Chuyện kể năm 2000 (kỳ 11) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Họ nằm bên nhau im lặng. Lắng nghe đêm mùa xuân yên tĩnh, ô vuông sáng in hình cửa sổ . Lắng nghe hơi thở của các con, hơi thở của chính họ. Lắng nghe căn buồng êm đềm của chính họ.

Họ lắng nghe sự bên nhau. Đây là khát vọng đã biến thành sự thật. Một sự thật phải trải qua cay đắng đến không tin được, nhưng cuối cùng đã đến. Khi bé Dương hỏi hắn già chưa, hắn trả lời trong óc “Bố đã qua một kiếp. Bố vừa sống lại… ” Nhưng đâu chỉ có hắn qua một kiếp. Cả Ngọc nữa. Ngọc cũng qua một kiếp. Ngọc cũng vừa sống lại.

Kiếp tới của hai người là gì, họ chưa nghĩ đến. Chắc là đầy chông gai, nhưng sẽ vượt qua vì không có kiếp nào đáng sợ bằng cái kiếp họ vừa trải. Vả lại lúc này đâu phải nghĩ đến những điều ấy. Hãy tận hưởng sự bên nhau. Những giây phút đầu tiên bên nhau. Hãy tận hưởng điều mong đợi mòn mỏi đã thành sự thật.

Họ nằm bên nhau im lặng để cùng nhau xác nhận sự bình yên và bão táp qua rồi. Họ nằm bên nhau và cuộc đời như không tồn tại, chỉ có họ gần gũi triền miên trong thời gian kỳ diệu. Ôi! Bây giờ mới lại thấy thời gian là kỳ diệu. Thời gian sao ngọt ngào đến thế! Chỉ có hai bàn tay đan vào nhau. Tay Ngọc đan vào tay hắn. Từ nay chúng ta sẽ không rời xa nhau nữa. Từ nay chúng ta lại không xa nhau nổi một tuần. Từ nay và vĩnh viễn.

Họ không nói một lời, nhưng cả hai hoàn toàn hiểu nhau. Người này biết người kia đang nghĩ gì. Ngọc gỡ tay khỏi tay hắn, quàng qua ngực hắn. Hắn cầm bàn tay Ngọc ấp lên miệng. Họ cảm thấy một điều gì đó đang bắt đầu, một điều gì đó đang đến…

Không cuống cuồng vội vã như lần gặp Ngọc hăm bốn tiếng khi còn ở trại Q.N, lúc Thất, tù trật tự trại bước ra, chỉ còn hai người trong buồng gặp mặt, hắn và Ngọc đã lao vào nhau, ghì chặt lấy nhau. Bởi vì hai người lúc đó vẫn ở hai thế giới, sự gần gũi là của bố thí, đồng tiền bố thí lấy ra từ chính kho tàng của mình đã bị tước đoạt. Kết quả của sự ban ơn đó là tính bằng giây. Bởi vì chỉ hăm bốn tiếng sau người ta đã giằng Ngọc ra khỏi tay hắn, đuổi hắn về cõi chết. Ngồi trong nhà gặp mặt mà vẫn nghe thấy tiếng chân huỳnh huỵch của những người gánh phân nhà bò đang nhoai người leo dốc bên kia suối. Thấp thoáng toán lâm sản với những vác nứa hình hộp đè nghiêng đầu người về một bên. Tiếng xô búa xủng xoảng của toán lò vôi. Và bộ quần áo tù mặc trên người… Sự gần gũi còn là ê chề nhục nhã.

Anh bỗng giàu có vô cùng khi có thêm kỷ niệm của em

Khi bàn tay em không còn là xa lạ

Không phải trong tù nhớ lại nữa. Nhớ từ thời mới yêu nhau, sao em là của anh, anh không hiểu nổi, sao anh có tên em, để anh lên tiếng gọi. Bàn tay này ngày xưa non mềm thon thả ngây thơ biết bao. Bàn tay nhỏ gầy lam lũ vất vả đau khổ ấy đây. Hắn ấp bàn tay Ngọc lên má, lên mắt, lên trán hắn. Nàng quay người về phía chồng, thì thào:

– Anh.

Hắn cũng xoay nghiêng trở lại ôm lấy nàng. Hắn hít những hơi dài trên má nàng, trên tóc nàng, và bây giờ đến lượt hắn, hắn vuốt dọc thân thể nàng. Hắn siết chỗ eo lưng, ép chặt Ngọc cũng đang nằm nghiêng vào mình và luồn tay qua lượt dây chun, xoa mãi xoa mãi xuống phía dưới, bóp mạnh, rồi xoa nhẹ nhàng, rồi lại bấu vào đó. Trong tù hắn đã bao lần nhớ lại, bao lần thèm khát được đưa tay luồn qua lượt dây chun… Hắn nghèn nghẹn:

– Em.

– Anh.

Nàng thì thầm đáp lại. Một cái hôn dài, dài như vô tận, lúc đầu chỉ là một mơn trớn êm ái dịu dàng, triền miên như không bao giờ hết, như từ nay – hạnh phúc, như từ nay – cuộc sống, nhưng rồi dần dần trở nên dồn nén, cấp bách và nghẹt thở. Người nọ riết vào người kia như để được tan vào nhau, hòa cùng nhau làm một. Anh hôn em cáí hôn dài mười năm đứt đoạn. Cái hôn này là nối vào cái hôn bị chém đó. Hắn nhìn thấy trong ánh sáng mờ mờ đôi mắt Ngọc đang ngước nhìn hắn. Đôi mắt nồng nàn ấy của nàng hắn đã nhìn thấy khi hai người ngồi dưới trời sao Vĩnh Tuy. Khi hai người ở nhà anh chị Diệu. Đôi mắt nồng nàn ấy của nàng hắn đã nhìn thấy khi hai người ở sân kho hợp tác. Hắn khẽ đặt nàng nằm ngửa để lại được luồn tay qua dây chun một lần nữa và run run sờ lần tìm lại những gì thân thuộc trên người nàng. Đau khổ có in dấu vết ở đây không? Đắng cay thấm đượm thịt da em. Nhưng như cây vẫn bắt rễ vào đất, cuộc sống sẽ từ đây tiếp tục. Cuộc sống vẫn còn đợi chúng ta. Anh sẽ đền bù lại. Chúng ta vẫn sống. Tiếp tục sống trong hạnh phức. Như những ngày xưa. Giờ đây chúng ta càng hiểu ý nghĩa của sự gần gũi này. Chúng ta đã mong đợi. Chúng ta đã tuyệt vọng. Nhưng chúng ta đã đạt được.

“Ôi! Em”. Hắn lại thì thầm. Hắn thấy lại những gì vẫn nghĩ đến, vẫn tưởng tượng mà không thể nào tưởng tượng nổi.

Hắn ngồi dậy. Hắn ngồi im lặng nhìn thân hình nàng đã cởi bỏ hết quần áo mờ mờ trong màn, như một tín đồ phương Đông khoanh tay tĩnh lặng trước bình minh chờ đón mặt trời mọc.

Và như một chiến binh trải qua trăm ngàn trận mạc bỏ lại cái chết sau lưng trở về nơi chôn rau cắt rốn, quỳ hôn mảnh đất quê hương, hắn cúi xuống hít một hơi dài.

Hắn nhận vào người tất cả trời đất. Hắn như tan đi. Ngọc chới với đưa tay kéo hắn.

Hắn ngoan ngoãn làm theo nàng.

Trong giây lát cả hai cùng thấy lại tất cả những gì đã mất. Nó sáng lòa như một đám cháy ở chân trời. Dấu chấm hết một chương dài đen tối. Một thực tại hắn hằng nghĩ đến trong những tháng năm tù tội. Là chấm dứt những hồi ức của nàng u uất, cô độc. Là lại có một người để mà than thở, để mà chia sẻ, để mà yêu thương. Là có thêm đôi vai nữa cùng mình gánh vác. Là đoạn tuyệt những đêm dài ghê sợ, gọi người ở thế giới bên kia trò chuyện bằng độc thoại. Là chấm dứt nỗi kinh hoàng khi mỗi tế bào trong người đều nổi loạn đòi cuộc sống, tiếp theo là cuộc hành quyết chính bản thân mình. Là lại được như những người bình thường khác. Là những gì còn đó nguyện vẹn mà không bạo lực nào có thể cướp đi. Là điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Đúng là điều tốt đẹp nhất còn lại trên cuộc đời này. Là yêu nhau. Là lại được yêu nhau. Là trở về quá khứ mười lăm năm trước. Là cuộc sống. Là quyết sống, dù thế nào chàng nữa.

Đó là con đường chạy từ tiềm thức tới một nơi còn thẳm sâu hơn tiềm thức. Ở đó thăm thẳm trên đầu và thăm thẳm dưới chân. Hắn và nàng lại đi trên con đường đó. Mặc cho mỗi bước đi chân trời lại cứ lùi xa. Sung sướng hăm hở, hạnh phúc, dấn thân, tuyệt vọng, họ lại đi trên con đường quen thuộc ấy về chốn tận cùng.

Bây giờ hắn biết rằng sự việc đúng là như vậy. Phải là như vậy. Đã là như vậy. Đang là như vậy. Sẽ là như vậy.

Và hắn bỗng nghe thấy nàng thì thầm bên tai như đau đớn:

– Đúng.

– Đúng.

