Chiều cuối năm

Đào Như

Gửi Đỗ Cung – Nhà Nặn tượng và Phù điêu

Tôi đến thăm anh vào một chiều cuối năm, trong lúc anh ngồi đối diện với tác phẩm phù điêu của anh – Mặt Trời Tự Do một công trình anh hoàn thành một năm sau khi anh và gia đình đến Mỹ theo diện H.O. Anh tiếp tôi với giọng nói trầm buồn, nhưng không kém phần phẫn nộ:

– Tôi là lính trận. Kẻ bị hy sinh trong cuộc chiến. Chúng tôi chết cho tổ quốc à? Chúng tôi chết cho cả một bọn gian ác sống bằng xương máu của lính. Bọn buôn lính. Muôn vạn người chết cho một nhóm người hưởng. Xương máu của lính, của dân! Cả một bè lũ phản quốc. Bọn Việt gian. Sau 30/ 4/ 1975 chúng ta có thể chỉ mặt từng tên. Chỉ có nhũng người lính trung kiên ở lại với tổ quốc. Chết, một danh từ khô đét, khét mùi thuốc súng. Chiến sĩ trận vong hay liệt sĩ nghe oai đấy, nhưng không có nghĩa gì hơn là kẻ đã chết cho một cuộc chiến phi lí. Trong những cuộc hành quân tại Cổ thành Quảng Trị, chúng tôi nhiều lúc cận chiến với trẻ em Bắc Việt. Những xác chết bỏ lại trên chiến trường phần nhiều dưới hai mươi tuổi. Trước khi chết, các trẻ em ấy chưa biết làm tình nữa là khác chứ đừng nói lý tưởng này chủ nghĩa nọ. Chúng chết với tâm hồn trong trắng như trang giấy mới trong tập vở học trò. Cái chết thật là phi lý, bi thương.

Ngừng một chặp để thở, anh nói tiếp:

– Hòa bình chưa được mười năm, tiếng súng lại vang rền từ trận Ấp Bắc năm 1963. Ai ai cũng sợ hãi, cũng xây lưng lại chiến tranh. Bọn sinh viên Sài Gòn thì chui đầu vào những tập sách như con kangooru chui đầu vào bụi rậm, chạy trốn thực tế chiến tranh. Đứa nào cũng kịch cợm cầm trên tay quyển sách của A. Gide, J.P. Sartre, Gabriel Marcel, Simone de Beauvoir, A. de Saint Exupéry, A. Camus… Những sách này được xuất bản dưới hình thức sách bỏ túi – livres de poche, giá rẻ mạt. Họ dụm ba dụm bảy trong các quán cà phê, những nhà hàng như Continental, Givral, Pagoda, Imperial…, uống cà phê, nói chuyện phù phiếm. Có người huênh hoang kể câu chuyện về Kierkegaard cho cả bọn nghe: “Một buổi sáng khi thức dậy, thấy mình đang nằm chết, lúc đó Kierkegaard mới nhận ra mình là hiện hữu…. Ấy thế mà cả bọn cùng gật gù, có vẻ hiểu biết Kierkegaard một cách sâu sắc. Những năm sau đó cả bọn ngã lăn ra, ôm nhau rên rỉ nghe những tình khúc của Trịnh Công Sơn, có bọn khóc òa khi nghe nhạc phản chiến của ông ta. Họ khoái trá khi nghe đài phát thanh Hà Nội ca tụng sinh viên Sài Gòn phản chiến chống Mỹ, chống quân dịch. Tôi cũng đã là một trong lũ sinh viên Sài Gòn ấy, tuổi trẻ của một thời thiếu lý tưởng, sống với bộ não thiếu máu, thiếu dưỡng khí. Ban ngày sống vất vưởng trong sân các trường các đại học, lang thang trên đường phố Sài Gòn, nhâm nhi mẩu bánh mì với ly cà phê nguội, hay lê lết ở quán ăn Anh Vũ, quán cơm xã hội dành cho sinh viên. Tối đến chun vào một xó nào đó xem vũ sexy, trốn lính. Lố bịch hơn nữa là thành phần trí thức. Sau hòa ước Genève gần mười năm họ chưa nhận chân được sự thật. Họ tự cho mình là thành phần phần trí thức ưu việt, họ vẫn khư khư ôm lấy giai cấp trí thức của họ, như ôm lấy “chiếc chiếu hoa cạp điều” như một phần gia bảo của họ. Họ sống nhởn nhơ trên những ân huệ mà họ được hưởng từ chế độ của cụ Diệm. Họ là những bác sĩ, thạc sĩ y khoa, giáo sư đại học, các văn sĩ, họa sĩ nhạc sĩ… Có một lũ biến chất rất sớm làm tay sai bồi bút cho ngoại bang. Những năm đầu thập niên sáu mươi, có những kẻ trong họ cạo đầu xuống đường phản lại cụ Diệm. Họ cao vọng, nếu có gì, nhờ quá khứ “công thần ngoại bang”, họ có thể ôm chân quan thầy chạy ra ngoại quốc. Họ chỉ là những kẻ nằm mơ giữa ban ngày. Ngày 30/ 4/ 1975 họ bị đạp rớt khỏi càng trực thăng. Họ bị bỏ rơi thảm hại…

