12 năm tạp chí Hợp Lưu

Trần Vũ

Bài viết khá dài, tuy một vài chi tiết chưa chính xác lắm nhưng có thể xem là tương đối đầy đủ nhất hành trình của tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Biên Khảo Hợp Lưu, sau 12 năm (1990-2003) hiện diện trong sinh hoạt văn chương trong / ngoài nước.

FB chỉ cho phép đăng bản văn dài khoảng trên 62.000 chữ nên bài viết sẽ được chia làm 2 kỳ.

Tiểu sử Trần Vũ

Trần Vũ sinh ngày 2 tháng 10 năm 1962 tại Sài Gòn. Ông theo học tiểu học và trung học đệ nhất cấp tại tư thục Lasan Taberd. Sau khi trường giải thể năm 1976, chuyển sang Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (nữ trung học Nguyễn Bá Tòng cũ).
Từ năm 1979, ông vượt biên đến Philippines và định cư tại Pháp, sau một năm ở trại tỵ nạn Palawan, Puerto Princesa City. Từ năm 1990, ông làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu Trí Pháp Quốc rồi Liên Bang Tương Trợ Y tế tại Paris. Từ năm 1999, ông làm quản lý dự án tin học cho Liên Hiệp Quốc gia Bảo Hiểm Pháp.
Ông làm chủ biên tạp chí Hợp Lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7-2005. Hiện sống tại Cilifdrnia, USA
Văn nghiệp
Trần Vũ bắt đầu viết truyện năm 25 tuổi. Tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Đồng cỏ miên đăng trên nguyệt san Làng văn tháng 5/1988, lập tức gây được tiếng vang. Các truyện ngắn tiếp theo đều gây được sự chú ý. Đến Ngôi nhà sau lưng văn miếu và Bên trong pháo đài đăng trên tạp chí Văn Học, Trần Vũ trở thành hiện tượng của văn học hải ngoại hai năm 1988-1989 và là người viết trẻ tuổi nhất lúc đó. Giai đoạn 1991-1993 Trần Vũ lại gây xôn xao báo giới, bị công kích gay gắt vì loạt truyện lịch sử về các anh hùng như Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ với văn phong và cách nhìn táo bạo, bị cho là đi ngược lại với quan niệm truyền thống. Năm 1994, truyện vừa Giấc mơ Thổ kể về cuộc hành trình ngược dòng quá khứ, với những hình ảnh đầy bạo lực, câu văn như ứa máu cùng cảnh ăn thịt rồng đã gây không ít phẫn nộ, ở một bộ phận độc giả. Năm 2002 truyện vừa Giáo sĩ lại gây phản ứng dữ dội vì đụng chạm đến tôn giáo.
Sáng tác của Trần Vũ tập trung vào một số thể loại cơ bản: truyện ngắn, tiểu luận, tùy bút, ký. Ngoài ra, anh còn dịch thuật.
Về truyện ngắn – đây là thể loại sở trường của Trần Vũ, cho đến nay anh đã viết trên 50 truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí văn học như Làng văn, Văn học, Hợp lưu và các websites văn học như Talawas.org; Tienve.org. Các truyện ngắn của Trần Vũ tập hợp lại in trong hai tập là:
• Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu (Thời Văn xuất bản năm 1988, Hồng Lĩnh tái bản năm 1994 tại California, Hoa Kỳ)
• Cái Chết Sau Quá Khứ (Hồng Lĩnh xuất bản năm 1993, California, Hoa Kỳ).
Những truyện ngắn của Trần Vũ cũng được tuyển chọn dịch và in thành sách tiếng Anh, tiếng Pháp:
• The Dragon Hunt (Nhà xuất bản Hyperion xuất bản năm 1999), do Nina McPherson và Phan Huy Đường dịch [2][3].
• Sous Une Pluie d’Epines (Paris: Nhà xuất bản Flammarion, năm 1998) [4], Phan Huy Đường dịch. Và Terre des Ephemeres (1994), Au Rez de Chaussée du Paradis (1994) và En traversant Le Fleuve (1996).
Về tiểu luận có: Lịch sử trong tiểu thuyết bàn về sáng tạo văn chương và một số tiểu luận về lịch sử dân tộc dưới cái nhìn của riêng anh, gồm một số tác phẩm như:
• Đông Dương 1993;
• Sát thát;
• Quân đội Việt Nam – con đường canh tân;
• Quân đội Việt Nam – 1979, cơ hội đánh mất….
Về ký có:
• Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang,
• Di vật,
• Lưng trần…

(FB Khánh Trường)

TRẦN VŨ

HỢP LƯU 12 NĂM, TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC HẬU HIỆN ĐẠI

Cách đây 12 năm, tháng 10/90 họa sĩ Khánh Trường sang Pháp ra mắt Hợp Lưu số đầu tiên. Ðón anh ở phi trường, tôi nhận ra ngay nhân vật Khánh của Có Yêu Em Không. Nhân vật làm tình kinh khiếp trên căn gác gỗ với em gái của đồng đội hãy còn quàn ở nhà dưới trong mùi nhang khói tang tóc luồn qua kẽ hở, nhân vật mỗi chiều say đã phóng xe lao vào căn hẻm miệt Phú Thọ Hòa đi tìm tình yêu và cái chết. Khánh Trường với Khánh là một. Một con người và một nhân vật với tất cả liều lĩnh khinh mạn, nửa hảo hớn, nửa du đãng, chất ngất đam mê nhưng cũng bất cần đời và đôi lúc biết mất dạy. Buổi sáng đó, mái tóc dài mafia, Khánh Trường mang hình ảnh Franco Nero trong miền viễn tây bước ra khỏi sân bay ngang tàng với… thùng tạp chí Hợp Lưu trên xe đẩy.

Những ngày sau tôi khám phá anh là type Django như tôi ưa thích. Tôi cũng thích có một người anh chịu chơi như vậy, đầy thói hư tật xấu nhưng biết hiên ngang bao che cho đứa em khi cần thiết. Tất cả bắt đầu bằng lá thư anh gởi đến bằng hữu mùa hè năm 91. Lá thư kêu gọi đổi mới cho sinh hoạt văn học VN ngoài nước. Lá thư từ bỏ thái độ qua sông chặt cầu, phong tỏa bao năm của hội đoàn. Lá thư công nhận sự hiện hữu của con người VN sau 75 trên quê hương, cho dù con người đó không Quốc Gia, không Cộng Hoà. Anh chép tay thêm dòng chữ: Vũ thích gì viết ấy, cứ viết, có anh hứng mũi chịu sào. Và chỉ với dòng chữ ngắn đơn giản này anh đã quyến rũ được tôi, lôi về mình biết bao người viết trẻ dạo đó. Trân Sa, Lê Thị Thấm Vân, Vũ Quỳnh Nh., Nguyễn Thị Thanh Bình, Phạm Thị Ngọc, Phạm Chi Lan, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Mai Ðạt, Ðỗ Kh., Trầm Phục Khắc, Ngọc Khôi, Hồ Ðình Nghiêm, Vũ Ðình Kh., Vĩnh Hảo… chứng minh sự thành công này.

Hợp Lưu như thế chánh thức ra đời trong hiệu phở Thụ quận 13. Nhưng khác với Võ Phiến khi làm tạp chí Văn Học Nghệ Thuật bộ cũ, buổi chiều tháng 10/90 khi Khánh Trường bước chân vào hiệu phở gọi một tô chín nạm, văn chương Việt ngoài nước đã bắt đầu một thập niên thương khó. Những năm 78-79, tuy chưa có computer, chưa internet, chưa font chữ Việt, mọi thứ còn chép tay, đánh máy bỏ dấu tay, sách bày chung với thực phẩm, người viết người đọc rải rác, đầy khó khăn – nhưng Võ Phiến đã lên đường với niềm nhớ quê hương mãnh liệt không nguôi vô bờ bến của cả một lớp người di tản. Mọi người trân trọng chữ Việt, yêu quý, ôm ấp gìn giữ chữ Việt, thứ chữ Quốc ngữ của một đám đông vừa đánh mất tổ quốc.

