Vòng Tay Học Trò
Chương 2
Trâm vừa ra khỏi khung cửa sau văn phòng, lũ học trò tụm năm tụm ba rải rác trên sân cờ rùng rùng chạy về phía hành lang. Một thoáng, chúng đã biến mất vào lớp học gần thang lầu. Trâm chỉ nghe thấy chúng nó kêu Cô Trâm, cô Trâm chúng mày ơi! Nàng nhìn lên dãy lầu cao trên đồi, phía những lớp học im lìm trống vắng chiều thứ năm, ngập ngừng một lát rồi theo lối đi lát xi-măng nối liền văn phòng giáo sư với những lớp học. Lối đi quen thuộc này, mỗi buổi sáng cùng đi với các cô bạn đồng nghiệp để đến lớp, nàng không chú ý mấy. Hôm nay quanh sân không có những cặp mắt tò mò, những tiếng chào của lũ học trò, nhưng Trâm lại thấy bối rối và thoáng một chút lo âu. Vì hôm nay nàng phải “đương đầu” cả với lũ học trò đệ nhị cấp, lớn tồng ngồng, cao lênh khênh, không chỉ là lũ bé loắt choắt của đệ lục, đệ ngũ nàng dạy hằng ngày. Chiều này đến phiên Trâm coi cấm túc.
Gần đến bậc thềm lên hành lang. Trâm quay nhìn lại phía văn phòng định chờ Thế, gã giáo sư đồng nghiệp, để cùng vào lớp. Nhưng nhớ lại vẻ mặt nhăn nhở và con mắt gằm gằm của hắn hay nhìn lén mình, nhớ lại chính chiều nay hắn dàn xếp với văn phòng để được cắt phiên xem cấm túc chung với mình, Trâm bực tức đi thẳng. Tiếng giày gót nhỏ của Trâm nhẹ nhàng vang lên trong hành lang vắng. Tiếng ồn ào trong lớp thưa dần rồi ngưng bặt. Trâm dừng lại ngoài cửa để tìm một dáng điệu quả quyết cuối cùng rồi bước vào lớp. Tiếng sột soạt mạnh mẽ bất ngờ của hàng chục chân tay bật dậy cùng một lúc. Trâm có cảm tưởng đang đi đến trước một quân đoàn chỉnh tề hàng ngũ bồng súng chào một nhân vật cao cấp. Rồi tiếng hô nghiêm vừa dõng dạc vừa có vẻ đùa bỡn của một thằng học trò cuối lớp vọng lên. Trâm nhìn rất nhanh xuống đám đông rồi bước lên bục gỗ. Mọi lần vào lớp, Trâm vẫn khoát tay và gật đầu nhè nhẹ ra dấu cho học trò ngồi xuống. Nhưng bây giờ nàng chợt lúng túng. Không thể dùng cử chỉ thường lệ đó với những đứa học trò đầu trâu mặt ngựa to lớn thế này. Nhưng nếu dùng lời nói, lại rắc rối trong cách xưng hộ Trong đám học trò này, có đứa bằng Trâm, có đứa lớn hơn Trâm nữa về tuổi tác, nhân dáng mà biết đâu về kinh nghiệm sống nữa. Học trò bây giờ, mới nứt mắt đã thuốc lá, cà-phê, rượu trà, đàn bà. Tụi nó khoe khoang và hãnh diện về cái sớm biết của mình, ngang nhiên sống buông thả và bất chấp như một tay chơi sõi đời thực thụ. Vậy Trâm không thể gọi chúng nó là các em như đối với bọn học trò nhỏ của nàng. Nhưng chúng không lớn hơn nàng bao nhiêu nên gọi bằng các anh có vẻ thân thiện và tâng bốc quá… nhanh trí và vui tính, Trâm tìm ngay ra một lối khác, vừa giễu cợt, vừa vô hại:
— Mời… các ngài ngồi xuống.
Những tay chân lều nghiều vất vả xếp vào hàng chỗ cũ. Một vài tiếng cười khúc khích lẫn với tiếng bàn tán suỵt soạt về Trâm, về thái độ và cách xưng hô vừa rồi. Một vài đứa chưa chịu ngồi, đứng phỗng ra như trời trồng nhìn đăm đăm lên Trâm.
Mấy thằng bạn bên cạnh phát vào vai chúng nó:
— Ê, sửng mày, cấm túc gấp đôi đa!
Chờ cho quí vị an tọa xong, Tram vắt cái áo khoác lông trắng lên thành ghế rồi nhẹ nhàng ngồi xuống. Nàng có cảm tưởng như hàng chục cái máy ảnh nhắm vào tóc, vào mặt, vào thân hình mình.
Lúc đó, Thế vào. Cả lớp sắp đứng lên, hắn khoát tay bảo đừng. Thân hình loắt choắt gầy tép như cò hương của hắn lướt qua một lượt các dãy bàn. Rồi Thế trở lên, cẩn thận chậm rãi đặt vở sách ngay ngắn trước mặt Trâm. Hai tay chắp sau lưng, hắn đứng lom khom nhìn xuống lũ học trò ngông nghênh đang có vẻ bất cần sự hiện diện của hắn. Một giọng cuối lớp bất ngờ bật lên như cái pháo vừa châm ngồi:
— Thưa cô, sao hôm nay phải hai giáo sư cấm túc?
Trâm chưa kịp trả lời, đã nghe Thế đáp… phắt:
— Hôm nay các cậu đông.
Có tiếng khác phản đối:
— Có khi còn đông hơn mà vẫn một giáo sư.
Thế im. Chúng nó xì xào cười nói. Trâm cũng đang cười thầm. Có lẽ chúng nó biết dụng ý của tên giáo sư mà chúng ác cảm nhất. Bỗng nhiên Trâm mỉm cười phụ họa. Như vậy để chúng biết đối với nàng, Thế chẳng ra cái xơ múi gì cả.
Nhưng rồi Trâm trở lại công việc ngaỵ Nàng vờ nhường bàn giáo sư cho Thế. Hắn lắc đầu đi lảng ra phía hành lang. Còn lại một mình, Trâm lâm vào tình trạng lúc đầu. Nàng kéo chiếc ghế ra xa bàn một tí, ngồi chênh chênh tránh nhìn thẳng xuống những cặp mắt chằm chằm nhìn lên. Trâm muốn khoác chiếc áo lông vào. Nhưng chưa lạnh, cửa kính đóng kín, không khí trong phòng ấm áp dễ chịu. Trâm lại ngồi yên và bứt rứt tiếc đã không mặc áo từ lúc ở nhà.
Gần hai tháng đến dạy trường này, hôm nay là lần đầu tiên nàng không mặc áo len trước mặt học trò. Lần đầu tiên chúng trông thấy thân hình thật của nàng. Không có cái áo khoác ngoài, vẻ nghiêm trang già dặn cũng mất đi. Ở Trâm toát ra cái vẻ trẻ trung tươi mát của trái cây vừa chín, vẻ dịu dàng gợi cảm của người đàn bà trẻ con. Mái tóc đen mướt chải bồng vấn thật cao, chiếc áo màu rêu đá bó sát thân hình thon nhỏ, đôi giày mule trắng gót nhỏ thanh thanh. Trâm biết lối phục sức đó không thích hợp với vai trò mình. Nhưng nàng không thể làm khác. Xõa dài mái tóc, mang guốc hay dép nàng còn cỏ vẻ đơn sơ và bé bỏng hơn nữa. Phải làm cho roam lên, cho già đi một tí. Nhưng nụ cười. Nụ cười thoáng qua đôi môi nhỏ đều, hàng răng nở trắng, qua đôi mắt đen kẻ đuôi vừa tinh nghịch vừa mơ màng. Trong cái lốt ấy, Trâm có tác phong tài tử hơn là giáo sư. Tất cả tố cáo cái vẻ đẹp trẻ trung non nớt và vui tươi không thể nào che giấu của một cô giáo nhỏ tuổi dạy trường con trai của nàng.
Chờ cho không khí bỡ ngỡ xa lạ giữa hai phe mất đi, Trâm mới giở sổ, gọi tên những học trò bị cấm túc. Tiếng nàng vang lên mạnh, sắc, rõ ràng và thản nhiên vô cùng. Từng đứa đứng lên, rồi ngồi xuống. Trật tự vãn hồi dần dần trong đám lâu la đầu trâu mặt ngựa phạm pháp với những trọng tội: nghỉ học không xin phép, phá trật tự trong lớp, không đầy đủ nhiệm vụ trực.
