Tư liệu về Trường Thông Ngôn

TRƯỜNG THÔNG NGÔN – ĐÌNH YÊN PHỤ – (Tức ĐÌNH AN TRÍ) ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH

Nguyễn Lân Bình

Tháng 9 năm 2015, tòa biệt thự số 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập, đổ một phần do chủ quan (quan điểm t/g). Trong tâm lý nuối tiếc của xã hội trước thảm cảnh đó, trang tin tannamtu.com đã đăng bài: VỤ SẬP NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – HÀ NỘI, BẠN CÓ TIẾC KHÔNG?

Trong bài viết, tác giả đã bị tác động mạnh do bất bình về việc thiếu trách nhiệm của bộ máy quản lý, đã để ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo là một địa chỉ có nhiều dấu ấn liên quan đến lịch sử Hà Nội thời Thuộc địa, rơi vào cảnh bị đe dọa xóa sổ, nên đã có thái độ bi quan và suy diễn về một tương lai không hứa hẹn đối với tòa nhà này, cũng như Đình Yên Phụ, nơi đã từng là Trường Thông ngôn thời Pháp thuộc.

Tuy nhiên, vì thái độ lo lắng đó, chúng tôi đã nhận được bộ tư liệu về lịch sử ngôi đình An Trí (tức đình Yên Phụ) do một người yêu quý lịch sử Hà Nội, sưu tập, gửi tặng, nhằm an ủi tác giả bài viết về vụ sập một phần ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo. Việc một cá nhân đã kiên nhẫn sưu tập các tư liệu, xuất xứ, nguồn gốc lịch sử của danh thắng đình Yên Phụ, thể hiện tấm lòng của một người yêu Hà Nội, quý trọng quá khứ và luôn tự hào về những giá trị lịch sử của dân tộc.

Mục đích của người thực hiện việc sưu tầm này để kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm cần thực hiện khẩn cấp việc bảo vệ, tôn tạo di tích, hiện đang rơi vào sự xuống cấp trầm trọng, có khả năng bị hủy hoại, làm tổn thất đến đức tin và lòng tự hào dân tộc. Bảo vệ những di tích lịch sử là nguyện vọng không phải chỉ của một cá nhân nói riêng mà còn là của nhiều người dân thủ đô nói chung.

Với sự lạc quan và hy vọng trước những thông tin tích cực về đình An Trí – Đình làng Yên Phụ (Trường Thông ngôn thời Thuộc địa), Chúng tôi xin tóm tắt những nét chính của địa danh này, gửi đến các quý vị độc giả như một món quà quý hóa của thuyết có hậu, điều mà ai cũng mong được gặp trong cuộc đời.

clip_image002

Xuất xứ

– (Tóm tắt trích trong Việt diện u linh tập – Thần tích Uy đô Linh Lang – Đời Trần. Bản dịch năm 1991 của Nguyễn Thị Oanh và Mai Hải, Viện Hán Nôm cùng Văn Hậu, Hội Văn hóa Dân gian HN).

Đời Vua Trần Thánh Tông với chính cung Minh Đức Hoàng hậu có một người con nuôi được đặt tên là Uy Lang. Khi Uy Lang tròn 20 tuổi dưới thời Vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên do tướng Toa Đô đem hơn bốn mươi vạn quân sang chiếm nước ta. Uy Lang được sự cho phép của Nhà Vua, đã lập đội quân Hưng Nghĩa và tự lấy hiệu là Thiền Tử Quân, phối hợp với với các cánh quân của Hưng Đạo, Nhật Duật ở Vạn Kiếp và nhiều trận chiến khác để lại các chiến thắng oanh liệt.

Do Uy Lang có nhiều công tích, ông được phong là Dâm Đàm Đại Vương. Giờ Ngọ ngày 8.8 năm Canh Tý, Dâm Đàm Đại Vương qua đời không lý do khi tròn tuổi 36. Nhà Vua thương nhớ quyết định lập miếu thờ tại nơi “nhặt” được Uy Lang lúc nhỏ để ban khen bậc minh đức và đặt tên là đình An Trí.

– (Theo cuốn Phố và Đường Hà Nội – NXB GTVT 2004, trang 392-393 – T/g. Nhà sử học Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc).

“… Từ trước thế kỷ XIX, đây là đất phường Yên Hoa. Tới đầu thế kỷ XIX, phường Yên Hoa chia ra một số thôn nhỏ: Yên Phụ, Yên Canh, Yên Định, Yên Ninh, Trúc Bạch… Phố Phó Đức Chính tính từ phía Bắc xuống gồm dài của các thôn sau: Trúc Bạch, Yên Canh (hai thôn này sau nhập lại thành thôn Trúc Yên), Yên Định và Yên Ninh đều thuộc làng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Dấu vết các thôn này nay là các đình miếu cổ: đình Trúc Yên ở số nhà 62, đình An Trí trên đất Yên Canh cũ ở số nhà 66, đình Yên Định ở số nhà 100…. Đình An Trí là một di tích có ít nhiều giá trị lịch sử. Thần tích kể rằng: Uy Đô là con Vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Minh Đức. Chàng là hậu thân của Uy Linh Lang (tên gọi chung trăm người con của Lạc Long Quân).