*

*        *

Cái dốc xoai xoải bến Bính này là như thế. Dòng sông Bạch Đằng là như thế. Trong kịch bản phim đã ký hợp đồng với Cục Điện ảnh nhan đề Những người đang sống (và nhờ công sức của Nguyễn Vũ Phương, hắn đã được tạm ứng sáu trăm đồng) có một cảnh phà Bính sang ngang. Hắn thích cảnh ấy. Đó là một đặc trưng thành phố hắn ở. Có thể dùng trực thăng quay toàn cảnh hai đầu bến lát đá xoai xoải, chiếc ca- nô xình xịch kèm cái phà to bè giữa dòng, rồi quay cận cảnh làm một cái travelling nét mặt từng người và cuối cùng đặc tả đôi trai gái yêu nhau đang qua phà Bính về quê trình diện bố mẹ.

Bến Bính đã vào cả trong sáng tác vẫn như trước đây, cái bến phà gần gũi tuần nào cũng qua hai lần ấy ở xa Trần là thế, thoáng đãng là thế, phóng khoáng mênh mông là thế mà cũng gắn bó với đời tù của hắn. Vẫn là trời riêng, mây riêng. Gió riêng. Gió của những khoảng không vô tận mặt biển thổi vào. Gió sông Hồng làm hắn xúc động, nhưng ví sao được với gió Bạch Đằng. Ở đây nhìn xuôi dòng, bãi sú bốn mùa xanh, xanh mãi thấp mãi về phía xa hút tầm con mắt. Ở đó là chân trời, góc biển.

Năm năm giam hãm hắn đã qua phà Bính ba lần. Kỷ niệm hãi hùng về bến phà với Ngọc là ngày 16 tháng 4, cùng con Nguyệt mắc kẹt giữa hàng nghìn người chen chúc qua sông. Với hắn là chuyến đầu tiên rời Trần Phú ra đi cùng đông anh em trên chuyến xe bịt bùng, chứ không phải hai chuyến sau chỉ có một mình trên chiếc xe com-măng-ca đít vuông từ Q.N về Trần ăn Tết rồi lại từ Trần trở lại Q.N. Đứng trên bến phà không thể không nghĩ tới ngày hôm ấy, không thể không nghĩ tới chuyến ra đi đầu tiên ấy. Đi đâu không biết. Nhưng chắc lên rừng. Đau đớn là suốt thời gian chống Pháp hắn ở rừng, hắn cùng rừng bầu bạn, hắn tin tưởng ở rừng. Nay rừng làm hắn khiếp sợ. Rừng đợi hắn trở về để rừng đày đọa giam hãm hắn, và khi trông thấy màu xanh lầm lì hăm dọa của rừng, lòng hắn thắt lại, thì trong xe có những tiếng gào lên:

Rừng ơi! Ta đã về đây, đem sức của đôi tay lao động,

khó khăn không quản ngại.

Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay…

Tiếng hát của những người đã chai sạn với rừng tù. Đau đớn từ lúc xe mới rời Trần, còn đi trong thành phố, anh em khe khẽ nói tên những đường phố xe đang qua: Quán Hoa, Nhà hát lớn, Hoàng Văn Thụ, Hồng Bàng… như những lời vĩnh biệt. Đau đớn là không có cách gì báo tin cho bố mẹ, vợ con, anh em biết mình không còn ở P. nữa. Mình đã bị đưa đi rồi. Biệt xứ rồi.

Lại càng chăm chú nhìn đám đông trên dốc phà. Hy vọng bố sang phà. Hoặc vợ về quê. Hoặc chỉ một người quen thôi, để người ấy về kể lại rằng đã nhìn thấy hắn đi. Ở góc đầu dốc phà, bốn năm người cả người lớn trẻ con đứng tụm lại. Họ không qua phà. Họ đứng nhìn vào xe. Họ gật đầu. Họ khẽ vẫy. Một gia đình nào đó được báo trước tù chuyển đi sáng nay, kéo cả ra đây đứng chờ để được nhìn thấy người thân của mình lần cuối… Họ chỉ dám đứng xa xa. Ôi! Giá vợ con hắn đứng đó. Để hắn nhìn thấy một lần.

Bỗng cả phà nhốn nháo. Một tiếng phụ nữ gào khóc:

– Sáng ơi! Em đi đâu đấy hở em?

Hắn nhớ lúc ấy. Đang ngồi trên xe, còng chung với một người nào đó, hắn và nhiều người bị xô nghiêng. Sáng nhoài ra kêu to:

– Chị Dậu ơi. Em đi rồi. Không ở Trần Phú nữa, chị ơi!

Sáng thật may mắn. Bao nhiêu người thèm được nói một câu như Sáng, nhắn một lời như Sáng. Ông công an quát lên:

– Im! Không được nói chuyện với người tự do, biết không?

Người đàn bà còn trẻ vứt quang gánh – chắc là gánh rau đã bán xong – cuống cuồng chạy lên dốc phà, len qua hai người soát vé ngược trở ra. Rồi chị chạy xuống với một ôm bánh mì. Xe đang xuống dốc và bò qua cầu phà. Chị nông dân quẩy gánh theo xe, tới sát ông công an áp tải nằn nì.

– Không được. Chị đi ra ngoài kia.

– Tôi chắp tay tôi lạy anh. Anh thương cho nó được nhận mấy cái bánh mì. Chị em tôi không ngờ được gặp nhau ở dây…

– Đã bảo không được là không được. Nguyên tắc. Biết không?

Chị nông dân mặt đỏ bừng, rồi tái nhợt đi, đứng chết lặng với đống bánh mì trên tay. Rồi chị òa lên:

– Em ơi! Sáng ơi. Em có tội tình gì mà khổ thế này.

Sáng ngồi trong xe run lên bần bật:

– Thôi, chị Dậu ơi. Chị về nói với thầy mẹ hộ em…

Những người trên phà nhìn chị bằng đôi mắt ái ngại. Nhưng không ai nói giúp chị một câu. Không ai muốn dây vào việc không phải của họ. Ông công an mở khóa cửa sắt. Cái cửa sắt có những ô vuông như xe chở lợn mở ra.

Sáng bị đẩy vào trong cùng.

– Em đi đâu đấy, Sáng ơi?

– Em cũng không biết!

Tiếng Sáng bên trong gào lên. Và hắn bỗng thấy một cái gì vụt vào trong xe, qua cánh cửa sắt còn để mở. Anh em tù nhặt lấy chuyển cho Sáng. Tiền. Hai tờ giấy bạc một đồng gấp gọn. Ông công an thét:

– Gì đấy? Tiền hở? Đưa đây. Đã bảo đưa đây mà. Có đưa không?

Sáng rút trong túi ra hai đồng nộp cho ông công an.

– Đến trại nộp lưu ký. Ai cho phép các anh cầm tiền hở. Chị kia lui ra. Đã bảo bịt mẹ nó miếng bạt ở phía sau thì không bịt. Cho kín mít lại là xong.

Ông công an giận dữ khóa sập cửa, hầm hầm nhìn vào trong xe, lại nhìn ra ngoài. Chị nông dân bán rau khóc hu hu:

– Sáng ơi. Em đi khỏe mạnh, giữ gìn, chóng về với thầy, với mẹ, với chị, em ơi…

Chị ngồi thụp xuống phà, xếp những cái bánh mì vào sảo còn dính mấy cái lá rau, rồi gục xuống gối. Trong ô-tô, mặt Sáng trắng bệch như tờ giấy.

Ngày ấy – mới có ba năm thôi mà sao như đã mấy chục năm rồi – Sáng còn rất trẻ, mặt mũi bầu bĩnh, dáng dấp của một thanh niên mới lớn. Ngày ấy, trời cũng nắng cuối xuân như hôm nay, cái nắng làm người ta muốn tắm gội, giặt giũ, phơi phóng, quét dọn để xếp cả một mùa mưa dầm lại.

Hôm nay tròn một tuần lễ hắn được tha, cũng là tròn một tuần Sáng trốn trại, bị bắt và bị cùm xà lim. Khi hắn đi ra khỏi trại, thì Sáng bị trói dong ngược về trại. Sáng là người trả cho tự do cái giá bằng cả cuộc đời mình, nhưng Sáng luôn thất bại.

Đứng chờ phà, qua phà và đạp xe trên đường về quê thăm bố mẹ, hắn cứ để ý trong đám đông, nhất là trong đám người quang gánh có ai là chị Dậu không. Gặp chị, hắn sẽ nhận ra ngay, cho dù chỉ trông thấy chị một lần cách đây ba năm trước. Có thể hắn sẽ nói với chị một câu gì đó cũng nên. Nhưng chắc chắn hắn không dám nói với chị những gì Sáng đã chịu. Càng không dám nói với chị Sáng đang bị cùm.

Hắn cứ lặng lẽ đạp xe đi. Không nói. Ngọc cũng vậy. Thỉnh thoảng hắn lại rời một tay cầm lái, thõng xuống ngang hông, làm như đung đưa, vung vẩy để chạm vào người Ngọc.

Hiểu ý, ngồi phía sau, Ngọc nắm lấy bàn tay ấy. Hai người nhè nhẹ bóp tay nhau. Rồi lại rời ra khi thấy có người đi ngược lại. Lại nắm lấy ghi-đông. Lại đạp. Hệt như hồi mới yêu nhau ở Hà Nội. Nhưng giờ đây là nắm tay nhau đi trên đường đời khổ đau, nắm tay nhau vượt qua vực thẳm, đâu phải tay trong tay rạng rỡ bước vào đời.

