Thật lòng mà nói, tôi theo dõi vụ này từ trước đến nay nhưng không thấy ông bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận lên tiếng gì, như vậy nghĩa là làm sao? Có lẽ ông Luận và các cộng sự đang bận lo triển khai cái đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” với những mục tiêu rất hoành tráng và xôm tụ nên không thèm bận tâm đến “chuyện lặt vặt” này? Hay là ông cũng có bận tâm nhưng lại không đủ dũng khí để nói lên tiếng nói của lương tri với tư cách một nhà giáo, một nhà khoa học kiêm nhà quản lý (để trước hết là lấy lại công bằng cho Nhã Thuyên trên phương diện pháp lý). Điều mà giống như vừa qua ông được giới truyền thông tung hô (một cách rất xu nịnh) qua một phát biểu được cho là thẳng thắn và “dũng cảm”: “Bằng cấp giả chỉ lọt vào được cơ quan nhà nước”.
Cho nên ông Luận ít ra trong cái nhìn của tôi đến thời điểm này hoàn toàn không phải là người dũng cảm. Nhất là dũng cảm để nhìn vào một thực trạng thảm hại của nền giáo dục hiện nay (để mà thay đổi toàn diện nó) đó là: nền giáo không cho con người một chút tự do nào trong nghiên cứu khoa học, hoàn toàn không có tự do trong tư tưởng để sáng tạo. Thế nên những mục tiêu giáo dục hoàng tráng mà ông Luận trình bày trong đề án đổi mới toàn diện lần này thật ra chỉ là nói cho vui, cho có mà thôi. Lần đổi mới này rồi cũng lại tiếp tục cho ra những “cái máy”, cho ra loại người chỉ biết “gọi dạ, bảo vâng” chứ chẳng có chính kiến cá nhân, chẳng có tư duy độc lập hay sáng tạo gì cả.
Chao ôi, tôi đã có thêm cơ sở để cũng cố thêm niềm tin của tôi lâu nay về khả năng thất bại của lần đổi mới toàn diện này. Dù rất buồn và không muốn chút nào nhưng rất tiếc đây là sự thật không thể không nói ra. Cái sự thật về nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay chẳng qua chỉ là “một cái vòng tròn nhỏ trong một cái vòng tròn lớn” như cách nói của một học giả đáng kính. Muốn đổi mới giáo dục thành công thì phải đổi mới cái “vòng tròn lớn” chứ cái “vòng tròn nhỏ”! Các vị có dám làm không? Nếu không thì xin đừng có mị dân để rồi lấy tiền đóng thuế của dân tiêu xài vô độ và hoang phí.
Đỗ Phong
Tôi hết sức đau lòng khi thấy không khí học thuật trong trường đại học lại ngày càng tồi tệ hơn trước, trong khi không khí chung của toàn xã hội là ngày một dân chủ hơn. Hồi tôi học ở khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1977-1981 – cùng lớp với PGS-TS Vũ Thanh), bầu không khí chung của xã hội còn rất nặng nề ( khoảng năm 1979-1980 còn có ý cho rằng một trào lưu Nhân văn – Giai phẩm mới đang manh nha xuất hiện với một loạt tác phẩm ”có vấn đề” bị ”đánh” dữ dội thuộc đủ các lĩnh vực như trong lý luận – phê bình có ”Bản đề dẫn…” của Nguyên Ngọc; bài ”Ai điếu…” của Nguyễn Minh Châu; bài ”Về chủ nghĩa văn học phải đạo…” của Hoàng Ngọc Hiến; trong sáng tác có kịch của Nguyễn Đình Thi, thơ của Thạch Quỳ, tiểu thuyết ”Cha và con và…” của Nguyễn Khải… nhưng trong trường, không khí nghiên cứu, học tập vẫn khá là cởi mở, dân chủ. Chẳng hạn, tôi được PGS Hồ Tấn Trai, dạy chuyên đề ”Văn học phương Tây hiện đại” giao cho viết bài phê bình tác phẩm ”Số Không và Vô tận – Le zero et l-infini”- một tác phẩm ”phản động” vì lên án Sta-lin thảm sát chính các đồng chí gần gũi của mình. Trong bài viết, tôi có đưa ra một số nhận xét không ”chính thống” nhưng thầy Trai chỉ nói miệng lưu ý tôi còn vẫn đánh giá tốt bài viết, cho điểm 9 và tính luôn là kết quả điểm thi môn. Tương tự như thế là thầy Trần Đình Hượu cũng luôn khuyến khích đi tìm vấn đề mới, cách đi mới và mạnh dạn đưa ra những bình giá mới đối với các tác gia, tác phẩm văn học, kể cả những giá trị đã định hình. Sau này, tôi rẽ ngang làm việc khác, không theo dõi tình hình nghiên cứu, học tập Văn học nữa, không ngờ bây giờ lại tệ hại thế này. Thật buồn cho môi trường khoa học xã hội – nhân văn nước nhà!
