Tổng hợp thông tin về một số nhân vật tự ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016

Luật sư trẻ Lê Văn Luân đã quyết định tự ứng cử

FB Trần Vũ Hải

11-2-2016

 h1164

                                                                                          LS Lê Văn Luân. Ảnh: FB Trần Vũ Hải

 

Ông Luân sinh năm 1985, lớn lên tại Bắc ninh. Trước khi tốt nghiệp Đại học Luật, ông đã học các đại học Bách khoa, Xây dựng ở Hà nội, nhưng ông quyết theo ngành luật vì phù hợp sở trường và nguyện vọng. Nguyện vọng lớn nhất của ông là viết một bản Hiến pháp mới của Việt nam và được thông qua.

Tuy mới hành nghề luật sư ở Hà nội, nhưng Luật sư Luân đã nhận những vụ được coi là nhạy cảm, làm việc hết mình, không sợ hiểm nguy, một luật sư dấn thân hiếm có, phù hợp tố chất của môt nhà chính trị thế hệ mới.

31 tuổi bắt đầu sự nghiệp chính trị, không phải là trẻ trên thế giới. Tôi tin Luật sư Luân sẽ là một trong những đại diện cho một thế hệ mới dẫn dắt Việt nam chỉ sau mười năm nữa, nhưng trước mắt ông cần vượt qua thử thách này. Với phong cách lãng tử, nhiều tài lẻ trong thể thao, văn hoá lại hùng biện cả trong nói và viết, tự tin nhưng biết lắng nghe, ông có đủ khả năng thu hút phiếu của cử tri trong một cuộc bầu cử dân chủ, sôi động.

Chúng ta hãy ủng hộ luật sư Lê Văn Luân!

____

 

FB LS Luân Lê

SƠ LƯỢC ỨNG VIÊN ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

11-2-2016

1. THÔNG TIN NHÂN THÂN

Họ tên: LÊ VĂN LUÂN. Giới tính: Nam
Sinh năm: 1985. Nơi sinh: Bắc Ninh.

2. QUÁ TRÌNH HỌC TẬP

+ Năm 2003: Đạt giải 3 môn Hóa học cấp tỉnh.
+ Từ 2003 – 2004: Tôi học Khoa Dầu khí Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội.
+ Từ 2004 – 2006: Tôi thi đạt 28 điểm vào Đại học Bách khoa Hà Nội và thi tiếp để được vào lớp do Pháp tài trợ học. Đồng thời năm 2005 tôi thi vào học tại Đại học Xây dựng lớp Xây dựng Dân dụng và công nghiệp.
+ Từ 2006 – 2010: Tôi học Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Đạt nhiều học bổng khi học tại đây.
+ Năm 2013: Tôi thi đỗ và đứng trong tốp 10 người cao điểm nhất khu vực phía Bắc trong kỳ thi cấp chứng chỉ nghề luật sư quốc gia.

 

 

3. HÀNH NGHỀ

Tôi đã hành nghề ngay từ khi ra trường, năm 2010, và theo những vụ án tranh tụng trong tất cả các lĩnh vực: Dân sự, Hình sự, Hành chính, Lao động,…

Tôi đã phân tích, bình luận và viết rất nhiều bài luận khoa học về pháp lý trong các lĩnh vực Dân sự và Hình sự, đặc biệt các lỗ hổng, sự mâu thuẫn, bất cập của các bộ luật, đạo luật hiện hành của Việt Nam. Có nhiều sáng kiến pháp lý như “Hợp đồng Điều đình”, đề xuất thêm 3 tội danh mới,…

Thành công vụ án theo thủ tục tái thẩm đầu tiên trong lịch sử tố tụng tại Hải Phòng cho hộ gia đình nghèo 13 con người.

Tham gia bào chữa một số vụ án cho người nghèo, có dấu hiệu oan sai như bà Vũ Thị Hải, cháu Đỗ Đăng Dư, bạn trẻ Nguyễn Viết Dũng, hoãn án tử tù cho Lê Văn Mạnh,… và nhiều vụ án khác.

