Được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện về văn học Việt Nam thời đổi mới!

Văn Việt: Bài này đã đăng trên mạng Bauxite Vietnam từ ngày 12/9/2014 và được nhiều trang mạng khác đăng lại. Nhiều người hỏi: Trong bài có đoạn ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN nói về Văn đoàn Độc lập VN rất không đúng, sao Văn Việt không lên tiếng? Văn Việt thận trọng chờ xem có thấy ai phát hiện bài viết này vu khống cho ông Hữu Thỉnh gì không. Sau một tháng rưỡi chờ không thấy ai phản bác, nay xin mạnh dạn đưa lên làm “Tư liệu tham khảo” cho những ai muốn biết rõ quan điểm công khai của nhà lãnh đạo giới văn chương nước nhà về những vấn đề trọng đại như: nhận định về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm… Tuy nhiên, nếu có bài phủ nhận sự trung thực của bài viết này, Văn Việt sẵn sàng đưa lên để rộng đường dư luận.

Được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện về văn học Việt Nam thời đổi mới!

Sắc Ly

Trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các con nhà tôi được nghỉ những 4 ngày, chúng xin phép bố mẹ được mang các cháu về thăm quê ngoại ở Thanh Hóa, rồi kết hợp cho bọn nhỏ thăm biển Sầm Sơn. Và, cũng đã lâu rồi, dễ đến 3- 4 năm, kể từ khi cả hai cụ nhạc đều đi xa, tôi chưa về thăm lại xứ Thanh quê vợ, nên nhân chuyến xe của mấy đứa chúng nó, tôi đã cùng về, từ chiều thứ sáu 29/8. Sáng ngày hôm sau, ông anh vợ tôi đi dự sinh hoạt thường kỳ Câu lạc bộ Hàm Rồng (của cán bộ trung cao cấp của tỉnh) để nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện. Không hiểu sao, tôi lại cao hứng đòi đi theo để nghe buổi nói chuyện đó. Ông anh tôi không đồng ý, vì như vậy là trái nội quy của Câu lạc bộ (chỉ có Hội viên mới được tham dự sinh hoạt). Tôi bèn nghĩ ra mẹo để được đi theo là xin làm người lái xe ôm đưa anh đi và về, chỉ ngồi ở ngoài (chỗ để xe) chờ anh thôi, chứ không vào hội trường. Anh đành phải chấp nhận, và thế là tôi đã được nghe trọn buổi nói chuyện của ông Hữu Thỉnh hôm đó, nhưng là nghe qua loa, chứ không được nhìn thấy mặt diễn giả, và phải trong vai là người nghe lỏm, nghe nhờ!

Nhà thơ Hữu Thỉnh được mời về nói chuyện tại Câu lạc bộ Hàm Rồng với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Chủ đề của cuộc nói chuyện ngắn (trong 2 h) này là những thành tựu về văn học trong gần 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng của đường lối văn nghệ sáng suốt của Đảng. Người nghe (hình như phần lớn mới được nghe ông nói chuyện lần đầu) những mong được nghe một buổi nói chuyện thật “đã”, mang mầu sắc văn học thật sự (sâu sắc, trí tuệ, tình cảm, có “chất Văn”, …, và phải mới mẻ), nhưng rồi phải ngay lập tức thất vọng! Cử tọa hôm đó phải nhìn thấy và nghe thấy giọng và điệu của một tuyên truyền viên chính trị có vẻ đúng “mác”: cổ vũ hùng hồn, tán dương hết lời cho những việc mà ông gọi là thành tựu, lên án gay gắt, chỉ trích thậm tệ những vụ việc bị ông cho là xấu xa, sai lầm, …, cả trong văn học nghệ thuật và trong chính trị,…! Đúng là ông không nói về chuyện văn thơ, như vai trò ông đang được đại diện, mà chỉ nói về cái “chính trị” của văn thơ và xung quanh văn thơ, và không chỉ bó hẹp trong gần 30 năm đổi mới. Những nội dung ông chọn để đưa ra đều hướng vào cái chủ đề mà ông đã định: sự đúng đắn và sáng suốt của Đảng, trong cả 2 lĩnh vực nói trên! Cứ suy từ tôi, chắc nhiều người nghe khác cũng vậy (tôi lại cũng nghe lỏm ý kiến phản hồi của các cụ sau khi tan cuộc), bắt đầu là sự thất vọng, rồi chuyển dần sang nghi ngờ. Người nghe buộc phải nghi ngờ về cái Tâm thực của ông khi nhận lời về phục vụ các cụ và các bác trong CLB Hàm Rồng của xứ Thanh, mà ông bảo vẫn hằng quý mến! Nghi ngờ cái bụng dạ dẫn đến nghi ngờ cả lời ông nói (tức nội dung thông tin), và cứ thế đan xen nhau cho đến hết buổi nói chuyện. Người nghe cho là ông Thỉnh đã nói dối, nói xạo với các cụ. Ông đi nói chuyện ở Thanh Hóa hay ở các nơi khác, với mục đích riêng gì đó mà ông đã dự định, chứ đâu có phải để phục vụ cán bộ và nhân dân!

