GS Thomas Vallely: Cho rằng mình ‘ngoại lệ’ là rất nguy hiểm

Kim Yến thực hiện
 
05_LNKH.jpg.ashxSuốt 30 năm ông đã kiên trì góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thẳng thắn về điểm yếu chết người của giáo dục Việt Nam.
Theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết để có được tự do học thuật?

Trong bối cảnh Việt Nam, tôi cho rằng để mở rộng sự tự do hàn lâm chính là bớt e ngại nó. Chẳng có gì đáng sợ hay có hại từ tự do hàn lâm. Không có nó, thì không thể xây dựng các tổ chức hàn lâm đỉnh cao thật sự.

Những điểm yếu chết người của giáo dục Việt Nam là những điểm nào? Việt Nam nên đi theo mô hình nào về quản trị đại học?

Một mối nguy hiểm thường trực đối với các quốc gia hay các nền văn hoá là niềm tin cho rằng mình là ngoại lệ, vượt ra ngoài những quy tắc có tính phổ quát. Thật đáng tiếc, xu thế này đang lan rộng ở chính đất nước tôi, đến mức có một thuật ngữ cho nó, đó là “ngoại lệ Mỹ”. Tôi đã trải nghiệm đủ ở Việt Nam để biết rằng ở đây cũng có một phiên bản tương tự. Cho phép tôi, nếu có thể, gọi nó là “ngoại lệ Việt Nam”. 
Sau một thời gian dài theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi thấy tính ngoại lệ này thể hiện ở ít nhất hai lĩnh vực. Đầu tiên là về cách thức đo lường và đánh giá tiến bộ. Không thể cứ tiếp tục nói rằng Việt Nam ngày nay khá hơn Việt Nam trước đây 20 năm, một khi nó vẫn tụt hậu một cách tệ hại so với các nước trong khu vực. GS Hoàng Tuỵ là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối sự nguy hiểm của tính tự mãn trong hệ thống giáo dục Việt Nam. 
 
Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị đại học. Trong các bài nghiên cứu về giáo dục đại học Việt Nam, tôi và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi của quản trị. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng khi các nước cố gắng cải thiện và mở rộng hệ thống giáo dục đại học, thì nền quản trị chứ không phải tiền bạc mới là trở ngại lớn nhất thường gặp. 
Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, có thể có xu hướng cho rằng tiền nhiều hơn sẽ là giải pháp cho mọi vấn đề trong giáo dục đại học. Điều này không đúng. Việt Nam đã chi rất nhiều tiền cho giáo dục đại học. Làm sao có thể đảm bảo rằng số tiền đó được chi tiêu hiệu quả và những cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm giải trình trước những quyết định mà họ đưa ra? Đó là lý do tại sao quản trị là quan trọng. Đây không phải là quan ngại của riêng Việt Nam. 
Ở Mỹ, các trường đại học thường chỉ trích chính quyền liên bang và tiểu bang khi nhà nước cắt giảm ngân sách giáo dục và nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng các đại học phải làm nhiều hơn, phải nỗ lực để giảm chi phí giáo dục đại học vốn dĩ cao một cách bất hợp lý ở đây.

Là người nỗ lực hết mình cho sự ra đời của đại học Fulbright Việt Nam, theo ông đại học Fulbright sẽ tạo một lực đẩy thế nào cho tương lai?

Đại học Fulbright Việt Nam sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam thông qua nguồn vốn con người, vốn kiến thức mà trường đào tạo và hình thành. Nhưng đại học Fulbright Việt Nam chỉ là một tổ chức, với nhiều lắm là vài ngàn sinh viên và giảng viên. Để tạo ra được một số lượng đủ lớn người tài có kỹ năng để tạo sự thay đổi, Việt Nam cần thay đổi một cách hệ thống ngành giáo dục đại học.
Tôi hy vọng đại học Fulbright Việt Nam có thể đóng góp vào nỗ lực cải cách quy mô hơn này trong vai trò là mô hình kiểu mẫu về quản trị đại học, một mô hình mở, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đáp ứng với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
 
Chú thích ảnh: Thomas Vallely nhận giải thưởng Phan Châu Trinh vì sự nghiệp văn hoá giáo dục. (Ảnh: TL)

Comments are closed.