ta lại cận kề nhất những nguy cơ có thể xảy ra. Chúng ta nhớ rằng Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai nổ ra bắt đầu từ những động thái phá giá đồng tiền của người Đức, người Nhật. Và sự phá giá đồng tiền của mình lần này của Trung Quốc như một thông điệp đối đầu với Mỹ.Tất cả những biến chuyển ấy chắc chắn sẽ tác động lên nước ta khi mà nền kinh tế của ta đang lệ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế của Trung Quốc.
Ở thời đại này chiến tranh tiền tệ có sức tàn phá hơn chiến tranh quân sự.
Ông Sáu Dân trong bức thư của mình gửi Bộ Chính trị rất quan tâm đến cục diện thế giới và chúng ta phải tương tác với các đồng minh chiến lược thế nào cho lợi ích quốc gia lên trên hết. Tôi đồng ý những cảnh báo của anh T., nếu chúng ta lại bỏ lỡ thời cơ không cương quyết đổi mới, thì 5 năm nữa, khi mà mối quan hệ con người với con người đang tốt đẹp hiện nay mất đi, chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng đối tác, đồng minh chiến lược.
Tình hình gấp rút lắm rồi.
Ts S.: Tôi là người ngoài Đảng nhưng tôi có cảm giác năm 1986 chúng ta đổi mới nhưng rất độc lập. Độc lập trong đường lối kinh tế, chính trị. Ông Sáu là người quyết liệt với việc mở cửa vào ASEAN , đó là chiến lược hội nhập.Đổi mới đang ngon chớn thì bị chựng lại sau Hội nghị Thành Đô để rồi từ đó tính độc lập của chúng ta bị yếu hẳn đi. Năm 1995 bình thường hóa quan hệ với Mỹ chúng ta vẫn ở thế yếu vì bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ và gia nhập WTO trước Trung Quốc.
Tầm nhìn của ông Sáu rất xa.
Năm 1995 ấy ông Sáu bị đặt đứng trước hai nguy cơ, đó là nguy cơ tụt hậu và nguy cơ chệch hướng XHCH. Quan điểm của ông Sáu rất rõ trong bức thư đó là phải đặt nguy cơ tụt hậu là ưu tiên, là hàng đầu.
Đất nước thoát tụt hậu, phát triển thì đương nhiên cái đích mà XHCN mong ước dân giàu nước mạnh xã hội văn minh sẽ không thể chệch. Trừ khi những cái mong ước ấy chỉ là giả tạo.
Trung Quốc đi rất nhanh trong đổi mới nhưng lại cố kìm hãm Việt Nam.
Tôi nghĩ so Đặng Tiểu Bình với Võ Văn Kiệt thì chưa biết ai hơn ai. Có điều tư tưởng đổi mới của Đặng Tiểu Bình được các lão thành cách mạng thức thời ủng hộ, còn ông Sáu thì bị ngược lại vì do lo bị chệch hướng XHCN. Trong khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “mèo trắng, mèo đen đều tốt nếu bắt được chuột”, chúng ta bị chựng lại với mô hình kinh tế nhà nước, quốc doanh là chủ đạo.
Bao tài nguyên, nhân lực, vốn liếng tập trung trong kinh tế quốc doanh XHCN không hiệu quả này chính là nguyên nhân chính kéo nước ta một lần nữa bị tụt hậu. Tụt hậu không còn là nguy cơ nữa mà là hiện hữu nghiêm trọng. Ông Kiệt là thủ tướng hơn ai hết thấy rõ sự thật đó. Ông cho rằng tài nguyên, vốn, nhân lực phải đưa vào mô hình kinh tế có hiệu quả. 20 năm rồi nhìn lại, thật chua xót rằng những vấn đề ông Kiệt đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng.
Bây giờ hơn lúc nào hết Đảng phải chứng minh mình là ai, vì ai, đặt lợi ích của ai lên trên hết.
Ông Kiệt đã dũng cảm lựa chọn cho mình khi xác định rõ lợi ích của nhân dân, của dân tộc phải là trên hết.