P/S: Nhân đây, cho tôi gửi lời tới PGS-TS Vũ Thanh, chú em bạn học cùng lớp mà tôi rất quý: Thanh ơi! Em là nhà khoa học, là kẻ sĩ… trước sự việc này, em hành xử sao đây?
Việt Hồng
Tôi chỉ là một giáo viên dạy văn ở một vùng đất xa xôi của Tổ Quốc nơi mà cái nắng cái gió cũng thật là khắc nghiệt,không có điều kiện ra thủ đô chủ yếu là đọc học qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng cùng với những buổi được học thêm ở các giáo sư Trần Nho Thìn, Đỗ Ngọc Thống, Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn trong tôi luôn là cảm xúc của niền tự hào về những giá trị của nền văn học dân tộc mà ông cha tạo dựng vun đắp từ ngàn đời. Mỗi bài giảng của các thày mỗi tác phẩm văn chương đọc tìm hiểu đều đém đến cho tôi bao ý nghĩa bao bài học bổ ích vô cùng. Tôi thật sự trân trọng về điều đó. Thật tình cờ tôi đọc được luận văn của ĐTT tôi thật sự bất ngờ, hụt hẫng, chạnh lòng… vì những lẽ. Tôi cứ tưởng làm một luận văn TS thì vấn đề tìm hiểu phải thuộc về khoa học chính thống và đem lại hiệu quả phục vụ cho việc dạy và học nhưng đằng này nội dung tìm hiểu lại thuộc về ngoài luồng không được công nhận là khoa học chính thống mà vẫn được công nhận và trao bằng cấp? Mặt khác ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ nghệ thuật luôn đem đến cho người đọc cảm xúc thăng hoa hướng đến Chân Thiện Mĩ nhưng trong luận văn này gần như dung tục hoá ngôn ngữ đọc mà rợn người. Trong đời thường bản thân chưa dám nói huống chi lại là một luận văn khoa học. Cái đẹp của nghệ thuật của thuần phong mỹ tục dân tộc đã bị dung tục hoá. Đọc luận văn này tôi thấm câu nói của Nam Cao “sự cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện”. Sinh viên học sinh của chúng ta đọc luận văn này sẽ sao đây trước ngôn ngữ bị dung tục hoá và nội dung không đề cập đến những gì thuộc về khoa học chính thống?… tôi chỉ mong rằng chúng ta hãy vì khoa học vì trách nhiệm với nghề với tinh hoa văn học dân tộc với thế hệ tương lai mà có tiếng nói cho đúng lương tâm đạo lý đừng vì một lẽ gì đó mà đánh mất niền tin vì bản chất của văn chương nghệ thuật là hướng đến cái đẹp hướng về giá trị làm người vì con ngườii vì cuộc sống.
Phan Như Huyên
Cám ơn TH đã post bài LV của Nhã Thuyên. Mỗi người mỗi ý. Có điều là, tại sao được rồi lại không được? Khi sinh viên viết một luận án cao học, thì đã có thầy theo dõi. Khi trình bầy thì đã có các vị giám khảo sát định. Nhã Thuyên đã qua giai đoạn đó, đã được cấp bằng, đã đi dạy,… rồi lại bị đòi bằng cấp lại. Thì đúng là kỳ cục!
