Chào mừng ngày hội Khoa Văn Sư Phạm (ĐFSP Hà Nội)

(Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập khoa)

Văn Giá

Mặc dù xuất phát điểm không được là sinh viên, nhưng theo năm tháng, đời sống của miềng tham dự hơi… bị sâu vào khoa Văn Sư phạm; kể cả việc có đuọc mẹ của hai thằng cu, vốn là sinh viên văn khoa nơi đây.

Nay miềng đăng thêm mấy bài viết chân dung về các thầy, như cách bày tỏ niềm biết ơn tới các thầy/cô và khoa Văn Sư phạm.

* * *

Cụ Mạnh14480766_10205523624368959_8391544555961659031_o

(Chân dung Nhà NCPBVH, GS.Nguyễn Đăng Mạnh)

Lứa chúng tôi gặp nhau quen nói về thầy Nguyễn Đăng Mạnh là cụ Mạnh. Cụ Mạnh mới đăng một bài được lắm. Cụ Mạnh nghe đâu ươn người. Cụ Mạnh có phải mới vào Sài Gòn. Cụ Mạnh mới ở Sài Gòn ra. Cụ Mạnh vừa bị đánh…Cụ Mạnh. Một cách gọi thân mật về thầy. Xét trong các thầy ở bên Sư phạm, không thầy nào chúng tôi gọi như thế. Hoặc cứ phải đầy đủ tên. Hoặc gọi ngài, thậm chí hơi xấc, gọi ông nọ ông kia…Cũng chả sao. Nhưng riêng thầy Nguyễn Đăng Mạnh cứ phải gọi là “Cụ Mạnh”, và gọi như thế nó mới ra …cụ Mạnh. Cụ là “Mét” của chúng tôi.

Tôi học cụ Mạnh từ thời đại học. Ngày ấy cụ giảng về thơ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Nhớ lại, ngày ấy cụ giảng…chán chết đi được. Phòng học thì rộng. Lớp học thì đông. Lại giữa trưa, nóng như rang. Mà giọng cụ thì cứ đều đều. Buồn ngủ quá. Tưởng cụ thế nào chứ…Lúc ấy cụ vừa mới ra cuốn Mấy vấn đề về phương pháp phân tích và giảng dạy thơ Hồ Chủ tịch. Chúng tôi mua về chuyền tay đọc. Sướng lắm. Nó mạch lạc sáng sủa lắm. Lâu nay học về thơ Cụ Hồ, có bài thì hay thật, có bài nôm na chết đi được. Khen hay thì thớ lợ. Mà đố dám chê. Chê là bị kiểm điểm, đuổi học như chơi. Có độc cụ Mạnh, cụ cho một chiêu “thoát hiểm” tuyệt vời. Nó là thế này: thơ cụ Hồ phải chia ra làm 2 loại, một là thơ trữ tình nghệ thuật; và hai, là thơ tuyên truyền. Lâu nay các bố cứ lấy thơ trữ tình nghệ thuật ra để đo thơ tuyên truyền. Rồi lại lấy cái nhãn quan tuyên truyền ra để đo thơ nghệ thuật. Cho nên mới bắt “Chòm sao” là quân Tưởng Giới Thạch, vầng trăng là cụ Hồ; sau thấy không ổn lại cho rằng chòm sao là quần chúng cách mạng, “nguyệt” là lãnh tụ …Lại cho rằng Hòn đá to/ hòn đá nặng/ một người nhắc/ nhắc không đặng/ nhiều người nhắc/ nhắc sẽ lên là một bài thơ tuyệt hay vì nó nói được tinh thần đoàn kết cách mạng của nhân dân. Cứ thế. Nhảm nhí lắm. Sách cụ Mạnh ra, cánh học trò chúng tôi thấy như bước vào đường quang, chứ không còn như trong bụi rậm như trước nữa. Nhắc lại chuyện này, bây giờ thấy nhẹ tênh, chứ ngày ấy nó nghiêm trọng lắm. Quyển sách của cụ Mạnh đã là một dấu ấn quan trọng trong hành trình khám phá thơ Hồ Chủ tịch của khoa học văn học nước nhà. Và cũng là một kỷ niệm khó phai trong những ngày đầu học hành đại học của lứa chúng tôi. Ấy là nói về sách. Chứ còn bảo nghe ông giảng vào những năm 80 của thế kỷ trước, quả thật chưa thấy hay, chưa thấy lôi cuốn, chưa thấy có lửa, có uy như sau này. Thầy ngày một tầm vóc tầm vóc hơn lên. Trò cũng dần lớn theo lên.

