Diễn từ của nhà văn Nguyên Ngọc trong buổi lễ ra mắt của Viện Phan Châu Trinh

(Hội An, ngày 7 tháng 2 năm 2017)

Kính thưa …

Thay mặt Viện Phan Châu Trinh, tôi xin chân thành cám ơn các vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An, các vị đại biểu và các vị khách quý, các nhà khoa học và các nhà văn hóa, các bạn và các anh chị đã đến chia vui cùng chúng tôi trong ngày ra mắt của Viện hôm nay.

Viện Phan Châu Trinh ra đời, đúng như tên gọi của nó, nhằm góp phần phát huy di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong phát triển của đất nước ngày nay. Hơn một trăm năm trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu nước, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc hậu nặng nề về văn hóa và văn minh so với đối thủ mới của mình và với thế giới, bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng nô lệ thảm khốc. Từ đó, ông thống thiết nói: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là ‘CHI BẰNG HỌC!’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên nhận ra. Nhà nghiên cứu Lê Thị Hiền Minh chỉ ra rằng đó chính là chương trình nhằm “trang bị cho những người yếu thế [tức cho nhân dân ta] các phương tiện để bước vào một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa”. Có như vậy thì độc lập được giành lại, dù bằng cách nào, mới thật sự có ý nghĩa và mới có thể bền vững. Chúng tôi nghĩ cần hiểu, dù chỉ vắn tắt nhất, về điều được gọi là “Triết học Phan Châu Trinh” như vậy, để thấy rằng ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh minh của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng sáng suốt phát hiện và báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí theo cách nào đó càng nóng bỏng cấp thiết hơn. Chúng tôi muốn được thưa rằng Viện Phan Châu Trinh được thành lập hôm nay chính là trên và vì ý hướng đó.

Viện Phan Châu Trinh mong muốn phấn đấu thành một viện nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa; ra sức thu hút tinh hoa thế giới và phát huy tinh hoa Việt; ngay từ đầu tự xây dựng cho mình một tinh thần nghiêm túc khoa học trong mọi hoạt động lớn nhỏ của mình.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Viện đã ra đời ở Quảng Nam, và đứng chân đầu tiên tại Hội An. Quảng Nam vốn là đất học, đất mở, và đất canh tân. Hội An, với tất cả sự khiêm tốn của mình, rõ ràng là điểm sáng văn hóa của cả nước và được thế giới quay nhìn. Được sinh ra trên một miền đất “chưa mưa đà thấm”, quê hương của nhà khai sáng hàng đầu như thế này là may mắn lớn của Viện. Đồng thời, Viện cũng tự thấy nhiệm vụ trước tiên của mình là tập trung nghiên cứu về tư tưởng khai sáng của Phan Châu Trinh, và đưa tư tưởng lớn ấy vào phục vụ thiết thực cho sự phát triển của quê hương.

Thưa …

Viện Phan Châu Trinh mới ra đời, đã tự giao cho mình một trách nhiệm thật to lớn và nặng nề, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, nhất là trong những bước đầu. Chúng tôi hiểu rõ điều đó, và biết phải tính toán chặt chẽ cho từng bước đi cụ thể, kiên trì và chắc chắn, từ nhỏ đến lớn dần. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ chúng tôi cũng có những chỗ mạnh không nhỏ nếu biết tận dụng và phát huy: Chúng tôi có được sự ủng hộ to lớn và sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Tỉnh và Thành phố. Và đặc biệt bằng những quan hệ khá rộng rãi đã có và chúng tôi sẽ ra sức phát triển, chúng tôi có thể thu hút được sự cộng tác của những chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khắp trong nước và cả ngoài nước. Do vậy sẽ là một khuyết điểm nếu chúng tôi không dám có tham vọng, từng bước và về lâu dài góp phần xây dựng Quảng Nam, và cụ thể Hội An, thành một trung tâm văn hóa của Miền Trung, bên cạnh các trung tâm khác. Chúng tôi nghĩ Quảng Nam, Hội An xứng đáng với một vị trí như vậy. Có thể chăng, cùng với trung tâm về khoa học tự nhiên trong chừng mức nhất định đã ở tầm thế giới đang có hiện nay tại Quy Nhơn, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một trung tâm tương tự về khoa học xã hội và nhân văn ở tại Hội An này. Chúng tôi nghĩ trong tương lai đấy là một khả năng hoàn toàn hiện thực.