Thời điểm 90, chữ “Phỡ” trên thực đơn phở Thụ viết với dấu ngã. Tiếng Việt đã không còn là quốc ngữ, mất thiêng, không mấy ai quan tâm và rất nhiều pha Anh, Pháp vào trong câu chuyện. Chữ Việt giản dị chỉ là chữ viết của một sắc tộc thiểu số sinh sống ở Âu Mỹ, hay quốc ngữ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xa lạ nào mà mọi người bắt đầu du lịch. Chữ Việt in trong số Hợp Lưu ra mắt là thứ chữ không còn có thể dùng để hái ra tiền, một thứ tử ngữ.
Chị Thụy Khuê mời tôi với anh và bác Mai Thảo ăn phở trước để dằn bụng tiếp khách. Tôi hỏi Mai Thảo: Bác thấy phở hải ngoại có bằng phở Sài Gòn ngày xưa? Phở bên này ít nước, mau nguội bánh. Mai Thảo ầm ừ trả lời. Ông chỉ hút một cọng phở duy nhất. Tô phở của chị Thụy Khuê, của tôi, của anh Khánh Trường cũng nguội nhanh. Nguội nhanh như văn chương hải ngoại đang lạnh dần.

Gần 10 năm trước, 1982 năm Mai Thảo quyết tâm tục bản tạp chí Văn, sinh hoạt văn học hải ngoại chưa nguội, ngược lại bắt đầu hâm nóng. Người Việt đã bắt đầu an cư sống tập quần. Tuy các cây viết mới hãy còn hiếm, Mai Thảo đầu đàn của văn nghệ miền nam quy tụ dễ dàng các bạn bè của ông. Con hùm xám Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Mặc Ðỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Tuý Hồng, Viên Linh, Nguyễn Ðông Ngạc, Trang Châu, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, với Bình Nguyên Lộc qua sau… là những gương mặt nổi tiếng của miền Nam một thời. Bằng kinh nghiệm của một chủ bút tài hoa lẫy lừng, Mai Thảo nhanh chóng khám phá, thừa nhận và thúc đẩy những ngòi bút nữ: Lê Thị Huệ, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Diệu Hằng, Phạm Thị Ngọc, Cao Bình Minh sẽ làm nên hiện tượng nữ sau đó. Không chỉ phát hiện những cây bút nữ, mục Người Viết Trẻ mỗi tháng giới thiệu một gương mặt mới, có tháng trong cùng một số báo có đến 4 người viết mới Nguyễn Thạch Giang, Ý Ngôn, Vũ Phương Nam, Ðặng Mai Lan. Suốt 6 năm 82- 87 tạp chí Văn không thiếu sáng tác, không thiếu người viết lẫn sự trợ giúp đông đảo của các văn hữu.

Sau Mai Thảo, tạp chí Làng Văn trình làng. Làng Văn thừa hưởng không khí bừng bừng khí thế của một cộng đồng đang độ tăng trưởng chín muồi sung mãn, kèm nỗi nhớ nhà nóng bỏng của lớp người mới vượt biên. Một tạp chí mới, một lớp độc giả mới với một tâm tình mới. Huyền Châu, Tuệ Nga, Hồ Trường An, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ngọc Ngạn, Lê Văn Lân, Ngọc Khôi, Nguyễn Tấn Hưng, Thái Văn Kiểm, Võ Kỳ Ðiền, Nguyễn Văn Ba, Trần Long Hồ, Phan Ni Tấn, Luân Hoán, Lâm Hảo Dũng, Diệu Tần, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn… đem đến cho Làng Văn những độc giả trung thành trường kỳ. Những năm 84-89 thời kỳ cực thịnh, Làng Văn thành công rực rỡ, số bán vượt xa các tạp chí khác. Người Làng đông như trẩy hội như nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa nhận xét.

Cùng thời gian đó, 1985 Võ Phiến tục bản Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, rồi từ tháng giêng 86 đổi tên là tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác điều hành có thể xem là tạp chí uy tín nhất của giai đoạn 85-88. Ða số những bài viết xuất sắc đều xuất hiện trên diễn đàn này và bên cạnh những nhà văn cộng tác trụ cột thường xuyên Nhật Tiến, Võ Ðình, Lê Tất Ðiều, Ðịnh Nguyên, Tưởng Năng Tiến, Võ Phiến, Nguyễn Bá Trạc, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Tất Nhiên, Thế Uyên, Hoàng Khởi Phong, Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Hoàng, xuất hiện vô số người viết mới: Khế Iêm, Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Phan Tấn Hải, Kiệt Tấn, Thường Quán, Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Nguyễn Ðức Lập, Nguyễn Ý Thuần, Hồ Ðình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Trúc Giang, Trần Thị Kim Lan, Trần Thị Lai Hồng, Trân Sa, Lê Bi, Vũ Huy Quang, Trương Vũ, Thế Giang, Trần Vũ, Ðỗ Kh., Mai Kim Ngọc, Vũ Quỳnh Hương, Nhược Thủy (Y Chi)… Cũng chính trên diễn đàn này khởi đầu nền phê bình ngoài nước qua các bài viết đầu tiên của Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Hưng Quốc. Văn Học như thế đã ra đời trong hoàn cảnh vô cùng thuận tiện, với một nguồn nhân lực mới mẻ hùng hậu đang trong giai đoạn khởi viết.

Trường hợp Hợp Lưu khác hẳn. Hợp Lưu ra đời khi đa số những tác giả kể trên, một số đã bỏ cuộc, một số đông khác các sáng tác hay nhất của họ đã viết xong. Giống Mai Thảo nhận xét phở hải ngoại ít nước, mau nguội. Lý do quá nhiều bánh, quá nhiều thịt, nhưng ít nước. Nhận định đó đúng cho giới sáng tác Việt sống ngoài tổ quốc. Ðã nhiều bài viết lý giải những khó khăn của người sáng tác bị cách ly khỏi quê hương. Chất liệu sáng tác sáo cũ, ngôn ngữ mẹ đẻ mỗi ngày một nghèo đi, kinh nghiệm quê nhà thiếu cập nhật, sự hội nhập lấn dần tính hoài niệm hao mòn dần căn cước gốc, không nhuận bút, không độc giả, ít sinh hoạt chung đưa đến tình trạng băng giá. Ðó là những nguyên nhân nội tại, nguyên do bên ngoài nhiều hơn nữa: Tranh sống kiếm cơm, viết văn tay trái tối chủ nhật, biến động Ðông Âu đưa đến hoang mang, văn chương trong nước… bất ngờ đổi mới cạnh tranh bất chính, khủng hoảng kinh tế thất nghiệp khiến mãi lực mua bán của độc giả giảm… Hợp Lưu chào đời trong hoàn cảnh tăm tối đó.

Năm 91 là năm khởi đầu của nhiều bài viết cảnh giác thái độ nhẩn nha cầm chừng trong sáng tác, tranh cãi hay kết án những vòng tường ghetto bao vây. Ðiều đó chứng minh sau một thập niên khởi sắc, sáng tác hải ngoại gặp khủng hoảng. Trong tình trạng thụt lùi như vậy, làm báo chỉ từ chết đến bị thương giống họa sĩ Khánh Trường than. Nhưng đó chỉ mới là khó khăn riêng của một bộ môn sáng tác, những sáng tác mà Khánh Trường luôn luôn rất cần cho những số Hợp Lưu nối tiếp. Còn nhiều khó khăn khác.

