Tổng hợp ý kiến của cộng đồng Cham về Kapet

Inrasara

Rất nhiều phản ứng, tôi rút ra bốn ý chính, lược bỏ các ý trùng lặp.

Karun & Thuk siam cho Đất thiêng, bình an cho tất cả mọi người!

1. Jaya Thiên – Ninh Thuận, ngày 11-9-2023

Chỉ ra ba điểm quan trong của Đất thiêng và Khu Thánh tích.

“Hai di tích rất quan trọng được xem như là Khu Thánh địa đó là; khu lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per, gắn với truyền thống hành hương của cộng đồng người Chăm vùng Pajai và BiCam thuộc ba huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh ngày nay.

Trải qua gần 300 năm, đây là cánh rừng thiêng được cộng đồng người Chăm và Raglai bảo vệ một cách tuyệt đối bất khả xâm phạm. Nhờ vào chất thiêng ấy, trải qua bao biến thiên lịch sử, khu rừng này vẫn được giữ lại yếu tố nguyên sinh như vốn có từ ngàn đời cho đến hôm nay.

Đây là chứng tích quan trọng để chứng minh sự tồn tại của Bình Thuận hơn 300 năm (1698) nói riêng và góp phần bổ sung cho lịch sử Việt Nam nói chung. Cùng với sự hình thành khai phá vùng đất Tánh Linh, Đức Linh mà Po Cei Khar Mâh Bingu là người được xem như vị tiền hiền khẩn hoang của vùng đất này”.

2. Wa Praong – Ninh Thuận, 10-9-2023

Rất mong quý vị xem xét lại.

“Nếu thực sự Hồ Ka Pét có thể cứu vãn được cho người dân khỏi đói nghèo, khiến cộng đồng hạnh phúc theo niềm tin của chính quyền Bình Thuận, thì chúng ta cần có giải pháp cho việc bảo tồn khu thánh tích, đảm bảo hoạt động tín ngưỡng người Chăm và Raglai không bị ảnh hưởng.”

3. Khanh Pham – Bình Thuận, ngày 5,11-9-2023

Bất lực, mất niềm tin, và than trời.

“Tôi đã rất cố gắng giữ vững niềm tin vào lãnh đạo thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận sẽ có những tiếp thu có trách nhiệm về vấn đề xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đối với việc hồ sơ đánh giá tác động liên quan đến di tích thiêng liêng của cộng đồng người Chăm và Raglai khu vực Nam Bình Thuận thế nhưng qua nội dung của cuộc họp báo chiều hôm qua tôi đã hoàn toàn mất hết niềm tin ấy.

Vậy có thể xem đây là hành vi cố tình xoá bỏ Thánh tích, vi phạm đến đời sống đức tin của cư dân bản địa của chính quyền tỉnh Bình Thuận được chưa?”

“Khu vực thờ cúng và hành hương giờ cơ bản sẽ được tiếp tục xoá bỏ như chính chủ nhân của họ. Sinh linh là chủ nhân của di tích thiêng liêng này như là một bóng ma không cần tham vấn, không cần thăm hỏi tâm tư nguyện vọng, họ mặc nhiên đập phá vì bởi họ là người cai trị.

Lại tiếp tục một cuộc xoá bỏ, cao xanh ơi có thấu!”

4. Amuchandra Luu – Hoa Kỳ, ngày 11-9-2023

Kêu gọi Quốc Hội tuân thủ hiến pháp.

“Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao đã phê chuẩn một dự án thì tầm quan trọng của nó làm sao một cộng đồng bản địa Cham Raglai nhỏ nhoi có thể phản đối được. Nhưng muốn người dân tuân thủ hiến pháp, trước tiên Quốc Hội phải tuân thủ hiến pháp bằng cách bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Và giờ đây cộng đồng bản địa Cham – Raglai đang muốn lắng nghe cách giải quyết khu Thánh Tích Pô Khar Mưh Bingu từ phía chính quyền tỉnh Bình Thuận và Quốc Hội Việt Nam sao cho hợp hiến và hợp lòng dân.”

Inrasara thế nào?

Dự án không thấy nhắc đến sinh linh là muông thú với hệ sinh thái của rừng, là điều lạ. Lạ hơn nữa, Dự án hoàn toàn không nhắc đến thần linh, phần Đất thiêng của dân tộc Cham và Raglai.

Rừng tự nhiên, rừng dự phòng, rừng nguyên sinh – phải qua ngàn năm mới có được.

Câu hỏi đặt ra, tại sao phải là hồ nước, mà không nhìn theo chiều khác? Tại sao chỉ “giúp dân thoát nghèo”, mà không giữ rừng để giúp dân giàu lên?

Nếu một mai kia Khu Thánh tích chìm dưới đáy hồ sâu, hố ngăn cách giữa ý Đảng lòng dân [Cham] ngày càng sâu hơn, tiếc là vậy.

Và dù Khu Thánh tích có chìm sâu tận đâu, Cham vẫn nhớ. Nhớ, và kể lại. Kể lại cho người muôn đời sau.

clip_image002

Mắt Rừng vẫn nhìn chúng ta (Yến Năng)

clip_image004

Cầu bình an cho Đất thiêng

clip_image006

Đóa hoa an lành

Comments are closed.