“ĐẠO MỘ BÚT KÝ” VÀ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN VĂN HÓA CHINA

VĂN VIỆT: Việc Cục Xuất bản – In và Phát hành sách yêu cầu thu hồi sách “Đạo mộ bút ký” sau khi báo chí tố giác nội dung sách có đoạn thể hiện chủ quyền của China đối với một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như việc thu hồi hàng loạt truyện “Ngôn tình” (một cách có vẻ áp đặt, thiếu cơ sở pháp lý), hay việc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch yêu cầu dời các “linh vật ngoại lai” (sư tử Tàu) khỏi những di tích văn hóa, mới chỉ là vài động tác lẻ tẻ “chẳng đặng đừng” của nhà hữu trách để đối phó với công luận. (Cần lưu ý rằng sách in “Đạo mộ…” chỉ có khoảng hơn 1000 bản, trong khi chỉ cần Google cụm từ “Đạo mộ bút ký”, ta thấy có trên 560.000 lượt truy cập, có cả một tài khoản FB mang tên ấy với gần 19.000 likes). Đối phó “hậu sự cố” là hạ sách. Vấn đề là phải xây dựng một chiến lược chủ động “Thoát Trung về văn hóa” căn cơ và lâu dài, mà nhiều nhân sĩ trí thức đã nêu lên trong chiến lược “Thoát Trung” tổng thể, thể hiện qua cuộc thảo luận mà Văn Việt tổ chức năm 2014. Song một điều ai cũng rõ là không thể có một chiến lược như thế khi giới lãnh đạo tối cao của đất nước vẫn khăng khăng coi “16 chữ vàng, 4 tốt” là đường lối chủ đạo trong quan hệ với nhà nước bá quyền phương Bắc, dẫn đến việc làm ngơ trước những vụ vô tình hay cố ý truyền bá chủ nghĩa bá quyền China xảy ra thường xuyên và tràn lan trong lĩnh vực văn hóa truyền thông.Chỉ cần nhớ đến chuyện một đảng viên lão thành, lãnh đạo một chi bộ ở TPHCM từng công khai phát biểu: “Hoàng Sa chỉ là bãi hoang chim ỉa, việc gì phải tranh chấp” là đủ thấy mức độ nguy hiểm của “quyền lực mềm Đại Hán” thế nào!

Thu hồi “Đạo mộ bút ký” bất hợp pháp

TTO – Cục Xuất bản – In và Phát hành vừa có văn bản gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố yêu cầu thu hồi sách “Đạo mộ bút ký” của tác giả Nam Phái Tam Thúc (Trung Quốc).

 

clip_image001Cuốn sách “Đạo một bút ký” tập 1, phát hành năm 2014 là sách bất hợp pháp – Ảnh: V.V.TUÂN

Cục Xuất bản – In và Phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông) vừa có văn bản gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố yêu cầu thu hồi sách “Đạo mộ bút ký” của tác giả Nam Phái Tam Thúc (Trung Quốc), (tập 1, bản in năm 2014, ngoài bìa ghi NXB Thời Đại và công ty Bách Việt ấn hành) vì phát hành bất hợp pháp.

Trong công văn số 2972/CXBIPH-QLXB, ngày 22-5, do Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành Chu Văn Hòa ký, gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố nêu rõ: Vừa qua, báo chí phản ánh nội dung cuốn sách “Đạo mộ bút ký” của NXB Thời Đại có chi tiết các nhân vật là người Trung Quốc đi tìm mộ cổ qua “đảo Tiên Nữ” (trùng với tên đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và “cụm đảo Thất Liên” (tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh, ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

NXB Thời Đại sau đó đã có công văn số 150/NXBTĐ ngày 21-5 báo cáo Cục Xuất bản – In và Phát hành đã khẳng định cuốn sách “Đạo mộ bút ký” có tên các đảo trong sách trùng với tên đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam là sách bất hợp pháp do công ty cổ phần Bách Việt tự ý phát hành.

Đồng thời ngay sau đó, NXB Thời Đại đã yêu cầu công ty sách Bách Việt thu hồi toàn bộ số sách vi phạm.

Vì thế, Cục Xuất bản – In và Phát hành đề nghị Sở TT-TT các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và thu hồi triệt để cuốn sách “Đạo mộ bút ký” lưu hành bất hợp pháp.

Cục Xuất bản – In và Phát hành cũng chỉ rõ những dấu hiệu nhận biết sách vi phạm là tại chương 8 – “Đổi trời rồi”, trang 267 có chi tiết: “Kế hoạch của bọn họ là bắt đầu tìm kiếm từ khu vực đảo Tiên Nữ ở gần nhất, rồi đến đảo Hà Giải bổ sung vật tư, tiếp đến ba khu vực ở gần cụm đảo Thất Liên, giữa đường chỉ được phép dừng lại không quá nửa giờ. Còn về phương pháp tìm kiếm, nước biển ở Tề Ân cực kỳ trong…”

clip_image002

Nhiều tên đảo, cụm đảo được nhắc tới trong sách – Ảnh: V.V.TUÂN

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/thu-hoi-dao-mo-but-ky-bat-hop-phap/752583.html

