Những mẩu chuyện Kolyma

Varlam Shalamov

Varlam Shalamov (1907-1982)

Bản thân ông đã có thâm niên cải tạo trong ba đợt cả thảy khoảng 16 năm. Ông phát biểu: “Trí thức Nga, nếu chưa kinh qua trường tù ngục, chưa tích lũy kinh nghiệm ngục tù, thì chưa thật sự là trí thức Nga”.

“Những mẩu chuyện Kolyma” là tập hợp những truyện ngắn về trại cải tạo được ông bắt đầu viết từ năm 1954.

Trân trọng giới thiệu với độc giả một số mẩu chuyện, trích trong tập truyện ngắn này.

Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga “Колымские рассказы” Nxb FTM 2010.

Về tác giả

Niên biểu Shalamov

18/6/1907 ra đời tại thành phố Vologda trong một gia đình có cha là mục sư Tikhon Nikolaevich Shalamov, mẹ là Nadezhda Alexandrovna.

1914 – vào học Trường trung học Alexander Blagoslovenyi tại Vologda.

1923 – tốt nghiệp trường cấp 2 dạy nghề No.6 (là trường trung học Alexander Blagoslovenyi sau cách mạng tháng Mười).

1924 – rời Vologda, làm công nhân kĩ thuật tại nhà máy thuộc da, thành phố Kuntsevo, vùng phụ cận Moskva.

1926 – học Luật tại Đại học tổng hợp Moskva Lomonosov (MGU).

1927 – tham gia tuần hành của phe đối lập trong lễ kỉ niệm 10 năm cách mạng tháng Mười với khẩu hiệu “Đả đảo Stalin!” và “Thực hiện di chúc Lenin!”.

1928 – tham gia nhóm văn chương của tạp chí “New LEF” (LEF là chữ viết tắt cánh tả, biên tập chính gồm Brik, Mayakovsky).

19/2/1929 – bị bắt lần thứ nhất trong vụ in ấn và phổ biến toàn văn “Di chúc Lenin” và bị kết án 3 năm với tội danh “phần tử xã hội nguy hiểm”.

13/4/1929 – sau thời gian tạm giam tại nhà tù Butyrskaya, bị đưa đi trại cải tạo Vishersky (Bắc Ural). Trong trại gặp Galina Ignatyevna Gudz, là vợ đầu của ông sau này.

10/1931 – được ra trại cải tạo và được phục hồi quyền công dân.

1932 – quay lại Moskva, làm việc tại tòa soạn tạp chí của công đoàn. Gặp lại Gudz.

1933 – về Vologda thăm cha mẹ.

3/3/1933 – cha mất, về Vologda dự đám tang.

29/6/1934 – cưới Gudz.

26/12/1934 – mẹ mất, về Vologda dự đám tang.

1934-1937 – làm việc tại tòa soạn tạp chí “Vì đội ngũ công nghiệp”.

13/4/1935 – sinh con gái Еlеnа.

1936 – in tiểu thuyết đầu tiên “Ba cái chết của bác sĩ Austino” trên tạp chí “Tháng Mười” số 1.

13/1/1937 – bị bắt vì hoạt động phản cách mạng của nhóm Trotsky, bị kết án 5 năm cải tạo.

14/8/1937 – đi trại cải tạo Nagaevo (Маgаdаn).

5/1943 – bị bắt giam theo tố cáo của “bạn tù” trong trại vì có phát biểu chống nhà nước Xô-viết và khen ngợi nhà văn Nga vĩ đại Ivan Bunin.

22/6/1943 – bị kết án 10 năm cải tạo vì tội tuyên truyền chống nhà nước Xô-viết.

13/10/1951 – mãn hạn cải tạo. Tiếp tục sáng tác thơ và gửi bản thảo qua người bạn là bác sĩ Mamuchashvili đến Boris Pasternak. Bắt đầu trao đổi thư từ với Pasternak.

12/11/1953 – quay lại Moskva, đoàn tụ với gia đình.

13/11/1953 – gặp gỡ Pasternak, người giúp ông liên lạc với những nhóm văn chương.

1954 – bắt đầu viết “Những mẩu chuyện Kolyma”. Li hôn với Gudz.

1956 – kết hôn với O.S. Neklyudova.

1957 – phóng viên ngoài biên chế tạp chí “Moskva”, in những bài thơ đầu từ “Vở ghi chép Kolyma” trên tạp chí “Ngọn cờ” số 5.