Bỗng Trâm ngập ngừng ở một cái tên quen. Nàng gọi nhỏ hơn:
— Nguyễn Duy Minh.
Trâm đưa mắt nhìn xuống tìm kiếm và bắt gặp nó ở bàn thứ ba bên trái. Minh nhìn lên. Hai con mắt đen nhỏ bối rối một giây rồi cúi xuống mặt bàn. Nụ cười dè đặt, bỡ ngỡ còn đọng lại trên môi hồng ướt. Trâm nhướng mày lên cao một tí, tỏ dấu ngạc nhiên rồi dịu dàng mỉm cười để trấn tĩnh ngaỵ Nàng muốn hỏi, Minh đó à? Em cũng bị cấm túc sao? Nhưng nàng bỏ Minh bối rối ngồi xuống, kéo cây bút viết hí hoáy lung tung xuống tờ giấy trắng của thằng học trò ngồi cạnh, nàng gọi tiếp những tên khác.
Đọc xong bản “danh nhân” dài thượt bat rang chưa kịp lấy hơi, Trâm đã phải lắng nghe những tiếng lộn xộn dưới kia vọng lên:
— Thưa cô, thiếu tên em.
— Thưa cô, em đâu có bị phạt vì vô kỷ luật.
— Thưa cô… thưa cô…
Trâm gõ gõ cây bút máy xuống mặt bàn nghĩ thầm: À, lũ quỉ bắt đầu làm loạn rồi đây. Phải cao tay ấn lại, dễ dãi không xong rồi.
Một vài đứa đi trễ, mãi lúc ấy mới vào vây quanh trước bàn nàng nộp phiếu đi phạt. Có đứa giả vờ quên không đem phiếu, nắn nót viết tên mình lên mảnh giấy, kiếm cớ để đứng án ngữ lâu hơn trước mặt nàng. Nhân cơ hội đó, những đứa không việc gì cũng đùng đùng kéo lên vây gần kín bàn. Phần nhiều là những đứa lớn, đệ nhất, đệ nhị. Loạn, loạn thật rồi, Trâm lờ đi, cố thản nhiên, nhưng nàng cũng biết chúng nhìn mình chòng chọc và quan sát từng li từng tí cô giáo mới nhỏ bé mà lần đầu tiên chúng có dịp “nhìn tận mặt” như thế. Có tiếng sột soạt xê dịch không ngừng dưới các dãy bàn ghế. Trâm đứng lên, bảo chúng nó về chỗ. Lúc nàng nhìn xuống đám học trò tinh quái đã tự động hoán vị tự bao giờ. Những đứa to đầu lên chiếm hết mấy bàn trên. Các chú nhóc con bị đàn anh đuổi xuống cuối lớp. Và những cái đầu cái vai, thân hình, tay chân to lớn kềnh càng đó cố xếp gọn vào chỗ ngồi chật chội của mình, cứ như lù lù vươn lên trước mặt Trâm, mỗi lúc một tiến gần về phía nàng. Trâm lại nghĩ thầm, quân lưu manh thật, để xem còn giở trò gì nữa đây.
Trâm nhìn lại đồng hồ taỵ Mười lăm phút sơ khởi trôi quạ Bây giờ phải vào cuộc. Bắt chúng làm cái gì để chúng nhận ra là đang bị phạt. Đi cấm túc mà phây phây như đi xem trình diễn văn nghệ không bằng.
Trâm nghiêm giọng hỏi:
— Mấy lần trước, các ngài làm gì trong giờ cấm túc?
Một tiếng la ào lên như nước vỡ. Từng loạt câu trả lời náo loạn cả lên:
— Thưa cô, mấy giáo sư trước ác lắm…
— Thưa cô, hốt rác quanh trường…
— Thưa cô, giẫy cỏ sân thể thao…
— Thưa cô, chùi cửa kính…
— Quét màng nhện…
— Tổng vệ sinh…
Chờ chúng nó kê khai hết những hình phạt đó, Trâm ôn tồn nói:
— Giờ không phải mình tôi coi cấm túc, phải hỏi ý kiến thầy Thế nữa.
Thế lảng vảng ngoài hành lang nghe nhắc đến, hấp tấp bước vào:
— Tùy ý cô giáo, tôi miễn.
— Vậy tôi chia công tác cho chúng nó nhưng nhờ anh làm cảnh binh giữ trật tự giùm.
— Xin nhận.
Thế lại ra hành lang đứng nhìn vào cửa sổ, chờ bắt quân gian.
Trâm nhìn xuống những cặp mắt chờ đợi:
— Tôi không đủ kinh nghiệm và khả năng để chỉ huy các ngài trong những công tác vệ sinh đó. Nhưng các ngài đừng lo thất nghiệp. Chiều nay tôi xin đề nghị một chương trình hoạt động mới. Nhưng không hoàn toàn bắt buộc phải theo. Nếu các ngài phản đối, có thể tìm một giải pháp khác.
Cả lớp nhao nhao:
— Thưa cô tụi em đồng ý.
— Chưa biết trước mà đồng ý là ngốc, điên hay mạo hiểm không phải cách.
Chờ tràng cười của chúng dứt, Trâm tiếp:
— Hiện nay trường mình đang cổ động phong trào làm bích báo. Cuối năm sẽ chọn một số những bài xuất sắc của bích báo mỗi lớp để cho vào đặc san chung. Còn một tháng nữa mỗi lớp phải có một tờ bích báo. Sẽ có một ban giáo sư kiểm soát. Lớp nào thiếu tất nhiên sẽ lôi thôi. Nhiều lớp đang hoạt động ráo riết. Tuy nhiên, số bài vở tôi được xem qua còn nghèo nàn. Vậy nhân dịp này tôi muốn các ngài dùng hai giờ cấm túc này để… sáng tác. Tôi sẽ góp bài lại, kiểm soát chọn lựa và tất nhiên mục gì hay sẽ cho vào báo. Ai bằng lòng, đưa tay lên.
Trừ một vài thằng nhóc con ngơ ngẩn, cả lớp vội vàng hăng hái đưa tay trước lời đề nghị bất ngờ đó. Nhưng vẻ hăng hái bồng bột không suy tính đó nhụt xuống ngay. Những nét mắt trở nên ngại ngần và từng cánh tay dần dần hạ thấp xuống.
— Thưa cô, không có giấy để viết…
— Thưa cô, không đủ thì giờ…
— Thưa cô, không… có khả năng sáng tác.
— Em chót môn Việt văn.
Từng ấy tiếng nhao nhao lên một lúc. Trâm thong thả:
— Có người không đủ khả năng để viết thật. Nhưng cũng có thể thay thế, góp phần bằng vài mẩu chuyện vui cười, nhớ lại các danh ngôn, những mục sưu tầm khảo cứu nho nhỏ. Còn vấn để thì giờ, không nên thắc mắc. Sáng tác, trừ những tác phẩm dài, không hẳn cần đến yếu tố thời gian. Một bài thơ, một đoạn văn, một trang tùy bút, chỉ một thoáng là xong. Có khi ngồi nặn óc suốt ngày không ra một chữ, đó là trường hợp cạn đề tài và nhất là thiếu cảm hứng. Về chuyện thiếu giấy thì tôi sẽ giải quyết giùm.
Trâm giở quyển sổ dày năm trăm trang, giấy trắng nõn, bìa đen, gáy mạ chữ vàng, đưa lên cho học trò xem:
— Ai cần giấy mời lên đây.
Một, hai, ba đứa; một, hai, ba bàn rồi tất cả chúng nó đạp bàn đạp ghế tuôn lên xin giấy. Hàng chục cánh tay vươn ra trước mặt Trâm, từng bàn tay bỏ sẵn trên mặt bàn. Nhẹ nhàng, thoăn thoắt Trâm xé từng tờ giấy nõn nà phân phát cho chúng nó. Nàng xé mỗi lúc một nhanh. Những bàn tay mở đón mỗi lúc một nhiều. Tiếng giấy lao xao sột soạt lan đi khắp phòng như tiếng reo vui mơ hồ êm ái. Tiếng reo vui đó nhuốm vào hồn Trâm một ý nghĩ vừa sâu xa vừa giản dị vô cùng: mình đang cho.