Nói đến đây xem anh có vẻ mệt, nhưng anh vẫn tiếp tục nói, anh đang trút bỏ những uất hận chất chứa trong nhiều thập niên qua:

– Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, ban Điêu Khắc hệ bảy năm, tôi bị động viên vào quân trường Sỹ Quan Trừ bị Thủ Đức. Cùng hai bạn điêu khắc khác, chúng tôi thực hiện pho tượng Trai Thời Loạn dựng trước hội quán Sinh Viên Sỹ Quan Thủ Đức. Đến nay, sau bao nhiêu thăng trầm của đất nước, bức tượng vẫn còn nguyên vị trí của nó. Nhưng Trường Bộ binh Thủ Đức ngày xưa nay đổi tên thành Trường Đảng. Sau khi tốt nghiệp sỹ quan Thủ Đức, tôi là sỹ quan tác chiến của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến thuộc Tiểu đoàn Trâu điên, đóng tại Đông Hà – Thạch Hãn, rồi Huế… vào những năm 1969-1970. Tôi tham dự những trận đánh Thạch Hãn, Đông Hà, Cổ thành Quảng trị lúc đó. Đến năm 1971 tôi được điều động về làm Trưởng Xưởng Đúc của Hải quân Công Xưởng. Năm 1972 tôi là sỹ quan trưởng Phòng Chiến tranh Chính trị. Tháng 6-1973 tôi lại được thuyên chuyển bằng công điện, thuộc đơn vị yểm trợ và tiếp vận Hải Quân tại Đà Nẵng. Do đó tôi có tham chiến trận đánh Hoàng Sa…

Chờ một chặp cho anh đỡ mệt, tôi hỏi:

– Về mặt sáng tác, anh có được công trình gì trong những năm chiến tranh ngoài bức tượng ciment cốt thép Trai Thời Loạn dựng tại Trường Võ Bị Thủ Đức?

Anh lăng lẽ nhìn tôi, anh nói:

– Hình như ai đó đã nói chiến tranh là cha đẻ của sáng tạo và phát minh khoa học kỹ thuật, nguồn cảm hứng của thi ca, văn học và triết học. Những tác phẩm lớn để đời cho hậu thế đều được hoàn thành trong đòi hỏi nghiệt ngã của chiến tranh như Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần, Illiade và Odyssée của Homère, luôn là tác phẩm kiến trúc và thi ca lớn của loài người… Trong thời chiến tôi cũng có những suy nghĩ táo bạo, nhưng chỉ để dành trong cuốn phác thảo chân dung, chờ ngày hòa bình. Nặn tượng làm sao có thể thực hiện được trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Tuy nhiên tôi cũng khắc phục những khó khăn nhất thời. Những ngày ở hậu cứ tôi cũng tập trung sáng tác, dĩ nhiên kích thước những tác phẩm của tôi vào thời kỳ này thuộc loại bỏ túi. Năm 1973 tôi cũng tranh thủ triển lãm tại Trung tâm Hội Việt Mỹ tại Đà Nẵng với 32 tác phẩm điêu khắc. Lúc ấy có một họa sỹ chuyên vẽ tranh lụa xin được phụ vào với 20 bức tranh của anh ấy…

Cướp lời anh, tôi hỏi:

– Anh có thể cho biết “chủ đề” của cuộc triển lãm điêu khắc của anh hồi năm 1973?