1961 – xuất bản tập thơ đầu tiên “Ognivo”.

1962-1964 – biên tập viên ngoài biên chế tạp chí “Thế giới mới”.

1964 – in tập thơ “Tiếng xào xạc lá”.

1964-1965 – hoàn thành những tập truyện ngắn “Tả ngạn” và “Nghệ sĩ cuốc xẻng”.

1966 – li hôn với Neklyudova. Làm quen với I.P. Sirotinskaya, lúc đó là сộng tác viên Cục lưu trữ quốc gia về văn học nghệ thuật.

1966-1967 – viết tập truyện ngắn “Lạc diệp tùng hồi sinh”.

1967 – in tập thơ “Con đường và số phận”.

1968-1971 – viết tự truyện “Vologda thứ tư”.

1970-1971 – viết “Phản tiểu thuyết Vishersky”.

1972 – viết thư ngỏ trên tạp chí “Văn học nhật báo” phản đối việc xuất bản không xin phép những tác phẩm của ông ở phương Tây. Nhiều nhà văn đồng nghiệp coi đó là hành động chối bỏ “Những mẩu chuyện Kolyma” và cắt đứt quan hệ với ông.

1972 – in tập thơ “Những đám mây Moskva”. Được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô.

1977 – in tập thơ “Điểm sôi”.

1978 – Nhà xuất bản Overseas Publications in “Những mẩu chuyện Kolyma” bản tiếng Nga không xin phép tác giả. Sức khỏe của ông giảm sút, bắt đầu mất khả năng nghe và nhìn, triệu chứng của bệnh Ménière.

1979 – nhờ sự giúp đỡ của bạn hữu và Hội Nhà văn, ông được gửi vào viện dưỡng lão và người tàn tật.

1980 – có tin được trao giải Văn bút Pháp (French Pen-club), nhưng không đi nhận giải.

17/1/1982 – chết vì viêm phổi, an táng tại nghĩa trang Kuntsevo, Moskva.

Bảng tưởng niệm tại ngôi nhà của Shalamov

 

Đường tuyết

Làm cách nào để mở một con đường giữa hoang vu tuyết trắng? Một người đi trước, mướt mồ hôi và lầm bầm chửi rủa, khó nhọc lắm mới lê nổi bước chân, cứ mỗi chốc lại bị níu trong lớp tuyết dày và xốp. Người ấy đi thật xa, đánh dấu con đường bằng những vết lõm dấu chân đen đen không đều nhau. Người ấy mệt nhoài, nằm lăn ra tuyết, rít hơi thuốc, khói thuốc bay là là như đám mây xanh trên vùng tuyết trắng lấp lánh. Người ấy cất bước đi tiếp rồi mà đám mây vẫn còn lơ lửng nơi vừa nghỉ giải lao, – không khí dường như cũng đông lại. Những con đường luôn được mở vào những hôm lặng gió để công sức con người không bị quét sạch. Người ấy phải tự định hướng giữa mênh mông tuyết trắng: bằng mỏm vách đá, bằng ngọn cây cao, – người ấy lê tấm thân trên tuyết như bánh lái hướng con thuyền trên sông nước, từ mũi đất này đến mũi đất kia.

Năm sáu người vai kề vai dàn hàng ngang đi theo vết chân nhỏ hẹp ngoằn ngoèo mở lối trên tuyết. Họ phải bước cạnh dấu chân, không được dẫm vào vết cũ. Đến một nơi định trước, họ quay đầu và đi ngược trở lại để xéo nát một dải tuyết trắng hoang vu, cái nơi định trước ấy còn chưa hề in dấu chân người. Con đường được mở. Người, xe trượt tuyết, máy kéo có thể đi trên đó. Nếu theo cách dẫm vào dấu chân người đi đầu thì sẽ tạo thành một lối mòn hẹp khó đi chứ chẳng thành đường, – len từ những rãnh hẹp để mở đường còn khó khăn hơn bước vào chỗ tuyết mới. Người đi đầu là vất vả nhất, và khi người ấy kiệt sức thì một trong năm người còn lại sẽ thay phiên. Mỗi một người đi sau, cho dù nhỏ con nhất, yếu nhất, cũng phải tự cày xới một mẩu tuyết hoang, không được dẫm vào dấu chân người khác. Còn đi trên máy kéo hay trên ngựa lúc này không phải những tác giả nữa rồi, mà là người đọc.