Tôi xin phép lược ghi lại những tình tiết không “thuận tai” về nội dung những “lời vàng ngọc” của ông trong buổi nói chuyện ấy (theo nhận thức của tôi và nhiều cụ Hội viên mà tôi nghe được sự trao đổi sau khi tan cuộc), kèm theo là những nhận xét ban đầu của người nghe chúng tôi.

Ông không giới thiệu trước đề cương bài nói chuyện, nhưng như những gì tôi thu nhận được thì nội dung có 2 phần chính :

Phần 1 – Văn học phải phục vụ chính trị, phải được sự lãnh đạo của Đảng.

Phần 2 – Những thành tựu của Văn học Việt Nam từ sau đổi mới.

Về phần 1: Ông nói Hội nhà văn Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, ông nhấn mạnh “là tổ chức chính trị” một cách hãnh diện. Ông không giải thích khái niệm chính trị là gì, nhưng lại nói rất rõ yêu cầu của một tổ chức chính trị là phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng, phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Với Hội nhà văn thì phải hoạt động theo đúng đường lối văn nghệ của Đảng. Ông nói thêm về yêu cầu phục vụ đường lối chính trị của Đảng trong từng thời kỳ, như trước đây là giành chính quyền, là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và nay là đổi mới, là công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuyệt nhiên không nói gì đến nhiệm vụ chống Tàu bảo vệ đất nước! Ông nói, Hội nhà văn muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình thì trong hoạt động phải đấu tranh kiên quyết với khuynh hướng “phi chính trị hóa”, văn học “trung lập”, không cần sự lãnh đạo của Đảng, đòi hoạt động độc lập,… Yêu cầu này là tối cần thiết đối với cả nhà văn và bạn đọc, nhất là trong tình hình đất nước hiện nay.

Như vậy thì người nghe buộc phải hiểu khái niệm “chính trị” theo ý ông chỉ là phải nghe theo Đảng, làm theo Đảng, phải bảo vệ thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo. Cái “chính trị” của ông là không cần đếm xỉa gì đến Nhân dân, đến Tổ quốc! Đó là một thứ khái niệm phiến diện, thiển cận, chỉ gắn với lợi ích nhóm cục bộ, về thực chất chính là “phi chính trị” đúng nghĩa, theo cách hiểu phổ quát. Khái niệm phản tiến bộ này đang được áp đặt trong nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là với lực lượng vũ trang và lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.

Để minh họa cho những lập luận nói trên, ông đã nêu lại và phân tích một số hiện tượng nổi cộm trong đời sống văn học Việt Nam gần đây và cả trong những năm nửa cuối thế kỷ trước. Tôi nhớ nhất 3 chuyện sau:

+ Vụ Nhân văn – Giai phẩm: Ông nói cho đến bây giờ sự đánh giá của Đảng về hoạt động của nhóm này vẫn không thay đổi, bản chất là phản động (ông nhấn mạnh chỗ này). Bởi mục đích mà bọn họ theo đuổi đến cùng là chống phá chế độ, chống lại sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học – nghệ thuật. Và có lẽ do sợ bị người nghe chất vấn lại về sự đã sửa sai của Đảng, nên ông giải thích luôn: tha tù chứ không phải là xóa án, tặng Giải thưởng nhà nước là ghi nhận sự đóng góp về mặt học thuật, chứ vẫn rạch ròi công và tội. Đúng là một sự ngụy biện trắng trợn, nói lấy được, không đúng với thực tế. Ở xứ Việt Nam từ hơn 60 năm nay, không hề có và cũng không thể có chuyện Nhà nước trao Giải thưởng cao nhất, có giá trị nhất, cho những kẻ là phản động, chống lại Nhà nước ! Như vậy là ông đã nói sai thiện ý thật của Đảng và khác với sự thật lịch sử đã xảy ra. Còn nếu ông khẳng định là mình nói đúng thì hóa ra là Đảng và Nhà nước sai, nói và làm không khớp nhau!