4. VÀI ĐIỀU LIÊN QUAN

Tôi có đam mê về Toán học như một phần máu thịt của mình. Và đặc biệt đã theo đuổi giải một giả thuyết toán học lớn “không tồn tại số hoàn hảo lẻ” từ 10 năm trước và vừa rồi tôi đã gửi cho tạp chí toán học quốc tế “Annals of Mathematics”, tôi nhận được phản hồi rằng cần hoàn thiện một trường hợp nữa thì mới hoàn thành toàn bộ chứng minh của mình.

Tôi đã có một cuốn Tùy Bút “Cho Đời Lãng Quên”. Có một tập thơ “Ru Lại Đời Nghiêng”. Tôi cũng có khả năng vẽ và đã có một bộ sưu tập những bức tranh chân dung chì đen trắng của mình.

Tôi tự lập, tự kiếm tiền và tự học trong tất cả mọi lĩnh vực, tự nghiên cứu, dù trong hoàn cảnh khó khăn và nhiều khắc nghiệt. Tôi học và không bị chi phối bởi những chủ nghĩa giáo điều và những học thuyết sai lầm, mâu thuẫn trong những giảng đường mà tôi đã đi qua của đất nước này.

Tôi mong muốn được cống hiến và góp lấy một chút tri thức bé mọn của mình cho một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng và dân chủ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp của quốc gia.

Tôi biết có nhiều người con nước Việt đã thành đạt, có tâm huyết và tài năng hơn tôi rất nhiều. Nên mong rằng họ hãy ra ứng cử để đóng góp cho sự văn minh, dân chủ và công bằng cho đất nước chúng ta.

____

 

 

Vận động Ứng cử ĐBQH 2016

TÔI CÓ MẶT Ở ĐÂY

LS Lê Văn Luân

9-2-2016

Tôi đến đây không vì vấn đề của tuổi tác già hay trẻ hoặc vì bất kỳ một điều gì khác của cá nhân, ngoại trừ thông tin nhân thân mà tôi bắt buộc phải cung cấp cho các vị.

Tôi có mặt ở đây cũng không phải để nói về những điều tốt đẹp hay những lời hứa hẹn với những điều sẽ hành động trong tương lai, bởi nói một cách không hề khiêm tốn thì đã có và sẽ có rất nhiều những người khác có khả năng làm tốt hơn về những lời hứa và vẽ ra những lời tốt đẹp đó hơn tôi.

Tôi đến đây không phải để nói về những điều tốt đẹp, mà tôi có mặt ở đây để ngăn chặn những điều xấu. Chắc hẳn là vậy, bởi cứ dọn sạch rác thì ắt nhiên môi trường sẽ trở nên trong lành, chứ ta không thể làm mọi thứ tốt lên mà làm ngơ cho những thứ ngược lại cứ hiển nhiên tồn tại và chen lấn trong nó.

Tôi có mặt ở đây không phải để lại tiếp tục nói về những điều viển vông, tiếp tục trả lời những câu hỏi làm thỏa mãn các vị trong phút chốc, mà hãy để sáu tháng nữa hoặc ít hơn, tôi sẽ quay lại đây để trực tiếp giải quyết những vấn đề một cách thiết thực khi tôi đã có chức phận của mình.

Tôi đến đây không phải để lại tiếp tục việc vẽ nên những hình ảnh mỹ miều, nói về những điều tốt đẹp sẽ làm. Vì đó không phải khả năng của tôi. Và cũng vì tôi không thể nói về một mâm cơm ngon lành đủ vị trong khi trong túi tôi còn chưa có một xu và chưa cả đi ra đến chợ mua đồ. Hãy thiết thực hơn, vì chúng ta không thể sống trong những lời hứa suông và trong những ảo tưởng nữa. Tôi đến đây để làm việc chứ không phải để gửi đi một vài thông điệp tốt đẹp rồi bỏ quên nó khi đã có đủ lá phiếu bầu của các vị mà hưởng bổng lộc để sống đời riêng mình.

