Văn học Miền Nam 54-75 (585): Nguyễn Đức Sơn (kỳ 1)

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận.
Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Tuổi còn trẻ nhưng thơ đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình.
Theo sự sắp xếp của làng văn miền Nam trước năm 1975, ngoài việc được gọi là một trong ba kỳ nhân của làng văn nghệ, ông còn được sắp xếp theo kiểu “thuần văn học hơn” là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.
Thi sĩ đã từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng…” và tuyên bố: “Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.”
Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Năm 1979, ông cùng gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để… sống một cuộc sống thanh tịnh.
Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.
Năm 1967 Nguyễn Đức Sơn lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới ông bà được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có chín người con. Người con thứ tư của ông là Nguyễn Đức Vân. Ông là người “nổi tiếng hơn cả”, vì ông được cho là “người có gương mặt giống hệt… Tổng thống Mỹ Barack Obama”.

Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước. Đã xuất bản ba tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang chưa in. Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973).
Theo Wikipedia
 

THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN


Bọt nước

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi
Nhìn trước nhìn sau thấy rõ ràng
Những người đi trước sầu đeo nặng
Những người đi sau sầu không tan

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi
Thấy hay hay nhưng làm sao cười
Như chuyện lớn lên rồi có vợ
Cuối đời về đất lạnh nằm xuôi

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi
Thấy vắng tan hoang ngụt đất trời
Cha mẹ anh em còn đông đủ
Mình tôi sao mối sầu không nguôi

Ngập ngừng chân bước con đường vắng
Mây trắng bay lên oà đất trời
Tôi cúi đầu nghe mình nhỏ lệ
Biết chuyện gì rồi cũng buồn thôi

Rộng biển trời ơi cái chán chường
Nhạt phèo cả những mối sầu vương
Ôi từng đêm thức nghe xa vắng
Về ngập trong hồn tự bốn phương

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi
Đôi lúc còn mơ chuyện trên trời
Đôi lúc còn buồn chuyện xa xôi
Khi biết trước sẽ lui về huỷ diệt

Vẫn biết thương nếu cha mẹ chết
Vẫn thấy sầu khi nhớ người yêu
Nhưng tình tôi thì vẫn không đều
Biết sao được hỡi người tôi mến

Vâng tình tôi thì cũng không nhiều
Coi tất cả chỉ là bọt nước
Vâng tất cả chỉ là bọt nước.


Cho mà xem

Đừng đụng em
Em đẻ


Cuối thu ở Phương Bối

Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên


Kinh nghiệm riêng

Mần thơ ôi giống hệt bửa củi
Nhưng nói ra nhiều người sẽ tủi
Nên mặc quần đùi đứng khom lưng
Có gì rớt vô ta dễ phủi
 


Mai kia

Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày
Thu nào tóc bạc oà bay
Có con chỉ trỏ mới hay cái già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên


Mang mang

Mang mang trời đất tôi đi
Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghĩ đất dài

Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên
Mù sương âm vọng tiếng huyền
Có con dơi lạ bay trên cõi đời
Sau xưa mắt đã ngợp rồi
Tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không
 

Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô
 


Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển

Đầu tiên tôi thở cái phào
Bao nhiêu phiền não như trào ra theo
Nín hơi tôi thở cái phèo
Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
Sướng nên tôi thở phập phồng
Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm
Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.
 

Nhắn

Đời sau người có thương ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa thôi miễn bồi hồi
Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha
 

Nhìn con tập lật

Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây
 

Quê hương

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm

mười mấy năm rồi dì nhỉ
lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
lòng dạ ai người không thương

quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù

ngõ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng

ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi

dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.
 

Tôi thấy

Con gái
Ngồi đái
Trên Trái Đất
Rồi đi đâu mất
 

Tôi thấy mây rừng

Một ngày đau khổ chín trong tôi
Tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
Cây thả trái sầu trên nước lắng
Mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

Thôi nhé ngàn năm em đi qua
Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
Trời sinh ra để chiều hôm đó
Tôi thấy mây rừng bay rất xa
 


Trên bờ hư không

Một đêm sao ở trên rừng
Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
Hồn tôi cây cối liên hoan
Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
Tuổi vàng suối mộng trời thơ
Lớn lên tôi chết trên bờ hư không.
 

Vũng nước thánh

anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt


Đêm Thu

một đêm trăng mờ ảo
anh tìm về thăm em
phố buồn như hoang đảo
gió ngừng ru bên thềm
ánh đèn sao le lói
căn phòng sao đìu hiu
anh lặng người thầm hỏi
kiếp người sao tiêu điều

anh đi vòng sau nhà
một mình như bóng ma
giật mình anh nghe thấy
có tiếng gì bay xa

rồi đêm trăng mờ ảo
anh lại về thăm em
như lá vàng lảo đảo
anh lui về trong đêm


Không đề

Kiếp trước ta là du đãng
Kiếp này ta đi lảng vảng
Bên cầu tử sinh lỗ tai nghễnh ngãng


Chỉ nghe tịch mịch

Thấy đau trời đất rõ còn trong thai
Các em đều chẻ làm hai
Từ đâu một chỗ rách dài thiên thu
Hồn tôi, con thú cần cù
Nằm chơi trong cát bụi mù vuốt ve
Hỏi thăm, nước chảy xè xè
Chỉ nghe tịch mịch phủ đè rêu xanh

Cảnh đời

Có một con dế què
Cánh mòn đập rè rè
Không ai nghe
Kiến bu trần trụi cuối hè
Một mình trên Trái Đất màu mè
Nằm chết trong lùm tre

Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị 
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát 
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá 
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân 
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài 
Của tóc của chị của tình nhân 
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng 
Chị thu mình như một con mèo mun 
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan 
Chị thu mình như một dĩa hát cũ
Oh, my tormented heart 
Buổi chiều chết trên cây thánh giá 
Hãy quên tôi như một mũi tên 
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận 
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến 
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống 
Buổi sáng chị tắm sương mù 
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị 
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên 
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân 
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah 
Rừng và chị ôm nhau hát 
Sẽ đẻ ra một đứa con 
Rừng và chị ôm nhau chết ./.

Nguồn: https://www.thica.net/tac-gia/nguyen-duc-son/

Comments are closed.