Thuật ngữ chính trị (6)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

30. Anomie – Loạn chuẩn. Anomie có xuất từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là: “an – thiếu vắng” và “nomos – luật lệ”. Do đó, có thể hiểu đây là khái niệm chỉ sự rối loạn, sự vô tổ chức do các cá nhân không tuân thủ các qui tắc, các chuẩn mực xã hội hay có thể gọi là loạn chuẩn. Loạn chuẩn có thể xảy ra do xung đột của các hệ thống niềm tin và phá vỡ các liên kết xã hội giữa cá nhân và cộng đồng.

31. Anti-clericalism – Phong trào chống giáo quyền. Chủ nghĩa chống giáo quyền là chống lại quyền lực của tôn giáo, điển hình là trong các vấn đề xã hội hoặc chính trị. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa chống giáo quyền chủ yếu chống lại ảnh hưởng của Công giáo La Mã. Chủ nghĩa chống giáo quyền có liên quan đến chủ nghĩa thế tục, tức là phong trà tìm cách đưa nhà thờ khỏi mọi khía cạnh của đời sống công cộng và chính trị, và việc can thiệp của nhà thờ vào cuộc sống hàng ngày của công dân.
Một số người phản phản đối giới giáo sĩ trên cơ sở suy đồi về đạo đức, các vấn đề về thiết chế và/hoặc bất đồng trong lý giải tôn giáo, ví dụ, trong Cải cách Tin lành. Chủ nghĩa chống giáo quyền đã trở thành hiện tược cực cực kỳ bạo lực trong cuộc Cách mạng Pháp vì các nhà cách mạng nói rằng nhà thờ đóng vai trò nòng cốt trong các hệ thống áp bức. Nhiều giáo sĩ đã bị giết, các chính phủ cách mạng Pháp cố gắng kiểm soát các linh mục bằng cách biến họ thành nhân viên nhà nước.
Chủ nghĩa chống giáo quyền xuất hiện ở Châu Âu Công giáo trong suốt thế kỷ XIX, và sau đó ở Canada, Cuba và Mỹ Latinh, dưới những hình thức khác nhau.

32. Anti-globalization movement – Phong trào chống toàn cầu hoá. Phong trào chống toàn cầu hoá là một phong trào xã hội phê phán toàn cầu hóa kinh tế. Phong trào này cũng thường được gọi là phong trào công lý toàn cầu, phong trào thay đổi toàn cầu hóa, phong trào chống lại những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, phong trào toàn cầu chống doanh nghiệp hay phong trào chống toàn cầu hóa tân tự do.
Những người tham gia phong trào này cùng phản đối các tập đoàn lớn, đa quốc gia có quyền lực chính trị không được kiểm soát – thông qua các hiệp định thương mại và các thị trường tài chính không ai kiểm soát nổi. Cụ thể, các công ty bị cáo buộc tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm các điều kiện và tiêu chuẩn an toàn lao động, giảm tiêu chuẩn tuyển dụng lao động và bồi thường, giảm các nguyên tắc bảo vệ môi trường và xâm phạm tính toàn vẹn của cơ quan lập pháp, xâm phạm độc lập và chủ quyền quốc gia.
Nhiều nhà hoạt động chống toàn cầu hóa không phản đối toàn cầu hoá nói chung và kêu gọi các hình thức hội nhập toàn cầu với nhiều đại diện dân chủ hơn, thúc đẩy nhân quyền, thương mại công bằng, phát triển bền vững và do đó, cho rằng thuật ngữ “chống lại toàn cầu hóa” có thễ dẫn tới hiểu lầm.