1956

Chơi hàng cống

Đám tù chơi bài trong lán đội chăn ngựa của Naumov. Những giám thị trực ban chẳng khi nào để mắt tới lán của đội chăn ngựa, bởi nhiệm vụ chủ yếu của họ là “chăm sóc” những phạm nhân bị xử theo điều 58[1]. Theo lẽ thì chẳng ai tin tưởng bọn phản cách mạng mà giao ngựa cho chúng chăn. Nhưng thực sự, các sếp trại giam – những con người thực tế – thầm càu nhàu trong bụng, vì họ mất những tay chăn ngựa tốt nhất, tận tụy nhất, song quy định là như vậy và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tóm lại, đám tù chăn ngựa không phải là bọn nguy hiểm, và hằng đêm chúng tụ tập ở đó để chơi bài, đấu tay đôi.

Ở góc phải lán, trên chiếc giường tầng dưới trải mấy tấm chăn bông đủ màu. Một ngọn “Kolymka” treo trên cột sát góc bằng một sợi dây – đó là loại đèn tự chế thắp bằng hơi xăng. Một vỏ lon đồ hộp, trên nắp gắn 3 đến 4 ống đồng – toàn bộ dụng cụ chỉ có thế. Để thắp đèn, người ta đặt một hòn than hồng lên nắp hộp, xăng trong hộp được nung nóng, hơi xăng bốc lên theo ống đồng và được mồi bằng một que diêm.

Giữa những tấm chăn là một cái gối độn lông cáu bẩn, hai tay chơi ngồi khoanh chân hai bên – kiểu ngồi cổ điển của cuộc đấu đỏ đen trong tù. Một cỗ bài mới đặt trên gối. Đó không phải những quân bài bình thường, mà là cỗ bài tự chế, do những tay nghề bậc thầy trong tù làm ra nhanh thần tốc. Để chế tạo cần có giấy (một quyển sách bất kì), mẩu bánh mì (nhai nát rồi dùng vải lọc để lấy tinh bột làm hồ dán), mẩu bút chì hóa học (thay cho mực in) và dao (để cắt lá bài và cắt rập in hình trên bài).

Cỗ bài hôm nay vừa được chế tác từ tập sách của Victor Hugo – quyển sách ai đó hôm qua để quên ở văn phòng. Giấy láng và dày nên không cần phải dán nhiều lớp như giấy mỏng. Ở trong trại bút chì hóa học bao giờ cũng bị tịch thu khi khám xét tù nhân. Giám thị cũng thu chúng nếu tìm thấy khi khám xét đồ tiếp tế. Người ta làm thế không phải chỉ để ngăn chặn trường hợp in tài liệu và chế tạo con dấu (trong tù có nhiều nghệ nhân về khoản này), mà còn để loại trừ mọi khả năng có thể cạnh tranh với sự độc quyền sản xuất bài lá của nhà nước. Từ bút chì hóa học có thể làm ra mực, đặt những cái rập cắt bằng giấy rồi bôi mực lên để in các họa tiết cho những lá bài – quân đầm, quân bồi, quân mười các loại… Chất của bài không phân biệt theo màu – những tay chơi không đòi hỏi điều này. Quân bồi bích chẳng hạn, tương ứng với biểu tượng chất “bích” ngược chiều nhau ở hai góc lá bài. Về hình dạng và bố trí họa tiết quân bồi thì hàng trăm năm nay vẫn i như nhau, cùng một mẫu – những họa sĩ dùng tay vẽ hình một chàng thảo khấu trẻ tuổi theo phong cách “hiệp sĩ”.

