“Cuồng Trump”, “cuồng chống Trump” và …

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

PHẦN 1

Đã từ rất lâu, nước Mỹ như miền đất hứa của dân Việt. Dù dưới chế độ cộng sản, luôn coi đó như kẻ “đầu sỏ” trong thế giới tư bản – kẻ thù của Chủ nghĩa Mác Lê, nhưng chẳng có ai phải che đậy lòng ngưỡng mộ cuộc sống tự do trên đất Mỹ. Và đương nhiên, người đứng đầu xứ sở đó, dù thuộc đảng nào, dù có những bê bối đời tư đi nữa, người ta vẫn có cảm tình.

Thứ tình cảm đó đặc biệt không chỉ về đời sống văn minh, tự do, mà quan trọng còn ở chỗ đó là nơi đi đầu thế giới trong đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ của người dân các nước trên thế giới. Riêng với người Việt Nam, đó còn chính là nơi mang lại hy vọng nhất về sự hợp tác, hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Trung Hoa cộng sản.

Có điều mấy năm nay, trên đất Mỹ, một hiện tượng hiếm thấy với một vị Tổng thống đương nhiệm, khi có quá nhiều luồng dư luận khen/chê, chia thành hai phe đối nghịch như thù địch, trong suốt nhiệm kỳ của ông ta, Donald J. Trump. Hiếm thấy hơn nữa tới mức kỳ lạ đến nực cười, là hiện tượng đó, khá rõ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, lại lây lan chút ít vào trong nước.

Bi hài là vấn đề Trung Quốc đã trở thành “vũ khí tối thượng” cho phe này, nhưng lại như “tử huyệt” của phe kia, khi hai bên tranh cãi.

Nhiều người căm ghét Tổng thống Trump đã gọi phái bên kia là “cuồng Trump”, nên họ mặc nhiên thể hiện như là phái “cuồng chống Trump”.

Thôi thì tạm gọi như vậy cho dễ hiểu, chứ thực tình trong văn hóa tranh luận, ứng xử, rất không nên có cách ám chỉ nhau nặng lời đến thế. Bởi vì “cuồng” là hàm ý chỉ tình trạng tâm lý mù quáng, mất hết lý trí. Cũng may là không chỉ có hai phái đó, mà còn có rất nhiều người có những hiểu biết không thua kém họ, nhưng có thái độ ôn hòa, kín đáo, và bình thản hơn. Họ mới là Việt Nam, không phải Mỹ.

Để bàn tới chủ đề này, liên quan chính trị thế giới, Việt Nam, thiết nghĩ cần ngược thời gian một chút về những năm nửa cuối thế kỷ trước, giúp lý giải phần nào câu chuyện hôm nay.

Nhìn lại lịch sử Chiến tranh lạnh và Chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh lạnh giữa hai khối – Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN với Mỹ cùng các nước Tây Âu và đồng minh, từ 1946 cho tới 1991, khi Liên Xô sụp đổ (1).

Trong thời gian đó, có cuộc chiến tranh “nóng” tại Việt Nam, giữa chính quyền cộng sản Việt NamDCCH và quốc gia Việt NamCH, có sự can dự của Mỹ cùng đồng minh và Liên Xô, Trung Quốc, phe XHCN.

Tại nhiều quốc gia khác của hai khối, luôn luôn có mầm mống phản kháng, nhưng hầu như bị dập tắt. Ở Đông Âu có Tiệp Khắc, Hungari, CHDC Đức; ở Đông Á, Đông Nam Á có Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc …

Tại miền Nam Việt Nam, mặc dù giữa thời chiến, nhưng chính quyền Việt NamCH vẫn duy trì một chế độ cai trị khá dân chủ, cho nên các lực lượng đối lập, lớn nhất là cộng sản đã lợi dụng nổi lên ngày càng mạnh. Nó khác hẳn với nhiều nước, nơi có các chính thể độc tài, với nền tảng văn hóa Khổng giáo, Hồi giáo đặc thù thuận lợi, đã đàn áp khốc liệt đối lập cộng sản, thân cộng. Điển hình là Indonesia, hơn nửa triệu người đã bị giết hại (2).

Thất bại của chính quyền Việt NamCH, được Mỹ hỗ trợ tối đa, một phần là ở sai lầm đó, không làm được cái việc “đi với ma (phải) mặc áo giấy”; không dám, không thực hiện được một chế độ sắt đá trong suốt cuộc chiến, bị phía cộng sản chuyên chế lợi dụng ngay thứ vũ khí “dân chủ” của mình để phá hoại từ bên trong. Có lẽ người cộng sản Bắc Việt cũng đã tham khảo được chút ít kinh nghiệm của mô hình thành bang trại lính Spart, nổi tiếng về sức mạnh chinh chiến trong lịch sử, ở Hy Lạp xưa kia, để lập nên nhà nước “cộng sản trại lính”, giành ưu thế hơn hẳn mô hình nhà nước dân chủ nửa vời non trẻ của đồng bào mình ở phương Nam.

Lý do thất bại không kém phần quan trọng là ở tại nước Mỹ (cả nhiều đồng minh phương Tây) cũng vậy, những người cộng sản, giới thiên tả với phong trào phản chiến đã “trói tay”, không cho phép chính quyền tiếp tục can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam (3). Lạ thay, nửa thế kỷ sau, câu chuyện đó đang có chiều hướng lặp lại.

Thắng lợi của Bắc Việt cũng là thắng lợi của phe XHCN, để rồi tới cuối 1980’, đầu 1990’, phe TBCN mới “toàn thắng”, chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Giữa lúc nhiều quốc gia Đông Âu mở cửa, Đông Á dân chủ hóa, Nam Mỹ độc tài bị lật đổ, … và thất bại của Chủ nghĩa Marx-Lenin trên khắp thế giới đang tới gần, đã gợi hứng để học giả Francis Fukuyama viết nên cuốn “Sự cáo chung của lịch sử” nổi tiếng, cho rằng mô hình dân chủ tự do phương Tây đã thắng thế hoàn toàn, chứng minh đó là sự phát triển tận cùng trong tư tưởng loài người (4).

Trung Quốc với phương Tây trong 40 năm qua

Trung Quốc từ khi thành lập Đảng Cộng sản cho tới khi lập nước đã luôn xung đột với Liên Xô, lăm le tranh giành vị trí lãnh đạo phe XHCN; cả phe cũng bị chia rẽ bởi hai ông “anh cả”, “anh hai” này. Trung Quốc nhận ra rằng không nên cùng lúc đối đầu với 2 siêu cường Liên Xô, Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh sa lầy ở Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong cuộc Chiến tranh lạnh với phe XHCN.

Nixon, cùng cố vấn xảo quyệt Kissinger, đã mở lối thoát bằng cuộc bắt tay lịch sử năm 1972 với Trung Quốc (6). “Chia (rẽ) để trị”, Mỹ tạm hữu hảo với Bắc Kinh để đối phó Liên Xô, song cũng thực dụng buộc phải hy sinh các đồng minh Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa.

Với đường lối “Cải cách và Mở cửa” từ cuối những năm 1970’, xây dựng thành quốc gia theo “kinh tế thị trường XHCN đặc thù Trung Quốc”, cùng lời dạy “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, Đảng CSTQ đã làm lóa mắt phương Tây và Mỹ, làm họ tin rằng tiến trình mở cửa kinh tế sẽ giúp dân chủ hóa dần đất nước cộng sản từng nổi tiếng hung hăng (gọi “đế quốc Mỹ là con hổ giấy”), sẽ hòa nhập vào với các quốc gia dân chủ trên thế giới.

Chỉ ít năm sau, những biến động chính trị, xã hội, kinh tế trên thế giới đã cảnh báo dự đoán của Fukuyama có thể sai, khi chủ nghĩa cộng sản đặc thù Trung Quốc với văn hóa Khổng giáo, Á Đông, tư tưởng Đại Hán đã biến hình thành con quái vật nguy hiểm gấp nhiều lần bậc thầy của nó; bằng “quyền lực mềm” mà làm khiếp nhược từ Âu châu tới Bắc Mỹ, mạnh tới mức muốn “xuất khẩu” mô hình của mình ra thế giới.

