Nhà thơ Giáng Vân: Luôn luôn bí mật và khôn lường

Nông Hồng Diệu

TP – Nhắc đến Giáng Vân nhiều người nhớ đến bài thơ “Yên tĩnh” được Phú Quang phổ nhạc thành “Đâu phải bởi mùa thu” đình đám. Còn thi sĩ thì thản nhiên, rằng: Những bài thơ được viết cách đây vài chục năm tôi thấy không liên can tới mình. Chẳng phải phũ phàng với những “đứa con” đã sinh, chỉ bởi nhà thơ quan niệm: “Câu thơ đã viết/Giống như hơi thở/Đã thở rồi. Không thở sẽ chết/Nhưng không thể còn thở lại”.

clip_image001

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng

Lỡ yêu Giáng Vân từ thời sinh viên với “Vô lí”: “Cũng chẳng biết vì đâu mà khóc/Khi anh đi qua không kịp thấy mình/ Bước vội vã có điều gì phía trước/Có điều gì mà không phải là em?”, rồi “Yên tĩnh”: “Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu/Vách đá chắn ngang điều muốn nói/Em ru gì cho đá núi/Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian”… Những bài thơ này đã ra đời cách đây vài chục năm nhưng đến hôm nay, dẫu địa hạt thơ tình “đất chật người đông” thì chúng vẫn có chỗ đứng không thể phủ nhận.

Mang niềm say mê một thuở đến gõ cửa thi sĩ, đúng ngày chị bận rộn với công việc làm báo. Giáng Vân vẫn nhiệt tình đón tiếp cùng tiếng cười tự do, bất cần sự làm duyên, làm dáng kiểu đàn bà. Đương nhiên tôi lại đọc những câu thơ cũ kỹ của chị. Nữ thi sĩ thẳng thắn đáp ngay: “Tôi hơi phật ý vì em chẳng biết gì về những sáng tác mới của tôi”.

Nói không biết gì về “đứa con” mới tròn một tuổi của Giáng Vân thì… hơi oan cho tôi. Tập “Đường gió” (NXB Hội nhà văn 2013) đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm ngoái, mấy người lại không biết? Nhưng tôi vẫn muốn cố thủ với tình yêu thơ Giáng Vân một thời, không muốn thưởng thức thêm, sợ sự phá hủy của cảm xúc đã có. Cầm tập thơ thi sĩ tặng trên tay, tôi chưa đọc ngay, chờ đêm xuống, tĩnh lặng, mở “Đường gió” ra xem mới hay những gì tôi đã đọc, đã thuộc bấy lâu cũng giống như món canh mồng tơi dễ ăn dễ nuốt, còn thứ tôi đang có không trơn tuồn tuột nhưng càng ăn càng sướng. Tôi cảm giác được giải phóng, được tự do, bỏ lại tạp âm của cuộc sống, bồng bềnh trong cõi mơ và bừng tỉnh giữa một vùng trong sáng. Bất chợt tôi nhớ đến sự “thanh lọc” mà nhà triết học Hy Lạp Aristote từng đề cập đến khi bàn về nghệ thuật bi kịch. Đúng như Giáng Vân nói: “Đường gió” hoàn toàn độc lập chẳng liên can gì tới những bài thơ tình được quần chúng yêu mến mấy chục năm qua. Thi sĩ tuyên bố: “Tôi đã bước ra khỏi tôi/Là không trở lại”.

Chỉ viết thơ khi không thể viết

Giáng Vân đã cho ra mắt 3 tập thơ. Sau tập thơ thứ hai, “Trên những ngày buồn”, in năm 1995, giải thưởng 5 năm của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, gần hai mươi năm sau chị mới cho ra mắt “Đường gió”. Sau ba lần đổi giấy phép xuất bản, trước sự kích động của nhà văn Y Ban, cuối cùng Giáng Vân cũng “chịu” cho độc giả ngắm “đứa con” thứ ba của mình. Chị coi thơ như “gió ngang trời”, tự do, tự nhiên. Bởi không cần cố gắng, không định làm nhà thơ, không định trở thành nổi tiếng, nên cũng chẳng vội vã và sốt sắng gì với việc xuất bản.