– Tôi không thích bất cứ cuộc triển lãm nào của tôi bị đóng khung trong một chủ đề nào đó, nghe nó chật chội, hạn hẹp như bài thơ với nhiều hạn vận, kỵ húy vậy. Năm ấy cũng có nhiều anh em sợ cuộc triển lãm của tôi thiếu định hướng. Cũng như bác sĩ, họ cũng đòi hỏi cuộc triển lãm của tôi phải có một chủ đề. Tại sao quí vị đòi hỏi ở cuộc triển lãm của tôi nhiều quá vậy? Quí vị phải hiểu làm sao tôi có thể phủ trên nó một chủ đề hay cho nó một hướng đi dứt khoát được? Những tác phẩm điêu khắc của tôi, những đứa con mang nặng tâm hồn của tôi, một người vốn dĩ đã một thời sống không có lý tưởng và mãi đến bây giờ vẫn chưa biết mình đang ở đâu trong giai đoạn nào cuộc đời của riêng mình…

Nói đến đây anh vụt đứng dậy, nước mắt ràn rụa, anh quay mặt vô tường, nắm tay đánh mạnh vào tường, hai vai gầy yếu của anh run lên cùng tiếng nấc. Anh đau khổ tột cùng. Không ngờ một câu hỏi đơn thuần như vậy lại có thể dấy lên niềm ẩn ức sâu xa của một nhà điêu khắc ngụy trang dưới lớp áo trận trong hơn mấy mươi năm. Anh dán mắt lên trần nhà như cố tìm lại một quá khứ xa xăm nào đó nó đã khắc họa trên tâm hồn mình niềm đau bất tận. Anh tiếp tục nói:

– Ba mươi hai tác phẩm điêu khắc của tôi trong cuộc triển lãm, mỗi tác phẩm mang riêng một dấu ấn của tâm hồn tôi: Những khát khao của thời đại, hòa bình thịnh vượng; những mơ ước của lứa đôi, tình yêu và tự do, một thế giới không có chiến tranh, không có người giết người; những ước mơ của tuổi thơ được cắp sách đến trường, mơ về một tết Trung Thu… Những ước mơ, những đòi hỏi rất mực là người. Có người hiểu được, tôi rất cám ơn. Có người không hiểu được, tôi cũng không ngạc nhiên. Không hiểu được hay hiểu không được là quyền tự do của mỗi người. Hiện tại tôi còn giữ lại một tượng nổi Sống Còn làm bằng đá quí. Tôi hoàn thành tượng này vào cuối năm 1972. Có nhà đầu tư người Đại Hàn nghe tiếng bức tượng, tìm đến xem. Sau ba ngày chiêm ngưỡng ông ngỏ lời muốn mua với giá 4.000 dollars. Lúc ấy vàng chỉ có 100 dollars một lượng. Tôi từ chối và tôi nói thẳng là tôi không có ý định bán. Tượng nổi ấy có một định mệnh khá hóc búa. Năm 1982, sau khi tôi đi tù cải tạo về, sở Văn hóa Nghệ Thuật của thành phố có cho người lại “coi mắt” tượng Sống Còn của tôi.

Nói đến đây, anh liền bê tượng nổi Sống Còn, chỉ cho tôi xem có hai con cua đang đánh nhau ác liệt. Một con màu xanh rêu một con màu đỏ. Hai con mải say đấu, cố giết nhau quên cả thân phận mình đang bị vây hãm trong một chậu nước nhỏ nhoi. Anh nói:

– Khi nó đến coi mắt tượng nổi Sống Còn của tôi, tôi muốn nói tên đại diện sở văn hóa của thành phố, khi nó khảo sát bức tượng Sống Còn của tôi, có lúc nó mở to đôi mắt, có lúc nó nhắm ghiền mắt lại, tôi thấy rõ hai mí mắt trên của nó run run… Tôi ngại quá, nó có thể đang tập trung tìm ra khuyết điểm nào đó từ tác phẩm Sống Còn của tôi, và nó sẽ giáng xuống một đòn trí mạng: Hỏng, hỏng, hỏng, tác phẩm Sống Còn của anh có tư tưởng phản động… Có thể như thế lắm! Lúc nó khảo sát hai con cua, mặt nó biến dạng, cái mũi của nó lệch sang một bên. Trông nó dị hợm. Chợt nó mở đôi mắt thao láo nhìn tôi, nó nói:

– Tác phẩm Sống Còn của anh có tầm vóc!