Rồi sau đó ra trường, đón đọc các sách của cụ Mạnh, không bỏ sót một quyển nào. Quyển nào đọc cũng thấy mình khôn ra được ít nhiều. Cũng chẳng ngờ, sau này về học cao học năm 88-89 lại được vác sách học cụ. Lại còn được theo chân cụ đi đàn đúm với đám bạn của cụ. Qua cụ mới biết thêm được những tên tuổi lừng danh đất nước. Cụ cho đi cùng đến nhà Hoàng Ngọc Hiến. Cụ cho đi đến nhà Nguyễn Minh Châu. Cụ cho đi thăm nhà văn Kim Lân, Tô Hoài. Cụ cho ngồi cùng bàn nhậu với Nguyên Ngọc. Cụ lại bảo hôm nay Thiệp (Nguyễn Huy Thiệp) nó mời ăn giỗ tại nhà, ông có đi không. Thế là lại được dịp bám càng…ăn chạ. Vâng. Lúc đó tôi vừa ở miền rừng Tây bắc trở về sau 6 năm, đói ăn đói chữ, trông nhếch nhác (lại chữ của cụ Mạnh), còm cõi, bệ rạc lắm. Được cụ Mạnh cho gọi đi đâu là sướng lắm, chẳng quản ngại gì. Đi để được chầu rìa mà học hỏi, chứ cũng chẳng phải bắt quàng người sang làm họ…Cái ngày ấy đang còn trẻ tuổi, lòng hăm hở vô tư.

Lại nhớ, vào năm 89, phong trào đổi mới văn nghệ đang lên rừng rực. Cái lò sư phạm do cụ Mạnh làm “đầu lĩnh” cũng rừng rực không kém. Ngày đó, chúng tôi thỉnh thoảng tổ chức buổi sinh hoạt văn học, có mời một số nhà văn nhà thơ đang nổi vào nói chuyện. Có hôm, chương trình lên xong xuôi, hội trường đâu ra đấy, đèn điện sáng trưng, cử tọa đã lục tục đứng chờ, còn khoảng nửa tiếng nữa là khai mạc. Đùng một cái mất điện. Mất điện thì thắp nến. Có lệnh giải tán. Hỏi lý do? Trả lời, “trên” ra lệnh. Trên là ai? Là Đảng ủy, Ban giám hiệu. Tại sao? Đi hỏi trên nhé. Thế là “mất điện” luôn. Gặp cụ Mạnh, cụ bảo các cậu tập trung viết về Nguyễn Huy Thiệp, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Hoài…đi, chuẩn bị cho Hội thảo khoa học sắp tới. Thế là như mở cờ trong bụng. Lại cặm cụi viết. Nhớ cái hôm Hội thảo lừng danh “Chung quanh các vấn đề thời sự văn học” ở Khoa văn Sư phạm, đông ngàn ngạt những người là người. Phòng chật cứng. Sinh viên vòng trong vòng ngoài. Họ đến để xem mặt ông Nguyễn Huy Thiệp là cái ông nào mà lại viết được Tướng về hưu, Vàng lửa, Kiếm sắc, lại dám khinh nhờn cả tướng lĩnh, cả ông vua Quang Trung? Họ xem để biết cái cô Dư Thị Hoàn là cô nào lại dám trêu ngươi nền luân lý mà viết “Anh quên cài khuy áo ngực cho em”. Còn cô Phạm Thị Hoài, là người học hành bơ sữa bên Tây thế nào mà lại đem đến cho văn xuôi bấy giờ một giọng văn Tây đặc vậy?…Người viết bài này cả gan viết bài về Phạm Thị Hoài để tham gia Hội thảo, rụt rè đưa cho cụ Mạnh. Cụ không nói gì. Hôm Hội thảo thấy có tên trong danh sách. Cụ lại vẫy ra, bảo hôm nay cậu lên trình bày bài tham luận của cậu nhé. Ôi, sướng quá. Chẳng biết lúc đọc trong Hội thảo có ai nghe không. Chả chắc đã có ai nghe. Người ta nghe gì một cái thằng vô danh tiểu tốt, đang tập tọng văn chương. Sau hôm ấy, Phạm Thị Hoài có viết thư mời ra Viện sử Hàng Chuối để trò chuyện. Lúc ra, Hoài vừa nhai kẹo cao su, vừa phì phèo thuốc lá. Tôi chưa quen cái cung cách này nên cũng không mặn mà nói chuyện. Đại loại Hoài khen, cho rằng tôi là một cây bút có triển vọng. Tuy nhiên nên như thế này, thế này…Tôi ậm ừ ra về. Từ bấy không còn cơ hội nào gặp lại Phạm Thị Hoài nữa, mặc dù vẫn đọc của Hoài đều. Hoài là một nhà văn tài năng thật sự. Trở lại với hội thảo. Cụ Mạnh như một đầu lĩnh tập hợp các anh hùng cái thế về Lương Sơn Bạc. Những cây bút đổi mới ai cũng mặt mũi sáng trưng, hừng hực khí thế. Một số người sợ đổi mới, mặt rất căng thẳng sẵn sàng nã pháo. Riêng cánh học trò chúng tôi phục cụ Mạnh lắm. Tự hào về cụ lắm. Với Hội thảo này, phi cụ Mạnh ra đếch ai tổ chức được.