Từ nay chông gai trước mặt. Mà trách nhiệm sống lại nặng nề hơn. Nặng nề đối với những người vì mình mà chịu đau khổ. Nặng nề đối với những đau khổ của chính mình. Và nặng nề đối với những người đã gây ra đau khổ cho mình nữa.

Qua phà, đạp xe về quê thăm bố mẹ, như đứa trẻ mới lớn nhận thức thế giới, hắn cũng vừa tái sinh, nhìn mọi vật bằng con mắt ấu thơ: Dòng nước xanh dào dạt quanh phà, những con roi (1) thả mình dập dờn trong nước, hàng phi lao ngày nào bị cơn bão vặn cụt ngọn nay đã lại tốt tươi, cánh đồng màu, lúa đang thì con gái, con trâu đang thong thả gặm cỏ, những người đi trên đường, cả con đường đất đỏ nữa… tất cả đều làm hắn mở to con mắt.

Và cho đến kiếp này hắn đã sống qua hai kiếp. Một kiếp trước khi bị bắt. Một kiếp trong tù. Cả ba kiếp cùng căng mọi giác quan, cùng cất tiếng và cùng suy ngẫm. Ngọc cũng vậy. Người nọ là một phần của người kia. Điều xảy ra với người này cũng là xảy ra với người kia. Họ chia sẻ cùng nhau tất cả. Hôm nay Ngọc cũng như lần đầu tiên đi trên con đường quen thuộc này, đồng thời nàng cũng đang đi trên con đường này hai kiếp trước.

Và họ im lặng.

Chỉ đến khi gần tới đầu làng, nhìn thấy con Nguyệt đứng ở dưới gốc cây phi lao và chạy lại phía họ, hắn mới nói:

– Con Nguyệt kìa.

Hắn nhận ra con bé ngay. Dù con bé đã lên mười.

Hắn xuống xe. Ngọc đi bộ cạnh hắn.

– Bố.

– Mẹ.

Hắn ngồi xuống, một tay giữ xe đạp, một tay ôm con. Con bé xấu hổ vì nhiều người qua lại nhìn bố đang ôm nó. Hắn vuốt cái đuôi gà con con sau gáy con gái:

– Con ra đây lâu chưa?

– Con ra lâu rồi. Bác Văn cũng về. Đang chờ bố.

Ba người đi thong dong. Hắn quàng tay lên vai con Nguyệt. Đây là con đường hắn đã trở về trại Q.N lần thứ hai, Tết năm kia. Một mình trên chiếc xà lim lưu động, bốn chung quanh là tường thép.

– Con học lớp mấy rồi?

– Con học lớp Ba. Học bác Minh ấy, bố ạ!

Khi hắn bị bắt, con Nguyệt mới học vỡ lòng. Bố hắn dạy. Cả ba đứa lớn, đứa nào cũng được ông dạy. Con Nguyệt đã viết thư vào cho hắn, khi hắn

 

 

(1) Một loại sứa nhỏ.

ở xà lim 76. Hắn biết là bố đã đọc cho nó viết. Cầm mảnh giấy có hàng chữ mới tập viết của con gái, hắn tê dại. Phải một lúc sau hắn mới bình tĩnh lại được. Phải một lúc sau hắn mới nhớ lại được những nét riêng của đứa con gái út (khi đó con Nguyệt là út). Tám tháng đã hai tay xách hai quả dứa đi lẫm chẫm quanh nhà. Thời gian sơ tán về quê, mới bốn tuổi, nó đã tự động sáng tác ra thư của mẹ gửi cho nó và cầm tờ giấy đọc cho ông bà nghe: “Con ở nhà đừng tuấy (quâý) ông bà. Mẹ hôn con rồi”. Ông bà quý nhất nó vì nó là bé nhất. Ông bà ra làm vườn, con Nguyệt cũng lon ton ngoài vườn nghịch ngợm đất cát. Có lần máy bay Mỹ vụt qua, hốt hoảng vì tiếng động cơ sát ngay mang tai, ông xô cháu xuống rãnh và nằm che lên cháu. Mẹ hắn bảo:

– Hai ông cháu lấm bê lấm bết từ đầu đến chân, tắm cạn giếng nước.

Chủ nhật hắn về nhà. Con Nguyệt cứ chuyền từ tay hắn sang tay Ngọc.

Mẹ lại bảo:

– Mỗi sáng một quả trứng gà đấy. Ăn thế gà đẻ không kịp. Rát đít nó.

Và:

– Cái mắt cứ loang loáng, loang loáng. Sáng như đèn pha ô-tô.

Đúng là con Nguyệt có cặp mắt rất đẹp. To. Sáng. Trong. Thông minh. Cô đơn trong xà lim 76, hắn nhớ lại tất cả. Hắn thấy tê dại khi nghĩ đến đôi mắt con. Giờ đây con nhìn đời ra sao, con gái tôi sáu tuổi? Và không có người để trút nỗi niềm, hắn lại lẩm nhẩm mấy câu thơ:

Ôi con tôi cái nhìn con sáu tuổi

Chào con bên kia trời vời vợi

Dưới mắt con trời đục có trong không?

Trong tù, hắn rất sợ việc hắn bị bắt sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn các con hắn, làm thui chột chúng. Đó là điều không thể nào tránh được, nó là một trong những nỗi đau của hắn. Ngọc bảo:

– Con Nguyệt cũng thi học sinh giỏi đấy, anh ạ.

Hắn muốn bế con Nguyệt lên, nhưng nó đã lớn rồi. Giá ở nhà thì hắn đã bế.

– Bốn con gà mẹ mua cho chúng con, hai con đẻ rồi.

– Nhớ bố không?

– Có.

Nó nép vào bố. Đi một quãng, bỗng nó đứng lại hỏi bố:

– Bố ơi, cho con đạp xe một tý, bố nhá?

– Ừ, con biết đi rồi à?

– Con biết đi rồi.

Con bé sung sướng dắt xe, rồi vắt chân qua gióng chéo. Nó đạp mấy vòng. Thỉnh thoảng nó cố ngồi lên yên. Rồi nó lại tụt xuống, vừa đứng vừa đạp. Đi một quãng, nó quành trở lại chỗ bố mẹ, rồi lại đạp đi. Nó đi khá, tay lái chắc, không đảo, hắn yên tâm.

Hắn đã rẽ qua cầu, đi trên con đường đất đỏ có hai hàng bạch đàn. Qua thửa ruộng vợ chồng hắn để sổng con vịt mua phiếu. Con Nguyệt đạp xe mất hút sau lối ngoẹo ở trạm xá. Nó về nhà báo cho ông bà, các bác biết cái tin quan trọng: Bố nó sắp về tới nơi.

Cả nhà dừng mọi công việc ra cổng đón. Nó quay lại chỗ bố mẹ đang đi ở bờ đầm. Và nó xuống xe, đi cùng bố mẹ.

*

*        *

Trong tù hắn nghĩ tới căn buồng ở Ngã Bảy của hắn như nghĩ tới một tổ ấm đã bị phá tan và hắn nghĩ tới căn nhà lá, mảnh vườn của bố mẹ như nghĩ tới một thiên đường đã mất.

Đúng là hắn có cảm giác trở lại thiên đường, khi cùng với bố mẹ, các anh chị, vợ con bước qua cái cổng tre, đi trên lối hẹp vào sân. Một bên là cây chay đầu ngõ xòe bóng mát. Một bên là cây bưởi đỏ vươn cành ra khỏi hàng rào, quệt lá vào tay hắn. Cây cối nhận ra hắn. Mỗi tấc đất nhận ra hắn. Mảnh sân, cây bưởi trắng cạnh sân, cái giếng nước, cây mắc coọc. Hai cây cau lão lang cạnh giếng. Cây đào đầu nhà (thất trảm thanh đào), con chó vàng già. Tất cả nhận ra hắn. Hắn cũng nhận ra tất cả.

Hắn đã mơ ước, khát vọng được thấy lại, được sống giữa mảnh vườn này, mái nhà này, với bố mẹ, với các anh chị, với con chó vàng già… Hắn đang đi vào thiên đường, đi vào mơ ước, đi vào khát vọng. Bố. Mẹ. Anh chị Chân. Anh chị Văn. Các cháu đều lớn cả. Cả những đứa mới xuất hiện khi hắn đi tù. Những thằng Téng, thằng Đường con anh Văn. (Anh Văn lớn hơn hắn hai tuổi, nhưng lấy vợ muộn. Ngoài ba mươi mới xây dựng gia đình. Anh Văn cưới vợ đầu năm thì cuối năm hắn bị bắt).

Hắn lại được nghe tiếng nói của bố. Được nhìn mẹ. Mái tóc bố bạc trắng. Mái tóc mẹ đỡ hơn. Bố mẹ già đi nhiều. Hắn cảm thấy mình là người có lỗi. Là một thằng con gây quá nhiều đau khổ cho bố mẹ. Trút quá nhiều gánh nặng lên bố mẹ.

Hắn đâm mất tự tin khi nói chuyện với bố mẹ, anh chị. Đây là lần đầu tiên hắn cảm thấy mất tự tin, cái cảm giác sau này sẽ còn trở về với hắn nhiều lần.

Hắn nghĩ chỉ vì hắn nên bao nhiêu người khổ. Tiếng cuốc trên đồi sỏi Thái Nguyên của bố mẹ vang lên trong bao đêm xà lim lại rõ ràng bên tai hắn. Những nhát cuốc tóe lửa “bắt sỏi đá thành sắn” để nuôi hắn đi học, hy vọng ở hắn, tin tưởng ở hắn. Đã có thời hắn là niềm tin của cả nhà, là ngôi sao nổi nhất trong bốn anh em, đem lại cho bố mẹ niềm kiêu hãnh. Vì những bài báo của hắn. Vì những sáng tác của hắn được in nhiều, được phát động đọc trong cả nước.

