“China” thay vì “Trung Quốc” – tại sao?

TS Nguyễn Đình Huỳnh

Văn Việt: Gần đây một số nhà báo, nhà nghiên cứu dùng từ “China” trong các bài viết tiếng Việt. Tuy nhiên việc này chưa được chú ý và hưởng ứng nhiều. Văn Việt trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Huỳnh, người dành nhiều ưu tư cho vấn đề thời sự này và phân tích vấn đề một cách thấu đáo. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Việc dùng “China” thay vì “Trung Quốc” trong nói, viết và nghĩ như đề xuất của tác giả có ý nghĩa không nhỏ đối với nhận thức và thái độ của người Việt Nam trước chủ nghĩa sô vanh, bành trướng Bắc Kinh .

Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống xâm lược, chống đô hộ, chống đồng hóa trong tiếp thu tinh hoa văn hóa, chống lệ thuộc trong quan hệ ngoại bang – trong đó, theo cách nói số liệu mang tính khái quát của người Việt, đã có cả ngàn năm dành cho việc chống xâm lược China, hoặc như ca từ của Trịnh Công Sơn: một ngàn năm đô hộ giặc Tàu

Từ quá khứ người Việt đã nhiều lần ra “tuyên ngôn”: Việt không là China, càng không là quận huyện của China. Như bài thơ Nam quốc sơn hà được cho là của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam, vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời / Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Hay như Bình Ngô đại cáo: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác /Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Vì vậy, lịch sử Việt Nam cũng là lịch sử của một dân tộc khao khát độc lập. Trong sâu thẳm tâm can, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du làm thơ viết văn bằng chữ Nôm là có nỗi khao khát độc lập trong từng con chữ. Hồ Quý Ly thế kỷ 15 và Quang Trung thế kỷ 18 khi lên ngôi liền ra chiếu chỉ dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong toàn hệ thống văn bản hành chính, trong giảng dạy và thi cử, là hai đỉnh cao lưu dấu giấc mơ độc lập thành hiện thực, dẫu ngắn ngủi. Thế mới biết gìn giữ độc lập tinh thần, văn hóa khó triệu lần gìn giữ lãnh thổ khỏi bị xâm chiếm.

Trong dòng lịch sử trang nào cũng thấm máu chống lệ thuộc ngoại bang đó, cùng với ý thức độc lập về ngôn ngữ và chữ viết, là cách xưng hô thể hiện vị trí chủ nhân. Người Việt gọi người nước China đến làm ăn, sinh sống ở nước mình là khách, thậm chí nhấn mạnh tính tạm thời sự có mặt của họ: khách trú. Và mặc cho China ngạo mạn tự xưng Trung Nguyên, Trung Hoa, Trung Quốc với hàm ý đất nước họ là “trung tâm thiên hạ”, có nền văn hóa lớn và sức mạnh kinh tế, quân sự nổi trội hơn các dân tộc và quốc gia còn lại – mà họ khinh miệt gọi quanh: “Bắc Địch – Đông Di – Tây Nhung – Nam Man” – thì văn bản nhà nước phong kiến Việt Nam gọi China theo tên triều đại, như trong bộ Minh Mạng chính yếu gọi China là “Thanh triều”, “Thanh quốc”. Còn dân chúng Việt Nam đều thản nhiên gọi là Tàu. Đôi khi còn là Ba Tàu. Đến nay các học giả còn chưa nhất trí về nguồn cơn nào người Việt đã gọi China là Tàu như vậy.

Mà không chỉ trong dân gian: học giả Trần Trọng Kim, còn là nhà hoạt động chính trị, từng làm thủ tướng chính phủ, khi biên soạn Việt Nam sử lược, bộ sử quốc ngữ đầu tiên của nước ta xuất bản năm 1920, gần ngàn trang viết ông chỉ dùng mỗi từ Tàu để chỉ China. Báo Nam Phong cũng vậy; bậc sĩ phu như Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp cũng vậy; đến các nhà văn thế hệ cách tân Tự Lực Văn Đoàn cũng vậy: Tàu.

Mấy năm gần đây, và nhất là từ khi “mũi dao” 981 đâm vào vùng biển Tổ quốc, khắp nơi, từ quán nước đến nghị trường, từ trang blog đến nhật báo, cách gọi Tàu thay vì Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là phản ứng tự vệ dân tộc, là ý thức đề kháng lệ thuộc, là phủ nhận thân phận “lũ mọi phía Nam” đối với “trung tâm thiên hạ” mà China đã trịch thượng, khinh miệt áp đặt. Nói cách khác, chấp nhận gọi China là “Trung Quốc”, thì trong chừng mực nào đó, là vô tình chấp nhận hệ qui chiếu “Trung Hoa – Bắc Địch – Đông Di – Tây Nhung – Nam Man” của China.

Đặc biệt gần đây, trên các diễn đàn ở nước ta, đã xuất hiện nhiều bài viết dùng China thay cho “Trung Quốc”, như Một đối phương quá xấu của GS Nguyễn Văn Tuấn, hay Suy nghĩ về công thư của ông Phạm Văn Đồng của Hoàng Mai.

China (tiếng Anh), Chine (tiếng Pháp) có gốc từ phát âm theo âm Sin (nhà) Tần, triều đại đầu tiên thống nhất đại lục này, đạt nhiều thành tựu trong sản xuất và ngoại thương. Về sau, tên nước China được các thương nhân trên Con đường tơ lụa sử dụng, phổ biến. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều gọi quốc gia phương Bắc này là China. Và China được chính thức sử dụng trong tất cả văn bản ngoại giao quốc tế. Hơn nữa, trong văn bản tiếng Anh, quốc gia này cũng tự nhận là China.

Người Việt vốn có truyền thống gọi và viết tên các nước không phụ thuộc vào tên họ tự xưng, như Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên… nên sẽ không vấn đề gì khi gọi China không theo tên tự xưng. Nhưng người Việt gọi Tàu, China hay Trung Quốc không đơn giản chỉ là gọi một cái tên mặc nhiên và như một thói quen. Bởi thân phận, thậm chí số phận dân tộc Việt sẽ có phần tùy thuộc vào cách gọi đó. Gieo thói quen, gặt tính cách/ Gieo tính cách, gặt số phận (Samuel Smiles)

Vì vậy, người Việt ta hãy gọi China là China.

Thay đổi thói quen như vậy không chỉ giúp người Việt hòa nhập cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực ngôn ngữ mà còn là một hành động cần thiết để “thoát Trung”, xác lập và khẳng định tư cách độc lập, bình đẳng của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.