Nhân giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn (27 tháng 10 Ất Mùi): Bùi Ngọc Tấn nói về nghề văn

clip_image002

Những nhà văn đúng nghĩa thường lặng lẽ ngồi bên bàn viết, cặm cụi tháng năm hao tâm tổn trí trên từng dòng chữ kể lại những gì đã làm họ xúc động và mong đựơc chia sẻ. Họ chẳng thể áp đặt được gì đối với ai. Làm sao một người viết tiểu thuyết chân chính dù tài năng như L.Tolstoi, G.Marquez hay E.Hemingway bằng những trang viết của mình lại có thể lật đổ được chế độ?

… Tôi không tin một nhà văn nào lại có thể thành công nếu ngay trong khi viết anh ta tâm niệm định sẵn cho tác phẩm của mình khuôn theo một trường phái nhất định nào. Khi viết, tôi chỉ nghĩ viết sao cho hay, cho chân thực và viết bằng trái tim mình. Với tôi văn chương có hai loại: hay và không hay. Thế thôi, tôi không chạy theo các mốt.

Tôi đoán vậy bằng kinh nghiệm của tôi và các bạn tôi. Khi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai đọc cũng hiểu. Quyển sách của tôi không phải của riêng một tầng lớp nào. Nó là của mọi người. Tôi không làm khó hiểu những điều dễ hiểu. Tôi không làm rắc rối những điều đơn giản. Phương pháp đồng hiện chỉ nhằm chuyển tải được một trong những nội dung và thông điệp của tôi: Ai đã bước vào nhà tù, vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Hãy thận trọng, những ai được quyền xử lý con người!

… Không có gì đáng buồn hơn là làm một nhà văn hạng hai. Tôi tiêu phí đời mình chỉ mong đổi lấy một trang sách chống chọi được với thời gian. Nhưng chị thấy đấy, mong manh lắm. Nhiều nhà văn bảo tôi “lãi quá.” Tôi hiểu đấy là những lời động viên khen ngợi tôi đã không gục ngã. Chứ muốn “lãi” như tôi có khó gì đâu. Đó là một chuyến “đi thực tế” bất đắc dĩ. Tất cả đều nằm ngoài ý muốn của tôi. Đó là số phận. Cuối đời mới ngộ ra được một điều: Hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình. Và hãy làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào để không mất hết.

(Trả lời phỏng vấn Phạm Tường Vân)

Tôi sẽ phơi bầy ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng tối. Tôi sẽ cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên cánh đồng gieo gặt của cách mạng, một cánh đồng gieo hạt giống tự do, bón bằng xương máu nhưng lại trổ toàn quả đắng: Đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất…

Tôi viết và nghĩ rằng mỗi con người, mỗi cuộc đời là một cái gì rất riêng biệt, không lặp lại, một bí mật, không chỉ là bí mật cá nhân, nó còn mang bí mật của thời đại, của lịch sử muôn hình muôn vẻ. Tôi viết với quyết tâm sẽ kể lại trung thực câu chuyện của tôi, bố mẹ vợ con, anh em bè bạn tôi, không chịu để nó biến mất tăm.

Cuộc đời tôi không chỉ có ánh nắng mặt trời, có những ngày thần tiên thời thơ ấu, có nỗi buồn của kiếp phù sinh mong manh ngắn ngủi mà còn có hơi diêm sinh của lửa địa ngục, vị đắng của dối trá tráo trở ngấm đượm cùng nỗi đau của kiếp giun dế nhỏ mọn bị giầy xéo, bị tước đoạt cuộc sống trong khi lúc nào cũng khao khát sống, khao khát được sống như một người cần phải sống trên cuộc đời này, trước khi chìm vào mất tăm, quên lãng. Như Phan Cẩm Thượng sau này đã viết về tôi: “Bùi Ngọc Tấn đắm đuối cuộc sống.”

Vâng. Tôi. Một kẻ đắm đuối cuộc sống.

… Hãy trung thực. Hết sức trung thực với tấm lòng mình. Thật khách quan. Và dũng cảm. Phải bao dung nữa. Hãy ghi lại thật chính xác. Không ăn bớt. Cũng không vu cáo. Đừng để những điều mình sống, mình thấy rơi vào quên lãng. Hãy đi đến cốt lõi ngọn nguồn. Hãy là người thư ký trung thực của thời đại.

Trong quyển tiểu thuyết của tôi tất nhiên có nhiều cái mới cái lạ. Lạ từ đề tài, từ con người, từ cảnh ngộ, từ chi tiết, từ điều kiện sinh tồn. Nhưng tôi không chủ tâm săn lùng cái mới cũng không lấy cái lạ làm loá mắt người đọc. Cái mới cái lạ trong tác phẩm của tôi được trình bầy như cuộc sống tự nó vốn thế, đầy rẫy những chuyện như thế, chẳng qua chúng ta không nhìn thấy hoặc không được nhìn, không muốn thấy mà thôi. Tôi luôn nghĩ chiếc neo để tác phẩm neo đậu vào cuộc đời, neo đậu vào thời gian là trái tim, là tấm lòng người viết, là không giả dối, không uốn éo làm duyên, không khoe vốn sống, khoe kiến thức. Là sự giản dị. Là sự chân thành. Là hơi thở cuộc sống phả vào trang giấy. Là góp phần làm cho tâm hồn người đọc phong phú hơn, từng trải hơn, trái tim người đọc nhân ái hơn.

Trang giấy mỏng manh nhưng sống lâu hơn mọi đời người. Ít nhất phải lưu giữ được những cảnh ngộ, những cuộc đời đã chết, đang chết, đang biến mất, rồi đây sẽ không còn ai biết và nhắc đến. Trách nhiệm.

… Chữ của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản dị, âm thầm, khắc khoải, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù trong trại, để rồi chiết xuất được hai tiếng “say tù.” Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở. Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh, ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng – điều đặc biệt của tiếng Việt – lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn uyển chuyển như múa, như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện dài.

Chữ là khổ sai. Chữ là hạnh phúc. Không chỉ hạnh phúc, tôi còn là một kẻ quyền uy. Muôn ngàn chữ trước mặt, thỏa sức chọn lựa, đảo lên đảo xuống cho đúng chỗ. Một từ chính xác đặt đúng chỗ bỗng rũ hết bụi bậm sáo mòn, trở lại vẻ đẹp nguyên sơ. Cũng nói thêm, tôi không chủ tâm bịa ra những từ mới. Những từ bình thường nhất, phổ biến nhất đứng bên nhau bỗng lung linh một vẻ khác thường làm tôi run lên vì vui sướng.

(Hậu chuyện kể năm 2000 [Thời biến đổi gien])

Comments are closed.