Buổi tối ra mắt Hợp Lưu trong hiệu phở Thụ là một buổi tối thành công kỳ lạ. Ðông đến mức quán hết chỗ, mọi người phải đứng và lần đầu tiên tôi thấy Mai Thảo bị dịch giả Kim Lefèvre quay. Ðông, vui, như cơn say quên trời đất của Kiệt Tấn, như ánh mắt hấp háy lạc quan sau lớp kính ve chai của nhà nhạc học Nguyễn Thiện Ðạo, nhưng nụ cười tươi của chị Thụy Khuê không khỏa lấp những lo lắng cho ngày mai. Hơn ai hết chị Khuê biết rõ khả năng tài chánh của Hợp Lưu. Hơn ai hết chị hiểu rõ áp lực của hội đoàn đảng phái. Họa sĩ Khánh Trường hùng dũng trấn an: Chị cứ yên tâm, tôi không thua đâu.

Tôi không thua đâu. Có lẽ đây là câu trả lời chính xác nhất vì sao và tại sao chuyển động Hợp Lưu thành công và tạp chí đứng vững suốt 12 năm. Câu trả lời này xác định cá tánh đặc biệt của người chủ biên tạp chí.

Ðể hiểu quyết tâm của Khánh Trường, phải sống trở lại bối cảnh của cộng đồng VN đầu thập niên 90. Chưa khi nào áp lực của hàng trăm hội đoàn mạnh đến như vậy. Việc cướp máy bay, rải truyền đơn rồi nhảy dù xuống VN của Lý Tống (xẩy ra sau vài số Hợp Lưu) biểu trưng tất cả tinh thần quang phục đất nước lúc đó. Phải đọc tất cả các báo Việt ngữ xem affaire Lý Tống là một thiên anh hùng ca, phải đi giữa đường phố Bolsa rợp lá cờ vàng để hiểu hành động làm tạp chí Hợp Lưu của Khánh Trường là một hành động can đảm. Phải trông thấy cảnh cuốn sách Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương bị lôi trên đất và đốt cháy để hiểu bầu không khí quá khích bao trùm nặng nề lúc đó. Ðiện thoại chửi bới nửa đêm, fax văng tục, mail hăm dọa, thư nặc danh, đập kính xe là thực đơn hằng ngày. Cùng với Hợp Lưu, tạp chí Trăm Con của Trân Sa và Tư Ðồ Tuệ cũng trong chiều hướng giao lưu đã không chịu nổi áp lực phải đình bản. Áp lực đến nỗi, khi cho xuất bản Cánh Cửa, nhà văn Nhật Tiến trả lời phỏng vấn đã thẳng thừng chua chát: Nhà văn VN ngoài nước không có tự do sáng tác! Trước đó, chỉ với Mùa Biển Ðộng với một chương tả người lính VNCH say rượu đeo xâu tai xác chết quấn quanh co, Nguyễn Mộng Giác đã bị chê trách “Bôi nhọ quân lực” và áp lực đến mức chủ bút Văn Học Nghệ Thuật Võ Phiến phải mời trị sự của mình từ chức, tạo nên sự cố Văn Học không dễ tuỳ nghi lúc đó.

Chưa một tạp chí nào ra đời khó khăn như vậy. Không chỉ một mình chủ biên Khánh Trường chịu búa rìu dư luận, tất cả những nhà văn, nhà thơ chấp nhận đăng bài trên Hợp Lưu đều mặc nhiên bị xem là VC, hoặc lịch sự hơn: nối giáo cho giặc. Nhà văn Nhật Tiến, người cha tinh thần đỡ đầu cho Hợp Lưu, người chủ trương giao lưu sớm nhất từ Mồ Hôi Của Ðá, đã gánh chịu không biết bao nhiêu phỉ báng, một trong những lý do khiến ông buộc lòng rời khỏi Ban chủ biên. Không ai có thể trách tác giả Thềm Hoang, Giải thưởng văn chương phủ tổng thống VNCH là một nhà văn thiên tả, không ai có thể trách Nhật Tiến là một nhà giáo không gương mẫu, hay một người thiếu đạo đức. Nhưng cũng không ai chịu hiểu tinh thần quang phục đất nước chỉ là một tinh thần hoang tưởng đầy ảo vọng. Nên khi Hợp Lưu, tạp chí thuần văn học đầu tiên đưa ra cái nhìn khác – Ðã đến lúc người Việt phải đối xử với nhau như những con người cho dù khác chính kiến và VN hôm nay phải không còn hận thù, một văn bản nếu mang giá trị văn học là một văn bản có giá trị, dù tác giả của nó sống trong hay ngoài nước – Cái nhìn mới này đã tạo ra một cơn sốt ý thức rất lớn trong tâm hồn của rất nhiều những kỹ sư tâm hồn.

Thời gian đó, với các văn, thi sĩ được chủ biên Hợp Lưu gởi thư mời, chọn lựa không dễ. Với mỗi người đã là một bước qua lời nguyền vô cùng khó khăn, với tất cả rủi ro trấn áp kết án từ bạn bè, các báo quốc gia đang cộng tác và cả với lương tâm của chính mình, lương tâm nào đã quyết định rời bỏ quê cha đất tổ ra đi vì không chấp nhận chính quyền đương nhiệm và lương tâm nào ý thức không thể phân ly chia đôi đất nước mãi mãi?
Nhưng thật kỳ lạ, nếu mở lại những số Hợp Lưu đầu tiên, thành phần ban chủ biên tăng dần rất nhanh sau mỗi số báo cho đến khi hầu hết các tác giả thường xuyên viết trên các báo Cộng Hoà đều lần lượt xuất hiện trên Hợp Lưu. Ðó là dấu hiệu mà Khánh Trường nhận ra anh đã đi đúng hướng, và đó cũng là dấu hiệu cho thấy những nhà văn Việt đã tự chất vấn mình từ rất lâu. Chắc chắn trong thâm tâm, Khánh Trường cảm tạ rất nhiều tấm lòng của những người bạn Phan Tấn Hải, Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Cao Ðông Khánh, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Mộng Tú, Du Tử Lê, Thường Quán, Khế Iêm, Lê Bi, Lê Thứ, Hồ Ðình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Long Hồ, Trầm Phục Khắc, Vũ Huy Quang, Võ Ðình, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phạm Chi Lan, Chân Phương, Ðỗ Kh., Hoàng Mai Ðạt, Trương Vũ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Hương, Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa, Vũ Quỳnh Nh., Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Khoa Phương, Phan Thị Trọng Tuyến… đã tham dự hết mình ngay từ những ngày đầu, và hơn nữa cảm tạ dân tộc Việt hãy còn biết đến tha thứ, nhân hoà.