Cỗ bài mới toanh nằm trên gối, một tay chơi vỗ lên nó bằng bàn tay bẩn thỉu với những ngón tay nhỏ nhắn, trắng trẻo, không quen lao động. Móng tay ngón út để dài một cách lạ thường – cũng là kiểu cách khoe mẽ của một tay anh chị, tương tự như “răng vàng”, nghĩa là miếng bọc răng bằng đồng thau, để bọc những cái răng hoàn toàn lành lặn. Trong tù có những nghệ nhân, những chuyên gia chế tác răng giả tự xưng, đã kiếm chác được khối thứ nhờ sản xuất những miếng bọc răng và luôn tìm được nguồn tiêu thụ. Việc tô màu móng tay cũng rất phổ biến trong giới tội phạm, nếu như có thể kiếm được màu sơn trong điều kiện ở tù. Móng tay vàng chóe được chăm chút tỉ mỉ ánh lên như viên đá quý. Chủ nhân của móng tay ấy dùng tay trái vuốt mái tóc màu sáng bết lại vì bẩn. Nó được húi gọn theo kiểu boxer rất điệu nghệ. Cái trán thấp không một nếp nhăn, hai túm lông mày màu vàng, cái miệng nhỏ trông như chiếc nơ – tất cả những thứ đó tạo cho khuôn mặt cái vẻ ngoài đặc trưng của một tên trộm: không dễ nhận diện. Khuôn mặt ấy khó lòng mà nhớ nổi. Nhìn thấy hắn và quên ngay, không còn ghi nhớ được nét gì, không nhận ra khi gặp lại. Đó là Sevochka, một tay trùm nổi tiếng của môn ters, stos và bura[2] – ba kiểu chơi bài cổ điển, kẻ nắm vững và diễn giải một cách hào hứng hàng ngàn luật chơi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt trong trò đấu trí này. Theo người ta đồn thì Sevochka là một “tay chơi siêu hạng” – nghĩa là có kiến thức và sự tinh nghệ của một tay kì bẽo. Tất nhiên hắn là một tay bạc bịp; mà trò chơi danh giá của giới trộm cắp chính là trò lừa đảo: theo dõi và lật tẩy đối thủ, đó là quyền của một tay chơi, song chủ yếu là phải biết cách lừa đảo, biết cách gian lận để thắng, sao cho đối thủ không tài nào phát hiện được.

Họ luôn chơi tay đôi – một chọi một. Không một cao thủ kì bẽo nào lại hạ mình với lối chơi đồng đội tính điểm. Không e ngại đối đầu với những “tay tổ”, tương tự như một cao thủ đánh cờ luôn tìm đối thủ mạnh nhất để so tài.

Đối thủ của Sevochka hôm nay chính là Naumov, đội trưởng đội chăn ngựa. Hắn lớn tuổi hơn Sevochka (tuy nhiên, Sevochka bao nhiêu tuổi – hai mươi? ba mươi? bốn mươi?), đó là một gã nhỏ con, tóc đen, với đôi mắt đen sâu hoắm toát vẻ đau khổ, khiến lúc đầu chưa biết hắn là một tay đạo chích tuyến đường sắt từ Kuban, tôi cứ nghĩ hắn là một tu sĩ hành hương hay thành viên của giáo phái “Có Chúa mới biết”, giáo phái mà chúng tôi từng gặp trong trại cả chục năm nay. Ấn tượng càng đậm nét khi thấy sợi dây bện xỏ chiếc thánh giá đeo trên cổ Naumov – cổ áo hắn không cài nút. Cây thánh giá này không phải trò đùa báng bổ bất kính, hoặc để làm dáng hay ngẫu hứng đeo chơi. Vào thời đó, những tay anh chị thường đeo trên cổ cây thánh giá bằng nhôm – nó như một dạng huân chương, dấu hiệu nhận biết, tương tự như hình xăm.

Vào những năm 20, đám giang hồ thường đội mũ lưỡi trai học viên trường nghề, trước đó một chút là mũ sĩ quan. Những năm 40, vào mùa đông chúng đội mũ da không chóp, bẻ gập cổ giầy ống, và đeo thánh giá trên cổ. Thánh giá thường để trơn, nhưng nếu quanh đó có tay họa sĩ nào, thì chúng bảo họ dùng vật nhọn khắc những họa tiết theo đề tài yêu thích: trái tim, quân bài, đóng đinh câu rút, phụ nữ khỏa thân… Thánh giá của Naumov để trơn. Nó lủng lẳng trên khuôn ngực trần đen đúa của Naumov, che khuất một phần hình xăm dòng chữ màu xanh mấy câu thơ của Yesenin, nhà thơ duy nhất được thế giới tội phạm thừa nhận và tôn sùng:

Đường đời ôi ngắn ngủi,

Mà lầm lỗi chất chồng.

– Chơi gì đây? – Sevochka rít qua kẽ răng với vẻ khinh khỉnh cố hữu: đó cũng được coi là kiểu cách sành điệu để mở đầu cuộc chơi.

– Chơi bằng giẻ[3]. Đây này… – Naumov vỗ vỗ vào vai áo mình.

– Năm trăm, – Sevochka định giá bộ quần áo.