Tôi không được điều độ như Chu Văn Sơn – học trò ruột của cụ Mạnh. Có hôm uống rượu cùng cụ Mạnh, say bét nhè. Thế là vừa chỉ tay vào Chu Văn Sơn, vừa nói như gào vào mặt cụ: “Con không được giỏi giang như hắn. Nhưng con đọc không sót chữ nào của thầy. Con cũng là người tử tế đấy chứ Thầy?”. Cụ Mạnh nhìn tôi cười cười. Cái cười hiền từ, độ lượng. Hôm sau, gọi điện hỏi lại Chu Văn Sơn, Đỗ Ngọc Thống xem hôm qua Văn Giá nói năng lung tung bố láo gì với cụ Mạnh không? Sơn dọa, có hơi lung tung đấy. Cụ thể thế nào? Sơn bảo: Thầy thầy con con, chắc cụ Mạnh sướng… Đỗ Ngọc Thống bảo chú say quá. Chú nói cứ như gào vào mặt người ta ý. Nhưng chú đáng yêu. Thì vẫn bảo chú là cái thằng nghệ sĩ mà lị!…

Lại nhớ có hôm, mấy thầy trò đang ngồi uống rượu ban trưa với nhau, tự nhiên Chu Văn Sơn đưa cho một khoản nhuận bút quyển gì do NXBGD gửi. Hơn triệu bạc, to phết chứ ít đâu. Thế là cao hứng, Văn Giá rủ mọi người đi Karaoke tay vịn. Cụ Mạnh tủm tỉm không chối từ. Đến nơi, chọn cho thầy cô xinh nhất. Thầy chẳng hát hò gì. Cũng không biết có mần răng chi mô. Đám học trò mải hát, mải việc chúng nó, chẳng đứa nào để ý đến thầy. Sau đó ra về, tôi hỏi thầy thấy con bé ấy xinh không? Thầy lại tủm tỉm không nói gì. Lúc lâu thầy bảo: Các cậu vẫn mắc cái tội kính trọng tớ quá. Hỏi sao ạ? Thầy bảo: cái con bé này nó trẻ con, mới 15-16 chứ mấy; nó bảo bố mẹ nó bỏ nhau, nó phải bỏ học sớm, chưa hết lớp 9… À ra thế. Hóa ra là thế. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau: Cụ Mạnh là người sướng. Cụ nghệ sĩ từ trong máu. Cụ làm việc hùng hục. Chơi cũng tới bến. Cụ là người “được sống”. Chẳng như mấy đồng chí cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khác, làm hùng hục, chỉ biết làm thôi, chứ có được sống là mấy… Thế nhưng cũng nhiều hệ lụy. Người tài thì hay được gái mê. Giai thoại kể rằng: có lần cô học viên cao học xinh đẹp đến nhà. Khi ra về, thầy lưu luyến tiễn em ra tận cổng. Cô ta nhìn mắt trước mắt sau không thấy có ai, bèn vừa nói cho em hôn thầy cái vừa quàng tay vít đầu thầy lại hôn chùn chụt. Thầy để im xem sao. Rồi hình như thầy cũng… không chối từ thì phải. Bỗng trên cao có giọng nói đầy quyền uy dội xuống: “Anh Mạnh ơi anh Mạnh!…”. Thầy sực tỉnh. Hóa ra lúc ấy cô nhà đang đứng trên balcon tầng ba dọi xuống. Nghe đâu cú ấy suýt xẻ đàn tan nghé! Hãi quá. Một lần vui chuyện, hỏi giai thoại có thật không, thầy tủm tỉm, rồi bảo thật đấy, cô ấy tên là… mình vẫn nhớ… Tôi bình luận: Thế thì thầy là người hạnh phúc rồi!…

