Chuyện kể năm 2000 (kỳ 17) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Cái hợp tác xã làm miến chính thức sản xuất không quá một tuần lễ. Tráng, phơi, gỡ bánh đa (thao tác này khó, bánh giòn quá thì bị vỡ). Xếp xuống đất cho nó ẩm lại để chờ đem đi thái.

Hắn ở lì dưới đó, không về nhà. Buổi trưa ăn nhì nhằng cái bánh chưng, buổi chiều thì Ky về nhà, còn hắn và Giang được con Thương hoặc thằng Hiệp mang cơm đến (lúc bấy giờ mới có xe đạp). Cứ như những ngày chủ

nhật trong tù, một người được quả tắc và hai anh em ăn chung.

Bây giờ đến một việc bọn hắn không thể làm được: Thái miến. Phải dúng số bánh đa đã phơi khô ấy xuống nước, cho nó mềm trở lại. Rồi cho vào máy thái. Đó là hai quả lô bằng đồng có những đường lõm xuống làm thành răng cắt. Có một cái vô-lăng to. Quay tay. Chưa kể những vô-lăng, những bệ, những vòng bi… Chỉ hai quả lô bằng đồng đỏ cũng đủ làm bọn hắn không dám nghĩ tới. Đắt lắm. Gần một nghìn đồng mới được một cái máy cắt.

Lại Len. Len đã gỡ cho bọn hắn khỏi những khó khăn ấy. Len đến bảo bọn hắn: “Các anh cho bánh vào bao, đèo đi với em”. Lúc bấy giờ đã là chiều, hết nắng. Cần một người ở nhà ủ lò, dẹp phên, trông nhà.

Giang bảo:

– Anh Ky ở nhà nhé. Hôm nay có khi ông phải ngủ ở đây đấy. Ưu tiên ông nhiều quá rồi, chưa ngủ lại hôm nào.

Mặt Giang khó đăm đăm. Chẳng biết Giang nói thật hay đùa. Ba bao bánh đa đặt lên cái xe đạp của Ky cao chất ngất. Lồng cồng nên nhẹ. Ba anh em, người dắt xe, người đỡ bao. Họ đi im lặng, không ai nói một câu.

Quanh co, đường hẹp giữa những ruộng muống, những ao tù. Ra phố. Rẽ vào một ngõ khác. Hai bên đường rải những rác, những xỉ than… Hắn ngoan ngoãn theo Len như theo một người chị lớn tuổi, người đưa bàn tay dắt hắn đi những bước đầu tiên, chập chững. Đã trông thấy những phên phơi bánh đa, phơi miến, tín hiệu sắp đến nơi định đến. Cả ba bước vào nhà một người làm miến, bố cô bạn của Len. Lò. Bột. Chậu. Và cái máy cắt. Bây giờ hắn mới nhìn thấy cái máy, nhìn thấy hai quả lô với những răng vuông sắc bằng đồng đỏ sáng loáng. Nhìn thấy cái vô-lăng bằng sắt, to bóng vì tay người. Nhìn thấy cái khát khao của bọn hắn.

Trong mảnh sân hẹp, dựng những phên phơi. Thoang thoảng mùi chua của nước bột chua, của những miếng bánh vụn ngâm từ những vại gần đấy. Và ở một cái chái góc sân, tiếng những con lợn trầm hộc lên. Thật là cơ chỉ, nền nếp. Đâu vào đấy. Khép kín. “Phải nuôi được lợn, tận dụng bột bẹt rơi vãi, nước chua…”

Cơ ngơi người làm miến không quen biết mà Len đưa đến là lý tưởng của hắn, mơ ước của hắn. Hắn kính cẩn nhìn ông bố niềm nở đón tiếp hắn. Gặp ông, hắn sống lại cảm giác hồi hắn hai mươi tuổi lần đầu tiên gặp nhà văn Nguyên Hồng. Và cái cơ ngơi của ông làm hắn khao khát giống như hắn đã

từng khao khát viết được những trang Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu

Hắn nhìn cô con gái ông, bạn của Len như nhìn một siêu sao. Cô con gái ít tuổi hơn Len, chỉ vừa thoát khỏi tuổi thiếu nữ thôi. Với vẻ chân thật, giản dị của một người lao động từ tấm bé, cô bắt tay ngay vào việc. Lấy nia đặt bên dưới máy cắt. Chọn những lá ẩm nhất thái ngay. Và Len nhúng những lá bánh khác vào chậu nước gần đó. Cô gái xoay vô-lăng. Giang đưa lá bánh vào giữa hai quả lô, nó cuốn vào cả lá bánh làm dăn dúm và ùn lại ở khe răng, nhưng nó nhả ra những sợi miến ở phía sau. Những sợi miến sóng nhau, đều tăm tắp, với những vết cắt vuông, một màu ngà ngà. Không kìm giữ được niềm vui, hắn vớ lấy một túm miến giơ lên. Hoá ra không chỉ những sợi dài. Có cả những sợi ngắn và miến vụn nữa.

Nhưng túm miến hắn giơ lên là một túm miến sóng, đều, mềm oặt chẳng thua kém bất kỳ một loại miến nào. Màu nó hơi ngả vàng, chứ không trắng nõn, như vậy càng được khách hàng ưa chuộng. Nó chứng tỏ miến không pha bột gạo hay bột sắn, dù nấu xong để lâu mới ăn miến vẫn giòn.

