Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị
Qua một đêm vất vả, chúng tôi đến Tức Dụp. Văn phòng Tỉnh ủy ở chỗ Văn phòng Huyện ủy Tri Tôn nhường cho. Ban Tuyên huấn tỉnh ở chỗ Ban Tuyên giáo Tri Tôn. Nhưng ngày 29.4.1967, có lịnh của Tỉnh ủy: Ban Tuyên huấn phải dời qua Núi Lớn (Cô Tô) tạm ở điểm Đoàn văn công dưới chân Núi Lớn liền một dãy với Mặt trận – Dân vận, Dân y tỉnh cũng đến đây trước tôi. Tại đây, tình cờ gặp Hoài Trung, em anh Hoài Nam, là lính trinh sát Tiểu đoàn 512, đến thăm vợ tên Ánh ở Dân y, là bạn thân tôi như Vũ Sơn, mà Vũ Sơn đang là cán bộ Dân vận cũng đang có mặt. Ba chúng tôi ngồi uống với nhau một “chầu” rượu cuối cùng với Trung, tại cục đá to gần chỗ Dân y, để rồi sau Mậu Thân, Trung hy sinh! Từ chỗ ở tạm gần Dân Vận, tôi và Thắng đi dọ trên hướng lưng chừng núi lớn. Chỗ này cũng có hang động, tuy không như Ô Tà Sóc, Tức Dụp, nhưng cũng khá yên tâm. Chúng tôi lo dự trữ lương thực cho Ban. Hôm xuống kinh 14 vác gạo, cánh đồng Sóc Triết ngập nước mưa chum sâu quá gối, đường lầy và mưa rỉ rả kéo dài gần suốt ngày mà cõng trên lưng 30 ký gạo, tôi bị trẹo xương sống; lên tới chân dốc núi chỉ còn nước bò, gạo san ra anh em vác tiếp. Ngang chỗ du kích Ô Lâm, có đám hỏa táng một anh du kích người dân tộc, củi đuốc khó tìm lại bị ướt, họ đốt lập dập khói um trời đất, mùi thịt người khen khét tỏa ra. Anh em đồng đội toàn người Khơ-me vây quanh, uống rượu “lấy trớn đuổi ma”, thỉnh thoảng bắn một phát súng chỉ thiên như đưa tiễn người quá cố và cũng như để tự trấn an tinh thần. Về nhà, gặp anh em chừa cơm có thịt chó, mùi thịt ram khói còn vương trên miếng thịt, tự nhiên tôi liên tưởng… rồi bỏ ăn. Cơn đau sống lưng hành hạ tôi cả tuần, tôi phải tự trị bằng cách mua lươn nấu với đậu đen ăn lạt, đâu ba lần là khỏi. Bài thuốc này ai chỉ cho tôi khi bị đau lần trước, nhưng nhẹ hơn, mà phải nấu với con rùa nhỏ bằng bàn tay mới hay hơn, nay không có rùa tôi “tự chế” thay lươn vào. Không biết thuốc hay, hay trời nuôi mà hết bịnh. Về sau, nó thường tái lại khi tôi mang vác nặng hoặc đứng ngồi sai tư thế. Hôm còn đang đau, chú Tám Hoa từ Ô Tà Sóc đi qua sau, vừa đến. Tôi đau quá, hỏi ông, vì biết ông từng làm y sĩ thú y cho Pháp: “Có khi nào thận sưng mà nổi cộm lên, rờ biết không chú?”. Ông cười: “Cái thận nằm sâu bên trong, nếu nó sưng mà rờ biết chắc mầy không còn”. Một hôm, ông xuống Ô Lâm, chiều về gánh một gánh xoài sống nặng trịch. Ông nói: “Thấy bà con dân tộc bán rẻ, mua và mượn luôn cả thúng, gánh về cho anh em ăn chơi”. Trong cơ quan, có lẽ chỉ ông là người có tiền và ông cũng là người trong số ít người rộng rãi, thương cấp dưới hơn nhiều người khác mà tôi biết. Với tôi, ông vừa là thủ trưởng, tuổi bậc cha anh, là bậc thầy, nhưng trong sự hiểu biết thì ông truyền lại cho tôi như với bạn. Ông tâm sự chia sẻ với tôi, cả chuyện riêng tư, mà lãnh đạo thì xem như là bí mật. Duy chuyện ông có một con riêng ở Tây Ninh, khi Giải phóng, tôi mới biết. Hồi ấy, chỉ biết rằng thím trước khi lấy chú là con gái của một địa chủ khai minh ở Sa Đéc, ở với ông không con. Vậy mà Cẩm Sườn, con một cán bộ cùng Ban, tánh nó ngang tàng khó trị, nói: “Ông Tám Hoa có con trai riêng”. Trúng phóc, vậy mà tụi tôi nói nó “ba trợn”, nói càn. Em này, Mậu Thân ra bộ đội, rồi cũng hy sinh. Đúng là lý lịch, đời tư của mấy ông cán bộ cao cấp nhà ta có Trời mới biết đâu là sự thật, ngay cái họ, tên và tuổi cũng tréo ngoe với sự thật, cho tới chết.
Tuấn về Khu được tháng, thì ngày 11.5.1967, trong phiên tôi làm việc, gặp Tuấn trên sóng GFM, mừng quá. Tiếp sau đó, Tuấn gởi thơ về thăm và còn gởi cho tôi hai cái rắc pin mà Tuấn biết tôi rất cần. Tôi hồi âm cho Tuấn và rồi từ đó về sau bặt tin nhau; đến sau này, nghe Tuấn hy sinh ở chiến trường Mỹ Tho. Tấm ảnh Tuấn tặng tôi vẫn còn trẻ mãi tuổi hai mươi!
Chú Tám Hoa lại có lịnh kêu đi hội nghị hay tập huấn gì đó ở R, chú Hai Thanh Niên trực Ban Tuyên huấn. Tôi vừa mới hết đau lưng, có lịnh của Tỉnh ủy: Cả Ban Tuyên huấn dời xuống đồng tràm. Chú Hai kêu tôi đi tiền trạm lo cất trại, vác gạo dự trữ ở phía hậu Giồng Cát – Lương An Trà. Vừa mới làm nhà trại và kho xong, ngày 28.5.1967, tôi và anh Mười Thành ở nhà in đi lo mua gạo, trên đường từ Cây Gòn – Giồng Cát về chỗ ở mới, hướng Vĩnh Gia, lạc đường và mắc mưa suốt đêm, phải ngủ tạm tại trại của dì dượng Mười Đền, em ruột má tôi, là dân ở xóm Cây Gòn – Giồng Cát tản cư vào rừng tràm. Chúng tôi không áo quần thay, phải trần như nhộng và quấn bằng những cái bao bàng đã qua đựng lúa xót xọt cho đỡ lạnh, thức đập muỗi chờ sáng. Về đến nơi, lại được lịnh dời qua cánh đồng Ô Lâm đối diện Cây Gòn – Giồng Cát cất trại mới. Đến nơi, các bộ phận lo hạ trại, mình thì được lịnh mang đài về lại Núi Lớn (Cô Tô) ở gần điểm ở tạm hôm Ô Tà Sóc mới qua. Tại đây, anh Chín Lĩnh đề nghị với Ban xin kết hôn với Chín Mai, chúng tôi rất ủng hộ, nhưng phải chờ chú Tám Hoa về, vì ông vừa là Thủ trưởng vừa là ba của Chín Mai.
