Thuật ngữ chính trị (24)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

60. Consensus – Đồng thuận. Max Weber cho rằng đồng thuận là khi kì vọng về hành vi của những người khác là hiện thực vì những người khác sẽ chấp nhận những kì vọng này, coi chúng là có giá trị đối với họ ngay cả khi không có thỏa thuận công khai. Ý tưởng về đồng thuận liên quan tới cuộc tranh luận về “mục tiêu của ý thức hệ và thay thế xung đột về các giá trị và mục tiêu nền tảng bằng sự hài hòa của mục đích mà người ta nhắm tới. Trong phân tích chính trị thời hậu chiến ở Vương quốc Anh và các nước phương Tây khác người ta bắt đầu sử dụng thuật ngữ đồng thuận để nói về thỏa thuận giữa các đảng phái về quy trình và thỏa thuận hiến định, và về những mục tiêu của chính sách như bảo vệ sức khỏe và quản lí cầu, theo phái Kenesian mới, nhằm bảo đảm mọi người đều có việc làm. D. Kavanagh và P. Morris cho rằng đồng thuận là “một tập hợp các thông số tạo khuôn khổ cho một loạt lựa chọn chính sách được các chính trị gia và quan chức cao cấp coi là thực tiễn về mặt quản lí, vững chắc về mặt kinh tế và chấp nhận được về mặt chính trị”. Lúc đó xung đột giữa các đảng phái được giới hạn vào một vài vấn đề có tính tượng trưng và căng thẳng cao như quốc hữu hóa. Những thỏa thuận rộng rãi như thế về mục tiêu có xu hướng làm cho quá trình hoạch định chính sách trở thành tranh luận mang tính kĩ thuật về hiệu chỉnh từng bước một các chính sách hiện hành, củng cố cơ hội cho các nhóm lợi ích tạo ảnh hưởng của họ trong khuôn khổ các mục tiêu đã được mọi người thỏa thuận. Nều chính trị đồng thuận thời hậu chiến trong các cộng đồng chính trị phương Tây đạt đỉnh cao nhất trong liên minh chính trị kéo dài ở Áo (1945-1966) và ngắn hơn nhưng có ý nghĩa chính trị cao hơn, gọi là “Liên minh lớn” ở Tây Đức (1966-1969). Ở Vương quốc Anh, những khó khăn về kinh tế trong những năm 1970 làm người ta nghi ngờ nền chính trị đồng thuận dựa trên cơ sở tài trợ cho các khoản chi tiêu cao hơn tốc độ phát triển kinh tế. Dưới thời Margaret Thatcher, đảng Bảo thủ từ bỏ nền chính trị đồng thuận và chuyển sang nền chính trị thuyết phục dựa trên niềm tin vững chắc được coi là khác với niềm tin của đảng Lao động, còn đảng Lao động thì nghie6nh hẳn sang cánh Tả. Trong những năm 1990, người ta lại thấy có sự dịch chuyển dần sang chính trị đồng thuận. Thậm chí ngay trong giai đoạn bà Thatcher cầm quyền vẫn có đồng thuận về quy trình chính trị và một số thỏa thuận về quy trình ban hành chính sách.

