Một chương trình-nhiều bộ SGK: Những điều kiện đủ

Nguyễn Quốc Vương

Chủ trương “Một chương trình-nhiều bộ sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục và Đào tạo” là rất đáng hoan nghênh nhưng nó chỉ phát huy tác dụng và không rơi vào “chủ nghĩa hình thức” khi được bảo đảm bởi những điều kiện đủ nhất định.

Theo tin từ Đài truyền hình Việt Nam (VTV)1, Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đồng ý thực hiện “một chương trình-nhiều bộ SGK”. Cho dù trong cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chưa cho biết lộ trình, thời gian cụ thể thực hiện cơ chế trên nhưng đây thực sự là một tín hiệu tốt, thể hiện sự chuyển biến trong tư duy của phía quản lý giáo dục. Đứng ở góc độ là một giáo viên, tôi ủng hộ quyết định này.

“Một chương trình-nhiều bộ sách giáo khoa” có thể được diễn đạt ngắn gọn bằng một thuật ngữ mượn từ tiếng Nhật là “cơ chế kiểm định SGK”. Bản chất của cơ chế này nằm ở chỗ nó thừa nhận tính tương đối của SGK: SGK chỉ đóng vai trò là một trong những tài liệu tham khảo chủ yếu, quan trọng trong quá trình học tập chứ không phải là duy nhất và tuyệt đối. Những điều viết trong SGK không phải là chân lý tuyệt đối đúng đắn, bất di bất dịch mà giáo viên chỉ cần thuyết giảng, học sinh chỉ cần ghi nhớ là… xong. Trong cơ chế này, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ đóng vai trò là nơi đưa ra khung hướng dẫn, quy chế thực hiện biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK và giám sát việc thực hiện. Việc biên soạn nội dung cụ thể của SGK sẽ trở thành quyền tự do của các cá nhân hoặc tập thể tác giả và nhà xuất bản (NXB).

Trên thế giới hiện nay tồn tại nhiều cơ chế biên soạn và tuyển chọn sách giáo khoa như: “quốc định”, “kiểm định”, “tự do”. Ở cơ chế “quốc định”, nhà nước sẽ nắm quyền biên soạn, phát hành một bộ SGK duy nhất. SGK đó sẽ được sử dụng thống nhất ở tất cả các vùng, miền. Cơ chế “tự do” rất thịnh hành ở các nước Bắc Âu, nơi SGK được xuất bản và lựa chọn giống như vô vàn các cuốn sách thông thường khác. Những nước như Nhật Bản, Trung Quốc… hiện đang thực hiện cơ chế “kiểm định”.

Xét trong lịch sử giáo dục thế giới, chế độ kiểm định SGK thường xuất hiện cùng lúc với quá trình cận đại hóa giáo dục. Nhật Bản đã thực hiện cơ chế này từ thời Minh Trị (1868-1912) và tái thực hiện nó từ năm 1945 sau một thời gian dài gián đoạn bởi chủ nghĩa phát xít. Ở Việt Nam, phải thừa nhận một điều chúng ta không có truyền thống và kinh nghiệm đối với cơ chế này. Nhưng đây là bài toán mà thế giới đã giải xong từ vài chục năm trước, bởi vậy chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng. Hơn nữa, cơ chế kiểm định SGK sẽ là một tất yếu không thể tránh nếu muốn cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn vào kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi muốn nêu ra đây một vài vấn đề cần lưu ý khi thực hiện cơ chế này.

Những cái khó sẽ cần tháo gỡ

Thứ nhất, cần lưu ý và đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng của toàn bộ quy trình thẩm định và lựa chọn SGK. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải có quy chế chặt chẽ đảm bảo không có những tiêu cực dưới dạng “ưu ái” hay “phân biệt đối xử” đối với các bản thảo đăng kí thẩm định. Các quy định này cần phải được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giới chuyên môn và nhân dân theo dõi, giám sát. Các nội dung thẩm định, yêu cầu sửa chữa, lý do “đánh trượt”… cần phải được thông báo bằng văn bản đối với NXB và tác giả. Các tác giả và NXB có quyền phản biện, khiếu nại, bảo lưu ý kiến khi không cảm thấy thỏa mãn với quyết định của Hội đồng thẩm định. Các cuốn sách không vượt qua vòng thẩm định có thể xuất bản dưới dạng sách tham khảo hoặc sách phổ biến tri thức thông thường khác.