+ Vụ luận văn thạc sỹ văn học của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) tại trường ĐHSP Hà Nội: Không biết ông có chịu đọc bản luận văn đó và tập thơ “Mở miệng” mà cô giáo Thoan chọn làm đối tượng nghiên cứu không, chứ có vẻ như ông biết rất ít về nội dung các văn bản đó. Ông không bám vào các nội dung trong đó (chỉ nhắc đến cái sự tục tĩu), không dựa trên lý luận tiên tiến về tác phẩm văn học, về hoạt động nghiên cứu khoa học trong đào tạo sau đại học, để phân tích cái sự đúng – sai của vụ việc. Ông chỉ nói nhiều về cái “ngọn” của vụ việc, tức là những đánh giá và thái độ xử lý của cấp trên (hình như trực tiếp và xuất phát từ Ban Tuyên giáo TW). Ông còn chỉ trích thậm tệ cái “vô chính trị” và sự xuống cấp của Trường ĐHSP Hà Nội, trung tâm sư phạm lớn nhất và vốn là mẫu mực nhất nước. Ông đặt ra câu hỏi lớn với tác giả luận văn, với Hội đồng chấm luận văn, và cả với lãnh đạo nhà trường ĐHSP Hà Nội: Ẩn đàng sau cái luận văn ây là dụng ý gì, với mục đích gì? Thiếu gì tác phẩm hay mà sao lại lấy cái tác phẩm tục tĩu ấy mà nghiên cứu?… Phải chăng đây là một biểu hiện của sự chống đối Đảng, từ giới trí thức?…

Người nghe rất ngạc nhiên về sự giả vờ ngu ngơ ấy của ông. Một ông trùm của làng Văn Việt Nam sao lại không hiểu về các chức năng của văn học và tác phẩm văn học nói riêng, về sự đa dạng trong phong cách, chủ đề, thể loại… của văn học, về mối quan hệ giữa cái “tục” và cái “thanh” trong sáng tác văn học, … sao lại không hiểu hai việc sáng tạo tác phẩm và nghiên cứu tác phẩm là khác nhau, tuy có liên quan mật thiết, sao lại không hiểu nguyên tắc tự do học thuật trong nghiên cứu khoa học (trong đó có văn học) nói chung cũng như trong hoạt động khoa học ở các trường đại học, … Ai đã học văn, đã viết văn, đã nghiên cứu văn học thì tất phải rất hiểu về những vấn đề đó. Chẳng hạn về chức năng giáo dục của tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học nào cũng đều hướng tới mục tiêu cao cả là giáo dục các giá trị Chân – Thiện – Mỹ cho cộng đồng, là nâng cánh ước mơ, khát vọng có tính Người cho người đọc, … nhằm giúp cho người đọc biết tự vun đắp nhân cách, biết chống lại những phản giá trị Giả – Ác – Xấu. Vì vậy trong nội dung các tác phẩm luôn cần có cả hai phần “Xây” và “Chống”, có ca ngợi và có cả phê phán, và nội dung nào cũng phải đảm bảo tính trung thực và thiện chí. Và mặt nào thì cũng không thể có “vùng cấm”, nghĩa là người viết có quyền và có bổn phận phải phê phán cả cái sai, cái xấu với cả Đảng và Nhà nước, với cả thể chế chính trị. Bởi suy cho cùng thì đó là một phần quan trọng của thực tiễn cuộc sống mà tác phẩm văn học phải phản ánh, đó là sự thôi thúc từ lợi ích chung của cộng đồng mà Văn học phải luôn hướng tới để phục vụ. Thời phong kiến đã từng có chuyện này rồi thì cớ sao thời dân chủ ta lại không được làm? Hoặc như vấn đề tự do học thuật, chính đó là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, kể từ giới lãnh đạo cầm quyền, mà vụ việc này là một hậu quả không đáng có. Ở Việt Nam ta quả là chưa quen cái không khí tự do học thuật này, nên chị Nhã Thuyên đã trở thành nạn nhân quá oan uổng! Nhiều người “ngoài cuộc” yếu bóng vía đã tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí phản đối quyết liệt. Họ thật sự không hiểu nguyên tắc tự do học thuật nên họ không thể cãi lý với giới trí thức mà đành dùng “bài cùn” là trấn áp, vì họ nắm giữ quyền lực chính trị!