…Hắn nhoài người quay vô-lăng. Quả là một công việc nặng nhọc. Lá bánh càng to, máy ăn càng nặng. Có những lá bánh quá cỡ phải lấy dao xén làm hai, làm ba. Mồ hôi dính áo hắn. Len bảo:

– Để em.

Len quay. Giang quay. Ông bố mời hắn lên uống nước, nhưng hắn xin phép. Hắn không thể nào ngồi uống nước, khi chính Len quay máy thái cho hắn. Chỉ riêng một chuyện này hắn đã thấy Len là người tuyệt diệu. Chỉ qua Len bọn hắn đã được ông bố cho sử dụng máy, lại còn cử cô con gái giúp đỡ bọn hắn.

Tối mịt bọn hắn mới cho miến vào bao xe về. Hôm sau lại như vậy. Vẫn có Len đi cùng. Hắn cảm thấy không thể làm phiền gia đình người làm miến lâu hơn nữa.

Khi chỉ còn hai anh em trong căn nhà chơ vơ giữa một mảnh vườn hoang hắn bảo Giang:

– Làm thế nào có máy thái, Giang nhỉ?

Giang như đã có một quyết định. Giang đứng lên đi đến cái chiếu để miến mới thái ở giữa nhà, lấy hai tay quơ cho hắn một túm miến sóng nhất, phải đến hai ki-lô. Giang bảo:

– Anh cầm về đưa cho chị. Để đấy. Kệ em. Bán hết chỗ này đã. Rồi tính

sau. Em lo việc bán cho. Mai 14 rồi. Bán mười tư. Rằm là hết.

Hắn cho chỗ miến vào một cái bao, xách đi. Đi bộ dọc vỉa hè. Qua anh Thân hắn sẻ cho anh một nắm. Khi về đến nhà, hắn đổ miến ra rổ, khoe với Ngọc, với các con, như khoe quyển tiểu thuyết vừa mới xuất bản. Còn hơn thế. Quyển tiểu thuyết hắn có thể làm được. Hắn đã làm. Đó là nghề của hắn. Đây là toàn bộ cố gắng, quyết tâm của hắn làm lại cuộc đời từ cái vạch ngang xuất phát là nơi hắn đã bị tiêu diệt. Không chịu thua. Phải sống. Người ta muốn hắn chết. Nhưng hắn vẫn sống. Dù đối với hắn, khi không viết văn nữa thì cuộc sống chỉ còn là tồn tại sinh vật. Biết làm sao. Cái bản năng sống của con người rất mạnh. Phải sống qua được cơ đận này. Rồi sẽ kêu oan. Sẽ đi các nơi. Pháp luật xã hội chủ nghĩa quang minh chính đại. Chế độ xã hội chủ nghĩa là công bằng nhất thế giới. Có thể có những đám mây đen che phủ mặt trời, nhưng rồi mây sẽ tan, mây sẽ bay đi. Không ai có thể làm cho hắn mất được niềm tin vào chân lý giản đơn: Có công thì thưởng, có tội thì phạt.

Phải tìm cách gặp được ông Trần!

*

*        *

Hơn một năm sau hắn mới gặp được ông Trần. Giờ đây nhớ lại hai năm mới ra tù cơ cực ấy mà sởn gai ốc, mà kinh ngạc không hiểu làm sao vẫn sống được. Hắn nghĩ: May mà dạo ấy mình mới 40 tuổi. Còn sức khoẻ. Còn chưa ngại công việc. Ngọc cũng vậy. Ngọc cũng còn sức bật. Năm ấy Ngọc mới 35 tuổi.

Những năm tháng sống trên trái đất này là quà tặng quý nhất mà tạo hoá dành cho mỗi sinh vật có cái may mắn được gọi là người. “Người ta chỉ sống có một lần. Cho nên đời sống quý giá vô cùng”. Vậy mà người ta lại thích thú đi tiêu diệt đời sống kẻ khác. Hắn đã bị cướp mất cuộc đời. Ít nhất đến lúc đó, hắn cũng đã bị cướp mất những năm tháng đẹp nhất. Hắn mụ mị đi vì kiếm sống. Sản xuất được tạ bột đầu tiên, cái hợp tác xã làm miến tan. Do Giang. Giang nói với hắn:

– Em không làm nữa đâu.

Hắn choáng váng. Thật bất ngờ. Nhưng thực lòng hắn thấy như trút được gánh nặng. Suốt ngày đêm ở giữa mảnh vườn này. Cơm cháo chểnh mảng, ngủ vạ ngủ vật, xa vợ, xa con, như một thứ tù giam lỏng. Vốn không có. Không thể mua chịu bột mãi. Không thể thái miến nhờ mãi. Ai bán miến cho? May mà Len (lại Len) bán giúp. Len bán hàng có duyên lấm. Len bán được một buổi thì bố mẹ ra chợ lôi về. Mắng, chửi. ầm ĩ. Cô bạn Len bán hộ. Chỗ miến vụn cô bán cho những nhà bán bún chả. Được giá. Họ cho miến vụn vào nhân chả nem. Bao nhiêu cũng hết.

Một buổi hắn đang ngồi xếp lại chỗ miến cuối cùng thì Len đến. Len bảo:

– Em trốn bố mẹ em, đi được một tý thôi. Em đến chào anh. Anh Giang có về anh nói với anh ấy đừng trách em. Vĩnh biệt các anh.