Thứ hai, cần đảm bảo tính liêm chính, công bằng và tiêu chuẩn học thuật của Hội đồng thẩm định. Khi thực hiện cơ chế kiểm định SGK, đương nhiên Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc tổ chức Hội đồng thẩm định. Vấn đề đặt ra là Hội đồng thẩm định sẽ gồm những ai? Quyết định cuối cùng đối với bản thảo SGK là quyết định của chủ tịch Hội đồng hay dựa trên kết quả của các lá phiếu độc lập từ mỗi thành viên? Theo kinh nghiệm của nước Nhật, thành viên của Hội đồng cần có sự tham gia của các thành phần như: quan chức quản lý giáo dục, các giáo sư ở các trường đại học, các nhà nghiên cứu độc lập, giáo viên giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông, đại diện hội đoàn xuất bản và truyền thông… Thành viên của Hội đồng phải là những người có uy tín về mặt khoa học và đạo đức học thuật. Hội đồng phải được giám sát chặt chẽ bởi công luận để tránh việc “đi đêm” giữa Hội đồng với phía biên soạn SGK.

Thứ ba, cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm lựa chọn SGK. Một khi chấp nhận và thực hiện cơ chế kiểm định SGK nói trên thì việc lựa chọn bộ SGK nào trong số các bộ SGK vượt qua vòng thẩm định theo định kì sẽ thuộc về ai? Giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn, sở giáo dục và đào tạo hay hiệu trưởng nhà trường? Cần phải có “hàng rào pháp lý” để ngăn chặn sự lựa chọn dựa trên lợi ích phe nhóm thay vì dựa trên chất lượng SGK và mục tiêu giáo dục.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Ở Nhật Bản, việc biên soạn SGK mọi cấp từ tiểu học đến THPT là do các NXB tư nhân và các tác giả tiến hành, không có sự tham gia trực tiếp của nhà nước. Các SGK mà chúng ta thấy học sinh Nhật Bản sử dụng trong trường là các cuốn sách được các NXB này biên soạn dựa trên bản “Hướng dẫn học tập” của Bộ Giáo dục. Văn bản này là văn bản chỉ đạo chính thức của Bộ Giáo dục về mục tiêu, nội dung, phương pháp của từng môn học ở các cấp phổ thông. Tuy nhiên bản “Hướng dẫn học tập” này của Bộ Giáo dục rất chung chung và chỉ nêu ra những điểm gợi ý mang tính chất khái quát. Do vậy để tiến hành biên soạn sách SGK, các NXB phải chủ động và dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu văn bản này và biên soạn nên nội dung của SGK. Sau khi biên soạn xong, NXB sẽ đăng kí xin thẩm định. Bộ Giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định các bản thảo được đăng kí và đưa ra quyết định nó có được trở thành SGK hay không. Thủ tục thẩm định được xác định bởi “Quy tắc kiểm định sách giáo khoa” và bản “Hướng dẫn học tập”.

Những văn bản này đều được đăng tải công khai. Đảm nhận công việc này là Hội đồng thẩm định SGK do Bộ Giáo dục thành lập. Hội đồng này thường bao gồm các viên chức của Bộ, nhân viên thẩm định do Bộ chỉ định từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông và đại học với số lượng khoảng vài trăm người. Các buổi thảo luận để đưa ra quyết định của Hội đồng được tiến hành công khai. Theo thông lệ, kết luận của Hội đồng thẩm định sẽ được đưa ra vào tháng 11 cùng năm tiếp nhận đăng kí. Trong trường hợp cuốn sách được công nhận là SGK, thông báo trúng tuyển sẽ được gửi ngay tới NXB. Tuy nhiên trên thực tế thì phần lớn các cuốn sách đăng kí không được Hội đồng thẩm định chấp nhận nguyên văn mà Hội đồng sẽ bảo lưu quyết định và yêu cầu sửa chữa với văn bản giải thích cụ thể các điểm. Đối với các trường hợp không đạt, Hội đồng phải đưa ra thông báo công khai. Trong trường hợp này, NXB có quyền phản biện ý kiến thẩm định và yêu cầu được tái thẩm định.