Còn nói thêm về thái độ và cách xử lý của cấp trên đối với vụ việc và các cá nhân liên quan, thì trừ những người không biết rõ vụ việc, chứ ai được nghe những thông tin này từ ông Hữu Thỉnh đều thấy khó hiểu và nghi ngại! Sự khó hiểu và nghi ngại của người nghe đã bật thành những câu hỏi, mà rồi đây không biết hỏi ai cho được:

– Cần xác định rõ đây là kẻ thù hay là nhân dân, là dân thường hay bộ phận tiên tiến trong nhân dân (trí thức) thì mới có đối sách phù hợp?

– Vì nội dung cốt lõi là chuyện học thuật thì nên và cần thuyết phục nhau bằng trí tuệ, bằng tư duy khoa học thay vì bằng sự trấn áp tư tưởng từ một phía? Sử dụng trí tuệ hay quyền lực để giải quyết vấn đề, chính là sự thể hiện cái Tầm của lãnh đạo?

– Cách xử lý đã được thực thi có đúng pháp luật không, mà cụ thể ở đây là luật giáo dục, luật lao động, là qui chế trường Đại học, quy chế đào tạo sau đại học? Đây có thể coi là một sự can thiệp thô bạo, sai luật của “chính trị” đối với khoa học, với văn học được không ? Có phải vì “chính trị” cũng đồng nghĩa với quyền lực, phía nào đang nắm giữ quyền lực (lại là độc tôn) thì muốn hành xử thế nào với phía kia mà chả được?

– Cách xử lý ấy cóTình Người không, nhất là với nữ trí thức trẻ (nạn nhân trực tiếp là cô giáo Thoan) và nữ trí thức đã có nhiều đóng góp (nạn nhân trực tiếp là PGS Bình)? Cách xử lý ấy có thể gọi là vừa phi lý, vừa phi đạo, phi nhân không?

– Cách xử lý ấy có phù hợp với xu hướng dân chủ hóa của một xã hội văn minh không, hay lại càng làm bộc lộ rõ bản chất phản tiến bộ của một thể chế độc quyền toàn trị mà cả thế giới đều đã và đang từ bỏ?… Cách xử lý ấy càng chứng tỏ sức mạnh chân lý không thuộc về Đảng lãnh đạo?

+ Vụ Văn đoàn độc lập: Ông cho biết đây là sự kiện nóng rất gần đây trong đời sống văn học và sinh hoạt xã hội. Dụng ý sâu xa của bọn họ là muốn văn học độc lập với chính trị, không chịu sự lãnh đạo của Đảng. Bọn họ gồm một số nhà văn vốn bất mãn với chế độ. Ông nói, theo nhận định ban đầu của Đảng (?) thì đây là một dấu hiệu rất bất thường của xu hướng chống đối, chắc chắn có liên quan đến âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch!

Ơ hay, sao ông Hữu Thỉnh ăn nói hồ đồ như vậy nhỉ? Thực tế đã có tổ chức Văn đoàn độc lập (VĐĐL) đâu, mà đang trong quá trình vận động thành lập đấy chứ, họ đã có hoạt động cụ thể gì đâu, mà ông đã vội vàng làm ầm ĩ lên? Và hình như ông cũng đang “cầm đèn chạy trước ô tô” thì phải. Trên báo chí “lề phải” có thấy Đảng, Nhà nước tuyên bố gì đâu? Sự hồ đồ của ông còn ở chỗ ông dám vu khống những người trong Ban vận động thành lập VĐĐL là những người bất mãn với chế độ! Nhà văn Nguyên Ngọc là một nhà văn lớn, ai mà không biết, hiện đang là Trưởng ban vận động thành lập VĐĐL. Nhà văn đã và đang có nhiều đóng góp lớn cho văn học và giáo dục nước nhà, được cả nhân dân và Nhà nước ghi nhận. Nhà văn chủ xướng việc này không vì lợi ích riêng tư nào cả, mà chính vì đòi hỏi bức xúc từ sự phát triển tiến bộ của nền văn học nước nhà lâu nay đang trì trệ.