Với tôi, lúc sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh, được cụ giúp nhiều trong việc học hành. Đến bây giờ già nửa đời người rồi, có nhiều việc vẫn nhờ cụ giúp. Tỉ như cái chuyện mới đây. Tôi liên hệ qua điện thoại xin phép gặp nhà văn Nguyên Ngọc để mời ông đến nói chuyện với học viên Khoa Viết văn nơi tôi công tác. Gọi lần nào ông cũng bảo bận. Lúc thì đang Đà Nẵng. Lúc lại Tây Nguyên. Lúc đang chuẩn bị đi Pháp. Lúc lại hội thảo nọ kia. Oải quá. Hỏi ra mới biết, ngày đang còn là Trường Viết văn Nguyễn Du, có một vị lãnh đạo ở đấy chẳng biết vì lý do gì tẩy chay hết Nguyễn Đăng Mạnh, Phạm Vĩnh Cư, Nguyên Ngọc và nhiều người khác đã có nhiều năm giảng dạy và gắn bó với các thế hệ học viên nơi đây. Thế là chả cứ gì ông Nguyên Ngọc, không ít người khác cũng thôi không đến nữa. Có phải là các ông xin đám đến đâu. Cần các ông thì các ông đến, chả cần thì thôi… Đến lượt tôi phải trông coi chuyện học hành sáng tác nơi đây, mời lại các vị khó quá. Lại phải bảo cụ Mạnh nói cho một câu. Một hôm, ngồi với cụ Mạnh, cụ Hiến, tôi liền có sáng kiến gọi điện cho nhà văn Nguyên Ngọc, nhờ hai thầy nói hộ, một câu các thầy bằng trăm câu của mình. Thế là cụ Mạnh bảo: Nguyên Ngọc này, Văn Giá nó là thằng tử tế đấy. Đến giúp nó một tí nhé. Cụ Hiến lại bảo: Nguyên Ngọc đến nói chuyện có tớ với Mạnh tháp tùng. Được lời như cởi tấm lòng. Nhà văn Đất Quảng bảo: được rồi, tớ sẽ sắp xếp đến chỗ cậu, nể lời Mạnh với Hiến đấy. He he!… Buổi nói chuyện diễn ra thật sớm. Toàn những điều gan ruột cả. Ngồi bên dưới nghe nhà văn Nguyên Ngọc là Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Chu Văn Sơn và nhiều nhà NCPB khác. Học trò viết văn cũng được thơm lây.

Bây giờ cụ Mạnh cứ vài ba tháng lại chuyển cư, khi vào Nam thì nhà con giai, lúc về Bắc thì lại nhà con gái. Có đận “cụ bà” đi cùng, có đận không. Có lần ở lại Bắc một mình. Buồn quá lại gọi Thống, rồi Thống lại đến rước cụ đi chơi. Có lần Thống lại gọi cho Sơn cho Giá…

Vừa rồi cụ bị vướng vào cái vụ hồi ký hồi kiếc đến rầy rà. Có lẽ cụ Mạnh buồn. Buồn vì nhiều lẽ. Trong khi đám học trò mải làm mải ăn mải yêu mải những thứ vớ vẩn này khác cũng ít đến thăm cụ. Lòng xiết bao áy náy. Có người bảo cụ dũng cảm. Có người lại cho là cụ… dại. Có người còn nhiếc cụ sướng chẳng biết đằng sướng, lẽ ra thì cứ an hưởng tuổi già, vui đâu được cứ vui, chơi đâu được cứ chơi, lại dở dói ra cái món hồi ký… Chả biết nói thế nào. Chạnh nghĩ tới một câu thơ của Evtusenko: “Sống ở cái thời gì mà kỳ cục vậy – Chỉ sống đúng là mình đã được coi là người dũng cảm”. Cụ Hoàng Ngọc Hiến thì bảo: “Cái nước mình nó thế!”…