Tôi đến đây, để nói về công việc của các vị, để giải quyết nó, nếu tôi được bầu, vì lúc đó tôi tin rằng mình đã đủ thẩm quyền thiết thực, hợp pháp và hành động đúng như tôi đã luôn nghĩ đến khi đứng ở đây. Vì có các vị mới có tôi ở vị trí đó để làm việc, và đại diện cho chính quý vị.

Tôi có mặt ở đây, để nhận trách nhiệm lớn lao với các vị, với các thế hệ tiếp sau của chúng ta, với các chính sách giáo dục, luật pháp, môi trường, an sinh, quyền sống an toàn về tính mạng và tài sản của tất cả mọi người.

Tôi có mặt ở đây, để làm việc và sẽ làm việc một cách nghiêm túc như chính công việc nhà mình và với trách nhiệm của một con người. Niềm tin chỉ có được qua kết quả của hành động chứ không phải bởi lời nói của người mà số phận chính trị của họ còn phụ thuộc vào các vị và vì thế mà chưa thể bắt đầu để nói về những viễn tưởng hoàn toàn có thể không xảy ra.

Tôi có mặt ở đây, là để cho các vị thấy được một con người thật tâm, trung thực, ngay thẳng và sẽ luôn như vậy dù ở bất kỳ cương vị nào, và vì thế nếu các vị tìm kiếm một người như vậy để đặt niềm tin thì hãy lựa chọn để thay đổi một điều gì đó tốt hơn lên cho chính các vị trong 5 năm tiếp theo. Và tôi sẽ chỉ chịu trách nhiệm với chính quý vị. Vì các vị trả lương cho tôi qua tiền thuế của mình, bầu cho tôi chứ không phải một ai khác. Thì không có lý do gì để tôi phụ bạc và bội tín với các vị. Nếu vậy, hãy bãi miễn tôi và thay thế bởi một người xứng đáng hơn.

Xin cảm ơn các vị, và dù thế nào, lựa chọn ai, hãy tin rằng mình đã luôn chọn lựa cho và làm một điều đúng đắn.

Luật sư Lê Luân.

(Bài nói dành cho các cử tri trong những buổi hiệp thương)

 

THƯ GỬI TỪ NGÀY CHƯA QUA, CHÚNG TA, TẤT CẢ VÌ TỰ DO VÀ LẼ CÔNG BẰNG!

FB LS Lê Văn Luân

10-2-2016

Chúng ta tranh đấu cho sự tự do và văn minh đúng nghĩa một cách ôn hòa dựa trên sự tôn trọng những quy định của luật pháp công bằng, nhưng chúng ta không chấp nhận những sự bất công hoặc hàm chứa sự bất công hay sự thực thi sai lệch mục đích của những đạo luật còn mơ hồ, đầy áp chế phi nhân tính nhằm cai trị bạo quyền theo ý chí của những kẻ nhân danh hay đại diện cho luật pháp.

Chúng ta tranh đấu cho những giá trị tiến bộ, sự văn minh, những lương tâm và đạo đức. Chúng ta đấu tranh là để cho tất cả mọi người đều hiểu rằng chúng ta tôn trọng pháp luật và những điều đúng đắn. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng cho mọi sự cáo buộc hoặc chấp nhận lao tù để thức tỉnh những lương tri của cộng đồng là cho những con người của và cả thể chế cai trị đó thấy được ta tôn trọng luật pháp của họ và dám chịu trách nhiệm với những gì mình làm.

Chúng ta tranh đấu cho tự do, cho nhân quyền, cho sự dân chủ và cho những phẩm giá của con người được nâng cao, và chúng ta không chấp nhận những đạo luật bất công hay được sử dụng là công cụ cho những cai trị bất chấp với chúng dân, với con người hay nhằm mục đích loại trừ, phân biệt một nhóm người hay bởi lợi ích của chính mình mà chà đạp lên quyền lợi chính đáng của cộng đồng, của xã hội.

Chúng ta sống để tôn trọng nhau, để bảo vệ những giá trị vĩnh viễn và cao đẹp của cuộc sống, chúng ta không cổ súy cho những hành vi bạo động bằng bất kể hình thức nào chống lại nhà nước nếu chính thể đó cùng luật pháp của họ luôn tôn trọng và bảo vệ người dân.