– Thế sao không cho cháu nào về chơi? – ông Chân hỏi.

Ngọc thưa:

– Dạ. Các cháu còn mắc học. Chúng con lại không có xe đạp.

Ông Chân pha trà. Biết hắn thích uống đặc, ông cho vào ấm thêm một ít trà nữa. Ông và ba con trai ngồi trên sập. Phái phụ nữ xuống bếp sắp bữa. Chỉ còn thiếu anh chị Thân là hoàn toàn đông đủ.

Đó là toàn bộ hương vị gia đình mà hắn vẫn nhớ tới, vẫn khao khát.

Thịt gà. Rượu. Rau thơm nhiều vô kể. Bữa cơm vui, nhưng không ai nhắc đến chuyện hắn ở đâu về. Vì có lũ trẻ. Buổi chiều, anh Văn, chị Thảo về cơ quan ở Hà Bắc. Anh Văn là kỹ sư thủy lợi đang xây dựng một công trình lớn ở Hà Bắc. Nhận điện của anh Thân báo tin hắn được tự do, anh tranh thủ về một ngày gặp hắn. Công trình đang ở giai đoạn không thể vắng mặt anh. Ngọc cũng một mình đạp xe ra phố. Không thể để lũ trẻ ở ngoài ấy mà không có người lớn.

Buổi tối cả nhà, nghĩa là ông bà Chân, anh chị Chân và hắn giải chiếu ở hè ngồi nói chuyện. Bây giờ mới là những chuyện về hắn. Về những ngày hắn đi xa.

Con Nguyệt vừa ra hạ cái cổng tre xuống và cài chốt, trở vào ngồi học bài, thì có tiếng gọi:

– Mợ Cổn ơi!

Mợ Cổn là tiếng gọi chị Chân. Đứa con lớn anh chị tên là Cổn, hiện đang đi làm ở mỏ. Nông thôn có cách gọi như vậy. Lấy tên con lớn để gọi bố mẹ. Ông Chân bà Chân là tiếng gọi bố mẹ hắn. Bác Cổn, mợ Cổn, chú thím Cổn là tiếng gọi anh chị Chân.

– Ai đấy nhỉ?

– Ra sân đội nhé.

– Cô Xoan đấy phải không? Làm gì đới?

– Chia chỉ.

– Cứ chia đi. Tí nữa cô nhận cho tôi, cho hai cụ với nhé.

– Mợ đem cho tôi cái bìa theo dõi.

Hắn giật mình. Sao nhà mình lại bị theo dõi nhỉ. Chắc là vì mình đi tù. Thật khốn khổ, nhục nhã. Chị Chân tìm lục và cầm ra cổng một mảnh giấy bìa gì đó. Hắn hỏi khi chị trở về:

– Theo dõi gì hở chị?

– À. Theo dõi mua công nghệ phẩm.

Hắn nhẹ cả người. Sân đội sản xuất ở sát ngay lũy tre nhà bố mẹ hắn, bên kia con đường đất nhỏ hoắm vào những lốt chân trâu. Suốt buổi ngồi nói chuyện ở hiên, hắn nhìn thấy ánh đèn lập lòe sau lũy tre thưa, tiếng người cười nói, gọi nhau chào hỏi, bàn cãi, gắt gỏng.

– Một trăm mười bảy suất. Bốn mươi cuộn tất cả. Hai nhăm cuộn đen, mười lăm cuộn trắng.

– Thế thì cứ bốn người một cuộn. Bốn bốn mười sáu. Được một trăm mười sáu suất. Thiếu một suất. Tính sau.

– Ai chịu cái suất thiếu ấy. Ông nhé!

– Lại còn chỉ đen, chỉ trắng. Ai lấy chỉ trắng cho.

– Mỗi cuộn này bao nhiêu mét nhỉ?

– Cứ đóng hai cái cọc cách nhau muời mét. Mỗi đường chỉ là mười mét.

– Ở dưới Si thật tiện. Nhà nào cũng có cau. Cứ mắc vào gốc cau. Khỏi phải đóng cọc.

– Chia chỉ đen trước. Chia chỉ trắng sau.

– Giá hai mươi cuộn chỉ đen, hai mươi cuộn chỉ trắng thì còn dễ. Đằng này hai nhăm cuộn chỉ đen, mười lăm cuộn chỉ trắng.

Anh Chân châm một điếu thuốc, bảo hắn:

– Chú tù sao khổ bằng tôi. Cho chân vào cùm. Loại cùm gỗ lim to. Nằm lên bảy cây róc.

Anh giải thích thêm:

– Tức là giát giường nằm. Đặt ngay xuống đất. Chỉ có bảy cây róc thôi. Mỗi thằng một lều. Nằm bên này thấy bên kia đồi, ông Sương kêu rống như bò, góc dưới rừng, cụ Bảo bị đánh kêu oai oái. Đang họp chi bộ, cứ thấy họ mời từng người một ra. Rồi không thấy quay lại nữa. Chỉ còn ba người thì họ vào bảo: Đồng chí Nguyễn Ngọc Chân. Ra gặp cấp trên. Họ dẫn mình vào một cái hang. Vừa bước vào đã thấy hai mũi súng gí vào ngực: “Giơ tay lên”. Lúc bấy giờ tôi còn nghĩ: Để quay phim đây. Thì “bốp, bốp”. Mấy quả đấm nổ đom đóm mắt. Hộc máu mũi ra. Trói nghiến lại ngay. Mình vẫn không hiểu ra sao cả. Cứ thế là đi. Rồi cùm. Hôm sau, ông bí thư thành ủy đến gặp: “Các anh phải khai hết. Đây là thành khẩn với Đảng”. Biết cái gì mà khai. Không khai thì đánh. Đánh dữ. Đấm. Đá. Cùi tay đánh vào ngực. Đá vào mạng mỡ. Kêu váng cả rừng. Thằng nọ nghe tiếng thẳng kia kêu mà lạnh cả người. Nghĩ sắp đến lượt mình.

Ngừng một lát, anh tiếp:

– Cái lúc chuyển tù mới sợ chứ. Mỗi thằng một xiềng. Đi đêm. Xiềng kêu loảng xoảng vang cả rừng. Như cả một đoàn người ngựa đang hành quân thời Trần Quốc Toản. Mười tám tháng sau, Trung Ương về bảo: “Sai hết rồi, các đồng chí ơi!” Tất cả chạy ra vặn cây chuối rừng non ăn đã. Chỉ thương ông An tự tử. Cụ Bảo bị thủ tiêu. Chết mất.

Chị Chân hỏi:

– Nhưng sau này ông có gặp lại những thằng nó đánh ông không?

– Có chứ. Nó bảo: “Anh thông cảm”. “Thông cảm cái gì mà đánh tao thừa sống thiếu chết?” “Em không đánh các anh, mà đánh bọn gián điệp phá hoại cách mạng. Em không đánh vì tư thù. Em đánh vì cách mạng. Đặt địa vị anh, anh có làm thế không?”

Anh cười:

– Nó nói đúng. Nó làm hoàn toàn vì động cơ trong sáng. Vì cách mạng cả thôi.

Anh Chân bị mười tám tháng. Hắn năm mươi nhăm tháng. Bố thì chỉ bị mấy tháng trong cải cách ruộng đất. Lâu rồi, bố nói:

– Nó trói giặt cánh khuỷu. Lúc bấy giờ lại nghĩ: Mình vẫn nói trói giặt cánh khuỷu. Thì ra trói giật cánh khuỷu là thế này đây.

Chín năm tản cư ở Thái Nguyên, vừa về đến làng làm một túp lều trên nền nhà bị Tây đốt từ năm 1947, gặp ngay cải cách ruộng đất đợt 5. Ông Chân bị bắt. Bà Chân lang thang, ngủ ở lều chăn vịt giữa đồng, bới trộm khoai lang ăn. Anh Chân đập đá ở công trường đường sắt. Anh Thân không dám về nhà. Anh Văn đang học ở nước ngoài. Còn hắn ở báo T về Kẻ Sặt viết bài ca ngợi cải cách ruộng đất đợt 5, đợt Điện Biên Phủ chống phong kiến.

Khi còn ở Thái Nguyên, ông Chân đã biết cải cách ruộng đất. Ông không bao giờ nghĩ rằng ông là địa chủ. Hơn nữa nhà ông tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám. Suốt thời gian kháng chiến, ông ở Thái Ngưyên. Các con ông tham gia kháng chiến.

– Ta xem ra thời nào cũng vậy thôi, các anh ạ. Quan bênh quan. Là người dân thời nào cũng khổ.

Chị Chân chép miệng:

– Cách mạng gì mà thế?

Anh Chân nổi cáu:

– Không thể nói thế được. Cách mạng không chủ trương như vậy. Đấy là sai lầm của những cá nhân. Sai lầm trong quá trình thực hiện.

– Sao không kỷ luật, bỏ tù những cá nhân làm sai ấy đi?

– Có kỷ luật. Kiểm điểm rút kinh nghiệm chứ. Bà không biết thì thôi.

– Kỷ luật rồi lại đề bạt. Tôi còn lạ gì.

– Vấn đề cơ bản là xét cái động cơ của người ta. Người ta phạm sai lầm cũng chỉ vì muốn cách mạng thắng lợi. Phạm sai lầm vì cách mạng là chuyện đáng được tha thứ. Tôi đã tha thứ cho bọn hành hạ tôi.