Khi những cánh tay rút lui, những tiếng lao xao ngừng lại, nhìn quyển sổ quí của mình, Trâm thấy chỉ còn trơ lại cái bìa cứng dính mấy tờ xơ xác. Nàng mỉm cười tự bằng lòng một cách vô lý. Trâm nhìn xuống những cánh bướm trắng lớn ở xa về đậu lại và sắp sửa nhẹ nhàng vẫy cánh bay đi. Nhưng trong nét mặt ngẩn ngơ, cụt hứng của đám học trò, tương phản với vẻ hăng hái xôn xao vừa rồi. Trâm biết những tờ giấy trắng sẽ lại hoàn trắng hay viết nhì nhằng xé nát, vứt bỏ đi. Nhưng nàng không cần, không cần điều đó. Trâm chỉ lâng lâng vui sướng trong nguồn cảm xúc êm đềm và rộng lớn như khi đứng trên một ngọn đồi cao rứt từng cánh hoa hồng thơm gieo vào lòng gió. Mình cho đi. Ba tiếng ấy mơ hồ vang dội trong tâm tư Trâm như một điệp khúc thanh thoát.
Một đứa học trò lén nhìn lên cuốn sổ tả tơi trên bàn Trâm, tiếc rẻ:
— Thưa cô, phí quá! Có người không viết cũng lên xin giấy.
Trâm dịu dàng đáp lại:
— Không. Cho không bao giờ phí. Chỉ có nhận nhưng không biết cách dùng mới phí mà thôi.
Bỗng nhiên, cả lớp im phắc hẳn đi. Rồi yên lặng vỡ ra theo một tràng vỗ tay huyên náo.
Trâm ngạc nhiên:
— Cái gì vậy?
— Thưa cô, cô nói lại lần nữa.
— Nói lại gì?
— Lời cô vừa nói.
Trâm chưa hết ngẩn ngơ, một đứa đã đọc lại rõ ràng từng tiếng một, câu nàng vừa nói. Mấy cái đầu cúi xuống, mấy bàn tay hí hoáy viết lên một mép giấy. Nàng hiểu nguyên nhân loạt vỗ tay và ngẫm nghĩ lại nghĩa đôi mà nàng không để ý khi nói ra lời. Trâm chợt vừa vui, vừa ngại như một lần sau khi giảng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan cho một lớp nhỏ. Khi giọng nàng trầm xuống chấm dứt bài giảng, chúng nó im phắc, ngẩn ngơ một lúc và loạt vỗ tay đột ngột vang lên, như chiều nay. Rồi chúng nó yêu cầu cô giáo giảng lại cho nghe lần nữa. Chúng nó nhao nhao và không khí lớp học bổng xao xuyến như cảnh phòng trà với những tiếng hô “bis, bis” sau một đơn ca tuyệt diệu. Chúng nó tưởng mình soạn bài giảng kỹ, học thuộc lòng rồi đến đây chỉ mở máy. Chẳng đứa nào biết và tin rằng những bài giảng chúng mê thích nhất là những bài nàng nói “tùy hứng” không bao giờ soạn trước. Những ý tưởng ấy, mối xúc động và thông cảm sâu xa với tác giả, với bài thơ hằn đọng từ bao giờ trong tiềm thức. Mỗi lượt giảng bài hứng khởi được khơi nguồn nhờ những khuôn mặt đợi chờ nghe ngóng, từng cặp mắt đen láy thông minh vô tội, từng dáng ngồi ngay ngắn chăm chú say mê. Nàng nhìn chúng nó, và nói chìm đắm vào thế giới xa vời, mênh mông của khung cảnh, thời gian, không gian trong bài thơ. Đến khi yên lặng khỏa lấp gian phòng, khi tiếng vỗ tay vỡ ra như một dòng suối mát, nàng cảm thấy nhẹ nhàng vui sướng như đã truyền đi, với ngàn sau cách biệt ngàn trùng.
Chiều nay, chúng nó lại vỗ tay vì một câu nói tự nhiên không hề nghĩ ngợi.
Một lúc lâu, có tiếng ở cuối lớp:
— Nhưng thưa cô, không cảm hứng, viết sao được?
Trâm nhìn những khuôn mặt trông lên:
— Vỗ tay là dấu hiệu cảm thông và phấn khởi. Cảm hứng cũng có thể bắt nguồn từ niềm cảm thông và phấn khởi đó.
Một tiếng la thật vô lễ bật lên:
— Hay quá ta!
Trâm nghĩ đến hình phạt và ý nghĩ khô khan đầu tiên trở lại, hôm nay mình đi coi cấm túc. Nàng ra dấu cho cả lớp bắt đầu công việc. Dần dần sự yên lặng trở lại, kéo dài, trĩu xuống, những mái tóc cúi nghiêng nghiêng trên mặt bàn, những vầng trán ưu tư nhăn nhíu, những cặp môi xoắn lên đầu cán bút, những ngón tay gõ nhẹ xuống mặt bàn, những tiếng xôn xao mơ hồ của từng trang giấy trắng lật qua lật lại.
Chúng nó tìm cảm hứng đó. Trâm giấu nụ cười trong bàn tay vừa đưa lên che môi. Bây giờ, bọn học trò chăm chú vào công việc, không nhìn lên nàng nữa. Trâm tự do, dễ chịu, tha hồ nhìn xuống, quan sát từng đứa để “trả thù” bị nhìn lúc mới vào. Vài đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Trâm nghĩ, thế nào cũng có thông reo gió thổi. Có đôi mắt nhìn sững vào khoảng không hay trên vách tường trống trải. Có cặp mắt sáng rỡ nhìn lên như vừa bắt gặp một ý tưởng, một hình ảnh thần tiên nào đó đang chiếu vào khoảng tâm hồn u tối. Có cặp mặt đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng như chờ mong những hàng chữ bỗng nhiên hiện hình theo phép lạ.
Cuối cùng, Trâm nhìn xuống chỗ Minh ngồi. Cậu bé đang lơ đãng chống tay vào má nhìn lên phía nàng. Cây bút xoay tròn tinh nghịch trên mấy ngón tay trắng nhỏ. Nàng mỉm cười thật nhẹ như thầm nhắc, sao em không viết gì đi. Minh mỉm cười yên lặng. Nụ cười nửa đầm ấm bắt gặp vẻ quen thân trong xa lạ, nửa ngại ngùng bối rối muốn lẩn trốn, che dấu chính mình và những ý nghĩ mình trước đôi mắt dò xét và phán đoán của kẻ khác. Rồi đôi mắt Minh cúi xuống. Ngòi bút loay hoay trong tay, bây giờ bị cắn nhẹ giữa hai hàm răng đều và nhỏ. Minh vò một mẩu giấy nhỏ vứt xuống đất, giở trang giấy khác, nhưng không viết gì được. Trâm biết Minh muống đứng lên, chạy bay ra khỏi phòng, chạy thật xa cái nhìn xoi mói của nàng. Nhưng Trâm cứ nhìn như kẻ đi săn nhìn con thú lúng túng tìm cách thoát thân khỏi cái bẫy của mình. Nàng cười thầm, chú mày ngán bị bắt gặp trong phòng cấm túc phải không? Xui xẻo quá, bị bắt phạm tội ngay lúc ta đang điều tra lý lịch chú mày để còn liệu xem.