Năm 2009, 20 năm sau khi cuốn sách ra đời, dường như Fukuyama đã linh cảm thấy điều đó, khi nói “không gì có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của một Mao khác trong tương lai nếu không có một hình thức giải trình trách nhiệm nào đó mang tính dân chủ”. Nhưng ông vẫn “tin rằng sự phồn vinh, thịnh vượng của Trung Quốc không thể kéo dài mãi và người dân Trung Quốc cũng khó có thể đạt được sự tiến bộ cá nhân nếu không có pháp quyền và trách nhiệm giải trình” (7). (Thật khốn khổ cho những chữ “NẾU” đầy vô vọng!).

Trớ trêu trong cuộc trỗi dậy lại có sự “trợ giúp” đắc lực của chính các kẻ thù tiềm tàng của nó – Mỹ và phương Tây. “Trợ giúp” còn ở chính ngay trong bản chất yếu ớt, ích kỷ, muốn lợi dụng nhiều ở Mỹ của các đồng minh, suốt từ Đông Á cho tới Âu châu, Bắc Mỹ.

Thêm nữa, với tất cả sự xảo trá của một chính đảng cộng sản trùm xỏ phương Đông, có số dân đông nhất thế giới, người dân có truyền thống sáng tạo, giỏi giao thương, v.v.. Trung Quốc đã dần dần làm cho cả thế giới hài lòng với quan hệ “cộng sinh” kinh tế, tưởng như các bên đều có lợi qua toàn cầu hóa. Rồi họ dần tỉnh ngộ, nhưng xem ra đã muộn.

Phương Tây bất lực nhìn cuộc tàn sát ở Thiên An Môn, cố gắng gây sức ép trước hành động đồng hóa văn hóa, đàn áp người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Pháp luân công, bành trướng thế lực trên biển Hoa Đông, Biển Đông, nhẹ nhàng khuyếch trương sức mạnh kinh tế cùng mô hình phát triển bằng Sáng kiến Vành đai & Con đường, v.v.. Những tiếng nói yếu ớt từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ chẳng làm Bắc Kinh động lòng. (8)

Cả thế giới thấy dần sai lầm lớn nhất trong lịch sử đến thế nào, nhưng hầu như buông xuôi.

Chính quyền Trump với đồng minh và Trung Quốc

Không khó để thấy tâm lý hồ hởi, hy vọng trong người dân Việt Nam, khi xuất hiện nhân vật Donald Trump, giữa tình cảnh thất vọng triền miên với nhiều đời Tổng thống trước, được cho là lúng túng, nhu nhược với Bắc Kinh. Hy vọng ít ra là về vị thế siêu cường của nước Mỹ trên thế giới được khôi phục, về khả năng không đến nỗi mất hoàn toàn Biển Đông của Việt Nam. (Xin không bàn nhiều đến chính sách đối nội của chính quyền Trump).

Một Tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, lần đầu tiên công khai “tuyên chiến” với Trung Quốc, diễn lại kế sách tạm hòa Trung để diệt Nga nửa thế kỷ trước, nhưng nay theo kịch bản ngược lại, nhắc nhở chúng ta cái gì? (9)

Đó là đã có một thời bị lừa dối, nuôi ảo tưởng thay đổi những người cộng sản nhờ chính sách mở cửa kinh tế, do lấy kinh nghiệm Liên Xô và Đông Âu. Nhưng với Trung Quốc, câu chuyện đã khác hoàn toàn. Nước Mỹ, phương Tây đã bị suy yếu bại hoại vì sai lầm đó. Không thể diễn mãi những vở tuồng “hợp tác”, “dân chủ”, “văn minh”, “pháp quyền”… trong cuộc chiến với kẻ độc tài vô cùng gian xảo, tàn độc này. Cần soi xét lại, học kinh nghiệm cũ của các nước Đông Á, Đông Nam Á trong Chiến tranh lạnh/Chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước: dùng độc tài, gian trá chống độc tài gian trá, và “thương cho roi cho vọt” với cả đám bạn bè đồng minh láu lỉnh, giàu có hay èo uột.

Trong suốt 40 năm được thả cửa phát triển kinh tế bằng chính sách “mở cửa” nửa vời, giả vờ là nền “kinh tế thị trường”, hưởng lợi nhờ vẫn tự nhận là “nước đang phát triển”, hy sinh môi trường, siết chặt tự do của dân chúng, thao túng tiền tệ, ăn cắp sáng tạo công nghệ của các nước khác, lũng đoạn các tổ chức quốc tế, các chính phủ độc tài tham nhũng, bắt nạt những quốc gia nhỏ yếu, lặng lẽ nâng cao năng lực quân sự, khoa học công nghệ, v.v.. Trung Quốc đã vươn mình thành kẻ khổng lồ dám thách thức siêu cường số một Hoa Kỳ, với “Mao con” Tập Cận Bình, bỏ qua sớm lời khuyên phải “ẩn mình chờ thời” của tiền bối Đặng Tiểu Bình.

Riêng với Việt Nam, dã tâm, tham vọng của Đảng cộng sản Trung Quốc đã tới cực độ, từ xâm lấn, gây hấn trên Biển Đông cho tới thao túng mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Khác hẳn các đời Tổng thống trước, ông Trump xác định phải thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, “xóa bài chơi lại” trên tất cả các mặt trận, nơi mà quyền lợi của Mỹ bị xâm hại nghiêm trọng. Phải giảm bớt trách nhiệm quốc tế, bắt các nước khác, kể cả đồng minh phải chung vai gánh vác khó khăn, sát cánh trên trận tiền, để nhờ đó tăng nội lực, mới hòng cự địch được với Trung Quốc.

Về thương mại, không thể tiếp tục các hiệp định đa phương cũ khiến Mỹ chịu thiệt thòi, còn Trung Quốc, nhiều nước khác lại khôn khéo lợi dụng. Rút khỏi TPP, xem lại WTO, … cũng ít nhiều có hàm ý đó. Ví như việc Mỹ đòi đàm phán lại hiệp định thương mại với Canada, Mexico và đi tới ký kết, trong đó ràng buộc các bên nếu như muốn có thỏa thuận thương mại tự do riêng với một nền kinh tế “phi thị trường”, rõ là chủ yếu nhắm hạn chế Canada, Mexico “bắt tay” Trung Quốc (10).

Với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21), trong đó chẳng có chế tài nào đối với một quốc gia khi không hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải, Mỹ cho rằng đã bị Trung Quốc lợi dụng làm suy yếu nền kinh tế của mình.

Nhiều định chế quốc tế, do chính phương Tây đẻ ra, qua thời gian đã thành “gậy ông đập lưng ông” khi bị Trung Quốc thao túng, cần phải cải cách hoặc phá đi, làm cái mới (chuyện WHO gần đây là rõ nhất).

Về quân sự, giảm bớt vai trò ở Trung đông, ngay tại Biển Đông, Mỹ cũng muốn lôi kéo các đồng minh vào cuộc, tăng trách nhiệm, chi tiêu quốc phòng để căng Trung Quốc ra, không dễ lấn tới.

Với nhiều đồng minh đã quá lâu hưởng lợi, bấu víu vào sự trợ giúp, bao bọc của Mỹ, họ cần phải tự lực hơn. NATO là ví dụ, bằng đòi hỏi của Mỹ với các thành viên phải đóng góp 2% GDP. Hay Hàn Quốc, phải tăng chi phí quốc phòng, trong đó có chi tiêu thêm cho quân Mỹ đồn trú (12); Nhật được đề nghị phải tăng gấp 4 lần chi phí này (13).