Câu chuyện giữa anh chị Chân thường là như thế. Hai anh chị rất thương quý nhau. Anh bị Pháp bắt khi đang là huyện ủy viên, trưởng ban quân sự huyện. Có tin đồn anh đã bị chúng bắn, cho vào bao ném xuống sông Cầu. Chị Chân giết gà đem xuống đình Đồng Lý cúng, rồi đi xem chân giò. Người xem bảo: “Chân giò tốt lắm. Nguời này không thể chết được”. Chúng giam anh ở căng Máy Chai. Anh theo đường cống nhà xí chui ra, bơi qua sông Bạch Đằng. Lúc ấy nước đang lên to. Anh bơi đến kiệt sức mà vẫn thấy nước mênh mông. Anh gọi tổ tiên và buông người để chết thì chân chạm bãi sa bồi. Về được ít lâu, anh bị ta bắt cùng với gần trăm người nữa. Chị Chân lại lo tiếp tế cho chồng. Lần này khủng khiếp hơn.

Là một người sát với thực tế, chị luôn đưa ra những dẫn chứng và nhận xét khác suy nghĩ của anh. Như vấn đề vào hợp tác xã, chị không vào. Anh quát:

– Không vào để người ta bôi gio trát trấu vào mặt tôi à? Không vào thì ly dị!

– Không vào, làm sao tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cứ định con trâu đi trước cái cày đi sau đến bao giờ?

Chị vào hợp tác xã. Chị đi nhận thóc chia của đội. Họ được nhận trước. Chị và một số ít người nữa cứ chờ. Đến mười một giờ đêm. Hết thóc. Chị quẩy quanh gánh không về nhà. Ba lần liền như vậy. Chủ nhật anh ở nơi công tác về. Chị kể lại chuyện ấy và cằn nhằn với anh. Thế là anh lại gắt um lên: “Hợp tác xã là con đường tất yếu…”

Hắn biết cuộc tranh cãi tối nay giữa hai anh chị là vì hắn. Hắn thấy anh có lý. Chị cũng có lý. Hãy đứng về phía những người gây ra sai lầm mà xem xét. Vấn đề sẽ được sáng tỏ. Trừ một số trường hợp lồng cá nhân vào đó, người mắc sai lầm phần lớn đều có động cơ trong sámg. Vì cách mạng họ làm. Dù có thê thảm: Chết người, oan khuất… Cách mạng là thiêng liêng, là kết quả xương máu của bao thế hệ. Không thể buông lơi cảnh giác. Nếu có hơi quá đi một tý với nhân dân cũng là vì quyền lợi, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhưng chị cũng có lý. Cứ nhìn vào thực tế như chị nhìn, những cái đó gây ra bao tổn thất cho cách mạng, cho nhân dân. Hợp tác xã làm sao vững mạnh được khi cả một sân thóc mồ hôi nước mắt ấy lại trao cho ba người: đội trưởng, đội phó, thư ký đội quản lý. Biết bao nhiêu gánh thóc chạy ngoằn ngoèo, lắt léo về nhà họ. Biết bao nhiêu xã viên phải ngồi chờ phát chẩn đến gần nửa đêm để nhận được một câu trả lời: “Hết thóc” và quẩy quanh gánh về không? Còn như cái vụ nhìn các đồng chí thành gián điệp mà anh Chân bị bắt đấy, đối với những người bị chết như ông An, cụ Bảo thì nói làm sao?
Chị Chân lại thở dài:

– Nhà mình đi theo cách mạng từ thời bóng tối. Ông đi đệ tứ chiến khu Đông Triều. Nhà có hai cụ, bốn ông con giai đều đi theo cách mạng. Ba người bị cách mạng bắt.

Anh Chân cười vô tư nhất đời:

– Ừ nhỉ? Không tính các bà con dâu thì tỷ lệ bị bắt nhà này là năm mươi phần trăm cơ đấy. Nhưng đã bảo đấy là sai lầm. Có làm có sai. Sai thì sửa. Cụ

không được sửa sai à? Tôi không được sửa sai à?

– Còn chú Tuấn?

– Chú Tuấn rồi cũng được sửa.

Hắn cũng tin như anh Chân. Hắn nghĩ: Khách quan mà nói, ông Trần bắt hắn có thể là để lập thành tích, hưởng ứng phong trào. Nhưng cũng có thể do ông Trần nhìn hắn qua lăng kính trung gian. Nếu vậy phải làm cho ông Trần hiểu. Gặp được ông Trần là việc khó. Nhưng phải gặp bằng được. Kỳ này ra phải làm đơn gửi từng vị lãnh đạo thành phố. Tất nhiên là có chủ tịch, bí thư thành ủy. Một cá nhân có thể có những điều này nọ với mình. Nhưng một tập thể thì không. Nhất là một tập thể Thường vụ Thành ủy. Một tập thể những người có thành tích, có quá trình cống hiến, đạo đức cách mạng, luôn tập hợp mọi người bằng tác phong nêu gương. Chế độ ta là chế độ công bằng. Chân lý sẽ được sáng tỏ. Ông Chân bảo:

– Những chuyện các anh chị nói chỉ nói trong nhà thôi. Nói ra ngoài không có lợi, nhất là nhà mình bây giờ. Bố Tuấn lại càng phải giữ gìn mồm miệng. Cần nói, nói có nơi có chốn. Bao giờ cũng thế. Bệnh từ mồm vào. Họa từ miệng ra. Thời nào thì thời, ngu si hưởng thái bình, các anh chị ạ.

Rồi ông tiếp:

– Bây giờ bố Tuấn về là mừng rồi. Lo quá. Chỉ sợ bố con, mẹ con không được gặp nhau nữa. Bố mẹ già như ngọn đèn trước gió, như quả chín trên cành. Cũng may giời còn để cho mạnh khỏe. Còn người, thế là tốt rồi. Người ta đi chiến đấu năm bảy năm, không tin tức gì thì sao.

Chị Chân hỏi:

– Thế sao chú lại không có tên trong danh sách ở 75 Trần Phú?

Hắn ngớ ra:

– Sao cơ hả chị?

– Chú bị bắt được ít lâu, chú Thân xin Sở Công an giấy giới thiệu đến 75 Trần Phú để thăm và tiếp tế cho chú. Họ cho giấy. Tôi với con Thương sang phố, tìm đến trại giam vào gặp tay công an ấy, nó cũng tốt lắm. Nó kéo ghế mời ngồi cẩn thận. Nó tra sổ. Không có tên chú. Tra đi tra lại. Không có Nguyễn Văn Tuấn nhà báo nào giam ở đấy.

– Có lẽ em ở bên 76.

– 76 thì cũng có tên chứ. Đằng này nó tra hết tập này đến tập khác đều không có. Tôi bảo con Thương: “Bác cháu mình về thôi, con ạ”.

Anh Chân cả quyết:

– Chủ trương nó không cho gặp thì nó làm ra như thế. Nó cấp giấy, nhưng nó lại gọi điện xuống trại giam nói: Chúng tôi cấp giấy, nhưng anh không được cho gặp. Nó đang muốn đè bẹp tư tưởng mình mà lại. Tù chính trị, tưởng chơi à!

Phải rồi. Có lẽ là như vậy. Sau đó chính ông Lan bảo hắn: “Con anh ra thăm anh, hình như là con bé thứ hai. Nhưng chúng tôi bảo cháu hãy về, lần sau đến gặp bố”. Ông Lan đã đạt mục đích khi thông báo cho hắn tin ấy: Làm hắn đau đớn. Hắn đã ghi vào một trang trong tập Anna: “Biết con Thương ra tìm bố, nhưng không gặp. Con!”

Hắn nghĩ đến con Thương năm đó lên tám tuổi, ngồi nem nép bên cạnh bác trong trại giam tìm bố, rồi lủi thủi ra về, không được gặp. Ấn tượng ấy sẽ tồn tại suốt đời nó như thằng Hiệp sẽ tồn tại suốt đời ấn tượng được xuống ao bắt cá ngày Tết năm nào.

Bà Chân cũng nhớ đến hồi con mình mới bị bắt:

– Đang hái lá chè thì có tiếng xe ô-tô. Mấy đứa nhà này kêu lên: “Bố. Bố về”. Thằng Hiệp, con Thương, con Nguyệt ra cổng đón mới khổ chứ. Rồi hỏi: “Bố cháu về không, chú?”

Ông Chân nói tiếp:

– Đến tôi cũng còn tưởng là bạn của bố Tuấn. Hai người vào. Tôi bảo: Em nó có về không anh? Mãi sau mới biết họ đã bắt con mình. Họ về khám nhà.

– Có phải một người mặt dài dài?

– Đúng, ta còn nhớ môi mỏng dính.

“Lan mặt ngựa”. Hắn nghĩ.

– Họ nói: “Thưa cụ, anh Tuấn có nhiều biểu hiện chống đối cách mạng. Chúng tôi đã bắt giữ”. Nghe rụng rời cả chân tay. Không còn hiểu ra sao nữa. Sợ quá. Hồi cải cách cũng không sợ bằng. Nó lại bảo: “Gia đình ta là gia đình cách mạng. Để xảy ra việc này thật đáng tiếc. Nhưng cách mạng không thể nương nhẹ với những phần tử chống đối. Anh Tuấn khai có để một số bản thảo, tài liệu ở nhà. Chúng tôi yêu cầu cụ trao cho cơ quan an ninh”.