Len khóc, chạy qua vườn ra cửa, không quay lại nữa.

Nguyên nhân cái tổ làm miến tan chắc chắn có phần câu chuyện của Len. Khi nghe hắn thuật lại chuyện Len đến chào, mặt Giang tái đi. Môi đã mỏng mím lại chỉ còn là một vệt thẳng. Nét mặt ấy của Giang hắn đã trông thấy ở trại Q. N, khi Giang cầm lưỡi bướm đứng trước Triều Phỉ cao lớn. Và hôm sau hắn lại thấy khi Giang làm bốc thăm chia tài sản. Có ba vật đáng giá nhất phải chia: Cái chảo gang, cái chậu nhôm, và cái chum. Tiền bán phên, bán miến đủ trả tiền bột cho chị Hiên. Hắn bốc được trúng cái chậu nhôm. Giang bốc được cái chảo gang. Và Ky: Cái chum.

Hắn nhìn theo Ky buồn bã ngơ ngác vác cái chum trên vai đi ra đường, hai bắp chân gầy cong cong của Ky bước qua vũng nước, đầu nghiêng lệch đi vì cái chum to cong đè một bên vai. Tiếng Ky rên rỉ:

– Tiền có phải vỏ don đâu.

Chờ Ky đi khuất sau bụi chuối phía ruộng muống, Giang bảo:

– Anh có lấy cái chảo làm gì không?

Hắn lắc đầu. Giang xuống bếp, cầm cả một hòn gạch ném mạnh vào chảo. “Choang”. Cái chảo vỡ vụn.

Giang trở vào ngồi ôm mặt. Hắn hút thuốc lào, lặng im. Một lúc sau Giang bảo:

– Anh em mình tính kế khác thôi.

Mỗi người tính một kế sinh nhai khác nhau.

Hắn chưa tính được kế gì thì gạo đã hết. Thao, vợ Bình xúc cho mấy bơ. Cô Linh, thủ kho chính, vợ ông đại uý đi B cho Ngọc mấy bơ. (Giờ chỉ còn Linh “goá sống” thôi. Ngọc đã có chồng ở bên rồi). Thao còn giúp được hắn nhiều hơn. Bình bảo hắn: “Mày bảo Ngọc xin giấy giới thiệu đến cửa hàng bà Thao mua giày ba-ta nhé”. Ngọc xin giấy giới thiệu mua một đôi, rồi thêm vào đó con số 0, thành mười đôi.

– Sáng mai bà Thao chờ mày ở cửa hàng. Chuẩn bị tiền, bà ấy bán cho chục đôi giày ba-ta.

Thao là kế toán ở cửa hàng mậu dịch. Ở cửa hàng ấy có bà vợ ông Lê Cộng cũng tên là Thao nên gọi là Thao phồ, vì bà to lớn. Là cửa hàng phó, bà Thao phồ là một trong những người được quyền cấp giấy cho mua hàng. Uy tín của bà còn lớn hơn cửa hàng trưởng vì bà là vợ ông Lê Cộng. Sau khi dự hội nghị bốn bên về, tiếng tăm ông lên như sóng cồn, được cả thành phố bàn tán với một niềm kiêu hãnh. Bà Thao phồ nể Thao vì bà nhờ Thao “theo dõi anh hộ chị”. (Chả là ông Cộng rất máu gái và bà Thao phồ rất ghen. Có lần ông đã rút súng bắn chỉ thiên giữa phố để dẹp bà Thao phồ đang đánh đu lấy ông mà xỉa xói). Thao, vốn là người đại hài hước và triệt để kinh doanh những phi vụ ấy, cười rinh rích thuật lại:

– Ông có biết tôi làm gì không? Thế là tôi lại đi gặp anh tôi nói: Chị đang nhờ em theo dõi anh đấy. Anh chỉ có tín nhiệm tôi quá thôi.

Thao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gián điệp hai mang. Cả anh, cả chị đều quý Thao, vì Thao không phát hiện được ở anh hành vi xấu xa đĩ bợm nào. Chị cho rằng anh đã biết sửa chữa, biết nghĩ lại và ghi cho Thao mảnh giấy: Đoàn chiền thanh xí nghiệp 10 đôi ba-ta.

Với Thao thì được đoàn chiền thanh xí nghiệp do bà viết vào một mảnh giấy trắng, còn hắn phải có giấy giới thiệu xin mua để bà Thao phồ phê duyệt ở bên lề. Có giấy rồi, vợ chồng hắn phải lo chạy tiền vốn. Hắn chẳng vay ai được. Lại Ngọc. Ngọc lên công ty, giật nóng mỗi người dăm ba đồng.