Tục hay không tục, không ở nơi chữ, mà ở nơi tâm. Trong lớp học, đôi khi có những em nói chuyện masturbate, hay lấy ngón tay xỏ xỏ vào nhau. Tôi bảo, không phải là giờ nói những thứ đó. Thực ra, các em biết vậy là tốt cho các em.
Việc dùng những từ ngữ tục trong thơ văn, vẫn là điều chấp nhận được. Bên Nhật có ngày hội rước “dương vật”, các bà các cô ăn kem có hình dương vật, có sao đâu? Mình không thích thì thôi. Hoặc có những bữa đại tiệc, nhiều cô gái khỏa thân đưa thân làm mâm cho những món ăn quý. Ở bên Ý, người ta ăn mặc sang trọng để ngắm những bức tranh trần truồng. Còn nhiều nữa, trong hội họa, trong y khoa… những người mẫu… Khi phân tích một bài văn tục một cách khoa học và đứng đắn, thì tục tính giảm đi hoặc mất đi.
Tuy nhiên, cũng có những người nhậy cảm trong vấn đề giới tính, chính trị, vv, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể xóa bỏ đi một việc làm chính đáng, dễ dàng như vậy.
Việt Hồng
Có những tác phẩm văn học ngoài luồng đem đến cho người đọc niền hưng phấn và được công chúng đón nhận rất nhiệt tình bởi những tác phẩm ấy đã đem lại cho người đọc những điều đẹp đẽ về nội dung ý nghĩa và hình thức nghệ thuật mới mẻ ngôn ngữ trong sáng. Những tác phẩm ấy như đã nói được những điều của lòng người của cuộc sống… bản thân tôi cũng rất trân trọng về điều đó. Song rất tiếc những điều ấy tôi không tìm thấy ở luận văn này. Hơn nữa nếu đó là một luận văn thật sự có giá trị ở mọi phương diện thì đâu có phải chịu một kết quả như hiện tại. Tôi chỉ nói lên sự cảm nhận của riêng tôi một giáo viên dạy văn mà tháng ngày trước tôi là những cô cậu học trò rất nặng lòng với văn chương. Một số em cũng đã đọc LV và đỏ mặt và nói sao kỳ vậy… tôi viết ra điều suy nghĩ của mình mà không với mục đích tranh cãi tranh luận với ai. Tôi chỉ mong sao những gì là tinh hoa văn hoá dân tộc, những gì là thuần phong mỹ tục dân tộc được ông cha xây đắp lưu giữ truyền dạy cho con cháu từ ngàn đời được trân trọng giữ gìn để không có lỗi với con cháu mai sau mà thôi vì mình là người đi trước.
Cô giáo vùng cao
Gửi chị Hồng!
Tôi cũng là giáo viên dạy Văn, cũng ở miền núi, nhưng thú thực tôi có những suy nghĩ hoàn toàn khác chị. Tôi không thích thơ Mở miệng, nhưng không thấy việc chọn nhóm này nghiên cứu tại khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội có gì là sai. Nghiên cứu khác với tuyên truyền chị ạ! Việc dạy học Văn của chúng ta hiện tại đều là tuyên truyền cả thôi, với cách định hướng nội dung của Sách giáo viên, của chương trình…
Chị dạy Độc Tiểu Thanh ký, chắc vẫn thương xót cho người phụ nữ tài hoa mà abc này nọ, chắc vẫn chửi rủa xã hội phong kiến thối nát, đày ải con người thế này thế kia. Tôi tin như vậy, qua cách nghĩ, cách hành văn của chị! Chị có nghĩ học trò sẽ nói: “con đấy (Tiểu Thanh) ở với thằng có vợ bị nó tương cho là đúng rồi” không? Và chị thấy, xã hội hiện tại của chúng ta còn những nàng Tiểu Thanh không?