Rồi nó say sưa, như nó nói cho một mình nó nghe:

– Có nhân vật anh không vẽ ra, anh không nặn ra, mà người ta vẫn thấy và sờ được nó trong trí tưởng. Đúng! Văn Cao đã nói “những cái không nói tới mà người đời càng tìm càng thấy mãi. Rồi hắn nhảy bổ đến ôm vai tôi, lay tôi thật mạnh. Tôi như là người vừa tỉnh cơn mê. Lúc này tôi tỉnh táo hơn và nghe hắn nói rõ mồn một:

– Tác phẩm Sống Còn của anh là thực tế của những suy nghĩ về cuộc chiến. Anh là người dám nói lên tư duy của mình về cuộc chiến. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc với trung ương để đưa tác phẩm Sống Còn của anh vào vị trí xứng đáng của nó – Tài Sản Quốc Gia! Rồi hắn ôm tôi, hắn bắt tay tôi ra về, không kịp uống với tôi một chén trà. Hắn đến với Sống Còn của tôi như vậy đó. Chớp nhoáng, như cơn lốc. Vợ tôi buồn. Bà ấy nói:

– Tên ấy nói cho lắm, cũng không ngoài ý muốn tước đoạt tài sản của chúng ta. “Tài Sản Quốc Gia” nghĩa là gì? Nó hợp tác xã Sống Còn của anh, mình còn chia chác tí đỉnh mà sống. Chớ còn “Tài Sản Quốc Gia” nghe thơm đấy, nhưng mình không được gì hết. Đói đấy anh ạ! Hơn bốn mươi lượng vàng không chịu bán, bây giờ đành chịu mất!

Nói đến đây giọng anh như khàn đi:

– Sau 30/ 4/ 1975, tôi cũng như anh em, cũng bị bắt đi tù cải tạo ở các trại tù Suối Máu, Trảng Lớn, Xuân Lộc (Long Giao), Kà Tum, Vườn Đào… Chúng tôi bị ngược đãi, bị hành hạ một cách vô luân, không tình nghĩa dân tộc, chỉ vì những hận thù phi lí… Tôi được lệnh tha vào năm 1981. Hộ khẩu của tôi ở Sài Gòn. Công an quản chế hắc ám hết chịu nổi. Nhưng rồi ai cũng gồng mình chịu đựng để mà sống. Lăn lóc sống. Hồi hộp sống. Sống trong chờ đợi… Không biết ngày nào công an vồ mình vô tù trở lại. Cộng sản có hơn một ngàn lẻ một lý do để bắt chúng tôi trở lại tù tập trung. Đêm ngủ không yên. Nghe tiếng chó sủa cũng sợ. Nghe bước chân của người láng giềng cứ ngỡ công an đến bắt mình. Nhiều lúc chợt thấy bóng mình trong kiếng cũng sợ, mình cũng không nhận mình là ai. Có lúc giữa ban ngày nhìn thấy bóng mình cứ tưởng tên công an theo dõi… Nhưng nghĩ cho cùng, tù tại giatù tập trung không khác gì nhau mấy. Tù tại gia cộng sản khỏi lo cơm, nên chế độ có nới hơn một chút, nhưng thiệt thòi cho vợ con mình, tăng thêm một miệng ăn đã đành, lại còn phải lo ngay ngáy. Biện chứng Tù tại gia và Tù tập trung không khác nhau mấy, là một triết lý sâu sắc giúp anh em chúng tôi thản nhiên sống. Mặc công an bắt bớ hàng đêm hà rầm, mặc anh em chúng tôi cứ sống, mặc thời gian cứ trôi… Không ai đợi chờ ai. Không còn ai, không còn gì để chờ đợi, để hy vọng. Thân phận chúng tôi thật bi đát. Trong sách Le Boujum[i] nhà tư tưởng Cung Giũ Nguyên nói “Một vật lơ lửng bên vực thẳm, được những sợi dây tơ mành của hy vọng giữ lại. Đó là kiếp nhân sinh. Con người còn tồn tại trong hôm nay là nhờ họ biết sống trong hy vọng. Mặc dù hy vọng rất mong manh như sợi tơ mành. Con người cần có hy vọng để mà sống. Nhưng hy vọng nơi ai, hy vọng ở đâu? Có lý do gì để hy vọng? Chúng ta hoàn toàn trơ trụi. Trước khi vô sản hóa nhân dân cả nước, cộng sản đã lột trần chúng ta. Không gia đình, không tổ quốc, không có riêng tư, không cả hy vọng cá nhân… Trước mắt chỉ có Quốc Tế Vô Sản. Quốc Tế Vô Sản đang ở đâu? Họ đưa tay chỉ vào khoảng không: Ngày mai! Nghĩa là không có gì hết. Phải chăng con người cố tạo ra hy vọng để mà sống? Nhà tư tưởng Cung Giũ Nguyên đã nói: “…Ta cứ hy vọng thời gian kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu mới chấm dứt…”. Dù cho hy vọng có thật là phi lí đi nữa, nó vẫn có thể giữ lại con người đang lơ lửng bên bờ vực thẳm…