– Hôm ấy là thứ mấy, hở thầy?

– Buổi chiều hôm anh bị bắt.

– Thứ sáu.

– Đúng. Nghe tiếng ô-tô, ta cứ nghĩ: Sao bố Tuấn về sớm thế. Còn hai hôm nữa mới chủ nhật cơ mà. Họ còn bảo: “Cụ cứ yên tâm. Chúng tôi bắt anh Tuấn không ngoài mục đích giúp đỡ anh Tuấn tiến bộ”. Thôi, bây giờ sự việc đã xảy ra. Bố Tuấn đã về. Lại tính kế làm ăn. Tương lai còn dài. Ta nghĩ khổ nhất là mẹ Ngọc. Khổ!

Anh Chân chép miệng xác nhận:

– Khổ nhất thím ấy đấy.

– Bố mẹ thấy con cái thế mà không làm sao được. Chỉ biết cầu mong tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi, gia đình đoàn tụ, thế thôi.

Hắn im lặng. Vợ hắn khổ. Hắn biết. Và hắn biết sau vợ hắn là bố mẹ. Lo lắng cho hắn. Thương hắn. Xót xa cho hắn, cho vợ con hắn. Bốn đứa con hắn có đứa nào không qua tay ông bà nuôi, được ông bà chăm bẵm, yêu chiều, nâng niu. Đứa thì cai sữa gửi về ông bà. Đứa sơ tán chống Mỹ thời Jhonson. Đưa thời Nixon. Có lúc cả ba đứa và rồi cả bốn đứa. Có đứa nào không được ông dạy những chữ cái đầu tiên, dạy hết vỡ lòng.

Công ơn cha mẹ như núi Thái Sơn, hắn lấy gì đền đáp được. Bình thường đã khó rồi. Giờ đây lại tụt xuống đáy như hắn.

Hắn muốn nói một câu gì với bố mẹ, nhưng lưỡi cứ cứng lại.

Đám chia chỉ ngoài sân đội đã van vãn. Những đốm lửa lập loè tản vào các ngõ. Có tiếng gọi:

– Mợ Cổn ơi!

Chị Chân ra mở cổng. Một phụ nữ ngoài năm mươi gầy sắt lại đi vào:

– Ông. Bà. Cậu Cổn. Ai thế này nhỉ? Cậu Văn đấy à.

– Không phải. Tuấn đấy.

– Cậu Tuấn đấy hở? Về bao giờ đấy?

Hắn chào người đàn bà, nghĩ: Không biết cô Xoan nói “về” là ý nghĩa gì? Về quê bao giờ đấy, hay ra tù bao giờ đấy?

Cô Xoan chìa ra gần chục cuộn chỉ, vừa đen vừa trắng:

– Chia xong, thiếu mấy đường. Lại đóng cọc lại. Chia lần thứ hai, thừa ra ba cuộn. Lại phải chia thêm. Đến khổ. Có tý chỉ mà hết đêm. Mợ Cổn cho tôi đổi cuộn chỉ trắng lấy suất chỉ đen nhé. Nhà mợ, các cậu ấy với các cháu vận quần áo trắng. Nhà tôi toàn quần áo nâu, quần áo đen thôi. Mỗi cuộn mười một mét đây. À, mà đen mười một mét. Còn trắng gần bảy mét.

Anh Chân gạt đi:

– Thôi, biếu cô cả. Thật đấy. Tôi đi cửa hàng nào mà không mua được một hai cuộn.

Cô Xoan bị bất ngờ trước món quà tặng giá trị ấy:

– Ai lại thế. Ai có tiêu chuẩn của người ấy chứ. Đội lại trừ công điểm của mợ rồi.

Anh Chân phải nói mãi, cô Xoan mới tin rằng cô là chủ mấy cuộn chỉ ấy mà không phải bỏ ra công điểrn. Cô cứ ngớ người:

– Thế cậu mợ lấy gì mà khâu? Nhà tôi được thế này thì sộp quá. Khâu được đến cuối năm. Chúng nó mặc quần áo hại lắm. Hôm nay vá, mai đã rách rồi. Mí bảo cứ chạy chỉ vá quần áo cho chúng mày cũng chết mất thôi. À mà nói khâu mới nhớ ra. Ba người hai cái kim. Nhà cụ hai người, hơn một cái. Nhà mợ bốn người hơn hai cái. Hai nhà là bốn cái đây.

Chị Chân nhận bốn cái kim cho hai nhà cùng cái bìa theo dõi (cái bìa theo dõi làm hắn hết hồn). Chị mách cô Xoan cách nhuộm chỉ trắng: Vuốt vào lá giầu không. Rồi đem nhấn bùn. Đen lắm.

*

*        *

Cả nhà đã ngủ. Ngọn đèn trên bàn thờ leo lét. Hắn vén màn nhìn mẹ nằm cạnh con Nguyệt ngủ lăn ngủ lóc. Rồi lại vạch màn nhìn bố đang ngủ trên sập. Hắn nhìn mái tóc bạc cắt ngắn của bố. Sao mà giống đầu Lỷ Xìn Cắm đến thế. Bình thường khi nhìn Lỷ Xìn Cắm, hắn không nghĩ đến bố. Nhưng đến khi đứng ở gốc cây mào gà chỗ cửa trạm xá nhìn vào, khi ông Chắn, công an y tá, vén tấm vải trắng che cửa lên, thấy xác Lỷ Xìn Cắm đắp chăn trên giường đầu quay ra phía ngoài, nhìn đầu Lỷ Xìn Cắm từ phía đỉnh, vuông vức, cắt ngắn, bạc trắng, hắn tưởng như bố đang nằm.

Già Đô sợ chết trong tù. Còn hắn, hắn sợ bố mẹ chết mà hắn vẫn ở trong tù, không được gặp mặt, thì thật khốn nạn quá, bất hiếu quá, nhục nhã quá.

May sao bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh, chờ hắn trở về. Bố mẹ thương hắn, vẫn sống, tránh cho hắn cái tội bất hiếu ấy.

Hắn nghe tiếng thở đều đều của bố mẹ và con gái, mà chưa biết được rằng đã lâu lắm rồi cả nhà mới có một giấc ngủ bình yên như đêm nay. Sau này, khi bố mẹ đã mất, con Nguyệt đã lấy chồng, nhân một chuyện gì đó, nó bỗng kể lại thời gian còn bé ở với ông bà, thời gian bố còn trong tù, đêm đêm lên giường đi ngủ với bà, nó thấy ông đứng trước bàn thờ, thắp hương khấn vái. Nằm nghiêng trong lòng bà, nó quay ra nhìn bàn thờ, chỉ thấy ngọn đèn vặn nhỏ, đầu ba nén hương mới thắp đỏ hồng và bóng ông đứng im bất động. Nó biết ông đang khấn trời phật tổ tiên, ông đang cầu xin cho bố. Hơn một ngàn đêm, đêm nào cũng vậy…

Hắn khẽ khàng tém lại màn cho bố. Đi ra sân. Một mình hắn đứng giữa sân. Dưới ánh sao, cây cối trong vườn hình như cũng ngủ. Bên nhà anh Chân cũng tắt đèn từ lâu rồi.

Trên đầu hắn là bầu trời yên tĩnh. Hắn lắng nghe sương xuống. Và hắn nhìn sao. Đọc những dòng chữ ghi trong sổ tay của vợ, hắn biết Ngọc cũng nhiều đêm nhìn sao và nói thầm với sao: “Sao có biết anh ta đã ngủ chưa? Hẳn sao nhìn thấy anh ta ở một vùng rừng xa lắm… ”

“Không Ngọc ơi. Sao trời không nhìn thấy anh đâu. Anh cũng chẳng thấy sao. Tối đến bọn anh chỉ quanh quẩn trong buồng giam hoặc đi vào nhà mét”.

Hắn bỗng nhớ đến một tối cả trại được xem phim, hắn đã không xem. Ngồi giữa sân ở cái chỗ mọi khi vẫn xếp hàng đi làm, hắn cứ ngửa mặt nhìn trời. Hắn tìm những ngôi sao thân thuộc. Hắn nhìn những chỏm cây rừng chung quanh đu đưa trên nền trời mịn như nhung. Muôn vì sao lấp lánh ánh sáng yếu ớt và huyền bí. Ông Thần Nông đâu? Hai mắt con vịt nữa. Không thấy. Và chòm sao gì như một hình tứ giác. Cái gầu sòng. Ngôi Bắc Đẩu. Sao Hôm đâu? Không nhìn thấy. Khuất rừng chăng? Hay đã lặn mất rồi? Những ngôi sao bè bạn suốt tuổi ấu thơ. Mảnh sân nhà hắn. Hắn và anh Văn đuổi bắt đom đóm. Hắn muốn đứng lên tìm hai ngôi sao ở phía Đông, thấp gần đường chân trời. Dạo hành quân từ Thái Nguyên về tiếp quản Hà Nội, hắn luôn gặp hai ngôi sao ấy. Trong ánh chiều tà, nó sáng và chênh chếch như hai ngọn đèn pha ô-tô vừa nhô lên ở một đoạn đường dốc và cua lượn.