Hắn cầm tiền lên cửa hàng mua giày. Và không biết bán ở đâu. Mua được hàng đã khó. Bán được hàng lại khó nữa. Không thể ôm một bọc giày lang thang ở chợ. Người ta có thể túm lấy anh. Ông bảo vệ chợ có thể hỏi: “Này anh kia, cho xem cái bọc. Giày à? Anh lấy đâu ra số giày này? Mua à? Mua ở đâu? Chỉ cho tôi. Hàng này là hàng nhà nước. Buôn gian bán lậu hả?” Thế là người xúm lại. Đông nghịt. Chỉ có độn thổ. Cứ cho là thoát được, vào được trong chợ, rụt rè đi đi lại lại, tia những hàng vắng khách, sà vào hỏi: “Chị có mua giày ba-ta không?” Để rồi nhận được một câu trả lời khinh khỉnh: “Rẻ lắm. Mới lấy hôm qua rồi. Hôm khác đem lại nhé”. Hoặc phải mặc cả từng hào. Họ ấn bọc giày vào gầm quầy, (dù chưa ngã giá, chưa giả một đồng nào) giơ lên từng chiếc, chê bôi, lại nói to, ầm cả chợ. Bao nhiêu người qua lại nhìn mình như nhìn một con buôn (thật đáng khinh bỉ bọn buôn bán, chẳng sản xuất ra của cải vật chất, mà chỉ mua rẻ bán đắt, làm giàu). Tệ hại hơn, họ nhìn mình như nhìn một con sâu mọt, rút hàng của nhà nước.

Thật là một việc ngoài sức của hắn. Lại chính Thao đã giúp đỡ hắn. Thao hẹn hắn buổi tối sang nhà. Thao đưa hắn đi bán. Hai người đạp xe đi xa. Xa lắm. Hắn kêu lên:

– Sắp đến Phủ Lý chưa, bà Thao ơi!

Hắn phấn khởi đấy. Phấn khởi vì sắp có tiền đã hẳn. Lại phấn khởi vì có vợ chồng Bình, những người bạn không chê vào đâu được.

Thao đưa hắn đến một nhà quen có mặt hàng ở chợ Sắt, bán hàng và nhận tiền.

Thi thoảng Bình lại sang. Bình nói cách khác: Chín giờ mai lên cửa hàng gặp bà Thao. Đoàn chiền thanh xí nghiệp đấy.

Cũng như cá mè ô 5 có nghĩa là kiên trì vượt mọi khó khăn, xếp hàng mua thực phẩm của mậu dịch, Đoàn chiền thanh xí nghiệp trở thành câu nói mang nội dung lấy giấy giới thiệu ở xí nghiệp Ngọc làm, cầm lên để bà Thao phồ duyệt bán mười đôi giày ba- ta, trừ vốn đi, được lãi mười lăm đồng. Hắn đã hỏi Thao lai lịch cái chữ Đoàn chiền thanh xí nghiệp. Thao cười ngặt nghẽo:

– Ai mà biết được. Hình như có một đoàn cán bộ truyền thanh xuống cửa hàng một lần.

Hắn cãi:

– Không phải truyền thanh. Mà chiền thanh. Chiền thanh xí nghiệp. Là cái gì?

Cả Ngọc, cả Bình đều cười. Lũ trẻ cũng cười lăn. Thao nghiêm túc:

– Ông biết không. Nguyên tắc viết những loại giấy tờ này là không được rõ ràng. Càng khó đọc càng tốt. Cần là cái chữ ký, cái số lượng hàng.

Chữ ký của bà Thao phổ nguệch ngoạc, loằng ngoằng. Chắc bà học chưa quá lớp hai. Nhưng chữ ký của bà thật giá trị. Mảnh giấy con con, một hai hàng chữ xiên xẹo và chữ ký như lò-xo của bà có giá to lắm. Hơn mọi tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc mệnh giá to nhất lúc đó là tờ mười đồng, tờ cụ mượt. Tờ giấy của bà đưa cho hắn giá mười lăm, hai mươi đồng. Tờ bà đưa cho người khác có giá năm, bảy chục. Tờ bà tự viết và ký cho mình lên tới tiền trăm.

Ôi! Cái chữ đoàn chiền thanh xí nghiệp yêu quý ấy hắn đã được mấy lần. Mỗi chữ có giá trị thật cao. Vượt cả nhuận bút của Kipling chứ chơi đâu. Đến khi ấy Bình mới công nhận nhuận bút của ông thợ cắt tóc cho Bình chỉ ở hàng thứ hai. Đầu đuôi là thế này: Bình vào hiệu cắt tóc. Sau khi ngồi xuống ghế và được quàng khăn, Bình bảo ông thợ:

– Ông cắt cao lên nhé.

– Vâng. Đuổi.

Bình nhắc lại:

– Ông cắt cao cho.

– Vâng. Đuổi!

Đến khi trả tiền. Bình đưa ba hào, ông cắt tóc nhã nhặn:

– Của ông cắt đuổi. Năm hào.

Bình phải trả năm hào. Bình bảo: Đó là nhuận bút cao nhất. Một chữ hai hào.

Rõ ràng, “Đuổi, hai hào” chẳng thể nào bằng đoàn chiền thanh xí nghiệp tiền chục được.

Chỉ đáng tiếc là hắn được đoàn chiền thanh vỏn vẹn có ba lần. Hắn chỉ được hưởng hương hoa của ngành thương có ba lần. Để cấp cứu những lúc quá khó khăn mà sống.

Thế rồi một hôm Dần đến. Dần bảo Dần lập một hợp tác xã cơ khí, nhưng chưa có tài khoản.

– Giá có tài khoản thì có thể có hợp đồng làm quanh năm.

Dần rủ hắn vào hợp tác của Dần vì Dần là một trong những người sáng lập. Hắn hứa sẽ lo được tài khoản. Đó là một việc cực kỳ khó khăn. Cả thành phố chỉ có trên chục hợp tác xã được mở tài khoản. Toàn những hợp tác xã danh tiếng. Quy mô như một xí nghiệp và thực chất cũng là xí nghiệp. Đảng, tổ chức chính quyền cử người làm chủ nhiệm, làm kế toán, làm bí thư đảng uỷ. Những hợp tác xã Hồng Minh, hợp tác xã Quyết Tiến. Kiểu hợp tác xã như bọn hắn đừng hòng nghĩ đến có tài khoản ở ngân hàng.