Cơ quan di chuyển nặng nề mà dời đi dời lại như đèn cù. Ở chưa yên thì tôi được Ban phân công lo dời cơ quan xuống đồng tràm xã Ô Lâm cùng với Nhà in, Đoàn Văn công, Giáo dục… đã ở rải rác trước đó. Xuống đồng tràm, chúng tôi cất trại gần con đường vận chuyển vũ khí về Miền Tây – Khu 9 (hay còn gọi T3) mà không hay, khi phát hiện các tốp vận tải qua lại ngày đêm, tôi mới biết. Dân công hầu hết là nữ, tuổi đời đôi mươi, mười tám. Họ đi “phá đường” như đường cộ xe trâu mà không sợ máy bay chi cả. Hèn nào, khi bị địch phản kích sau Mậu Thân, đường dây này và cả hệ thống kho tàng, vũ khí bị địch đánh phá tơi bời, đến nỗi anh Trung úy nội tuyến Trương Văn Quang thấy mà xót ruột và “mất lửa”. Tại đây, chúng tôi được học tập tình hình mới, nung đúc tinh thần, chọn người đưa ra bộ đội. Các anh Mười Thành, Tư Xê, Út Bình, Phong (Mù), Thanh Ty, Cẩm Sường… đi đợt này. Bài “Câu hò trên đất Nghệ An” tôi nghe lần đầu do Đoàn Văn Công hát ở đây và cứ vút bay theo tôi suốt, thành kỷ niệm!
Cuối tháng 9/67 chúng tôi chuẩn bị dời từ đồng tràm phía Ô Lâm về lại Tức Dụp. Tôi mơ hồ Cách mạng sắp xảy ra cái gì quan trọng lắm. Đêm 23/9, ở Kinh 14, lần đầu Ba Thạo chiếu phim phục vụ đồng bào vùng giải phóng. Không người thuyết minh, tôi phải nán lại tiếp. Phim Trung Quốc không có lồng tiếng Việt. Phim nói về cuộc binh biến của một trung đoàn quân Tưởng Giới Thạch, do Quan Kinh Đào chỉ huy. Lần đầu làm đại, vừa nhìn tập in lời thoại để đọc, vừa nhìn hình trên màn bạc, vừa lắng tai nghe sợ máy bay… Nói như bây giờ là “Ba trong một”. Thật là rắc rối. Chắc là khá hơn không vậy thôi, chớ làm sao hay được.
Tức Dụp lúc này như “tỉnh lỵ” thực thụ: Tỉnh ủy, các cơ quan trực thuộc và bộ đội tỉnh về đây cùng Huyện ủy, các Ban ngành, lực lượng võ trang huyện Tri Tôn đều dồn về ở một ngọn đồi có đường kín không hơn một kí-lô-mét. Việc sinh hoạt, đi lại, nấu ăn… gần như công khai. Và máy bay địch cũng tha hồ oanh kích tự do; nhất là máy bay đi oanh kích ở đâu, còn thừa bom và rốc-kết, khi về ngang đây đều tuôn xuống cho bằng hết. Còn pháo từ Tri Tôn gần như ngày nào cũng có bắn vào đây, thành lệ. Anh em ngán nhất là pháo “mồ côi”, mà có người còn gọi là “pháo đĩ”, bắn chỉ một phát, không có qui luật, mà theo anh em kể lại rằng số gái mại dâm theo pháo thủ, hứng chí thế nào mà xúi bắn cho vui và bắn vào tọa độ chết thì sợ gì, khỏi xin phép. Các cơ quan trọng yếu của Tỉnh về được huyện ưu tiên nhường chỗ tốt. Ban Tuyên huấn và Đài Minh Ngữ vừa mới về ở được một tuần lại bị “đuổi” vì sợ cái Đài của tôi một phần và còn vì mật độ cơ quan đóng ở đây cũng quá dày đặc.
Toàn cảnh đồi Tức Dụp nhìn từ phía Ô Lâm.
Được lịnh tìm chỗ xa hơn để ở, ngày 24/9, Ban phân công tôi, anh Ba Thạo và anh Năm Đức đi dọ chỗ mới. Chúng tôi đi về hướng Đông – Đông Nam, qua khỏi khu vực Kho hậu cần Tỉnh đội do anh Mười Xem phụ trách, đến cuối đuôi ngọn đồi có hình yên ngựa giáp với núi Lớn mà chúng tôi tự đặt tên là “Kẹt Cần Đước”; sau này, gặp ông chủ đất hỏi, mới biết hang chúng tôi ở đấy có tên là Thơ-mo-mút, tiếng Khơ me có nghĩa là “Hòn đá trước mặt”. Chỗ này chưa từng có ai ở, có lẽ, không dám ở, vì nó giáp đất bằng và gần sát con đường lớn xuyên ba xã: Từ thị trấn Tri Tôn qua An Tức – Ô Lâm đến Sóc Triết. Ở đây, điều kiện cần để sống là có nước và có hang động để tồn tại trước bom đạn, là đủ. Nhưng nguy hiểm là bị địch phát hiện thì rất khó bám trụ lâu. Nhưng đó lại là cái mà tôi chọn: Ở những nơi mà đối phương nghĩ rằng ta không dám ở thì an toàn nhất, nhưng như vậy rất phiêu lưu, chỉ cần sơ sót nhỏ là bị lộ. Nhất là sợ bọn gián điệp, thám báo mặt đất. Điều này thuộc về chủ quan, dễ khắc phục hơn. Cho đến ngày Giải phóng, tôi luôn chọn chỗ ở theo cách nghĩ như vậy nên không bị đánh phá bao giờ: Ở đồng tràm thì ở chỗ tràm con, ở đồng cỏ thì chọn nơi lầy thụt. Nhờ vậy mà ngay như tại Thơ-mo-mút, chúng tôi ở yên từ lúc mới đến, khoảng cuối tháng 9.1967 đến năm 1971, tuy năm 1968 chỉ còn một bộ phận ở giữ hậu cứ, để đại bộ phận sau Mậu Thân trở lại, tức là ở một nơi lâu nhất chưa từng có, suốt hơn ba năm, kể cả lúc địch đánh phá ác liệt nhất. Có lần, năm 1969, cơ quan còn ít người mà Tiểu đoàn “Trâu điên” gồm toàn lính tuổi 16-17 đến cách miệng hang chừng 50 mét còn dựng súng ba cây chụm đầu làm một để rảnh tay nghịch chọi đất vào nhau cười chí chóe trước họng súng của du kích cơ quan đang im lặng, hồi hộp, chờ đợi… Chúng tôi là “lính triều đình” nên trong bảo vệ cơ quan có phương châm: “Nó không phát hiện được ta thì ta đừng chọc nó”. Nhưng căn bản là địch không ngờ chúng tôi ở nơi địa hình “bất lợi” như thế này, nên không ác liệt bằng bên Tỉnh ủy, lò ảng tuy sâu nhưng những tảng đá to hơn nhà lầu làm lộ rõ mục tiêu cố định. Nghĩa là… tôi tìm cái an toàn trong “không an toàn”, dưới con mắt kẻ địch.