Thật ra điều đó chẳng có gì xui xẻo cho Minh, nhưng trường hợp chỉ ngộ nghĩnh buồn cười cho nó. Trâm nhớ đến vẻ lễ độ giả vờ và lối ăn mặc làm ra trẻ con ngoan ngoãn của Minh hôm đi với Thức đến xin nàng cho ở trọ trong nhà. Hôm đó thật tình Trâm chú ý đến lời giới thiệu của Thức và tin ở những điều Thức nói về Minh. Nàng không chú ý gì đến đương sự, ngồi khép nép nhỏ nhắn và yên lặng trên chiếc ghế cách xa bàn nàng ngồi. Đến nỗi, mãi chiều hôm đó, nhớ lại cậu bé xin ở trọ nhà mình để liệu bề quyết định, Trâm không còn nhớ hình dáng và vẻ mặt của Minh ra sao nữa. Nó có vẻ còn trẻ con, ngu ngơ, bằng thằng cháu con chị mình, cũng chẳng sao. Trâm định nếu nó trở lại với người bà con đến gởi gắm, sẽ nhận lời. Nàng cho việc đó không quan trọng và cũng chẳng có gì có thể thay đổi nếp sống đều đặng buồn tẻ cô độc trong tòa lầu mênh mông của mình. Cho nên nàng không hỏi tuổi tên của “ông khách trọ” tương lai nữa. Thêm một người cho nhà đỡ vắng, như Ro-bin-sơn thêm Mọi Thứ Sáu trên hoang đảo, vậy thôi. Nghĩ thế nhưng thật ra trong thâm tâm nàng mong mỏi một cái gì khác mà nàng chưa khám phá ra. Nàng chỉ cảm thấy thờ ơ, chán nản khi nhận ra người khách trọ tương lai chỉ là một thằng học trò nhỏ tầm thường và có vẻ… không biết gì cả. Trong hoàn cảnh Trâm, gặp người khách trọ không biết gì cả là một điều may mắn và hợp lý. Nó biết gì, mình cũng biết gì, thế nào cũng mang họa… Biết thế, nhưng Trâm lại chán, lại buồn nghĩ đến cuộc đời đều đặn kéo dài không biết đến bao giờ và mong mỏi một cái gì, một cuộc cách mạng tâm hồn nào để đổi thay và xáo trộn tất cả. Nhưng rồi Trâm nghĩ đến gia đình, đến sự ràng buộc của sự sống và nghĩ cách khác: ở nhà biết mình cho một đứa học trò nhỏ cùng ở, hẳn yên tâm. Còn hơn là cho người khác hay một gia đình đông đúc thuê bớt tầng dưới. Để mình ra cho nó mấy điều kiện, làm khó dễ đôi chút rồi nhận lời. Chẳng lẽ lại ừ ngay… Nàng nói với Minh chiều hôm đó:
— Tôi tin Thức, mà em là bạn của Thức, tôi có thể nhận lời. Nhưng chuyện gì cũng phải có người lớn đã. Em từ đâu đến, xin ở nhà tôi, nhưng nếu gia đình em không bằng lòng thì sau này lôi thôi cho tôi và cho em nữa. Vậy em phải đưa một người bà con nào đến đây nói với tôi một tiếng. Vả lại, tuy em là học trò trong trường tôi dạy, nhưng còn xa lạ nhau, để tôi xem lại đã.
Trâm rào đón không phải để điều tra lý lịch gì nó, nhưng để nghĩ lại, chờ xem mình có thay đổi ý kiến gì không. Việc cho Minh ở trọ hay một người nào khác, không quan trọng. Điều nàng đắn đo là có nên kéo dài lối sống Rô-bin-sơn trên hoang đảo, hoàn toàn một mình trong tòa lầu vắng như trong mấy tháng nay không, hay phải thêm người như gia đình nàng dặn dò.
Nhưng Minh thì có lẽ tưởng nàng chưa nhận lời vì còn điều tra, vì chờ lời cam kết của người nhà nó. Vì thế, chiều hôm sau, lúc nàng ngồi một mình ở văn phòng giáo sư, Minh tìm vào. Quần tergal đen, giày đen, áo len màu rêu thẫm, vài cuốn sách cầm tay, trông Minh có vẻ lớn và “biết gì” hơn lần trước nhiều. Trâm ngồi tréo chân trên ghế xa lông gật đầu đáp lại cái chào lễ phép của cậu học trò. Minh ngập ngừng:
— Thưa cô, xin cô trả lời cho em biết về quyết định của cô.
Trâm ngồi thẳng, hai bàn tay đặt ngay ngắn trên vạt áo gấm màu xanh da trời, nghiêm trang và thờ ơ trả lời Minh:
— Tôi đã nói, cần phải có người nhà em đến nói với tôi một tiếng.
— Chiều mai em sẽ đưa bác em lại hầu chuyện cô.
Rồi Minh lại lễ phép chào Trâm và quay ra. Nhưng Minh vừa quay lưng, Trâm gọi lại:
— Này em…
— Thưa cô… gì ạ.
— Em chưa cho tôi biết tên.
— Dạ, Minh. Nguyễn Duy Minh.
— Lớp nào nhỉ?
— Đệ Nhất A ạ.
— Thôi được, em ra chơi.
Trâm chép tên và lớp của Minh vào góc vở soạn bài, định hỏi Hiệp, một giáo sư trong trường về gia thế Minh, vì theo Minh thì Hiệp biết rõ về nó.
Nguyễn Duy Minh. Nó ngồi đó. Nó mỉm cười. Nó quên giờ cấm túc. Nó nhìn lên cô giáo và chưa gì cả đã có vẻ chấp nhận “cô là người thân, người nhà của em rồi”.
Gần suốt hai giờ, Minh ngồi lơ đãng thản nhiên giữa đám học trò chăm chú, cặm cụi tìm tòi, suy nghĩ viết. Trâm nhìn xuống tờ giấy trắng trước mặt Minh, lắc đầu nhè nhẹ và mỉm cười. Một vài tác giả đã lục tục đem văn phẩm lên góp. Những “tướng” còn lại hình như cũng sốt ruột, viết bừa thêm vài dòng nữa rồi cũng mang giấy lên qui hàng. Rồi bàn này, bàn nọ, lũ học trò đứa ngồi đứa đứng, lộn xộn như lúc làm xong một bài hạch tấn ích. Chỉ khác là không đứa nào quờ tay xuống học bàn tìm vội quyển vở giở ra dò xem bài làm có trúng tủ không. Một vài đứa góp bài xong, xin về trước. Nhưng cũng có đứa ngồi phỗng ra như tượng đá. Có đứa còn xin cô cho thêm một giờ cấm túc nữa để được ở lại chơi. Có đứa “thưa cô lần sau cô đến coi cấm túc nữa”. Nhiệm kỳ canh tù sắp mãn, Trâm có thể cười được rồi. Nàng đứng lên, ra dấu cho tụi nó ngồi yên chờ đúng năm giờ mới về. Rồi nàng cúi xuống đống bản thảo dày cộm trên bàn. Một kết quả không ngờ: thơ, truyện vui, truyện ngắn… Nhiều nhất là thơ và thơ đủ loại cả kim lẫn cổ, về hình thức cũng như nội dung. Từ loại thơ mới “tự do” có đủ hình ảnh công viên ghế đá, dã thú, thảo mộc cho đến cổ lỗ sĩ kiểu mây Tần, song thu, kinh khuyết, thiếp chàng… Trâm mỉm cười tiếp đón tất cả. Trong lúc Trâm xếp loại những tác phẩm đó và gấp vào một tấm classeur thì đám giặc dưới kia nhấp nha nhấp nhỏm ngồi không yên. Chúng nó muốn biết vận mạng của những bài sáng tác đó ra sao. Trâm nhìn xuống chúng nó, ban một câu:
— Thật đáng tiếc…
Những nét mặt nhăn nhó đợi chờ lời chê bai tiếp theo. Nhưng Trâm chỉ định lừa chúng nó, cố làm cho chúng “đau khổ” trước rồi “sung sướng” sau như khi phát bài, bao giờ nàng cũng sắp thứ tự và đọc từng đứa một từ điểm nhỏ đến điểm lớn.
Ngừng một phút cho chúng thắc mắc chớ đợi, Trâm tiếp:
— Thật đáng tiếc là không phải bài làm để cho điểm. Nếu cho điểm thì có lẽ các ngài được trên hai mươi cả.
Chúng la lên một loạt và Trâm nghĩ đến tiếng reo hò tở mở của bọn giặc trên sân khấu cải lương khi sắp bao vây một thành trì bằng giấy nào.
Rồi mặc cho chúng xôn xao bàn tán, Trâm cúi xuống tờ giấy của Minh mà nàng đã để riêng lúc nãy. Trên góc giấy, chỉ vỏn vẹn có một câu, một câu nói của nàng: Cho không bao giờ phí. Chỉ có nhận mà không biết dùng mới phí mà thôi. Nó còn tinh nghịch mở một ngoặc đơn với hai chữ “danh ngôn” phía dưới câu đó. Trâm ném một cái nhìn khiển trách về phía Minh. Nó cười và cúi đầu nhận chịu.