“Với tôi, thơ đến một cách âm thầm. Nó đầy lên, đầy lên cho đến khi tôi viết nó ra trong vòng 15 phút. Chủ yếu nó sống trong tâm hồn tôi. Cuộc đời có thể quan trọng, cũng có thể chỉ là bóng mây qua. Việc nổi tiếng hay không nổi tiếng, ghi dấu ấn hay là không ghi dấu ấn, thậm chí làm thơ hay không làm thơ, đâu có quan trọng gì”.

Giáng Vân

Giáng Vân tên thật là Nguyễn Thị Giáng Vân, con gái của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Từ những năm cấp 3, chị đã làm thơ gửi cho cha ở chiến trường. Thế nhưng thư từ chiến trường của nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh gửi về cho gia đình, tuy ăm ắp niềm thương, nỗi nhớ nhưng phần hồi âm cô con gái yêu thơ chỉ đơn giản: Cha đã nhận được thơ của Giáng Vân, không bình luận gì thêm. 17 tuổi, Giáng Vân thành sinh viên khoa Văn của Đại học Tổng hợp. Chị vẫn làm thơ, để lăng nhăng trên bàn. Lần này, người cha mới nói: Cha thấy mấy bài thơ này có thể đăng báo được. Nếu con đồng ý thì cha chuyển cho chú Võ Văn Trực ở báo Văn nghệ. Đúng dịp 8/3 năm ấy, Giáng Vân đã có thơ đăng báo, bên cạnh những gương mặt nữ nổi tiếng: Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ. Bấy giờ, cha chị mới nói chuyện: Ngày xưa khi con gửi thơ cho cha ở chiến trường, cha thấy thơ đó có thể đăng được, có thể con sẽ nổi tiếng. Cha sợ con hư khi sự nổi tiếng đến sớm, cho nên cha chỉ viết: Đã nhận được thơ của con. Thời đó cha không khuyến khích để con đăng thơ vì cha nghĩ nếu con có nội lực thì kiểu gì con cũng tự nhiên phát triển. Những lời nói của cha theo chị suốt mấy chục năm cầm bút: “Mọi người cứ gọi mình là nhà thơ. Mình thấy bình thường thôi. Chỉ viết thơ khi không thể không viết”. Giáng Vân thường sáng tác trong những cơn khủng hoảng, viết như sự trút ra một thứ đè nặng trong mình. Cứ viết xong chị lại thoát khỏi khủng hoảng, thấy nhẹ nhàng.

Thơ thật sự là cứu cánh của Giáng Vân. Có đợt thi sĩ rơi vào khủng hoảng đến mức gần như kiệt quệ, không muốn đi ra khỏi nhà. Rồi chị viết được một bài thơ, lại thấy như trời hửng sáng. Nhiều người nhìn vào đời sống riêng tư của Giáng Vân, thương chị kém may mắn. Nhưng ít ai nghĩ rằng, chị may mắn hơn nhiều phụ nữ khác bởi chị có thơ giải thoát khỏi nỗi buồn.