Rút bớt 9.500 binh sĩ Mỹ ở Đức cũng với nhiều mục đích nhằm điều chỉnh lại trách nhiệm gánh vác với các đồng minh (14). Cả những hành xử bị cho là có tính thủ lợi của Đức, hại cho Mỹ quanh dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Tạo sức ép với các đồng minh Anh, Pháp, Đức trong việc làm ăn với Huawei, mạng 5G cũng không ngoài mục đích đó.

Việc chấm dứt Hiệp ước hạt nhân tầm trung INF với Nga, không đơn giản chỉ nhắm tới Nga, mà cả với Trung Quốc khi mời nước này cùng ký hiệp ước mới (15).

Mới đây, với Nhóm G7, việc Mỹ muốn mời thêm Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, muốn Hội nghị chuyên bàn về Trung Quốc, là đối sách một viên đạn bắn… nhiều con thỏ. Trong đó quan trọng nhất là tập hợp lực lượng đối phó (riêng Nga thì bớt đi sự gắn bó) với Trung Quốc, tiếp tục “xoay trục” sang Á Đông một cách mạnh mẽ (16).

Biến cố đại dịch Covid-19, mà ông Trump muốn gọi là Virus Vũ Hán, liên tiếp đưa ra các hành động cáo buộc, chuẩn bị trừng phạt, đã có tác động rất lớn tới các mối quan hệ của Mỹ, phương Tây với Trung Quốc. Nó chứng tỏ thêm Trump đã hành động đúng với Trung Quốc, châu Âu đã quá nhu nhược. Tiếc thay, các nước EU cứ luôn muốn hành động ngược lại Trump, nhất là những gì liên quan Trung Quốc. Họ sẽ phải tiếp tục nhận thêm “đòn roi” nếu Trump còn tại vị.

Tất cả những động thái chưa từng thấy đó, với vai trò cá nhân của TT Donald Trump cũng là chưa từng có với một Tổng thống Mỹ, đã đánh vào quyền lợi, địa vị của phe Đảng Dân chủ tại Mỹ (vẫn đang quá cay cú bởi thất bại trong gang tấc của Hillary Clinton, tiếp đến là tuyệt vọng sau chiến dịch luận tội Trump bất thành), kể cả không ít đồng minh và của chính quyền nhiều nước trên thế giới. Ông Trump có quá nhiều kẻ thù, trong khi lại tỏ ra quá tự tin, dường như nóng vội trong cuộc chiến lẽ ra cần thận trọng, lâu dài hơn. Nhưng ngày bầu cử để hy vọng tái nhiệm lại đang đến rất gần, thù trong giặc ngoài của ông đang hợp sức trong cơn giãy dụa.

Rồi cuộc đấu đầy kịch tính vẫn không dừng ở đó; đang lúc cao trào đại dịch Covid-19, lại nổ ra vụ George Floyd. Kẻ thù của Trump chớp ngay cơ hội ngàn vàng (nếu như quả là không phải chính họ đã tạo ra, hay họ ngờ là do bàn tay ngoại bang dàn dựng nhưng lờ đi), bất chấp phải đi ngược lại những đạo lý mà họ từng rao giảng, quyết tận dụng dù biết rằng đó cũng là con dao hai lưỡi.

Donald Trump đã đặt nhiều nước trước sự lựa chọn rành rẽ giữa hai phe, Mỹ hay Trung Quốc, phải mặc nhiên thừa nhận một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu, không thể cứ mãi lập lờ để hưởng lợi.

PHẦN 2

“Cuồng chống Trump”

Để dễ lý giải, tìm ra căn nguyên của tâm lý “cuồng chống Trump”, có lẽ trước tiên cần nhìn từ góc độ đảng phái ở Mỹ, hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Đảng Dân chủ, “cuồng chống Trump”, được coi như thuộc dạng thiên tả, cực tả, cấp tiến, gần với tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Như cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup năm 2018 thì có tới 57% người đảng này thích CNXH; thậm chí các nhóm theo chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội đều gia nhập đảng này (18). Đây là điểm có thể giúp lý giải cho những động thái của đảng này gần đây liên quan Trung Quốc, với chuyện biểu tình-bạo loạn, gợi nhớ phong trào phản chiến những năm 1960’.

Đảng Dân chủ quan tâm nhiều tới các quyền dân sự, đến bình đẳng, xóa bỏ bất công xã hội, xóa đói giảm nghèo, “chăm sóc sức khỏe cho mọi người” (gần với kiểu… “bao cấp”?) và lo lắng cho môi trường, nên cũng dễ hiểu khi đảng này có Tổng thống đương nhiệm thì chính phủ ít nhiều có những tác động tích cực hơn cho đấu tranh dân chủ ở các nước cộng sản, độc tài (tuy nhiên cũng không phải dễ phân biệt được, và không dễ đánh giá thực chất hiệu quả). Đây là điểm cho ta chút cảm thông với một số người Việt “cuồng chống Trump” đang phải sống lưu vong, với hy vọng được định cư tại Mỹ, thì các chính sách của Trump đã làm họ quá thất vọng.

Nhiều năm nay, dân da màu phần lớn ủng hộ Đảng Dân chủ. Chiếm nhiều trong đảng là thành phần có học vấn cao (49% tốt nghiệp đại học), thu nhập cao (41%).

Đảng Cộng hòa của ông Trump, được coi là thiên hữu, bảo thủ; ủng hộ tự do về kinh tế nhưng bảo thủ về các vấn đề xã hội, chống di dân bất hợp pháp, ưu tiên quyền lợi quốc gia trong các chính sách chính phủ, xây dựng vị thế mạnh trên trường quốc tế qua các liên minh. Thành phần đảng viên chủ yếu là người da trắng, học vấn trung bình. Đặc biệt dân gốc Việt hầu hết lại theo Cộng hòa, có lẽ do họ chủ yếu là dân tị nạn/căm ghét cộng sản, đi từ miền Nam sau 1975, đã ổn định cuộc sống.

Với chính phủ Trump thì những khác biệt về ý thức hệ, đường lối của Cộng hòa so với Dân chủ có vẻ được đẩy lên rất nhiều so với hầu hết tiền nhiệm. Có lẽ đây là điểm quá quan trọng gây ra nỗi lo sợ lớn cho Đảng Dân chủ nếu như họ thất cử lần này. Ông được đông đảo cử tri công nhân ủng hộ qua chính sách kinh tế, nhập cư.

Với người Việt trong nước, tất cả những khác biệt nói trên hầu như không ảnh hưởng tới cách nhìn, tình cảm yêu/ghét ông Trump. Cho nên, tâm lý “cuồng chống Trump” xuất phát hầu như từ số ít người Việt ở Mỹ (trong đó giới có học thiên tả lại chiếm kha khá), và ở Âu châu, còn tại Việt Nam thì quá ít.

Tại sao từ không thiện cảm, ghét, lại đến mức “cuồng chống”? Xin tạm đánh giá có mấy lý do.

Trước hết phải nói về cái “tử huyệt” quanh vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam/chống Trung Quốc, nó mang tới cho phái này thứ “mặc cảm kém yêu nước”. Một khi căm ghét Trump, nhưng lại không thể phủ nhận Trump chống (Đảng Cộng sản) Trung Quốc kịch liệt, tích cực gia tăng sức ép trên Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, trong đó có bênh vực Việt Nam. Nên… thật trớ trêu, họ lo sợ dễ bị khép cho “tội” kém yêu nước, nhất là lại đang ở ngoài nước.

Vậy thì phải tìm những lý do gì đó để biện minh cho mình khỏi cái “tội” kém yêu nước chứ (thậm chí có thể cả vì lợi ích riêng mà lãng quên lòng yêu nước), bằng cách chứng minh rằng cái thế “mạnh” đó của Trump chẳng đáng là bao so với thế yếu, với cái xấu trong ông ta, rằng những người ủng hộ Trump là kém hiểu biết đến mức ngu muội, ở trong nước làm sao hiểu Mỹ bằng người ở Mỹ, ở nước ngoài.