Khi quân Nguyên sang xâm lược, Uy Đô mộ nghĩa binh đi đánh giắc. Khi giặc tan, chàng được phong là Dâm Đàm Đại Vương. Năm ấy chàng 36 tuổi. Nhưng tới năm sau Uy Đô qua đời ở ngay nhà riêng tại xóm Bình Thọ. Nhân dân vùng này lập đền thờ chàng ở chỗ bẩy cây gạo nơi chàng “hiển linh” tức nay là đình Nhật Tân; lại lập một đền nữa ở trên chính nền nhà cũ (ở xóm Bình Thọ) tức là đình An Trí ngày nay. Vì lúc này vẫn còn là thuộc phường Yên Hoa nên đình này cũng gọi là đình Yên Hoa (và như thế là bên cạnh thánh Linh Lang, đời Lý được thờ chính tại đền Voi Phục, còn có thánh Linh Lang đời Trần mà nơi thờ chính là đình An Trí).

… Khi thực dân Pháp đặt song ách cai trị ở Hà Nội, chúng đã dựng trường thông ngôn (phiên dịch) bên cạnh đình An Trí. Sau trường này giải tán, nhường chỗ cho học trò tiểu học, và dân chúng quen gọi là trường Yên Phụ tuy trường này không nằm trên đất làng Yên Phụ…”

Bên cạnh những tư liệu được nêu trên đây, trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” nói về con người và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhóm làm phim được chứng kiến tấm bia đá khổ lớn nằm giữa hai hạng mục có cùng kiến trúc của đình An Trí (đình làng Yên Phụ). Nhờ tư liệu về địa danh này, chúng tôi được hiểu nội dung tấm bia là khắc tên những người công đức bằng chữ Hán. Lập vào đời Vua Cảnh Hưng năm thứ 24, một ngày tốt vào tháng Tám năm Quý Mùi (người dịch nội dung bia, Trần Đức Cảnh).

clip_image004

Hiện tại

Sau khi đọc chi tiết những tư liệu có cơ sỏ khá cụ thể về danh thắng này, chúng tôi nhận thấy, những suy nghĩ bi quan về ngôi đình Yên Phụ nêu trong bài viết VỤ SẬP NHÀ 107 TRẦN HƯNG ĐẠO – HÀ NỘI, BẠN CÓ TIẾC KHÔNG? Tạm thời được thay bằng niềm tin và hy vọng, rằng ngôi đình này sẽ được các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, duy trì và tôn tạo.

Về mặt tín ngưỡng và truyền thống của danh thắng, các sử liệu đã xác nhận nguồn gốc của ngôi đình. Về mặt lịch sử tồn tại, sách Phố và đường Hà Nội 2004 của tác giả Nguyễn Vinh Phúc (1926-2012) cũng đã khẳng định, nơi đây, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từng là lớp học đào tạo những học viên người Việt trở thành những trí thức Tây học đầu tiên ở Bắc Kỳ.

Nhìn về mặt xã hội, rõ ràng địa điểm này đã mang trong mình một giá trị to lớn, thậm chí phải gọi là vỹ đại về văn hóa. Khẳng định như vậy bởi lẽ vào giai đoạn lịch sử đó, khi dân tộc Việt Nam chưa có chữ viết riêng, không có nền văn học chữ Quốc ngữ, thì chính cơ sở này đã đào tạo ra những con người, với những tài năng đặc biệt, chịu ảnh hưởng của nền tri thức Tân học (lớp trí thức Tây học) như Trần Trọng Kim (1883-1953- Sinh ở Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936 – Sinh ở Hà Đông), Phạm Quỳnh (1890-1945- Sinh ở Hà Nội) và nhiều gương mặt đáng kính khác ….

Lớp trí thức này là những người tiên phong trong việc cổ vũ, quảng bá, phổ cập cho xã hội, cho dân chúng (chí ít là ở phần Bắc và Trung VN) học chữ Quốc ngữ. Phong trào được khởi xướng từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh (1872-1926), song những người thực nghiệm và thực hiện thắng lợi lý tưởng của Phan Châu Trinh trong lĩnh vực khai dân trí, chính là lớp trí thức này.