Cụ Mạnh không cần ai khen là người dũng cảm. Nhưng cụ Mạnh luôn sống và dám sống đúng là mình. Ai bảo thầy dặn chúng con: “Ở đời, giữ được nhân cách tốn kém lắm thay!”. Tốn kém và nguy hiểm nữa thầy nhỉ?…

(Viết nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 80 của GS.Nguyễn Đăng Mạnh)

Hà Nội, tháng 7-2009

VG

Ngắm… nhan sắc thầy tôi

Nói ra bảo lạ, làm cái anh đàn ông có muốn ngắm nghía gì thì ngắm đám đàn bà con gái chứ ai lại đi ngắm… người cùng giới. Nhưng mà với riêng tôi, tôi thường có một niềm vui, thật bình yên và tin cậy, mỗi khi có dịp gặp thầy Nguyễn Đình Chú, tôi hay ngồi im lặng ngắm thầy. Ngắm thầy đang trò chuyện. Ngắm thầy cười vui. Ngắm thầy lắc đầu thất vọng. Ngắm thầy hỏi han người khác… Thầy là người mang một gương mặt đẹp. Đẹp ở đây trước hết hiểu theo nghĩa… đẹp giai (vào tuổi ngoại bát tuần như thầy bây giờ thì nên gọi là đẹp lão). Thời trẻ tuổi, thầy thuộc diện đẹp giai, chắc hẳn không ít các em mê. Đẹp còn được hiểu là một gương mặt phúc hậu nữa. Rất lạ, quan sát người ta lúc về già, người nào càng có tấm lòng nhân hậu lớn, người đó càng có một gương mặt đẹp. Cái đẹp ở đây thuộc về nhan sắc đã đành. Nhưng để có được nhan sắc ấy, không phải chỉ do trời ban cho, mà còn do cái đức nhân hậu trong tâm hồn tác động lên đường nét, thần thái, làm cho gương mặt đẹp hơn lên. Rất nhiều lần, ngồi đối diện với thầy, tôi thường ít nói, hay đúng hơn, tôi muốn im lặng để được nghe thầy nói và ngắm nghía. Ngắm gương mặt ấy theo cung cách của người yêu kính, hay hơn thế, của người đáng tuổi con đang ngắm một người thầy cỡ tuổi cha mình…

Nhớ lại cái đận những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thầy vẫn còn ở bên Đồng Xa, trên tận tầng tư chót vót, chúng tôi thường hay sang thăm thầy. Chả mấy khi thầy có nhà. Nghe bảo thầy cũng là một… “con nghiện” tổ tôm thượng thặng. Thường thì cô hay tiếp đám học trò chúng tôi. Cô tịnh không than phiền gì về thầy cả. Cô chỉ bảo thầy đi vắng, thế thôi. Có lần vui chuyện hỏi thầy đã khi nào đi tổ tôm về khuya cô cho… đứng ngoài chưa? Thầy cười hiền hậu, không trả lời vào câu hỏi, kể sang chuyện khác, chuyện một thầy giáo cùng xóm cũng mê tổ tôm. Có lần, vào một tối nọ, thầy ấy nể vợ, chắc là có ý muốn chuộc lỗi với vợ nên nhận bê chậu quần áo xuống vòi nước công cộng trong xóm để giặt. Đi giặt thế quái nào đến tận khuya vẫn không thấy về. Cô vợ và các con ở nhà lo sốt vó, bổ xuống tìm. Hỏi han các bà trong xóm lúc đi giặt có nhìn thấy đâu không thì chả ai thấy ông ấy giặt giũ khi nào cả. Linh tính mách bảo, cô ấy bủa lên nhà thầy Chú. Hóa ra các cụ đang ngồi rung đùi bát sách thông tôm… quên trời quên đất. Cô ấy không thèm nói gì, bê chậu quần áo chưa giặt quầy quả bước về, nước mắt giàn giụa… Kể đến đây, thầy cười lất ngất, tôi nhìn thấy trên mắt thầy loáng nước. Thầy hạ một câu: “Cái người phụ nữ ở xứ mình khổ thật đấy…”.