clip_image002

Nhà thơ Giáng Vân

Cơn gió không mang hành trang

Giáng Vân trong “Đường gió” đoạn tuyệt hẳn với quá khứ. Trước đây, trong “Tự bạch” chị viết: “Tôi thở/Tôi đi/Tôi nhìn/Tôi buồn và lo âu/Bằng tình yêu tỏa sáng trên gương mặt anh”. Và chị từng “viết cho nỗi khổ của tôi” thế này: “Bằng đôi chân bé nhỏ âm thầm/Em chạy trên thế gian để tìm niềm vui mang về cho anh/Nhưng mãi mãi mắt em nhìn xa vắng/Mọi con đường chìm dưới bước chân/Anh đi, cô độc, âm thầm”… Giáng Vân của ngày hôm nay không còn tự làm khổ mình như những ngày xưa cũ. Chị tĩnh lặng để thả mình trong những giấc mơ: “Ban ngày tôi sống/Ban đêm tôi mơ” (Lượm lặt). Tập thơ gồm 70 bài thơ và hai chữ “giấc mơ” xuất hiện với tần suất cực lớn lôi kéo người đọc cũng mơ theo. Có khi là cơn mơ chập chờn hư ảo: “Con mơ/ Những chiếc lá từ trời” (Mẹ thả từ trời), “Cảm thấy mình như đang bay trong giấc mơ không thực/ Không thể, trời ơi/Giấc mơ ngày một lùi xa…” (Thơ tháng tám). Cũng có khi là giấc mơ tuổi thơ: “Và tôi mơ/Trong ngôi nhà của mẹ, ngôi nhà lợp tranh tre/Những cửa sổ con trổ lên vách đất nhìn ra” (Thơ ngắn)… Có khi là giấc mơ chứa đầy khát vọng: “Mơ ngụp thật sâu/ Dưới đáy/ Để không bao giờ dậy nữa” v.v… Tác giả đã dùng giấc mơ như một tuyên ngôn nghệ thuật: “Chúng ta có thể bay trong mơ/Để tuyệt giao với nhơ bẩn/Chúng ta có một nỗi buồn rất nặng/Để thanh lọc”. Về tập “Đường gió” nhà thơ Mai Văn Phấn có bình bốn chữ: “Trong suốt và tĩnh lặng” và tự hỏi: “Không biết nhà thơ Giáng Vân có tu tập thiền hay không?”. Nếu độc giả muốn đạt được trạng thái “trong suốt và tĩnh lặng”, hãy làm theo gợi ý của thi sĩ: “Giả sử, một buổi chiều nào đó, bạn trở thành một cơn gió, một cơn gió không mang một hành trang nào, một cơn gió hoàn toàn tự do, bạn sẽ rong ruổi đến bất cứ một xứ sở xa lạ nào, những quán tính từng là bạn, từng làm nên hình ảnh bạn, những quán tính làm bạn tưởng rằng, đó là những kinh nghiệm sống, những bảo bối, bỗng dưng biến mất. Đồng thời bạn cũng mất luôn cả những rào chắn vô hình, những tấm kính vô hình đã lâu ngăn bạn hòa vào thế giới rộng lớn. Cơn gió bạn sẽ khoáng đạt xiết bao, không hệ lụy, không muộn phiền. Cơn gió bạn sẽ tràn đầy tình thân ái”. Đi trên “Đường gió” mới thấy những câu thơ đau đáu yêu đương một thuở của Giáng Vân quả là… ngây thơ và chật hẹp. Nhưng đố ai lí giải được sự vận động của Giáng Vân xưa tới Giáng Vân nay? Bởi với người đàn bà này “thơ như gió ngang trời”, “luôn luôn bí mật và khôn lường”.

Nhà thơ, nhà báo và… mẹ đơn thân  

Giáng Vân đã trải qua một cuộc sống đầy dư vị. Thời trẻ, song song với nghiệp viết, chị từng làm đủ nghề: Bán nước, rang xay đậu, “đầu nậu” sách và sau này chị từng làm chủ phòng tranh. Với nhiều người, những sóng gió trong đời sống có tác động mãnh liệt. Còn Giáng Vân đón nhận và vượt qua khá điềm tĩnh. clip_image003

Có giai đoạn chị vừa chăm cha mẹ đau yếu, vừa duy trì công việc báo chí, không một tiếng kêu than. Ở tuổi 40, chị quyết định làm mẹ đơn thân, vì thấy đã đến lúc cần phải làm thế, nếu không cơ hội sẽ vĩnh viễn mất. Nay cô con gái của Giáng Vân đã 15 tuổi, chị vẫn nuôi con, làm thơ, làm báo. Chị gắn bó với tờ “Phụ nữ thủ đô” đã vài chục năm nay. Hiện nay, chị đang điều hành tạp chí “Đời sống gia đình”. Ở vai trò nhà báo, Giáng Vân tiết lộ: “Tôi vẫn theo đường lối chuẩn mực. Đọc tờ này độc giả sẽ tìm thấy những điều bổ ích. Tôi không thể chạy theo kiểu rẻ tiền. Đấy có lẽ là cái dở của tôi”.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/nha-tho-giang-van-luon-luon-bi-mat-va-khon-luong-773023.tpo

Comments are closed.