Trâm nhìn đồng hồ tay: năm giờ đúng. Lệnh cuối cùng ban xuống ba quân:
— Hết giờ, các cậu về.
Cả lớp náo loạn như vỡ chợ. Chúng xô đẩy nhau ngã dúi, ra phía cửa. Có đứa trèo hẳn lên bàn, tuôn ra ngoài bằng cửa sổ. Trâm cười thầm: “vậy mà chúng làm như khoái cấm túc muốn kéo dài giờ tù này ra mãi”. Chờ cho đứa học trò loắt choắt cuối cùng ra khỏi lớp, Trâm thong thả xếp giấy tờ trên bàn rồi ra cửa. Nàng cố tìm cách ra thật chậm cho lũ học trò giải tán hết trước khi nàng ra sân.
Nhưng vừa đi hết dãy hành lang vắng xuống khỏi thang lầu, lũ lâu la đứng phục kích sẵn từ bao giờ, vây kín nàng, vào giữa. Không còn lối đi, Trâm đành đứng lại chịu trận. Nàng làm ra vẻ thản nhiên cứng cỏi nhìn vào mặt từng đứa. Thằng cao nhất cất giọng vịt đực ồm ồm:
— Thưa cô… giờ cấm túc của cô… vui quá.
Trâm cười:
— Người coi cấm túc làm cho giờ cấm túc trở nên vui vẻ tức là làm mất ý nghĩa của sự trừng phạt và khuyến khích học trò phạm pháp?
Cả lũ cười. Một đứa nhe răng:
— Thưa cô từ trước đến giờ tụi em chưa gặp giờ cấm túc nào vui như thế!
Trâm quật một đòn:
— Vậy các ngài đây đều là dân cấm túc kinh niên sao?
Bọn học trò cười. Thừa dịp hai đứa có bạn gọi vừa bỏ đi, Trâm vội vàng lách mình ra ngã đó. Vòng vây tản ra, không còn là vòng tròn mà cái đuôi. Chúng nó đi theo sau Trâm lúc nàng về văn phòng cất sổ sách.
Tiếng la của chúng nó vọng lên từ dưới chân đồi:
— Tuần sau cô xem cấm túc nữa, tụi em sẽ nghỉ học không xin phép.
— Phá trật tự trong lớp.
— … Đánh lộn.
— … Bao giờ xem cấm túc cho tụi em biết trước.
Thế từ văn phòng lù lù đi ra bắt gặp Trâm đứng nhìn xuống con đường vòng quanh hồ mỉm cười một mình. Y hỏi:
— Hai giờ với tụi nó, chị mệt lắm?
— Không. Vui và phân vân về vai trò của mình. Lẽ ra, tôi không nên làm cô giáo.
Tram định tiếp nhất là cô giáo trường con trai. Nhưng nghĩ ra mình không thân thiết với tên đồng nghiệp này nên lại thôi.
— Bọn tôi cũng nghĩ thế về chị. Chị trẻ quá và lại hợp tụi nó.
— Anh ám chỉ cái gì?
— Không. Tôi nói thật. Chị trẻ, tụi học trò lại lớn. Ý nghĩ và lối sống của chị gần như tụi nó cho nên tụi nó thích. Chị gây ảnh hưởng trong trường này nhiều lắm đấy nhé!
— Tốt hay xấu?
— Không nên kết luận như thế. Tôi xin nhận xét và miễn phê bình. Cả bọn chúng tôi đều đồng ý công nhận là trước khi chị đến, bọn học trò chơi thân với chúng tôi lắm. Nhưng từ ngày có chị…
Trâm nhớ có một lần Hiệp cũng nói với nàng:
— Từ ngày có chị, lũ học trò trường này không thèm chơi với chúng tôi nữa. Chúng nó vây theo chị rồi đó.
Lần đó Trâm tưởng Hiệp nói đùa để tán khéo nàng. Bây giờ nàng thấy đúng và bắt đầu sợ. Sợ chúng nó. Sợ mình. Sợ những cuộc tiếp xúc rắc rối này, giữa cô giáo trẻ và lũ học trò con trai lớn. Vả lại học trò trường này nổi tiếng là tinh quái nhất. Đến như Thư, nghiêm, khô khan, lại đại học sư… cụ ra mà cũng chẳng đứa nào coi ra gì. Mỗi lần điểm danh, bọn đầu trâu mặt ngựa đứng lên trân trân. Thư gọi, Nguyễn Văn A! chúng trả lời phắt, một vợ hai con. Đến: Lê Văn B hắn đáp, góa vợ. Trâm không phụ trách những lớp như Thư, nhưng ở lớp nhỏ vẫn có những nỗi khổ tâm khác. Không phải Trâm chỉ tiếp xúc với học trò nhỏ mình dạy mà còn với bọn đệ Nhất đệ Nhị, những đứa này không biết ở lớp nào, cứ kiếm chuyện văn nghệ, bích báo, ca nhạc, dạ hội tất niên, cấm trại để đến thưa thốt tán dóc Trâm. Ban đầu ngoài sân, sau lần vô bếp. Mà nàng lại có chân có cẳng trong ban giáo sư chỉ đạo về báo chí và văn nghệ nhà trường.
Phải làm sao? Chẳng lẽ thối lui? Mới vào nghề mấy tháng nàng không muốn mất “nhuệ khí”. Nàng vốn thích phiêu lưu tình cảm. Trong địa hạt nghề nghiệp sao lại không có thể làm một chuyến phiêu lưu?
— Mời chị vào văn phòng xơi nước.
Trâm bỡ ngỡ quay nhìn lại Thế. Thấy hắn đăm đăm nhìn mình, nàng lạnh nhạt:
— Cám ơn anh, tôi phải về, chiều rồi.
Thật ra Trâm muốn hắt vào mặt hắn:
— Vợ con một bầy còn léng phéng, huống gì mấy đứa con trai mới lớn.
Thế lúng túng quay vào. Còn lại một mình, Trâm chậm rãi đi về phía sau trường, xuống đồi. Bóng chiều lãng đãng cuối chân mây. Rừng thông mơ hồ khơi gió. Một cơn lạnh mơ hồ thoáng lên da thịt. Trâm khoác chiếc áo lông lên vai, lắng nghe nỗi đìu hiu len lỏi vào tâm hồn và niềm bâng khuâng quen thuộc với cuộc đời cô đơn buồn và đẹp của mình mỗi chiều ở trường về. Dưới chân đồi, những làn khói lam thổi cơm chiều từ ngôi nhà trắng của Trâm thoang thoảng bay lên, lẫn trong màu xám đục của trời chiều. Phút đó, những tiếng học trò đã lắng; bao vẻ xôn xao nghịch ngợm đã chìm. Niềm vui lâng lâng trong tâm hồn Trâm qua những lúc giảng bài cũng biến mất. Tất cả như một làn sóng dạt vào bờ một thoáng rồi trở về với biển khơi mênh mông. Trong những chiều hiu quạnh như chiều nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô đơn xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này. Mệt tiếng cười gieo trong yên lặng. Một tia mặt trời thắp sáng hoàng hôn. Một niềm vui nhỏ bé cho quãng đời buồn tẻ hiện tại. Cũng như nàng cần đốt lửa đêm đêm trong lò sưởi dù mỗi sáng mai thức dậy phải nhìn thấy tro tàn. Một khuôn mặt trẻ con hồn nhiên đến vô tội thấp thoáng hiện ra giữa vùng tranh tối tranh sáng của tiềm thức. Mái tóc mềm dịu. Hai con mắt đen nhỏ. Hàng răng trắng đều, nụ cười trẻ con. Về Minh, Trâm chỉ nhớ có thế. Trâm kiểm điểm lại hình dáng và cử chỉ nó trong ba lần gặp. Lần thứ nhất ngơ ngác, rụt rè ở nhà nàng. Lần thứ hai có vẻ lớn và “ra gì” hơn ở văn phòng. Lần thứ ba, chiều nay trong giờ cấm túc. Khuôn mặt nó ngước lên phía nàng như một nhắc nhở, thúc giục, thế nào cô có nhận lời em không?
Trâm bước xuông bậc thềm đá trước nhà. Nỗi phân vân có nên cho nó ở trọ nhà mình không đã biến thành một quyết định.