Chúng ta không cổ súy cho những hành động sai trái, thù hằn, xúi giục, kích động bởi những con người hướng chúng ta đến những giá trị bạo ngược, phi lý và bất công, vô đạo đức, đi ngược lại sự văn minh của con người.

Chúng ta chỉ cổ súy cho những lương tri và đạo đức, chỉ cổ vũ và khích lệ những tranh đấu cho những điều tốt đẹp hơn cho xã hội mà tạm thời chúng ta trở thành những kẻ mang xu hướng đối kháng hay sẽ là tội phạm trong mắt của những kẻ cầm quyền thiếu phẩm chất và cai trị bất công. Vì nếu để sự bất công ngự trị và tồn tại thì cũng đồng nghĩa chúng ta đều sẽ sẵn sàng trở thành những nạn nhân của hệ thống đó bất kỳ lúc nào bởi sự không rõ nghĩa hay theo sự áp chế bất quy tắc của nhà nước ấy.

Chúng ta đấu tranh cho những ranh giới và giá trị rõ ràng, chúng ta sẵn sàng đi vào những bất công để phá bỏ chúng, sẵn sàng chấp nhận chúng để chính thể ấy hiểu ta luôn tôn trọng luật pháp cho và bảo vệ những điều đúng đắn.

Chúng ta cần phá bỏ những rào cản ngăn ta đến với tự do. Chúng ta chấp nhận bị cáo buộc bởi sự bất công để đấu tranh cho những thứ bất công phải được dẹp bỏ.

Chúng ta không sợ những cáo buộc phi lý từ những bất công và sự suy diễn độc đoán, chủ quan. Bởi nó vốn dĩ thực sự không có giá trị dù họ có thể bắt bớ, nhốt giam hoặc hành hạ một vài người trong cộng đồng cần và đang đấu tranh cho lương tri và đạo đức.

Chúng ta không sợ sự bạo hành, súng ống, quân đội và công an, chúng ta chỉ sợ sự công bằng không được thực thi và luật pháp cho sự công bằng không được tôn trọng.

Chúng ta, tất cả vì tự do và lẽ công bằng.

Hãy cùng đoàn kết lại để có tự do và sự tôn trọng từ nhà nước mang danh đại diện cho dân chúng mà lại đang tìm cách can thiệp thô bạo vào đời sống tự do của những người dân.

 

TÔI TIẾP TỤC ỨNG CỬ QUỐC HỘI

FB LS Võ An Đôn

11-2-2016

h1160 

Theo qui định của pháp luật thì công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng thực tế bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là trò diễn kịch của giới cầm quyền, người dân khó mà lọt vào sân chơi độc quyền này.

Tôi là người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ở tỉnh Phú Yên. Năm 2011, tôi nộp đơn xin tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, sau khi tôi nộp đơn tự ứng cử được 10 ngày, thì có thầy giáo Đào Tấn Phần, giáo viên dạy sử, Trường cấp ba Trần Quốc Tuấn cũng nộp đơn tự ứng cử cùng tôi.

Theo qui định thì người muốn ứng cử đại biểu Quốc hội phải trải qua năm bước: thứ nhất là nộp đơn xin tự ứng cử, thứ hai là lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, thứ ba là lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc, thứ tư là hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh (bước này được xem là cửa ải khó vượt qua của người tự ứng cử), thứ năm là được vào danh sách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội.

Năm 2011, khi lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, tôi được 100% người dân địa phương ủng hộ, sau đó lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc là Đoàn luật sư, tôi cũng được 100% tín nhiệm. Đến khi hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi bị loại, không được lọt vào danh sách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm).

Mục đích tôi tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần trước và lần này không phải là tôi muốn làm đại biểu Quốc hội để được hưởng nhiều bổng lộc ban phát, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch với vở kịch vụng vờ, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời.

Dù biết trước rằng 99,99% người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị loại, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới.

Mong tất cả mọi người hãy ủng hộ tôi !

