“Cách ly toàn xã hội” – xét về mặt ngôn ngữ học

Ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 16/CT-TTg, trong đó dùng cách diễn đạt “cách ly toàn xã hội” – dễ thấy là dịch từ tiếng Anh social distancing. Ngay chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước. Ngày hôm sau, đích thân Thủ tướng cũng phải giải thích lại, khẳng định lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Đến hôm qua, báo chí Việt Nam bỏ chữ toàn, chỉ dùng cách ly xã hội.

Tuy nhiên, các địa phương thực hiện lệnh của Thủ tướng vẫn rất khác nhau. Ở Hải Phòng, mọi hoạt động đi lại vẫn diễn ra bình thường. Nhưng địa phương sát bên cạnh, là Quảng Ninh, thì cấm tuyệt đối: “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngay ở thủ đô, chiều 31.3, thanh tra giao thông Hà Nội đã định đặt 26 chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố để cấm người và phương tiện ra vào thành phố, trừ trường hợp đặc biệt; chiều tối cùng ngày, phương án này đã bị thu hồi. Rõ ràng cho dù chính phủ đã cảnh báo, vẫn có địa phương hiểu cách ly toàn xã hội là “phong tỏa toàn xã hội”!

Tất cả những sự kiện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” đó cho thấy các cơ quan có trách nhiệm đang lúng túng. Sự lúng túng đó không phải không có lý do ngôn ngữ: social distancing mà dịch cách ly xã hội hay cách ly toàn xã hội đều là “dịch sát từng chữ”; mà nói như Cao Xuân Hạo, “dịch sát từng chữ thường là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”[*]. Nội dung của social distancing là chỉ tất cả các cách thức nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc vật lý như giữ khoảng cách an toàn giữa người này với người kia, chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, tránh bắt tay, ôm, hôn, tránh tụ tập đông người, … Trong khi đó, cách ly xã hội hay cách ly toàn xã hội dễ khiến người dân nghĩ bị giam cầm. Báo chí tiếng Anh, tiếng Pháp cũng dùng khá phổ biến chữ confinement, vốn nghĩa là “giam cầm”, dễ khiến cho người ta sợ. Và sự sợ hãi nếu phổ biến thì xã hội sẽ phải trả giá đắt, có khi còn lớn hơn thiệt hại do chính con virus Vũ Hán gây ra. Đây là điều mà chính chỉ thị 16 lo lắng.

Tôi đề nghị dịch social distancing là “giãn cách khi giao tiếp”. “Giãn”, chứ không phải “gián”, vì tuy “giãn” cũng là “gián”, nghĩa là không trực tiếp, nhưng “giãn” có thêm ý “cách xa hơn” – điều rất cần để tránh lây nhiễm.

Virus Vũ Hán tạo ra một tình huống chưa có tiền lệ. Sự lúng túng thể hiện khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Người ta phải cấp tốc điều chỉnh để giới hạn hậu quả. Về mặt ngôn ngữ, chính WHO cũng thấy điều đó: họ thay social distancing, dễ gây hiểu lầm, bằng physical distancing, tức giãn cách về mặt vật lý. Tuy physical cũng có nghĩa là “cơ thể, thể chất” (như physical education là thể dục) nhưng như ta thấy, dùng tay để cầm nắm một vật có thể nhiễm virus, thì dù cơ thể không đụng chạm gì nhau, vẫn không thể gọi là physical distancing. Dịch sao cho không mất nghĩa là chuyện khó. Điều quan trọng, nhất là trong tình hình nghiêm trọng do virus Vũ Hán gây ra, là đừng gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt xã hội. Theo tôi, có thể dịch physical distancing là “giãn cách tiếp xúc trực tiếp”, tức dịch theo ý, chứ không theo chữ.

Nói gì thì nói, virus Vũ Hán khiến con người cô đơn hơn, nên bên cạnh những ảnh hưởng xấu về vật chất, nó còn có thể gây ra những hậu quả xấu về tinh thần. Do đó, giao tiếp xã hội không những không nên giảm đi (cách ly, phong tỏa,…), mà còn nên đẩy mạnh hơn trước nhưng qua phương tiện công nghệ (điện thoại, e-mail,…). Nhờ đó, người ta có thể vượt qua đại dịch virus Vũ Hán một cách nhẹ nhàng hơn.

Trên FB, anh Nguyễn Quang A đề nghị: “Chính phủ nên lập một nhóm “cố vấn ngôn ngữ” để rà soát các bài viết, bài phát biểu và cách dùng từ ngữ cho chính xác, bớt gây hiểu lầm thì sẽ ngăn chặn được “dịch nổ” có thể gây ra những tác hại và tốn phí lớn!”. Tôi cũng nghĩ như thế.


[*] Cao Xuân Hạo 203, “Khi biên tập viên là một người thầy”. Trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. TP HCM: Trẻ, tr. 271.

Chính quyền TP.Hạ Long, Quảng Ninh, đã cho bịt đường nối xã Bằng Cả với địa phương khác  /// Ảnh NH

Chính quyền TP.Hạ Long, Quảng Ninh, đã cho bịt đường nối xã Bằng Cả với địa phương khác. Thanh niên, ngày 2/4/2020.

Quảng Ninh đổ đất, cẩu bê tông chặn đường như “thời chiến” - ảnh 1

Quảng Ninh: Các lối ra vào thôn bản được lực lượng chức năng đổ đất chắn ngang. Tiền Phong, ngày 1/4/2020.

Quảng Ninh đổ đất, cẩu bê tông chặn đường như “thời chiến” - ảnh 3

Quảng Ninh: Không chỉ đổ đất chắn đường, lực lượng chức năng còn cho xe cẩu bê tông để chặn đường. Tiền Phong, ngày 1/4/2020.

Comments are closed.