Tại đây, ngày 01.10.1967, lần đầu tiên máy bay phản lực ném bom cay. Tôi nghe hơi máy bay cắm xuống mà không nghe bom nổ, chỉ nghe một tiếng động lớn tuồng như máy bay bị cắm đầu xuống đất nghe cái “hực”. Tôi la lên: “Nó rớt rồi”. Nhưng vài giây sau, một làn khói màu hồng lan tỏa từ ít đến nhiều, từ cay cay đến cay sè và nghẹt thở. Tôi la lớn lên: “Bom cay! Lấy dụng cụ phòng độc ra”. Nói vậy chớ lúc này tôi cũng không biết tôi để cái khẩu trang và lọ A-mô-nhắc ở đâu. Kêu “Đái!… Đái!…”, mà có đái ra cây, chớ làm gì có nước? Mấy em Đoàn văn công có sáng kiến giăng mùng chun vô, còn chúng tôi lấy khăn thấm nước dưới suối bịt mắt bịt mũi chịu trận ở ngoài quan sát, sợ bộ binh vào nhân lúc ta bị hơi cay. Coi vậy mà không sao. Tiếng cười, tiếng hát lại vang lên. Đoàn văn công mà. Anh Ba Thạo, sau bị bom cay, gặp một trái nhỏ chưa nổ, vậy mà anh dám cạy ra xem nó ra làm sao? Và nó nổ nghe cái “xịt” chớ sao, nhưng lại xịt vào mắt anh. Anh xuống suối nằm úp mặt xuống rửa hơi cay. Vậy mà không đui, về còn kể lại cười chơi. Trời ơi, đúng là Ba Thạo mà!
Tại đây, xưa, chúng tôi sống những ngày gian khổ nhưng có lẽ vui nhất, vì đi đứng rất thuận lợi, không phải leo dốc, lò ảng cực khổ; bom pháo thì thỉnh thoảng mới bị lây lan nên ở rất lâu; cơ quan sung túc hơn mọi lúc vì bị lây cái không khí “tiền Mậu Thân”. Anh Mười Thành sau khi ra Tiểu đoàn, có lần về ghé thăm anh em cơ quan. Đêm đó tôi và anh thức suốt gần đến sáng tâm sự. Vì anh bị vợ bỏ, hồi còn ở Ô Tà Sóc, phải đem con là cháu Bên vào cơ quan, khi bị càn mới nhờ người đưa nó về nhà. Nay anh không có mùng, võng, khăn gì ráo… hình như bị cái gì đó mất sạch. Tôi đưa cho anh mỗi thứ một cái duy nhất, mà ai cũng phải có, bù cho cái anh bị mất. Anh còn chần chừ vì biết rằng tôi không còn gì, nhưng tôi nói rằng tôi ở yên một chỗ và còn có nhiều người lo cho. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp lại nhau!
Sau đợt anh em ra bộ đội, chúng tôi làm việc phải nhiều hơn, đêm đêm còn phải đi tải súng đạn từ mé chân núi giáp với đồng nước về kho Tỉnh đội, chỗ anh Mười Xem. Ban lúc này tập trung cán bộ các bộ phận đi phong trào về Văn phòng tập huấn công tác rồi lại đi, nên rất ồn ào và cũng có phần phức tạp về quản lý. Tôi tuy chỉ là Trưởng Đài, nhưng lại là Bí thư Chi bộ Đài, Đảng ủy viên Ban, được Ban giao nhiệm vụ quản trị việc ăn ở, bảo mật và bảo vệ cơ quan, nghĩa là làm nhiệm vụ hành chánh của Thường trực cơ quan. Tình hình đó cũng nảy sinh tư tưởng cò kè, ganh tị, đâm hơi của một vài người, nhưng tôi xem như không có gì mà chỉ lấy tấm lòng trung thực và hành động gương mẫu ra đối đãi. Trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, cái hơn nhau mà ta gọi là “uy tín” là có trung thực, có nhường phần, có dám xung phong lao động, chiến đấu; sẵn sàng làm thay cho anh em khi cần và có dám hy sinh hay không? Tôi chọn cái “có” như là “cái giá cạnh tranh”. Cấp trên có khi không biết nhưng tập thể hiểu là được. Sau này có tay nói: “Mình không tài cán gì thì có tài uống rượu cũng được”! Nghe qua như nói giỡn, nhưng gẫm lại là thật. Tiệc càng lớn, nhậu càng mạnh cũng là thể hiện “người có uy tín”!
Không hiểu cán bộ hai mùa kháng chiến, có người từng kinh qua Phó Ty thông tin hay Huyện ủy viên thời chín năm chống Pháp… mà nay về làm cán bộ Ban, sinh hoạt trong tầm trách nhiệm chăm lo và bảo vệ của tôi. Tôi thật thà và cũng thẳng thắn tâm sự với họ: “Tôi biết các anh, các chú là đàn anh về tuổi tác, bậc thầy về học vấn – kiến thức và thuộc hàng “lão thành” Cách mạng, nhưng vì lý do nào đó Đảng điều về đây, tôi không quản lý chuyên môn các anh, các chú, nhưng tôi có trách nhiệm quản lý sinh hoạt ăn ở đi lại và bảo vệ, bảo mật. Tôi không sợ cực, không sợ chết…, chỉ sợ không được hài lòng. Do đó có gì cần thì góp ý phê bình, tôi rất biết ơn, còn nếu để bụng mà nói sau lưng tôi thì tôi cũng không để dạ”! Từ khi tôi tâm sự như vậy, mấy tay hay “thọt” cũng không dám mượn mấy vị này mà làm khó tôi. Tôi cũng nhân dịp này “khai thác” học thêm ở mấy cán bộ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm này, vừa rất bổ ích vừa tạo sự gần gũi, thông cảm nhau.