Viện Phan Châu Trinh cũng sẽ đồng thời triển khai một số dịch vụ văn hóa và xã hội thông qua các trung tâm của mình, như Trung tâm ngoại ngữ, dạy tiếng Anh, và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Trung tâm Văn hóa Xứ Quảng, v.v.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin phép được báo cáo cùng quý vị: Trong cuộc làm việc đầu tiên của Viện với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Viện chúng tôi nhiệm vụ biên soạn bộ Toàn chí Quảng Nam, được quan niệm như một bộ bách khoa toàn diện về Quảng Nam. Đây sẽ là một bộ sách lớn, dự kiến gồm trên 20 tập, hoàn thành trong 5 năm. Chúng tôi xin cám ơn sự tin cậy của lãnh đạo Tỉnh, xin chính thức nhận nhiệm vụ và xin hứa sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành thật tốt.

Song song với bộ Toàn chí, trong bước đầu chúng tôi sẽ triển khai công trình nghiên cứu về vai trò của tư tưởng Phan Châu Trinh trong lịch sử tư tưởng cận đại và hiện đại Việt Nam; công trình tổng kết 30 năm phát triển của Hội An và những thách thức mới của Hội An hiện nay; công trình điều tra về xã hội học ở miền đông Quảng Nam trong dự án phát triển vùng đất này …

Về lâu dài, sẽ có thể có những công trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, cùng một số công trình về văn hóa xã hội và về con người Việt Nam nói chung …

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, chúng tôi đã hình thành tổ chức của Viện gồm một Hội Đồng Viện và một Hội đồng Khoa học. Xin cho phép tôi được giới thiệu cùng quý vị các thành viên của hai hội đồng trên:

Hội đồng Viện:

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Chủ tịch danh dự Viện Phan Châu Trinh;

Ông Nguyên Ngọc, Chủ tịch;

Ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, Giám đốc NXB Tri thức, Phó Chủ tịch;

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, Phó Chủ tịch;

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Ủy viên thường trực;

Ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên trường Đại học Fullbright, Ủy viên;

Ông Trần Đức Cảnh, Ủy viên;

Ông Phan Hồng Giang, Ủy viên;

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương;

Bà Huỳnh Thị Hường, Ủy viên;

Bà Võ Thị Mai Nhung, nguyên Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, ủy viên;

Ông Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu triết học, Ủy viên;

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên.

Hội đồng Khoa học của Viện:

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch;

PGS. TS. Chu Hảo, Phó Chủ tịch;

PGS. TS.BS. Nguyễn Hữu Toàn, Ủy viên thường trực;

TS. Vũ Thành Tự Anh, Ủy viên;

TS. Lê Tiến Công, Ủy viên;

PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư, Ủy viên;

TS. Trịnh Văn Định, Ủy viên;

TS. Phan Hồng Giang, Ủy viên;

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên;

TS. Nguyễn Đức Lộc, Ủy viên;

Nhà báo Võ Thị Mai Nhung, Ủy viên;

GS. TS. Huỳnh Như Phương, Ủy viên;

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, Ủy viên;

Nhà Nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Ủy viên;

GS. TS. Nguyễn Văn Trọng, Ủy viên.

Xin trân trọng kính mời các thành viên Hội đồng Viện và Hội đồng Khoa học của Viện có mặt hôm nay ở đây bước lên phía trước để ra mắt toàn thể quý vị.

Xin cám ơn.

Comments are closed.