Con bé ở đón chủ ở cửa:
— Cô về muộn quá, thức ăn nguội rồi.
Trâm dễ tính:
— Cũng được, ăn xong, mày sửa soạn căn phòng gần thang lầu tầng dưới cho cô, quét dọn và lau kỹ cửa kính.
— Để làm gì vậy cô?
Trâm cong một ngón tay cốc vào đầu con bé.
Để làm gì sẽ ra sao ai biết được. Buồm sẽ xuôi về đâu còn tùy theo cơn gió.
Vào đến cửa phòng khách, nghe tiếng lục đục trong nhà, Trâm biết là người ở trọ đã dọn đến. Nàng nhìn đồng hồ tay nghĩ thầm, nó đến đúng giờ đấy chứ. Ban đầu mình bảo gì nó cũng nghe, nhưng sau này…
Trâm bỏ dở ý nghĩ sau cùng rồi lên tiếng gọi chị người làm mới:
— Chị Ba!
Người tớ gái từ bếp nhanh nhẹn đi ra.
— Thưa cô em làm cơm xong rồi nhưng còn chờ hỏi cô xem dọn dưới này hay trên lầu.
À, ra con này cũng băn khoăn điểm đó như mình, có thêm người, thêm vấn đề.
Trâm ngẫm nghĩ một thoáng:
— Ăn trên lầu như mọi ngày. Nhớ thay nước bình hoa trên lò sưởi và dọn dẹp phòng khách lại. Ghế bàn xô lệch bừa bãi thế này.
— Thưa cô, anh gì dọn đến đem đồ đạc ngang qua phòng này như thế đó.
— Thì chị phải thu dọn lại chứ! Bắt người ta làm à…
Trâm chợt dừng lại vì vô tình giọng mình có vẻ bênh người khách để phàn nàn người làm. Nhưng chị Ba đã luýnh quýnh kéo mấy cái ghế ngay ngắn lại quanh bàn và bưng hoa ra phía nhà bếp. Trâm nhìn thoáng qua bóng mình lờ mờ trong cửa kính rồi nhấc tà áo trước lên một tí, đi về phía thang lầu. Ngang qua cửa phòng Minh, Trâm hơi mỉm cười và gật đầu nhẹ đáp lại lời chào của “ông khách trọ” rồi dửng dưng khoan thai từng bước một lên thang lầu gỗ đen bóng. Không nhìn lại, nàng cũng biết ở cửa phòng dưới, Minh đang đứng ngẩn ra nhìn theo ngạc nhiên về thái độ lạnh lùng của bà chủ. Có lẽ Minh chờ nàng về để hỏi han cách sắp đặt trong phòng, hoặc chỉ để nói với nàng đã dọn tới. Nhưng nàng chỉ đi lướt qua không cần chú ý đến “biến cố” đó, như Minh là một chiếc lá vừa theo cơn gió rơi vào phòng, việc dọn nhà của Minh chỉ là sự xê dịch của một chiếc ghế. Mình phải tỉnh bơ đi, làm ra vẻ cóc cần và kẻ cả ít lâu cho nó biết nể, biết sợ, biết bà chủ không vui tính dễ dãi như nó tưởng, và tuy ở cùng nhà, nhưng muốn “yết kiến” bà chủ cũng phải chờ chực, phải lựa dịp, không phải lúc nào cũng nói bô bô, cũng kêu cũng gọi, cũng hỏi han bất cứ việc gì được đâu. Như học trò trong lóp, muốn xin nói phải đưa tay lên nghểnh cổ về phía cô giáo và chờ đấy… Lúc đầu dễ với nó thì nó leo lên đầu lên cổ mình ngay.
Trâm mở cửa phòng, bước vào và khóa ngay lại. Tự nhiên Trâm thấy tiếng gót giày mình gõ trên sàn nhà gỗ ròn rã hơn mọi khi, cả đến tiếng khóa cửa lách cách cũng vang rền như muốn làm kinh động bầu không khí yên tĩnh trong nhà. Những âm thanh vô nghĩa, nhỏ nhặt đó bắt đầu từ hôm nay trở nên những dấu hiệu, những cách thế của nàng đối với người khác lắng ghe để đợi chờ hay dò xét. Và cũng từ nay ở mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của nàng đều có sự tính toán cân nhắc, đắn đo, như một diễn viên sân khấu phải chú ý từng chi tiết về vai trò của mình trước khi trình diễn. Để làm gì, mình là chủ, ai bắt buộc đâu. Nhưng Trâm tự biết mình phải che giấu, đến lúc nào hay lúc đó, bản tính, sở thích, con người thật sự của mình với người xung quanh trong buổi đầu về qui hàng cuộc đời khuôn khổ và sáu hủ này. Trước mình chỉ đóng kịch ở trường. Về nhà, ở thế giới riêng biệt là của mình, hồ ly tinh lại hiện nguyên hình con cáo. Bây giờ phải mang lớp vỏ nặng nề giả tạo này cả ở trường, cả ở nhà… Thế là hết đường thoát…
Trâm mở tủ, chọn bộ pyjama hàng boussac dày màu hồng nhạt có những đường kẻ trắng nhỏ, thay quần áo. Bộ mới thay ban sáng còn sạch và trắng, Trâm ném vào chỗ áo quần bẩn chờ giặt. Mặc bộ áo quần cắt ngắn và chật kiểu mới đó, xõa tóc ra nữa, mình còn gì là tác phong chủ nhà. Trâm mỉm cười nhạo bóng mình trong gương lớn rồi ra đứng ở cửa sổ nhìn sang rặng đồi bên kia. Hoàng hôn đã lấp đầy những ruộng dâu, những vườn hoa trong thung lũng. Ánh sáng lờ mờ còn đọng mơ hồ như một lớp hơi màu xám nhạt ở sườn đồi, sắp sửa bay lên vòm trời loãng nhạt, tản mác giữa các vì sao. Hơi lạnh tẩm mùi lá hoa dìu dịu xông lên thoang thoảng theo làn gió. Trâm rùng mình khoan khoái và cảm giác ngủ quên từ bao giờ bỗng nhiên rờn rợn thức giấc trên chân tóc, làn da. Nàng nhoài hai tay ra cửa sổ, ôm lấy khoảng trống không, rồi cong tay lại, ấp bàn tay lên cổ. Lòng lâng lâng vui sướng. Trâm tính chúm môi huýt sáo. Nhưng nhớ ra, nàng dừng lại, lắc đầu, khép cửa sổ.
Với lấy cái áo khoác choàng qua người, Trâm mở cửa, thong thả xuống lầu. Nàng bắt gặp Minh đang nhìn lên trong dáng chờ đợi. Thấy bà chủ xuống, ông khách trọ đứng nép sang một bên nhường lối cho nàng vào phòng.
— Xong cả chưa?
Minh sửa lại tấm lịch mới treo chon gay ngắn:
— Dạ xong nhưng em chờ cô cho ý kiến nên sắp đặt như thế nào.
— Phòng này từ nay không thuộc về tôi nữa. Của em, em dọn dẹp thế nào thì dọn chứ.
— Em sợ… cô không vừa ý.
Trâm nghĩ, thằng quái này, nó phải dò xem mình có ý hay không mới vừa chứ.
— Đã bảo phòng của em, tùy ý em.
Nhưng rồi Trâm cũng đi quanh phòng, đặt cái này, sắp cái kia.
— Bàn học kê gần bên cửa sổ. Còn cái giường phải quay ngang lại, để xoay đầu về phía cửa, nằm chói mắt lắm.
Minh nhanh nhẹn làm theo lời chủ nhà ngay. Một thoáng, căn phòng bớt bề bộn và có vẻ rộng rãi hơn với cách sắp đặt mới. Trâm nhìn lên cửa sổ:
— Chỉ có cửa gương. Phải treo màn ngăn bớt ánh sáng.
— Thưa cô, treo màn màu gì?
— Màu gì em thích. Nhưng trời mưa xuống thì phải tản cư lên lầu, phòng này ướt sũng hết đấy.
Bỗng Trâm thoáng thấy gói Bastos xanh để ở trên bàn học.
— Em hút thuốc?
Thấy Trâm nhìn mình chăm chăm, nghiêm nghị chờ đợi câu trả lời, Minh luống cuống tìm câu nói gỡ:
— Thưa cô, để… mời khách đấy mà.