Cách dạy Văn như thế khiến văn chương trên bục giảng khác xa đời sống một trời một vực, khiến điều giáo viên Văn nói ngày càng sáo rỗng và thiếu tính xác tín, môn Văn ngày càng nhàm chán…
Chị luôn muốn dạy học sinh nói điều hay lẽ phải, tâm nguyện ấy hết sức cao cả. Nhưng chị có thấy học trò giờ rời lớp học nói bậy đến thế nào không? Chị đừng nghĩ các em ấy đang mang “tâm hồn non dại”. Xin thưa là không! Vì tôi đã thấy, ở một tỉnh miền núi như chỗ tôi, học trò lớp 8 đã thông thuộc những khái niệm “mút kem”, “thồi kèn”… Hoặc tôi không có may mắn như chị được dạy toàn học sinh non dại!
Tôi chỉ mong chị đừng gán ghép Luận văn của Thoan vào những định hướng giáo dục lí tưởng của chị. Về cơ bản, chuyện nghiên cứu của Thoan và tuyên truyền của chị hoàn toàn khác nhau! Chưa kể đến, PGS Nguyễn Thị Bình là nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực và uyên bác nhất về Văn học hiện đại Việt Nam mà tôi từng biết. Tôi cũng tin, chị chưa bao giờ được học cô Bình cả. Chưa học, chưa đọc, chưa nghiên cứu, mà phán thì giống tuyên truyền, tuyên huấn lắm chị ạ!
Rất Là Buồn
Gửi Thầy/cô Việt Hồng.
Đọc những gì VH viết tôi có thể hiểu, thông cảm với sự “trong sáng”, nỗi trăn trở và cả sự yêu nghề yêu người của VH với tư cách là một gv dạy văn mà theo như VH nói là ở “vùng xa xôi của Tổ quốc”. Tuy vậy, có lẽ tôi nghĩ VH đã có sự nhầm lẫn mà như BBT HTN cũng có 2 lần trao đổi với VH. Nhân đây tôi cũng mạo muội có mấy lời trao đổi thêm với VH thế này:
Một là, xin VH nhớ và phân biệt, ở đây Nhã Thuyên đang làm công việc nghiên cứu khoa học; đối tượng nghiên cứu của Nhã Thuyên là thơ của nhóm “Mở miệng”. Cho dù VH hay ai đó có không thích hay thậm chí phê phán thơ nhóm MM (đó là quyền của mỗi người) thì cũng không có quyền xúc phạm, miệt thị con người cá nhân họ. Càng không có quyền xúc phạm Nhã Thuyên – ở đây đơn thuần chỉ là người nghiên cứu khoa học – nghiên cứu về một vấn đề, một phương diện của đời sống văn học dù muốn dù không, dù bên lề hay hay chính thống thì nó cũng đã từng tồn tại, đang tồn tại trong đời sống xã hội nước ta. Tôi cho rằng, cách làm của những lãnh đạo ở trường ĐHSP HN thời gian là một sự xúc phạm ghê gớm đối với Nhã Thuyên; hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực văn hóa ứng xứ trong môi trường giáo dục vốn rất cần sự nhân văn, nhân ái.
Hai, Nhã Thuyên nghiên cứu thơ của nhóm Mở miệng bằng phương pháp khoa học rất rõ ràng cụ thể, chặt chẽ, bài bản… vì thế, nếu VH hay ai đó cho rằng thơ nhóm Mở miệng không đáng để nghiên cứu thì cũng phải bằng phương pháp và tư duy của người làm khoa học, dùng lý luận khoa học (ở đây là lý luận văn học) để phản biện, để phủ định lại (đây cũng là quyền của mỗi người) chứ nhất định không thể dùng “cường quyền” (ở đây là quan điểm của người làm chính trị) để trấn áp suy nghĩ, trấn áp tinh thần của Nhã Thuyên mà bất chấp đạo đức khoa học hay thậm chí bất chấp luật lệ, pháp luật (ở đây là bất chấp quy chế về tuyển sinh cao học, quy chế làm luận văn và công nhận học vị Thạc sĩ của Nhã Thuyên). Cho nên, sở dĩ các nhà khoa học, các học giả, trí thức chân chính đang lên tiếng bênh vực Nhã Thuyên suy cho cùng là vì lý do này. Là giáo viên dạy văn hẳn VH không còn lạ gì ở ta lâu nay chuyện “văn học phải phục vụ chính trị”, hay chính trị can thiệp thô bạo vào văn học nghệ thuật nói chung là những quan điểm, cách làm nhằm giết chết văn học, giết chết nghệ thuật, giết chết sự sáng tạo của người nghệ sĩ một cách thâm độc và ghê tởm nhất. Là người dạy văn tôi tin chắc VH không thể không biết vụ “chính trị” định khai tử nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì cái tội viết “Cánh đồng bất tận” năm nào. Lần ấy nếu như không có sự lên tiếng của công luận chân chính chắc Nguyễn Ngọc Tư cũng tiêu đời rồi.