Tôi là học trò của thầy những năm cao học. Nhờ đấy mà chúng tôi được học thầy, được quen thân đi lại với thầy. Sau đó lại làm nghiên cứu sinh. Cái năm thi vào nghiên cứu sinh, hôm thi môn Lịch sử văn học Việt Nam chỉ có mấy người. Sáng thi. Chiều tình cờ gặp thầy ở lối vào văn phòng khoa. Chỉ định chào thầy một câu rồi đi, ai dè thầy vẫy tay lại bảo: “Này cậu, có mấy bài làm của các cậu đặt cạnh nhau mà thấy chênh nhau một trời một vực”. Tôi đâm lo lo. Lòng hoang mang không biết mình là trời hay là vực đây. Mạnh dạn hỏi thầy, thầy cười tươi bảo: “Cậu thì còn lo gì nữa. Bài của cậu khá đấy”. Tôi cười xòa, hết lo, lại đùa tếu với thầy: “Vậy chắc bài của em là trời thầy nhỉ”. Thầy cười thật giòn và hiền hậu xiết bao…

Học xong cao học, tôi xin được việc ở Hà Nội, một cơ quan hào hiệp đón tôi. Phải làm thủ tục chuyển từ Bộ nọ sang Bộ kia. Đến khổ. Một hôm, tôi mò lên Vụ tổ chức- Bộ GD, vào phòng gặp một ông trung niên nói giọng miền trong. Nghe tôi trình bày, ông ta hất hàm bảo: “Anh đang ở địa phương, ra Hà Nội làm gì?”. Tôi há hốc mồm, định hỏi lại thế ông từ miền trong sao không ở trong ấy mà lại đang chễm chệ ngồi đây là cớ làm sao…Nhưng rồi tôi im lặng không nói gì. Ông ta kiên quyết không chấp nhận đơn. Tôi ra về lòng đầy tức giận và thất vọng, tức bởi cái cung cách hạch sách vô lý của ông ta. Trong khi đó bên cho đi lẫn bên nhận đã đâu vào đấy cả rồi. Về phòng trọ, nằm gối đầu lên cánh tay không ngủ được, nghĩ cách. Càng nghĩ càng bế tắc. Tiền không có. Ô dù thì không. Chẳng quen biết ai có thế lực ở cái xứ này. Thôi, hết nước rồi. Cái mộng ở lại Hà thành phen này dễ tan thành mây khói. Tự nhiên sực nhớ đến thầy Chú. Lập tức vùng dậy. Có thể thầy giúp được việc này. Thầy là người đức cao vọng trọng. Thầy lắm học trò. Nhiều học trò của thầy làm quan to trên Bộ. Hoặc là bạn bè của thầy không thiếu, có ông chức tước cao chất ngất…Hôm sau, lòng phấp phỏng sang thưa chuyện với thầy. Thầy bảo đã có chỗ nhận rồi mà không về được kể cũng phí nhỉ… Một lúc sau thầy bảo cái ông trên Bộ phụ trách khoản này ngay cạnh nhà tớ chứ đâu xa, để tớ nói cho một tiếng xem “nghỉ” có giúp được không, chắc là được, chả lẽ “nghỉ” lại không giúp tớ… Nghe mà mở hội trong lòng. Vâng, thầy cố giúp em, đây là cơ hội ngàn vàng, em chưa vợ con gì, chỉ có một thân một mình thôi, nếu mà được ở lại đây em cố gắng phấn đấu khỏi mang tiếng thầy… Đại loại vậy. Đúng hẹn, ba ngày sau tôi sang, thầy bảo tớ với cậu sang bên nhà ông ấy có lời cảm ơn một câu. Trời, tôi bất ngờ quá, bảo thế thì thầy chờ em xuống mua ít trái cây, chả lẽ lại đến tay không ư? Thầy bảo không cần, miễn là có lời với người ta cho nó có trước sau là được rồi. Tôi nghe thầy, cùng thầy sang. Tôi khép nép ngồi bên thầy, chả biết ăn nói thế nào. Vị quan chức hào hiệp ấy hỏi han tôi đôi câu rồi động viên công tác hãy cố gắng cố gắng…Ôi chao, cái thời ấy nó thế, vô tư thế. Hay nói đúng hơn, cái uy của thầy lớn thế, đi vào chỗ quan chức Bộ cứ như đi vào chỗ không người, chẳng phải phong bao phong bì túi to túi nhỏ cửa trước cửa sau gì… Sao mà vẫn có người quý giá thế!