Lúc này vào TPP chính là chọn lựa đúng đắn thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, nguy cơ lỡ tàu và đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên hết theo đúng tinh thần Võ Văn Kiệt, vì TPP là kinh tế sạch,TPP là kinh tế minh bạch, sánh tạo. Chúng ta sẽ từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ghét nhất ông Võ Văn Kiệt vì ông Kiệt quyết liệt chống sự bành trướng của Trung Quốc. Còn ông Kiệt nói, ông kính trọng tư duy đổi mới Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình, nhưng ông thù Đặng Tiểu Bình luôn muốn ăn tươi nuốt sống VN.
Gs. Tương Lai: Tôi cho rằng TPP là chìa khóa thoát Trung. Chính vì vậy Trung Quốc quyết liệt chống lại việc VN vào TPP . Rõ ràng những vấn đề cốt lõi ông Kiệt nêu trong bức thư của mình vẫn còn nguyên tính thời sự số một: Cơ cấu chính trị, cơ cấu kinh tế tự giam mình trong vòng kim cô của Trung Quốc.
Gs. Đào Công Tiến: Tôi xin đọc cho quý vị nghe lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Bình lúc ông Kiệt viết bức thư gửi Bộ Chính trị thì ông là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Lý luận TW để chúng ta rõ hơn cái vòng kim cô mà anh Tương Lai vừa nói.
“Đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”.
Gs. Tương Lai: Có lần tại một Hội nghị ông Nguyễn Đức Bình ấy ôm tôi và nói vui, ôm anh như ôm cả… tương lai.Tôi nói nhưng không vui, còn tôi ôm anh như ôm cả quá khứ. Tôi có kể câu chuyện này cho ông Kiệt nghe cùng phát biểu của ông Nguyễn Đức Bình như anh Tiến vừa nhắc lại. Lúc ấy trong văn phòng của ông có cả Nguyễn Trung, Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, ông Kiệt cười, nếu chỉ nói như Tương Lai thì không ăn thua, rồi ông to giọng, mà tôi chưa bao giờ thấy ông nổi nóng và to giọng như thế:
Các anh làm gì mà không đập cho tan những luận điểm này? Còn để những luận điểm này tồn tại và thắng thế thì làm sao đất nước đi lên? Nếu các anh không làm cái việc như thế thì làm cái việc gì?
Gs.Đào Công Tiến: Theo các anh thì cái tư tưởng sợ chệch hướng XHCN thời anh Nguyễn Đức Bình với thời bây giờ có gì khác nhau không?
Ồ một câu hỏi rất tinh tế và rất hay. Gã nhìn khắp lượt chưa thấy ai có ý trả lời câu hỏi của quý ngài giáo sư… run tay mà chả run chí khí này, gã bèn dướn người trên ghế một chút, rồi nói, đương nhiên ở chốn các anh tài này gã không thể tưng tửng láo lếu được. Nghiêm túc. Gã nghiêm túc. Thưa gửi lễ độ.
Tôi có suy nghĩ thế này. Thời 20 năm trước các ông như ông Bình nói là rất thật lòng, họ tư tưởng sao, nói vậy. Họ tin vào điều họ nói là có ích cho Đảng. Còn bây giờ nhiều người cũng hùng hồn nói vậy về sự chệch hướng CNXH, nhưng họ không tin vào điều mình nói, họ thừa biết là họ nói dối. 20 năm thời gian quá đủ để thay đổi một thế hệ bảo thủ nhưng thành tâm thành một thế hệ chỉ còn biết lợi ích của chính cá nhân và phe nhóm của mình nhưng gian manh nhân danh những điều tốt đẹp.
Gs. Đào Công Tiến: Đó là biểu hiện suy thoái văn hóa, đạo đức. Ông Kiệt thường nói với tôi, CNXH chưa hề có tiền lệ ở nước ta, vì vậy chúng ta phải mò mẫm…
Thôi rồi, đúng chỗ ngứa của gã rồi.
Gã đã từng suýt bị ăn một cái đập bàn của ông Kiệt vì cái gọi là sự mò mẫm này đây. Gã nói. Tôi xin kể câu chuyện này, năm 1987, tôi được dự một cuộc gặp mặt với ông Kiệt, ông Kiệt cũng nói đúng câu mà anh Tiến vừa nhắc. Lúc đó tôi còn trẻ nên hăng máu lắm, tôi nói. Thưa chú Sáu, Đảng và nhà nước không thể lấy 62 triệu dân linh làm vật thí nghiệm cho sự mò mẫm không hiểu biết của mình.