Nhưng Dần tin ở hắn. Hắn tin ở anh Thân. Công việc thuận lợi. Anh Thân bảo hắn đến nhà ông Ngoãn, trưởng phòng thủ công khu phố.

Hắn đến con người nổi tiếng này, lòng lo lắng, dù anh Thân đã bảo: “Ngoãn đồng ý cấp giấy lên ngân hàng. Chú đến đi. Rồi ở ngân hàng có gì khó khăn, tôi nói cho”.

Hắn lo vì Ngoãn là em ruột ông Trần, vì hắn đến nhà Ngoãn với hai bàn tay trắng. Mà hắn đã nghe nói nhiều về người phụ trách thủ công khu phố này. Về phạm vi ông ta cai quản, về những hợp tác xã ăn nên làm ra. Về dòng của cải đổ vào nhà ông ta. Về thanh thế của ông Trần mà ông được hưởng. Về những dịp lễ tết, nhà ông như ngày hội. Về những người chầu chực xin gặp ông mà không được ông cho gặp v. v… Tóm lại toàn những tin đồn ghê gớm. Ông là người ghê gớm.

Hắn đến nhà ông, nhờ ông, xin ông một chuyện tày đình: Cấp tài khoản cho một hợp tác xã chưa có trụ sở, chưa có một tý máy móc, chưa ký được một hợp đồng sản xuất nào. Hắn đến ông, bao thuốc lá cũng không, chỉ mang theo một bộ mặt khó đăm đăm.

Thật may. Hắn vừa đi vào thì gặp hai người khách bước ra. Một nam, một nữ. Chỉ thoảng trông cũng biết là những người giàu có, sang trọng. Quần áo của họ rặt những thứ lý tưởng, tiêu chuẩn hoá. Nam sơ-mi xanh nhạt, quần xi-mi-li màu mực Cửu Long. Nữ quần xa tanh là phẳng, áo phin nõn. Mặt họ bừng sáng lên những nụ cười. Hai xe đạp Peugeot líp kêu giòn tanh tách. Thoảng qua hắn một làn khói thuốc thơm.

Hắn bước vào nhà ông Ngoãn, rụt rè, sợ sệt gần như tuyệt vọng, với niềm an ủi duy nhất: Chỉ có một mình ông. Khách khứa đã về hết. Hắn sẽ nói được thoải mái hơn. Kể lể khó khăn và van nài dễ hơn. Dù có bị khước từ cũng đỡ nhục nhã.

Ngoãn nhận ra hắn ngay. Chả hắn giống anh Thân. Và chắc Ngoãn vẫn nhớ lời hẹn với anh Thân, nhắn hắn đến.

Ngoãn bắt tay hắn, cái bắt tay nhiệt tình chờ đợi.

Ngoãn mời hắn ngồi xuống ghế ở hành lang cho mát.

Rồi Ngoãn vào nhà, xách ra nào bia, nào bánh ngọt, nào thuốc lá, đặt cả lên cái bàn vuông con.

Ngoãn mở bia rót ra cốc và nói với hắn một cách chân tình:

– Ông ăn đi. Uống đi. Của người ta cho tôi đấy. Tôi không mất tiền đâu mà ông sợ.

Hắn ra về với bộ mặt đỏ ửng vì bia, cái công văn của phòng thủ công nghiệp gửi ngân hàng thành phố đề nghị cho hợp tác xã Đồng Tâm được mở tài khoản đút trong túi áo sơ-mi trắng, cái áo sơ-mi anh Diệu cho mà hắn mặc rất vừa.

Hắn không ngờ Ngoãn đối với hắn nhiệt tình như vậy. Tốt và thông cảm như vậy. Ngược lại hẳn với những lời đồn đại. Hắn nghĩ: Hay là Ngoãn biết ông Trần đã gây đau khổ cho hắn. Và Ngoãn muốn làm giảm một phần nỗi đau của hắn chăng?

*

*        *

Suốt thời gian loay hoay lo tài khoản, chạy hợp đồng và thực hiện hợp đồng đầu tiên, hắn không gặp Giang. Giang lặn mất tăm. Len cũng không lại. Chẳng biết Giang sống bằng gì. Hắn đã tới nhà Giang. Không gặp mẹ Giang. Không gặp chị Hiên. Gọi “Chị Hiên” là gọi theo cách của Giang thôi. Chứ Hiên còn ít tuổi hơn hắn. Hắn chưa gặp người phụ nữ này nhưng nhà Giang có một bức ảnh Hiên phóng to treo trên tường. Đó là một thiếu phụ trẻ, ngoài ba mươi, cằm tì lên hai bàn tay đan vào nhau mềm oặt, má bầu bĩnh, cặp mắt đen và tư lự. Một ngón tay đeo nhẫn. Thõng xuống ngực một sợi dây chuyền mảnh. Một kiểu mặt khác hẳn Giang và mẹ Giang. Giang giống mẹ. Người nhỏ, mặt gầy, môi mỏng. Chắc Hiên giống bố. Hiên trong ảnh thật tương phản với chồng: Anh Tuỳ, một công nhân xây dựng hơn tuổi hắn đã nghỉ mất sức và đi xây thuê. Đầu cắt bốc, mặt đen đủi và chất phác, bàn tay nứt nẻ vì vôi vữa. Người anh lúc nào cũng toả ra mùi của các bức tường đang xây. Anh pha nước mời hắn và bảo:

– Cậu Giang đi hơn tuần nay rồi.