Đầu tháng 12.1967, Trường Thiếu sinh quân thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh từ biên giới B3 (An Phú) về tăng cường cho các đơn vị, cơ quan. Các em hầu hết đều tuổi 14, 15, nam thì ưu tiên cho bộ đội, nữ chủ yếu về Ban Tuyên huấn. Trong số này có Phượng, Thu Hà, Mẫn… ở Văn phòng Ban, Trọng Ni, Phó… về Đội chiếu phim, Ngọc Hà, Điệp, Thu… về Đoàn Văn công, thầy Nhân Quyền về Giáo dục.
Ngày 07.12.1967, má đưa em Định vào Xóm Đạo Sáu, anh Ba (Mười Ly) nhờ người đón đưa về cơ quan tôi. Tôi báo cáo lại Ban và Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và cũng đang là Trưởng ban Tuyên huấn (chú Tám Hưng) kêu tôi đưa em qua công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy. Về Văn phòng là nơi lãnh đạo mẫu mực, có con chú Tám Tráng (Chánh văn phòng) cùng lứa tuổi với Định nên tôi rất yên tâm. Thỉnh thoảng em qua thăm tôi bên Thơ-mo-mút mà chúng tôi hay gọi là “Kẹt Cần Đước”. Em xa ba xa má nên mỗi lần gặp tôi, tuy là anh, nhưng chắc nó có cảm tưởng như có hình ảnh và hơi ấm của ba má hay sao mà nó rất quyến luyến tôi, thật tội nghiệp. Vậy mà gần một năm sau gặp lại, em khoe với tôi là được tặng thưởng một Bằng khen và một giấy khen về công tác chuyên môn và tham gia chống càn.
Bảy Nhị, Ba Thạo – những người tìm ra nơi này đặt cơ quan Tuyên Huấn 24- 9-1967.
Và Ba Thạo, Bảy Nhị tại nơi này 49 năm sau – ngày 18-9-2016.
Sau ngày nước nhà Thống nhất, tôi trở lại nơi đây thăm sớm nhất, và rất nhiều lần, nhìn dấu tích cũ như nơi đặt bếp còn vết lọ, bồn chứa nước mà tôi và anh Ba Thạo xây bằng đá để lắng nước nấu ăn không bị sạn cát thay cho múc nước trực tiếp từ suối lên, bên trên miệng bồn có chữ “7N” và con số “11-67” (Bảy Nhị, tháng 11 năm 1967) mà tôi khắc làm kỷ niệm vẫn còn rất rõ. Chỗ tôi ngồi làm việc còn một cái chân bàn làm bằng cây tầm vông, còn mấy khẩu súng trường Ấp Bắc của Liên Xô và cái máy vô tuyến điện không còn xài tôi giấu lại trước khi đi thì không còn.
Ngày làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi quyết định làm con đường láng nhựa từ đây nối liền với Khu di tích của Văn phòng Tỉnh ủy bên Tức Dụp, với ý nghĩ: Hồi ấy, ở Tức Dụp không chỉ có mấy cơ quan như vậy, mà còn có các đơn vị ở đây phục vụ Tỉnh ủy như: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Đảng ủy liên cơ, Đoàn Văn công và Tiểu ban Giáo dục tỉnh… Cái nhược của ta là khi nhớ lại thành tích công lao, ta thường chỉ nhớ các “Ông lớn” mà quên dân và các “Ông nhỏ”; sách nào, nhất là “Kỷ yếu”, “Hồi ký” thấy toàn hình cán bộ lãnh đạo, tuồng như không có lính hay có mà chết hết hay sao ấy!
Trước Tết âm lịch, cán bộ Ban xuống phong trào gần hết, chú Hai Thanh Niên trực Ban, phân công tôi cùng số anh em còn lại làm báo Xuân và văn nghệ Xuân. Ban lúc này đang ở Thơ-mo-mút, tuy còn lại ít người nhưng rất vui vì không khí chung đang như rục rịch cái gì đó!
Trong kháng chiến, Ban Tuyên huấn lo báo Xuân hàng năm là dịp rộn rịp nhất, thể hiện sự trưởng thành của phong trào và bản thân cơ quan Tuyên huấn. Bài vở thì các anh viết, tôi chỉ tập hợp và bổ sung một số bài như tổng kết năm, bài thơ “Tiễn MacNamara qua Ngân hàng Thế giới”… Anh Phạm Hồng Cừu, Tư Đức, Hai Ngoan, Lê Máy, Trình Minh Phước,… đều là dân nhà in Cờ Hồng, lo trình bày, phân trang tờ báo. Nhà in lúc này vẫn còn ở đồng tràm Ô Lâm. Sau khi đi học Nhà in Phan Văn Mãng ở Long An về, anh Hai Cừu đóng chiếc máy in đầu tiên kiểu Ru-lô-à-pi tại Ô Tà Sóc rất đơn giản, tiếp theo anh đóng chiếc máy in Yoda theo mẫu của Nhật Bản, có phần “hiện đại” hơn. Báo Quyết Thắng An Giang Xuân 1968 in chữ chì đầu tiên bằng máy Yoda mới đóng. Toàn bộ trang đầu là bài xã luận, chạy chữ ba màu làm nền, là màu cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, có điểm cành mai vàng. Xin nhắc thêm công lao anh Phạm Hồng Cừu và anh em Nhà in Cờ Hồng, sau khi đóng máy Ru-lô-à-pi, máy Yoda, năm 1969 các anh lại đóng chiếc Tứ Khai kiểu Trung Quốc hiện đại hơn xài đến ngày 30-4-1975.
Máy in do anh Phạm Hồng Cừu tự đóng năm 1969 theo kiểu Tứ Khai của Trung Quốc.
– Ảnh tư liệu của Công ty cổ phần In an Giang lưu trữ.