Hắn nhìn sao và thỉnh thoảng lại liếc nhìn ông quản giáo. Hắn nhìn sao vụng trộm. Sợ bị quy là chống đối, không xem phim. Mặc cho anh em thỉnh thoảng lại ồ lên vì một cảnh gì đó, hắn cứ bí mật nhìn trời. Không có nghệ thuật nào hấp dẫn được hắn (cái thứ nghệ thuật mà hắn biết quá rõ), rứt hắn khỏi trời sao mà hắn đã phải xa cách mấy năm. Và có lẽ cũng không ai nhìn sao như hắn nhìn hôm ấy. Nhìn và tự hỏi: Biết bao giờ mới lại được một đêm nữa ngắm sao. Điều kỳ diệu là đang độ mưa dầm, đêm ấy bỗng quang mây. Cả một trời sao mênh mông trên đầu hắn.

Hắn nhìn sao như người nhìn lần cuối. Hắn không dám nghĩ mình sẽ còn được hưởng hạnh phúc lớn lao này một lần nữa. Cũng bởi vì dạo ấy hắn mới từ 75 Trần Phú trở lại trại Q.N lần thứ hai, thực sự ngấm đòn của ba từ cửa miệng: Án cao-su.

Từ trên xà lim lưu động com-măng-ca Rumani đít vuông đã được cải tiến, hắn khoác nội vụ vào nhà bếp. Đang giữa trưa. Ông Lâm chánh giám thị đứng trong bếp, đang đọc bảng ghi tên từng mâm cơm, số người ăn, mức ăn của từng mâm. Ông lẩm bẩm:

– Mâm Tuấn. Tuấn nó về rồi, còn cứ để mâm Tuấn.

Hắn lặng lẽ đứng phía sau ông mà ông không biết.

Hắn lại trở về toán cũ. Toán tăng gia. Lại nằm cạnh già Đô. Lại gặp Giang, Lê Bá Di, Dự, Kỷ Mình. Nhưng hắn được nhận công việc mới. Được là tù tự giác. Được gia nhập nhóm tù quý tộc. Như Thắng nuôi ong, Thuận sứt chăn trâu. Như Cần trại cá. Như Quý nhà bò. Hắn được coi vườn trong, một mảnh đất bằng phẳng giữa ba bề núi cao, ba bề rừng cây vây quanh mà bọn hắn khiêng đá đắp đập ở con suối đầu vườn. Cảm nhận bằng từng tế bào cái sự thật không có ngày về, hắn không thiết gì cuộc sống. Người rũ xuống như tên cướp trẻ bị trói vào cột bắn nằm nào. Đó là sự kinh hoàng trước cái chết. Nỗi niềm càng đau khi vừa trở về trại Q.N thì đã có một bức thư của Ngọc chờ sẵn. Thư viết gần hai tháng trước. Khi hắn còn ở Q.N đợt một, khi hắn chưa về Trần Phú, hắn và Ngọc chưa gặp nhau trong những ngày giáp Tết. Nếu không đi tù tăng hai, hẳn hắn không phải nhận bức thư này. “Anh thương yêu. Hôm qua Nôen, em về quê thăm bố mẹ, các con và đón con Thương ra chơi”.

… Không. Không thể nào đọc nổi lá thư. Nó như dao cứa vào lòng. Bởi vì cứ nghĩ rằng lẽ ra mình đã về với con là mắt lại nhòa đi, tim co thắt và lòng tan nát. Bức thư bình thường như mọi bức thư tù khác mà cho mãi đến về sau hắn cũng không dám đọc lại. Nó đè nặng lên hắn trong những ngày ở lại Q.N. Nhất là những ngày ấy lại đang độ mưa dầm, ướt sũng núi rừng. Mà ở vườn trong càng hoang vắng. Chỉ có một điều kích thích hắn là nghe anh em tù thì thào mảnh vườn này có ma. Một anh chăn bò nằm ngủ trưa trong vườn cứ có người đến ngoáy mũi, choàng mắt dậy chẳng thấy ai. Nhắm mắt thiu thiu lại thấy tiếng cười khinh khích và tiếng chân chạy thình thịch. Đến đời anh chăn bò sau cũng vậy. Hai con bò đã buộc vào gốc cây núc nác, không biết ai cởi ra, đi giữa luống rau, đầu cử nghênh lên như có người dắt, hết luống này sang luống khác, tịnh không ăn một ngọn rau nào. Anh em bảo đó là hồn ma của hai anh tù đầu tiên chết chôn ở đây trước khi có khu Gò Thằng Công (tên anh em đặt cho mảnh đất ven rừng chôn những xác tù). Hy vọng càng âm ỉ khi hắn tìm thấy hai cái mả sau nhà ủ phân đã đổ, giáp với bìa rừng. Hai cái mả chỉ còn là hai mô đất con con mọc um tùm những cây cứt lợn.

Một buổi chiều, anh em trong toán đã về hết, một mình ở lại với rừng, hắn lê tới đầu vườn, vịn vào một gốc cây to xù xì, rêu phong ẩm ướt, ngước mắt nhìn trời, nhìn cây, nhìn hai nấm đất hoang thì thầm van vỉ:

– Ma ơi. Hai anh tù đã chết ở đây ơi. Hãy thương tôi. Giúp tôi. Ra đây trò chuyện cùng tôi. Các anh muốn làm gì tôi cũng được.

Hắn ngồi xuống, khoanh tay gục đầu trên gối nhắm mắt lại rất lâu. Bởi phải nhắm mắt lại thì ma mới tới. Ý nghĩ một bàn tay xương xẩu lạnh buốt đặt trên vai, một người đã chết tự bao giờ đứng bên hắn, chờ hắn ngẩng đầu lên làm hắn ớn lạnh. Nhưng vẫn nhắm mắt chờ. Vẫn cứ nhắm mắt chờ một khi đã quyết dấn thân vào một thế giới chưa hề biết mà nay hay nghĩ đến và mong ước. Lâu. Lâu lắm. Như có một cái gì tê lạnh trên vai, thế mà khi ngẩng đầu lên vẫn là một mình giữa rừng già với bóng tối đang trườn rất nhanh trên thảm lá mục, quẩn quanh những gốc cây. Những giọt nước đọng trên tán rừng đều đều nhỏ giọt. Một tiếng chim còn khổ rất trầm. Chỉ một tiếng còn khổ duy nhất buồn bã, mệt mỏi cất lên. Rồi đến tiếng thở dài của rừng sâu.

Còn hơn cả sự cô đơn. Còn hơn cả sự tuyệt vọng. “Không ngờ đời mình lại trải qua những phút như vậy”. Đứng giữa sân nhà bố mẹ với bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ, trong im lặng sương rơi, hắn nghe rõ tiếng thở dài của rừng lúc ấy. Một tiếng rên trong lòng hắn đáp lại tiếng thở dài của quá khứ.

Mà cái sân này, mảnh vườn này, cây cối trời sao này đẹp biết bao! Bố mẹ, con gái đang ngủ trong nhà êm đềm, xót thương biết bao!

*

*        *

Sáng hôm sau ngủ dậy, hắn đã thấy bố đứng ở sân tập thể dục. Từ lúc lớn lên đến giờ hắn thấy bố tập thể dục rất đều đặn. Mẹ thì ngồi ở cửa bếp băm rau khoai cho lợn. Và con Nguyệt ăn cơm nguội với cá kho xong: “Cháu chào ông bà, con chào bố, con đi học”. Hắn nhìn theo đứa con gái nhảy chân sáo đi trong bóng mát hàng cây, áo hoa bạc, quần đen vải phíp ngắn, tay xách túi đựng sách vở, món tóc đuôi gà với cái cặp ba lá i-nốc trắng đập đập sau gáy. Hắn nghĩ: Con bé lớn quá rồi. Không có bố mẹ, Ngọc xoay xở ra sao?

Sau khi uống trà, hắn cùng ông bà Chân ra vườn.

Làm vườn là một thứ lao động dễ chịu. Mệt thì nghỉ. Khát thì uống. Nắng thì vào nhà. Tất nhiên với một điều kiện: Làm vườn nhà mình, chứ không phải làm vườn của trại.

Vườn ông bà Chân thuộc loại đẹp nhất làng. Quất, cam, bưởi, chanh, cau… giồng thành hàng thành lối, chia thành từng mảnh nhỏ. Phân chia từng mảnh ấy là những rãnh sâu dẫn nước từ ao ngoài, tận phía nhà anh Chân. Những luống thuốc lào lá dày dặn, ngọn nào ngọn ấy đều tăm tắp. Thứ thuốc lào bố vẫn trồng và gửi vào trại cho hắn. Để hắn hút, hắn cho già Đô, Lê Bá Di hút, cho Dự bắt tóp… Để hắn trở thành người có máu mặt trong tù, được anh em vì nể.

Hàng na anh Văn vãi hột ngày hắn chưa đi tù nay đã cao, đang xòe lá, chĩa những nụ hoa cứng xuống phía dưới ngào ngạt hương thơm. Bà Chân bảo:

– Na tơ. Sai lắm. Đến mùa ăn không xuể. Con Nguyệt ngày ăn mấy quả.

Mùi lá quất hắc. Mùi hoa cau nhè nhẹ. Mùi gió thổi qua cánh đồng rộng, thoáng đãng. Tiếng những người đi trên đường làng trò chuyện với cách phát âm rất riêng biệt của quê hương ngay bên ngoài bờ tre. Đúng là thế giới của hắn, vương quốc của hắn. Hắn giẫy cỏ. Ông Chân đi ra cái rãnh to ở giáp bờ tre nhấc đó. Được một đĩa con vừa tôm tép, vừa cá mại thòng đong. Vẫn như xưa. Vẫn như xưa dù nông thôn thay đổi rất nhiều, con người thay đổi rất nhiều.