Kế đến là “mặc cảm cô đơn” gắn liền “mặc cảm kém tri thức”, ở một số trí thức thiên tả lâu nay có vị thế nhất định trong xã hội. Họ bức bối khi tự thấy mình bao năm nay đang như người dẫn dắt cuộc khai minh cho đông đảo quần chúng, đã có chút danh phận nào đó rồi, thì bỗng nhiên nay lại bị người ta “vượt mặt” trong vụ Trump này. Một khi chiếm số lượng quá ít, sẵn tâm lý “thượng đẳng” mà bị kẻ “dưới” đông đảo phản biện thẳng thừng thì rất dễ bị bức xúc. Không có cách khôn ngoan “cải hóa” được cho quần chúng theo nhận thức của mình, cứ phải xông lên cãi vã tay đôi với số đông ăn nói kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”, lại càng dễ bực bội nữa.

Hiện tượng đó rất rõ nhờ hiệu ứng lan truyền khủng khiếp của mạng Facebook. Người đang “văn hay chữ tốt” mà cứ phải cãi cọ lặt vặt với những kẻ ẩn danh, vô danh, còn gì bực hơn, chẳng khác gì chú gà trống đẹp mã gáy hay giẫm phải tổ kiến lửa. Rồi dễ mắc ngay căn bệnh na ná với “kiêu ngạo cộng sản” mà có lẽ chính mình cũng từng phê phán.

Càng bức bối thêm nữa khi phái này nhận ra là báo chí quốc doanh trong nước, lâu nay bị họ chê bai như thứ “tay sai” của chế độ, giờ lại đưa tin bài, bình luận có vẻ mê Mỹ quá, như thể “cuồng Trump”.

Nỗi mặc cảm thứ ba khó nói ra, là mình như người Mỹ, người ở xứ văn minh, trí thức, mà lại rủa xả vị Tổng thống của xứ sở được coi là văn minh nhất này một cách khác thường, rất dễ bị đặt nghi vấn. Phải chăng đằng sau thái độ này là ẩn chứa nỗi hậm hực vì bị mất mát ít nhiều lợi ích riêng nào đó qua chính sách của lão Tổng thống “điên khùng” này?

Trên “nền tảng” của ba thứ cảm xúc đó, thường được hòa quyện mạnh với nhau, làm gia tăng xung động tâm lý dữ dội, những người “cuồng chống Trump” loay hoay khó có cách lý giải cho rành rẽ quan điểm của mình. Họ dễ sa vào những hoạt động tranh giành ảnh hưởng phe phái một cách không đàng hoàng.

Họ tập trung vào những cái “xấu” của Trump (mà với người có nhãn quan khác, thì phần nhiều đó lại chính là điểm mạnh cần thiết, hiếm có ở một chính trị gia), và cái u tối của giới “cuồng Trump”, đều theo một phong cách phổ biến là: lối nói thậm xưng – nói quá lên. Điển hình như nhận xét, rằng phái “cuồng Trump” cho là chỉ có Trump mới diệt được Tàu cộng” (20), hay “người Việt Nam dường như đã không còn kháng thể. Họ đã chuyển từ đấu tranh qua dựa dẫm” (22); “hầu hết những người tôn thờ Trump xem ra không tranh luận được, chỉ biết chửi bậy có lẽ vì họ ít học, kiến thức hẹp hòi” (21).

Những cái xấu của Trump theo họ là gì?

Một kẻ độc tài! Ông ta liên tục sa thải những cấp dưới trái ý mình, xỉ vả nhục mạ báo giới, trịch thượng trong quan hệ quốc tế, nhất là với đồng minh… Thật là trái với hình ảnh một người quyền lực nhất thế giới văn minh, đi đầu cho đấu tranh dân chủ của thế giới. Rồi lại vừa thêm hiện tượng thâu tóm quyền lực trong giới truyền thông qua vụ sa thải cả loạt lãnh đạo VOA, RFA (35) (chắc ông ta cho là đám thiên tả, phe Đảng Dân chủ bao năm nay đã tràn ngập hai cơ quan này rồi, giờ phải thay máu?). Thú vị là sau nhiều ngày BBC đưa tin này, mà VOA và RFA vẫn nín lặng.

Không quan tâm tới việc khích lệ đấu tranh dân chủ ở các nước có chế độ độc tài. Cắt giảm mạnh ngân sách nhiều cơ quan, đặc biệt trong đó có Bộ Ngoại giao, làm ảnh hưởng không tốt tới phong trào dân chủ của người Việt. Không mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh dân chủ ở Hong Kong (?).

Nghi vấn lợi ích riêng với Trung Quốc vì con cái có làm ăn với nước này nên khó mà cương quyết trong các chính sách liên quan (20). Mới đây lại thêm một nghi vấn “đi đêm” với Trung Quốc, qua tiết lộ của cựu cố vấn John Bolton trong cuốn sách sắp ra, rằng ông Trump đã “nhờ” ông Tập giúp để tái đắc cử (34).

Không biết “đoàn kết” với các đồng minh để chống Trung Quốc, mà lại có hàng loạt động thái “làm sứt mẻ quan hệ”, làm suy yếu các định chế quốc tế, rút khỏi TPP, COP21, cắt tài trợ WHO… tạo dư địa cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Đối phó kém với đại dịch cúm có nguồn gốc Vũ Hán. Xử lý không tốt các cuộc biểu tình, bạo loạn. Việc định đem quân đội đàn áp biểu tình gồm nhiều người nghèo khổ, cho thấy như là một kẻ độc tài, tàn bạo.

Nói năng văng mạng, sai sự thật đến… “20.000 lần” (?) (21). Hay công kích, hăm dọa người khác.

Từng có tai tiếng bị tố cáo trong quan hệ với phụ nữ; kỳ thị sắc tộc (?).

Một khía cạnh nặng về cảm tính, chỉ thấp thoáng trong các bài viết, không mấy ăn nhập với bản chất khắc nghiệt của chính trường, là hình ảnh Trump như một tay trọc phú thô kệch, làm sao sánh được với những đời Tổng thống từng là nghị sĩ, luật sư, tốt nghiệp Harvard…

Và, một điều người ta không muốn nói ra, là những chính sách của Trump đã đánh vào một số quyền lợi cá nhân của nhiều người, có cả người Việt thiên tả ở Mỹ, như bảo hiểm y tế, nhập cư, quốc tịch…

Bị dồn nén những bức xúc từ dễ nói đến khó nói, tới độ một vị trí thức khả kính, trên FB của mình, chẳng cần bài phân tích dài dòng làm gì, chỉ đưa lên bức hình bộ mặt Trump bị photoshop làm méo mó, cùng một câu nói của ông ta, được trích ra từ báo quốc doanh, và mấy dòng bình luận của chủ FB (nguyên văn): “Thằng tỉ phú to mồm này không có một chút nguyên tắc tự hào nào. Một mặt nó tuyên chiến (bằng miệng) với TQ, đồng thời nó sẵn sàng bán bố mẹ cho chúng. Một thằng hề quá nguy hiểm!

Cái u tối của quần chúng là gì?

Đây là chỗ thể hiện điểm yếu rất rõ về văn hóa tranh luận trong nhiều bài viết của phái “cuồng chống Trump” (20)(21)(22)(23).

Để đạt mục tiêu chứng tỏ phái “cuồng Trump” có nhận thức kém cỏi, thì thay vì viết ra những phân tích cặn kẽ các điểm mạnh, điểm yếu của ông Trump, lợi ích gì cho Việt Nam để mà đưa ra kết luận, hoặc tranh luận thẳng với một bài viết, một tác giả nào đó, thì các bài viết này lại thiên về diễn tả tổng quát kiểu “úp sọt” tất cả phía “bên kia” như những kẻ quá mê muội, thậm chí lôi ra cả thói hư tật xấu cá nhân “đối thủ”, chẳng có kiểm chứng hay liên quan gì tới chủ đề (22). Đó gọi là lối “bỏ bóng đá người”. Có bài còn vẽ nên hình ảnh phía bên kia như những kẻ u mê cuồng tín, sùng bái cá nhân ông Trump như với ông Hồ (nửa số dân Mỹ cũng vậy chăng?). Có bài còn khuyên phía bên kia cần đọc nhiều bài viết tiếng Anh thì mới hiểu đúng được tình hình (20). Thậm chí, phong cách thậm xưng-nói quá, coi người ta như thể ngốc ngếch lắm, còn lây lan sang cả đài báo, khi có một đài người Việt, trong một cuộc phỏng vấn một vị trí thức, lại “mồi” một câu, rằng “trong Cộng đồng Việt Nam nhiều người tin rằng chỉ có Trump mới chống Trung Cộng …” (21).