Thế là tôi ở lại Hà Nội. Năm năm tháng tháng, thỉnh thoảng sang thăm thầy, thỉnh thoảng được gặp thầy chỗ nọ chỗ kia, thỉnh thoảng lại đọc thầy. Lạ thế, khoảng mươi năm nay ngòi bút thầy cứ như thể được… hồi xuân, viết liên tục, đăng đàn liên lục, hội thảo hội nghị nọ kia liên tục. Ngòi bút Nguyễn Đình Chú vẫn rất học thuật mà lại rất tươi mới. Văn viết thâm hậu mà lại linh hoạt, trẻ trung.

Tôi để ý mấy năm trở lại đây, ngoài công việc nghiên cứu văn học sử và giảng dạy như thường lệ, thầy hay tập trung vào mấy chuyện: thứ nhất, thầy nhìn lại một số gương mặt trí thức thời trước mà cho tới hiện giờ vẫn còn bị ít nhiều định kiến hoặc cuộc đời của họ bị nhiều thứ thiệt thòi; thứ hai, thầy quan tâm tới vấn đề văn hóa đương đại của dân tộc trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống và nhân loại. Ở loại công việc thứ nhất, tôi thấy thầy viết bài về các học giả Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Hoài Thanh, Nguyễn Đức Vân… Thầy đề xuất việc cần phải đánh giá lại Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đặc biệt khâm phục sự trung thực trong nhân cách khoa học ở thầy. Cách đây gần 10 năm, khi viết về học giả Phạm Quỳnh, thầy có nói công khai cái ý rằng trước kia, cũng theo cái trào lưu chung, bị cái nhãn quan giai cấp luận nó chi phối mà thầy đã phê phán cụ Phạm Quỳnh hăng hái quá mức, bây giờ nghĩ lại thấy có phần day dứt (Xem bài Thượng Chi bàn về tiểu thuyết của GS Nguyễn Đình Chú). Tôi nghĩ, ở cái tuổi như thầy, với uy tín như thầy, nếu không nói ra những điều ấy, chắc cũng chẳng mấy ai biết, nhất là từ thế hệ chúng tôi trở đi. Nhưng bằng sự trung thực, và cả lòng dũng cảm nữa, thầy đã nhận lỗi về mình một cách đàng hoàng. Chẳng sao! Nhận thức là một quá trình. Con người có quyền sai. Điều quan trọng là dám nhận và biết sửa. Đó là một thái độ đáng kính trọng. Không phải vị nào cũng có được cách ứng xử đẹp đẽ này. Nhìn lại thế hệ thầy và sau thầy một chút, có những người trước đây nói sai, viết sai, đến giờ không khi nào tự mình nhắc lại và thừa nhận. Có người lại bất nhất, trước nói thế này, sau nói thế khác, và làm cứ như là mình không bao giờ sai, cũ; rằng cái sai, cũ thuộc về người khác, mình vô can, mình thuộc loại người thức thời, đổi mới…GS Nguyễn Đình Chú không thế. Thầy đã tiến gần tới sự đạt đạo.

Với loại công việc thứ hai, thầy là người suy tư nhiều tới vấn đề văn hóa. Đặt ra vấn đề sự áp đảo của văn minh văn hóa phương Tây đối với phương Đông từ những năm 90 của thế kỷ trước (xem bài Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thần truyền thống) cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự của nó. Hoặc khi bàn về Nho giáo và vấn đề nghiên cứu, học tập Nho giáo ở nước ta trong những năm qua và hôm nay, GS Nguyễn Đình Chú đã chỉ ra những hạn chế đã mắc phải và đề xuất phải thay đổi cách tiếp cận: từ chỗ chỉ biết đến giai cấp luận, hình thái xã hội luận cần chuyển sang văn minh luận, văn hóa luận, nhân tính luận (xem bài Hôm nay với Nho giáo). Đây là một đề xuất thật sắc sảo và hết sức quan trọng đối với giới nghiên cứu Nho giáo nói chung và các nhà hoạch định chính sách quốc gia nói riêng. Ở nhiều bài viết khác, với nhiều vấn đề khác, từ các trường hợp cụ thể cho tới các vấn đề tổng quát, GS Nguyễn Đình Chú vẫn thật sắc sảo, chí lý chí tình. Lắm lúc nghĩ thầm: Ông giời cho thầy mình đến tuổi này vẫn sáng láng mẫn tiệp như thế thật là mừng, và thầy xứng đáng được ân hưởng như vậy. Lại nghĩ, đến lượt mình, chỉ mong sao được một phần như thầy mình, nghĩa là ngoại 70 một tẹo cũng đã là quý lắm. Mình là loại “Hơn nửa đời hư”, nếu giời có phạt cũng chẳng lấy làm ân hận…