Đáp lại là một tràng chửi thề oang oang, có ý bảo đối thủ món ấy đáng giá hơn nhiều. Đám tù khán giả xung quanh kiên nhẫn chờ đến hồi chung cuộc của khúc dạo đầu truyền thống này. Sevochka cũng tỏ ra không kém cạnh, y chửi thề còn độc địa hơn để hạ giá món đồ. Cuối cùng bộ quần áo được định giá một ngàn. Về phía mình, Sevochka cũng đặt mấy cái áo chui đầu đã sờn. Sau khi mấy cái áo pull ấy được định giá và vứt lên tấm chăn, Sevochka xáo bài.

Tôi và Garkunov, trước kia là kĩ sư ngành dệt, cưa củi thuê cho lán của Naumov. Đây là công việc ban đêm, sau khi hoàn thành việc được giao ban ngày, phải cưa và chẻ củi cho ngày hôm sau. Chúng tôi đến lán của đội chăn ngựa ngay sau khi ăn tối xong – ở đây ấm hơn bên lán chúng tôi. Sau khi xong việc, tay trực nhật bên lán Naumov đổ vào gàu-mên của bọn tôi ít súp hổ lốn nguội lạnh – những thứ còn sót lại của món ăn thường xuyên duy nhất mà trong thực đơn của bếp ăn gọi là “súp bột nhào kiểu Ukraina”, và mỗi đứa một mẩu bánh mì. Bọn tôi kiếm một chỗ trên sàn ở một xó rồi ngồi xuống nhanh chóng thưởng thức thành quả lao động. Chúng tôi ngồi ăn trong bóng tối – ngọn “Kolymka” chỉ chiếu sáng chỗ sới bạc, tuy nhiên, theo đúc kết chính xác của những tay sói già trong trại thì ngoài giờ ăn, tốt nhất là đừng đưa thìa lên miệng trước mặt đứa khác. Bây giờ chúng tôi xem cuộc đấu giữa Sevochka và Naumov.

Naumov thua bộ quần áo. Chiếc quần dài và áo khoác nằm cạnh chỗ Sevochka. Đặt cược cái gối. Móng tay Sevochka huơ lên không trung một hình vẽ bí hiểm gì đó. Những lá bài biến mất trong tay hắn, rồi lại hiện ra. Naumov còn mặc độc chiếc áo lót, chiếc gi-lê cổ lệch may bằng vải sa-tanh cũng ra đi theo chiếc quần dài. Đám đàn em khoác lên vai hắn cái áo bông, nhưng hắn rũ mạnh vai và cái áo rơi xuống sàn. Tất cả bỗng lặng ngắt như tờ. Sevochka chậm rãi dùng móng tay gại gại lên cái gối.

– Tao đặt cái chăn, – giọng Naumov khàn khàn.

– Hai trăm, – Sevochka đáp, giọng thản nhiên.

– Một ngàn, đồ chó! – Naumov quát lớn.

– Gì chứ? Cho ba cái thứ giẻ rách vớ vẩn này hả! – Sevochka riết róng. – Ba trăm, nể mặt mày lắm đấy.

Cuộc chơi tiếp tục. Theo luật thì cuộc chiến chưa thể kết thúc một khi đối thủ vẫn còn món gì đó để đặt.

– Tao đặt đôi giày.

– Miễn, – Sevochka trả lời dứt khoát. – Không chơi “giẻ” trại phát.

Mấy món định giá vài rúp cũng đội nón ra đi: cái khăn kiểu Ukraina in hình con gà, hộp đựng thuốc lá khắc kí họa chân dung Gogol – tất cả đều vào túi Sevochka. Trên làn da mặt đen sạm của Naumov đã xuất hiện vệt đỏ ửng.

– Chơi “hàng cống”, – hắn nói.

– Có cần phải thế không, – Sevochka đáp nhanh và đưa tay ra sau: ngay lập tức, một điếu thuốc châm sẵn được đặt vào. Sevochka rít một hơi dài và ho lục khục. – “Hàng cống” của mày là gì? Đám mòng mới chưa vào – mày đào đâu ra? Trấn của bọn canh tù chắc?

Cuối cùng bọn chúng cũng đồng ý chơi “hàng cống”, cho nợ, theo luật thì không nhất thiết phải cho thiếu nợ, nhưng Sevochka không muốn làm mất lòng Naumov, tức là tước đi cơ hội cuối cùng để hắn gỡ bạc.

– Chơi một trăm, – hắn uể oải nói. Cho nợ trong một giờ.

– Đưa bài đây. – Naumov sửa lại thánh giá rồi ngồi vào. Hắn gỡ được chăn, gối, quần dài, và rồi sau đó lại thua sạch sẽ.