Hơi tiếc là phong cách nói trên lại được thể hiện ở những người khá có kinh nghiệm viết, ở vài trí thức tên tuổi, hoặc đôi ba trang báo mạng đã ra đời được vài năm, có chút tiếng tăm. Nhưng lại không tiếc, vì họ quá ít ỏi, nhỏ nhoi, yếu ớt, lộ rõ, sẽ tự tụt lại phía sau trong cả biển người Việt yêu nước cháy bỏng mà tỉnh táo, ít mang những cố tật dễ tự hủy hoại thanh danh mình.

Phải chăng tất cả những thái độ, phương pháp tranh luận đó, đều chịu ảnh hưởng ít nhiều, được gợi hứng, thậm chí được định hình như một chuẩn mực về văn minh chính trị, từ hành động không thể tưởng tượng nổi của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelocy, xé toạc bản Thông điệp liên bang, ngay sau khi TT Trump vừa đọc; cũng cho toàn thế giới thấy cái văn hóa của phe Đảng Dân chủ “cuồng chống Trump” nó đã rớt xuống đến cùng tận thế nào? Đó là nỗi hổ thẹn quốc thể sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ (24). Hay là cái “văn hóa Mỹ” nó như vậy, coi là bình thường, là tự do biểu đạt ý kiến, người Việt trong nước không thể hiểu nổi?

Đến đây chợt liên tưởng tới cha ông ta trăm năm trước, khi mà báo chí còn là món ăn tinh thần vô cùng khan hiếm cho dân Việt. Các bậc tiền bối của làng báo, của giới văn nghệ Việt ngày nay, khi đó họ còn rất trẻ, còn đang tập dượt làm báo, mày mò tìm hiểu văn minh phương Tây, mà sao họ tranh luận, “bút chiến” với nhau trên mặt báo sôi nổi nhưng lịch lãm, cao sang đến thế (36). Chẳng thấy họ nổi xung, thóa mạ độc giả gì cả. Ai tranh luận với ai, ở bài nào, báo nào, vấn đề gì… đều đưa lên mặt báo rõ ràng cả. Phải chăng tiến bộ công nghệ, sự xa rời quần chúng bần hàn trong cuộc sống hàng ngày, những lợi ích của tiện nghi hiện đại, … đã đưa tới phong cách tranh cãi, làm báo xa lạ với tiền nhân đến vậy? Hay là do bị nhiễm dần cái cách viết của một số báo quốc doanh chuyên đánh “các thế lực thù địch” bằng những bài kiểu “chửi đổng”, “chụp mũ”, chẳng có tranh luận gì? Hay chỉ đơn giản là do bàn về chuyện… chính trị, nên nghĩ cứ phải theo phong cách của giới đó mới được?

PHẦN 3

“Cuồng Trump”

Họ có thể là hàng triệu người dân ít học, chỉ nhờ trực giác, nhờ theo dõi chút ít thông tin, thấy báo chí nhà nước tỏ ra thiện cảm với Trump; thấy ông ta là trường hợp hiếm nhất trong các đời Tổng thống Mỹ, tới nước mình đến hai lần chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu, có hai lần chụp ảnh cùng người Việt tự do ở Mỹ để khích lệ trong nước. Họ vốn khoái Mỹ, cảm tình với mọi Tổng thống, từ Clinton, tới Obama, … chả cần biết đảng nào cả, nay thấy ông này có những việc giúp ích hơn cho Việt Nam trong cuộc “thoát Trung”, là họ ủng hộ. Tất cả những gì mà số rất ít người Việt ở Mỹ tức tối với ông, họ chẳng hề quan tâm.

Họ là hàng ngàn vạn cư dân mạng trên Facebook, chỉ bày tỏ thái độ một cách đơn giản, ngắn gọn bằng nút bấm “like”, bằng những phản hồi, với một câu có thể nhẹ nhàng, nhưng nhiều khi cục súc, thô bỉ. Có lẽ đây là điểm mấu chốt làm cho các vị trí thức “cuồng chống Trump” không chịu nổi, rồi “úp sọt” tất tật phe kia là “ít học”, “chửi bậy” cả. Các vị không nhận ra rằng đám quần chúng đó với Trump cùng giống nhau ở một điểm – cục cằn, nhưng không ĐẠO ĐỨC GIẢ, cái căn bệnh đã quá nặng lây lan khắp từ Tây, Mỹ cho tới xứ này, mà người ta căn ghét nhưng khó vạch vòi ra rõ được.

Không phân biệt nổi, hoặc không muốn phân biệt, giữa những bài viết công phu, có luận cứ, với các phản hồi của độc giả trên FB thì chỉ dẫn tới bức bối vô lối. Cách “úp sọt” đó có thể động chạm tới cả các bạn bè cùng giới trí thức với mình, có những suy nghĩ, những bài viết trái với ý mình, nhưng rất ôn hòa.

Như một Fanpage khá bắt mắt mang tên “Những người yêu thích Donald J. Trump”, nhiều thông tin, hình ảnh sống động, phong phú (30). Thử làm một so sánh. Trang này mới lập được khoảng 9 tháng, nhưng đã có 188 ngàn người theo dõi, trong khi trang của đài Pháp RFI được lập từ nhiều năm trước, lại chỉ có 172 nghìn người theo dõi thôi. Sao ta không vào đây để đánh giá những fan “cuồng Trump” có đúng là “ít học”, “chửi bậy” cả không?

Liên quan Trung Quốc, gần đây dễ thấy liên tục phong trào biểu tình tranh đấu cho dân chủ ở Hong Kong, “hiệp đồng tác chiến” cùng sự thắng thế, mạnh mẽ hơn của chính quyền Thái Anh Văn ở Đài Loan trước Trung Quốc. Tại sao có hiện tượng lạ vậy? Có phải chủ yếu vì họ đã nhận ra nhiều hành động quyết liệt và thực chất từ chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nay là thời cơ ngàn năm có một, phải chớp lấy để hình thành một mặt trận thống nhất? Mặt trận đó đã làm cho Bắc Kinh lồng lộn, càng bộc lộ bản chất tệ hại của mình. Người Việt chúng ta không lẽ đứng ngoài chờ hưởng lợi?

Rồi ngay trong chính nội tình Việt Nam nữa, dù rất thiếu thông tin, nhưng cũng không thể bỏ qua một số động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc, mạnh dạn hơn trong quan hệ với Mỹ và nhiều nước liên quan. Tiếc rằng, thời cơ có thể chỉ còn trong mấy tháng (nếu như ông Trump thất cử), lại trùng vào giữa lúc đang chuẩn bị Đại hội Đảng, không dễ để họ làm được gì mạnh dạn hơn nữa. Trung Cộng biết quá rõ điều này. Người Việt “cuồng chống Trump” xem ra không (muốn?) thấy.

Người thuộc phái “cuồng Trump” ở Việt Nam nhận thấy những hiện tượng đó. Họ không còn tin mấy phương cách ủng hộ, giúp đỡ của Mỹ (và cả phương Tây), gây sức ép với chính quyền Việt Nam trong nhiều năm trước Trump, để hy vọng xã hội này được dân chủ tự do lên, cự địch được hơn với Trung Quốc. Họ ngờ rằng mình đã bị phỉnh.