Lũ trẻ con chữa lại câu nói ấy:

– Đến hôm nay là đúng mười ba ngày, bác ạ.

Hắn đạp xe về, lòng nặng trĩu. Giang đi đâu? Ắt hẳn Giang lại tham gia vào một băng nào đấy. Điều đó thật nguy hiểm. Như có một cái gì đang sắp nuốt chửng lấy Giang.

“Nếu câu chuyện giữa Len và Giang thành thì đâu đến nỗi”. Hắn lại lẩm nhẩm một mình. Cái đó đã thành tật rồi. Nhưng hắn chưa biết hắn mắc thói quen ấy. Bởi vì khi hắn lẩm nhẩm là lúc hắn đắm chìm trong suy nghĩ.

“Nhưng không thể trách Len”. Hắn lại lẩm nhẩm. “Không thể trách bố

mẹ Len. Nếu có ai đáng trách thì người ấy là Giang. Mà trong chuyện này, Giang cũng không đáng trách hoặc chỉ đáng trách một phần…”

Phải đến khi bắt đầu thực hiện hợp đồng làm khay hấp mì sợi, Giang mới ở đâu về. Giang đến nhà, không gặp hắn. Hắn đang ở chỗ làm. Đó là một cái sân rộng, cũng của một anh đi tù về mà hắn và Dần quen. Giang đến, khi hắn đang ngồi xổm giữa sân giơ búa đập mạnh vào cái đột. Hắn dừng tay. Giang ngắm nghía công trình hắn đang làm dở: Một lá tôn tráng kẽm đã đục thủng những hàng lỗ tròn (phi tám) đều tăm tắp. Mấy người nữa cũng đang làm như hắn… Tiếng búa, tiếng lá tôn bị va chạm kêu nhức óc. Ngổn ngang mặt sân, những mảnh tôn tròn xoe bị đục ra như những đồng xu nhỏ. Hắn ghé sát tai Giang:

– Lặn lâu thế.

Giang ngắm nghía hắn đục một lúc, rồi bảo:

– Tối em lại nhé. Bây giờ em đi đây.

Hắn nhìn theo bóng nhỏ, gầy, dáng phong trần của Giang. Cũng giống Gorki, Giang không có tuổi thiếu niên. Từ thời thơ ấu Giang bước thẳng vào tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành. Trưởng thành trong tù đày, trong lớp người cặn bã.

Hắn lại đục tiếp. Dần đi đi về về, dốc ở túi ra những cái đột bằng sắt. Đột mới sắc, đục còn dễ. Đục được vài hàng là nó chùn lại. Hắn cảm thấy không thể đột được. Không đảm bảo kỹ thuật. Miếng tôn tròn bị cắt ra không có lối thoát. Nên nó không đứt hẳn. Nghiêm trọng hơn là đột như thế, lá tôn phẳng bị biến dạng.

Dần tần ngần:

– Phải có máy ép. Đặt lá tôn lên trên bàn ép…

Hắn dừng đột, ngắm nghía công trình của mình. Lá tôn chưa đục, phẳng là thế, đục đến đâu cong uốn lên đến đó.

– Thế này chưa chắc họ đã nhận đâu.

Dần đi. Đến chiều Dần về. Hắn và mấy nhân công thuê mượn nữa đang đục. Dần đá vào chân hắn:

– Đi đi! Đục làm chó gì. Đi với tôi.

Dần và hắn đi uống nước chè chén. Dần bảo đã tìm được một công nhân xưởng đóng tàu sẵn sàng bảo đảm hết hợp đồng cho mình.

– Nhưng còn giá cả ra sao?

Hắn lo lắng hỏi. Dần xì một tiếng:

– Bây giờ làm sao đừng để nó phạt lỡ hợp đồng là tốt lắm rồi.

Và Dần tính toán:

– Đ.mẹ. (Dần văng tục) Thằng Thăng chém mạnh quá. Mười phần trăm hợp đồng. Mất đứt với nó bốn trăm. Có thế nó mới cho ký. Nó là trưởng phòng kế hoạch mà lại…

Dần nói những con số… Tiền gia công của anh thợ xưởng đóng tàu, tiền thuế, tiền vận chuyển là vừa xoẳn.

Hắn cũng thấy cái hợp đồng sản xuất khay hấp mì sợi đâu có dễ nuốt, đối với một hợp tác xã như hợp tác xã Đồng Tâm. Tên là Đồng Tâm đấy, nhưng đâu có đồng tâm. Hợp tác xã có hơn mười xã viên, chỉ có hắn đục và Dần đi đi về về, dốc ra những cái đột. Và mấy đứa choai choai quanh xóm ra đục thuê. Những xã viên khác biến đi đâu hết. Hoá ra cũng toàn những người đi tù về, nghề nghiệp người biết, người không. Vốn liếng không. Không ai phải góp. Có công nhất là Dần, người đã đứng ra tổ chức, lo hợp đồng và hắn chạy được tài khoản.