— Em hứa với tôi là… không tiếp khách.
Minh đứng im. Hai bàn tay lúng túng đưa lên định làm một cử chỉ phản đối, nhưng lại buông thõng xuống. Tìm mãi không ra một câu nói dối thứ hai, anh chàng đỏ mặt rồi mỉm cười mong xoa dịu tình hình. Đến đó Trâm mới để ý đến chiếc hộp sắc tròn nho nhỏ ben ngoài dán hình Claudia Cardinal mặc bikini ngồi duỗi chân trên bãi cát, mái tóc rũ rượi dạt về đàng sau theo chiều gió. Nàng cầm chiếc hộp mỉm cười ngắm nghía. Mùi thuốc nồng xông lên. À cái gạt tàn của cậu ấm đây. Minh đứng quay lưng về phía chiếc tủ thấp ở đầu giường, cố che cho Trâm khỏi nhìn về phía đó. Nhưng Trâm đã thấy những hình tài tử cắt trong các tạp chí điện ảnh bày la liệt trên sách vở, giữa những quyển vở dày, bừa bãi rơi trên nệm gối, Trâm đang tìm một một câu gì khiển trách và cảnh cáo thì Minh đã đón đường:
— Thưa cô phòng trống quá, em xin thằng bạn mấy tấm hình về dán.
Rồi Minh mở cuốn lịch mới đưa trước mắt Trâm.
— Em treo lịch này lên vách đầu giường được không cô?
À, tên này vừa gian vừa ngoan. Quân xỏ lá chứ không ngờ nghệch như mình tưởng hôm đầu rồi. Mình xét lầm người… Trâm nghĩ, chỉ còn cách tìm những phương pháp thích hợp để trị dần dần con ngựa rừng mới lớn đó. Hút thuốc nặng. Chơi hình tài tử. Đàn địch. Bạn bè. Áo quần từng loạt như thế kia. Đúng là điệu con nhà giàu ham chơi biếng học rồi.
Mà áo quần Minh nhiều thật. Hàng chục cái quần màu sẫm gần giống nhau, đều loại đắt tiền. Năm sáu cái áo len kiểu và màu khác nhau vất ngổn ngang trên mặt rương. Hai ba bộ complet, cravate treo xốc xếch lên cái máng áo vừa mắc vội trong góc phòng. Một cây nhót nữa đây. Trâm quay lại nhìn Minh. Trong làn ánh sáng lờ mờ của gian phòng chưa lên đèn, thân hình nhỏ bé, cái đầu cúi nghiêng của người con trai in lên nền tường màu hồng nhạt những nét vẽ linh động nhịp nhàng. Bỗng nhiên, Trâm khám phá ra, qua hình dáng đó, một cuộc sống vừa bắt đầu ngút cháy, cuồng sôi, huyên náo mà lầm lì, thơ dại mà phức tạp, cuộc sống của thanh niên thời đại. Mấy hôm trước, Minh dưới mắt Trâm hoàn toàn xa lạ, hoàng toàn cách biệt. Như điệu nhạc từ bản đàn chưa một lần nghe thấy. Minh thuộc về loại nào trong cái đám con trai nôn nao xô bồ sống, yêu, đam mê, chán bỏ. Tâm trí nàng dạo một vòng về vỉa hè Sàigòn. Tiếng nhạc bập bùng vẳng ra từ những tiệm cà-phê, đuổi theo nhau quấn quit những bước chân đi không giờ tìm thấy đích. Trong vùng ánh sáng nhờ nhờ của đèn xanh đèn đỏ về khuya, từng khuôn mặt non choẹt, ngu ngơ, từng cánh tay duỗi dài trên quầy hàng, từng ngón tay bám chặt lấy ly 33 ướt lạnh. Những bàn chân gõ nhịp xuống nền gạch. Những cái nguẩy đầu. Những cái búng tay. Những cái lắc mình đu đưa theo tiếng nhạc. Vô số những hình ảnh đó chập chờn chao lượn như những bóng ma hiện lên từ một vực tối hun hút sâu. Ngày này qua ngày khác. Đêm này qua đêm khác. Lũ con trai ngồi đó, im lìm chờ đợi. Im lìm nhìn nhau. Không biết để làm gì. Để đi đến đâu. Khoảng trống không giữa cuộc đời và tâm hồn mở rộng theo vòng năm tháng. Sách vở là những khối đá nặng nề. Lớp học là nhà giam. Lời giảng bài là một thứ kinh cầu cỗ lỗ. Nét mặt thầy giáo đăm chiêu vô nghĩa. Những mùa thi rộn ràng mà chán ngán. Đậu hay hỏng cũng thế, đều buồn nản, vô vị như nhau. Không có gì thay đổi giữa những khoảng cách thời gian, đánh dấu bằng bãi trường, khai giảng. Phần nhất, phần nhì rồi đại học. Những phân khoa. Xong rồi cũng ở lại đó, lì ra đó, như con ngựa sau những vòng đua cũng phải trở về chuồng. Những phương trời nắng gió thật xa vời, chỉ mở ra trong tâm tưởng không bao giờ nguôi khát vọng. Những chuyến đi xa thành hư ảo. Cảm giác tù đày nặng nề bưng bít thêm. Người trẻ tuổi lớn lên. Già cỗi. Chán chường. Nên cảm thấy luôn luôn thừa một cái gì. Luôn luôn thiếu một cái gì, để hoài hoài ray rứt, băn khoăn. Những dấu hỏi muôn đời không giải đáp. Họ ra ngồi đó, nhìn hình ảnh mình trong vẻ rã rời của kẻ khác. Và những bước chân đi qua. Những bước chân trở lại. Thật xôn xao mà hờ hững vô cùng. Họ rủ nhau vào đêm. Uống thật nhiều. Hút liên tiếp. Mà không bao giờ say. Như gặp rất nhiều, được rất nhiều mà chẳng bao giờ yêu, yêu thành thật để thấy đời có nghĩa lý, có mục đích mà tiến tới.
Mình đã ở đó, một thời gian, hay suốt cả thời mới lớn. Trâm không cần biết. Nhưng Trâm bâng khuâng tìm thấy, qua vết tóc rủ che vầng trán, qua con mắt thoáng tươi vui, thoáng mệt mỏi chán chường, qua cánh tay đang hăng hái đưa lên để vội vàng chùng buông xuôi xuống qua những mớ áo quần bừa bãi, những đôi giày còn chưa cũ đã bẩn thỉu mốc meo, qua chồng sách vở xô lệch không bao giờ ngăn nắp đó, hình ảnh của một nửa cuộc đời sớm mỏi mệt, sớm chán chường. Vì đã sớm phiêu lưu, sớm hiểu biết, sớm bỏ liều sự sống.
“Nó cũng đã như mình ư? Nhưng mình đã già rồi, nó còn trẻ quá, trẻ quá…”
Ý nghĩ ấy gần bật lên thành tiếng nói. Nhưng Trâm nén lại được và yên lặng nhìn Minh loay hoay treo tấm lịch mới lên tường.
— Gần hết năm, em treo lịch của năm này làm gì!
Lần đầu tiên, Trâm nghe Minh phát biểu một ý kiến hay:
— Với em, năm bắt đầu từ hôm nay.
— Minh.
— Dạ.
— Em nhớ những điều kiện tôi ra rồi chứ?
— Dạ nhớ.
— Gắng làm theo. Em từ xa lạ đến. Nhưng đã ở trong nhà tôi, tôi có trách nhiệm về em. Tôi phải săn sóc để ý đến em. Nói thế để nêu tôi có dặn dò, có nói năng điều gì, không phải có ý tò mò khám phá gì về em.
— Thưa cô…
— Có em trong nhà, tôi cũng yên tâm hơn. Nhưng cũng lo lắng hơn. Em lo liệu đó mà ăn ở…
Bỗng Trâm dừng lại. Nàng cố nói để giảm bớt khoảng cách, để đưa người con trai từ xa lạ về gần thế giới mình. Nhưng giọng nàng có vẻ giảng giải, răn dạy thế nào không nên quan trọng hóa vấn đề, cứ sống tự nhiên, đến đâu hay đến đó, biết trước thế nào. Mình dặn mình được chưa mà dặn nó, thật vớ vẩn…
Trâm nhìn lên khung cửa phòng trống trải:
— Có lẽ phải mắc màn ở đây. Khách khứa của tôi lên lầu, ngang cửa phòng em.