Hai nhà nước này có vẻ đang “đi dây” trước mắt họ, vì quyền lợi kinh tế là chính. Còn cái thuyết rằng không muốn ép quá, sợ Việt Nam ngả hẳn sang Trung Cộng, thì … xưa quá rồi. Cả một phần tư thế kỷ, hết ký BTA, vào WTO, đưa ra khỏi CPC, vào CPTPP, nay lại đến EVFTA, Mỹ/phương Tây cứ “mất chân giò” (thực tình cũng chả “mất”), mà chẳng thấy chính quyền Việt Nam “thò chai rượu” gì cả. Xã hội vẫn ngày càng ngột ngạt, sự an bình của dân chúng vẫn thật mong manh.

Họ cần một cách thể hiện mạnh mẽ, minh bạch từ chính quyền Mỹ. Một khi chơi rắn được với Trung Quốc, sẽ có ngày Mỹ (nếu còn Trump) sẽ xử như vậy với Việt Nam; nếu như không chịu thay đổi, vẫn màn “chim chuột” với Trung Cộng. Trump đã vài lần cảnh báo rồi đó, chớ có làm trò thao túng tiền tệ (31), làm “sân sau” cho hàng hóa gian lận thương mại của Trung Cộng (32). Đòn đánh kinh tế-chẹt họng mới là hiệu quả cho những thứ “kinh tế thị trường định hướng XHCN” này. Một khi nghĩ vậy, họ bỏ qua hết những gì về Trump mà phái “cuồng chống Trump” cho là xấu, là nguy hiểm, nhất là coi đó chỉ liên quan đối nội nước Mỹ thô.

Trở lại kinh nghiệm cho Mỹ và Việt Nam trong suốt cuộc Chiến tranh lạnh/Chiến tranh Việt Nam, đã nêu ở phần đầu, là không thể cứ máy móc áp dụng mô hình kiểu khai hóa văn minh dân chủ để thay đổi dần, trong hòa bình cho những xứ sở độc tài; mà đôi khi phải dùng độc tài, thủ đoạn gian xảo, tàn độc, hành động hiếu chiến, sẵn sàng “bên miệng hố chiến tranh” thì mới may ra thắng được. Trung Quốc đã lừa được phương Tây trong suốt gần nửa thế kỷ qua, tưởng rằng cải cách mở cửa sẽ đem theo dân chủ, hòa bình, hóa ra ngược lại. Nuôi béo con quái vật để tới hồi bất lực nhìn nó nuốt dần mình.

Nếu như sau tháng 11 này không còn một Tổng thống Trump nữa, thì bước ngoặt vĩ đại mà ông tạo lập sẽ vẫn tiếp tục buộc cả phe Đảng Dân chủ, cho tới cả phương Tây, cả loại người phải thay đổi tất thẩy những gì liên quan tới Trung Hoa cộng sản. Chỉ có điều, những thay đổi đó sẽ phải vật vã triền miên, phải trả thêm bao cái giá khủng khiếp không thể thấy được. Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân ta với con quái vật láng giềng khổng lồ sẽ gian nan hơn gấp bội. Chắc họ nghĩ vậy.

“Chẳng cuồng”, “chẳng cuồng chống” Trump

Phái này về cơ bản không có nhiều mối bức bối, quan tâm chi tiết tới cá nhân ông Trump, ngoài việc cho rằng ông ta rất mạnh mẽ, quyết đoán, thẳng thắn, mà chủ yếu họ nhận ra đường lối đối ngoại của chính phủ Mỹ đã có bước ngoặt lớn, vô cùng quan trọng cho Việt Nam và thế giới. Đó là chống Trung Quốc quyết liệt, quyết tâm đè bẹp, thậm chí xé nhỏ quốc gia này ra làm nhiều mảnh; trong đó quan trọng là vạch ra cho thiên hạ rõ hết bản chất nguy hiểm với loài người của ĐCSTQ.

Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta. Ít nhất người người nghĩ vậy.

Ông ta cũng có những cái xấu, lắt léo khó đoán được, nhưng không phải bận tâm nhiều.

Có nhà phân tích, dù không thích Trump, nhưng cũng dè dặt cho là số thích ông ở Việt Nam chiếm tới 80-90%.

Có hàng ngàn con người am hiểu, nắm rõ thông tin, từ người trong hệ thống nhà nước, cho tới giới có học, nhân sĩ trí thức, doanh nhân ngoài xã hội. Quan điểm của họ, tựu trung đã được mổ xẻ ở phần trên (“Chính quyền Trump với đồng minh và Trung Quốc”). Nhưng họ chẳng có “cuồng” hay “cuồng chống” gì cả.

Họ dần nhận thấy môi trường tự do báo chí ở Mỹ đã trở nên quá méo mó, bị số đông báo cánh tả, cực tả, phe Đảng Dân chủ và Trung Cộng thao túng. Rồi các vấn đề chính trị quốc tế vô cùng phức tạp, không thể đem giải thích một cách đơn giản với thiên kiến chủ quan quá lộ như phái “cuồng chống Trump” được.

Chỉ riêng hai bài phát biểu nổi tiếng của Phó Tổng thống Mike Pence vào năm 2018, 2019 (25) (26), đã như lời tuyên chiến/cáo trạng với Trung Cộng, mà tất cả các tiền nhiệm không có được; cũng đủ nói lên một cách khái quát tầm nhìn chiến lược, thái độ dứt khoát chưa từng có đối với bá quyền Bắc Kinh đến thế nào. Nó nói lên rằng đừng chỉ nhìn Trump bằng vẻ ngoài bỗ bã, ăn nói “bạt mạng”, “sớm nắng chiều mưa”, thái độ gây gổ mà quên rằng bên trong Nhà trắng là cả ekip tài năng đứng sau một con cáo già dữ tợn.

Biến cố đại dịch Covid-19 đã “mở mắt” cho các đồng minh rất nhiều về Trung Quốc, nhưng tiếc thay, Liên minh châu Âu đã trở nên quá chia rẽ và yếu ớt, có nguy cơ tan rã (rõ thêm từ khi Anh rời xa), chỉ gắng gượng vài cử chỉ làm mình làm mẩy với Bắc Kinh thôi.

Những bài viết của phái “chẳng cuồng” không bị cái cảm giác bức bối, chỉ trích phía bên kia như của phái “cuồng chống Trump”, mà thường nhẹ nhàng đề cập tới ý nghĩa của các động thái chống Trung Quốc quan trọng thế nào đối với Việt Nam (27)(28)(29). Dễ hiểu vì sao họ có cái phong thái bình thản đến vậy.

Họ cũng chính là nhiều người muốn im lặng dĩ hòa vi quý, muốn “đóng cửa (chẳng) bảo nhau”, vì cùng trong giới trí thức quen biết, thân tình cả… Cái văn hóa Nho, cộng sản, nó ngấm vào từ lâu khó thấy, cũng đôi khi làm khó đủ điều. Không ít người coi thường, ghét Trump, nhưng họ thấy chính trị quá phức tạp, khó đoán, lại cho rằng ít ra ông ta, chính quyền Mỹ cũng có ích trước mắt cho Việt Nam, nên họ giữ im lặng.

Tựu chung, không phải người ta không nhìn nhận một số lý lẽ của phái “cuồng chống Trump”, nhưng quan trọng chúng yếu ở ba điểm.

Thứ nhất, cho rằng lối nghĩ của phái đó giờ đây lạc hậu rồi, là vẫn theo lối mòn, ngày càng rõ theo thời gian; cần nghĩ lại trước diễn biến chính trị quốc tế và Việt Nam nay đã quá khắc nghiệt. Thứ hai, chuyện nội trị Mỹ, không cần quan tâm nhiều, không nên quá thổi phồng là nó ảnh hưởng tới dân chủ toàn thế giới. Hãy lo chuyện Việt Nam-TQ. Thứ ba, cần có phương pháp tranh luận bình tĩnh, hòa nhã, hết sức tránh thái độ cao ngạo.