Tôi thấy ông Kiệt mặt đỏ lên tay chuẩn bị đập cái rầm, nhưng rồi ông kìm lại rồi hỏi, theo cậu thì sao, tôi chỉ bảo Lê nin đã thấy mình sai nên đưa ra chính sách Kinh tế mới (NEP) trả lại cho tư nhân tất cả những gì đã cướp đoạt, tập thể hóa.
Tôi nghĩ ông Kiệt khác biệt với nhiều nhà lãnh đạo khác của đất nước và luôn luôn đổi mới là vì ông có phẩm chất rất biết nghe, và chịu nghe ý kiến người khác dù khác biệt với ý kiến của mình. Một phẩm chất nữa làm nên Võ Văn Kiệt là ông bắt tay rất chặt bất cứ ai, đó là vì ông biết trân trọng từng con người.
Nguyễn Công Khế: Có lần tôi và ông có nhận định khác nhau về một nhân vật có vai trò trong Đảng. Ông bảo, Khế sai rồi. Nhưng một thời gian sau, kiểm nghiệm lại, ông trung thực nói, không phải mày sai mà tao sai. Phẩm chất nhận ra sai sót của mình không dễ có vị lãnh đạo nào có được. Còn điều gì đã làm nên một Võ Văn Kiệt viết bức thư tâm huyết cho Đảng, mong Đảng sáng suốt đặt lợi ích của dân tộc lên trên bất cứ giáo điều và lợi ích riêng nào đó? Đó chính là do ông vô cùng yêu nước. Chính cái trục yêu nước này đã dẫn dắt ông đồng hành cùng dân tộc và trở thành một tượng đài thực sự được yêu thương trong lòng nhân dân.
Đổi mới là máu của ông, là thuộc tính của ông chỉ vì ông không thể cam chịu để đất nước lạc hậu, nhân dân đòi nghèo.
Nguyễn Duy lừ đừ đứng dậy:Tôi chỉ đọc thơ cho ông Sáu nghe. Ông chịu nghe cả những bài thơ mà vì in nó hai tạp chí là Sông Hương và Cửa Việt đã bị đình bản.
Nhớ đến ông, trân trọng những gì ông nhắn gửi trong bức thư của ông tôi xin đọc bài thơ “Kim mộc thủy hỏa thổ” của tôi, bài thơ mà ông rất thích… nghe.
Gs. Tương Lai: Thơ của Nguyễn Duy sẽ kết thúc cuộc trao đổi này của chúng ta.
Nguyễn Duy bên bức ảnh cười rất tươi của ông Kiệt chậm rãi đọc “Kim mộc thủy hỏa thổ”- cái vòng quay quy luật của trái đất, vũ trụ, con người.
…Lại ruột gan vấn đề gì đó.
Lại thừ nhớ những mối tình quan họ.
Những mối tình không giao phối bao giờ.
Lại đi đưa những đám ma từ ngữ.
Xác chữ chôn đầy nghĩa địa vô hình.
Lại khốn khổ với sọ dừa trì trệ.
Nhồi trí thức vào trí thức cứ phòi ra…
Gã nghĩ thơ của Duy là thơ tự do, ai hiểu thế nào cứ tự do mà hiểu.
Ông Kiệt sau khi nghe thơ Duy, hỏi Duy, tình hình này cậu bi quan hay lạc quan?
Duy bảo, tôi chả bi quan mà cũng chả lạc quan, tôi … hoang mang.
***
Khi chia tay, gã bảo với Nguyễn Duy, việc quái gì mà hoang mang? Như ông đấy, bao lần bi quan tuyên bố bỏ thơ, ấy thế mà khi có… sự thì thơ chính sự của ông vẫn ào ào xung phong lên tuyến đầu.
Duy cười, hề hề, thi sĩ xưa nay là thằng thích đi chơi hoang thì có … mang ấy mà.
16.8.2018
Khi ra xe Lê Công Giàu kể gã nghe, lần anh từ Sài Gòn ra khu, vì hoạt động bí mật mọi người gặp nhau phải bịt kín mặt hết, anh được thông báo sẽ gặp một lãnh đạo cao cấp. Anh ngạc nhiên người lãnh đạo cao cấp kia lại không bịt mặt. Ông gửi thông điệp là ông rất tin tưởng người đối diện, nếu có bị bắt thì cũng sẽ không khai ra ông. Ông chính là Võ Văn Kiệt.