Hắn đồng ý với Dần. Sao cho không bị phạt là tốt. Tất cả việc thu xếp chuyển hợp đồng cho anh Thọ xưởng đóng tàu, hắn mặc Dần. Hắn nghĩ: Có thể những con số Dần đưa ra chưa thật chính xác. Nhưng hoàn cảnh Dần cũng khốn nạn, có khi còn khốn nạn hơn hắn. Dần không có ai giúp đỡ. Hắn còn bố mẹ, anh em, bạn bè. Hắn mong Dần sân siu được tí chút ở cái hợp đồng này. Dần ba đào quá. Còn hắn, hắn cũng chẳng mất gì. Chỉ mất ít thời gian. Mà thời gian hắn nhiều. Lại khỏi phải nằm một mình ở nhà, suy nghĩ. Ít ra cũng có một cái gì đó để mình bận rộn, lo lắng và hy vọng.

Buổi tối hôm ấy Giang đến nhà hắn như đã hẹn. Giang thay đổi hẳn: Sơ-mi trắng là phẳng, cho vào trong quần. Quần xi-mi-li pha ni-lông màu be cũng là phẳng. Vừa trông thấy Giang, Ngọc đã reo:

– Cậu Giang. Đi đâu mà lâu thế?

– Em đi Tùng Dương, chị ạ.

– Anh đến nhà mấy lần đấy. Dạo này cậu làm ăn gì?

Giang cười: “Em nhùng nhằng”. Ngọc nhìn Giang dò xét. Nàng biết Giang chẳng có công việc gì làm ăn. Nàng thương Giang như nàng thương chồng nàng. Mỗi người một con đường đi đến tù đày. Một số phận đi đến tù đày và bây giờ cùng chung cảnh ngộ. Giang vẫy thằng Dương:

– Lại đây, cậu cho cái này.

Giang rút túi cho nó một gói nhỏ kẹo lạc. Và một cái còi. Nó đưa lên mồm thổi “toét toe”. Mắt nó sáng lên. Hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Hai đứa lớn ngừng học.

Thang Hiệp giơ tay:

– Dương, cho anh xem nào.

Thằng Dương giấu vội về phía lưng và lại đưa còi lên mồm thổi.

– Em đang làm cái này đấy, chị ạ.

Giang trỏ vào cái còi trong tay thằng Dương, bảo Ngọc.

Khi hai anh em đã xuống thang, Giang cười:

– Nói đùa đấy. Của anh Vũ em làm.

– Vũ nào?

– Con bà cô em. Anh chưa biết.

Giang đèo hắn đi chơi phố.

– Anh em mình vào đây uống nước chanh đi.

– Sang thế?

– Em có tiền.

Quán giải khát ở đầu đường Quang Trung, nơi trông ra chỗ Phúc mù chữa xe đạp ngày nào. Phúc đâu rồi? Phúc làm gì?

Họ vào trong nhà. Họ không muốn ngồi ngoài hè. Ở đó có mấy thanh niên đang uống nước. Họ muốn yên tĩnh chuyện trò.

– Len đâu?

Giang châm điếu thuốc.

– Em không gặp.

Hắn thở dài.

– Thôi, anh đừng nói chuyện ấy nữa.

Hắn biết chuyện giữa Len và Giang thế là hết. Hắn kể chuyện hắn làm hợp tác xã Đồng Tâm.

– Anh không làm được đâu.

– ……

– Hợp tác không có gì cả thì làm ăn sao được.

– Giang đi Tùng Dương thật đấy à?

– Em đi thật.

– Em làm gì trên ấy?

– Em buôn bán lằng nhằng.

– Khá không?

– Cũng được.

Đúng là trông Giang có vẻ có tiền. Ít nhất là hai anh em cũng vào quán giải khát như những người sang trọng. Giang uống nước và nhìn hắn, nhìn vẻ mặt, dáng người được đúc từ cái khuôn đúc cán bộ công nhân viên nhà nước của hắn, mà dù thế nào cũng vẫn để lại dấu tích trên con người hắn, từ cử chỉ, kiểu tóc, cách ăn mặc. Dù năm năm tù, gần một năm thất nghiệp rồi, dấu vết cán bộ vẫn chẳng phai đi.

Giang cười rinh rích:

– Trông anh giống tây (1) thật đấy.

Giang nhìn ra ngoài, chợt Giang kêu lên:

– Chết rồi, cái xe dựng đây đâu mất rồi?

Ở chỗ vỉa hè ngay trước cửa, cái xe của Giang, bóng loáng, đứng trên chân chống, không còn nữa. Hai anh em chạy vội ra.

– Em vẫn tia đấy chứ. Vừa nãy vẫn còn.

Hai người nhìn về phía đầu đường, phía cuối đường hun hút. Không. Không ai đạp xe vội vã. Có mấy người đều đi thong thả với dáng bình thường nhất.

Hắn và Giang lặng lẽ quay vào. Giang đi đến sát tường nơi dựng bốn, năm cái xe của khách.

Giang hỏi từng xe và reo lên:

– Đây rồi. Ai lại dắt vào đây.

Bà chủ quán cười xoà:

– Em dắt vào đấy cho nó gọn.

Mấy người ngồi uống nước cũng cười:

– Công nhận hai ông này bình tĩnh.

Giang giải thích:

– Căn bản là xe đi mượn mà. Nên không nhận ra.

