2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 48)

Hoàng Hưng

481. Enmeshed family: Gia đình dính vướng

Một gia đình trong đó các thành viên dính líu vào cuộc sống của nhau quá mức, làm hạn chế hay cản trở sự vận hành lành mạnh của đơn vị hay hệ thống, và phương hại cho sự tự chủ của cá nhân.

482. Environmental aesthetics: Mỹ học môi trường

Phân tích vai trò của các đặc trưng môi trường trong việc phán xét cái đẹp, phẩm chất của quang cảnh hay sự ưa thích về thị giác. Các phán xét về mĩ học có thể được nâng lên do những trình độ phức hợp vừa phải, như dòng nước chảy, cảnh nhìn từ một độ cao, hay yếu tố bí hiểm. Hiệu lực của những cảnh giả như ảnh chụp, hình ảnh máy tính, thực tại ảo… cũng được đưa vào nghiên cứu mỹ học môi trường.

483. Environmental determinism: Thuyết môi trường quyết định

Một lập trường triết học gán các nhân tố môi trường là nguyên nhân chủ yếu hay hoàn toàn của những khác biệt cá nhân.

484. Environmentalism: (thuyết, quan điểm) Duy môi trường

Khái niệm về tác nhân quyết định của môi trường và sự học đối với hành vi. Do đó, chúng là nguyên nhân quan trọng của các sự đa dạng hoá liên cá nhân trong năng lực và sự hiệu chỉnh; và như vậy, hành vi có thể cải sửa phần lớn.

485. Environmental psychology: Tâm lý học môi trường

Ngành Tâm lý học nghiên cứu các khía cạnh và hiệu ứng tâm lí, tác động đến hành vi và phúc lợi con người của môi trường vật lí, đặc biệt là môi trường xây dựng trong đó người ta sống và làm việc. Có thể bao gồm những tác nhân gây căng thẳng (tiếng động, sự đông đúc, ô nhiễm không khí, nhiệt độ…), thiết kế chiếu sáng, thiết kế công nghệ; rộng hơn, là những phẩm tính tạo không khí của môi trường vật lí như sơ đồ sàn, các yếu tố tượng trưng, kích thước và vị trí cao ốc, việc gần kề thiên nhiên…

486. Epiphenomenalism: Quan điểm hiện tượng phụ

Quan điểm cho rằng các sự kiện cơ thể (vật lý) tạo ra các sự kiện tâm trí như cảm nhận và suy nghĩ, còn các sự kiện tâm trí không có sức mạnh ngược lại. Tức là mối quan hệ nhân quả giữa các tiến trình thể chất và tâm trí chỉ một chiều. Một hình thức triệt để hơn của quan điểm này còn cho rằng các sự kiện tâm trí thiếu sự hữu hiệu nhân quả nên không sản sinh ra bất cứ gì, kể cả các sự kiện tâm trí khác. Ví dụ: ý thức chỉ đơn giản là một hiệu quả phụ của sự vận hành não bộ chứ không có liên kết nhân quả với nó. Được đặt tên do quan niệm sự kiện tâm trí chỉ là phó sản (sản phẩm phụ) của não bộ.

487. Episodic amnesia: Chứng mất kí ức tình tiết

Tình trạng không nhớ lại được một số trải nghiệm (thường là về cảm xúc), trong khi phần kí ức còn lại vẫn nguyên vẹn.

488. Episodic memory: Kí ức tình tiết

Một kiểu trí nhớ dài hạn đối với những trải nghiệm và sự kiện cá nhân, giúp ta có được tinh thần liên tục cá nhân và sự thân thuộc với quá khứ; chỉ chiếm phần nhỏ trong kí ức chung của con người. Khái niệm được đưa vào năm 1972, bởi nhà Tâm lý học Canada gốc Estonia Endel Tulving (1927-), ông phân biệt nó với semantic memory (kí ức ngữ nghĩa) và procedural memory (kí ức qui trình). Cũng gọi là autobiographical memory (kí ức tự truyện)

489. Epistemology: Tri thức học (tri thức luận)

Lí thuyết về tri thức (kiến thức), đặc biệt là khảo sát cái gì được coi là tri thức (kiến thức), hiệu lực của tri thức (kiến thức), cái gì phân biệt niềm tin đơn thuần với tri thức (kiến thức), những loại sự vật gì có thể biết, và liệu có phải bất cứ gì cũng có thể biết chắc.

490. Equilibration: (sự) Quân bình hoá

Trong các lí thuyết của nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) và các môn đệ, là tiến trình thích nghi với môi trường, chủ yếu thông qua sự đồng hoá (assimilation) và điều tiết (accommodation), hướng tới duy trì một trạng thái quân bình nhận thức hay cân bằng khi một cá nhân thu nhận được một thông tin mới.

Comments are closed.