Khó khăn vẫn chưa hết. Ai đã làm báo hiểu rõ khó khăn kinh khủng nhất vẫn là khó khăn tài chánh. Bao nhiêu tờ báo Việt ngữ đã sập tiệm. Hồn Việt chết theo với Thanh Nam, Nhân Văn của nhóm Nguyễn Thượng Văn và Tưởng Năng Tiến, Tân Văn của Hà Thúc Sinh, Văn Lang của Nguyễn Mộng Giác, Văn Xã của Nguyễn Hữu Nghĩa, Ý Thức của Viên Linh, Chân Nguyên của Phạm Công Thiện, Tập Họp của nhóm trẻ Úc, Ðối Thoại của Lê Bi, Việt của Nguyễn Hưng Quốc đều phải đình bản. Võ Phiến cũng chết đi sống lại hai lần với Văn Học Nghệ Thuật, và tạp chí Thơ của Khế Iêm trong tình trạng khắc khoải thường trực của một cái chết được dự báo. Ðó là chỉ kể những tạp chí tên tuổi. Khác với Thế Kỷ 21 được công ty Người Việt hỗ trợ, Hợp Lưu chỉ sống bằng công quả của bằng hữu, bằng công sức và lợi tức thu nhập cá nhân của chính Chủ biên Khánh Trường. Sự sống sót của Hợp Lưu liên tục suốt 12 năm qua, đều đặn gởi đến tay bạn đọc bao nhiêu số chủ đề, bao nhiêu biên khảo, phỏng vấn và sáng tác thơ, văn, kịch chính là sự thành công riêng của Khánh Trường và sự sống sót tinh thần của chính cá nhân anh.
Ðể hiểu khó khăn tiền bạc của chủ biên Hợp Lưu túng thiếu nhường nào, tôi có một kỷ niệm đẹp về tình bạn giữa Mai Thảo và Khánh Trường. Mùa đông năm 96, tôi hay thích đến căn lầu xép trai phòng của Mai Thảo. Không có gì thú bằng ngồi dưới chân giường Mai Thảo nhìn ra hàng hiên trồng những đọt chuối xanh, nghe im lặng của buổi trưa phả hơi nóng nhẹ nhàng xâm chiếm chậm rãi căn phòng. Nhất là căn phòng đầy những chai lọ cognac tôi ưa thích, chỉ cần với chân cũng khều được dăm chai. Buổi trưa sâu thẳm yên tĩnh trong con hẻm Song Long, tôi vừa bị Mai Thảo lừa cho uống cognac có ngâm cu con hải cẩu thối hoắc, thứ rượu thuốc Nguyễn Xuân Quang – tác giả Người Căm Thù Ruồi – tặng ông uống chống lạnh, thì Khánh Trường ập vào, giọng anh hối hả:
– Anh có tiền cho em mượn, Hợp Lưu in xong rồi mà em chưa có tiền lấy.
– Bao nhiêu? Nhiều thì không có, ít thì có thể.
Mai Thảo điềm nhiên lắc lắc ly rượu vàng lóng lánh. Màu vàng của buổi trưa loang đến cườm tay ông đọng lại thành vệt lỏng. Giá Khánh Trường có thể ngồi xuống uống rượu thưởng thức sự im lặng của trưa không có những phiền hà nợ nần của đời sống. Ðâu ai biết gồng Hợp Lưu thường đắng như con hải cẩu chết tiệt.
– Một ngàn đô, anh.
– Hà hà… tưởng bao nhiêu, một ngàn thì nhà băng lớn nhất nước Mỹ này cho vay.
Mai Thảo, người thầy tinh thần của Hợp Lưu, bạn nhậu của tôi với anh, lặng lẽ lục tìm ví đưa tiền cho Khánh Trường mang ra nhà in ông Ðào Văn Ngoạn lấy báo.
– Vẽ được mấy cái bìa sách em sẽ gởi trả anh.
– Không hứa, không hẹn gì cả, có tiền thì trả thế thôi!
Mai Thảo gắt, ông ghét nói chuyện tiền bạc. Ông đưa tay quơ tìm bật lửa, đốt điếu thuốc Winston. Hành động của ông vừa rồi thật đẹp. Cho vay vô điều kiện, không thắc mắc dù ông cũng rất nghèo. Bác Thảo lúc đó còn mạnh, cười móm mém:
– Tiền thì không có, nhưng rượu thì không khi nào thiếu. Và không bao giờ thiếu, không thể thiếu được! C’est inadmissible, insolent!

Mai Thảo đập mạnh tay xuống mặt đệm. Tôi biết ông không bao giờ thiếu rượu. Tôi đã từng chở một cốp xe 30 chai cognac quà tặng cho ông đêm sinh nhật 63 tuổi. Mai Thảo là người giàu cognac và giàu tình bằng hữu nhất trần gian. Mấy ngày sau, rời quán Song Long sau điểm tâm với Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Du Tử Lê, tôi và người bạn làm báo văn học liên mạng trên internet Phạm Chi Lan đến chơi với Khánh Trường. Tôi với Phạm Chi Lan không giúp gì được anh trong công tác tòa soạn, nhưng vẫn thích ngồi quanh quẩn xem anh làm việc. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn 1500 cuốn Hợp Lưu chất đầy mặt đất.
– Sao anh chưa gởi bưu điện, trễ hạn rồi mà? Lan hỏi.
– Ờ hớ, để anh vẽ xong mấy cái bìa băng, bìa sách có tiền rồi gởi.

Khánh Trường thản nhiên, không có vẻ gì cấp bách, nhưng tôi biết, đã 6 tây là trễ một tuần. Và từ hôm vay tiền bác Thảo cũng gần cả tuần, có nghĩa anh chưa có tiền. Phạm Chi Lan với tôi đi lạc quyên các anh chị Lê Thứ, Lê Bi, Nguyễn Hương, nhà xuất bản Hồng Lĩnh, và Trương Vũ từ miền Ðông qua chơi, cuối cùng được vài trăm phụ với anh tiền cước phí bưu điện. Những ai còn thắc mắc nguồn tài trợ Hợp Lưu thì thực tế là như vậy. Và thực tế tài chánh này triền miên dằng dặc từ số đầu cho đến nay. Hai tháng một số báo qua thoăn thoắt, 66 số Hợp Lưu của 12 năm là 66 lần họa sĩ Khánh Trường xoay tiền chóng mặt.

Một lần Hợp Lưu được Viện Vận Ðộng Dân Chủ của Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị trợ cấp $10,000 một năm, vì tạp chí được xem có đóng góp cho chuyển động dân chủ. Những ai đã sống ở Âu Úc Mỹ biết rõ, những tài trợ của chính phủ, trường đại học, hay hiệp hội tư nhân cho những hoạt động văn hóa, nhân văn vô cùng bình thường. Ban chủ biên điều hành tạp chí lúc đó, Nguyễn Hương, Lê Bi, Phan Tấn Hải, Khánh Trường, Ðỗ Hữu Tài, và nhà văn Nhật Tiến đã thảo luận cân nhắc việc nhận số tiền này. Giảm mối âu lo tài chánh để rồi tai tiếng như tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo đã nhận trợ cấp của Phòng thông tin Hoa Kỳ? Nhận tài trợ nhưng nhất quyết giữ vững độc lập của tạp chí? Cho thì lấy nhưng không dính gì đến Hoa Kỳ? Nhưng ai cho tiền dễ dàng vô điều kiện như vậy? Trong cuộc đời có vay, có trả. Nhật Tiến cương quyết và dứt khoát nhất. Nhưng làm sao gồng triền miên trong tình trạng thị trường chữ nghĩa khánh kiệt như vầy? Ban chủ biên quyết định biểu quyết qua cách bỏ phiếu kín. Mọi lá phiếu đều đã ghi một chữ duy nhất: No! Tôi ở xa không rõ vụ việc, chỉ biết như vậy. Cá nhân tôi tiếc mãi số tiền này, thêm tiền thêm nhiều khả năng mới, tăng trang, phụ bản tranh màu, đẩy mạnh nhà xuất bản Hợp Lưu, có thể trả nhuận bút cho các tác giả nghèo trong nước, đỡ chật vật cho Khánh Trường. Nhưng tôi hiểu nhân cách và lòng tự trọng không cho phép Nhật Tiến chấp nhận điều này. Và tôi cũng hiểu ông muốn tạp chí Hợp Lưu giữ linh hồn trong sạch. Nhật Tiến là một người thầy, một nhà văn đúng nghĩa, quyết định của ông được toàn Ban chủ biên theo tuyệt đối. Quyết định đó, về sau, ngay cả những lúc khánh tận nhất, Ban biên tập không ai hối tiếc. Trừ tôi – vẫn nghĩ, tất cả sinh sống ở Âu Mỹ, nhưng suy nghĩ giống quân tử Tàu. Nước Mỹ là một nước Dân Chủ và có quy chế Dân Chủ. Chúng ta có quyền hưởng quy chế xây dựng trên lá phiếu của từng công dân và trích từ tiền thuế tất cả cùng đóng. Nếu áp lực đến từ cơ quan nào đó của quốc hội Hoa Kỳ, chỉ cần viết một bài báo đăng trên New York Times, áp lực đó sẽ biến mất tức khắc. Các quân tử đã không chịu hành xử quyền công dân Hoa Kỳ của chính mình, thứ quyền công dân mà tất cả đã bỏ nước đi tìm. Quân tử, nên những ngày Khánh Trường bệnh nặng, không bảo hiểm y tế, không tiền túi, bạn bè phải chạy lo thuốc thang, các tác giả bác sĩ chạy giấy nhập viện, rồi anh xuất viện, tôi đến thăm, quần vẫn còn ướt đẫm máu, lại nhập viện. Hay những khi túng thiếu, Ban biên tập khất thực từng tác giả, nhưng không phải ai cũng có tấm lòng của anh chị Trương Vũ, anh chị Lê Tất Luyện, anh chị Hoàng Chính Nghĩa. Khất thực một lần, lần thứ nhì, ni cô chê. Quân tử Tàu, nên Khánh Trường phải viết dâm thư kiếm tiền nuôi Hợp Lưu. Không một quân tử nào khác chịu viết Kim Bình Mai chung với anh. Thê thảm là vậy, cho Khánh Trường, kẻ ôm hoài bão văn chương. Nhưng kỳ diệu, Khánh Trường không xuống bùn, bạn đọc, văn hữu vẫn dành cho anh những tình cảm quý mến vì tất cả hiểu, anh bán mạng cho Hợp Lưu.