Phái thứ ba này có thể có tác động dung hòa, tránh những xung đột vô bổ , thậm chí có hại giữa hai phái kia. Thật không nên khi họ cũng bị gom vào với phái “cuồng Trump”.

Trông người lại… tủi cho ta

Một cảm giác xấu hổ khi thấy trên mạng có một số trang báo (cả báo hình) tiếng Việt của người Hoa ở hải ngoại chống Trung Cộng quyết liệt, ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump; bài vở phong phú, có vài thứ tiếng nữa, lại nhiều nội dung về Việt Nam bổ ích cho người Việt.

Xấu hổ bởi tự đặt dấu hỏi, tại sao tự ta không có được những trang báo như thế?

Tại sao không thấy có những trang của người Hoa “cuồng chống Trump”?

Tại sao họ như thể muốn mời mọc mình, giúp mình cùng tham gia vào một mặt trận tiến bộ để cùng nhau “thoát Trung (cộng)” mà mình lại… không xứng?

Mình thì ngược lại.

Các trang mạng tự do vốn nhiều năm trước đã yếu, gần đây lại ngày càng èo uột. Biết là nó bị mạng xã hội thu hút bớt lượng người viết, người đọc rất lớn, rồi bị tường lửa ngăn chặn nữa, thì lẽ ra càng nên gắng giữ chân cả hai giới này theo đúng cách của một tờ báo tự do, không bị chi phối bởi phe phái nào.

Ấy thế mà cả năm nay thì sao? Có trang kha khá chút thì đậm đặc bài “cuồng chống Trump”, những bài dịch cũng ưu tiên bài của các báo cánh tả ở Mỹ, Âu “đánh” Trump, có bài dịch thì bị “quên” những đoạn có lợi cho Trump. Có người viết phàn nàn hễ gửi bài nào tỏ ra thích Trump là không được đăng, chán không gửi nữa. Có trang nhiều khi phải hai, ba ngày mới có một bài, mà vẫn thiên về “đánh” Trump; độc giả gửi phản hồi phải kiểm duyệt quá là báo quốc doanh, rồi… không thấy hiện lên; email hỏi, góp ý thì… im lặng. Có trang nội dung nghèo nàn, bài vở phải vơ bèo vọt tép, có bài đậm đặc lời lẽ xỉ vả kiểu “bỏ Trung đá Trump” (22).

Không biết rồi sẽ có bao nhiêu người một ngày nào đó giật mình nhận ra: Ồ lạ nhỉ! Phe Dân chủ, những người “cuồng chống Trump” cũng lại đã tỏ ra độc tài, mất dân chủ, công bằng đến vậy (trong khi họ vẫn chỉ trích Trump độc tài, coi đó là mầm mống đưa nước Mỹ đi chệch khỏi con đường hàng trăm năm nay đã định)?

Thế nên, chẳng thể hy vọng gì ta cũng sẽ có những trang tiếng Trung để “hiệp đồng tác chiến” với người Hoa chống Trung Cộng.

Nặng hơn, những người, những trang mạng “cuồng chống Trump” dễ mặc nhiên tự đánh mất đi cái “chính danh” trong mắt đông đảo người dân về lòng yêu nước, căm thù giặc Trung Cộng. Họ có thể bị rơi vào một trạng thái nguy hiểm, vô tình “tiếp tay” cho Trung Cộng lúc nào không hay. Đó là khi phớt lờ những quyết định ngày càng mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Cộng, rất có lợi cho Việt Nam, trên tất cả các “mặt trận”, chỉ bởi nếu viết bài khen bình, đăng bài lên, chả hóa họ lại… “cuồng Trump” à.

Và cũng không khó để hình dung trong câu chuyện hàng ngày của phái này, khi mà họ phải cố tránh né những gì hay ho về chính quyền Mỹ có liên quan, có lợi cho người dân, đất nước Việt của mình. Bị lạc lõng, cô đơn… Còn gì đau khổ hơn?!

Sự lẫn lộn tai hại trong câu chuyện này còn ở chỗ, mỗi động thái của Mỹ đối với Trung Quốc thường là kết quả của cả một bộ máy nhà nước – Lập pháp, Hành pháp, đâu phải chỉ cá nhân ông Trump (dù cho ông ta có quyền lực to lớn, có độc đoán tới đâu). Hơn nữa, dù cho ông ta có xấu xa tới đâu trong con mắt những người “cuồng chống Trump”, thì cũng không thể cứ việc làm nào của ông ta cũng là sai, là xấu cả.

Vẫn chưa hết sự tai hại khi để tình cảm lấn át lý trí, riêng lấn át chung, mà không nhìn ra một sự tương đồng đến rợn người của hai vụ án – Đồng Tâm và George Floyd.

Ngay giữa cơn đại dịch lấy đi mạng sống của cả ngàn người Mỹ mỗi ngày; chưa có luận tội, chưa có bản án của tòa, ấy thế mà vẫn có ngay một làn sóng buộc tội (viên cảnh sát), “vinh danh” (George Floyd) cùng làn sóng biểu tình, bạo loạn khắp nước Mỹ. Tai hại đến bi hài lớn chính là ở chỗ, không ít người Việt, trang mạng “cuồng chống Trump” tự nhiên quên béng là mới đó thôi, vụ Đồng Tâm, có lẽ họ cũng đã tích cực lên án VTV về màn “tuyên án” các nghi can, việc “vinh danh” các liệt sĩ rất mau mắn; giờ họ cũng lại sốt sột, say sưa làm cái việc chẳng khác mấy với thứ mà mình vừa lên án đó, tệ hơn nữa là nó lại chẳng phải câu chuyện trên xứ sở quê hương mình (33). Lộ quá!

Nhưng may thay! cuộc sống muôn màu đang đổi thay nhanh chóng, người dân Việt Nam xưa “theo cách mạng” để làm cuộc “chiến tranh nhân dân” rồi thắng lợi. Nay ngược lại, họ đang “theo mạng“ để làm những “nhà báo nhân dân”, làm một cuộc “khai trí nhân dân”. Ngàn vạn “nhà báo” như vậy đang tập dượt, làm cuộc khai sáng, dẫn dắt/bỏ lại phía sau cả các bậc trí giả “mũ cao áo dài” thủ cựu đặt cái tôi lên trên hết, những trang mạng đìu hiu cũ kỹ, lại thêm vắng vẻ vì không còn là tiếng nói cho đại đa số người dân.

Rất nhiều người trẻ trong nước, có người còn đang chân lấm tay bùn, ấy thế mà hàng ngày vẫn đều đều có hàng trăm ngàn độc giả ghé thăm trang “báo mạng Facebook” của mình, chẳng nhận một đồng thù lao, quảng cáo gì. Họ xông pha lăn lộn với dân oan khốn khó, để đưa tin, bài, video (có khi trực tuyến) phản ánh sống động đời sống trong nước; giúp dân mình tự bảo vệ mình, nuôi dưỡng lòng yêu nước, căm giận bạo quyền; chẳng phải vật vã những… Trăm với ngàn gì hết, chẳng bận tâm tới cuộc “chuyển lửa cách mạng kháng Trump” về quê hương của mấy bà con đang ở tuốt bên kia địa cầu.

Họ chính là một phần đáng kể, tươi sáng trong tương lai đất nước.

Hà Nội, Tháng 6/2020

Lời riêng của tác giả: cho đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ xoay quanh Tổng thống Trump, đụng tới nhiều lĩnh vực, nhiều người, nên tôi đã gửi bài viết tới một số vị trí thức cao niên đáng kính, và đã nhận được những ý kiến chân thành, bổ ích. Tôi cũng gửi bài tới vài đài/báo mạng tự do; phản ứng của họ thế nào trong việc sử dụng bài, cũng đều có ích, giúp có thêm đánh giá.