Báo Xuân phát hành xong, chú Tám Hoa về. Ngày 29.12.1967, ông chủ trì phổ biến công tác khẩn cấp qua lời Hiệu triệu của Khu ủy Khu 8 chuẩn bị cho Mậu Thân. Ngày 12.01.1968, Tòa án quân sự vùng IV của địch kêu án tử hình hai anh Nguyễn Minh Hừng (Út Đường) và Nguyễn Ngọc Mẫn (Mười Thành) Đội Biệt động Long Xuyên bị địch bắt trước đó – ngày 30.4.1967. Mấy hôm sau Tòa kêu án, chú Tám Hoa đi họp báo bên Thường trực Tỉnh ủy bên Tức Dụp về, bảo tôi viết một bản Tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh kêu gọi Chánh quyền Sài gòn dừng thi hành bản án đối với hai chiến sĩ yêu nước. Khi viết, tôi liên tưởng câu chuyện du kích Caracas – Venezuela bắt trung tá tình báo Mỹ Michael Smolen năm 1964 để đòi Mỹ đổi mạng cho anh Nguyễn Văn Trỗi, nên có đoạn: “Nếu Chánh quyền Sài Gòn không dừng thi hành bản án thì người của họ đang trong tay chúng tôi sẽ bị trừng trị, trả thù”. Bản thảo ngắn gọn rõ ý, tôi đọc thông qua chú Tám trước, để ông còn thông qua thường trực Tỉnh ủy. Ông hỏi tôi: “Có tù binh nào không mà đổi”. Tôi nói: “Làm gì có tù binh, nhưng trại giam tỉnh thường xuyên có tội phạm là tình báo, chỉ điểm. Chúng làm sao mà biết được ta còn đang giam giữ những ai. Đây là một thủ thuật làm tăng giá trị bản tuyên bố”. Sau khi được duyệt, tôi cũng là người phát văn bản này từ hang Thơ-mo-mút (Tức Dụp) lên Thông tấn xã Giải phóng (LPA) và Đài Phát thanh Giải phóng phát ngay. Bản án được đình chỉ và hai anh bị chúng đày ra Côn Đảo, đến Hiệp định Paris, trao trả tù binh mới về, còn sự thật kết quả của lời tuyên bố tác động cỡ nào thì không ai biết được; nó như chuyện thả cá ra sông vậy. Sau này, đọc hồi ký của một số người, thậm chí trong Văn Hóa lịch sử số 103 – 10/2013, thấy nói: “Địch kêu án tử hình…, Trung ương can thiệp đòi xử tử hai phi công cấp tá của Mỹ nên địch đày hai người đi Côn Đảo”. Tôi đã có bài viết nói lại việc này hai lần rồi, và sẵn đó “đính chánh” tin ta truyền miệng rồi viết thành hồi ký “Ngọn đồi 2 tỷ đô-la” mà sự thật, phóng viên phương Tây đặt tên là “Ngọn đồi 2 triệu đô-la” – trong đợt cao điểm 28 ngày đêm chúng đánh Tức Dụp, chớ không phải như anh em mình nói. Chính tôi nhận bản tin này nên không thể nhớ lộn được. Vả lại, lúc đó, đô-la có giá lắm, một trái đại bác 105 ly tôi nghe nói đâu chỉ có 80 USD. Nếu bom dội trị giá 2 tỷ thì ngọn đồi ắt banh chành, còn gì?”. Vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có người cứ viết “hai phi công cấp tá” và “ngọn đồi 2 tỷ USD”. Hình như có quan niệm rằng: Thiệt hại nhiều sinh mạng và tiền bạc của địch thì thắng lợi Cách mạng càng lớn, hay sao ấy. Bệnh phóng đại tuyên truyền thành thâm căn chánh trị rồi! Kết thúc chiến tranh, theo thống kê của ta, Mỹ chết cả nửa triệu người; nhưng khi về hưu, một lần đến Washington, tôi chạm tay lên bức tường ghi danh lính Mỹ chết ở miền Nam Việt Nam thì ra… chỉ còn lại 10% con số ấy. Nước Mỹ rất sợ nói dối. Còn tôi rất buồn là không biết bao giờ ta mới công bố được con số bộ đội, đồng bào ta hy sinh qua các cuộc chiến tranh, bao người chết oan trong “Cải cách ruộng đất”…
“Sự thật”, “chính xác” và “kịp thời” là linh hồn của thông tin, tức là uy tín. Nếu không có những số liệu chính xác thì có thể “lách” bằng ngôn ngữ trừu tượng ám chỉ, nhưng sự kiện thì phải là sự thật. Ta hay nói ẩu quen miệng và dân họ cũng rất tinh ý chớ không “kém dân trí” như có người tưởng. Khi còn làm báo tỉnh, tôi thường nhắc anh em lời dân hay nói “Nhà báo nói láo ăn tiền” để răn mình, nhưng nói cách nào đó mà không “nói láo” thì làm sao? Điều này, tôi từng kể lại trong hồi ký ngắn “Tôi làm báo” nhân kỷ niệm Ngày nhà báo vài năm trước mà báo An Giang đã đăng bốn kỳ.
Sáng ngày 30.01.1968, chú Tám Hoa đi họp bên Tỉnh ủy về trông có vẻ tất bật, xăng xái lắm. Ông kêu anh Hai Cừu (từ Nhà in ở dưới đồng tràm mới về theo lịnh ông trước đó) và tôi, cùng ông ra Châu Đốc. Tôi mang cả cái Đài nên rất nặng, anh Phó là tân binh Việt kiều Campuchia được phân công tiếp tôi mang vác pin dự phòng (150 viên pin Con Ó loại I) và một khẩu AK bảo vệ Đài. Chúng tôi được lịnh trễ, đi trễ hơn đại bộ phận một ngày, nên không ai đưa đường. Trên đường đến trạm giao liên T 204 ở đồng tràm Vĩnh Gia, nước tuy cạn nhưng nhiều chỗ lún sụt rất sâu. Tôi mang nặng nên bị lún quá gối, có chỗ ngang háng, nghe khớp gối kêu tưởng gãy chân mà vẫn không thấy đau. Ông Tám Hoa có tánh hài hước, thấy cảnh này nói như để quên cái khó: “Tạo hóa rất công bằng, ai không tin thì thử nghĩ: Người ta sinh ra nếu không có cái “chảng ba”, mà như “cây chày tỉa” thì bị gặp bùn thế này sẽ lún đến lút đầu còn gì? Còn nếu cái lỗ mũi mà quay ngược lên trời thì chứa nước mưa sặc chết!” La lết, chuyện trò… khi mặt trời sắp lặn, cũng đến Trạm. Lỡ chuyến, không ai đưa, gặp một đồng chí trinh sát bộ đội cũng đi theo đơn vị ra Châu Đốc đang lúng túng. Vậy là chúng tôi quyết định tự lực qua Vĩnh Tế để ra mặt trận cho kịp giờ G. Bốn người chúng tôi và anh trinh sát, gồm ba súng ngắn, một AK và một Carbine (của đồng chí trinh sát) tự lực qua kinh Vĩnh Tế. Rủi sao ông trinh sát này không biết lội nên tôi qua sông rồi phải trở lại dìu anh ta, như lần hồi tháng 8 năm 1966 đi học cơ công về cũng dìu một ông khách không biết bơi, nên không hy vọng nhờ cậy được gì ở anh bộ đội này. Lúc chúng tôi ra giữa sông, súng ở Châu Đốc rộ lên, pháo sáng rực trời, một chiếc máy bay trinh sát “ba đuôi” bay rà dọc kinh Vĩnh Tế, chúng tôi quá phấn chấn, không biết lo sợ gì cả. Lúc này là 2 giờ sáng mùng 2 tháng Giêng Tết Mậu Thân (30.1.1968 – lịch Vạn niên). Đến giồng Tà Muôn (Campuchia) đâu hơn 4 giờ sáng. Chúng tôi gặp đoàn anh Năm Đình, chị Chín Vân… đi học bác sĩ ở R, các anh chị có cảm tưởng đi thì cứ đi, nhưng chắc là không đến trường vì Giải phóng miền Nam đến nơi rồi. Chúng tôi vượt qua chặng đường từ đó, cặp theo biên giới, qua quốc lộ 2 Campuchia đoạn trên Lộ Đứt giáp thị trấn Tịnh Biên rồi thẳng ra Châu Đốc, giữa ban ngày. Đi qua các đồn lính bạn Campuchia, họ đưa hai ngón tay chữ V lên và nói tiếng Việt giọng lơ lớ: “Về làm Tỉnh trưởng Châu Đốc”!