Trong thư từ biệt của chủ biên, Khánh Trường nhìn nhận sự bảo bọc của độc giả và nhiệt tâm đóng góp của văn hữu. Nhưng anh quên mất: Chính anh xứng đáng được nhận sự bảo bọc và nhiệt tâm đó. Không phải ngẫu nhiên nhà phê bình Thụy Khuê thường xuyên giúp đỡ anh, lo bài vở cho các số chủ đề, phỏng vấn định kỳ, hỗ trợ anh trong những quyết định khó khăn. Cũng không ngẫu nhiên mà mỗi lần anh kêu cứu, nhà tiểu luận Trương Vũ bay từ Washington DC sang cứu nguy, cũng không ngẫu nhiên mà chị Thụy Khuê, rồi Trân Sa, rồi Mai Ninh, rồi Miêng, rồi Phan Huy Ðường và nhiều bằng hữu nữa đứng ra lạc quyên cứu trợ bão lụt miền Trung cho Hợp Lưu mỗi lần… thiên tai hạn hán. Chuyển động Hợp Lưu là một chuyển động dài, không ai có thể đơn thương độc mã gánh vác, và như Khánh Trường khẳng định: Tạp chí Hợp Lưu không thuộc cá nhân ai, là một diễn đàn cấp tiến chung cho tất cả – thì việc mọi người góp công, góp của là bình thường và chính đáng.

* * *

Ðã trình bày ba khó khăn lớn nhất của Hợp Lưu: Sự lão hoá của bộ môn sáng tác. Trấn áp trù dập từ các hội đoàn quá khích. Tài chánh eo hẹp. Cũng đã trình bày sự đứng vững của tạp chí suốt 12 năm. Hôm nay, giờ phút thay đổi Chủ biên, bước ngoặt lớn cho những ngày sắp tới, bạn đọc đã có đủ thời gian để nhìn lại chặng đường HL vừa đi qua. Mục tiêu ban đầu – Giao lưu văn hoá – có thật đạt được hay không ?

Mở lại số Hợp Lưu 1, chưa có bài trong nước gởi ra, chỉ đăng lại các sáng tác quốc nội, dù việc đăng tải những văn phẩm của những nhà văn quốc doanh lúc đó ở ngoài nước là kỵ huý, thì chưa thể xem là đã có dấu hiệu giao lưu thật sự trong số ra mắt. Tuy vậy, điểm son chính là bài phỏng vấn Mai Thảo.

Nguyễn Ðăng Quý, bút hiệu Mai Thảo, sinh tại Nam Ðịnh di cư vào Nam năm 54. Chỉ một dòng chữ này, một con người này thôi đủ biểu trưng cho tinh thần quốc gia, sức đề kháng chống đối mọi tràn lấn đến từ miền Bắc. Mai Thảo không bao giờ thoả hiệp. Mai Thảo luôn vinh danh cho Tự Do Ở Ta như chữ ông thường dùng trong mục Sổ Tay trên Văn. Nhưng ông chấp nhận trả lời phỏng vấn đăng trên Hợp Lưu. Chấp nhận tên tuổi mình hiện diện trên một tạp chí đang bị khủng bố, và phỉ báng theo giặc. Có thể giải thích vì tình bằng hữu với Khánh Trường là người ông quý mến. Như thế quá dễ dàng vì Mai Thảo không bao giờ khiên cưỡng, ông biết quyết liệt và biết mắng thẳng vào mặt những điều ông khinh bỉ. Phải xem bài phỏng vấn ông trên Hợp Lưu số 1 ở vào thời điểm gay gắt nhất của cộng đồng là thái độ tôn trọng tự do của Mai Thảo, một nhà văn bảo vệ quyền tự do. Bằng hình thức đó, Mai Thảo chống đối những báo chí hội đoàn đảng phái quá khích, và cũng bằng hình thức này ông thừa nhận khuynh hướng giao lưu, và sau hết khi cho phép Khánh Trường đem tên tuổi mình lên tạp chí, ông gián tiếp giải thoát sự cô lập cho Hợp Lưu. Ðây là một nghĩa cử hiệp sĩ mà Ban chủ biên không thể quên. Trong số ra mắt, Mai Thảo, thủ lãnh của văn nghệ miền Nam đã làm công tác giao lưu trước nhất.

Tôi bước chân vào quán Monge quận 5 lần đầu tiên một buổi sáng tháng 4/92. Ba số Hợp Lưu đã ra, vẫn chưa có bài trong nước gởi đăng và lần đầu tiên 13 năm sau khi vượt biên tôi bước chân vào nơi lui tới của những người tả khuynh. Ðịnh nghĩa Tả khuynh dưới thời VNCH rất đơn giản: Thân Cộng. Ðịnh nghĩa hữu khuynh: Tư Bản. Ðịnh nghĩa tư bản: Chống Cộng. Khi vượt biển đến các nước Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, các thuyền nhân mang theo định nghĩa này làm nền móng cho nền cộng hoà Pulau Bidong, trại đảo tỵ nạn nổi tiếng khổ cực nhất lúc đó. Sang định cư ở các quốc gia đệ tam, cộng đồng tỵ nạn với tất cả đau đớn hy sinh của thân phận thuyền nhân, với xấp định nghĩa giản lược thẳng tay gạt bỏ những gương mặt tả khuynh có quá khứ phản chiến và chống chánh quyền miền Nam. Tả khuynh hàm nghĩa loài hủi, nổi cộm lên nghĩa trốn lính vừa nhận học bổng của tổng thống Thiệu vừa đâm sau lưng quân lực. Ngược lại, giới tả khuynh phản ứng bằng cách không giao tiếp với hữu khuynh, bỉ thử những thuyền nhân chạy theo Hoa Kỳ, đóng cửa xây pháo đài. Trong một thời gian vô cùng dài, tả và hữu khuynh hành xử với nhau như tả đô đốc Vũ Văn Nhậm kình chống với hữu đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh dưới thời Tây Sơn, chỉ chực hãm hại lùng giết nhau.

Trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu số 17, Nina McPherson dịch giả của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Ngọc Khôi, Nguyễn Thị Ấm, Ðỗ Kh., Ðỗ Phước Tiến, Võ Ðình nhận xét: Văn chương VN toát lên một nổi ám ảnh quá khứ. Người Việt bị quá khứ nhập tràng. Nhà văn VN để tang cho quá khứ đánh mất, làm như với cuộc ly tán, cùng những vết thương sâu đậm của chiến tranh, quá khứ của người Việt bị cướp mất. Và thiếu quá khứ chung, tương lai trở nên khó hiểu.
Quá khứ nhập tràng hay thiếu quá khứ chung, tương lai người Việt trở nên mù mờ khó hiểu. Chưa có lời nhận xét nào văn chương và chính xác cho bằng và cũng là lời giải thích cho mối xung đột tả hữu, nam-bắc, trong-ngoài. Buổi sáng tôi bước chân vào quán Monge, nền trời ẩm xám, hơi nước bốc lên mù các tấm kính. Buổi sáng lạnh yên tĩnh nhưng tâm hồn tôi xáo động. Tôi sắp gặp những gương mặt tả khuynh chống chiến tranh VN, góp phần làm sụp đổ Sài gòn khiến gia đình tôi ly tán. Tôi tiến đến chiếc bàn trong góc có nhiều người chờ với mặc cảm phản bội bố mẹ đã bỏ hết nhà cửa của cải ở phố Sinh Từ và Hàng Ðào di cư vào nam. Tôi rủa Tổng biên tập Khánh Trường đã nhờ tôi thay anh ở xa, gặp nhóm chủ biên Diễn Ðàn, hậu thân ly khai của tờ Ðoàn Kết hội Việt Kiều Yêu Nước. Ban chủ biên Hợp Lưu quyết định mời ban biên tập Diễn Ðàn viết bài đăng trên Hợp Lưu và ngược lại. Tôi không rõ vì sao Khánh Trường nhờ mình đại diện, có phải vì tôi nhỏ nhất, chưa kịp có quá khứ để tương lai bớt mù mờ?

Chủ nhiệm Hà Dương Tường mời ăn bún bò. Tôi từ chối để giữ thế giá của người Cộng Hòa. Ngoài biên tập viên Trần Hải Hạc, phụ trách trang khoa học Bùi Mộng Hùng, phụ trách trang văn học Ðặng Tiến, chủ bút Nguyễn Ngọc Giao, còn có cựu “chính ủy” Phan Huy Ðường bắc kỳ di cư.
– Làm gì nghiêm trọng thế? – Hà Dương Tường vỗ vai.
– Chúng tôi mời Vũ dùng bún bò ở quán này vì không tệ lắm.
Nguyễn Ngọc Giao khuyến khích. Mọi người cùng ăn, ngồi không tất kỳ, tôi cất thế giá của người Cộng Hòa vào cartable. Chưa kịp gắp móng giò heo trắng muốt, mềm như bàn tay một đứa bé, người Marxiste Phan Huy Ðường đã kiểm tra kiến thức:
– Vũ nghĩ gì về cuốn sách của Lê Ngọc Trà?
Tôi chẳng nghĩ gì hết. Giản dị vì tôi không quan tâm đến biên khảo, lý luận phê bình. Tôi chỉ đọc truyện ngắn, tiểu thuyết và tuỳ bút. Sau kiểm tra vấn đáp điểm zéro, sau…ba ly grand vin de bordeaux cuvée du patron, tôi mạnh dạn đặt điều kiện:
– Hợp Lưu sẽ đăng các bài viết của các anh, ngược lại những sáng tác của ban biên tập Hợp Lưu đăng trên Diễn Ðàn đừng viết chapeau kiểu những đứa con lầm lạc đi hoang đã trở về nhà và đây là điều kiện tiên quyết!
Tất cả mọi người cười ồ cho đến khi chủ bút Nguyễn Ngọc Giao trấn an:
– Chúng tôi đâu đến nỗi thế!

An tâm, nhưng tôi vẫn lập lại điều kiện một lần nữa, dù Khánh Trường không dặn, vì lý do giản dị những người bạn sáng tác trên Hợp Lưu thích đi hoang, chưa chịu về, còn đi chơi tiếp. Còn khuya Sa mới về, giống Trân Sa ưa nguýt. Giống Vũ Quỳnh Nh. đủ khả năng uống cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất rồi đón máy bay đi Prague chỉ để ăn sáng, trưa về lại Paris và tối bay đi San José tìm một thiên đường khác.

Chuyển động Hợp Lưu với giới tả khuynh bắt đầu như thế, trước tô bún bò Huế. Rất nhanh Diễn Ðàn số tháng 7/92 làm chủ đề giao lưu văn hoá giới thiệu trang trọng các sáng tác của Phạm Việt Cường, Lê Bi, Thế Uyên, Thụy Khuê, Ðỗ Kh., Trần Vũ với minh họa của Khánh Trường. Từ số này về sau tiểu luận Thế Uyên, thơ Thường Quán, truyện ngắn Mai Ninh, Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến sẽ đăng đều đặn bình thuờng. Ngược lại đông đảo các gương mặt khét tiếng tả khuynh sẽ xuất hiện ồ ạt trên Hợp Lưu ngay trong năm đầu tiên và sau đó: Trần Ðạo, Ðặng Tiến, Ðơn Hành, Phạm Trọng Luật, Tạ Trọng Hiệp, Nam Dao, Phan Nguyên, Huỳnh Mạnh Tiên, Lê Bá Ðảng, Lê Thứ, Huỳnh Hữu Ủy… Chuyển động Giao Lưu không chỉ ngừng ở trao đổi bản thảo giữa hai tạp chí Diễn Ðàn-Hợp Lưu, mà còn bình thưòng hóa quan hệ giữa những người tả khuynh với cộng đồng tỵ nạn. Trên Thông Luận, Nguyễn Gia Kiểng, lãnh tụ tổng hội sinh viên Sàigòn-Paris, viên chức cao cấp chánh phủ cuối cùng trước ngày thất thủ, giới thiệu trân trọng trường thiên tiểu thuyết Gió Lửa của Nam Dao, một tiểu thuyết gia không cùng chung quá khứ. Phan Huy Ðường, qua nhà xuất bản Philippe Piquier, lập collection truyện VN dịch sang tiếng Pháp. Lần đầu tiên một collection bao gồm các tác giả trong ngoài nước gồm nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn được giới thiệu đến thế giới.

Hợp Lưu số 6 đăng một bài tiểu luận nhức nhối của Ðặng Tiến. Ngoài tài hoa mà Ðặng Tiến thể hiện qua biết bao nhiêu bài bình thơ như Lưu Trọng Lư, Ðoá Mộng Ðầu hay Hoàng Cầm Cây Tam Cúc, nhà phê bình thâm niên này đặt một câu hỏi: Thế nào là Dân Chủ? Rồi ông thong dong giảng: Hồ Chí Minh xưng bác với đồng bào là không dân chủ! Bài tiểu luận đã làm phiền lòng không ít những độc giả bảo hoàng.

Hợp Lưu số 15 đăng một bài tiểu luận nẩy lửa khác của Trần Ðạo phê phán gay gắt quan niệm tiểu thuyết của Nguyễn Khải, một nhà văn hàng đầu trong nước. Ðọc lại một lần nữa phần nhập Gặp Gỡ Cuối Năm, Khi Lập Trường Thắt Họng Văn Chương để thấy suy nghĩ của người tả khuynh từ cuối thập niên 80 không khác suy nghĩ của những thuyền nhân hôm qua:
“Với những người khác họ chửi Cộng Sản hay bênh Cộng Sản, tôi đều không quan tâm mấy, họ chửi cũng chả hại được mình, họ bênh cũng chẳng làm mình sang trọng hơn. Viết được về họ kể ra cũng vui vui, không viết gì về họ cũng chẳng ai nỡ trách tại sao lại thiếu… Người ta chỉ say mê có những con người của hôm nay thôi.”
“Ai thế?
Tài đức bao nhiêu mà ngạo mạn đến vậy?
Nếu là một bạo chúa thời Trung cổ thì đã đáng buồn: Chúng ta thừa kế quá khứ của nhân loại, một phần nhân phẩm của ta đúc kết bằng di sản đó. Nếu là một nhà chính trị, thật đáng lo: trong lịch sử cận đại, quan điểm đó về đồng loại đã đào khá nhiều hố chôn tập thể khổng lồ, trong đó không thiếu gì người Cộng Sản. Khủng khiếp thay! Ðây là câu văn của một nhà văn có tiếng, có miếng, có tác phẩm được đăng, được khen, và có quyền hành, tác giả tiểu thuyết Gặp Gỡ Cuối Năm, Nguyễn Khải, một con họa mi trong cao trào ‘đổi mới’ văn học.” (trích Trần Ðạo, HL15 trg 185).