33. Antisemitism – Chủ nghĩa bài Do Thái. Chủ nghĩa bài Do Thái là thái độ thù địch hoặc thành kiến, hay phân biệt đối xử đối với người Do Thái, được thể ở nhiều mức độ khác nhau, từ căm ghét cá nhân cho đến các hành động khủng bố bạo lực được thể chế hóa. Ví dụ cực đoan nhất của hiện tượng này là hệ tư tưởng của chủ nghĩa Phát xít của Adolf Hitler – dẫn đến cuộc diệt chủng người Do Thái ở châu Âu, gọi là Holocuast. Chủ nghĩa bài Do Thái thường được coi là một hính thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Mặc dù, trước thế kỉ XIX, thuật ngữ này chưa thong dụng, nhưng hiện nay nó cũng được áp dụng cho các sự kiện chống Do Thái trong quá khứ. Những vụ bức hại đáng chú ý: Vụ thảm sát ở Rhineland (miền Tây nước Đức) trước cuộc Thập tự chinh Thứ nhất năm 1096, Đạo luật trục xuất người Do Thái khỏi Anh năm 1290, các vụ thảm sát người Do Thái Tây Ban Nha năm 1391, những cuộc bức hại của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha, trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1492, những vụ tàn sát do dân Cossack tiến hành ở Ukraine từ 1648 đến 1657, nhiều vụ giết hại và cướp bóc Do Thái (gọi là pogrom) trong Đế quốc Nga từ năm 1821 đến năm 1906, sự kiện Dreyfus ở Pháp ở Pháp từ năm 1894 đến năm 1906, Holocaust ở những nước châu Âu bị Đức xâm lược trong Thế chiến II, chính sách bài Do Thái của Liên Xô; chính sách bài Do Thái của Ả Rập và các nước Hồi giáo tạo ra cuộc di cư (gọi là exodus) của người Do Thái khỏi các nước Ả Rập và Hồi giáo.

34. Anti-system party – Đảng chống hệ thống. Đảng chống hệ thống là đảng chính trị muốn thay đổi hoặc phá hủy hệ thống chính trị đang là môi trường hoạt động của nó. Trong những năm 1950 và 1960 nhiều người sử dụng thuật ngữ này để mô tả các đảng phát xít, cộng sản. Hiện nay ít người sử dụng thuật ngữ này, vì được cho là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt là, từ năm 1945, hầu hết các đảng cộng sản không còn là đảng chống lại hệ thống, theo bất kỳ ý nghĩa nào của thuật ngữ này.

35. ANZUS – Khối ANZUS. ANZUS là khối quân sự bao gồm Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, được kí kết vào năm 1951. Mục tiêu là hợp tác phòng thủ trước các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương, tuy nhiên ngày này nghĩa này được hiểu rộng ra với bất kỳ cuộc tấn công nào trên thế giới.Ban đầu đây là hiệp ước đầy đủ giữa cả ba nước. Tuy nhiên sau cuộc tranh cãi giữa Mỹ và New Zealand về quyền cập cảng New Zealand của các tàu chiến vũ trang hạt nhân Mỹ năm 1984 thì hiệp ước không còn hiệu lực giữa Mỹ và New Zealand nữa. Mặc dù vậy hiệp ước vẫn còn hiệu lực giữa New Zealand và Úc. Năm 2000, Hoa Kỳ lại mở các cảng của mình cho Hải quân Hoàng gia New Zealand, và dưới thởi tổng thống Bill Clinton ở Hoa Kỳ và chính phủ của Helen Clark ở New Zealand, các nước đã thiết lập lại hợp tác song phương về quốc phòng và an ninh vì hòa bình thế giới.
Các hoạt động của khối quân sự này chủ yếu diễn ra giữa hai nước Mỹ và Úc. Các cơ quan phụ trách hệ thống phòng thủ của cả hai nước thường tham gia các cuộc họp thường niên. Cuộc họp này do tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương và tổng chỉ lực lượng phòng vệ quốc gia của Australia đứng đầu và chủ trì. Ngoài ra còn có các cuộc thảo luận dân sự và quân sự thường xuyên ở cấp thấp hơn. Các cuộc họp hàng năm bàn về vấn đề phòng thủ của ANZUS diễn ra giữa bộ ngoại giao hai nước, viết tắt là AUSMIN.
Khác với NATO, ANZUS không có cơ cấu phòng thủ phối hợp hay lực lượng chuyên biệt nào. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Australia thường tiến hành các hoạt động chung khá đa dạng. trong đó có tập trận chung trên biển, đối phó với tình huống đổ bộ, tham gia trao đổi và huấn luyện sĩ quan, chuẩn hóa trang thiết bị và học thuyết quân sự. Hai nước cũng tham gia tổ chức vài cơ sở phòng thủ ở Australia, chủ yếu là các trạm mặt đất cho vệ tinh tình báo và trạm thu thập thông tin tình báo từ Đông Nam Á và Đông Á, đây là một phần của hệ thống ECHELON.
Trong lịch sử, 3 nước đã cùng nhau tham gia nhiều vụ việc như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên, phong trào ly khai ở Malaysia, ly khai của Đông Timo, xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố.

Comments are closed.