‘Đạo mộ bút ký’ làm xói mòn niềm tin thiêng liêng

Theo ý kiến của các học giả, nhà khoa học, việc xuất bản “Đạo mộ bút ký” là làm xói mòn niềm tin thiêng liêng về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam./ Sách lược ‘tái tạo hình dung lịch sử’ của Trung Quốc

TS sử học Nguyễn Nhã (chuyên gia nghiên cứu về biển Đông): Rất nguy hiểm

clip_image003

Những tác phẩm hư cấu có sức lan tỏa rất nhanh vì nó có thể tiếp cận đến mọi đối tượng, kể cả công chúng bình dân, trình độ hiểu biết không cao, và cả người trẻ hiện nay. Chính sự lan tỏa đó thì tác dụng về tuyên truyền, có hiệu quả hơn vì nó mang tính phổ biến rộng hơn, nhanh hơn.

Bây giờ mình không còn mơ hồ gì về mưu đồ bành trướng biển Đông của Trung Quốc nữa. Vì thế, việc xuất bản và phổ biến “Đạo mộ bút ký” ở Việt Nam, theo tôi, đó là những người có tội, nối giáo tiếp tay cho giặc, rất nguy hiểm đối với đất nước nếu còn những luận điểm coi đó là tác phẩm hư cấu và không có hại.

GS.TS Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học – ĐHQG Hà Nội): Gây xói mòn niềm tin

clip_image004

Tác phẩm hư cấu không tác động đến người đọc ở cấp độ lý tính nhưng tác động lớn ở cấp độ tâm lý, tình cảm. Về nguyên tắc, tác phẩm hư cấu có thể gọi tên vùng đất, vùng người không xảy ra trong thực tế nhưng nhân vật vẫn có thể tham gia vào hoạt động.

Nếu hư cấu không mang chủ đích chính trị pháp lý gì thì có thể coi là vô hại. Tuy nhiên cần tính đến một thực tế là não trạng của cộng đồng, vô thức tập thể và tác động có tính chất lan truyền về mặt tâm lý và tình cảm. Những tác động đó dưới ngưỡng pháp lý nhưng bao giờ cũng gây ra những tác động không nhỏ.

Trung Quốc có một truyền thống, kể cả trong sáng tạo nghệ thuật và trong hư cấu, tưởng tượng thì họ cũng đã có một truyền thống xâm lăng về ý chí và về mặt xúc cảm đối với vùng đất khác. Điều đó không phải diễn ra hôm nay mà tư tưởng Hoa Di có từ mấy nghìn năm nay.

Trong thơ Bắc Sơn của Kinh Thi đã từng có câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ/ Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (nghĩa là: Khắp mọi nơi dưới gầm trời, không mảnh đất nào không phải của vua/ Từ mọi vùng đất, đến mọi bến nước, không người dân nào không phải là bề tôi của vua). 

Từ đó, để hiểu rằng tâm lý thiên hạ thuộc về một người, đó là hoàng đế Trung Hoa. Tâm lý đó, đã được giáo dục, đã được truyền bá, đã được mặc định trong ý thức của mọi thế hệ người Hoa từ xưa đến nay.

Loại sách như “Đạo mộ bút ký” thực chất về thói quen của tâm lý tiếp nhận, khai thác và kế thừa thể loại tác phẩm tưởng tượng như vậy. “Đạo mộ bút ký” củng cố tâm lý hướng Hoa. Đối với cộng đồng còn sống với nhiều cảm xúc tiền duy lý (đời sống cảm xúc của tôn giáo, tư duy huyền thoại, tư duy truyền thuyết) mà người Việt Nam còn nặng nề thì chắc chắn là tác động không nhỏ.

Tư duy ấy ám ảnh người Việt Nam rất nhiều. Lối tư duy và cảm nhận tiền duy lý, như đã thấy, đang là cung cách tư duy khá phổ biến ở người Việt và cũng đang được bộ máy tuyên truyền khai thác, sử dụng. Phải tính đến mặt trái của tác động của lối tư duy này.

Loại tác phẩm như “Đạo mộ bút ký” khiến cho cả người Trung Quốc lẫn người Việt Nam gia tăng thêm phức cảm dân tộc chủ nghĩa, gây ám ảnh theo thuyết “Hoa tâm luận”. Vì thế, xuất bản “Đạo mộ bút ký” là làm xói mòn niềm tin thiêng liêng về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam, mà cha ông ta đã quản lý, sở hữu hợp pháp từ hàng bao thế kỷ nay.

Câu chuyện ở đây cho thấy, cần phải nhìn ra một lần nữa chủ nghĩa bành trướng vô thức được hình thành từ rất sớm, được kiến tạo trên nền tảng tiền lý lẽ, tiền luật pháp. Vì thế, thấy được tác động tai hại của “Đạo mộ bút ký” là cần thiết. Đây là trách nhiệm đối với lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, lợi ích tối thượng của toàn dân tộc.

KHẢI MÔNG

Nguồn: http://m.nongnghiep.vn/dao-mo-but-ky-lam-xoi-mon-niem-tin-thieng-lieng-post143363.html

Comments are closed.