Tóm lại, lớp trí thức nền tảng này, dù nhìn ở góc nào cũng không thể phủ nhận vai trò lịch sử của họ trong tiến trình hình thành tính chính danh lịch sử của chữ Quốc ngữ. Nhất là khi quan sát một cách hệ thống việc họ đã chứng minh, tạo sự tác động và thúc đẩy hệ thống chính trị ở Đông Dương thuộc địa, buộc phải đưa chữ Quốc ngữ vào dạy tiểu học năm 1919 đối với trẻ em toàn cõi Việt Nam. Từ đó đã dẫn đến sự soán ngôi của chữ Hán và chữ Nôm với quyết định của Chính quyền về việc sử dụng chữ Quốc ngữ là văn tự chính thức ở Việt Nam.

Sự kiện lịch sử long trọng này, đánh dấu sự thoát hiểm ngoạn mục của văn hóa VN, khỏi sự lệ thuộc vào nền văn hóa Hán học, và thành hình giá trị thiêng liêng của nền văn hóa chữ Quốc ngữ.

Không lẽ, những nhân tố tạo ra ý nghĩa vĩ đại đó không đáng để được xã hội giữ gìn, tôn vinh?

clip_image006

Số nhà 66 phố Phó Đức Chính là cổng trường PTCS Mạc Đĩnh Chi trong nhiều năm. Năm 2009-2010, sau khi xây thêm nhiều hạng mục mới trong khuôn viên chung của đình An Trí – Yên Phụ, cổng trường đã quay ra phía phố Trúc Bạch và có số nhà 55. Bức ảnh được cắt từ clip được quay năm 2006.

clip_image008

Toàn cảnh hai khối kiến trúc đình Yên Phụ – An Trí – trường Thông ngôn năm 2006. Ảnh cắt từ clip quay năm 2006.

clip_image010

Bức phủ điêu trên tường của ngôi đình Yên Phụ. Ảnh cắt từ clip quay năm 2006.

clip_image012

Tấm bia đá chữ Hán, nằm ở khe thoáng giữa hai hạng mục đình Yên Phụ và trường Thông ngôn. Ảnh cắt từ clip quay năm 2006.

clip_image014

Góc nhìn từ phía Đông. Ảnh cắt từ clip quay năm 2006.

clip_image016

Một góc kiến trúc bên trong của đình An Trí-Yên Phụ. Ảnh do Lân Ngọc chụp năm 2016.

clip_image018

Toàn cảnh ngôi đình An Trí – Yên Phụ – Trường Thông ngôn nhìn từ trên cao. Ảnh do Lân Ngọc chụp.năm 2016.

clip_image020

Kết

Đành là khi thực hiện những đòi hỏi của xã hội, người ta thường thông qua những cơ quan, những gương mặt được xác định là chuyên trách. Nhưng là chức danh nào của hệ thống hành chính xã hội tạo ra cũng luôn phụ thuộc vào tư cách của chính những người mang chức danh đó. Nhân cách của những người mang danh nếu tốt, tính trách nhiệm sẽ được họ quan tâm để thể hiện… và ngược lại.

Chúng ta tin vào tính bản thiện của những người có trách nhiệm ở các cấp có thẩm quyền sẽ không coi văn bản số 124/ BQLDT – NVCS ngày 4.5.2015 của Ban Quản lý Di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội chỉ là một ý kiến chỉ đạo hành chính mang tính chiếu lệ.

Chúng ta cũng đề nghị tất cả những ai trân trọng những giá trị văn hóa, trân trọng các bậc tiền nhân có công trong quá trình dựng nước sẽ cùng góp một tiếng nói, một ý kiến, kể cả việc góp thêm một đồng cho việc giữ gìn, tôn tạo lại ngôi đình Yên Phụ đáng trân trọng này.

Chúng ta cũng đề nghị Đại biểu QH Dương Trung Quốc, người có chuyên môn vững chắc, có sự hiểu biết uyên thâm về lịch sử văn hóa Hà Nội, và cũng là người luôn quý trọng các bậc danh sỹ trong lịch sử, sẽ bằng ảnh hưởng của mình, tác động đến các cơ quan có trách nhiệm ở các cấp trong việc thực hiện nội dung công văn số 124 ngày 4.5.2015 của BQLDT – NVCS thuộc Sở VHTTDL Hà Nội.

Tuy nhiên, cuối cùng… chúng ta vẫn phải cầu Trời phù hộ cho mọi sự may mắn!

BBT.Tannamtu.com vô cùng cảm ơn bà Đào Thị Nga ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã cung cấp những tài liệu quý về ngôi đình An Trí.

Chủ nhiệm BBT. Tannamtu.com

Nguyễn Lân Bình.

Nguồn: http://www.tannamtu.com/?p=2634

Comments are closed.