– Làm ít cao[4] chăng, – Sevochka vừa nói vừa bỏ chiến lợi phẩm vào cái hòm gỗ lớn. – Trong lúc tao đợi.

– Nấu đi tụi bay, – Naumov bảo.

Đang nói về một món thức uống lạ thường ở phương Bắc – trà rất đặc, khoảng hơn 50 gram trà một chút nấu trong cái ca nhỏ. Đắng khủng khiếp, người ta uống từng ngụm và nhấm nháp cá mặn. Nó đánh tan cơn buồn ngủ tức khắc và vì thế rất được giới giang hồ hay cánh lái xe đường dài phương Bắc ưa chuộng. Món cao trà này rất hại cho tim mạch, nhưng tôi biết nhiều tay nghiện trà loại này hầu như chẳng bệnh tật gì. Sevochka húp sột soạt từng ngụm trong cái ca bọn kia vừa đưa cho hắn.

Ánh mắt nặng nề tối sầm của Naumov lướt một vòng đám người xung quanh. Tóc hắn rũ xuống. Ánh mắt lướt đến tôi rồi dừng lại.

Một ý nghĩ gì đó lóe lên trong đầu Naumov.

– Thằng kia, ra đây.

Tôi bước ra chỗ sáng.

– Cởi áo ra.

Rõ chuyện gì rồi, mọi người chăm chú theo dõi Naumov định làm gì.

Dưới lớp áo bông tôi còn độc cái áo lót trại phát – chiếc áo va-rơi được phát hai năm trước đã mủn nát rồi. Tôi mặc áo lại.

– Mày ra đây, – Naumov vừa trỏ vào mặt Garkunov vừa bảo.

Garkunov cởi áo bông. Mặt cắt không còn hột máu. Dưới lần áo lót bẩn thỉu là chiếc áo len cổ chui – món đồ cuối cùng vợ hắn đưa trước lúc đi xa, và tôi biết Garkunov đã nâng niu nó như thế nào, giặt nó trong phòng tắm, mặc lên người cho đến khi khô, chưa một phút rời tay, – vậy mà sắp sửa bị các bạn tù trấn lột bây giờ.

– Cởi ra, thằng kia, – Naumov bảo.

Sevochka khoái trá vung vẩy ngón tay – hàng thơm đây! Nếu đem giặt rồi hấp lại cái áo len này, có khi hắn mặc luôn cũng nên – họa tiết đẹp thế.

– Không cởi, – giọng Garkunov khàn khàn. – Kể cả lột da tao…

Bọn kia nhào vào, nện hắn khuỵu xuống.

– Nó cẩu xực tụi bay ơi, – ai đó la lên.

Garkunov chầm chậm nhỏm dậy khỏi sàn, dùng ống tay áo chùi máu trên mặt. Và lúc này Sashka, trực ban của lán Naumov, chính thằng Sashka lúc nãy vừa đổ súp cho bọn tôi để trả công cưa củi, hơi cúi xuống và rút cái gì đó ra từ trong ủng ra. Hắn vung tay về phía Garkunov, Garkunov hộc lên một tiếng rồi đổ vật xuống.

– Tụi bay không phải thế, không được sao! – Sevochka la lên. Trong ánh lập lòe của chiếc đèn hơi xăng, trông rõ khuôn mặt xám ngoét của Garkunov.

Sashka kéo thẳng tay người chết ra, xé áo lót rồi lột chiếc áo len qua đầu. Chiếc áo len màu đỏ, khó nhận thấy vết máu trên đó. Sevochka thận trọng để máu khỏi dây vào tay, bỏ chiếc áo vào hòm gỗ. Cuộc chơi kết thúc, tôi có thể về lán. Giờ lại phải tìm đồng bọn khác để cưa củi.

1956



[1] Điều khoản 58 của Bộ Luật Hình sự là tội chống phá nhà nước Xô-viết.

[2] ters, stos, bura, rams… – tên các kiểu chơi bài, rất phổ biến trong giới giang hồ và trong trại giam.

[3] tiếng lóng chỉ những vật dụng cá nhân như quần áo, mền gối, đồ vải, giày…

[4] Chifir – món trà phổ biến trong nhà tù ở Nga, trà thường được đong bằng bao diêm, đổ vào ca nước sôi, không khuấy, sau đó đun nhỏ lửa từ 10-15 phút cho đến khi trà chìm hết xuống đáy ca.

Comments are closed.