Đoạn anh quay lại hỏi tôi:

– Bác sĩ đọc xong Le Boujum chưa?

Sự thật cách đây mấy tháng, trong một buổi tư vấn tâm thần, anh thấy quyển Le Boujum của tác giả Cung Giũ Nguyên trên bàn tôi. Anh có hỏi tôi đọc xong chưa? Tôi cũng thú thật tôi có cố gắng đọc qua vài lần nhưng chưa thấu triệt được vì đó là quyển sách triết học chan hòa tư tưởng triết học khoa học hiện đại – cổ điển, đông phương và tây phương rất khó đọc…

Tôi rất ngac nhiên khi anh cướp lời tôi:

– Khó đọc! Vì bác sĩ chưa sống… Bác sĩ tiếp tục đọc đi và có dịp chúng mình trở lại quyển sách ấy.

Và hôm nay anh đem nó ra mổ xẻ một cách lý thú mặc dù chúng tôi mới vừa đề cập vài mươi trang đầu.

Anh tiếp tục nói:

– Chương trình đi Mỹ của chúng tôi hay nói đúng hơn Chiến dịch Nhân đạo – Humanitarian Operation, thật sự chương trình này nằm ngoài hy vọng của chúng tôi. Không một ai có thể tưởng tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa lại bị trao đi bán lại nhiều lần đến như vậy. Thân phận chúng tôi bèo bọt đến như vậy sao! Nhưng nghĩ lại cánh hoa rụng chọn gì đất sạch, thôi thì cũng đành. Có nhiều anh em không chấp nhận, Diện nhân đạo nghe sao buồn tủi! Hơn thế nữa, ai cũng biết thân phận của một người lính hay một công dân của một quốc gia nhược tiểu, bị trị, đi đâu cũng vậy thôi. Nếu anh muốn có một đời sống cao và tiến bộ, được hưởng thụ một phần nào những những tiện nghi do tiến bộ khoa học kỹ thuật, thì anh phải chấp nhận lệ thuộc. Còn nếu anh muốn bảo vệ tự do, độc lập, dân chủ, bình đẳng thì phải chấp nhận nghèo đói, lạc hậu.

– Như vậy, anh đến Mỹ theo diện nhân đạo – H.O, anh nghĩ gì về nước Mỹ và người Mỹ?