Đi không nghỉ, tôi mang nặng nên đuối sức dần, mồ hôi đọng thành muối từ áo quần đến quai dép. Đến gần Bàu Cò, tôi tụt lại sau cùng, cách đoàn cả cây số. Chú Tám Hoa đứng lại chờ tôi, rồi ông lấy cái bao đựng máy tôi đang mang, trao cái ba lô nhẹ tưng của ông cho tôi, rồi động viên tôi: “Ráng tới xóm, mua đường cho mày ăn vào là lấy sức lại, mày bị mất muối, mất đường nhiều quá rồi!”. Tôi đang mang nặng bỗng dưng mang nhẹ làm người mất thăng bằng, đi khênh khạng rồi một cảm xúc bất chợt làm tôi bật khóc, vì cái tình thủ trưởng đối với tôi. Ra đến căn cứ B2 (gần ngọn Cái Hàng – Campuchia) hơn 4 giờ chiều, tôi giăng ăngten, mở máy bắt liên lạc ngay với GFM và LPA, đưa tin chiến thắng của quân dân An Giang, nhất là mặt trận trọng điểm Châu Đốc. Liên lạc thông suốt, tôi nhẹ người, quên hết mọi vất vả đã qua. Tôi làm việc chỉ có một mình một Đài, nên trực 24/24, ăn nghỉ tại chỗ và thức trắng năm ngày đêm liền. Hết thuốc hút, tôi phải “rút ruột” gởi chị Tám Thủy nhờ đi bán giùm cái võng ni-lon mà má tôi chắt mót tiền còm mới mua gởi cho để mua thuốc hút mà nghĩ rằng mình sẽ nằm giường chiếu nay mai, nhưng không dè nằm đất thêm bảy năm nữa. Nhưng dù sao cũng khá hơn một số cơ quan đơn vị khi lên bờ thì bửa xuồng, khi nhổ trại hành quân thì đập nồi… rồi sau đó kể lại như chuyện tiếu lâm. Cũng vui!
Ngày 4.2.1968, Chín Lĩnh và anh em trong Tức Dụp ra chi viện. Mừng vì công việc trôi chảy, được tăng viện. Đùng một cái, ngày 19.2, đang ngồi hội họp, gặp Dũng (Tây lai) đi ngang, đưa thư của Ngoan báo tin: “Cậu Út hy sinh ngày 9 hay 10.2, gì đó?”. Sau Giải phóng, năm 1983, tôi đi tìm hài cốt của cậu, trực tiếp gặp bà chủ trại ruộng kể lại: Cậu và các anh em đã ngả lưng ngủ quên tại trại của bà gồm: Cậu, anh Hòa Bình (y tá), anh Khuyễn (Xã đội trưởng Vĩnh Hanh) và em Việt (người Hoa ở Nam Vang mới tòng quân vào Ban Tuyên huấn tỉnh vừa mới tăng cường về Châu Thành). Đó là vào khoảng 4-5 giờ sáng mùng 5.1 – Mậu Thân tại cánh đồng xã Vĩnh Nhuận. Không khí hồ hởi ban đầu như chùng xuống. Lực lượng Cách mạng miền Nam (chủ yếu là người tại chỗ) tổn thất chưa từng có.
Cùng ngày 19.2, tin buồn cậu Út hy sinh đột ngột đến làm mình đau khổ, cùng lúc phát hiện mất 800 đồng tiền quỹ của Ban. Không hiểu sao, tiền và con gái cơ quan, ông Tám Hoa hay giao cho tôi “quản lý”, trong khi tôi không có chức năng gì cả? Có lúc tôi nghĩ, như chuyện tiếu lâm hay chuyền lao với nhau hình ảnh “chó giữ lúa”, vậy thôi. Họ biết mình không ăn, nhưng cũng không cho ai ăn, mới giao. Tôi quản lý tiền cho Ban Tuyên Huấn, sau này có Minh làm thủ quỹ đến ngày giải phóng. Và đúng là họ không lầm! Song bây giờ mất số tiền quá lớn, biết tính sao? Tôi thì thầm báo lại anh Hai Cừu. Tội nghiệp, anh hít hà cho tôi và bí mật theo dõi, chỉ trong mấy giờ đồng hồ, phát hiện có dấu hiệu khả nghi qua mua sắm ăn uống trên Cái Hàng (xóm Campuchia). Anh kêu Phó (cậu theo bảo vệ Đài), nói chuyện riêng. Phó thú nhận và khóc rất đáng thương. Ngay trong đêm 19.2, sau khi làm việc phiên cuối, tuy khuya nhưng tôi vẫn tranh thủ đến chỗ cậu Bảy (Ba Thanh) để báo tin cậu Út hy sinh. Nghe tôi báo, cậu thừ người ra rất lâu, không phản ứng gì. Người từng trải với chết chóc, trận mạc có đức tính như vậy đó. Bốn trong tám anh em trai của cậu đi kháng chiến và 3/4 đã hy sinh, nay chỉ còn một mình cậu dẫn dắt cháu con trên đường Cách mạng!