— Em có cái màn lớn màu đỏ thẫm.
— Đỏ thẫm. Hợp với màu tường hồng và cửa xám. Đưa tôi treo hộ cho.
Minh bắc ghế, đóng đinh trên cao. Trâm tìm ruban trắng buộc cái màn xéo về một bên. Những nếp vải mềm nũng nịu buông chùng xuống nền nhà.
— Đẹp quá! Không khéo phòng này đẹp nhất nhà.
Minh ngập ngừng:
— Dạ, cô cho em căn phòng đẹp thế này, nhưng em ở không thì…
— Sao?
— Xin cô cho em gửi cả tiền phòng thêm vào tiền cơm…
— Khỏi. Tôi đã tính rồi. Em ở phòng này ngay thang lầu để… giữ nhà cho tôi luôn, có quân gian lên lầu thì đã có em chặn lại.
— Vậy em làm gácđan của cô.
Trâm cười:
— Và tiền phòng trừ vào tiền trả cho gácđan. Là huề. Tôi sẽ giao cho em cái chùy, nếu gácđan không thành kẻ cướp.
Chị Ba nãy giờ đứng thập thò ngoài cửa không dám vào. Thấy cô chủ và người trọ bỗng nhiên cười vui vẻ, chị ta mới chen vào:
— Mời cô xơi cơm.
— Thằng Tuân về chưa?
— Dạ rồi. Đang học bài trên lầu.
Trâm bảo Minh:
— Ăn cơm xong sẽ tiếp tục dọn phòng.
— Thưa cô, em ăn rồi.
— Đến bữa, phải ăn. Đừng lôi thôi. Không vâng lời tôi, khó ở đấy.
Minh ngập ngừng theo Trâm lên thang lầu. Bàn ăn phủ khăn trắng. Bình oeillet đỏ thẳm nổi bật giữa những chén dĩa thủy tinh lấp lánh ánh đèn. Từng hạt cơm trắng nõn nà bốc hơi thơm. Những hạt đậu ngà trong màu nước sauce cà chua đỏ thắm. Những lát khoai chiên vàng ruộm cạnh những lá xà-lách xanh rờn. Trâm nhìn một lượt, ba đôi đũa đặt ngay ngắn cạnh mấy cái chén sứ màu hồng nhạt, cảm thấy sự đổi thay trong nhà từ hôm nay có vẻ quan trọng, lớn lao chứ không vô nghĩa, tầm thường như đã tưởng hôm nhận lời cho Minh ở trọ. Nàng lên tiếng gọi thằng Tuân, và bỡ ngỡ nhận ra tiếng mình cũng không giống những hôm trước nữa. Cả dáng điệu thằng Tuân cũng trở nên dè đặt, vụng về, mất hẳn tự nhiên của những bữa cơm chỉ có hai cô cháu.
Trâm ngồi vào ghế. Minh và Tuân nhìn nhau, mỉm cười rồi ngồi xuống.
— Ăn đi nào, không phải khách, khỏi mời mọc.
Minh cầm lấy đôi đũa, cúi mặt nói thật nhanh:
— Mời cô.
Thằng Tuân mọi hôm ngồi vào bàn là xúc, xới, gắp, nhai. Thế mà bây giờ bưng chén lên, nhìn quanh, rồi cũng lúng túng nói:
— Mời cô.
Trâm muốn bật lên cười vẻ ngượng nghịu của hai đứa học trò. Và vẻ đóng kịch nghiêm của mình nữa.
Trâm vờ đánh rơi chiếc khăn ăn, cúi xuống nhặt, giấu nụ cười dưới chéo khăn bàn. Lúc nàng ngẩng lên thì chén cơm của Minh đã vơi được vài hột. Nàng nhìn lại chén cơm còn nguyên của mình, chỉ muốn buông đũa đứng lên. Không phải Minh, không phải Tuân lúng túng. Mà chính nàng, bà chủ nhỏ tuổi. Những hôm trước, ngồi vào bàn, Trâm vừa ăn vừa lơ đãng nhìn xuống ruộng dâu ngoài cửa sổ hoặc chăm chú đọc một bài báo, một đoạn sách đang xem dở. Lưng tựa vào vách, một chân gác lên chiếc ghế bên cạnh, chân kia mắc vào thanh gỗ ngang dưới gầm bàn, Trâm ngồi thoải mái, tự nhiên suốt bữa ăn và không chú ý đến xung quanh, cũng không bị ai chú ý. Bây giờ, trong vai trò mới, Trâm phải thay đổi, phải khéo léo diễn xuất để được cảm tình, sự kính mến của một khán giả tầm thường. Tự ý nghĩ đó, Trâm cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Càng muốn kể một chuyện gì, muốn nói một câu khôi hài cho bầu không khí giữa ba người bớt trang nghiêm căng thẳng. Nhưng mãi Trâm vẫn ngồi yên lặng dè đặt, cẩn thận gắp thức ăn đưa lên miệng, như đang biểu diễn một pha “gái nhà lành” trước ống kính của một đạo diễn khó tính. Cuối cùng nàng hỏi bang quơ một câu:
— Tuân, chiều nay cô đi vắng, có ai đến không?
— Dạ có, cô không hỏi cháu lại quên đi.
— Ai vậy?
— Ông Lưu đến khoảng ba giờ, chỉ đứng ngoài hỏi, cháu bảo cô không có nhà, ông ây đi ngay.
— Ai nữa không?
— Dạ, ông Ngữ. Nói cô đi vắng mà ông ấy không chịu tin, cứ muốn đi tuốt vào nhà.
Trâm cau mặt:
— Ai chứ ông ấy thì cứ bảo cô đi vắng, ngay lúc cô có nhà cũng thế.
Rồi Trâm nhìn Minh một cái rất nhanh. Người khách trọ đã đặt đũa gọn gàng trên chén, sắp sửa đứng lên. Trâm hỏi tiếp:
— Thế… ông Lưu có dặn gì không?
— Dạ không. Nhưng ông ấy cỏ hỏi đồ đạc gì nhiều thế. Cháu bảo có anh học trò mới đến ở. Ông ta cười lắc đầu rồi bỏ đi.
Minh đứng lên. Trâm buông đũa lấy dao cắt đĩa bánh flanc, tới trước mặt Minh:
— Ăn tráng miệng đã chứ.
— Xin phép cô, em no rồi.
Tuân nói, không để ý đến Minh:
— À, ông ta còn nói dạo này sao cô hay đi vắng thế, lần nào đến cũng không gặp.
Trâm ngạc nhiên thấy Minh thoáng cau mày, mặt lạnh hẳn đi. Rồi cúi đầu, đi vội ra khỏi phòng, xuống thang lầu. Trâm bẻ vụn cái tăm trong tay, ném xuống sàn nhà. Thái độ của Minh làm nàng chợt băn khoăn. Tại sao Minh có vẻ khác thường khi Tuân nhắc đến Lưu? Vì nó oán Lưu cho cấm túc lần trước. Vô lý. Đâu có trẻ con đến thế được. Tự nhiên Trâm mỉm cười. Nàng cảm thấy sắp lạc vào một thế giới nhỏ, xa lạ, mới mẻ để tìm tòi, khám phá nhiều điều bí ẩn. Cái thế giới nhiều màu sắc, nhiều khía cạnh của người con trai mới lớn ở Minh. Nhưng Trâm chợt vẩn vơ lo lắng, Minh nó không trẻ con như mình lầm tưởng lúc đầu. Rắc rối thật…
Bên ngoài, bóng tối buông mau xuống vùng lũng thấp lạnh lẻo. Trâm gọi chị Ba dọn bàn rồi châm một điếu thuốc, trở về phòng riêng. Nàng đứng lại ở khung cửa nhìn chiếc giường nhỏ phủ drap trắng. Cái gối chơ vơ. Đỉnh mùng hẹp và thấp xuống như một nắp quan tài màu trắng. Bỗng Trâm đưa ngón tay lên miệng, lặng đi một giây. Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê cái giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình, Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một khoảng không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vẳng lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mời đến dù sao vẫn là đàn ông. Hai cực Bắc và Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc.
Nguồn: http://vnthuquan.org/