61. Consent – Nhất trí tán thành. Nhiều lý thuyết chính trị, trong khi tìm cách trả lời câu hỏi quan trọng nhất: “Vì sao mọi người phải tuân theo chính quyền”, đã viện dẫn tư tưởng cho rằng bổn phận tuân thủ chính quyền là dựa trên cơ sở đồng ý ngầm định hoặc rõ ràng với việc thực thi thẩm quyền của chính phủ hoặc nhà nước mà ta đang nói tới. Niềm tin rằng con người “về bản chất” là tự do và độc lập làm cho một số nhà tư tưởng khẳng định rằng một người tự do không thể có nghĩa vụ tuân theo bất kì người cai trị nào trừ khi người đó tự do muốn, sẵn sàng hoặc đồng ý làm như thế. Đây là học thuyết, mà người nổi bật nhất là nhà triết học người Anh, John Locke (1632-1704), thường được người ta gắn với lí thuyết khế ước xã hội. Những học thuyết này hình dung xã hội được xây dựng một cách có chủ ý bởi những người con độc lập, những người nhận thức được rằng cộng tác là cách thúc đẩy và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chính mình, và do đó, họ tự do nhượng một số quyền độc lập của mình cho chính phủ để chính phủ có thể hoạt động vì lợi ích của họ. Rõ ràng, với quan điểm như thế, quyền của chính phủ trong việc ban hành luật pháp và ép buộc công dân chỉ có thể xuất phát từ sự đồng thuận tuân theo của công dân. Tuy nhiên, lí thuyết này, mặc dù đáng ngưỡng mộ, nhưng lại gặp vấn đề chính trị mà các nhà lí luận vẫn đang tìm cách giải quyết. Trong thực tế, người công dân bình thường không bao giờ có cơ hội đồng ý hay không đồng ý chấp thuận, mặc dù người ta có thể khẳng định rằng việc tự nguyện chấp nhận quyền công dân khi một người nào đó nhập tịch là người đó đã đồng ý rồi. Cũng có lập luận rằng nếu chính phủ là một trong hai chăm sóc sở thích của bạn, hoặc làm những gì đúng đắn, dường như không thực hiện được nhiều khác biệt cho dù bạn có đồng ý hay không. Cũng có người nói rằng nếu chính phủ quan tâm tới quyền lợi của công dân, hoặc làm những điều “đúng” thì dường như không cần phân biệt giữa việc bạn có đồng ý hay là không. Chính Locke đã phải mở rộng định nghĩa của ông về “nhất trí tán thành” của mình để làm cho lí thuyết của ông có giá trị về mặt logic, chứ nó đã không có giá trị mà nó dường như có thể đang giữ. Ông đưa ra khái niệm về “nhất trí tán thành ngầm ẩn” mà ví dụ bất cứ người nào trên đường cao tốc của nhà nước phải được coi là đã tán thành luật lệ đi đường. Những phiên bản hiện đại của lí thuyết này khẳng định rằng bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử, và do đó, sử dụng quyền lực không thể tự động có sẵn, là đã tán thành, ngay cả khi đảng mà người đó ưa thích thất cử. Tuy nhiên, tư tưởng cho rằng nghĩa vụ chỉ có thể được phát sinh qua sự “nhất trí tán thành” vẫn là tư tưởng rất hấp dẫn, và vẫn có sức mạnh trong lí thuyết về dân chủ hoặc tự do.
62. Conservatism – Chủ nghĩa bảo thủ. Chủ nghĩa bảo thủ là lý thuyết chính trị rất khó định nghĩa vì một trong những khía cạnh của tư tưởng bảo thủ là bác bỏ ý thức hệ được trình bày một cách tường minh và nó ưu tiên chọn chủ nghĩa thực dụng khi đối mặt với các vấn đề chính trị. Nó còn khó định nghĩa vì các xã hội và các thế hệ không nhất thiết phải tìm cách giữ gìn những cái giống nhau. Mặc dù một số yếu tố chung đối với các giá trị bảo thủ có thể có xuất xứ từ giai đoạn đầu của tư tưởng chính trị, chủ nghĩa bảo thủ như là một tín điều chính trị đặc biệt xuất hiện vào thế kỷ XVIII, khi người ta cần trình bày luận cứ chống lại các nhà tư tưởng duy lý của châu Âu thời Khai sáng, với chủ nghĩa không tưởng mà họ hy vọng sẽ tạo ra và chống các lực lượng cực đoan được Cách mạng Pháp tháo cũi sổ lồng. Ở Anh, Edmund Burke đã xuất bản tác phẩm kinh điển Suy nghĩ về Cách mạng Pháp (Reflections on the Revolution in France), nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống, các thiết chế và sự thay đổi theo lối tiến hóa tương phải với những tư tưởng trừu tượng, chủ nghĩa cá nhân và hệ thống chính trị do con người tạo ra. Ở nước Pháp Joseph de Maistre cho ta một phiên bản phản động hơn của chủ nghĩa bảo thủ trong những bài tiểu luận nhằm bảo vệ uy quyền đã được thiết lập, bài bác các tư tưởng cách mạng; ông nhấn mạnh sự nhu cầu của trật tự và tầm quan trọng của các đặc điểm dân tộc trong hệ thống chính trị.
Phe bảo thủ không nhất thiết phản đối thay đổi, nhưng họ hoài nghi về những nỗ lực nhằm tạo ra xã hội hoàn hảo theo mô hình sẵn có nào đó. Họ cũng tin rằng con người không hoàn thiện vì có những khiếm khuyết, làm cho những mục tiêu lý tưởng trở thành ảo tưởng, mặc dù không phải tất cả những người bảo thủ quan trọng liên kết quan điểm này với khái niệm của Kitô giáo về tội lỗi nguyên thủy. Họ coi sự ủng hộ của mình đối với truyền thống là thể hiện thái độ khiêm nhường trước kinh nghiệm của các thế hệ cha ông, kinh nghiệm mà họ tin là đã kết tinh thành các thiết chế.
Ở cấp độ thực hành chính trị, trong hệ thống chính trị của Tây Âu và Vương quốc Anh có nhiều đảng bảo thủ. Ở lục địa Châu Âu các đảng có cùng các giá trị bảo thủ thường không tự gọi là bảo thủ. Hầu hết thích sử dụng các thuật ngữ như Dân chủ Kitô giáo. Ở Pháp, phe de Gaulle là lực lượng bảo thủ chính, họ sử dụng lời kêu gọi của chủ nghĩa bảo thủ nhằm đoàn kết dân tộc và tinh thần yêu nước.

Comments are closed.