Lại một lần nữa, người nghe buộc phải nghi ngờ về cái bụng dạ thật của diễn giả. Ông lên án gay gắt cái vụ việc này chắc vì ông cho là nó không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học – nghệ thuật, cái lý tưởng nghề nghiệp mà ông hằng theo đuổi phục vụ. Nhưng còn vì một cái lẽ khác nữa, cái lý do thật, đó là vì ông rất lo cho cái vị thế của mình, lo cho tương lai của Hội nhà văn mà ông đang đứng đầu. Chắc là ông sợ khi VĐĐL Việt Nam được ra đời và đi vào hoạt động thì nó sẽ thành tổ chức đối lập với Hội nhà văn Việt Nam, nó sẽ lấn lướt Hội nhà văn Việt Nam. Và từ đó thì vai trò của ông sẽ mờ nhạt đi, sự nghiệp của ông sẽ bị chững lại!… Viễn cảnh ấy làm cho ông không thể vui được, không thể “bình chân như vại” như trước đây được nữa. Do đó, hơn ai hêt, ông là người tích cực nhất trong việc đấu tranh ngăn chặn sự ra đời của VĐĐL, ông phải gán cho nó nhiều cái xấu mà ông đã tưởng tượng ra, và thấy cần nói trước cho Đảng và nhân dân biết. Người nghe chúng tôi xin phép được nhắc nhẹ với ông rằng: nếu ông nghĩ về VĐĐL như vậy thì sai rồi đấy, và nếu ông lo cho Hội và bản thân ông như vậy là không cần thiết đâu. Cứ đọc lại các văn bản của ban vận động thành lập VĐĐL, cứ nhìn vào nhân cách (không bị bóp méo) của những người trong Ban vận động, mà nhân vật tiêu biểu là nhà văn Nguyên Ngọc, thì ai cũng thấy yên tâm. Tôn chỉ và mục đích hoạt động của họ là rất trong sáng và đứng đắn, phù hợp với xu hướng tiến bộ chung của các tổ chức nhà văn trên thế giới. Nguyện vọng đúng đắn và cũng là điều kiện hoạt động quan trọng nhất là không bị lệ thuộc, phụ thuộc, thì mới có thể phát huy triệt để tính chủ động và tinh thần tự do sáng tạo của tổ chức và các thành viên, nhằm xây dựng một nền văn học Việt Nam tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, thực chất hơn. VĐĐL sau khi ra đời sẽ không thể (và không cần) trở thành tổ chức đối lập với Hội nhà văn, mà nó sẽ là lực lượng đối trọng với Hội nhà văn, là nhân tố mới thúc đẩy cả hai, cùng cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển, nhằm phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Người nghe chúng tôi không thể đồng thuận với ông về điểm này đâu!