“Hôm qua, ngày 03.5.1968, chú Tám Hoa phổ biến: Thường vụ Tỉnh ủy giao thêm nhiệm vụ là nhận tin Tham khảo DKP do Thông tấn xã Việt Nam chuyển ngữ từ các hãng thông tấn phương Tây như Roai-tơ, AP, AFP… phát từ Hà Nội, dùng để lãnh đạo tham khảo”. – “Ngày 5.5 họp Chi bộ, tôi và anh Chín Lĩnh đứng tên giới thiệu chị Tám Thủy và làm lễ kết nạp cho chị và anh Trường Cửu cùng một lúc tại Văn phòng Ban. Tôi cảm thấy hoàn thành nghĩa vụ với chị, vì là người hiểu và thông cảm chị nhiều nhất mà tôi không làm được việc này thì thật đáng trách”.
Ảnh từ phải qua: Thầy giáo Xuân Tư. Học viên: Phương, Minh, Thúy, Lệ, Thu Hà, Thanh, Phượng và Thầy giáo Trường Cửu.
– “Ngày 12.5.1968, vừa phổ biến quyết định của Ban cho mấy em Phương (chị của Nga), Thu Hà và Hồng Nhật (vợ Ba Phương sau này) học Morse. Sau khi phổ biến nghị quyết, tối hôm đó tôi suy nghĩ nhiều: Vì lợi ích của Đảng, mình không thể tình cảm tiểu tư sản mà bỏ qua nên mạnh dạn đề nghị thay đổi cho Minh vào học. Hình như Hà nghe lóm được ý kiến của mình nên buồn rất dữ” – (Trích nhật ký).
Vì thành phần và trình độ của Minh có điều kiện hơn. Việc quyết định của lãnh đạo Ban hình như có “hơi quen biết” số con em có nhà ở Pẹc-chạy mà mấy ông hay ghé qua. Còn Minh tuy là “con gà nòi” nhưng ít ai thân với gia đình. Còn tôi nặng về thành phần, lý lịch.
Năm 1968 Minh mới 16 tuổi (sinh 20-8-1952), do nhỏ người nên cái dáng còn nhỏ hơn, nhưng được cái là trước khi vào học Trường Thiếu sinh quân của Tỉnh, năm 1961, Minh thi đậu trong số 500/5.000 thí sinh toàn tỉnh Châu Đốc vào lớp Đệ Thất Thủ Khoa Nghĩa, nhưng vì là “Con em V.C.” nên không được học, bị gián đoạn một lúc rồi ông nội mới làm lại khai sanh lấy tên “bố mẹ” là người bà con bên ngoại gốc Bắc và tăng lên 1 tuổi để học lóp Tiếp liên, năm sau thi lại, nhưng vì đứt đoạn khá lâu, học không nổi nên bỏ học, làm giao liên công khai của Thị ủy B2 (Châu Phú – Châu Đốc) từ những năm đó. Dân mình quá chân thật, hoàn cảnh vậy mà vẫn tự khai là người “Bắc Việt”!
Hình Ba Mẹ của Minh lúc đó.
Trực tiếp lãnh đạo Minh, ngoài “cán bộ gia đình” là ba, mẹ, cô dì còn có ông Tư Kỉnh – Bí thư Huyện ủy. Ngày tôi đi kháng chiến, cả xã tôi chỉ có vài người đậu Đệ Thất và ra Châu Đốc học, với số người này tôi trân quý họ lắm, họ vừa học giỏi vừa có điều kiện mới học được. Trường Thiếu sinh quân Tỉnh đóng ở giồng Ông Tám – Vạt Lài, Minh ra trường cùng một lúc với Lê Máy, Thu Hà, Phượng… là do yêu cầu của tình hình và được đưa về Ban Tuyên huấn như nói trên, nhưng Minh lại về Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở phía trên hang Thơ-mo-mút của Ban Tuyên huấn, được phân công về thị xã Long Xuyên. Minh về Long Xuyên đóng ở đồng tràm Kinh 14 được mấy ngày, thấy lạ người lạ cảnh nên buồn và xin trở lại Châu Đốc. Minh về Châu Đốc rồi về Sa Đéc rước mẹ mới vừa ra khỏi nhà tù Thủ Đức lên B2, thăm ba cũng mới vừa ra khỏi nhà tù Côn Đảo mấy tháng trước. Tại đây, gia đình Minh đề nghị với Tổ chức: Cả nhà ai cũng ở tù địch rồi (có 5/6 người làm Cách mạng chống Pháp, chống Mỹ bị tù đày), đó là chưa kể ông Cố là cụ Vũ Hoành bị đày biệt xứ vào Nam những năm 1920, mà sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng bị đày biệt xứ vào tá túc trại ruộng của cụ ở Ba Thê – Thoại Sơn (theo tài liệu mật thám lưu trữ), được ông Trường Chinh xác nhận là Cách mạng Tiền bối; ông nội Minh là Đảng viên năm 1930, từng bị đày Bà Rá, từng là bạn tù với các ông Trần Văn Giàu, Phạm Hùng, … Bản thân Minh, năm 1961, cũng từng bị nhốt ở Ty Chiêu hồi hết mươi ngày do bị tên Bé Đinh (một cặp phản bội với Bé Dũng) chiêu hồi nhìn mặt, nhưng nhờ không có tài liệu hay bằng chứng… Nay, nếu để Minh đi CK (giao liên công khai) thế nào cũng sẽ ở tù nữa. Vậy nên Minh được Ban Tổ chức cho về Ban Tuyên huấn, khoảng đầu tháng 4.1968, trong “Cao điểm 3” – Mậu Thân. Lớp học Morse chỉ có hai em, nhưng Phương học mới mấy ngày xin về phép ở Pẹc-chạy (Campuchia) rồi ở nhà luôn. Vậy lớp còn Minh là học viên duy nhất.
Xem lại Nhật ký ngày 12.5.1968 ghi:
“Kể từ đầu đêm Tổng tấn công lần B này (đêm 4 rạng 5.5), mình bận tíu tít. Chiến thắng của ta hết sức oanh liệt nhưng cũng hết sức ác liệt. Đến nay Sài Gòn vẫn còn vững vàng trong tư thế chiến đấu và chiến thắng, dù địch có phản ứng điên cuồng, thương vong quần chúng không phải ít. Riêng tỉnh ta cũng vậy, đặc biệt một bộ phận chống phản kích tại lộ Cây Trâm, chỉ có 9-10 đồng chí mà diệt cả trăm địch…để bảo vệ cho thương binh và lực lượng rút về từ mặt trận Châu Đốc. Từ chỗ hậu cứ tỉnh ở trên ngọn Cái Hàng (Campuchia) nhìn xuống biên giới, thấy rõ người cáng thương hoặc dìu nhau… túa lên, cố vượt qua Kinh Vĩnh Tế đoạn Nhà Neo – Bài Bài, lên biên giới. Trực thăng có bầy, quần đảo và phóng rốc-kết đuổi theo. Nhưng phải thừa nhận rằng chúng cũng biết tôn trọng đường biên giới lúc này. Ai thoát được qua thì xem như đã sống”.