——–

1. Chiến tranh Lạnh (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_L%E1%BA%A1nh

2. Các vụ giết người ở Indonesia giai đoạn 1965-1966 (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_v%E1%BB%A5_gi%E1%BA%BFt_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_t%E1%BA%A1i_Indonesia_1965-1966

3. Phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam

4. Sự cáo chung của lịch sử (Nghiên cứu quốc tế). http://nghiencuuquocte.org/2013/07/28/38-su-cao-chung-cua-lich-su/

5. Chia rẽ Trung-Xô (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chia_r%E1%BA%BD_Trung-X%C3%B4

6. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BA%BFn_th%C4%83m_Trung_Qu%E1%BB%91c_c%E1%BB%A7a_Richard_Nixon

7. “Sự cáo chung của lịch sử" – 20 năm nhìn lại (Nhabook). https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2018/04/nhatbook-Su-cao-chung-cua-lich-su-20-nam-nhin-lai-F.-Fukuyama-2010.pdf

8. Trung Quốc: Nhìn lại quá trình 40 năm cải cách, mở cửa (Tạp chí tổ chức nhà nước). https://tcnn.vn/news/detail/41652/Trung-Quoc-Nhin-lai-qua-trinh40-nam-cai-cach-mo-cua.html

9. Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai (SOHA). https://soha.vn/tung-ke-lien-nga-che-hoa-trump-day-trung-quoc-vao-nguy-co-thanh-lien-xo-thu-hai-2018080107512599rf2018080107512599.htm

10. Sau hiệp định tay ba, ông Trump càng mạnh tay hơn với TQ? (Việt NamN). https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-sau-hiep-dinh-my-mexico-canada-ong-trump-cang-manh-tay-hon-voi-tq-481355.html

11. Vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris? (TG&Việt Nam). https://baoquocte.vn/vi-sao-my-rut-khoi-hiep-dinh-paris-104478.html

12. Tổng thống Trump tiết lộ Hàn Quốc ‘đồng ý trả rất nhiều tiền’ trong chia sẻ chi phí quốc phòng (TG&Việt Nam). https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-tiet-lo-han-quoc-dong-y-tra-rat-nhieu-tien-trong-chia-se-chi-phi-quoc-phong-114746.html

13. Nhật sẽ phải trông cậy ông Trump để giữ lính Mỹ ở lại? (Pháp luật TPHCM). https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/nhat-se-phai-trong-cay-ong-trump-de-giu-linh-my-o-lai-874150.html

14. Mỹ định rút quân khỏi Đức: Berlin đã xác nhận, chính giới Mỹ, Anh lo ngại Nga ‘cơ hội hơn’ (TG&Việt Nam). https://baoquocte.vn/my-dinh-rut-quan-khoi-duc-berlin-da-xac-nhan-chinh-gioi-my-anh-lo-ngai-nga-co-hoi-hon-117291.html

15. Lý do Trung Quốc “cự tuyệt” tham gia Hiệp ước INF cùng Nga và Mỹ (VOV). https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/ly-do-trung-quoc-cu-tuyet-tham-gia-hiep-uoc-inf-cung-nga-va-my-1057628.vov

16. Nga tham dự G7: ‘Phép thử’ cho ‘tình bạn’ Nga-Trung Quốc (TG&Việt Nam). https://baoquocte.vn/nga-tham-du-g7-phep-thu-cho-tinh-ban-nga-trung-quoc-116940.html

17. Đại sứ Mỹ tại Đức: ‘Tổng thống Trump dọa ngưng hợp tác tình báo vì Huawei’ (Tuổi trẻ). https://tuoitre.vn/dai-su-my-tai-duc-tong-thong-trump-doa-ngung-hop-tac-tinh-bao-vi-huawei-20200217111031417.htm

18. Đảng Dân chủ Hoa Kỳ (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A3ng_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_(Hoa_K%E1%BB%B3)

19. Donald Trump (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Donald_Trump

20. Đạo diễn Song Chi khuyên những người ủng hộ Trump (FB Song Chi). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/08/670-dao-dien-song-chi-khuyen-nhung-nguoi-ung-ho-tt-trump/

21. Phong trào vận động dân chủ ở hải ngoại đang phá sản vì nạn cuồng Trump (FB Võ Văn Tạo). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/11/688-phong-trao-van-dong-dan-chu-o-hai-ngoai-dang-pha-san-vi-nan-cuong-trump/

22. Phong trào dân chủ cho Việt Nam đi về đâu? (Dân luận). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/11/687-phong-trao-dan-chu-cho-viet-nam-di-ve-dau/

23. Phỏng vấn GS Tạ Văn Tài … về đề tài bầu cử Tổng thống Mỹ … (Văn Việt). http://vanviet.info/van-de-hom-nay/phong-van-gio-su-ta-van-ti-ngy-10-thng-6-2020-cua-k-gia-hong-bch-viet-radio-o-houston-texas-hoa-ky-ve-de-ti-bau-cu-tong-thong-my/

24. Xé tọac Thông điệp Liên bang của TT Donald Trump, Pelosi lộ rõ thói vô văn hóa của đảng Dân Chủ (FB Những người yêu thích Donald J Trump) https://www.facebook.com/NhungnguoiiyeuthichDonaldJ.Trump/videos/612849452843713/

25. Phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence về Trung Quốc tháng 10/2018 (Đại ký sự Biển Đông). https://dskbd.org/2018/10/06/toan-van-bai-phat-bieu-cua-pho-tong-thong-hoa-ky-mike-pence-ve-trung-quoc/

26. Phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence tháng 10/2019 (Sứ quán Mỹ). https://vn.usembassy.gov/vi/phat-bieu-cua-pho-tong-thong-pence-tai-giang-duong-tuong-niem-frederic-v-malek/

27. Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ (Đàn chim Việt). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/15/711-vai-suy-nghi-ve-nen-dan-chu-o-my/ 738. Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: nhận thức về tự do (Việt Nam thời báo). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/20/738-vai-suy-nghi-ve-nen-dan-chu-o-my-nhan-thuc-ve-tu-do/

28. Trump, Obama, Biden … Hoa Kỳ, Trung Cộng và Việt Nam (Ba Sàm). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/11/696-trump-obama-biden-hoa-ky-trung-cong-va-viet-nam/

29. Ủng hộ hay chống Trump (Ba Sàm). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/08/674-ung-ho-hay-chong-trump/

30. Những người yêu thích Donald J Trump (Facebook). https://www.facebook.com/NhungnguoiiyeuthichDonaldJ.Trump/

31. Việt Nam bị vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ, lập tức phản hồi Mỹ (Việt NamN). https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/viet-nam-phan-hoi-viec-my-dua-vao-danh-sach-10-nuoc-giam-sat-thao-tung-tien-te-609347.html

32. Trump chỉ trích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng’ thương mại (VOA) https://www.youtube.com/watch?v=gmdfeV0kTRc

33. Cưỡng bức trước camera: Thú tội trên truyền hình ở Việt Nam (Ba Sàm). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/03/12/460-cuong-buc-truoc-camera-thu-toi-tren-truyen-hinh-o-viet-nam/

34. Cựu cố vấn Nhà Trắng ‘tiết lộ’ ông Trump nhờ ông Tập giúp tái đắc cử, phía Tổng thống bác bỏ (Tuổi trẻ). https://tuoitre.vn/cuu-co-van-nha-trang-tiet-lo-ong-trump-nho-ong-tap-giup-tai-dac-cu-phia-tong-thong-bac-bo-20200618062646037.htm

35. 735. Truyền thông Mỹ: Giám đốc RFA bị sa thải, giám đốc VOA từ chức (BBC). https://basamnguyenhuuvinh.wordpress.com/2020/06/20/735-truyen-thong-my-giam-doc-rfa-bi-sa-thai-giam-doc-voa-tu-chuc/

36. Nhìn lại Hải Triều và cuộc tranh luận nghệ thuật năm 1936 – 1939 ở Việt Nam (Tạp chí Sông Hương). http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p7/c98/n17251/Nhin-lai-Hai-Trieu-va-cuoc-tranh-luan-nghe-thuat-nam-1936-1939-o-Viet-Nam.html

Comments are closed.