Về phần 2: Ông nói, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, nền văn học nước nhà đã có nhiều khởi sắc. Ông lý giải rằng chính đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng đã định hướng cho sự phát triển lành mạnh của nền văn học nước nhà, và chính những thành tựu về kinh tế – xã hội của những năm đổi mới là hiện thực phong phú tạo nên chất liệu luôn đầy ắp và hấp dẫn cho mọi sáng tạo văn học. Nhưng rất tiếc là ông lại không đưa ra được những dẫn chứng phù hợp để chứng minh nhằm thuyết phục cử tọa, nên ngay lập tức những lý giải mà ông vừa nêu trở thành sáo rỗng. Bởi thực tế là thời kỳ đổi mới không có tác phẩm văn học nào đáng gọi là để đời, đáng coi là có tầm của thời đại cả! Những tác phẩm văn học Việt Nam sáng giá không thể sinh ra trong những năm tháng đầy khó khăn, bất ổn và nghiệt ngã này. Cái thời mà người dân được đón nhận những tác phẩm văn học hay đã qua rồi, và chưa hẹn ngày trở lại. Chính báo chí “lề phải” và tiếng nói lãnh đạo trong các diễn đàn lớn đã nhiều lần thừa nhận thực trạng không vui này kia mà. Và ngay diễn giả cũng đã khẳng định những tác phẩm văn học xuất sắc hầu như đều xuất hiện trong hai cuộc kháng chiến, rộ nhất là trong hơn 10 năm đầu của cuộc chiến chống Mỹ. Ai mà chẳng biết, không phải vì nhà văn thời nay bất tài, mà là vì họ thiếu động lực, thiếu môi trường tự do sáng tạo, và cũng phải nói thêm là họ thiếu một nghiệp đoàn có năng lực thực sự, biết hoạt động chủ động và hiệu quả. Người nghe đã thông cảm với diễn giả về cái sự nghèo nàn các dẫn chứng cho tác phẩm văn học hay của thời kỳ đổi mới, họ đều hiểu đó không phải là lỗi của ông (tất nhiên ông cũng có trách nhiệm liên đới, vì ông đứng đầu cái Hội nhà văn nhiều khóa kia mà). Điều đáng trách ông ở buổi nói chuyện này là: ông đã thừa biết cái thực tế ấy mà sao lại đăng đàn cái phần 2 “không có gì để nói” ấy, để vừa nói vừa ngượng! Nhưng rồi quanh quẩn thế nào mà ông cũng cố tìm cho được một số tên tác phẩm thời đổi mới mà ông cho là hay để giới thiệu cho các cụ biết. Mọi người vừa nghe vừa ớ ra ngơ ngác, vì thấy toàn những tên sách lạ hoắc, chưa được biết đến và càng chưa được đọc bao giờ, kể cả trên mạng! Chả thế mà diễn giả trước khi tuyên đọc các tên “sách quý” đó (hình như khoảng 5-6 đầu sách) đã phải nói ngay là chắc nhiều cụ, nhiều bác chưa biết. Tôi nghe xong mà không nhớ nổi tên một đầu sách nào cả, nên hôm nay về đến nhà muốn lên mạng tìm đọc cũng đành chịu. À, chỉ có một tác phẩm ông đã nhắc đến mà tôi còn nhớ được, đó là ký sự “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?” của Phùng Gia Lộc, người Thọ Xuân – Thanh Hóa, … Và thế rồi phần 2 cũng đã được diễn giả thực hiện nhanh chóng hơn so với phần 1, vì không còn gì để nói nữa!

Đúng là một buổi nói chuyện rất “ấn tượng”, theo nhiều cách hiểu. Tôi đã có vinh dự được tiếp cận (gián tiếp) một nhân vật quan trọng của làng Văn Việt Nam. Qua đó mà có thể hình dung rõ hơn cái tầm vóc thật của Hội nhà văn, để từ nay về sau biết đòi hỏi, biết kỳ vọng cho sát thực. Và với buổi được nghe nói chuyện này, tôi lại có thêm được một kỷ niệm rất đáng nhớ trên quê vợ!

Những ghi chép trên đây của tôi là rất thật, nghe được thế nào thì kể lại như vậy, hiểu được đến đâu thì viết lại như thế, không hư cấu, không bịa đặt điều gì. Chỉ có điều tôi hơi lo là vì chỉ được nghe lỏm qua loa nên có thể nghe không được đầy đủ, và chỉ vì trình độ có hạn nên có thể hiểu chưa được chín. Do đó, nếu có điều gì chưa đúng, chưa chuẩn thì rất mong bác Hữu Thỉnh và các cụ Hội viên CLB Hàm Rồng thông cảm và lượng thứ cho kẻ thứ dân này. Chúng ta có thể trao đổi lại với nhau về những điểm chưa thống nhất ngay trên các trang mạng, trước hết là xin được nhờ trang mạng này! Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả!

Sau cùng, tôi muốn nhắn riêng với nhà thơ Hữu Thỉnh: Ông nên đọc kỹ bài viết này của tôi để có kinh nghiệm mà áp dụng cho các lần nói chuyện sau ở nơi khác, cùng với chủ đề này. Một điều nữa là ông nên điều chỉnh lại các hoạt động thực tiễn của mình sao cho đúng với thiên chức của một nhà thơ thì tốt cho đất nước và cho cả ông nữa, hơn là làm một nhà “chính trị” nửa vời, không danh chính, như vừa rồi ông đã thể hiện!

(Bài viết trên tôi gửi cho nhóm “Chuyện thường ngày” của chúng tôi, và được nhóm cho phép biên tập thành câu chuyện thứ 12 này đây).

Tháng 9 năm 2014

S. L.

Tác giả gửi BVN

http://boxitvn.blogspot.com/2014/09/noi-that-cho-nhau-nghe-ky-9.html

Comments are closed.