Ba, VH cho rằng Nhã Thuyên nghiên cứu thơ của nhóm Mở miệng, hay thơ của nhóm Mở miệng là sự phủ nhận giá trị truyền thống cha ông là cách nói quy chụp học thuật thiếu căn cứ. Nói thật, cá nhân tôi đến giờ này tuy không đánh giá cao thơ của nhóm Mở miệng (nếu nhìn từ góc độ mỹ học về “cái đẹp”, mỹ học của sự sáng tạo nghệ thuật; đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ trong thi ca – dĩ nhiên đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi) nhưng tôi hoàn toàn không tìm thấy một “cơ sở dữ liệu” nào để nói rằng thơ của nhóm mở miêng, hay khi Nhã Thuyên nghiên cứu thơ của nhóm này thì Nhã Thuyên và các nhà thơ trong nhóm MM đang cố tình phủ nhận những giá trị truyền thống như VH nói.
Còn nhiều điều muốn trao đổi với VH, tuy vậy ở không gian này tôi thấy mình cũng không được phép nói nhiều nếu không sẽ ảnh hưởng đến bạn đọc khác.
Rất Là Buồn
Ông Xuyền /Suyền này có viết cuốn “Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo” nhưng đọc vào thì chẳng thấy “cá tính sáng tạo” đâu cả. Hèn gì mà thấy Nhã Thuyên sáng tạo ông ta đã hoảng lên. Hôm nay biết được ông ta làm đến Phó hiệu trưởng trường đào tạo giáo viên ở thủ đô nữa. Ôi chao “đường vinh quang xây xác bạn bè” nếu đúng như vậy thì kinh khủng quá. Dân văn chương, dân nghiên cứu khoa học mà như thế sao giáo sư Suyền/Xuyền ơi? Nhã Thuyên suy cho cùng là học trò ông thôi mà. Ở đây không nói chuyện tình cảm vấn đề là hình như ở xứ này “mấy cụ” không hiểu hay cố tình không chịu hiểu một điều rất đớn giản là “Trò mà hiểu biết hơn Thầy thì đó là Đại Phước của quốc gia”. Mấy cụ cứ hô hào đổi mới giáo dục nhưng tư duy của mấy cụ thì nó cổ hủ không chịu được. Lại thêm nếu biết mình thua kém người khác về tài năng thì bắt đầu giở trò “chính chị chính em”. Cho nên cuối cùng Tài không có mà Đức cũng chẳng thấy đâu. Vậy nhưng không hiểu sao vẫn cứ lên làm lãnh đạo. Suy cho cùng bi kịch của đất nước Việt, dân tộc Việt mấy mươi năm qua (dự báo còn kéo dài nữa) là ở chỗ này.
Đỗ Phong
Theo dõi vụ ” kỳ án Nhã Thuyên” này, tôi thấy chưa hẳn các thầy ở trường ĐHSP I Hà Nội đã là người chủ trương việc ”diệt” Nhã Thuyên hay PGS-TS Nguyễn Thị Bình mà chỉ bị sức ép buộc phải làm vậy thôi. Dù sao thì làm như thế cũng là không phải, nếu không nói là hèn, nhất là ở thời điểm năm 2013-2014 chứ không phải những năm cuối thập kỷ 50- hoặc 70 thế kỷ trước! Còn, nếu các vị trong Hội đồng khoa học của Trường mà có văn bản đánh giá luận văn của NT theo ý của ai đó (không trên tinh thần học thuật) thì đáng phải xem lại về nhân cách.