Không thể kể hết 12 năm trong một vài trang giấy, chỉ có thể ghi nhận, tuy ít sáng tác (thơ Huỳnh Mạnh Tiên, truyện ngắn Nam Dao, Dã Tượng, Phan Nguyên…) nhưng rất nhiều tiểu luận sắc nét cùng với biên khảo, hiệu đính công phu của Tạ Trọng Hiệp, Phạm Trọng Luật, Lê Thứ, Ðơn Hành, Huỳnh Hữu Ủy… đã chứng minh những đóng góp nhiệt tâm, nhiệt tình của giới tả khuynh trên Hợp Lưu. Chỉ với vài số báo, Khánh Trường đã xoá đi bức tường ngăn cách, giàn hòa Vũ Văn Nhậm với Nguyễn Hữu Chỉnh. Không còn tả, không còn hữu, chỉ có con người Việt Nam mà phẩm giá duy nhất để đo lường là nhân cách. Chỉ vài số báo việc hợp lưu những con người dị biệt quá khứ sống ngoài tổ quốc đã được thực hiện. Ðây là một thành công.

Hợp Lưu số 8 chủ đề Văn Cao, đánh dấu một bước ngoặt. Lần đầu tiên tín hiệu công khai giao lưu với trong nước được thể hiện rõ qua bài viết của Hoàng Cầm trách Phạm Duy hiểu chệch choạc (chữ của Hoàng Cầm) về thi ca ông. Trong cùng số báo Phạm Duy viết bài trả lời Về Những Cái Gọi Là Hoàng Cầm Ca! Những số báo sau, cả hai sẽ có thư trao đổi làm hoà. Trong chủ đề Văn Cao còn có hai bài viết khác trực tiếp gởi từ trong nước ra theo lời mời của Ðặng Tiến, một của Dương Tường và một của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cả hai đều viết về Văn Cao. Hoàng Phủ sẽ là người tham dự Hợp Lưu hết mình cho đến ngày ông ngã quỵ. Bạn đọc ngoài nước rất bất ngờ khi khám phá Hoàng Phủ Ngọc Tường – tên đồ tể Huế như hội đoàn cộng đồng kết tội – biết viết những trang tùy bút diễm ảo lạ thường. Ðường lên núi Bạch Mã với đôi chim phượng bay về núi mỗi chiều qua rừng tùng tím thẫm, rặng bạch đàn xanh ngút ngắt biết thổn thức dọc Trường Sơn, giải đất đá khô cằn nứt nẻ ngoài Bình Trị Thiên mỗi mùa cát lấp mất đi tiếng khóc của trẻ nhỏ chào đời. Khó mà tin một tên đồ tể thảm sát chôn người tập thể ngoài Huế lại nhậy cảm và nhiều cảm xúc như vậy. Tôi không rõ Hoàng Phủ Ngọc Tường có thật trách nhiệm thảm kịch Mậu Thân 68 hay không, nhưng tôi biết tòa chưa tuyên án chưa ai có tội, và tôi cũng biết: Sau Nguyễn Tuân, Mai Thảo, Võ Phiến, Hoàng Phủ là người viết tuỳ bút tài hoa nhất của đất nước. Lần cuối về thăm ông bại liệt trong ngôi nhà cũ của Trịnh Công Sơn ở Phú Cam, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn hỏi thăm từng người trong Ban biên tập Hợp Lưu. Ông không còn đi đứng được để dẫn tôi đi chơi lăng, để cùng ngồi uống rượu đế Làng Truồi ở lăng Gia Long. Lăng mộ đẹp nhất trong các lăng mộ vương triều Nguyễn. Ngồi bên cạnh Hoàng Phủ, dưới gió núi hoang vu, trước lăng tẩm của vị vương tử đầy quyền uy và quyết tâm Nguyễn Ánh, tôi không bao giờ tìm ra câu trả lời vì sao ngày xưa ông nhảy núi? Nhưng tôi hiểu tại sao ông yêu Huế, chính vì Hoàng Phủ Ngọc Tường thương nỗi buồn trong từng con người Việt Nam và Huế là thành phố buồn bã nhất. Ngắm bậc tam cấp còn uốn các chú rồng nhỏ, ngắm viên quan chắp tay cụt đầu, con ngựa cung đình thui chột, tôi nhớ Phan Nhật Nam trong Dựa Lưng Nỗi Chết kể chuyện nhân vật lính lên lăng Gia Long uống bia không đá và lấy súng M-16 bắn ngựa mù mắt trong một buổi chiều cuối năm sông Hương bốc mờ sương khói. Phan Nhật Nam, cũng là người viết bút ký chiến trường hay nhất Việt Nam. Phan Nhật Nam đã mở ra trong tôi bao nhiêu khu rừng thông có cánh chim trắng bay chậm rãi, cánh chim tinh khiết như tâm hồn các tân khoá sinh sĩ quan võ bị quốc gia Ðà Lạt. Phan Nhật Nam, thần tượng của một trời tuổi thơ, và bây giờ tôi ngồi cạnh Hoàng Phủ, tên đồ tể đang bại liệt còn thăm hỏi Hợp Lưu. Thiếu quá khứ chung khiến tương lai trở nên khó hiểu? Phải thế không Nina? Nhưng làm sao McPherson, dịch giả trẻ khả ái này có thể hiểu và nắm bắt nhanh như vậy nguồn gốc ung thư của chứng bệnh trầm kha chia rẽ của dân tộc này? Chỉ bằng xuyên qua dịch thuật mười truyện ngắn và ba cuốn tiểu thuyết? Câu trả lời nằm trong khả năng kỳ diệu huyền hoặc vô biên của văn chương.

Kỳ diệu và không biên giới, nên Hợp Lưu số 18 đánh dấu mốc vô cùng quan trọng. Tháng 8/94, trong thư ngỏ, Khánh Trường chính thức công bố hai bài viết gởi ra từ trong nước của các giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi thuộc Viện Văn Học Hà Nội. Nếu bài viết Sức Mạnh Văn Hoá và Sự Phát Triển Văn Minh của Hoàng Ngọc Hiến phân tích tổng quát tiến trình giao lưu không thể tránh khỏi trong khuynh hướng tương thùy (chữ của Hoàng Ngọc Hiến hàm nghĩa theo chiều ngang, đa quốc gia, đa văn hoá), và phân tích chi tiết sâu sắc những đòi hỏi văn hóa ở con người, ở một quốc gia, ở một dân tộc; thì bài viết của Nguyễn Huệ Chi, Vài Cảm Nhận Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, tập trung khoanh vùng một thực tế đã khiến ông ray rức: Ðời sống tinh thần của người Việt xa xứ. Bằng uy tín cá nhân, bằng nghiên cứu cẩn trọng, Nguyễn Huệ Chi công khai tuyên bố sự hiện hữu của một dòng văn chương ngoài nước và đặc biệt – bài viết của ông toát ra khát khao chân thành tìm hiểu những sáng tác bên này biển. Tuy thiếu tài liệu tham khảo, giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã làm công việc nghiêm túc của người làm văn học: Xác định và đánh giá khách quan không thành kiến, không quan điểm, không lập trường, chỉ bằng chính tấm lòng ngay thẳng của mình. Bài viết của ông là một trong những bài viết đầu tiên mở đường cho những nhận định khác xây dựng trên cùng một giá trị vừa kể (xem Lê Hoài Nguyên, Một Cách Nhìn 18 Năm Văn Học Nước Ngoài HL14).