Thầy Nguyễn Đình Chú ngoài tư cách là một giáo sư Đại học, đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó có không ít gương mặt thành danh, thầy còn là một học giả uyên bác. Suốt hơn 50 năm dấn thân vào con đường nghiên cứu, thầy để lại nhiều công trình với nhiều mức độ đóng góp khác nhau. Tuy nhiên thầy là người chí lười thu gom các tiểu luận, công trình lớn nhỏ để dựng tập. Ở Khoa văn Sư phạm có những người thầy như thế. GS Nguyễn Hoành Khung cũng lười không kém. Mặc dù trước tác của các thầy khá đầy đặn, nhưng các thầy cứ … “để gió cuốn đi”. Bảo là lười cũng không oan. Nhưng hình như còn có điều này: các thầy cũng là người không tha thiết lắm cái chuyện dựng bia tạc tượng cho mình thì phải… Gần đây, nghe nói có mấy đệ ruột của các thầy đang bỏ công sức ra sưu tầm, tuyển chọn để làm tuyển tập cho các thầy. Nghe đâu công trình tuyển tập của GS Nguyễn Đình Chú đã lên tới độ dày hơn 4000 trang chưa hết. Khiếp thế!

Trong Nho giáo có câu: “Hối nhân bất quyện”, nghĩa là dạy người không biết mệt mỏi nhằm tôn vinh cho những người thầy suốt đời làm nghề dạy học mẫu mực. Thầy Nguyễn Đình Chú trong tư cách là một nhà giáo thật xứng đáng với danh ngôn ấy. Cho đến tận bây giờ, thầy vẫn dạy chuyên đề cho các lớp cao học, nghiên cứu sinh, rồi nhận lời hướng dẫn cho các học viên của những lớp đó. Riêng trong tư cách là một nhà nghiên cứu văn học, Nguyễn Đình Chú là một học giả thông kim bác cổ, Hán học thông thạo, Pháp văn làu làu. Thày và những người thuộc trang lứa với thầy được coi là một thế hệ vàng trong nền học thuật văn học nước nhà. Những mẫu người theo kiểu như thế ngày một hiếm hoi.

Có hôm nhìn thấy thầy vẫn ngồi trên cái xe máy Charly phóng ve vé trên đường ngàn ngạt những ô tô xe máy khác, tôi cứ lắc đầu lè lưỡi về thầy. Khiếp quá, ngộ nhỡ… Thôi thầy ạ, bây giờ có đến nỗi khổ như trước nữa đâu mà thầy tiết kiệm thế, đi đâu thầy cứ Taxi mà đi cho nó sướng cái thân không hả thầy? Thầy lại tủm tỉm cười cười: “Mình thấy còn sức mình mới đi chứ. Với lại Taxi nó không được chủ động. Đi xe máy cũng có cái thú của nó…”. Giời ạ. Con xin vái cụ ba vái. Đến chúng con cũng đã đến lúc ngán đi xe máy rồi cụ ạ. Nhưng lại nghĩ, vâng, nếu mà vẫn cảm thấy đi xe máy có cái sướng hơn ô tô thật thì cụ cứ việc đi. Chứ đến ngoại 80 rồi thì cũng chẳng nên phải bỏ đi cái khoái thú riêng nào thầy nhỉ. Những mong thầy vui sống, vui viết, và vui… xe máy đều đều.

Mấy thầy trong tổ Văn học Việt Nam 2 bên khoa Ngữ văn – ĐH Sư phạm Hà Nội là chúa hay đùa, thỉnh thoảng tán chuyện lại trêu chòng thầy Chú: “Người đâu mà cứ… đẹp giai mãi”. Cái câu đùa này đã có dễ đến mấy chục năm rồi, tuyệt nhiên không để nói về ai, chỉ dành riêng cho thầy Chú. Sướng thế!…

Hà Nội, Tết Độc lập 2010

VG

Nguồn: FB Ngô Văn Giá

Comments are closed.