Cá nhân tôi rất đồng tình với ý kiến giải trình của PGS-TS Nguyễn Thị Bình và PGS-TS Ngô Văn Giá. Nhóm ”Mở miệng” là một hiện tượng văn học đương đại, cho dù những sản phẩm thơ (tôi dùng chữ “sản phẩm” chứ không gọi là ”tác phẩm” là thể hiện ý cá nhân coi thường loại thơ này cũng như thứ thơ ”hậu hiện đại” tắc tỵ, nhố nhăng nhân danh cái gọi là ”cách tân” thơ của vô số tác giả hữu danh khác) của nhóm này không có bao nhiêu giá trị thì nó cũng là một thực tế khách quan đã và đang tồn tại, phản ánh tâm trạng bế tắc, muốn ”nổi loạn” của một bộ phận người trong xã hội hiện nay. Do vậy, nghiên cứu về hiện tượng văn học này là cần thiết ( khen hay chê, đồng tình, ủng hộ hay phản bác lại là chuyện khác). Đối với một người trẻ, mới bước vào đời, vào nghề như NT lại càng đáng biểu dương vì đã dám dũng cảm đột phá vào một cái mới chứ không đi theo lối mòn. Nếu muốn “an toàn” để lấy một cái bằng thạc sĩ cho đủ chuẩn làm giảng viên, NT hoàn toàn có thể chọn đại một trong số tác giả nào đó đang là hội viên HNV VN hiện nay để làm luận văn, cho dù thơ của vị đó không hơn thơ của một CLB thơ cấp phường, xã.
Ai nói NT nghiên cứu về một đối tượng không xứng đáng thì cứ thử lục “kho” luận văn tiến sĩ của ta xem có bao nhiêu luận văn vô bổ? Tôi dám chắc nếu công bố công khai các luận văn tiến sĩ thuộc các lĩnh vực văn học, sử học, kinh tế -chính trị học, luật học, hành chính, an ninh – quốc phòng… thì vô số người sẽ đứt ruột vì chết… cười! Cái nạn ”tiến sĩ giấy” mà cả xã hội đang lên án là một thực tế không thể chối cãi. Những GS-TS ấy nếu là người còn chút tự trọng chắc sẽ rất xấu hổ trước NT!
Chỉ có điều đáng tiếc là các thầy trong Hội đồng chẩm luận văn đã cho NT điểm 10 sao bây giờ không dám lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình (trừ PGS-TS VG). Im lặng trong trường hợp này không phải là cách hành xử đúng đâu ạ!
P/S: Không biết trong vô vàn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ văn học đã bảo vệ thành công hoặc đang được thực hiện, có luận văn nào nghiên cứu về hiện tượng nảy nở như nấm mùa xuân của các cụ về hưu ở các CLB thơ phường, xã, của anh chàng buôn thơ mà vừa rồi ồn ĩ dư luận hay cái CLB Thơ Việt Nam của ông Bành Thông từng hiên ngang tiến hành đại hội ở Hội trường Ba Đình? Cũng đáng nghiên cứu đấy chứ!
Lethanhbau
Chính trị không có xấu tốt. Dùng văn học làm chính trị chẳng có gì sai cả. Dứt khoát hơn thì có thể nói quan điểm văn học không thể tách ra khỏi quan điểm chính trị. Áp đặt là xấu, áp đặt quan điểm chính trị ( vào văn học) cũng xấu như vậy. Philip Roth có cái truyện Human stain nói về một ông giáo sư bị đuổi việc chỉ vì dùng một từ ngữ bị phán xét là có ám chỉ đến phân biệt chủng tộc khi nói chuyện với một sinh viên da đen. Tự do học thuật là một cái gì nó tương đối ( dù ở bất kỳ đâu) và phải luôn đấu tranh để có được nó.