Tất nhiên, Khánh Trường và toàn Ban chủ biên, cùng các tác giả có hay không tham dự Hợp Lưu không chờ đợi Nguyễn Huệ Chi trích lục khai sinh. Cũng không chờ đợi ông đóng một nhãn hiệu cầu chứng, hay cấp bằng chất lượng ISO, cấp thẻ lưu hành cho xe máy văn chương trên 100 phân khối. Tất cả đều hiểu văn học hải ngoại hiện hữu bằng chính khả năng sáng tạo đã có và không cần bất kỳ một thị thực nhập cảnh nào, cho dù bị xem là văn chương Việt kiều. Ðiểm son trong bài viết của Nguyễn Huệ Chi nằm ở đây. Giáo sư không hề có tham vọng cấp hộ khẩu văn chương, nhưng khát khao tìm hiểu sáng tác của những nhà văn không có chứng minh nhân dân. Hợp Lưu số 18 đánh dấu một cách nhìn mới ở trong nước, một phần thưởng quý giá đối với Ban chủ biên, mà tất cả đã quý trọng lòng dũng cảm vô biên không chỉ với riêng Nguyện Huệ Chi mà còn với cả nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã can trường gởi bản thảo, và trách nhiệm hành động ý thức này.

Cùng trên Hợp Lưu 18, Phạm Thị Hoài gởi đăng hai truyện ngắn mới nhất chưa hề xuất hiện trong nước, hai truyện ngắn kinh dị của văn chương Việt Nam. Tiệm May Sàigòn miêu tả đời sống tâm lý kinh hoảng của bầy thợ may mang tên âm trắc, yêu dễ dãi và chết dễ dãi trong u tối văn hoá. Thực Ðơn Chủ Nhật liệt kê thức ăn đối chọi của hai thời đại xưa/nay, thời đại cơm bát bửu bị nhốt vào trong xó nhà chết sình thối không ai biết, và thời đại đái vào nồi rau muống luộc diễn ra trên vỉa hè của những hàng cơm tập thể thờ ơ với cái vừa chết. Phạm Thị Hoài, nhà văn duy nhất của giai đoạn đổi mới bùng nổ còn giữ lại phẩm chất sắc sảo trong tác phẩm, vẫn không gian milimètre, vẫn chuốt nhọn từng chữ, cân từng gramme dấu phẩy, đo từng đường kính mỗi dấu chấm, và xếp suy nghĩ thành hình khối thách đố trí tuệ. Truyện ngắn Ám Thị gần đây đăng trên Việt chứng tỏ tài năng nguyên vẹn này. Phạm Thị Hoài, trên sinh lộ mới của văn học như Thụy Khuê phân tích trong một bài phê bình cùng tên (HL11). Nhưng Phạm Thị Hoài không ngừng ở đó. Bằng hoàn cảnh sống, bằng những tham dự dấn thân, bằng thái độ sống, và đặc biệt bằng phong cách diễn đạt qua tác phẩm, Phạm Thị Hoài đã chiến thắng cụm từ Hải Ngoại-Trong Nước. Không ai dám nhận vơ Phạm Thị Hoài là nhà văn hải ngoại, và cũng thật khó khăn xếp Hoài vào nhà văn trong nước, khi Hoài sinh sống tại Bá Linh. Phạm Thị Hoài, một nhà văn Việt Nam, không trong, không ngoài.

12 năm không biên giới đã cho phép Hợp Lưu đăng tải vô vàn những sáng tác, biên khảo, phỏng vấn của các tác giả trong nước. Không thể liệt kê hết 16500 trang của 66 số báo, chỉ có thể nhắc lại những ấn tượng chính:
Quả Vườn Ổi (Hoàng Cầm), Dị Mộng, Qua Sông (Cung Tích Biền), Ðàn Sẻ Ri Bay Ngang Rừng (Võ Thị Xuân Hà), Giấc Ngủ Nơi Trần Thế (Nguyễn Thị Ấm), Ðảo Ngụ Cư (Ðỗ Phước Tiến), Vũ Ðiệu Của Cái Bô (Nguyễn Quang Thân), Phù Thủy, Hậu Thiên Ðường (Nguyễn Thị Thu Huệ), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Một Chuyện Phải Gió (Nguyễn Quang Lập), Gió Dại, Khắc Dấu Mạn Thuyền (Bảo Ninh), Mùa Hoa Cải Bên Sông, Người Ðàn Bà Xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Bảy Trích Ðoạn Mùa Xuân Vùng Da Cam, Phòng Bốn Giường (Bùi Hoàng Vị), thơ Thanh Thảo, Nguyễn Ðỗ, Hoàng Hưng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vàng Sao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Triệu Từ Truyền, Lê Ðạt. Truyện ngắn Nhật Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Trung Trung Ðỉnh, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Hoà Vang, Nguyễn Bản, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, v.v… Biên khảo lý luận của Nguyễn Kiến Giang, Lại Nguyên Ăn, Bùi Thiết, Ðào Thái Tôn,Vương Trí Nhàn, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Ngọc Trà, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Lê Hoài Nguyên, v.v… Ở mỗi bộ môn đều có rất nhiều bản thảo gởi ra từ trong nước như trường hợp Thằng Bắt Quỷ (Cung Tích Biền), Xuân Hồng (Nguyễn Huy Thiệp), Từ Man Nương đến AK (Phạm Thị Hoài), Không Ðề (Trần Vàng Sao), Chia (Nguyễn Trọng Tạo), Người Thuận Tay Trái, Chạy Ðạn, Dặm Trường (Trần Thị Ngh.), Tự Bạch, Tiểu thuyết Vô Ðề (Dương Thu Hương), Ngọn Núi Ảo Ảnh, Tuyệt Tình Cốc (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tầng Trệt Thiên Ðường, Nghiệp, Dị Mộng, Khu X Nội Quang (Bùi Hoàng Vị), Truyện Của Chíp, Bụi Nắng (Phan Huyền Thư), Văn Học và Xã Hội VN (Phạm Thị Hoài), Nhìn Chung Một Bức Tranh Hoàn Chỉnh Về Văn Học Dân Tộc (Phạm Xuân Nguyên), thơ Hoàng Hưng, Nguyễn Ðỗ, Nguyễn Quốc Chánh, nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Bạt Tụy, tiểu luận Trần Ðộ, v.v… Sau hết, trận bút chiến kinh thiên giữa Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên, Thường Quán với Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn trong chủ đề Trí Thức-Phản-Trí Thức bắt nguồn từ Phê Bình Văn Học Của Hoài Thanh (Hoàng Ngọc Hiến) và ngay sau khi Lê Ðạt cao tuổi trượt chân. Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu thuộc Viện Văn Học Hà Nội đã đóng lại đúng lúc cuộc tranh luận bắt đầu nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng lẫn nhau đó. Nhiều bạn đọc lo sợ cho không khí căng thẳng có thể đổ bể bao công sức giao lưu, nhưng tôi tin: Một nền văn học khoẻ mạnh là một nền văn học phải có bút chiến, chỉ cần giữ được tinh thần bút chiến Phan Khôi. Các trận Cóc, Phản Trí Thức càng chứng minh hiện tượng giao lưu văn hoá là có thật.

Như vậy, mục tiêu ban đầu – Giao lưu văn hoá – có thật đạt được hay không? Khánh Trường có thể trả lời khiêm tốn: Thành công mỹ mãn! Hôm nay, bước vào năm thứ 12, tiểu thuyết Chốn Vắng của Dương Thu Hương, qua đại diện tại Pháp Phan Huy Ðường, tác giả cho phép đăng từng kỳ trên Hợp Lưu. Chốn Vắng, cuốn tiểu thuyết chưa bao giờ xuất hiện dưới dạng gốc Việt ngữ dù đã được phiên dịch sang Anh, Pháp. Chốn Vắng, mà mỗi trang in là mỗi trang thành tựu của chuyển động hợp lưu.
( Xin xem tiếp kỳ 2 phía dưới)

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.khanhnguyen.5/posts/1414768008645534

Comments are closed.