Thế nhưng chẳng làm sao tìm được cái làng ngày xưa của hắn. Làng hồi hắn đi thả diều. Hắn lấy lá tre làm thuyền. Có khi làm thuyền bằng cái mo cau, trên đó thả những con cào cào châu chấu đã bẻ càng để chúng khỏi nhảy, khỏi bay, giả làm những thủy thủ. Làng hồi hắn ở “Nhi đồng cứu vong hội”, đánh trận giả tới tối mịt mới về nhà, sà vào mâm cơm.

Mảnh đất có hàng rào tre bao bọc bốn chung quanh, phía Nam là nhà anh Chân, phía Bắc là nhà bố mẹ, nơi hắn đã lớn lên cũng không như trước nữa. Không phải vì Tây đã đốt mất căn nhà gạch, cây mít ở sau nhà đã chết. Cái chính là cuộc đời đã đổi khác rồi. Hắn đổi khác rồi.

Ước ao một lần thấy lại ngày xưa, hắn nằm ngửa ở sân, nhìn trăng lên sau ngọn tre, lấp lánh trên đầm, đổ bóng cây dừa và bụi tre xuống lối đi từ cổng vào. Ở đó tối om, đom đóm lập lòe.

Trong mảnh vườn này, hắn đã chui vào vạt áo đoạn (1) của bố tránh rét, đi quanh vườn những sáng mùa đông, nghe bố đọc thơ:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi

Cái chết của hắn là ở đấy. Là cứ nhớ mãi, nhớ đến tuyệt vọng những cái đó. Cứ nhìn thấy mãi những chiếc thuyền bằng lá tre của hắn trên bờ đầm dào dạt nước, nhìn thấy mãi những đêm trăng thuở nhỏ, nghe vọng mãi tiếng cha ngâm thơ ngày trước. Vì thế hắn mới đi viết văn. Hắn mới được giải thưởng. Rồi nghĩ rằng mình có tài, hắn mới về P, lao vào cuộc sống để viết tác phẩm của đời mình. Vì thế hắn mới bị bắt. Không viết văn, không về P làm sao hắn bị đi tù.

Trong tù hắn đã nghiền ngẫm những điều ấy. Thì ra từ lúc còn bé tý, từ lúc nghe mẹ kể Thạch Sanh, Tấm Cám, nghe bố đọc xuân du phương thảo địa và sau này là hoàn quân minh châu song lệ thùy cuộc đời đã chuẩn bị cho việc bắt hắn mấy chục năm sau đó. Âu cũng là cái số hắn phải như thế.

Con Nguyệt chiều chiều bới tóc sâu cho bố. Hạnh phúc thật ngọt ngào. Nó thủ thỉ kể chuyện trường, lớp:

– Tổ con học ở nhà bà Vách bán bún riêu, bố ạ. Đi xa lắm. Mãi tận Bến Nải. Bốn tổ học bốn nơi. Tổ con tổ một là tổ Giỏi. Tổ hai là tổ Khá. Tổ ba kém hơn là tổ Chăm. Tổ bốn kém nhất là tổ Ngoan. Thầy giáo là bác Minh. Đến lớp là cắm cờ lên bàn. Thầy giáo dạy tổ này xong đi sang tổ khác. Chúng con lại chơi. Nói chuyện. Nhảy. Hát. Xem bà Vách làm bún ngon lắm. Thèm lắm, bố ạ. Bà ấy cứ khoanh khoanh thành từng lá. Rồi bà ấy nấu riêu cá mũn, gánh đi bán. Thỉnh thoảng bà lại cho con năm xu được một bát chiết yêu…

Nó khoe nó học nhất lớp, thầy giáo nào cũng tranh nó về lớp mình (chắc là để lấy thành tích), không được thì dỗi. Nó kể chuyện nó đi dỡ sắn cho

thầy hiệu trưởng, cả bọn ăn hết nhẵn nồi cơm to của thầy mà chẳng dỡ được bao nhiêu sắn. Nó đã học lớp Ba. Sách giáo khoa của nó có cả một bài trích

 

 

(1) Áo kép bông dài tới đầu gối.

của hắn. Sao thế nhỉ? Sao người ta vẫn còn in của hắn?

Có lẽ Sở Công an chưa kịp tư giấy đi các nơi chăng? Lại một lần nữa hắn nghĩ hắn đã đánh một đòn nặng vào gia đình. Đi tù quả là một điều xấu xa ghê tởm, đáng để mọi người khinh bỉ.

Gia đình hắn là gia đình cách mạng thời tiền khởi nghĩa, được tặng bằng “Có công với nước”, một gia đình nề nếp gia giáo. Ông Chân lại là người cao tuổi trong họ. Từ việc ma chay, cưới xin đến việc đắp đường, người ta đều hỏi ý kiến ông. Ông làm chủ tịch xã ngay sau Tổng khởi nghĩa và làm chủ tịch Mặt trận huyện cho tới năm 1947. Bốn người con trai đều đi làm cán bộ, đều đi thoát ly từ hồi chống Pháp.

Thế mà lại có một đứa con bị bắt đi tù. Ô-tô công an về tận quê khám nhà. Thật đau khổ nhục nhã cho bố. Câu chuyện hắn đi tù hẳn là ầm ĩ lắm, nên mới xảy ra vụ thằng Hiệp đánh nhau. Dạo ấy cu Hiệp học lớp Bốn (nghĩa là hắn đi tù được hai năm, đã chuyển lên trại Q.N). Trong lúc ra chơi, một thằng bé học sinh người thôn Nội vừa nhảy lò cò vừa đánh vần: Tờ. Tờ u tu. Tất cả bọn trẻ cười rộ và nhìn vào thằng Hiệp. Thằng Hiệp ức lắm, nhưng vẫn yên lặng, giả cách không nghe tiếng. Đến lúc thằng bé thôn Nội quay lại nhặt mảnh ngói vỡ để chơi tiếp, nó vòng qua mặt thằng Hiệp và được kích thích bởi tiếng cười của các bạn, nó chõ vào mặt thằng Hiệp. Lần này thì: Tờ, Tờ u tu huyền tù.

Thằng Hiệp lấy hết sức bình sinh đấm vào mặt thằng bé thôn Nội đã xúc phạm đến bố nó. Thằng kia ngã xuống đất. Hai cái răng cửa bị gãy. Máu đầy mặt. Nó khóc. Nó lăn lộn dưới đất. Cả trường náo động. Cả hai thôn náo động.

– Cái thằng bình thường lành thế mà hóa ra cục.

Ông Chân bảo hắn như vậy. Hắn hình dung được hoàn cảnh bố lúc đó. Nhà thì có người đi tù, mà bố mẹ anh em, chú bác thằng bé kéo đến chật ngõ, chật sân, đòi đưa thằng bé đi bệnh viện, đòi bồi thường. Thầy hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm đến nhà bàn bạc, dàn xếp. Thằng Hiệp mặt tái xanh trốn xuống bếp. Cái khổ là có người muốn lợi dụng hai cái răng gẫy của đứa trẻ ấy. Thôn Nội toàn họ Đào. Thôn Ngoại toàn họ Nguyễn. Bí thư họ Nguyễn thôn Ngoại. Chủ tích họ Đào thôn Nội. Bí thư tóc đã bạc, nhưng về họ hàng dây mơ rễ má còn là cháu hắn, gọi hắn bằng chú, gọi ông Chân bằng ông. Về chuyện vai lứa ở làng phải nghe anh Văn kể. Anh Văn học ở nước ngoài, nên

ít khi về làng. Gặp một thanh niên, anh chào:

– Anh đi chơi đấy hở?

Anh thanh niên tươi cười:

– Anh là con ông Chân? Ta là chú anh đây.

Đến khi gặp một cụ già râu tóc trắng như cước, anh Văn lễ phép:

– Chào cụ ạ.

– Bác Văn phải không? Em đây mà!

Chẳng biết đâu mà lần. Thành ra đi đường gặp ai anh cũng “vở vở” “vở vở” trong họng, nửa như chào hỏi, nửa như vâng đáp lại lời chào. Ông bí thư quyết tâm giúp “em Hiệp”, nhưng ông chủ tịch lại làm cho ra nhẽ. Mâu thuẫn giữa hai thôn, hai dòng họ. Tranh giành quyền lực mà. Chủ tịch xã đưa giấy mời ông Chân ra trụ sở. Dù sao ông chủ tịch họ Đào cũng chứng tỏ mình là người biết điều, kính trọng ông Chân, kính trọng công lao gia đình ông, tuổi tác ông và thái độ ăn ở, chấp hành chính sách của ông. Nhưng vẫn phải mất một số tiền bồi dưỡng, thuốc men cho cháu. Ông Chân phải đưa cho bố thằng bé thôn Nội hai mươi lăm đồng. Thật là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.

– Không biết nó đấm thế nào mà gẫy răng con người ta. Cái thằng gớm thế.

Ông Chân vừa vun gốc chanh vừa nói. Hắn cười. Hắn yêu thằng Hiệp. Con cả anh nào cũng chậm chạp, ít nói, mà anh này gớm thế. Hắn nhìn ra cái ao, Tết năm nào hắn cho thằng Hiệp xuống bắt cá. Rồi hắn chống cuốc đứng nhìn bố đang bỏ phân mục vào gốc chanh. Nhìn mẹ hái chè xanh.

Không phải chống cuốc đứng ở vườn trại Q.N, vườn trại V.Q nhìn a Thềnh, Chống Xường, Kỷ Mình, Vũ Lượng, già Đô nữa.

Comments are closed.