– Khi đến Mỹ, mình mới thấy sức mạnh của nước Mỹ, họ khống chế thế giới mọi mặt mọi bề. Ở trong nước, đối diện với Chuyên chính vô sản mình đã khiếp sợ. Đến Mỹ xuyên qua cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2000, ông Bush con đắc cử tổng thống mặc dầu ông thua cả triệu phiếu bầu cử từ người dân. Rõ ràng ai làm tổng thống Mỹ là ý chí của tư bản Mỹ, của số phiếu từ cử-tri-đoàn quyết định! Chuyên chính vô sản thua xa, thiếu dân chủ, thiếu khoa học so với chuyên chính tư bản. Hình như chính bác sĩ đã nói với các anh em trong những buổi điều trị tập thể: “Ai chưa đến Mỹ, chưa biết được mình”. Câu nói ấy thiết nghĩ đáng để chúng tôi suy ngẫm. Có một nguyên tắc chung cho mọi cho mọi đường lối sinh hoạt của xã hội Mỹ, từ kinh tế, chính trị, nhân văn, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật đến cả tôn giáo: “Tất cả vì lợi ích của nước Mỹ Nothing but American interest”! Tôi thán phục tinh thần yêu nước của người Mỹ. Những lúc ngồi nói chuyện với chúng tôi về ảnh hưởng tai nạn Chiến Tranh Việt Nam, về tù đày cải tạo, về sự khó khăn nhất thời của người tỵ nạn, chẳng những người counselors ở các hội bảo trợ họ cảm nhận hoàn cảnh của ta một cách sâu sắc mà nhiều khi, họ còn tỏ vẻ am tường những vấn đề của ta hơn cả ta. Khi nói về tiền bạc, an sinh xã hội, va chạm văn hóa, khác biệt ngôn ngữ, họ thường nói xa vời: Nước Mỹ trong mấy mươi năm chịu ảnh hưởng Chiến Tranh Việt Nam, nền kinh tế trở nên trì trệ. Họ khuyên chúng tôi học Anh văn thường xuyên hơn để kiếm công ăn việc làm càng sớm càng tốt, để giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho chính phủ Mỹ. Họ cũng thường xuyên khuyên mình nên quên quá khứ đi, tạo cho mình một con người mới để phù hợp với xã hội Mỹ tiên tiến. Nếu cần, họ cũng không ngần ngại nói thẳng cho chúng ta biết: cũng vì lợi ích của nước Mỹ nên mới có chương trình di dân, tỵ nạn, hay chương trình HO. Người Mỹ đối với chúng ta tuy xa mà gần, tuy gần mà xa; ta đối với người Mỹ cũng vậy: lúc xa, lúc gần. Cho nên mặc dầu có khối người Việt mang quốc tịch Mỹ,vấn đề hội nhập vào xã hội Mỹ vẫn còn là vấn đề tù đọng của cộng đồng người Việt.

Bây giờ tôi mới để ý đến bức phù điêu cỡ 8 tấc x 8 tấc làm bằng thép. Hình nổi trên thép là hình ảnh một người đàn bà mặc áo dài tay, cầm nón lá che cho hai đứa con gái, đứng bên cạnh người chồng có dáng dấp một người lính hiên ngang nhưng gương mặt người lính phảng phất một sức phản kháng hay bất tuân một điều gì đó.

Anh vụt nói với tôi:

– Tôi thực hiện bức phù điêu Mặt Trời Tự Do này, và hoàn tất nó một năm sau khi hai vợ chồng tôi và hai đứa con đến Mỹ vào 1994. Hiện các cháu đang ở riêng với mẹ, và đang theo học tại đại học Illinois University In Chicago – UIC. Cháu lớn học về điện toán, cháu nhỏ học về kế toán…

– Anh nói các cháu đang ở riêng với mẹ?

– Vâng, bà ly dị tôi cách đây ba năm, sau hơn 25 năm đầu ấp tay gối. Một mất mát không gì đền bù nỗi. Chúng tôi yêu nhau và cưới nhau trong chiến tranh. Bà đã là mẹ các con tôi. Tất cả không còn thuộc về tôi nữa. Bà đã mang theo bà tất cả. Ngay cả lời cầu xin của tôi “Xin bà ngoái lại”, bà vẫn dửng dưng. Thảm trạng của tình yêu, không phải là sự đau khổ ghen tuông hờn dỗi. Nó là sự dửng dưng! Không phải lỗi tại ai cả. Chúng tôi chỉ là nạn nhân của chiến tranh.

– Anh có thể cho biết anh làm những gì hàng ngày?

Anh xúc động mạnh, ngước mặt lên trần nhà, hình như anh cố ngưng đọng những giọt nước mắt. Căn phòng anh ở rất tươm tất sạch sẽ, trong một chung cư lớn. Anh ở theo chế độ housing, nhà nước trả tiền thuê phòng cho anh, khoảng 80%-90%. Đó là chính sách của chính phủ Mỹ giúp những người nghèo sống tại Mỹ hợp lệ (như tỵ nạn di dân hợp pháp) cũng như những công dân Mỹ có lợi tức thấp. Phòng của anh được cấu trúc theo kiểu dành cho người độc thân. Yên tĩnh và buồn.