Anh em mình hy sinh rất nhiều, bộ phận án ngữ hai đầu lộ bảo vệ gần như hy sinh hết! Anh Ba Lê (cán bộ của Ban) mới ra bộ đội cuối năm 1967 cũng bị thương nặng trận này.
Hết Tổng tấn công lần A với ba cao điểm, đến Tổng tấn công lần B nối tiếp bắt đầu từ đêm 4- 5.5.1968. Nhưng càng tấn công càng thiệt hại nặng nề hơn, địch đã gia tăng cảnh giác và rút kinh nghiệm cách đánh của ta không thay đổi vào thành phố, đồng thời chúng thọc sâu vào vùng Giải phóng và hậu cứ ở rừng núi… mà ta không cảnh giác nên thiệt hại này càng nặng hơn. Điển hình, đường vận chuyển vũ khí của T3 – Miền Tây Nam Bộ (mà phần trên tôi có kể) là chỉ một nhánh đi qua cánh đồng Ô Lâm mà vô tình tôi xây dựng cơ quan ở gần và rồi khi phát hiện ra, sợ bị vạ lây nên dời đi. Lực lượng này toàn là nam nữ Thanh niên xung phong mới toanh, biết gì đâu mà cảnh giác, như anh em bộ đội miền Bắc sau này có câu thể hiện thiếu kinh nghiệm và tính tự nhiên như liều mạng: “Đường ta ta đi, việc ta ta làm. Mặc nó!”. Số này, sau bị đánh tróc lên núi (lớn) Cô Tô, bị bom pháo, nhất là bị sốt rét (dân đồng bằng không quen bịnh này) nên chết rất nhiều, nhiều cô mê sảng, trần truồng chạy ra phum sóc hoặc chết trong hang động… rất thương tâm! Có một số cô đầu quân về An Giang, sau là cán bộ của huyện, tỉnh.
Trong lúc thoái trào, ngày 19.6.1968, Trung úy Trương Văn Quang (Chỉ huy trưởng biệt khu Phổ Đà – Ba Chúc) “khởi nghĩa”. Tôi được phân công tổ chức lễ “đón rước nghĩa binh” và làm lễ công nhận Đảng viên chánh thức cho anh dưới cờ búa liềm (mượn của Đảng ủy Liên cơ) hẳn hoi, rồi tôi cũng đưa tin về cuộc khởi nghĩa ấy lên Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng. Có dịp ngủ chung với anh tại trại của tôi, anh tâm sự, kể lại âm mưu và hành động của Mỹ – Thiệu lúc này, và thiệt hại của ta mà chính anh mục kích. Anh là sĩ quan (Thiếu úy) loại giỏi, phải thay đổi lý lịch, con đường đi vào thành và vào quân trường rất gay go mà vẫn vượt qua, được Mỹ đào tạo và bí mật đưa ra vĩ tuyến 17 xây dựng căn cứ A Sầu, A So gì đó với hệ thống ra-đa theo dõi bầu trời Bắc Việt và chuẩn bị đưa Biệt kích ra miền Bắc. Anh nói thật: “Sau Mậu Thân không thành, tôi không tin là mình sẽ thắng. Nhưng Đảng kêu phải khởi nghĩa trở về để gây tiếng vang, hỗ trợ cho Cách mạng lúc thoái trào thì tôi chấp hành nghiêm chỉnh”. Nói là “khởi nghĩa” cho rôm vậy, chớ chỉ có anh Quang và anh Bảo là hai nội tuyến của mình cùng một tiểu đội trinh sát của tỉnh do anh dàn cảnh đem vào ngày trước đó nhân chuyến hai anh đi làm việc ở Trại Ba Xoài, khi về ngang Lê Trì, hơn 10 chiến sĩ trinh sát tinh thông ấy đóng vai “lính Trung tâm tăng cường” nhập vào, theo anh về ém trong Đặc khu. Trước giờ nổ súng, tên Lác chiêu hồi đánh hơi nghi vấn, bị anh Quang chủ động điều đi “phục kích VC” ở cua Chín Cho gần chùa Ông Chín – Ô Cạn. Trước khi hành động, anh gọi pháo Vĩnh Trung bắn vào tọa độ ấy mấy loạt. Vậy mà mấy “ông thầy lịch sử Đảng” của tỉnh ta viết trong Văn hóa – Lịch sử, rằng “Diệt cả một liên toán biệt kích (khoảng một đại đội)”. Đúng là “ngủ ngày quen mắt!”. Anh còn kể cho tôi nghe: Nếu là sĩ quan tốt nghiệp trường võ bị, ra trường nếu không nhận làm CIA thì phải chấp nhận có cận vệ hoặc vợ lẻ là CIA, thì mới được chúng tin. Cận vệ thì có thượng sĩ Bảo là đảng viên ở Bến Tre, do ta cài vào. Vậy là anh chấp nhận có vợ bé là CIA. Hôm ra ngoài làm kế hoạch với anh Võ Khắc Sương, vừa mới thay ông Ba Mì làm Tỉnh đội trưởng (vì ông Ba Mì không tròn nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp mặt trận Châu Đốc), anh có báo cáo với ông Năm Sương: cô vợ bé của anh là CIA mà anh đã ở với nó có bầu, nếu khởi nghĩa thì anh phải diệt nó, không thì nó diệt anh. Có lần ta công đồn Phổ Đà, nó liệng lựu đạn vuốt mặt không kịp. Đúng là ác ôn. Vậy nên ông Năm Sương chủ trương cho anh tìm cách “điều” nó đi Châu Đốc để an toàn cho đứa bé vô tội đang trong bụng kẻ ác. Thật vẹn toàn! Chị Kim Sa có viết vở kịch “Tín hiệu màu xanh” với bút danh Hoàng Anh Chi, nói về sự kiện anh Quang khởi nghĩa. Sau này, trong lúc học chung lớp chánh trị Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội 1977 – 1979, tôi nghe anh Huỳnh Chí Thiện (Trung úy pháo binh khởi nghĩa ở Tầm Vu – Trà Vinh) cũng nói về mối quan hệ giữa sĩ quan Sài Gòn và CIA, tương tự như Trung úy Quang nói với tôi. Tệ hơn anh Quang, anh Thiện “khởi nghĩa” chỉ có một mình và phát đạn Colt-12 đầu tiên làm hiệu lịnh cho bên ngoài phối hợp là anh bắn tên cận vệ mà anh cho là CIA!
N.M.N.