 

CẢM ƠN 15 VĂN NGHỆ SĨ TRÍ THỨC

(FB Nguyễn Quang A)

 
Nhà thơ Hoàng Hưng báo tin:

Quà đầu Xuân: 15 chữ ký của các văn nghệ sĩ trí thức [ủng hộ TS Nguyễn Quang A ra ứng cử Quốc hội]: nhà thơ Hoàng Hưng và bà xã Nguyễn Thị Mười, nghệ sĩ thị giác Hoàng Ly, dịch giả Tiết Hùng Thái (Hiếu Tân), dịch giả Dương Tường, giáo sư-dịch giả Đặng Anh Đào, đại tá Phạm Hồng Minh, trung tá Trần Phương Liên, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà báo Hà Phương nguyên Phó TBT báo Phụ Nữ TPHCM, Trần Thị Bích Ngà nguyên hiệu trưởng trường cấp ba Huỳnh Khương Ninh, nhà thơ Ý Nhi, GS Nguyễn Lộc, nhà thơ Từ Quốc Hoài.

12715386_1762885643939470_1239070976342891714_n

 

THĂM DÒ SỰ ỦNG HỘ TẠI NƠI CƯ TRÚ

(FB Nguyễn Quang A)

58 người ký ủng hộ, 2 người ủng hộ nhưng không ký, 1 người công nhận quyền của tôi nhưng khuyên tôi nên ở nhà vui thú điền viên.

30 Tết mình về quê với mẹ; mùng 1 ở Hà Nội; mùng 2 tết cả nhà về quê; ngày 3-4 tết đi chúc tết bà con ở tổ dân phố và trong phường nơi mình cư trú và tranh thủ xin ý kiến bà con có ủng hộ mình ra ứng cử hay không.

Mình ở nhà tiếp khách và đã đi chúc tết và gặp 61 người trong tổ dân phố và phường. Dưới đây chỉ thống kê số người trong phường (khách và những người ngoài phường ký ủng hộ cỡ 20 nhưng chưa tính ở đây).

Trong 61 người ở phường, có 58 người nhiệt liệt ủng hộ và ký tên ủng hộ; có 2 người ủng hộ nhưng không ký (ông tổ trưởng dân phố ủng hộ và bảo vợ ông ký thay mặt gia đình) 1 người khác rất ủng hộ nhưng không ký; mình đã cảm cả hai người vì việc họ đã thực hiện quyền không ký của họ); một người, một sĩ quân quân đội đã về hưu, công nhận là mình có quyền ứng cử, nhưng khuyên mình sắp 70 tuổi rồi nên ở nhà vui tuổi già và chăm lo cho con cháu, mình cảm ơn lời khuyên và nói mình ông cũng nên chuyển lời khuyên cho ông Nguyễn Phú Trọng nữa, người còn già hơn mình 2 tuổi; (về nhà được nhạc phụ bảo ông ấy là đương kim bí thư chi bộ của một chi bộ ĐCSVN).

Tính tỷ lệ sơ bộ tại phường nơi mình cư trú: 
– 58/61 = 95,08% ký tên ủng hộ;
– 60/61 = 98,36% ủng hộ;
– 61/61 = 100% công nhận mình có quyền tự ứng cử
– 1/61 = 1,64% khuyên không nên ra ứng cử mà hãy an vui tuổi già

Rất nhiều tình nguyện viên đang thu thập chữ ký ủng hộ (theo báo sơ bộ) đã được khoảng 1000 chữ ký.

Từ giờ đến cuối tháng 2 còn phải thu thập khoảng 4 ngàn chữ ký nữa.

Xin lưu ý:
– Không cần bất cứ chữ ký nào đối với một người tựu ứng cử
– Tôi thu thập chữ ký ủng hộ từ tất cả các cử tri trong và ngoài nước (công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên) để xem mức độ ủng hộ của người dân ra sao (đó là một quyền hợp pháp mà bất kể người tự ứng cử nào có thể thực hiện hay không thực hiện).
– Con số 5 ngàn cũng do tôi tự đặt ra cho mình.

Xin thông báo để bà con biết để tiếp tục ủng hộ tôi và những người tự ứng cử khác.

 

 

Comments are closed.