Sau một hồi yên lặng, anh nói:

– Như bác sĩ đã biết, tôi bị bịnh ung thư hạch – lymphosarcoma – hậu vận rất xấu. Tôi vừa chấm dứt điều trị đợt một gồm có chiếu xạ và ung thư trị liệu – chemotherapy. Tóc rụng chưa hồi phục. Tôi bị bần huyết một cách tệ hại. Tôi có thể phải chấp nhận truyền huyết một ngày gần đây. Bác sĩ chuyên trị cho tôi cho tôi hay tôi chỉ có thể sống trong vài ba năm nữa. Thời gian của tôi đã bắt đầu điểm từng giờ. Sống một mình, nửa đêm thức giấc nghe tiếng đồng hồ gõ nhịp tích-tắc, tích-tắc không sao ngủ lại được, phát cáu tôi liền tháo cục pin vụt đi. Anh vừa nói vừa chỉ cái đồng hồ treo trên tường. Cái đồng hồ đang đứng trơ, kim gió không lay động, chỉ đúng hai giờ sáng, có lẽ đó là lúc anh thức giấc và phát cáu với tiếng gọi thời gian.

Anh tiếp tục:

– Điều đáng sợ nhất của tôi là cô đơn. Ở Mỹ, nơi nào đèn điện cũng sáng choang, ngày cũng như đêm, nhưng tìm ngọn đèn để làm bầu bạn rất là khó.

– Các anh em trong Câu Lạc Bộ và các anh em sĩ quan H.O. thường hôm sớm lai vãng với anh chứ?

– Vâng các ấy vẫn lui tới thường xuyên. Tôi nghĩ, nếu không có các anh em trong Câu Lạc Bộ và các anh em sỹ quan H.O. thì tôi đã đứt hơi từ lâu.

– Xin lỗi anh, xin phép anh cho tôi hỏi anh một câu có tính chuyên môn nghề nghiệp…

Nghe tôi nói thế, anh cười phá lên:

– Chắc bác sĩ sẽ hỏi: Tôi có ý muốn tự tử không, phải không? Không đâu bác sĩ! Tôi là người lính trận đã từng đối diện với cái chết thường xuyên. Tôi không đến nỗi khiếp nhược đến vậy đâu. Tôi không bao giờ bị động chờ chết. Tôi đang sung mãn với nhiều đề tài sáng tác mặc dầu đang có nhiều khó khăn: cơ sở chật chội, tài chánh thiếu trước hụt sau, không còn ai để cùng chăn gối giải bày.Thời gian còn lại tôi quí lắm.Tôi cướp giật từng giây. Trước mắt, tôi đang cộng tác với các báo Việt ngữ tại Chicago, Houston, Cali, Washington D.C… Anh vừa nói vừa chỉ một chồng báo Việt ngữ.

– Anh hợp tác với các báo Việt ngữ dưới hình thức thế nào? Họ trả tiền nhuận bút có đúng mức như anh mong muốn? Họ có bóc lột anh không?

– Tôi nghĩ không ai bóc lột ai cả. Tất cả đều nghèo như nhau. Tôi không có viết. Tôi chỉ vẽ. Phần nhiều là biếm họa.

– Tại sao anh chọn biếm họa? Nửa thực, nửa hư?

– Vì nó dễ vẽ. Vẽ cái gì không có thực, hay nửa thực nửa hư thì dễ vẽ. Vẽ ma vẽ quỉ thì dễ. Nhưng vẽ con người thì rất khó. Nhất là vẽ con người với toàn vẹn lương tri của nó. Khó lắm! Vì hiếm lắm!

Nói xong anh đến đứng bên cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Rồi anh nói một mình:

– Mới đó mà chiều rồi nhỉ, không ngờ hoàng hôn lại đến sớm thế…

Tôi nghĩ đã đến lúc nên từ giã anh. Tôi đến bắt tay anh. Chúng tôi ôm nhau, và chúc nhau một năm mới với nhiều may mắn.

Ra khỏi cửa phòng anh, tôi quay lại vẫn thấy anh đứng nguyên chỗ ấy, bên cạnh cửa sổ. Anh đang nhìn ra khoảng trời bao la, nơi tuyết và gió đang quần nhau trên mặt hồ Michigan mênh mông giá lạnh…

Tết Giáp Thân, Dec. 2004. Chicago, Illinois – USA


[i] Le Boujum: Sách triết học Pháp của tác giả Cung Giũ Nguyên, xuất bản tại Hoa Kỳ, năm 2000.

Comments are closed.