Các SGK sau khi vượt qua vòng thẩm định sẽ được tuyển chọn đưa vào sử dụng. Các trường THPT và các trường tiểu học, THCS công lập có thể lựa chọn SGK từ danh sách các SGK đã qua kiểm định theo quy mô trường hoặc theo khu vực quy định. Tính ở thời điểm năm 2011 trên toàn nước Nhật phân chia làm 582 khu vực tuyển chọn SGK. Mỗi khu vực này sẽ chọn chung một bộ sách giáo khoa.

Một khi thực hiện cơ chế kiểm định SGK, triết lý, quy trình, cách thức tiến hành kiểm tra đánh giá đương nhiên cũng thay đổi. Mục tiêu giáo dục sẽ là tiêu chuẩn quy chiếu quan trọng khi tiến hành kiểm tra đánh giá. Ở Nhật trừ kì thi tuyển sinh vào cấp Trung học phổ thông (dùng đề thi riêng của từng trường) và kì thi tuyển sinh vào đại học (dùng đề chung trên toàn quốc) mang tính cạnh tranh, việc kiểm tra đánh giá học tập thuộc quyền tự chủ của giáo viên và nhà trường. Sự phong phú của SGK và thực tiễn giáo dục của giáo viên không hề gây khó khăn cho kiểm tra đánh giá bởi nó vẫn tuân thủ mục tiêu giáo dục và những nội dung cơ bản nhất được quy định trong bản “Hướng dẫn học tập” của Bộ.

Cần một triết lý giáo dục rõ ràng và cụ thể

Cuối cùng, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng trong một cuộc cải cách giáo dục để tạo nên sự thay đổi căn bản, đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi tình thế khó khăn có thể nói là nguy nan hiện tại, cơ chế kiểm định SGK là cần thiết nhưng chưa đủ. Mục đích của cơ chế này là nhắm đến tính tự chủ, sáng tạo của các tác giả viết SGK và quan trọng hơn là sự sáng tạo, chủ động trong tinh thần tự do truy tìm chân lý của giáo viên trực tiếp giảng dạy tại hiện trường giáo dục. Triết lý-mục tiêu-phương châm giáo dục cần phải được minh định để các giáo viên căn cứ vào đó mà sáng tạo. Mẫu hình con người mơ ước– nơi thể hiện tập trung triết lý giáo dục– càng rõ ràng và có tính phổ quát thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi giúp định hướng cho giáo viên.

Thêm nữa, cần chú ý rằng cơ chế này sẽ không phát huy được tác dụng và rơi vào “chủ nghĩa hình thức” một khi khung hướng dẫn do Bộ đưa ra quá chặt chẽ, chi tiết. Nên nhớ rằng bản hướng dẫn chương trình càng ngắn gọn, khái quát thì sẽ càng tạo thuận lợi cho các tác giả SGK và giáo viên. Các cơ quan và những người nắm giữ vai trò quản lý giáo dục cần phải công nhận và đảm bảo cho mối quan hệ độc lập tương đối giữa chương trình-SGK và “thực tiễn giáo dục” của giáo viên. Về phía những người giáo viên, nên coi đây là cơ hội lớn để tiến hành các “thực tiễn giáo dục”. Những “thực tiễn giáo dục” phong phú từ hiện trường sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng tạo nên hàng vạn, hàng triệu cuộc “cải cách giáo dục từ dưới lên”. Sự tương tác giữa hai dòng chảy cải cách giáo dục “từ trên xuống” và “từ dưới lên” sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng và tích cực cho giáo dục Việt Nam.

1http://vtv.vn/thoi-su-trong-nuoc/se-co-mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa/120856.vtv

Nguồn:http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7717

Nguyễn Quốc Vương

Comments are closed.