Nguyenvanhoang
Tôi đã mất 2 buổi chiều để đọc tất cả những nội dung liên quan đến “Kỳ án Nhã Thuyên”. Tôi không phải là người thích viết những cảm xúc sau mỗi bài viết, nhưng vì vấn đề này hấp dẫn tôi và làm tôi đau đáu về nó nên tôi muốn chia sẻ một số ý kiến như sau:
1) Về nhóm “Mở Miệng”
Cứ tạm xem những gì mà nhóm mở miệng xuất bản là “thơ” thì trong thơ của họ có rất nhiều từ tục. Lúc mới đọc tôi thấy “ghê ghê”, nhưng tôi lại bị nó lôi cuốn đọc cho hết bài. Bởi chính tôi, từ khi biết nói, tôi không bao giờ nói ra (viết ra) những từ đó và tôi dường như không thể nói. Khi đọc những phỏng vấn của Nhã Thuyên với nhóm, tôi thấy họ trao đổi rất thật, rất nghiêm túc về nghệ thuật và đam mê và họ theo đuổi, có lẽ họ chỉ sử dụng chúng khi “làm thơ” và họ xem những từ đó là tột cùng của cảm xúc. Bây giờ lại tôi không còn thấy ghê khi đọc chúng, nhưng nói ra các từ tục đó … thì tôi vẫn không thể.
2) Về Nhã Thuyên
Trước tiên là tôi rất phục cô ấy, vì một người con gái “thông thường” thì họ rất ngại (thường là không) nói về các vấn đề nhạy cảm đó, cô ấy có cá tính rất mạnh. Cô ấy muốn “cảm” cuộc sống từ nhiều nguồn và không theo một khuôn khổ mà “người ta” quy định (là nữ thì không được nghĩ như thế, nói như thế; làm thơ, đọc thơ là không được chọn những đề tài như thế….) Có thể nói cô ấy đang “cháy” trong cuộc sống.
3) Hành xử của một số GS
Thật ra, nếu chúng ta cảm thấy luận văn bàn về vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với “văn chương” không phù hợp “khoa học” thì có thể yêu cầu rút khỏi thư viện của trường, nhưng phải cho nó tự do như một chính kiến khoa học để mọi người có quyền tự do ngôn luận. Luận văn này tự bản thân nó chẳng làm hại ai, chẳng làm hại nền văn học nào, cũng chẳng làm hại nền chính trị nào. Chỉ khi ta cho nó là như thế thì nó sẽ trở nên không là nó nữa. Còn bản thân người dạy đã có sự kiểm định của Sinh viên, của Khoa, của trường, khi nào có đơn tố cáo thì hãy điều tra và hành xử (..)
4) Cô ấy xứng đáng đứng trên bục giảng, nhưng tôi vẫn xin cô ấy đừng đem luận văn mình đi dạy. Hãy nói những gì cô ấy thích nói ở đâu cũng được (trừ bục giảng). Vì tôi vẫn mang một ý niệm là “không phải điều nào cũng nói được bất cứ đâu”.
Q.Nga
Đồng ý với anh ở các điểm trên, vì bản thân tôi vẫn quan niệm những gì thuộc về giáo dục nói riêng và văn học nói chung thì vẫn phải có những chuẩn mực nhất định. Rõ ràng NT là một người nghiên cứu văn học có tiềm năng, tâm huyết và có năng lực lý luận (tôi đang đọc luận văn của chị). Tôi chỉ băn khoăn cái quy trình: đề cương luận văn của chị ắt phải được thông qua trước khi chị bắt tay vào làm LV, tức là đề tài đã được duyệt, chị thậm chí đã được hội đồng chấm điểm 10 và nhờ đó trở thành giảng viên của khoa, vậy mà chỉ một số ý kiến phê bình của một số học giả trên báo chí đã đủ (?) tạo sức ép để một trường ĐH uy tín quay ngoắt 180 độ những quyết định trên. Thật khó hiểu, và tôi tự hỏi: LV của chị hay scandal về nghiên cứu học thuật trên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tư duy của người làm khoa học về sau hơn?