Sau lần gặp ấy, Giang hay lại nhà hắn hơn. Trên nét mặt khó đăm đăm của Giang không hằn lên dấu hỏi to tướng: Làm gì sống đây? Giang như đã có hướng rồi. Cứ vậy mà làm. Rồi đến đâu thì đến. Chính vì thế mà hắn lo cho Giang. Lo, nhưng không dám nói, không dám hỏi. Vả lại biết khuyên Giang gì đây? Liệu có là đạo đức giả khi không tìm được một lối thoát nào cho Giang, mà chỉ đưa ra những điều thuyết lý. Lâm vào những hoàn cảnh này mới biết cuộc sống khó khăn tới mức nào.

 

 

(1) Công an.

Điều hắn nghĩ về Giang, lo về Giang đã được xác định là đúng. Điều hắn phỏng đoán đã thành sự thật. Một vòng xoáy mà Giang không thể thoát. Một hôm hắn và Bình đang ngồi nói chuyện thì Giang đến. Giang và Bình quen nhau qua hắn. Giang vác một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ lên gác, bảo hắn:

– Anh cho em gửi cái xe. Của một thằng bạn em. Nó đi tàu Hà Nội bây giờ.

Hắn gật đầu. Giang mang xe dựng vào cạnh lò sưởi.

– Em để vào đây cho gọn.

Hắn hỏi Giang khi Giang xuống thang:

– Gửi lâu không?

– Một hai ngày thôi, anh ạ.

Việc gửi đó là rất bình thường thôi, nhưng hắn và Bình nhìn nhau. Im lặng. Và hiểu. Bình cũng nghĩ như hắn: Giang lại đi đánh nghẽo. Hắn đứng dậy, lùi ra xa để nhìn cái xe đạp cũ kỹ trong toàn cảnh. Chưa bao giờ hắn nhìn thấy một đồ ăn cắp nào giá trị lớn như vậy Hắn hiểu rằng có một người nào đó vừa mất cả gia tài, mất cả cần câu cơm, phương tiện kiếm sống đây. Họ đang trình báo công an. Họ đang tìm. Họ đang nguyền rủa kẻ ăn cắp. Họ không thể biết được cái xe thân yêu, quen thuộc, trung thành của họ đang nằm ở chỗ nào đâu.

Chủ của chiếc xe này cũng giống hắn, không chăm chút, ít lau chùi, đi là đi, thế thôi… Không ai bảo ai, hắn và Bình cùng bước lại, cúi xem biển số. Ở tấm biển sắt có hàng chữ nổi: TD. Xe ở Tùng Dương. Giang chuyển địa bàn, lên Tùng Dương nhập với một băng nào đó trên đấy. Cái khoá vòng vẫn còn, nhưng ổ khoá đã bị phá, long ra. Thật vô cùng nguy hiểm. Lao vào trò này, sớm muộn cũng sa lưới. Sớm muộn cũng trở lại Hintơn. Bên cạnh nỗi lo cho Giang, hắn còn lo Ngọc và lũ trẻ biết.

– Xe của bạn cậu Giang.

Lũ trẻ tin ngay. Còn Ngọc, không hiểu Ngọc có nghi ngờ gì không. Hắn không dám hỏi. Chỉ mong Ngọc thông cảm cho hắn. Và cho Giang nữa. Cũng may Giang chỉ gửi hắn hai cái xe tất cả. Chiếc sau là xe Favorit. Cũng lại dựa vào lò sưởi, ngay góc nhà. Ai vào cũng trông thấy. Chẳng lẽ lại đắp chiếu lên xe. Không tự nhiên. Mà để trơ ra thế này, thật nguy hiểm. Đập vào mắt mọi người. Ở đời ai học được hết chữ ngờ. Có khi chính người quen của hắn lại nhận ra cái xe này của một anh bạn mới mất cách đây vài hôm. Lũ trẻ không hỏi han gì. Nhưng Ngọc nói: “Lại xe cậu Giang hở?” Hắn nhìn Ngọc, đón nhận điều trách móc. Hắn thấy Ngọc cắn môi, tránh cái nhìn của hắn.

Bình sang. Bình ngồi xổm, lặng lẽ ngắm chiếc xe. Nó chỉ là sắt thép. Nhưng Bình cảm thấy nó côi cút. Anh xót xa cho chủ nó. Đó là một chiếc xe đã cũ. Và ở bộ phận nào cũng thấy rõ bàn tay chăm sóc của người chủ xe. Xe nam. Sơn đã sứt ở một số chỗ. Những chỗ sứt đó được chấm lại cẩn thận bằng một thứ sơn gần như cùng màu. Gác-đơ-bu gãy đã được nối lại rất khéo, chắc và khít. Yên xe rách đã được khâu. Một bên pê-đan gẫy được cưa ngắn đi và làm lại, nhưng vẫn đủ cả bi, côn… Bằng chứng là khi Bình lấy tay quay cái pê-đan ngắn, nó xoay tít. Lốp đã mòn nhiều, lốp sau trơ vải, nhưng không chỗ nào bị giập, chứng tỏ lúc nào cũng được bơm căng… Phanh, chuông vẫn còn đầy đủ…

Bình đứng lên, ra bàn uống nước: “Công nhận tay này giữ cái xe tuyệt diệu”. Hắn cứ hình dung người mất xe có khuôn mặt vuông vức, dáng cao lớn như anh lái cần cẩu chân đế ở dưới nhà. Anh ta cũng có một cái Favorit cũ.

Comments are closed.